Như bạn đọc đã thấy, ngày 20 tháng 6 vừa qua, Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục đã công bố Tài liệu Làm việc cho phiên họp toàn thể đầu tiên về tính Đồng nghị vào tháng 10 này.

Trong cuộc họp báo công bố Tài liệu Làm việc này, Đức Hồng Y Mario Grech, Tổng thư ký của Thượng Hội đồng, phát biểu như sau:



"Tài liệu Làm việc không phải là tài liệu của Tòa thánh, mà là của toàn thể Giáo hội. Nó không phải là tài liệu được viết trên bàn giấy. Đó là tài liệu mà tất cả mọi người đều là đồng tác giả, mỗi người đều được mời gọi đảm nhận phần việc của mình trong Giáo hội, một cách ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Thần. [...] Qúy bạn sẽ không tìm thấy trong bản văn một lời giải thích có hệ thống mang tính lý thuyết về tính đồng nghị, mà là thành quả của một kinh nghiệm trong Giáo hội, của một hành trình trong đó tất cả chúng ta đã học được nhiều hơn bằng cách bước đi với nhau và tự hỏi về ý nghĩa của trải nghiệm này. Tôi có thể nói rằng Tài liệu Làm việc là một văn bản không thiếu tiếng nói của ai: tiếng nói của Dân Thánh Chúa; của các Mục tử, những người đã bảo đảm sự biện phân của Giáo hội bằng sự tham gia của họ; Đức Thánh Cha, người đã luôn đồng hành, nâng đỡ, khuyến khích chúng ta tiến bước. Tài liệu Làm việc cũng là cơ hội để toàn dân Chúa tiếp tục cuộc hành trình đã bắt đầu, và là cơ hội để những người cho đến nay chưa tham gia cùng tham gia”.

Về phần mình, Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, S.I., Tổng Giám mục Luxembourg và là Tổng Tường trình viên của Phiên họp Thường kỳ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục, đã nhắc lại rằng Tài liệu Làm việc
“không phải là một tài liệu, mà sau nhiều lần sửa đổi bởi các tham dự viên Thượng Hội đồng, được dự kiến sẽ dẫn đến một phiên bản cuối cùng để được biểu quyết vào cuối Thượng Hội đồng. Nó không phải là một câu trả lời tạm thời cho tất cả các câu hỏi về tính đồng nghị. Đúng hơn, nó là kết quả của quá trình Thượng Hội đồng ở tất cả bình diện, một kết quả dẫn đến nhiều câu hỏi mà các tham dự viên Thượng Hội đồng Giám mục có thể trả lời.Cấu trúc của văn bản và động lực cấu trúc của Thượng hội đồng có mối liên hệ mật thiết với nhau”.

Sau đây là bản tóm lược văn kiện dài 60 trang do Văn phòng Tổng thư ký công bố trong Phần giải đáp các câu hỏi thường gặp (FAQ):

Tiền đề

Tài liệu Làm việc bắt đầu bằng lời nói đầu ngắn gọn nhắc lại hành trình được thực hiện kể từ khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô triệu tập toàn thể Giáo hội trong Thượng hội đồng vào ngày 10 tháng 10 năm 2021. Do đó, nó kể lại các giai đoạn khác nhau mà dân Chúa trên đường đã hoàn thành.

Trước hết, việc tham khảo ý kiến của dân Chúa thuộc Giai đoạn địa phương của tiến trình Thượng Hội Đồng, một tiến trình, bắt đầu từ những bối cảnh và lãnh vực quan trọng, các Giáo hội địa phương trên khắp thế giới đã khởi xướng, trên cơ sở câu hỏi căn bản được nêu ra trong số 2 của Tài liệu Chuẩn bị (PD): «làm thế nào để 'cuộc hành trình cùng nhau' này, diễn ra ngày nay ở các bình diện khác nhau (từ bình diện địa phương đến bình diện phổ quát), cho phép Giáo hội loan báo Tin Mừng phù hợp với sứ mệnh được trao phó cho Giáo Hội; và Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta thực hiện những bước nào để phát triển như một Giáo hội đồng nghị?». Dựa trên những đóng góp của các Giáo hội địa phương, các Hội đồng Giám mục và các cơ quan hiệp thông của các Giáo hội Đông phương sui iuris [có quyền riêng] đã phân biệt, đưa ra các bản tóm tắt tạo thành cơ sở cho việc soạn thảo Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Lục địa (DCS). Giai đoạn Lục địa dựa trên việc cử hành bảy phiên họp có sự tham dự của các Giáo hội trong cùng một khu vực lục địa. Giai đoạn này giúp người ta có thể trực tiếp cảm nghiệm được tính Công Giáo của Giáo hội, một Giáo hội, trong nhiều lứa tuổi, giới tính và điều kiện xã hội, biểu lộ một sự phong phú phi thường về các đặc sủng và ơn gọi trong Giáo hội, đồng thời bảo tồn một kho tàng khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, các biểu thức phụng vụ và các truyền thống thần học. Sự giàu có này tượng trưng cho món quà mà mỗi Giáo hội địa phương cống hiến cho tất cả những người khác (x. Lumen Gentium 13). Khi giai đoạn đầu tiên kết thúc, rõ ràng là phương pháp đồng nghị lắng nghe và biện phân thực sự cho phép liên hệ và nâng cao các đoàn sủng cũng như ơn gọi trong Giáo hội mà không rơi vào sự độc dạng. Đồng thời, nó đã làm nổi bật một số căng thẳng có thể dẫn đến một sự hiệp nhất cao hơn (x. Evangelii Gaudium 221), trở thành những nguồn năng lực và không thoái hóa thành những phân cực hủy diệt. Nhưng trên hết, chúng đổi mới ý thức cho rằng việc trở thành một Giáo hội đồng nghị ngày càng đại diện cho căn tính, ơn gọi và vận mệnh của Giáo hội: cùng nhau bước đi, tức là tạo nên đồng nghị, là cách để thực sự trở thành môn đệ và bạn hữu của Vị Thầy và Chúa đã nói về mình «Ta là đường» (Ga 14:6).

Lời nói đầu tiếp tục nhấn mạnh cấu trúc và chức năng của Tài liệu Làm việc liên quan đến động lực học của Phiên họp.

Tài liệu Làm việc trước hết và trên hết là một công cụ để biện phân nhằm phục vụ các diễn biến của Thượng Hội đồng và việc chuẩn bị cho nó. Do đó, cấu trúc của Tài liệu Làm việc được mô hình hóa dựa trên động lực làm việc của nó. Các công việc sẽ được chia thành bốn thành phần nhỏ (modules), trong đó sẽ có cả các nhóm làm việc (circuli minores = các nhóm nhỏ) và các phiên họp toàn thể. Mỗi thành phần nhỏ sẽ có chủ đề là một trong các phần của Tài liệu Làm việc này.

PHẦN ĐẦU TIÊN CỦA TÀI LIỆU LÀM VIỆC - CHO MỘT GIÁO HỘI ĐỒNG NGHỊ

Phần nhỏ đầu tiên của Tài liệu Làm việc được dành cho giáo hội đồng nghị, như nó được hiểu và, trên hết, như nó được sống trong kinh nghiệm của tiến trình Thượng Hội Đồng.

Một trải nghiệm toàn diện

Kinh nghiệm là chìa khóa diễn giải cho tiến trình đồng nghị. Để hiểu phong cách của Giáo hội đồng nghị, người ta phải bắt đầu từ ý thức rằng nhân vật chính thực sự của toàn bộ tiến trình là Chúa Thánh Thần.

Những người tham gia vào tiến trình của Thượng Hội đồng đã nhìn nhận và cảm nghiệm đây là cơ hội để anh chị em gặp gỡ trong đức tin, nhờ lắng nghe nhau, họ có thể lắng nghe Chúa Thánh Thần, lớn lên trong mối dây liên kết với Chúa và trong tình yêu của họ đối với Giáo hội. Kinh nghiệm đồng nghị đã mở ra một chân trời hy vọng cho Giáo hội, một dấu chỉ rõ ràng về sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn Giáo hội xuyên suốt lịch sử trên hành trình tiến về Vương quốc. Diễn trình Thượng Hội Đồng đã cho thấy cách thức phong cách đồng nghị cấu thành không gian trong đó cách giải quyết các vấn đề của Tin Mừng đối với các vấn đề thường được nêu ra theo cách báo thù hoặc vì nó mà đời sống của Giáo hội ngày nay thiếu chỗ dành cho chấp nhận và biện phân trở nên bất khả thi.

Tiến trình đồng nghị đã cho phép - chính nhờ kinh nghiệm đồng nghị - một sự hiểu biết tốt hơn về tính đồng nghị là gì.

Do đó, một thuật ngữ trừu tượng hoặc lý thuyết như 'tính đồng nghị' đã bắt đầu được hiện thân trong kinh nghiệm cụ thể. Từ việc lắng nghe dân Chúa nảy sinh một sự tiếp nhận và hiểu biết tiệm tiến về tính đồng nghị 'từ bên trong', vốn không bắt nguồn từ việc phát biểu một nguyên tắc, một lý thuyết hay một công thức, nhưng chuyển từ sự sẵn sàng để bước vào một tiến trình năng động của việc nói năng, lắng nghe và đối thoại xây dựng, tôn trọng và cầu nguyện.

Các dấu hiệu của Giáo hội đồng nghị

Kinh nghiệm về tính đồng nghị như đã trải qua trong quá trình này giúp có thể xác định một số yếu tố có thể được coi là cấu thành của Giáo hội đồng nghị.

- Một Giáo hội đồng nghị được thành lập trên cơ sở công nhận phẩm giá chung bắt nguồn từ Bí tích Rửa tội, làm cho tất cả những ai lãnh nhận Bí tích này trở nên con cái Thiên Chúa, nên thành viên của gia đình Thiên Chúa, và do đó là anh chị em trong Chúa Kitô, được cư ngụ bởi một Thần Khí duy nhất và được sai đi để hoàn thành một sứ mệnh chung. Không thể hiểu được một Giáo hội đồng nghị nếu không ở trong chân trời hiệp thông, vốn luôn luôn có sứ vụ loan báo và nhập thể Tin Mừng trong mọi chiều kích của sự hiện hữu con người. Do đó, cần phải thiết lập một không gian - được hiểu như là các định chế, cơ cấu và thủ tục - trong đó phẩm giá chung của phép rửa tội và sự đồng trách nhiệm trong sứ mệnh không những được khẳng định, mà còn được thi hành và thực hành;

- Một Giáo hội đồng nghị là một Giáo hội lắng nghe và là một Giáo hội của sự lắng nghe: là lắng nghe Thần Khí qua việc lắng nghe Lời Chúa và lắng nghe nhau với tư cách cá nhân và giữa các cộng đồng giáo hội. Việc lắng nghe cho và nhận có một chiều sâu thần học và giáo hội chứ không chỉ có tính chức năng, theo cách Chúa Giêsu lắng nghe những người được Người gặp gỡ. Phong cách lắng nghe này được kêu gọi để đánh dấu và biến đổi mọi mối quan hệ mà cộng đồng Kitô giáo thiết lập giữa các thành viên của mình cũng như với các cộng đồng tín ngưỡng khác và với toàn xã hội, đặc biệt là với những người mà tiếng nói của họ thường bị làm ngơ nhất.

- Một Giáo hội đồng nghị là một Giáo hội khao khát trở nên khiêm tốn, và biết học hỏi nhiều điều, thừa nhận những sai lầm mình đã phạm (những khủng hoảng liên quan đến lạm dụng tình dục, kinh tế, quyền lực và lương tâm). Đó là một lời mời buớc vào một cuộc hành trình sám hối và hoán cải mở ra những con đường hòa giải, chữa lành và công lý.

- Một Giáo hội đồng nghị là một Giáo hội gặp gỡ và đối thoại, không e ngại sự đa dạng mà nó mang theo, nhưng đánh giá cao nó mà không ép buộc nó phải độc dạng. Tiến trình đồng nghị đã nhấn mạnh tầm quan trọng không chỉ của việc cổ vũ một nền nhân học tương quan vốn tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy việc chuyển từ 'tôi' sang 'chúng ta', mà còn của việc gặp gỡ và đối thoại với các niềm tin Kitô giáo khác, với các tín đồ của các tôn giáo khác, và với các nền văn hóa và các xã hội được Giáo hội gắn kết.

- Một Giáo hội đồng nghị là một Giáo hội cởi mở, chào đón và đón nhận tất cả mọi người: Giáo hội là một Giáo hội hướng ngoại, với sự hiểu biết rằng không có biên giới nào mà chuyển động này của Thần Khí không cảm thấy bị bắt buộc phải vượt qua, để thu hút tất cả mọi người vào sự năng động của nó.

- Một Giáo hội đồng nghị là một Giáo hội sẵn sàng và có khả năng giải quyết những căng thẳng mà không bị chúng đè bẹp. Đặc biệt, nó nói về việc đối đầu một cách trung thực và không sợ hãi với lời kêu gọi hiểu biết sâu sắc hơn về mối quan hệ giữa tình yêu và sự thật. Tính đồng nghị là một cách đặc biệt để hoán cải, bởi vì nó tái lập Giáo hội trong sự hiệp nhất: Giáo hội chữa lành vết thương và hòa giải ký ức của mình, đón nhận những khác biệt của mình và cứu chuộc Giáo hội khỏi những chia rẽ ngày càng trầm trọng, nhờ đó giúp Giáo hội hiện thân trọn vẹn hơn ơn gọi của mình là «ở trong Chúa Kitô như một bí tích, hoặc như một dấu chỉ và dụng cụ của cả sự kết hợp chặt chẽ với Thiên Chúa lẫn sự hiệp nhất của toàn thể nhân loại« (Lumen Gentium, n. 1).

- Một Giáo hội đồng nghị là một Giáo hội không ngừng nghỉ vì Giáo hội ý thức rằng mình dễ bị tổn thương và không trọn vẹn. Đây không phải là một vấn đề cần giải quyết, mà là một mầu nhiệm khôn thấu và thánh thiện của Thiên Chúa mà chúng ta phải luôn mở lòng đón nhận những điều ngạc nhiên của Người khi chúng ta đi xuyên qua lịch sử để hướng tới Nước Trời. Điều này cũng áp dụng cho các vấn đề mà tiến trình đồng nghị đã đưa ra ánh sáng. Bước đầu tiên, chúng đòi hỏi sự lắng nghe và chú ý, không vội vàng đưa ra các giải pháp ngay lập tức. Gánh nặng những câu hỏi này không phải là gánh nặng của cá nhân, mà là nhiệm vụ của toàn thể cộng đồng, mà đời sống tương quan và bí tích thường là câu trả lời tức thì hiệu quả nhất.

- Một Giáo hội đồng nghị cũng là một Giáo hội biện phân, trong vô số ý nghĩa mà thuật ngữ này mang trong các truyền thống tu đức khác nhau. Trở thành một Giáo hội biện phân có nghĩa là trở thành không gian cho hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng mời gọi chúng ta lớn lên trong khả năng nhận ra các dấu hiệu của nó.

Đối thoại trong Chúa Thánh Thần

Tiến trình đồng nghị đã cho phép xác định một phương pháp đồng nghị để biện phân: đàm thoại trong Chúa Thánh Thần.

Giai đoạn đầu tiên cho phép dân Chúa bắt đầu nếm trải hương vị của sự biện phân qua việc thực hành đàm thoại trong Thần Khí, một phương pháp được một số tài liệu gọi là 'đàm thoại thiêng liêng' hay 'phương pháp đồng nghị'. Phương pháp này, khi được hình thành qua việc thực hành trong các nhóm đồng nghị khác nhau, đã được trải nghiệm như một thời điểm của Lễ Hiện Xuống, như một cơ hội để cảm nghiệm mình là Giáo hội và chuyển từ lắng nghe anh chị em của chúng ta trong Chúa Kitô sang lắng nghe Chúa Thánh Thần, Đấng là nhân vật chính đích thực của tiến trình thượng hội đồng. Trên thực tế, dần dần cuộc đàm thoại giữa các anh chị em trong đức tin mở ra không gian cho việc ‘cùng nhau lắng nghe’, nghĩa là cùng nhau lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần.

Phương pháp thiêng liêng này là một phần của truyền thống lâu đời về biện phân trong Giáo hội, một truyền thống đã nói lên nhiều phương pháp và cách tiếp cận. Giá trị truyền giáo tuyệt vời của nó nên được nhấn mạnh. Thực hành tâm linh này cho phép chúng ta chuyển từ "tôi" sang "chúng ta": nó không đánh mất hoặc xóa bỏ cá nhân, chiều kích bản vị của cái “tôi”, nhưng nhận ra nó và đưa nó vào chiều kích cộng đồng.

Việc đào tạo để đàm thoại trong Chúa Thánh Thần là đào tạo để trở thành Giáo hội theo cách đồng nghị. Nó đặc biệt đòi hỏi phải đào tạo những người hỗ trợ có khả năng đồng hành cùng các cộng đồng trong việc thực hành nó.

Hiệp Thông, Truyền Giáo và Tham Gia

Tiến trình Thượng Hội đồng đã diễn ra cho đến nay đã đưa ra ba ưu tiên mà Tài liệu Làm việc minh họa liên quan đến ba từ khóa của Thượng Hội đồng: hiệp thông, truyền giáo, tham gia, với một sự thay đổi trong thứ tự của điều thứ hai. Đây là những thách thức mà toàn thể Giáo hội phải tự đo lường mình để tiến một bước và phát triển trong hữu thể đồng nghị của chính mình ở mọi bình diện và từ tính đa nguyên của nhiều quan điểm. Chúng cần được giải quyết từ quan điểm thần học và giáo luật, cũng như từ quan điểm chăm sóc mục vụ và linh đạo. Chúng đặt câu hỏi về cách thức các Giáo phận lên kế hoạch cũng như những lựa chọn và lối sống hàng ngày của mỗi thành viên dân Chúa.

Các thuật ngữ 'Sứ vụ' và 'Tham gia' đã được quyết định đảo ngược, bởi vì chính diễn trình của thượng hội đồng đã cho phép hiểu rằng việc tham gia tự nó không phải là mục đích, nhưng rút ra nguồn gốc và định hướng của nó - chính là lý do hiện hữu của nó - từ việc Hiệp thông và Sứ mệnh. Những điều vừa kể được đan xen và phản ảnh lẫn nhau, dẫn đến việc vượt ra ngoài cách hiểu nhị nguyên, trong đó các mối quan hệ trong cộng đồng giáo hội là lĩnh vực của sự hiệp thông, trong khi sứ mệnh liên quan đến động lực ad extra [hướng ra bên ngoài]. Đồng thời, tiến trình đồng nghị đã nâng cao nhận thức rằng định hướng truyền giáo là tiêu chuẩn duy nhất được thiết lập theo Tin Mừng cho việc tổ chức nội bộ của cộng đồng Kitô hữu, sự phân chia các vai trò và nhiệm vụ, cũng như việc quản lý các định chế và cơ cấu của nó. Chính trong mối tương quan với sự hiệp thông và sứ vụ, mà việc tham gia mới có thể hiểu được, và vì lý do này, nó chỉ có thể được đề cập sau hai điều kia.

Thách thức đầu tiên - Một sự hiệp thông tỏa sáng: làm thế nào để trở nên một cách trọn vẹn hơn dấu chỉ và khí cụ hiệp nhất với Thiên Chúa và hiệp nhất toàn thể nhân loại?

Trong Giáo hội, sự hiệp thông không được hiểu theo nghĩa xã hội học bản sắc hay chiến lược-tổ chức, nhưng đề cập đến nhiệm vụ, không bao giờ cạn kiệt, là xây dựng cái “chúng ta” của dân Chúa. Nó đan kết chiều dọc, điều mà Lumen Gentium gọi là «sự kết hợp với Thiên Chúa», và chiều ngang, «sự hiệp nhất của toàn thể nhân loại», trong một động lực cánh chung mạnh mẽ. Vào thời điểm đó, chúng ta nhận được một sự chờ đợi mang tính biểu tượng trong hành động phụng vụ, với sự đa dạng của các nghi thức cần được cổ vũ và bảo vệ.

Chính sự hiệp thông của Giáo hội khiến người ta có thể hiểu thượng hội đồng không có tính đại diện và lập pháp, tương tự như cấu trúc nghị viện với động lực xây dựng đa số. Đúng hơn, chúng ta được mời gọi để hiểu nó bằng cách loại suy với cộng đồng phụng vụ: theo truyền thống không gián đoạn của Giáo hội, chúng ta phải nhớ rằng thượng hội đồng được cử hành, bởi vì đó là một cuộc gặp gỡ trong đó Giáo hội tự đặt mình, trong đức tin, để lắng nghe Chúa Thánh Thần.

Trong tính cách cụ thể của thực tại lịch sử của chúng ta, việc gìn giữ và cổ vũ sự hiệp thông đòi phải đảm nhận tính bất toàn của việc có thể sống hiệp nhất trong đa dạng (x. 1Cr 12). Lịch sử tạo ra những chia rẽ, gây ra những vết thương cần được chữa lành và đòi hỏi phải tạo ra những con đường để hòa giải. Trong bối cảnh này, nhân danh Tin Mừng, những mối liên kết nào cần được củng cố để vượt qua các chiến hào và hàng rào, và những nơi trú ẩn và bảo vệ nào cần được xây dựng, và để bảo vệ ai? Những chia rẽ nào là vô dụng? Khi nào thì tính tiệm tiến làm cho con đường dẫn đến sự hiệp thông trọn vẹn thành khả hữu?

Thách thức thứ hai - Đồng trách nhiệm trong sứ mệnh: làm thế nào để chia sẻ các hồng ân và nhiệm vụ trong việc phục vụ Tin Mừng?

Truyền giáo tạo nên chân trời năng động mà từ đó chúng ta nghĩ về Giáo hội đồng nghị: nó dẫn Giáo hội ra khỏi chính mình để phóng chiếu chính mình vào thế giới. Nói cách khác, việc truyền giáo cho phép người ta lãnh nhận kinh nghiệm Ngũ Tuần: sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, các tông đồ ra khỏi nhà tiệc ly, nơi cộng đoàn tụ họp, và lên bục loan báo Chúa Giêsu đã chết và sống lại cho dân chúng Giêrusalem. Đời sống đồng nghị bắt nguồn từ cùng một động lực.

Truyền giáo không phải là tiếp thị một sản phẩm tôn giáo, mà là xây dựng một cộng đồng trong đó các mối quan hệ là biểu hiện của tình yêu Thiên Chúa và do đó chính cuộc sống của họ trở thành một lời loan báo.

Truyền giáo là cách thức mà một người thực sự thành công trong việc thu hút sự đóng góp của tất cả mọi người, mỗi người đều có tài năng và nhiệm vụ của mình. Viễn tượng truyền giáo đặt các đặc sủng và thừa tác vụ trong chân trời của điều thuộc của chung. Một Giáo hội đồng nghị truyền giáo có nhiệm vụ tự hỏi làm thế nào Giáo hội có thể nhận ra và đánh giá cao sự đóng góp mà mỗi người đã được rửa tội có thể cống hiến cho sứ mệnh, vượt ra khỏi chính mình và cùng với những người khác tham gia vào một điều gì đó lớn lao hơn.

Các bảng câu hỏi làm việc (worksheets) được liên kết với sự ưu tiên này cố gắng cụ thể hóa câu hỏi căn bản này liên quan tới các chủ đề như việc công nhận sự đa dạng của ơn gọi, các đặc sủng và thừa tác vụ, cổ vũ phẩm giá rửa tội của phụ nữ, vai trò của Thừa tác vụ Thụ phong và đặc biệt thừa tác vụ của Giám mục trong Giáo hội đồng nghị truyền giáo.

Thách thức thứ ba - Sự tham gia, quản trị và thẩm quyền. Đâu là các tiến trình, cơ cấu và định chế trong một Giáo hội đồng nghị truyền giáo?

Khi bắt đầu tiến trình thượng hội đồng (ngày 9 tháng 10 năm 2021), Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc lại rằng «Hiệp thông và truyền giáo có nguy cơ vẫn là những thuật ngữ phần nào trừu tượng nếu chúng ta không vun trồng một thực hành giáo hội nói lên tính cụ thể của tính đồng nghị trong mọi bước của hành trình và công việc, thúc đẩy sự tham gia thực sự của mỗi và mọi người» và xa hơn nữa «sự tham gia là một đòi hỏi của đức tin rửa tội».

Quan tâm đến các thủ tục, quy tắc và cấu trúc trong đó nó có thể diễn ra một cách có trật tự, cho phép sứ mệnh củng cố theo thời gian, tạo ra các định chế và loại bỏ sự hiệp thông khỏi tính tùy hứng đầy xúc cảm. Đối với chiều kích thủ tục, vốn là một điển hình về tính cụ thể, việc tham gia bổ sung thêm một mật độ nhân học hết sức có liên quan: thực vậy, nó bày tỏ mối quan tâm đối với việc nhân bản hóa các mối quan hệ ở trung tâm của dự án hiệp thông và cam kết truyền giáo. Nó bảo vệ sự độc đáo trên khuôn mặt của mỗi người, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang cái 'chúng ta' không tan hòa cái 'tôi' vào tính ẩn danh của một tính tập thể không rõ ràng. Nó bảo vệ chống lại việc rơi vào tính trừu tượng của các quyền hoặc biến con người thành những công cụ phục vụ cho hoạt động của tổ chức. Sự tham gia chủ yếu là một biểu thức của óc sáng tạo, một cách nuôi dưỡng các mối quan hệ hiếu khách, chào đón và phúc lợi của con người nằm ở trung tâm của sứ mệnh và hiệp thông.

Mối bận tâm về việc tham gia làm phát sinh ưu tiên thứ ba: vấn đề thẩm quyền, ý nghĩa của nó và cách thức thi hành quyền ấy trong một Giáo hội đồng nghị. Liên kết với câu hỏi này là câu hỏi thứ hai, có trách nhiệm quan tâm đến tính cụ thể và tính liên tục theo thời gian: làm thế nào chúng ta có thể thấm nhuần các cơ cấu và thể chế của mình với tính năng động của Giáo hội đồng nghị truyền giáo?

Tuy nhiên, Tài liệu Làm việc công nhận rằng chỉ các định chế và cấu trúc thôi thì không đủ để biến Giáo hội thành đồng nghị: Cần có một nền văn hóa và linh đạo đồng nghị được sinh động bởi mong muốn hoán cải và được duy trì bởi sự đào tạo đầy đủ.

Việc đào tạo là phương tiện không thể thiếu để biến cách thức tiến hành đồng nghị thành một mô hình mục vụ cho đời sống và hoạt động của Giáo hội. Cuối cùng, Tài liệu Làm việc nhấn mạnh sự cần thiết của một nỗ lực đổi mới ngôn ngữ được Giáo hội sử dụng: trong phụng vụ, trong việc rao giảng, trong việc dạy giáo lý, trong nghệ thuật thánh, cũng như trong tất cả các hình thức truyền thông dành cho các thành viên của Giáo hội và công chúng rộng lớn hơn, kể cả thông qua các phương tiện truyền thông mới và cũ.

PHẦN THỨ HAI CỦA TÀI LIỆU LÀM VIỆC - BẢNG CÁC CÂU HỎI LÀM VIỆC XẾP THEO CHỦ ĐỀ

Để đi kèm với việc chuẩn bị và sắp xếp công việc của Phiên họp, năm bảng câu hỏi làm việc đã được chuẩn bị cho mỗi ưu tiên. Mỗi bảng trong số này đại diện cho một cửa ngõ để xử lý vấn đề căn bản, cho phép nó được tiếp cận từ các quan điểm khác nhau nhưng bổ sung cho nhau, liên quan đến các khía cạnh khác nhau trong đời sống của Giáo hội đã xuất hiện thông qua công việc của các Phiên họp Lục địa.

B1. Một sự hiệp thông tỏa sáng: làm thế nào để trở nên một cách trọn vẹn hơn dấu chỉ và khí cụ hiệp nhất với Thiên Chúa và hiệp nhất toàn thể nhân loại?

B 1.1 Làm thế nào để việc phục vụ bác ái và dấn thân cho công lý và chăm sóc ngôi nhà chung nuôi dưỡng sự hiệp thông trong một Giáo hội đồng nghị?

B 1.2 Làm thế nào một Giáo hội đồng nghị có thể làm cho lời hứa đáng tin cậy rằng “Tình yêu và sự thật sẽ gặp nhau” (Tv 85:11)?

B 1.3 Làm thế nào để phát triển mối quan hệ năng động trao đổi ân phúc giữa các Giáo hội?

B 1.4 Làm thế nào để một Giáo hội đồng nghị có thể hoàn thành tốt hơn sứ mệnh của mình thông qua một cam kết đại kết được đổi mới?

B 1.5 Làm thế nào chúng ta có thể nhận ra và gặt hái được sự phong phú của các nền văn hóa và phát triển cuộc đối thoại với các tôn giáo dưới ánh sáng của Tin Mừng?

B2. Đồng trách nhiệm trong sứ mệnh: làm thế nào để chia sẻ các hồng ân và nhiệm vụ trong việc phục vụ Tin Mừng?

B 2.1 Làm thế nào chúng ta có thể cùng nhau tiến tới một ý thức chung về ý nghĩa và nội dung của sứ mệnh?

B 2.2 Có thể làm gì để một Giáo hội đồng nghị cũng là một Giáo hội truyền giáo "toàn thừa tác"?

B 2.3 Làm thế nào Giáo hội của thời đại chúng ta có thể hoàn thành tốt hơn sứ mệnh của mình thông qua việc công nhận và cổ vũ hơn nữa phẩm giá rửa tội của phụ nữ?

B 2.4 Làm thế nào thừa tác vụ thụ phong, trong mối quan hệ của nó với thừa tác vụ rửa tội, có thể được nâng cao trong viễn tượng truyền giáo?

B 2.5 Làm thế nào để đổi mới và thăng tiến thừa tác vụ Giám mục trong viễn tượng đồng nghị truyền giáo?

B3. Sự tham gia, quản trị và thẩm quyền. Những tiến trình, cơ cấu và định chế nào trong một Giáo hội đồng nghị truyền giáo?

B 3.1 Làm thế nào chúng ta có thể đổi mới việc phục vụ của thẩm quyền và thực thi trách nhiệm trong một Giáo hội đồng nghị truyền giáo?

B 3.2 Làm thế nào chúng ta có thể phát triển các thực hành biện phân và các tiến trình đưa ra quyết định theo cách đồng nghị đích thực, nâng cao vai trò lãnh đạo của Chúa Thánh Thần?

B 3.3 Những cấu trúc nào có thể được phát triển để củng cố một Giáo hội đồng nghị truyền giáo?

B 3.4 Làm thế nào để qui định hình dạng các điển hình của tính đồng nghị và tính hợp đoàn liên quan đến các nhóm Giáo hội địa phương?

B 3.5. Làm thế nào để củng cố định chế Thượng hội đồng để nó nói lên tính hợp đoàn giám mục trong một Giáo hội hoàn toàn đồng nghị?