II – Nhiệm cục của Mầu nhiệm Phu Thê Ba Ngôi như Mầu nhiệm Phu Thê của Chúa Kitô và Giáo hội

Chúng ta đã nói rằng giả thuyết khởi điểm về một nguyên mẫu khác biệt giới tính trong Thiên Chúa ngụ ý nền thần học Giao ước, trong đó Thiên Chúa đã tiền định nhân tính nơi Chúa Kitô sẽ trở thành “người tham gia vào bản tính Thiên Chúa, vốn là Tình yêu vĩnh cửu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Kế hoạch thần thiêng này đã được hoàn thành một cách hoàn hảo trong Chúa Kitô như “mầu nhiệm phu thê”, vì toàn bộ hành trình Nhập Thể trần thế của Người là một cuộc hôn nhân giữa thần tính và nhân tính. Sứ mệnh cứu chuộc của Người cho đến hy sinh tột cùng quả thực mặc khải Tình yêu của Chúa Cha dành cho nhân loại và Sự phục sinh của Người từ cõi chết xác nhận Tình yêu của Chúa Cha dành cho Con của Người, được nâng lên cánh tay phải của Người, và cho nhân loại được hòa giải và thánh hóa bằng việc tuôn đổ Chúa Thánh Thần. Sự phục sinh của Chúa Kitô và hồng ân Chúa Thánh Thần là bằng chứng thành công của kế hoạch Thiên Chúa như mầu nhiệm Giao ước, nhưng vấn đề vẫn còn đó, nghĩa là làm thế nào chúng ta có thể diễn dịch từ đó có sự hiện hữu của mầu nhiệm phu thê nội thẳm trong chính Thiên Chúa Ba Ngôi.

Chúng ta có thể đạt tới nó bằng cách đọc lại, theo các thuật ngữ phu thê minh nhiên nhất, các mối tương quan nội bộ của Ba Ngôi, vốn tỏ lộ trong nhiệm cục cứu rỗi. Thật vậy, mầu nhiệm Nhập thể hệ ở việc sinh hạ Chúa Con trong xác thịt với sự trung gian của Chúa Thánh Thần, một việc hạ sinh được phát biểu, về phía Chúa Con, là sự vâng phục đầy tình yêu đối với Chúa Cha cho đến chết trên Thập giá, từ đó, Chúa Kitô đã sống lại từ hạ giới nhờ vào Nụ hôn Phục sinh mà Người nhận được từ Thánh Thần của Chúa Cha, như tình yêu phu thê vốn xác nhận tư cách Con thần thiêng của Người trong xác thịt phục sinh và khiến Người có khả năng tuôn đổ Thánh Thần sự sống trên mọi xác thịt. Khoảnh khắc nhiệm xuất của Thánh Thần trong nội thẳm Ba Ngôi tương ứng với khoảnh khắc Phục sinh trong nhiệm cục cứu rỗi bởi vì chính ở đó, việc sinh hạ Chúa Con trong xác thịt đã đạt tới kết thúc của nó, trong khả năng sinh sản hỗ tương của Chúa Cha và của Chúa Con vốn cùng phát ra Thánh Thần Tình Yêu, trước hết trong xác thịt phục sinh của Chúa Kitô và qua Người, trong toàn thể nhân loại đã được cứu chuộc, trở nên, nơi Người và vì Người, đối tác hữu hiệu của mầu nhiệm Giao ước. Nói cách khác, biến cố Nhập thể hiểu như mầu nhiệm Giao ước là bản dịch hoàn hảo, trong nhiệm cục cứu rỗi, của mầu nhiệm phu thê của Ba Ngôi nội tại. Trật tự nhiệm xuất trong Ba Ngôi được tôn trọng theo nghĩa việc sinh ra Chúa Con xẩy ra trước và làm cho việc nhiệm xuất của Thánh Thần thành khả hữu, một nhiệm xuất được thể hiện đúng như như ấn tích phu thê đóng trên sự kết hợp hôn nhân có tính lịch sử và cánh chung giữa hai bản tính của Chúa Kitô trong biến cố sống-chết-phục sinh của Người. Sự dạt dào Tình yêu Ba Ngôi đầy mật thiết và có khả năng sinh sản này trong cuộc Nhập thể của Chúa Con lên đến tuyệt đỉnh trong Bí tích Thánh Thể, mầu nhiệm phu thê tuyệt vời của Chúa Kitô và của Giáo hội.

Sau cái nhìn tổng quát về kế hoạch của Thiên Chúa này, cần phải tạm dừng lại ở hình tượng Thánh Thần, Đấng đã trở thành vị chủ đạo vĩ đại của việc Nhập Thể của Tình yêu Ba Ngôi, dù theo cách riêng của Người tức cách hiệp thông [21]. Đó là lý do tại sao Người là kiến trúc sư vĩ đại của đáp ứng Giáo hội, Nhiệm thể và Nàng dâu của Chúa Kitô, đối với hồng phúc hiệp thông Ba Ngôi. Như trong Thiên Chúa Ba Ngôi nội tại, hành động của Người trong nhiệm cục có tính phu thê và mẫu thân. Người ban sự sống thần thiêng, bắt đầu với tình mẫu tử thần thiêng của Đức Trinh Nữ Maria và kéo dài trong tình mẫu tử thiêng liêng của ngài dưới chân thập giá và trong ngày lễ Ngũ tuần [22]. Thánh Thần cũng ban cơ cấu phẩm trật của Giáo hội như là đại diện của Chúa Kitô là Đầu để phục vụ sự hiệp thông của Dân Thiên Chúa, sự hiệp thông mà mặt khác, Người vốn làm giàu một lần nữa bằng nhiều hồng ân và đặc sủng. Khi làm như vậy, Thánh Thần được biểu lộ như Đấng ban sự sống thần thiêng, Đấng hợp nhất trong phân biệt, luôn bảo vệ các khác biệt để sự kết hợp là sự kết hợp hiệp thông chứ không độc dạng; giống như trong Ba Ngôi cực thánh, trong đó Ngôi Thánh Thần tôn vinh sự hợp nhất thần thiêng, Tam Vị Hợp Nhất (Tri-Unity), bằng cách thánh hiến sự khác biệt tuyệt đối của Ba Ngôi. Mỗi vị là một Ngôi theo cách riêng của mình, nhưng luôn đồng bản thể với vị khác trong Tình yêu tuyệt đối. Trong Ba Ngôi cực thánh, không có ba Ngôi đồng nhất và độc dạng mà là ba Ngôi mà đặc tính bản vị thể hiện cách là Tình yêu trong Thiên Chúa hoàn toàn khác nhau nhưng trong sự hợp nhất của cùng một bản tính: Tình yêu phụ thân, Tình yêu con thảo và Tình yêu phu thê.

Bây giờ chúng ta hãy tạm dừng lại ở nguyên mẫu tình mẫu thân trong Thiên Chúa, một nguyên mẫu mà Truyền thống cũng có xu hướng đặt nơi Chúa Thánh Thần. Thực thế, Người được tuyên xưng trong Kinh Tin Kính như Đấng “ban sự sống”, và được mô tả trong Sách Thánh gần với Người phụ nữ, bất kể đó là Đức Trinh Nữ Maria trong tất cả mầu nhiệm của ngài, từ Truyền tin đến Lễ Ngũ tuần và Mông Triệu, hay là Nàng dâu của Sách Khải Huyền, trong đó Người khao khát sự quang lâm của Chúa Giêsu (Kh 22:17). Sự gần gũi này giữa Thánh Thần và Người phụ nữ không phải là sự gần gũi của Chàng Rể, nhưng một lần nữa, sâu sắc hơn như “chúng ta” trong Người, mầu nhiệm phu thê được nên trọn, bất kể ý kiến bất cập thời trung cổ nói về Thánh Thần như là người phối ngẫu của Đức Trinh nữ. Thánh Thần không phải là Đấng kết hôn, chính ở trong Người và nhờ Người, mà cuộc kết hôn giữa Lời Thiên Chúa và nhân loại đã được thể hiện trong lòng Đức Trinh Nữ Maria. Thánh Thần là Đấng trung gian của cuộc hôn nhân này trong tư cách tình yêu phu thê và mẫu thân chuyên chở hạt giống của Chúa Cha và kết hợp hai bản tính của Ngôi Lời nhập thể trong lòng đồng trinh của Đức Maria, đồng thời tưởng thưởng ngài vì lời XIN VÂNG không tì vết và không do dự đối với Lời Thiên Chúa. Do đó, Thánh Thần hoàn thành một cách tích cực mầu nhiệm Nhập thể do sự kiện Người là Ngôi-hiệp thông (Person-communion) luôn hành động để phục vụ Chúa Cha và Chúa Con và theo đuổi việc làm trung gian hôn nhân này trong diễn trình Nhập thể của Ngôi Lời cho tới tận Mầu nhiệm Vượt qua của Người.



Quả là tuyệt vời khi được chiêm ngưỡng việc trung gian phu thê này của Chúa Thánh Thần, một việc gây linh hứng và đồng hành trong một song song bất cân đối, đức vâng lời của Chúa Giêsu đối với Cha của Người và sự sẵn sàng có đó một cách vô hạn của Đức Maria đối với Ngôi Lời Thiên Chúa. Sự hiệp thông hoàn hảo này trong đức vâng lời vì yêu thương được hoàn hợp dưới chân Thập giá, khi Chúa Con và Mẹ đồng lòng chịu cơn Thống Khổ vì yêu thương của lễ hy sinh cứu chuộc. Ngay lúc chứng kiến hơi thở cuối cùng của Con trai bị đóng đinh của ngài – khúc dạo đầu của việc tuôn tràn Thánh Thần - Trinh nữ Vô nhiễm được Thánh Thần nâng lên phẩm hàm Nàng dâu của Chiên con được hiến tế và Mẹ của Giáo hội. Do đó, chức mới làm mẹ Giáo Hội của ngài trong Thánh Thần vượt quá mối tương quan Mẹ-Con theo xác thịt, y như trong Thiên Chúa, khả năng sinh sản có tính phu thê của Thánh Thần vượt quá mối quan hệ Cha-Con và ban cho nó một chiều kích mới. Thánh Thần mãi mãi làm cho tư cách làm mẹ của Giáo Hội - Maria (Mary-Church) này có khả năng sinh sản qua nhiệm cục bí tích, nhất là với việc cử hành Mầu nhiệm Vượt qua, trong đó nhiệm cục này đem lại dư tràn Thánh Thể của Ngôi Lời Nhập thể, vốn tạo nên Giáo hội như Thân thể và là Nàng Dâu của Người; do đó, mà có tên Ecclesia Mater (Mẹ Giáo Hội), được liên kết với việc tham dự mật thiết của Giáo Hội vào thuộc tính phu thê-mẫu thân của Thánh Thần của Chúa Cha và của Chúa Con.

Tuy nhiên, chúng ta hướng về Thánh Thần trong nội tại Thiên Chúa Ba Ngôi để quan sát kỹ hơn chiều kích mẫu thân này của Ngôi vị Người và hành động hướng nội và hướng ngoại của Người. Là “chúng ta”, được cấu thành bởi tính hỗ tương bất cân xứng nhưng hoàn toàn đồng bản thể của Chúa Cha và Chúa Con, Thánh Thần cho phép người ta thoáng nhìn thấy chiều kích mẫu thân của Người qua việc tuôn tràn một lần nữa Tình yêu phu thê vốn làm phong phú một cách tích cực hai Ngôi kia (Cùng thở vào nhau [aspiration] một cách chủ động thụ động) nhưng theo một cách phụ thuộc, tùy thuộc vào tính đệ nhất đẳng (primacy) của hai Ngôi kia (trật tự nhiệm xuất), một điều vốn không hề chạm đến tính bình đẳng hoàn hảo của Ba Ngôi vốn dựa trên tính đồng bản tính tay ba của các vị. Do đó, trên bình diện ngôn ngữ, giới từ “trong”, một giới từ thường đi kèm với việc trích dẫn Chúa Thánh Thần, diễn ra trong lời cầu nguyện phụng vụ của Giáo hội hoặc trong phát biểu thần học về mầu nhiệm của Giáo Hội. Thực thế, Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi là Tình yêu mà theo cách này bác bỏ mầu nhiệm của chính Người: Tình yêu ba ngôi vị xuất phát từ Chúa Cha qua Chúa Con trong Chúa Thánh Thần, một sự sống vĩnh cửu trong một trao đổi trường cửu mà sự tới lui tạo thành mầu nhiệm vô tận của Người như Deus semper maior (Thiên Chúa luôn lớn hơn). Ta có thể thoáng thấy biến cố này của Tình yêu phụ thân, hiếu tử và phu thê, vốn là Ba Ngôi nội tại, trong nhiệm cục cứu rỗi trong đó các Ngôi Thiên Chúa mặc khải mầu nhiệm riêng của các vị trong các mối tương quan Giao ước của các vị với mọi ngôi vị nhân bản và với nhân loại như một toàn thể trong Chúa Kitô.

Sở dĩ như vậy, là bởi vì Chúa Thánh Thần sở hữu trong chính Người sự sống nhiệm xuất từ Chúa Cha qua Chúa Con. Người sở hữu nó theo mức độ nhận được một cách thụ động-tác động từ hai Ngôi kia và thêm vào đó, qua thuộc tính bản vị của Người, khả năng sinh sản mới có tính phu thê và mẫu thân của hiệp thông, của sự sống mới, của sự tự do luôn lớn lao hơn trong Tình yêu. Đó là lý do tại sao vai trò đối nội của Chúa Thánh Thần và hoạt động đối ngoại của Người trong Giáo hội và trên thế giới mang dấu chỉ hài hòa, hợp nhất trong đa dạng, tự do và nhưng không, khả năng sinh sản vốn dành cho Người một cách xứng đáng danh hiệu Vinh quang là Tình yêu phu thê và mẫu thân. Thánh Irênê viết: “nơi nào có Giáo hội, nơi ấy có Thánh Thần Thiên Chúa; và nơi nào có Thánh Thần Thiên Chúa, nơi ấy có Giáo hội và mọi loại ơn thánh” [23]. Đó cũng là lý do tại sao công việc thánh hóa và tôn vinh mà Người thực hiện trong nhiệm cục cứu rỗi xem ra phù hợp một cách hoàn hảo với tính ngôi vị Ba Ngôi của Người. Do đó, vẻ đẹp của Giáo hội-Hiệp thông, xuất phát từ sự kenosis (tự hủy) của Ngôi Lời Nhập thể như tư cách bản vị nữ tính được Thánh Thần sinh động hóa, và từ khuôn dung Nàng dâu và Mẫu thân của Người, tuy nhiên, không loại bỏ việc Chúa Thánh Thần là ngôi vị độc hữu, vì Người là “chúng ta”, vốn chứa trong mình Tình yêu của Chúa Cha và của Chúa Con cấu thành Giáo hội như là Sacramentum Trinitatis (Bí tích của Thiên Chúa Ba ngôi). Chúa Thánh Thần của Ba Ngôi, tự bỏ mình như hai Ngôi kia, hai Ngôi mà từ đó Người vốn nhiệm xuất, đã đích thân từ bỏ chính mình cho tâm điểm mầu nhiệm phu thê của Chúa Kitô và của Giáo hội, và bảo đảm rằng sự hợp nhất của Giáo hội được cấu thành bởi sự hợp nhất Ba Ngôi của Chúa Cha, của Chúa Con và của Chúa Thánh Thần, như được Công đồng Vatican II hân hoan phát biểu [24].