Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung tại Hội trường Phaolô VI, Thứ tư, ngày 4 tháng 1 năm 2023, Đức Giáo Hoàng Phanxicô kết thúc loạt bài giáo lý nói về biện phân, nhấn mạnh tới việc đồng hành thiêng liêng. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh công bố.



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Trước khi bắt đầu bài giáo lý này, tôi muốn chúng ta cùng tham gia với những người gần chúng ta đang bày tỏ lòng kính trọng đối với Đức Bênêđictô XVI và hướng tâm trí của tôi đến ngài, một vị thầy dạy giáo lý vĩ đại. Suy nghĩ nhạy bén và có học thức của ngài không phải là tự hướng vào mình, mà là có tính giáo hội, bởi vì ngài luôn muốn đồng hành với chúng ta trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu, Đấng Chịu Đóng Đinh Phục Sinh, Đấng Hằng Sống và là Chúa, là mục tiêu mà Đức Bênêđictô XVI đã dẫn dắt chúng ta, nắm tay chúng ta. Xin giúp chúng con tái khám phá nơi Chúa Kitô niềm tin vui và niềm hy vọng sống.

Với bài giáo lý hôm nay, chúng ta kết thúc chu trình dành riêng cho chủ đề biện phân, và chúng ta làm như vậy bằng cách hoàn tất bài giảng về những phương tiện hỗ trợ có thể và phải hỗ trợ nó: hỗ trợ tiến trình biện phân. Một trong số đó là việc đồng hành thiêng liêng, điều quan trọng trước hết và trên hết là để hiểu biết về chính mình, điều mà chúng ta đã thấy là điều kiện không thể thiếu để biện phân. Nhìn vào gương một mình không phải lúc nào cũng hữu ích, bởi vì người ta có thể thay đổi hình ảnh. Thay vào đó, hãy nhìn vào gương với sự giúp đỡ của người khác, điều này sẽ giúp ích rất nhiều vì người kia nói cho anh chị em biết sự thật - khi họ trung thực - và do đó sẽ giúp ích cho anh chị em.

Ân sủng của Thiên Chúa trong chúng ta luôn hoạt động dựa trên bản chất của chúng ta. Nghĩ đến một dụ ngôn Tin Mừng, chúng ta có thể so sánh ân sủng với hạt giống tốt và bản chất với đất (x. Mc 4:3-9). Trước hết, điều quan trọng là phải làm cho chính mình được biết đến mà không sợ chia sẻ những khía cạnh mỏng dòn mong manh nhất, nơi chúng ta thấy mình nhạy cảm hơn, yếu đuối hơn hoặc sợ bị phán xét. Làm cho bản thân được biết đến, bày tỏ bản thân với một người đồng hành với chúng ta trên hành trình của cuộc sống. Không phải họ quyết định cho chúng ta, không: nhưng họ đồng hành với chúng ta. Bởi vì trên thực tế, sự mỏng dòn là của cải thực sự của chúng ta: tất cả chúng ta đều giàu có trong sự mỏng dòn; sự giàu có đích thực, mà chúng ta phải học cách tôn trọng và chào đón, bởi vì, khi nó được dâng lên Thiên Chúa, nó làm cho chúng ta có khả năng dịu dàng, thương xót và yêu thương. Khốn cho những người không cảm thấy sự mỏng dòn: họ hà khắc, độc tài. Thay vào đó, những người biết khiêm tốn thừa nhận điểm yếu của mình sẽ thấu hiểu người khác hơn. Sự mỏng dòn - tôi có thể nói - làm nên con người chúng ta. Không phải ngẫu nhiên mà cơn cám dỗ đầu tiên trong ba cơn cám dỗ của Chúa Giêsu trong sa mạc - cơn cám dỗ liên quan đến cái đói - cố gắng cướp đi sự mỏng dòn của chúng ta, cho chúng ta thấy nó như một sự dữ cần phải loại bỏ, một trở ngại để trở nên giống Thiên Chúa. Tuy nhiên, đó là kho tàng quý giá nhất của chúng ta: thực ra, để làm cho chúng ta nên giống Người, Thiên Chúa đã muốn chia sẻ trọn vẹn sự mỏng dòn của chúng ta. Anh chị em hãy nhìn lên Tượng Chịu Nạn: Thiên Chúa đã xuống thế thật mỏng dòn. Anh chị em hãy nhìn Cảnh Giáng Sinh, nơi Người đến trong sự mỏng dòn vĩ đại của con người. Người chia sẻ sự mỏng dòn mong manh của chúng ta.

Và việc đồng hành thiêng liêng, nếu biết ngoan ngoãn với Chúa Thánh Thần, sẽ giúp vạch trần những hiểu lầm thậm chí nghiêm trọng trong việc chúng ta xét mình và trong mối tương quan của chúng ta với Chúa. Tin Mừng trình bày nhiều thí dụ khác nhau về những cuộc trò chuyện làm sáng tỏ và giải phóng do Chúa Giêsu thực hiện. Chẳng hạn, anh chị em hãy nghĩ đến những cuộc trò chuyện với người phụ nữ Samaria, mà chúng ta đọc đi đọc lại, và luôn luôn có sự khôn ngoan và dịu dàng của Chúa Giêsu; anh chị em hãy nghĩ đến cuộc trò chuyện với Giakêu, anh chị em hãy nghĩ đến người phụ nữ tội lỗi, anh chị em hãy nghĩ đến Nicôđêmô và các môn đệ Emmau: cách Chúa đến gần họ. Những người thực sự gặp gỡ Chúa Giêsu thì không sợ mở lòng với Người, trình bày sự yếu đuối, sự kém cỏi, sự mỏng dòn mong manh của mình. Bằng cách này, việc chia sẻ chính mình của họ trở thành một kinh nghiệm về ơn cứu độ, về sự tha thứ được chấp nhận nhưng không.

Thuật lại trước mặt người khác những gì chúng ta đã sống hoặc những gì chúng ta đang tìm kiếm giúp làm sáng tỏ bản thân, làm sáng tỏ nhiều suy nghĩ đang ẩn tàng trong chúng ta và thường làm phiền chúng ta bằng những kiềm chế dai dẳng của chúng. Đã bao nhiêu lần, trong những thời khắc đen tối, những suy nghĩ đến với chúng ta như thế này: "Tôi đã làm sai mọi thứ, tôi vô dụng, không ai hiểu tôi, tôi sẽ không bao giờ làm được, tôi cam chịu thất bại", biết bao lần chúng ta đã nghĩ đến những điều này. Những suy nghĩ sai lầm và độc hại, so sánh với những suy nghĩ khác giúp chúng ta lột mặt nạ, để chúng ta cảm thấy được Chúa yêu thương và quý trọng vì những điều chúng ta thực sự là, có khả năng làm những điều tốt đẹp cho Người. Chúng ta ngạc nhiên khám phá ra những cách nhìn sự vật khác nhau, những dấu hiệu tốt luôn hiện diện trong chúng ta. Đúng vậy, chúng ta có thể chia sẻ những yếu đuối của mình với nhau, với người đồng hành với chúng ta trong cuộc sống, trong đời sống thiêng liêng, bất kể là bậc thầy của đời sống thiêng liêng, bất kể là giáo dân, linh mục và nói: “Hãy xem điều gì xảy ra cho tôi: Tôi là một kẻ khốn nạn, những điều này đang xảy ra với tôi. Và người đồng hành trả lời: "Vâng, tất cả chúng ta đều có những điều này", việc này giúp chúng ta làm sáng tỏ chúng và xem gốc rễ từ đâu và từ đó vượt qua chúng.

Người đồng hành nam nữ không thay thế Chúa, không làm công việc thay cho người được đồng hành, nhưng đi bên cạnh họ, khuyến khích họ giải thích những gì đánh động trong lòng họ, vốn là nơi chủ yếu để Chúa nói với chúng ta. Người hướng dẫn tâm linh, người mà chúng ta gọi là vị linh hướng – tôi không thích thuật ngữ này, tôi thích người hướng dẫn tâm linh hơn, tốt hơn – là người nói với anh chị em: "Được rồi, nhưng nhìn đây, nhìn đây", thu hút sự chú ý của anh chị em vào những điều anh chị em có thể không lưu ý; họ giúp anh chị em hiểu rõ hơn về những dấu chỉ thời đại, tiếng nói của Chúa, tiếng nói của tên cám dỗ, tiếng nói của những khó khăn mà anh chị em không thể vượt qua. Đây là lý do tại sao điều rất quan trọng là không hành trình một mình. Có một câu nói về sự khôn ngoan của người Châu Phi – bởi vì họ có nền huyền nhiệm bộ lạc – rằng: “Nếu bạn muốn đến đó nhanh chóng, hãy đi một mình; nếu bạn muốn đến nơi an toàn, hãy đi cùng những người khác”, đi cùng, đi cùng người của anh chị em. Nó quan trọng. Trong đời sống tinh thần, tốt hơn hết là được đồng hành bởi một người biết về chúng ta và giúp đỡ chúng ta. Và đây là sự đồng hành thiêng liêng.

Việc đồng hành này có thể sinh hoa trái nếu cả hai bên đều cảm nghiệm được tình nghĩa con cái và tình họ hàng thiêng liêng. Chúng ta khám phá mình là con Thiên Chúa lúc chúng ta khám phá mình là anh em, con của cùng một Cha. Đó là lý do tại sao, điều chủ yếu là phải trở thành một phần của cộng đồng hành trình. Chúng ta không đơn độc, chúng ta là người của một dân tộc, của một quốc gia, của một thành phố đang di chuyển, của một Giáo hội, của một giáo xứ, của nhóm này… một cộng đồng đang di chuyển. Người ta không đến với Chúa một mình: điều này không tốt. Chúng ta phải hiểu rõ điều này. Như trong trình thuật Tin Mừng về người bại liệt, chúng ta thường được nâng đỡ và chữa lành nhờ đức tin của người khác (xem Mc 2:1-5), họ giúp chúng ta tiến bước, bởi vì tất cả chúng ta đôi khi đều bị tê liệt nội tâm và chúng ta cần ai đó giúp đỡ để vượt qua xung đột đó, với sự giúp đỡ. Người ta không đến với Chúa một mình, chúng ta hãy nhớ kỹ điều này; những lúc khác, chúng ta là những người thực hiện cam kết này vì lợi ích của một anh chị em khác, và chúng ta là những người bạn đồng hành để giúp đỡ người đó. Nếu không có cảm nghiệm tình con cái và tình họ hàng, việc đồng hành có thể làm phát sinh những kỳ vọng không thực tế, những hiểu lầm, những hình thức phụ thuộc khiến con người rơi vào tình trạng con nít. Đồng hành, nhưng với tư cách là con cái Chúa và là anh chị em giữa chúng ta.

Đức Trinh Nữ Maria là thầy dạy biện phân: Mẹ nói ít, nghe nhiều và ghi nhớ trong lòng (x. Lc 2:19). Ba thái độ của Đức Mẹ: nói ít, nghe nhiều và giữ trong lòng. Và một vài lần ngài nói, ngài để lại dấu ấn. Chẳng hạn, trong Tin Mừng Gioan, có một câu rất ngắn do Đức Maria nói, là mệnh lệnh cho các Kitô hữu mọi thời: “Người bảo gì, anh em cứ làm” (x. 2:5). Thật lạ lùng: có lần tôi nghe nói về một bà già rất tốt, rất ngoan đạo, bà không học thần học, bà rất đơn sơ. Và bà ấy nói với tôi: “Cha có biết cử chỉ mà Đức Mẹ luôn làm là gì không?”. Tôi không biết: Ngài âu yếm bà, ngài gọi bà... "Không: cử chỉ mà Đức Mẹ làm là thế này" [bà ấy lấy tay chỉ chỉ]. Tôi không hiểu, nên tôi hỏi: "Điều ấy có nghĩa gì?". Và bà lão trả lời: "Ngài luôn hướng về Chúa Giêsu". Điều đó thật đẹp: Đức Mẹ không lấy gì cho mình, ngài chỉ về hướng Chúa Giêsu. Hãy làm những gì Chúa Giêsu nói với anh chị em: Đức Mẹ là như vậy. Đức Maria biết rằng Chúa nói với trái tim của mọi người, và yêu cầu lời nói này được chuyển thành hành động và lựa chọn. Mẹ biết cách làm điều đó hơn bất cứ ai khác, và thực sự Mẹ hiện diện trong những giây phút căn bản của cuộc đời Chúa Giêsu, đặc biệt là trong giờ cao điểm của cái chết trên thập giá.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy kết thúc loạt bài giáo lý về biện phân này: biện phân là một nghệ thuật, một nghệ thuật có thể học được và có những quy tắc riêng. Nếu được học tốt, nó giúp anh chị em sống trải nghiệm tâm linh một cách đẹp đẽ và có trật tự hơn bao giờ hết. Trên hết, sự biện phân là một hồng ân từ Thiên Chúa, một hồng ân phải luôn luôn được yêu cầu, mà không bao giờ cho rằng chúng ta là chuyên gia và tự túc tự cường. Lạy Chúa, xin ban cho con ơn biết biện phân trong những giây phút của đời sống con phải làm gì, con phải hiểu điều gì. Xin ban cho con ơn biết biện phân, và ban cho con người giúp con biết biện phân.

Tiếng nói của Chúa luôn có thể được nhận ra, nó có một phong cách độc đáo, đó là tiếng nói xoa dịu, khuyến khích và trấn an trong các khó khăn. Tin Mừng liên tục nhắc nhở chúng ta điều này: “Đừng sợ” (Lc 1:30), lời thiên thần nói với Đức Maria sau khi Chúa Giêsu sống lại mới đẹp làm sao; “đừng sợ”, “đừng sợ”, chính là phong cách của Chúa: “đừng sợ”. “Đừng sợ!”, hôm nay Chúa cũng lặp lại với chúng ta; “Đừng sợ”: nếu chúng ta tin vào lời Người, chúng ta sẽ diễn tốt trò chơi cuộc đời, và chúng ta sẽ có thể giúp đỡ người khác. Như Thánh Vịnh đã nói, Lời của Người là ngọn đèn cho các bước chân của chúng ta và là ánh sáng trên con đường của chúng ta (xem 119:105).