Giờ, Ngày, Thứ, Tháng, Năm Của Cuộc Khổ Nạn Và Sinh Thì Của Chúa Giêsu

Từ các sách Phúc Âm và những tài liệu sử của Đế Quốc La-mã (Roma), chúng ta đã có sẵn một số dữ kiện để truy ra thời điểm chính xác, từ năm, tháng, thứ, ngày, cho đến giờ Chúa chịu chết. Mời quí vị độc giả đọc chậm rãi để nhìn thấy sự chính xác đến bất ngờ như sau:

THỨ NHẤT

Các Phúc Âm đã ghi nhận rằng Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào thời của Thày Cả Thượng Phẩm có tên Cai-pha (Caiaphas). Theo thánh Mát-thêu (26:3-4): “Bấy giờ các thượng tế cùng hàng niên trưởng của dân nhóm họp tại dinh thượng tế, hiệu là Cai-pha; và họ bàn với nhau lấy mưu bắt cho được Ðức Yêsu mà giết đi.” (Bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn). Tương tự như trong Gioan (11:49-53).

Tài liệu sử cho biết Cai-pha đã làm Thày Cả Thượng Phẩm (chức cao nhất trong các thày cả, thuộc hàng tư tế) từ năm 18 AD đến 36 AD. Điều đó cũng có nghĩa Chúa Giêsu đã thọ nạn trong khoảng thời gian 18 NĂM này thôi.

THỨ HAI

Cả 4 Phúc Âm đều đồng ý rằng Chúa Giêsu bị đóng đinh theo lệnh của Pontius Pilate (Pongxiô Pilatô). Mát-thêu 27:26: “Bấy giờ ông (Pontius Pilate) tha Ba-ra-ba (Barabbas) cho họ, còn Ðức Yêsu thì ông cho đánh đòn, rồi phó nộp cho đóng đinh thánh giá.” Tương tự như trong Mác-cô (15:15), Luca (23:24), và Gioan (19:15-16).

Sách sử La-mã ghi nhận Pongxiô Pilatô làm Tổng Trấn (Governor) ở Giuđêa (Judea) từ năm 26 AD đến 36 AD. Như vậy, thời điểm của việc Chúa thọ nạn đã thu hẹp lại, chỉ trong giới hạn của những năm này, khi Pilatô làm tổng trấn Giuđêa. Nghĩa là chỉ còn trong khoảng 10 NĂM, từ 26 AD đến 36 AD, vì những năm này có sự hiện diện của cả hai nhân vật nói trên, Pilatô và Cai-pha. Các năm từ 18 đến 25 không còn giá trị nữa.

THỨ BA

Phúc Âm của thánh Luca nói rằng thánh Gioan Baotixita bắt đầu công cuộc “tiền hô” vào: “Năm (thứ) mười lăm, (thời) hoàng đế Tibêriô (Tiberius Caesar) chấp chính, Pontiô Pilatô trấn nhiệm xứ Giuđêa, Hêrôđê làm quận vương xứ Galilê, và em là Philip làm quận vương vùng Iturê và Trakhônit, và Lysania làm quận vương xứ Abilênê, dưới thời thượng tế Hanna và Cai-pha. Xảy đến lời Thiên Chúa cho Gioan, con của Giacaria trong sa mạc. Và ông đi khắp vùng xung quanh sông Gióc-đăng, rao giảng thanh tẩy hối cải để được tha thứ tội khiên.” (Luca 3:1-4).

Năm thứ 15 của thời hoàng đế Ti-bê-ri-ô, chính là năm 29 AD. Vì cả 4 Phúc Âm đều kể rằng Chúa Giêsu bắt đầu sự nghiệp rao giảng của Ngài SAU thánh Gioan Bao-ti-xi-ta, tức là sau năm 29 AD (Mát-thêu 3; Mác-cô 1; Lu-ca 3; và Gioan 1). Điều này lại giúp chúng ta thu hẹp hơn khoảng thời gian Chúa thọ nạn, để chỉ còn trong vòng có 7 NĂM. Giữa các năm 29 AD và 36 AD.

THỨ TƯ

Cả 4 Phúc Âm đều đồng ý rằng Chúa chịu đóng đinh vào hôm Thứ Sáu trong tuần. Thánh Mát-thêu 27:62: “Hôm sau, tức là Ngày Dọn Lễ (đó là ngày chuẩn bị hay ngày TRƯỚC lễ Vượt Qua), các Thượng Tế và Biệt Phái hội lại bên Pilatô.” Tương tự trong Mác-cô 15:42; Luca 23:54; và Gioan 19:42. Ngày đại lễ (Lễ Vượt Qua) này lại xảy ra trước ngày thứ nhất trong tuần, tức là ngày Chúa Nhật bây giờ, như trong Mát-thêu 28:1: “Vãn ngày Hưu Lễ (Vượt Qua): rạng ngày thứ nhất trong tuần, Maria người Mácđala và một Maria khác đến xem mồ.” Tương tự trong Mác-cô 16:2; Lu-ca 24:1; và Gioan 20:1.

Ngày “dọn lễ” là ngày người Do-thái làm tất cả những chuẩn bị cần thiết để “kiêng việc xác” vào ngày (chính lễ) hay Lễ Vượt Qua vào hôm sau (Thứ Bảy). Cho nên, họ đã nấu thức ăn và làm các việc cần khác vào hôm trước. Điều này có nghĩa, ngày “dọn lễ” là ngày THỨ SÁU.

Ngày “dọn lễ” của năm Chúa thọ nạn đã được xác định là một ngày Thứ Sáu, như vậy, chúng ta có thể loại ra tất cả những năm có lễ Vượt Qua không rơi vào ngày Thứ Bảy, (để có Thứ Sáu là ngày “dọn lễ”), trong 7 năm nói trên, từ 29 AD đến 36 AD.

Người Do-thái, thở đó, đã dùng lịch tính theo mặt trăng, hay âm lịch, nhưng không trùng với âm lịch của Việt Nam. Lễ Vượt Qua được bắt đầu vào chiều ngày thứ 14 của tháng Nisan (trong khoảng hai tháng 3 và 4 của Dương Lịch, tính theo mặt trời, hay còn được gọi là lịch Gregorian). Vì vậy, ngày này thay đổi mỗi năm trong Dương Lịch, như ngày Tết Ta của Việt Nam vậy.

THỨ NĂM

Các Phúc Âm cũng đồng ý rằng Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào dịp có lễ Vượt Qua. Mát-thêu 26:2: “Các ngươi biết sau HAI NGÀY nữa là đến lễ Vượt Qua và Con Người sẽ bị nộp để chịu đóng đinh thập giá." Tương tự trong Mác-cô 14:1; Lu-ca 22:1; và Gioan 18:39.

Những câu Phúc Âm của các thánh Mát-thêu 26:19: “Môn đồ đã làm như Ðức Yêsu truyền dạy họ, và họ đã dọn lễ Vượt Qua.” Tương tự trong Mác-cô 14:14, và Luca 22:15. Như vậy, bữa Tiệc Ly đã diễn ra vào tối hôm THỨ NĂM, như bữa tiệc mừng lễ Vượt Qua. Có thể Chúa đã muốn cùng các môn đệ mừng lễ sớm hơn, theo “giờ” của Ngài. Người Do Thái sẽ bắt đầu lễ Vượt Qua của họ lúc mặt trời lặn hôm sau, Thứ Sáu.

Điều này giúp chúng ta thu nhỏ hơn khoảng thời gian Chúa bị đóng đinh. Từ năm 29 AD đến năm 36 AD, chỉ có hai năm là có Lễ Vượt Qua bắt đầu vào tối hôm Thứ Sáu. Đó là Thứ Sáu mùng 7 tháng 4 năm 30 AD và Thứ Sáu mùng 3 tháng 4 năm 33 AD. Như vậy, ngày Chúa bị đóng đinh phải là một trong hai ngày Thứ Sáu này mà thôi.

THỨ SÁU

Phúc Âm của thánh Gioan ghi lại 3 lễ Vượt Qua trong thời gian Chúa rao giảng. Lần thứ nhất trong câu (2:13); lần thứ hai ở câu (6:4); và lần thứ ba trong câu (11:55), ngay sau ngày Chúa bị hành hình.

Điều này chứng tỏ, cuộc rao giảng của Chúa Giêsu đã kéo dài ít nhất là 2 năm. Kể cả việc tính rằng Chúa đã bắt đầu cuộc rao giảng ngay sau lễ Vượt Qua thứ nhất, rồi kéo dài tới hai lần lễ sau nữa, vẫn cho thấy một khoảng thời gian tối thiểu là 2 năm.

Như vậy, Chúa không thể thọ nạn vào năm 30 AD, vì khoảng thời gian giữa năm 29 AD (“Năm thứ 15 của Tibêriô”), là năm thánh Gioan Baotixita bắt đầu rao giảng (sau đó Chúa Giêsu mới rao giảng), và lễ Vượt Qua kế tiếp là vào năm 30 AD, hai sự kiện này chỉ kéo dài không quá một năm, trong khi chúng ta cần ít nhất là 2 năm. Như vậy năm Chúa thọ nạn, chính xác phải là NĂM 33 AD.

THỨ BẢY

Các thánh Mát-thêu (27:45-50), Mác-cô (15:34-37) và Luca (23:44-46) đều ghi lại là Chúa “sinh thì” (chết) vào khoảng “giờ thứ 9.” Vào thuở đó, người Do Thái còn bắt đầu ngày mới của họ vào lúc mặt trời lên, khoảng 6 giờ sáng, và lúc đó được kể là giờ thứ nhất. Như vậy, giờ thứ 9 là: 6 + 9 = 15 giờ hay 3 GIỜ CHIỀU.

KẾT LUẬN

Giờ, Thứ, Ngày, Tháng, và Năm mà Chúa Giêsu chịu đóng đinh và chịu chết, theo lịch Gregorian hay dương lịch, là lúc 3 giờ chiều, ngày thứ Sáu, mùng 3 tháng 4, năm 33 AD. Tuy nhiên, người ta vẫn phải nhớ rằng vì lễ Phục Sinh được tính theo âm lịch Do Thái, nên ngày này thay đổi hàng năm trong dương lịch, cũng như Tết ta vậy! (Xin xem thêm “PS” ở bên dưới).

Khi Chúa Giêsu sinh thì (thở hơi cuối cùng) trên thánh giá, lúc ấy, Ngài mới được khoảng 33 tuổi.

LM. Phaolô Nguyễn Văn Tùng (Tổng hợp)

PS. Câu hỏi: Tại sao ngày nay Giáo Hội luôn mừng lễ Chúa Phục Sinh vào một ngày Chúa Nhật?

Trả lời: Bởi vì Giáo Hội đã quyết định không theo chu kỳ Lễ Vượt Qua của người Do Thái nữa (vì những phức tạp của Âm - Dương Lịch). Thay vào đó, Giáo Hội luôn mừng Lễ Phục Sinh vào ngày Chúa Nhật thứ nhất sau rằm (trăng tròn), và sau ngày “equinox” của mùa Xuân (ta gọi là ngày “Xuân Phân”, ngày mặt trời từ Nam bán cầu đi qua Xích Đạo, lên Bắc bán cầu, khiến Bắc bán cầu ấm lên và có mùa Xuân). Đến ngày “Thu Phân”, mặt trời lại đi qua Xích Đạo để chiếu nhiều vào Nam bán cầu). Theo lịch trình này, chúng ta luôn có các Thứ Năm, Thứ Sáu, Thứ Bảy Tuần Thánh và Chúa Nhật Phục Sinh, như đã xảy ra trong tuần Thương Khó và Phục Sinh của Chúa.