Những phanh phui gần đây về tác phong không chính đáng của hàng giáo sĩ khiến nhiều người Công Giáo nản lòng. Rất nhiều các giải pháp đã được đề nghị. Nhưng nhiều nơi và nhiều người chú trọng đến các khía cạnh định chế nhiều hơn mà quên phần con người. Francis X. Maier là chuyên viên nghiên cứu cao cấp về Công Giáo học tại Trung Tâm Đạo đức học và Chính sách Công đồng thời là phụ tá nghiên cứu cao cấp về Hiến pháp học tại Đại Học Notre Dame, trên First Things tuần này (https://www.firstthings.com/web-exclusives/2021/08/looking-back-to-think-forward), có cái nhìn khác thế khi đọc ba nhà cải cách Công Giáo cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16: Girolamo Savonarola, John Colet, và Egidio da Viterbo. Cả ba đều là linh mục. Mỗi người đều thấy nhiều sự thật không vui của đời sống Kitô giáo thời họ: tự mãn, tẻ nhạt, giả hình và sa đọa. Mỗi người đều cảnh cáo sẽ xẩy ra hỗn loạn nếu nhu cầu cải cách bị cả hàng ngũ giáo dân lẫn giáo sĩ làm ngơ. Và cả ba đều thấy lời cảnh cáo của họ không được ai lắng nghe cả.



Savonarola, một vị giảng thuyết dòng Đa Minh tại Florence, là người nổi tiếng nhất trong ba vị và là người gây nhiều vấn đề hơn cả. Cho đến nay, di sản của ngài, thánh thiện hay lạc giáo, nhà chính trị hoạt đầu hay nhà tiên tri thánh thiện, còn đang được tranh cãi. Có điều năm 1497, cha bị rút phép thông công, rồi bị treo cổ và xác bị thiêu đốt năm 1498.

Một chi tiết gây bối rối: Alexăng VI, vị Giáo Hoàng kết án ngài, được xếp vào hàng các Giáo Hoàng tồi tệ nhất trong lịch sử; mà các bài giảng của Savonarola lại thường xuyên nhắm vào sự xấu xa của vị này. Nhà sử học lỗi lạc của Đại Học Fordham, John Olin, mô tả vị tu sĩ Dòng Đa Minh này như “một nhà cải cách tôn giáo chân chính... mà mục đích đầy ám ảnh là phục hồi nhân đức Kitô giáo và canh tân đời sống Kitô hữu” vào thời khủng hoảng. Cuốn sách năm 1495 “Bài giảng Canh tân” về việc cải cách đời sống Công Giáo là điển hình có tính cổ điển về phong thái nẩy lửa của ngài. Án phong thánh của ngài vẫn còn đó, chưa bao giờ bị đóng cả.

Colet và Egidio cũng kêu gọi cải cách bằng những lời lẽ vẫn có sức mạnh sau 5 thế kỷ. Colet rao giảng sự cần thiết phải hoán cải cho các nhà lãnh đạo Giáo hội Anh vào năm 1512. Chỉ hai tháng sau, Egidio đã đưa ra một lời kêu gọi tương tự tại Công đồng Lateran thứ năm. Ngài cảnh cáo rằng “trừ khi nhờ Công đồng này... chúng ta buộc lòng ham muốn đầy tham lam của mình đối với những điều thuộc con người, nguồn gốc mọi tệ nạn, phải nhường chỗ cho tình yêu những điều thuộc Thiên Chúa, mọi sự sẽ kết thúc với Kitô giáo, [và] mọi sự sẽ kết thúc với tôn giáo... vì sự lơ là của chúng ta”.

Công đồng đã thực hiện một nỗ lực cải cách vụng về với một văn kiện vào năm 1514. Nỗ lực này quá ít, quá muộn màng. Martin Luther đã cho công bố 95 luận đề của mình chỉ ba năm sau đó.

Những gì xảy ra sau đó là điều có thể đoán trước được. Như nhà sử học của Đại Học Yale, Carlos Eire, đã viết:

“Sự phân mảnh của Kitô giáo là hiệu quả tức thời và lâu dài nhất của cuộc Cải cách. Sự tróc mảnh này, cùng với sự đa dạng các giáo hội và thế giới quan do nó tạo ra, đã thay đổi hoàn toàn nền văn minh phương Tây, tạo ra những không gian lớn và nhỏ để mọi lực lượng thế tục hóa vốn có tràn vào. Cuối cùng, các lực lượng khác này tăng lên cả về sức mạnh lẫn khối lượng... và chúng tràn lan từ những không gian này... biến nơi trước đây vốn là lục địa của thế giới Kitô giáo thành một quần đảo đơn thuần được bao bọc bởi làn sóng chủ nghĩa thế tục và bất tín rộng lớn và ngày càng dâng cao”.

Như những người khác đã nhận định, hố ngăn cách thập niên 1500 với ngày nay rất lớn và lịch sử không bao giờ thực sự lặp lại chính nó. Nhưng bản chất con người, và các khuôn mẫu suy nghĩ và hành vi đánh dấu nó, luôn tự lặp lại. Do đó, nhìn lại các cuộc khủng hoảng trong quá khứ có thể giúp chúng ta suy nghĩ về những thách thức của thời hiện tại và tương lai.

Trong Giáo Hội Công Giáo, như Colet đã nhấn mạnh, không có cuộc cải cách lâu dài nào có thể xảy ra nếu không có sự cam kết trong trắng đối với Tin Mừng từ phía các giáo sĩ. Các linh mục mang đặc ân và gánh nặng của thẩm quyền mục vụ. Hầu hết giáo dân yêu quý linh mục của họ, và điều này đúng. Maier đã thấy điều này được lặp đi lặp lại trong suốt 27 năm phục vụ giáo phận. Họ theo chân các linh mục thánh thiện hầu như ở bất cứ nơi đâu, với bất cứ giá nào.

Nhưng không có gì tha hóa các giáo dân trung thành một cách chắc chắn hơn khi hàng giáo sĩ vi phạm phẩm giá của ơn gọi mà họ được gọi. Nó cấp giấy phép cho các yếu đuối và tội lỗi xấu xa của chính chúng ta — bất cứ cớ để cáo lỗi nào cho các thất bại của chúng ta đều luôn được hoan nghênh — và nó củng cố kẻ hoài nghi trong chủ nghĩa hoài nghi của họ. Xin trích dẫn đức khôn ngoan của Thánh Gioan Vianney: các linh mục tồi, thì các giáo dân tồi hơn. Đây là lý do tại sao các báo cáo về hành vi sai trái của linh mục, bất kể là tình dục hoặc điều khác, có thể gây tổn hại đặc biệt.

Tuy nhiên, trước khi phàn nàn về tội lỗi của các linh mục, chúng ta, những người theo đạo Công Giáo nên nhìn vào gương soi. Phép Rửa buộc chúng ta can dự vào sự lành mạnh của đời sống Công Giáo. Chúng ta đang sống trong thời đại vốn tôn vinh ơn gọi của người giáo dân và lời kêu gọi nên thánh phổ quát. Đức Bênêđíctô XVI nhấn mạnh rằng giáo dân không chỉ đơn giản là “cộng tác viên” hoặc tín đồ trong sứ mệnh tin mừng, nhưng hoàn toàn cùng chịu trách nhiệm đối với đời sống của Giáo hội.

Nói cách khác, chúng ta là thời đại. Chúng ta tạo ra thời đại. Và nếu thời đại xem ra gặp khó khăn, gánh nặng sửa chữa nó - và trách nhiệm giúp tạo ra nó- cũng đổ lên đầu chúng ta.

Chúng ta đang sống trong một nền văn hóa giám sát ngày càng “hậu Kitô giáo”, càng thù địch mà chính chúng ta đã giúp xây dựng nên qua các thèm muốn và xao lãng của chúng ta. Chúng ta củng cố nó mỗi khi chúng ta đồng ý với quy định "tư riêng" của một ứng dụng liên mạng. Nếu các giáo sĩ Do Thái, các thừa tác viên và các linh mục có thể bị tống cổ vì tình dục hoặc các nhà ngoại giao bị tống tiền bởi việc lục lọi dữ kiện về hành vi bất chính của họ, thì bất cứ ai đọc những dòng này cũng có thể bị như vậy. Trong thế giới ngày nay, không có gì là bí mật đáng tin cậy và sự trong sạch không chỉ là một điều đức hạnh. Đó là điều cần có thông minh (để bảo vệ).

Các cố gắng ngày nay nhằm đào tạo các nhà lãnh đạo tốt hơn cho Giáo hội, quản lý các nguồn lực của Giáo hội một cách hữu hiệu hơn và lập kế hoạch cho các nhu cầu của Giáo hội trong tương lai trong một thế giới không thân thiện là điều vô cùng quan trọng. Nhưng như học giả dòng Biển Đức, Jean Leclercq, đã từng nói, “không thể có cuộc cải tổ nào của Giáo hội nếu không có sự cải cách chính các Kitô hữu”. Điều được quá khứ dạy chúng ta một cách mạnh mẽ nhất — từ cuộc cải cách của Thánh Grêgôriô thế kỷ 11, đến các cuộc phục hưng của dòng Đa Minh và dòng Phanxicô vào thế kỷ 12 và 13, đến nỗi lo lắng của các cuộc Cải cách khác nhau ở thế kỷ 16 —là việc cải cách định chế phụ thuộc vào sự cải cách mỗi cá nhân.

Giáo hội, như một cơ cấu gồm các văn phòng và thừa tác vụ, không bao giờ tự cải cách chính mình. Giáo Hội được cải tạo bởi những người đàn ông và đàn bà, những người được “tái đào tạo” bởi tình yêu của họ dành cho Chúa Giêsu Kitô; được tái tạo ngay trong kết cấu của linh hồn họ qua sự hối cải bản thân, sự hoán cải bản thân và say mê tái dấn thân cho Tin Mừng. Ở mọi thời đại, chính tâm trí đã hoán cải được Thiên Chúa sử dụng để làm mọi điều trở nên mới mẻ, bất kể trở ngại nào.

Khi thực hiện các kế hoạch chiến lược, “hoán cải” nghe có vẻ ngoan đạo một cách ngây thơ và đơn giản đến mức vô vọng. Và có lẽ như vậy thật. Nhưng nó cũng hết sức khó khăn, đó là lý do tại sao rất ít người trong chúng ta chọn làm điều đó. Tuy nhiên, cuối cùng, bài học của lịch sử chỉ là thế này: Điều cuối cùng Giáo hội cần lúc này, và ngày mai, và luôn luôn... là các vị thánh.