Liên quan tới Đáp ứng của Hội Đồng Giám Mục Úc và và Hiệp Hội Tu sĩ Công Giáo Úc đối với Phúc trình Cuối cùng của Ủy Ban Hoàng Gia Úc điều tra Đáp Ứng Định Chế đối với việc Lạm dụng Tình dục Trẻ em, công bố hồi tháng Tám năm 2018, Tòa Thánh khẳng định một lần nữa quyết tâm của mình trong việc đối đầu và diệt trừ việc lạm dụng các vị thành niên và những người dễ bị tổn thương, bất cứ nó xẩy ra ở đâu trong Giáo Hội. Đức Giáo Hoàng vốn tìm cách cổ vũ cải cách và cảnh giác ở mọi bình diện bên trong Giáo Hội và khuyến khích nỗ lực của các Giáo Hội địa phương đi theo cùng một hướng. Cam kết này vốn dẫn tới việc chấp nhận, của cả Tòa Thánh lẫn các giáo phận, các Hội Đồng Giám Mục và Viện Tu trì nhiều biện pháp rất đa dạng, được thiết kế để bảo đảm một đáp ứng thích đáng đối với các trường hợp như vậy, kể cả trên bình diện giáo luật, cũng như khuyến khích sự hợp tác với các thẩm quyền dân sự, cả quốc nội lẫn quốc tế.

Trong tinh thần ấy, Tòa Thánh muốn cung cứng các nhận xét sau đây về một số khuyến cáo của Phúc Trình Cuối cùng nói trên. Để dễ bề tham khảo, mỗi khuyến cáo trong vấn đề này được in lại dưới đây, tiếp theo là các nhận xét liên hệ, được giữ cho thật ngắn gọn.

Khuyến cáo 16.8

Vì sự an toàn của trẻ em và các đáp ứng định chế được cải thiện đối với việc lạm dụng tình dục trẻ em, Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc nên yêu cầu Tòa thánh:

a. công bố các tiêu chuẩn để lựa chọn giám mục, cả liên quan đến việc cổ vũ sự an toàn của trẻ em

b. thiết lập một diễn trình minh bạch để bổ nhiệm các giám mục bao gồm việc tham gia trực tiếp của giáo dân
.

Tòa thánh, trong nhiều nguồn được công bố, đã đưa ra diễn trình tiếp theo trong việc lựa chọn và bổ nhiệm các ứng cử viên cho chức vụ giám mục. Đặc biệt, các điều 377 & 378 của Bộ Giáo luật (CIC) cung cấp một bản tóm tắt về tiến trình đề cử và những đức tính cần có của các ứng viên. Tông thư dưới dạng tự sắc của Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, Sollicitudo omnium ecclesiarum (1969) và Sắc lệnh Episcoporum delectum, với các quy định kèm theo (1972), vẫn còn hiệu lực, phác thảo một số chi tiết về diễn trình cung cấp thông tin do các Đại diện của Giáo hoàng đảm nhiệm liên quan đến việc đề cử các giám mục. Như một phần bình thường của diễn trình đó, nam nữ giáo dân, cùng với các giáo sĩ, thường xuyên được hỏi ý kiến. Hơn nữa, các bảng câu hỏi dùng để thu thập thông tin về các vị có tiềm năng là ứng viên, trong vài năm qua, đã bao gồm các câu hỏi chuyên biệt về việc bảo vệ trẻ vị thành niên.

Đồng thời, cần lưu ý rằng thủ tục đề cử giám mục được thi hành với một sự thận trọng nhất định vì tôn trọng các ứng cử viên, những vị xét cho cùng, không hề tự giới thiệu mình cho mọi người, và để cho phép những người được hỏi ý kiến trả lời một cách ngay thẳng và tự do hết sức.

Cuối cùng, Tòa Thánh thừa nhận rằng, cũng như mọi thủ tục, các cải tiến luôn có thể thực hiện, nhất là dưới sự soi sáng của kinh nghiệm. Trong bối cảnh đó, Tòa thánh chia sẻ mối quan tâm của Ủy ban Hoàng gia rằng vấn đề an toàn trẻ em cần được xem xét một cách thích đáng trong diễn trình nhận diện các ứng viên và bổ nhiệm các giám mục.

Khuyến cáo 16.9

Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc nên yêu cầu Tòa thánh sửa đổi Bộ Giáo luật 1983 để tạo ra một bộ giáo luật mới hoặc một loạt bộ luật liên quan chuyên biệt đến việc lạm dụng tình dục trẻ em, như sau:

a. Mọi vi phạm (delicts) liên quan đến việc lạm dụng tình dục trẻ em phải được nêu rõ là tội ác theo giáo luật (canonical crimes) đến đứa trẻ, chứ không phải là những sai sót luân lý (moral failings) hoặc vi phạm 'nghĩa vụ đặc biệt' của các giáo sĩ và tu sĩ trong việc tuân giữ việc độc thân.

b. Mọi vi phạm liên quan đến việc lạm dụng tình dục trẻ em nên áp dụng cho bất cứ người nào giữ 'phẩm vị, chức vụ hoặc trách nhiệm trong Giáo hội' bất kể họ được thụ phong hay không được thụ phong.

c. Liên quan đến việc thu nhận, sở hữu hoặc phân phối hình ảnh khiêu dâm, việc vi phạm (hiện có trong Điều 6 §2 1 ° của các qui tắc sửa đổi năm 2010 đính kèm tự sắc Sacramentorum sanctitatis tutela) nên được sửa đổi để đề cập đến các vị thành niên dưới tuổi 18 tuổi, chứ không phải các vị thành niên dưới 14 tuổi.


Tòa Thánh hoan nghênh khuyến cáo này, một khuyến cáo vốn đã được xem xét trong diễn trình duyệt lại luật lệ hình sự theo giáo luật, cả tổng quát (Quyển VI của Bộ Giáo luật) lẫn chuyên biệt (Các quy tắc của Bộ Giáo lý Đức tin). Thật vậy, một số quyết định gần đây đã giải quyết, ít nhất một phần, các vấn đề được nêu trong khuyến cáo.

Tông thư dưới dạng tự sắc của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Vos estis lux mundi, ngày 7 tháng 5 năm 2019, đòi các Giáo phận và các Giáo phận Đông phương phải thiết lập các cơ chế thường trực để nhận các báo cáo về lạm dụng tình dục đối với các vị thành niên và người lớn dễ bị tổn thương, không chỉ vi phạm bởi các giáo sĩ mà còn bởi các thành viên không phải là giáo sĩ thuộc các Viện Đời sống Thánh hiến và các Hội Đời sống Tông đồ, những người cũng có thể phải chịu hình phạt. Hơn nữa, điều 1, §1 của Vos estis lux mundi mô tả những tội ác này là tội chống các vị thành niên và những người dễ bị tổn thương, chứ không phải là những vi phạm nghĩa vụ đặc biệt của giáo sĩ.

Về các tội liên quan đến nội dung khiêu dâm trẻ em, cùng Tông Thư, Vos estis lux mundi, định nghĩa trẻ vị thành niên là một người dưới 18 tuổi (Điều 1, §2). Ngoài ra, Phúc nghị ex Audientia SS.MI, ngày 3 tháng 12 năm 2019, cập nhật một số Quy tắc đính kèm Sacramentorum Sanctitatis Tutela (SST), đã sửa đổi các vi phạm liên quan đến nội dung khiêu dâm trẻ em chứa trong Điều 6 §1, 2 °, để có thể bị trừng phạt theo Giáo luật "việc thu nhận, sở hữu hoặc phân phối hình ảnh khiêu dâm vị thành niên dưới mười tám tuổi". Quyết định này có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2020.

Khuyến cáo 16.10

Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc nên yêu cầu Tòa thánh sửa đổi giáo luật để bí mật giáo hoàng không áp dụng cho bất cứ khía cạnh nào của các cáo buộc hoặc diễn trình kỷ luật giáo luật nào liên quan đến việc lạm dụng tình dục trẻ em.

Tòa thánh cũng hoan nghênh Khuyến cáo này. Trong hội nghị về "Bảo vệ các vị thành niên trong Giáo hội" được tổ chức tại Vatican từ ngày 21 đến ngày 24 tháng 2 năm 2019, với sự tham dự của Chủ tịch các Hội đồng Giám mục quốc gia và đại diện của một số Bề trên cả của Các Viện Đời sống Thánh hiến và Hội Đời sống Tông đồ, đã chú ý đáng kể đến vấn đề bảo mật các diễn trình giáo luật. Trong hội nghị, đã có sự thừa nhận rằng, dù phạm vi của Bí mật Giáo hoàng luôn là để bảo vệ các bên liên quan và tránh sự quảng cáo không cần thiết và có hại xung quanh các trường hợp tế nhị, mà trong hoàn cảnh hiện nay, thường xuyên trở thành nguồn gốc của sự hiểu lầm.

Do đó, với Chỉ thị "Về tính bảo mật của các thủ tục pháp lý" ngày 6 tháng 12 năm 2019, Đức Thánh Cha đã loại khỏi phạm vi Bí mật Giáo hoàng, các cáo buộc, diễn trình và quyết định giáo luật trong các trường hợp liên quan đến việc lạm dụng tình dục các vị thành niên và những người dễ bị tổn thương, và việc sở hữu tài liệu khiêu dâm liên quan đến các vị thành niên.

Cần lưu ý rằng tất cả những người được trao trách nhiệm thi hành các diễn trình hình sự giáo luật sẽ tiếp tục tuân theo mức độ bảo mật thích hợp liên quan đến việc thi hành chức vụ của họ. Tuy nhiên, “tính bảo mật của chức vụ” như vậy không tạo trở ngại cho việc chu toàn bất cứ nghĩa vụ báo cáo nào theo luật dân sự cũng như cho việc thi hành các yêu cầu có thể thi hành được của cơ quan tư pháp dân sự.

Khuyến cáo 16.11

Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc nên yêu cầu Tòa thánh sửa đổi giáo luật để đảm bảo rằng 'cách tiếp cận mục vụ' không phải là điều kiện tiên quyết thiết yếu để bắt đầu hành động theo giáo luật liên quan đến việc lạm dụng tình dục trẻ em.

Trong một số trường hợp trước đây, Tòa Thánh lưu ý cẩn thận các quan tâm của Ủy ban Hoàng gia liên quan đến việc sử dụng tới điều mà đôi khi người ta gọi một cách sai lầm là "cách tiếp cận mục vụ".

Về phương diện này, cần phải nhấn mạnh rằng cả Bộ Giáo luật lẫn các quy tắc đặc thù của Bộ Giáo lý Đức tin đều yêu cầu rõ ràng rằng vị bản quyền phải tiến hành một cuộc điều tra sơ khởi khi được thông báo về một vi phạm bị nghi ngờ. Để củng cố nguyên tắc này, Tự sắc gần đây, Vos Estis Lux Mundi đã đặt để các biện pháp trừng phạt đối với các cấp bề trên trong giáo hội, những người bằng "hành động hoặc bỏ sót, can thiệp hoặc né tránh các cuộc điều tra dân sự hoặc giáo luật, bất luận là hành chính hay hình sự" liên quan đến những vi phạm nghiêm trọng này.

Liên quan đến việc bắt đầu một cuộc điều tra hoặc một diễn trình hình sự, một số người, một cách không chính xác, cho rằng một số nguyên tắc nào đó trong Bộ Giáo luật cho phép các lựa chọn thay thế cho diễn trình giáo luật đối với các vi phạm lạm dụng tình dục, bằng cách trích dẫn thí dụ, các phần "Các cách tránh các phiên xử " và "Áp dụng hình phạt ".

Chủ trương này bỏ qua nguyên tắc đã được nêu rõ ràng rằng các lựa chọn thay thế như vậy "không thể được sử dụng một cách hợp lệ trong các vấn đề liên quan đến thiện ích công cộng" (CIC, điều 1715 §1). Vì những tội ác nghiêm trọng đang được xem xét thực sự ảnh hưởng đến công ích, vì chúng xúc phạm công lý một cách nặng nề và gây tổn thương lớn lao cho cộng đồng tín hữu, chúng phải là chủ đề của một diễn trình hình sự giáo luật (tư pháp hoặc hành chính), chính là để khôi phục công lý, cải tạo người phạm tội và bảo vệ các tín hữu khỏi bị tổn hại thêm.

Khuyến cáo 16.12

Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc nên yêu cầu Tòa thánh sửa đổi giáo luật để loại bỏ giới hạn thời gian (thời hiệu) bắt đầu các hành động giáo luật liên quan đến việc lạm dụng tình dục trẻ em. Sửa đổi này nên áp dụng hồi tố.

Khuyến cáo đề cập đến một vấn đề từng là chủ đề của một duyệt xét đáng kể trong những năm gần đây. Ngay từ năm 2001, những thay đổi đã được thực hiện đối với luật lệ chứa trong Bộ Giáo luật khi Sacramentorum santitatis tutela (SST) nới dài thời hiệu đối với các tội phạm được đề cập tới 10 năm. Trong tái duyệt xét SST năm 2010, thời hiệu đã được tăng lên 20 năm, kể từ sinh nhật thứ 18 của nạn nhân. Ngoài ra, Bộ Giáo lý Đức tin đã được ban năng quyền giảm thời hiệu trên căn bản từng trường hợp một, một năng quyền mà Thánh bộ tiếp tục sử dụng bất cứ khi nào thích hợp.

Tuy nhiên, cần ghi nhớ rằng định chế thời hiệu có nguồn gốc cổ xưa, trong cả hệ thống giáo luật lẫn dân luật. Thực thế, việc bãi bỏ nó hoàn toàn có thể dẫn đến nhiều khó khăn cho việc quản lý công lý một cách đúng đắn vì trí nhớ có thể sai lầm theo thời gian và thiếu bằng chứng liên quan đến các sự kiện trong quá khứ xa xôi khiến cho việc đạt được mức độ chắc chắn cần thiết đối với thủ tục tố tụng hình sự trở nên khó khăn.

Khuyến cáo 16.13

Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc nên yêu cầu Tòa thánh sửa đổi thử nghiệm 'việc có thể qui tội’ (imputability) trong giáo luật để việc chẩn đoán ấu dâm không liên quan đến việc truy tố hoặc hình phạt đối với một vi phạm giáo luật liên quan đến việc lạm dụng tình dục trẻ em.

Liên quan đến vấn đề qui tội và sự liên quan của nó như là một nhân tố trong các diễn trình giáo luật, cần nhấn mạnh rằng cả Bộ Giáo luật Bộ Giáo luật của các Giáo hội Đông phương (CCEO) đều nêu rõ nguyên tắc căn bản này rằng việc qui tội được giả định trong bất cứ sự vi phạm luật bên ngoài nào (CIC điều 1321, §3; CCEO điều 1414). Việc truy tố theo giáo luật một vi phạm không bị loại trừ bởi chẩn đoán y khoa hoặc tâm lý.

Tuy nhiên, cũng như trong nhiều hệ thống luật hình sự khác, Giáo luật cho phép các yêu sách liên quan đến việc giảm thiểu tính có thể bị qui tội được khảo sát thích đáng trong diễn trình tố tụng (CIC các điều 1322 - 1324).

Khuyến cáo 16.14

Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc nên yêu cầu Tòa thánh sửa đổi giáo luật để đem hiệu lực cho các Khuyến cáo 16.55 và 16.56.

Khuyến cáo 16.55
Bất cứ người nào trong thừa tác vụ tôn giáo, bị khiếu nại lạm dụng tình dục trẻ em và được chứng minh dựa trên sự cân bằng của các xác suất, có liên quan đến các nguyên tắc trong vụ Briginshaw chống Briginshaw, hoặc bị kết án tội liên quan đến việc lạm dụng tình dục trẻ em, phải bị loại vĩnh viễn khỏi thừa tác vụ. Các định chế tôn giáo cũng nên thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ngăn cấm một cách hữu hiệu người đó tự trình bầy mình, dưới bất cứ hình thức nào, như là người có thẩm quyền tôn giáo.

Khuyến cáo 16.56

Bất cứ người nào trong thừa tác vụ tôn giáo bị kết án về tội liên quan đến việc lạm dụng tình dục trẻ em phải:

a. trong trường hợp là linh mục và tu sĩ Công Giáo, bị loại khỏi chức linh mục và / hoặc bị miễn khỏi lời khấn tu sĩ của họ.


Tòa thánh đã từ lâu nhấn mạnh rằng ''không có chỗ nào trong chức linh mục và đời sống tu sĩ cho những ai có thể làm hại giới trẻ" (Thánh Gioan Phaolô Il, Diễn văn với các Hồng Y Hoa Kỳ, ngày 23 tháng 4 năm 2002). Đồng thời, một chủ trương như vậy không loại trừ quyền được xét xử công bằng và khách quan, cũng như việc được suy đoán là vô tội, cũng như không loại trừ các nguyên tắc về tính hợp pháp và tương xứng giữa tội phạm và hình phạt.

Nên nhắc lại rằng việc lạm dụng tình dục các vị thành niên là một tội ác trong cả luật dân sự lẫn luật giáo hội. Trách nhiệm dân sự và hình sự của các cá nhân gây ra tội phạm đó là vấn đề đối với luật lệ của Quốc gia nơi tội ác được thực hiện. Tập chú vào khía cạnh giáo hội của tội ác, Giáo luật tìm cách trừng phạt kẻ phạm tội vì những tổn hại đáng kể họ đã gây ra và để bảo vệ các tín hữu khỏi bị tổn hại thêm.

Đồng thời, không thể thờ ơ đối với việc hoán cải của tội nhân, vì mục tiêu căn bản là sự cứu rỗi các linh hồn.

Liên quan đến tiêu chuẩn để kết tội trong một diễn trình tư pháp, truyền thống lâu đời của tư duy giáo luật về các nguyên tắc pháp lý quan yếu, như đã được lồng vào Bộ Giáo luật, đòi hỏi thẩm phán phải có "sự chắc chắn tinh thần" khi đưa ra phán quyết. Sự chắc chắn tinh thần như vậy được dẫn khởi từ các hành vi và bằng chứng của vụ kiện (CIC, điều 1608; CCEO điều 1291).

Nguyên tắc chắc chắn tinh thần muốn nói lên sự cần thiết phải tôn trọng cả suy đoán vô tội lẫn châm ngôn pháp lý cổ xưa "in dubio pro reo" (nghiêng về bị cáo nếu hoài nghi).

Đối với những người bị sa thải khỏi bậc giáo sĩ hoặc viện tu trì của họ, họ bị minh nhiên nghiêm cấm tự trình bầy mình như là giáo sĩ hay hành động trong bất cứ vai trò thừa tác nào.

Khuyến cáo 16.15

Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc và Hiệp hội Tu sĩ Công Giáo Úc, với sự tham khảo Tòa Thánh, nên xem xét việc thành lập một tòa án Úc để xét xử các vụ kỷ luật theo giáo luật đối với các giáo sĩ; những quyết định của tòa án này có thể được kháng án lên Tông tòa Tối cao (Apostolic Signatura) theo cách thông thường.

Đề nghị thành lập các tòa án hình sự địa phương đang được xem xét. Trong thực hành hiện nay của Bộ Giáo lý Đức tin, cơ quan có năng quyền độc hữu đối với mọi trường hợp liên quan đến các giáo sĩ, các tòa án địa phương đã đóng một vai trò quan trọng, vì chúng thường được yêu cầu hướng dẫn các trường hợp cá thể. Tuy nhiên, một số vấn đề xung quanh khuyến cáo này cần được xem xét cẩn thận. Thí dụ, với sự bao trùm của Giáo hội trên toàn thế giới và các điều kiện rất khác nhau hiện hữu giữa các quốc gia, việc sẵn có các nguồn lực để thành lập các tòa án hình sự và sự hiện diện của các nhân sự được chuẩn bị thỏa đáng cho các tòa án như vậy phải được lượng giá.

Khuyến cáo 16.16

Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc nên yêu cầu Tòa thánh đưa ra các biện pháp để bảo đảm rằng các thánh bộ và các tòa phúc thẩm giáo luật luôn công bố các quyết định trong các vụ kỷ luật liên quan đến việc lạm dụng tình dục trẻ em, và cung cấp lý do bằng văn bản cho các quyết định của họ. Việc công bố nên diễn ra kịp thời. Trong một số trường hợp, điều có thể thích hợp là ngăn chặn thông tin có thể dẫn đến việc nhận dạng nạn nhân.

Khuyến cáo này liên quan đến vấn đề Bí mật Giáo hoàng đã đề cập trong Khuyến cáo16.10. Như đã lưu ý ở đó, Chỉ thị ngày 6 tháng 12 năm 2019 đã sửa đổi các điều khoản liên quan đến Bí mật Giáo hoàng, hiện không còn áp dụng cho các cáo buộc, diễn trình và quyết định liên quan đến các vụ đụng đến lạm dụng tình dục trẻ em. Tuy nhiên, như Khuyến cáo tự công nhận, việc công bố các quyết định trong các trường hợp cá thể cần được đánh giá trên cơ sở nghĩa vụ bảo vệ tiếng thơm, hình ảnh và quyền riêng tư của mọi người có liên quan, bao gồm đặc biệt các nạn nhân. Trong tương lai, những đánh giá như vậy sẽ được thực hiện dựa trên Chỉ thị nói trên.

Khuyến cáo 16.17

Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc nên yêu cầu Tòa thánh sửa đổi giáo luật để loại bỏ đòi hỏi tiêu hủy các tài liệu liên quan đến các vụ án hình sự theo quy luật trong các vấn đề luân lý, trong đó, giáo sĩ bị tố cáo đã chết hoặc mười năm đã trôi qua từ bản án kết án. Để cho phép nạn nhân triển hạn việc tiết lộ vụ lạm dụng và xem xét các thời hiệu cho các vụ kiện dân sự đối với hành vi lạm dụng tình dục trẻ em, đòi hỏi tối thiểu phải lưu giữ các hồ sơ trong các văn khố mật ít nhất là 45 năm.

Tòa Thánh lưu ý rằng Khuyến cáo này cần được xem xét dựa trên các đòi hỏi được đặt ra bởi các khu vực tài phán khác nhau của luật dân sự liên quan đến cả việc bảo quản các văn khố lẫn quyền riêng tư của những người liên quan. Vì các đòi hỏi như vậy thường khác nhau và thậm chí đôi khi mâu thuẫn giữa các pháp quyền khác nhau, cách tiếp cận do Ủy ban Hoàng gia đề nghị có thể không thực hành được trong mọi trường hợp.

Hơn nữa, cần lưu ý rằng phạm vi luật lệ hiện hành áp dụng cho mọi "vụ án hình sự trong các vấn đề luân lý" chứ không chỉ trong các vụ việc liên quan đến giáo sĩ mà thôi (CIC, điều 489; CCEO, điều 259). Điều khoản liên quan đến việc tiêu hủy các tài liệu chỉ áp dụng trong trường hợp ''trong đó, các bên có tội đã chết hoặc mười năm đã trôi qua kể từ bản án kết án", nghĩa là, chỉ trong những trường hợp đã được kết thúc bằng bản án của tòa án hoặc đã được kết liễu bằng cái chết. Cần lưu ý rằng ngay cả khi tài liệu bị hủy, "bản tóm tắt ngắn gọn về những gì đã xảy ra cùng với nội dung của bản án cuối cùng phải được lưu giữ" (CIC, điều 489, §2; CCEO, điều 259, §2).

Khuyến cáo 16.18

Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc nên đề nghị Tòa thánh xem xét việc du nhập lối sống độc thân tự nguyện cho các giáo sĩ giáo phận.

Trong khi chấp nhận thiện chí của Ủy ban Hoàng gia trong việc đưa ra Khuyến cáo này, Tòa thánh muốn nhấn mạnh giá trị to lớn của đời sống độc thân và thận trọng chống lại việc giản lược nó xuống mức chỉ xem xét thực tế. Thật vậy, cần phải nhắc lại rằng việc thực hành đời sống độc thân của giáo sĩ có nguồn gốc rất xa xưa, nó phát triển theo kiểu mô phỏng lối sống do chính Chúa Giêsu Kitô lựa chọn và không thể hiểu được nó ở bên ngoài luận lý học của đức tin và sự lựa chọn của một đời sống tận hiến cho Thiên Chúa. Đó là một vấn đề liên quan đến quyền tự do tôn giáo, nghĩa là, quyền tự do của Giáo hội được tổ chức đời sống nội bộ của mình theo cách phù hợp với các nguyên tắc của đức tin và quyền tự do của mỗi cá nhân trong việc lựa chọn hình thức sống này.

Đối với bất cứ khẳng định nào về mối liên hệ giữa độc thân và lạm dụng tình dục, rất nhiều bằng chứng chứng minh rằng không một nguyên nhân và kết quả trực tiếp nào hiện hữu cả. Đáng buồn thay, bóng ma lạm dụng xuất hiện khắp các thành phần và loại hình xã hội, và cũng được tìm thấy trong các nền văn hóa nơi mà việc sống độc thân hầu như không được biết đến hoặc thực hành, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhận xét khi kết thúc hội nghị về bảo vệ các vị thành niên trong Giáo hội, được tổ chức tại Vatican từ 21 đến 24 tháng Hai, 2019. Và, như Đức Thánh Cha nhắc lại vào dịp đó: "Ở đây một lần nữa, tôi xin nói rõ ràng: nếu trong Giáo hội chỉ xuất hiện dù một trường hợp lạm dụng - tự nó đã tượng trưng một sự tàn bạo ghê gớm - thì trường hợp đó sẽ đuợc đối đầu một cách nghiêm túc tối đa".

Khuyến cáo 16.26

Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc nên tham khảo ý kiến của Tòa thánh và công khai hóa mọi lời khuyên nhận được, để làm rõ liệu:

a. thông tin nhận được từ một đứa trẻ trong bí tích hòa giải rằng em đã bị lạm dụng tình dục có được che đậy bằng ấn tín giải tội hay không

b. một người, trong bí tích hòa giải, thú tội mình vi phạm việc lạm dụng tình dục trẻ em, việc tha tội có thể và nên được giữ lại cho đến khi chính họ tự báo cáo với chính quyền dân sự hay không
.

Với Lưu Ý (Note) của mình về tầm quan trọng của tòa trong và tính bất khả xâm phạm của ấn tín bí tích, công bố ngày 29 tháng 6 năm 2019, Tông Tòa Xá giải (Apostolic Penitentiary) đã cung cấp những chỉ dẫn hữu ích để đạt được một câu trả lời có cân nhắc cho các câu hỏi được nêu ra trong Khuyến cáo này. Ngay lập tức phải nhìn nhận rằng vấn đề ấn tín tòa giải tội là một trong những điều hết sức tế nhị và nó liên quan mật thiết đến kho tàng thánh thiêng nhất của đời sống Giáo hội, nghĩa là đến các bí tích.

Lưu Ý nói trên lặp lại truyền thống thủy chung của Giáo hội liên quan đến ấn tín giải tội, bằng cách nhắc nhớ rằng: "Vị giải tội không bao giờ được phép, vì bất cứ lý do gì, 'phản bội hối nhân bất cứ cách nào, bằng lời nói hay bằng bất cứ cách nào' (điều 983, §1), cũng như 'vị giải tội bị cấm hoàn toàn không được sử dụng kiến thức thu được từ việc xưng tội để gây tổn hại cho hối nhân, ngay cả khi bất cứ nguy cơ tiết lộ nào đã bị loại trừ' (điều 984, §1)". Lưu Ý đã minh xác một cách hữu ích phạm vi của ấn tín, bao gồm: "mọi tội lỗi của cả hối nhân lẫn những người khác được biết đến từ lời xưng tội của hối nhân, cả tội trọng lẫn tội nhẹ, cả tội bí mật lẫn tội công khai, như được biểu lộ liên quan đến sự xá tội và do đó được vị giải tội biết đến nhờ sự hiểu biết trong bí tích". Bản Lưu Ý phát biểu giáo huấn lâu đời và liên lỉ của Giáo hội về tính bất khả xâm phạm của ấn tín bí tích, như một điều đuợc bản chất của bí tích đòi hỏi và do đó bắt nguồn từ Luật Thiên Chúa. Thí dụ, hãy xem: Công đồng chung Lateran lần thứ tư (1215), Cost. 21; Đức Giáo Hoàng Clement VIII, Sắc lệnh Ad omnes superiores regulares (1593); Sắc lệnh S. Officii (1682); Đức Giáo Hoàng Benedict XIV, Breve Suprema omnium ecclesiarum (1745).

Tuy nhiên, dù linh mục buộc phải hết sức thận trọng giữ ấn tín tòa giải tội, nhưng chắc chắn, và thực sự trong một số trường hợp nhất định, vị linh mục nên khuyến khích nạn nhân tìm kiếm sự giúp đỡ ở bên ngoài tòa giải tội hoặc khi thích hợp, báo cáo trường hợp lạm dụng cho các cơ quan chính quyền.

Liên quan đến việc xá tội, vị giải tội phải xác định rằng các tín hữu thú nhận tội lỗi của họ thực sự hối hận về chúng và có quyết tâm sửa đổi (xem CIC, điều 959). Thực vậy, vì sự ăn năn là trọng tâm của bí tích này, nên việc xá tội chỉ có thể được giữ lại nếu vị giải tội kết luận rằng hối nhân thiếu sự ăn năn cần thiết (xem CIC, điều 980). Như thế, việc xá tội không thể tùy thuộc các hành động trong tương lai ở tòa ngoài.

Cũng cần nhắc lại rằng tòa giải tội tạo cơ hội - có lẽ là cơ hội duy nhất - cho những người đã lạm dụng tình dục thừa nhận sự kiện. Lúc đó, vị giải tội có thể có khả năng tư vấn và thực sự khuyên nhủ hối nhân, thúc giục họ ăn năn, sửa đổi đời sống và khôi phục công lý. Tuy nhiên, nếu trở thành một thông lệ để các vị giải tội tố cáo những người đã thú nhận tội lạm dụng tình dục trẻ em, thì không một hối nhân nào như vậy sẽ tiếp cận bí tích và một cơ hội quý báu để ăn năn và cải tạo sẽ mất đi.

Cuối cùng, điều tối quan trọng là các chương trình đào tạo cho các vị giải tội bao gồm việc phân tích chi tiết luật Giáo hội, gồm cả ''Lưu Ý" của Tông Tòa Xá Giải, cùng với các điển hình thực tế để hướng dẫn các linh mục liên quan đến các vấn đề và tình huống khó hiểu có thể phát sinh. Những vấn đề này có thể bao gồm, thí dụ, các nguyên tắc hướng dẫn loại đối thoại mà một vị giải tội nên có với một người trẻ tuổi đã bị lạm dụng hoặc có vẻ dễ bị lạm dụng, cũng như với bất cứ người nào thú nhận đã lạm dụng một vị thành niên.