1. Cha Di Noto tố giác sự bành trướng của các mạng dâm ô trẻ em

Cha Fortunato Di Noto, người sáng lập Hiệp hội Meter ở Ý, tố giác sự bành trướng của các mạng phổ biến các hình ảnh dâm ô trẻ em.

Cha Di Noto đã hoạt động từ 30 năm nay, nỗ lực góp phần bài trừ nạn lạm dụng và bạo hành trẻ em ở Ý cũng như quốc tế. Đức Thánh Cha đã hơn một lần hỗ trợ và khuyến khích công tác này của cha cũng như tiếp kiến các đại diện Hiệp hội Meter do cha sáng lập. Hồi thượng tuần tháng Năm này, cha Di Noto đã được mời đến trình bày tại khóa họp toàn thể của Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ em.

Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, trưa Chúa nhật, ngày 07 tháng Năm vừa qua, Đức Thánh Cha đặc biệt nói rằng: “Tôi chào thăm Hội Meter và người sáng lập Hội là cha Fortunato Di Noto, thi hành quyết tâm phòng ngừa và chống lại nạn bạo hành trẻ vị thành niên; hôm nay chúng ta cử hành Ngày thứ 27 các Trẻ em nạn nhân; từ 30 năm nay, Hội Meter bênh vực tuổi thơ chống nạn lạm dụng và bạo hành. Anh chị em, tôi gần gũi anh chị em và đồng hành với anh chị em bằng kinh nguyện và lòng quý mến. Anh chị em đừng bao giờ mệt mỏi vì đứng về phía nạn nhân, tại đó có Chúa Kitô Hài Đồng đang chờ đợi anh chị em, xin cám ơn!”.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican dịp đó, cha Di Noto đặc biệt tố giác hiện tượng các trang mạng ẩn (dark Web), tức là những mạng chỉ có thể truy cập được bằng phần mềm đặc biệt, cho phép người dùng và nhà điều hành trang mạng ẩn danh, không thể theo dõi được. Các mạng ẩn đặt ra những thách thức mới cho các cơ quan thực thi pháp luật trên toàn thế giới.

Cha Di Noto nói: “Hiệp hội Meter cần được hỗ trợ vì cuộc chiến chống nạn dâm ô trẻ em là một cuộc chiến chống lại hỏa ngục, chống lại một doanh nghiệp tội ác rất rộng lớn và có tổ chức rất kỹ lưỡng. Nạn bóc lột trẻ em về tình dục là một hiện tượng không phải là điều ngoài lề, vì nó có liên hệ tới nạn ấu dâm, do các tổ chức bất lương thi hành, và đang lan rộng trên thế giới. Đó không phải chỉ là một dấu chỉ coi rẻ trẻ em, nhưng còn là một doanh nghiệp có lợi nhuận rất lớn, chúng sử dụng cả các hài nhi mới sinh và các trẻ em nghèo”.

Cha cũng nói rằng Internet là nơi chủ yếu để tìm kiếm, lừa gạt các trẻ vị thành niên, đặc biệt qua các mạng xã hội, và qua đó phổ biến các tài liệu. “Trong phúc trình năm ngoái, chúng tôi đã phát hiện hàng triệu Video về hàng triệu trẻ em bị lạm dụng. Các mạng ẩn là nơi chủ yếu để phổ biến các tài liệu đó. Mạng ẩn hầu như không được người ta biết đến, nó rộng lớn gấp 700 lần so với các mạng người ta có thể truy cập thông thường. Đó là một không gian sinh động đối với các tổ chức tội ác”.

2. Tình trạng sa sút của Giáo Hội Công Giáo tại Tây Ban Nha

Theo một nghiên cứu mới nhất, số tín hữu Công Giáo hành đạo tại Tây Ban Nha xuống tới mức kỷ lục, chỉ còn khoảng một phần năm.

Kết của cuộc nghiên cứu do Viện điều tra dư luận CIS ở thủ đô Madrid thực hiện hồi tháng Tư vừa qua, cho thấy mức thực hành đạo nơi các tín hữu Công Giáo Tây Ban Nha hiện nay là 18,8%, tức là giảm 3% so với tình trạng cách đây 5 năm. Có 35% người nước này coi mình là người Công Giáo nhưng không tham dự các lễ nghi tôn giáo.

Sự sa sút này cũng phản ánh qua con số các chủng sinh. Trong năm học này, lần đầu tiên số chủng sinh toàn quốc xuống dưới mức 1.000, cụ thể là chỉ có 974 chủng sinh.

Giáo sư Rafael Ruiz Andres, giảng dạy môn xã hội học tại Đại học Complutense ở Madrid, nói rằng xu hướng đi xuống này còn tiếp tục: “Mỗi thế hệ càng bớt thực hành đạo. Thế hệ tiếp theo đây là con cái của những người không phải là tín hữu Công Giáo hành đạo. Vì thế, họ sẽ không còn là người Công Giáo và cũng chẳng hành đạo”.

Hiện nay, có một nhóm 50 tổ chức ở Tây Ban Nha, nhân kết quả những thống kê vừa nói, đang cổ võ chấm dứt các môn giáo lý tại các trường công lập. Trong một cuộc họp báo hôm 12 tháng Năm vừa qua, họ cho rằng đã đến lúc hoàn toàn phải áp dụng nguyên tắc đời trong các lớp học.

Đứng trước cuộc bỏ phiếu miền và thành thị vào ngày 28 tháng Năm tới đây tại Tây Ban Nha, các tổ chức vừa nói, trong đó có công đoàn các giáo chức, phụ huynh và học sinh, phát động chiến dịch “đưa tôn giáo ra khỏi đời sống học đường”.

3. Cuộc đấu tranh quyền lực sau con đường đồng nghị của Đức

Luke Coppen, trên tạp chí mạng The Pillar, ngày 13 tháng 5 năm 2023, cho hay: Phiên họp cuối cùng về con đường đồng nghị của Đức đã kết thúc vào tháng 3 với sự tán thành áp đảo mọi nghị quyết, trừ một nghị quyết do những người tổ chức đề xuất.

Nhưng đồng chủ tịch Irme Stetter-Karp của con đường đồng nghị đã không ăn mừng chiến thắng đó.

Ngược lại, trong một bài phát biểu ngày 5 tháng 5 trước các thành viên của Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức (ZdK) đầy quyền lực do bà lãnh đạo, bà tuyên bố rằng bà rất tức giận.

“Trong những tuần gần đây, chúng ta đang chứng kiến một Giáo hội trong đó những người đàn ông lãnh đạo đang củng cố quyền lực của họ, từ chối sự phát triển và đào sâu thêm những rạn nứt giữa Giáo hội và thế giới,” bà nói như thế tại một cuộc họp của Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức ở Munich.

Bảng liệt kê các sự kiện không được hoan nghênh của bà bao gồm việc Đức Hồng Y Arthur Roche, bộ trưởng bộ phụng vụ của Vatican, bác bỏ một nghị quyết của con đường đồng nghị tán thành việc giáo dân rửa tội thường lệ và thuyết giảng trong các Thánh Lễ.

Bà cũng trích dẫn điều mà bà gọi là “sự phỉ báng hoàn toàn phi lý” bởi “một vài giám mục” của cơ quan kế thừa con đường đồng nghị, tức ủy ban đồng nghị.

Cơ quan này bao gồm 27 giám mục giáo phận của Đức, 27 đại diện Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức và 20 đại biểu khác sẽ bắt đầu các cuộc thảo luận vào tháng 11, ngay sau phiên họp đầu tiên của thượng hội đồng về tính đồng nghị ở Rôma. Nhiệm vụ chính của ủy ban là chuẩn bị thành lập một hội đồng đồng nghị thường trực gồm giáo dân và giám mục với quyền điều hành Giáo hội ở Đức, bất chấp sự phủ quyết rõ ràng của Vatican.

Trong bài phát biểu của mình, Stetter-Karp cũng bày tỏ sự bất bình trước những phát hiện của cuộc điều tra về việc giải quyết các vụ lạm dụng ở Tổng giáo phận Freiburg. Báo cáo kết luận rằng Đức Tổng Giám Mục Robert Zollitsch đã thể hiện sự thờ ơ lạnh lùng đối với nạn lạm dụng, mặc dù nhấn mạnh rằng Giáo hội cam kết giải quyết cuộc khủng hoảng trong khi giữ chức chủ tịch hội đồng giám mục Đức từ năm 2008 đến 2014.

Stetter-Karp tuyên bố, “Tôi tức giận và bị sốc. Nhưng ngày nay rõ ràng hơn bao giờ hết: Giáo hội này với tư cách là một hệ thống quyền lực chuyên chế phải đi đến hồi kết liễu.”

Trong một dấu hiệu cho thấy quyết tâm thách thức “hệ thống duy tuyệt đối”, Stetter-Karp tuyên bố rằng Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức sẽ không còn chấp nhận một quy tắc từng ràng buộc con đường đồng nghị: là các quyết định chỉ có hiệu lực khi có sự chấp thuận của hai phần ba số giám mục.

Stetter-Karp nói rằng “kinh nghiệm học hỏi đau đớn” của con đường đồng nghị - trong đó chỉ có một bản văn không giành được 2/3 số phiếu giám mục - đã thuyết phục bà rằng quy tắc này không nên áp dụng cho các quyết định của ủy ban đồng nghị.