Các cộng đồng tràn đầy sức sống

91. Bí tích Thánh Thể cũng là bí tích vĩ đại biểu thị và thể hiện sự hợp nhất của Giáo hội [134]. Nó được cử hành “để từ những người xa lạ, phân tán và thờ ơ lẫn nhau, chúng ta có thể trở nên đoàn kết, bình đẳng và bằng hữu [135]. Người chủ sự Thánh Thể phải cổ vũ sự hiệp thông, vốn không phải chỉ là bất cứ sự hợp nhất nào, mà là sự hợp nhất biết chào đón tính đa dạng dư dật của ơn phúc và đặc sủng mà Chúa Thánh Thần hằng tuôn đổ trên cộng đồng.

92. Như thế, Bí tích Thánh Thể, như là nguồn và đỉnh cao, đòi ta phát triển tính đa dạng phong phú đó. Các linh mục rất cần thiết, nhưng điều này không có nghĩa các phó tế vĩnh viễn (nên có nhiều hơn nữa trong khu vực Amazon), các nữ tu và giáo dân không thể thường xuyên đảm nhận trách nhiệm quan trọng đối với sự phát triển của các cộng đồng và thực hiện các chức năng đó mỗi ngày một hữu hiệu với sự trợ giúp của một việc đồng hành thích đáng.

93. Do đó, không chỉ là vấn đề tạo điều kiện cho một sự hiện diện lớn hơn của các thừa tác viên thụ phong có thể cử hành Bí tích Thánh Thể. Đó chỉ là một mục tiêu rất hạn hẹp, nếu chúng ta đồng thời không cố gắng đánh thức sự sống mới trong các cộng đồng. Chúng ta cần thúc đẩy một cuộc gặp gỡ với lời Chúa và sự lớn lên trong thánh thiện qua các loại phục vụ khác nhau của giáo dân, những loại phục vụ đòi một diễn trình giáo dục – về Kinh thánh, giáo lý, linh đạo và thực tiễn - và một loạt các chương trình tu nghiệp đa dạng.

94. Một Giáo hội với các đặc điểm Amazon đòi phải có sự hiện diện ổn định của các nhà lãnh đạo trưởng thành và là giáo dân có thẩm quyền [136] và quen thuộc với ngôn ngữ, văn hóa, kinh nghiệm thiêng liêng và lối sống cộng đồng ở những nơi khác nhau, nhưng cũng cởi mở đối với tính đa dạng của các ơn phúc mà Chúa Thánh Thần vốn ban cho mọi người. Vì, bất cứ nơi nào có nhu cầu đặc thù, Người đều tuôn đổ những đặc sủng để có thể đáp ứng nó. Điều này đòi Giáo hội phải cởi mở đối với sự táo bạo của Chúa Thánh Thần, tin tưởng vào, và cụ thể cho phép, sự lớn mạnh của một nền văn hóa giáo hội chuyên biệt có đặc tính giáo dân rõ rệt. Các thách đố trong khu vực Amazon đòi nơi Giáo hội một nỗ lực đặc biệt để hiện diện ở mọi bình diện, và điều này chỉ có thể thực hiện được qua việc tham gia mạnh mẽ, rộng rãi và tích cực của giáo dân.

95. Nhiều người thánh hiến đã cống hiến năng lực và một phần lớn đời họ để phục vụ Nước Thiên Chúa ở Amazon. Đời sống thánh hiến, nhờ có khả năng đối thoại, tổng hợp, nhập thân và tiên tri, có một vị trí đặc biệt trong cấu hình đa dạng và hài hòa này của Giáo hội trong khu vực Amazon. Nhưng nó cần một động lực mới để hội nhập văn hóa, một động lực biết kết hợp tính sáng tạo, tính táo bạo truyền giáo, tính mẫn cảm và sức mạnh đặc trưng của đời sống cộng đồng.

96. Các cộng đồng căn bản, khi có khả năng kết hợp việc bảo vệ các quyền lợi xã hội với việc công bố truyền giáo và nền linh đạo, đã là những kinh nghiệm chân chính của tính đồng nghị trong hành trình truyền giảng Tin Mừng của Giáo hội trong khu vực Amazon. Trong nhiều trường hợp, chúng “từng giúp đào tạo nhiều Kitô hữu biết cam kết với đức tin, nhiều môn đệ và nhà truyền giáo của Chúa, như được chứng thực bởi sự cam kết quảng đại của rất nhiều thành viên của họ, thậm chí đến mức đổ máu họ ra” [137].

97. Tôi khuyến khích sự tăng trưởng của những nỗ lực hợp tác đang được thực hiện qua Mạng lưới Giáo hội Toàn vùng Amazon và các hiệp hội khác để thực hiện đề xuất của hội nghị Aparecida là “thiết lập một thừa tác vụ hợp tác giữa các Giáo Hội địa phương của các quốc gia Nam Mỹ khác nhau trong lưu vực sông Amazon, với các ưu tiên đã được dị biệt hóa [138]. Điều này đặc biệt áp dụng cho các mối tương quan giữa các Giáo hội nằm ở biên giới giữa các quốc gia.

98. Cuối cùng, tôi xin lưu ý điều này: chúng ta đừng lúc nào cũng nghĩ đến việc dự hoạch các dự án với các cộng đồng ổn định, vì ở khu vực Amazon, ta thấy có rất nhiều tính di chuyển nội bộ, do việc di dân liên tục và thường có tính đi đi về về như quả lắc (pendular); “khu vực này thực tế đã trở thành một hành lang di dân” [139]. “Việc chuyển dân [transhumance] ở Amazon chưa được hiểu rõ hoặc khảo sát đầy đủ theo quan điểm mục vụ” [140]. Do đó, nên suy nghĩ tới các nhóm truyền giáo lưu động và “cung cấp sự hỗ trợ cho việc hiện diện và tính di động của các người thánh hiến nam nữ gần gũi nhất với những người nghèo khổ và bị loại trừ nhất” [141]. Đây cũng là một thách đố đối với các cộng đồng đô thị của chúng ta, một thách đố phải tìm ra các cách thế sáng tạo và quảng đại, đặc biệt ở các vùng ngoại ô, để gần gũi và chào đón các gia đình và những người trẻ đến từ rừng sâu.



Sức mạnh và thiên phú của phụ nữ

99. Trong khu vực Amazon, có những cộng đồng đã từ lâu được bảo tồn và truyền lại đức tin dù không có linh mục nào đến với họ, thậm chí trong nhiều thập niên. Điều này có thể xảy ra vì sự hiện diện của những người đàn bà mạnh mẽ và quảng đại, chắc chắn nhờ được Chúa Thánh Thần kêu gọi và thúc đẩy, đã rửa tội, dạy giáo lý, cầu nguyện và hành động như những nhà truyền giáo. Trong nhiều thế kỷ, các phụ nữ đã giữ cho Giáo hội sống động ở những nơi đó qua sự tận tâm đáng lưu ý và đức tin sâu sắc của họ. Một số người trong số họ, phát biểu tại Thượng hội đồng, đã khiến chúng ta xúc động sâu sắc bởi các chứng từ của họ.

100. Điều này mời gọi chúng ta mở rộng viễn kiến của mình, kẻo chúng ta hạn chế sự hiểu biết của chúng ta về Giáo hội, coi Giáo Hội chỉ có các cơ cấu chức năng mà thôi. Một chủ nghĩa giản lược như vậy sẽ dẫn chúng ta tới chỗ tin rằng phụ nữ sẽ được ban cấp một địa vị và tham gia vào Giáo hội nhiều hơn, chỉ khi nào họ được gia nhập các chức thánh. Nhưng phương thức đó trong thực tế chỉ thu hẹp viễn kiến của chúng ta mà thôi; nó sẽ dẫn chúng ta đến việc giáo sĩ hóa phụ nữ, làm giảm giá trị to lớn của những gì họ đã hoàn thành và làm cho sự đóng góp không thể thiếu của họ trở nên kém hữu hiệu.

101. Chúa Giêsu Kitô xuất hiện như Chàng Rể của cộng đồng cử hành Thánh Thể qua hình bóng người đàn ông chủ trì như dấu chỉ Linh mục duy nhất. Cuộc đối thoại giữa Chàng Rể và Nàng dâu của Người, phát sinh trong việc thờ lạy và thánh hóa cộng đồng, không nên lừa chúng ta đi vào những quan niệm phiến diện về quyền lực trong Giáo hội. Chúa đã quyết định mặc khải quyền lực và tình yêu của Người qua hai khuôn mặt nhân bản: khuôn mặt của Con Thiên Chúa đã làm người của Người và khuôn mặt của một tạo vật, một người đàn bà, đó là Đức Maria. Phụ nữ đóng góp cho Giáo hội theo cách riêng của họ, bằng cách làm cho sức mạnh dịu dàng của Đức Maria, người Mẹ, trở nên hiên diện. Nhờ thế, chúng ta không còn tự giới hạn mình vào cách tiếp cận có tính chức năng nữa, nhưng thay vào đó, đi vào cơ cấu nội thẳm nhất của Giáo hội. Nhờ cách này, chúng ta sẽ hiểu ra tại sao, nếu không có phụ nữ, Giáo hội sẽ tan vỡ và biết bao cộng đồng ở Amazon sẽ sụp đổ, nếu phụ nữ không ở đó để nâng đỡ chúng, giữ chúng ở lại với nhau và chăm sóc chúng. Điều này cho thấy loại sức mạnh vốn là điển hình của họ.

102. Chúng ta phải tiếp tục khuyến khích những ơn phúc đơn sơ và không rắc rối đó, những ơn phúc cho phép các phụ nữ ở khu vực Amazon đóng một vai trò rất tích cực trong xã hội, mặc dù các cộng đồng này hiện phải đối diện với nhiều mối đe dọa mới và chưa từng có. Tình thế hiện nay đòi chúng ta phải khuyến khích sự xuất hiện các hình thức phục vụ và đặc sủng khác phù hợp với phụ nữ và đáp ứng nhu cầu chuyên biệt của các dân tộc trong khu vực Amazon tại thời điểm này của lịch sử.

103. Trong một Giáo hội đồng nghị, những người phụ nữ trên thực tế vốn đóng vai trò trung tâm trong các cộng đồng Amazon nên có quyền có các chức vụ, kể cả các chức vụ phục vụ giáo hội, không đòi các Chức Thánh và điều đó có thể biểu thị rõ hơn vai trò của họ. Ở đây, cần lưu ý điều này: các việc phục vụ này đòi phải có sự ổn định, phải được công khai công nhận và được giám mục ủy nhiệm. Điều này cũng cho phép phụ nữ gây được tác động thực sự và hữu hiệu đối với tổ chức, các quyết định quan trọng nhất và định hướng của các cộng đồng, trong khi tiếp tục làm như vậy theo cách có thể phản ảnh được phụ nữ tính của họ.

Mở rộng chân trời quá bên kia các xung đột

104. Điều thường xảy ra là ở những nơi đặc thù, những người làm công tác mục vụ tưởng nghĩ ra những giải pháp rất khác nhau cho những vấn đề họ gặp phải, và do đó đề xuất những hình thức rõ ràng đối lập nhau về việc tổ chức giáo hội. Khi điều này xảy ra, đáp ứng đích thực đối với các thách đố của việc truyền giảng Tin Mừng rất có thể nằm ở việc vượt qua hai phương thức và tìm ra phương thức khác, tốt hơn, có lẽ chưa ai tưởng nghĩ ra. Xung đột được khắc phục ở bình diện cao hơn, trong đó mỗi nhóm có thể tham gia với nhóm khác trong một thực tại mới, trong khi vẫn trung thành với chính mình. Mọi sự đều được giải quyết “trên một bình diện cao hơn và duy trì được những gì có giá trị và hữu ích cho cả hai phía” [142]. Nếu không, xung đột sẽ cạm bẫy chúng ta; “chúng ta đánh mất viễn ảnh của mình, các chân trời của chúng ta co cụm lại và chính thực tại cũng sẽ bắt đầu tan tác” [143].

105. Điều này không có nghĩa là tương đối hóa các vấn đề, chạy trốn chúng hoặc để sự việc ở nguyên như cũ. Các giải pháp chân chính không bao giờ được tìm thấy bằng cách làm giảm độ táo bạo, né tránh các yêu cầu cụ thể hoặc đổ lỗi cho người khác. Trái lại, các giải pháp được tìm thấy bởi “dòng quá tải” (overflow), nghĩa là, bằng cách vượt qua lập trường mâu thuẫn vốn hạn chế viễn kiến của chúng ta, và nhận ra ơn phúc lớn hơn mà Thiên Chúa đang đề nghị ban tặng. Từ ơn phúc mới này, nếu được chấp nhận một cách táo bạo và quảng đại, từ ơn phúc bất ngờ này, một ơn phúc đánh thức tính sáng tạo mới và lớn lao hơn, sẽ tuôn chẩy, như từ một suối nước đầy tràn, nhiều câu trả lời mà lập trường mâu thuẫn không cho phép chúng ta nhìn thấy. Trong những ngày tiên khởi, đức tin Kitô giáo đã lan truyền đáng kể bằng lối suy nghĩ này, lối suy nghĩ cho phép nó, vốn bắt nguồn từ Do Thái giáo, thành hình trong các nền văn hóa La Hy, và với thời gian, có được các hình thức khác biệt. Tương tự như vậy, trong thời điểm lịch sử này, khu vực Amazon thách thức chúng ta vượt qua các viễn ảnh hạn chế và các giải pháp “thực dụng” vốn bị hoen ố trong các cách tiếp cận phiến diện, ngõ hầu tìm ra những nẻo đường hội nhập văn hóa rộng lớn hơn và táo bạo hơn.

Sống chung đại kết và liên tôn

106. Ở một vùng Amazon có đặc điểm đa tôn giáo, các tín hữu chúng ta cần tìm nhiều dịp để nói chuyện với nhau và cùng nhau hành động vì thiện ích chung và cổ vũ người nghèo. Điều này không liên quan gì đến việc làm giảm hoặc che giấu các xác tín sâu sắc nhất của chúng ta khi chúng ta gặp gỡ những người khác có suy nghĩ khác với chúng ta. Nếu chúng ta tin rằng Chúa Thánh Thần có thể hoạt động giữa những khác biệt, thì chúng ta sẽ cố gắng để bản thân được làm giàu bởi cái hiểu sáng suốt đó, trong khi nắm lấy nó do cốt lõi các xác tín riêng và bản sắc của riêng chúng ta. Vì bản sắc càng sâu sắc, mạnh và phong phú, chúng ta càng có khả năng làm phong phú các người khác bằng sự đóng góp riêng của chính chúng ta.

107. Trong Kinh thánh, người Công Giáo chúng ta sở hữu một kho báu không được các tôn giáo khác chấp nhận, mặc dù đôi khi họ có thể đọc nó một cách thích thú và thậm chí quý trọng một số giáo huấn của nó. Chúng ta cố gắng làm một điều tương tự với các bản văn thánh thiêng của các tôn giáo và cộng đồng tôn giáo khác, những bản văn chứa đựng “các giới luật và giáo lý... thường phản ảnh một tia sáng sự thật vốn soi sáng mọi người nam nữ” [144]. Chúng ta cũng sở hữu kho tàng vĩ đại trong bảy bí tích, mà một số cộng đồng Kitô giáo không chấp nhận toàn bộ hoặc theo cùng một ý nghĩa. Đồng thời với việc chúng ta tin chắc vào Chúa Giêsu như Đấng Cứu chuộc duy nhất của thế giới, chúng ta cũng nuôi dưỡng lòng sùng kính sâu sắc đối với Mẹ của Người. Mặc dù chúng ta biết rằng không phải hệ phái Kitô giáo nào cũng tin như thế, chúng ta vẫn cảm thấy có nghĩa vụ chia sẻ với khu vực Amazon kho báu của tình yêu mẫu tử ấm áp ấy, một kho báu mà chúng ta đã tiếp nhận được. Thực thế, tôi sẽ kết thúc Tông Huấn này với một vài lời ngỏ cùng Đức Maria.

108. Không điều nào trong số này cần tạo sự thù hằn giữa chúng ta. Trong một tinh thần đối thoại đích thực, chúng ta lớn lên trong khả năng nắm bắt được ý nghĩa của những gì người khác nói và làm, ngay cả khi chúng ta không thể chấp nhận nó làm xác tín của chính mình. Nhờ cách này, ta có thể thẳng thắn và cởi mở đối với các niềm tin của chúng ta, trong khi vẫn tiếp tục thảo luận, tìm các điểm tiếp xúc, và trên hết, làm việc và đấu tranh với nhau vì thiện ích của khu vực Amazon. Sức mạnh của những gì hợp nhất tất cả Kitô hữu chúng ta là điều vô cùng quan trọng. Chúng ta có thể rất lưu ý đến những gì chia rẽ chúng ta đến mức đôi khi chúng ta không còn đánh giá cao hoặc coi trọng những gì hợp nhất chúng ta. Và những gì hợp nhất chúng ta là những gì cho phép chúng ta ở lại thế giới này mà không bị nuốt chửng bởi nội tại tính (immanence), sự trống rỗng thiêng liêng, tính ích kỷ tự mãn, chủ nghĩa cá nhân duy tiêu dùng và tự hủy hoại của nó.

109. Tất cả chúng ta, trong tư cách Kitô hữu, được hợp nhất bởi đức tin vào Thiên Chúa, Người Cha vốn ban cho chúng ta sự sống và yêu thương chúng ta rất nhiều. Chúng ta được hợp nhất bởi đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Rỗi duy nhất, Đấng đã giải thoát chúng ta bằng dòng máu quý giá và sự phục sinh vinh hiển của Người. Chúng ta được hợp nhất bởi mong ước được nghe lời Người, lời hằng hướng dẫn các bước chân chúng ta đi. Chúng ta được hợp nhất bởi ngọn lửa của Chúa Thánh Thần, Đấng sai chúng ta đi truyền giáo. Chúng ta được hợp nhất bởi điều răn mới mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta, bởi việc theo đuổi nền văn minh của tình yêu và bởi niềm đam mê đối với vương quốc mà Chúa vốn kêu gọi chúng ta xây dựng với Người. Chúng ta được hợp nhất bởi cuộc đấu tranh cho hòa bình và công lý. Chúng ta được hợp nhất bởi niềm xác tín rằng không phải mọi điều đều kết thúc với đời sống này, nhưng chúng ta được mời dự bữa tiệc trên trời, nơi Thiên Chúa sẽ lau khô nước mắt và mang lấy hết những gì chúng ta đã làm cho những người đang chịu đau khổ.

110. Tất cả những điều này hợp nhất chúng ta. Làm thế nào chúng ta lại không thể cùng nhau tranh đấu? Làm thế nào chúng ta lại không thể cùng nhau cầu nguyện và làm việc, bên cạnh nhau, để bảo vệ người nghèo của khu vực Amazon, để biểu lộ vẻ mặt thánh thiêng của Chúa và quan tâm đến công trình sáng tạo của Người?



KẾT LUẬN: MẸ CỦA KHU VỰC AMAZON

111. Sau khi chia sẻ một vài giấc mơ của mình, tôi khuyến khích mọi người tiến bước dọc những nẻo đường cụ thể có thể cho phép thực tại của khu vực Amazon được biến đổi và thoát khỏi những tệ nạn bao vây nó. Giờ đây, chúng ta hãy nhìn lên Đức Maria. Người Mẹ mà Chúa Kitô đã ban cho chúng ta cũng là bà Mẹ duy nhất của mọi người, đấng đã tỏ mình ra ở vùng Amazon theo những cách riêng biệt. Chúng ta biết rằng, “các dân tộc bản địa có một cuộc gặp gỡ quan yếu với Chúa Giêsu Kitô theo nhiều cách; nhưng nẻo đường của Đức Maria đã góp phần rất lớn vào cuộc gặp gỡ này [145]. Đối diện với sự kỳ diệu của khu vực Amazon, nơi chúng ta đã khám phá ngày càng đầy đủ hơn trong diễn trình chuẩn bị và cử hành Thượng hội đồng, tôi cho rằng điều tốt nhất nên kết thúc Tông huấn này là hướng về ngài:

Lạy Mẹ sự sống,

trong dạ mẫu thân của Mẹ, Chúa Giêsu đã tiếp nhận xác thân,

Chúa tể của mọi loài hiện hữu.

Phục sinh, Người đã biến đổi Mẹ bằng ánh sáng của Người

và làm cho Mẹ trở thành Nữ vương toàn bộ sáng thế.

Vì lý do đó, hỡi Mẹ Maria, chúng con xin Mẹ trị vì

trong trái tim thổn thức của Amazon.

Xin Mẹ tỏ mình là Mẹ của mọi tạo vật,

trong vẻ đẹp của những bông hoa, những dòng sông,

dòng sông vĩ đại chảy

qua nó

và tất cả sự sống sinh động trong rừng của nó.

Xin Mẹ âu yếm chăm sóc sự bừng nở đẹp tươi này.

Xin Mẹ cầu cùng Chúa Giêsu tuôn đổ tất cả tình yêu của Người

trên mọi người nam nữ sống ở đó,

để họ có thể biết đánh giá cao và quan tâm đến nó.

Xin Mẹ hạ sinh Con Mẹ trong trái tim họ,

để Người tỏa sáng khắp Amazon,

các dân tộc và các nền văn hóa của nó,

bằng ánh sáng của lời Người,

bằng tình yêu an ủi của Người,

bằng sứ điệp huynh đệ và công lý của Người.

Và tại mỗi cử hành Thánh Thể,

xin cho mọi kinh ngạc và kỳ diệu này được nâng lên

tới vinh quang Chúa Cha.

Lạy Mẹ, xin Mẹ đoái nhìn người nghèo của Amazon,

vì nhà cửa họ đang bị phá hủy bởi những quyền lợi nhỏ nhen.

Có biết bao đau đớn và khốn khổ,

có biết bao bỏ bê và lạm dụng

ở vùng đất được chúc phúc

dư đầy sự sống này!

Xin Mẹ đánh động trái tim những người quyền thế,

vì, mặc dù chúng con cảm thấy giờ đã muộn,

Mẹ vẫn kêu gọi chúng con cứu

những gì còn sống động.

Mẹ, đấng có trái tim bị đâm thâu,

đấng chịu đau khổ trong những đứa con trai và con gái bị ngược đãi của Mẹ,

và trong những vết thương gây cho thiên nhiên,

Xin Mẹ trị vì Amazon,

cùng với Con của Mẹ.

Xin Mẹ cai trị để không ai khác có thể đòi quyền thống lãnh

trên công trình của bàn tay Thiên Chúa.

Chúng con tín thác nơi Mẹ, lạy Mẹ sự sống.

Xin Mẹ đừng bỏ rơi chúng con

trong giờ phút đen tối này.

Amen.


Ban hành tại Rôma, tại Nhà thờ Chính tòa Thánh Gioan Lateranô, ngày 2 tháng 2, Lễ Dâng Chúa vào Đền thờ, năm 2020, năm thứ bảy triều Giáo hoàng của tôi.



FRANCISCUS

CHÚ THÍCH (Bản dịch của Nguyễn Trọng Đa)





[1] Thông điệp Laudato Si’ (24-5-2015), 49: AAS 107 (2015), 866.

[2] Tài Liệu Làm Việc, 45.

[3] ANA VARELA TAFUR, “Timareo”, trong Lo que no veo en visiones, Lima, 1992.

[4] JORGE VEGA MÁRQUEZ, “Amazonia solitária”, trong Poesía obrera, Cobija-Pando-Bolivia, 2009, 39.

[5] RED ECLESIAL PANAMAZÓNICA (REPAM), Brazil, Síntesis del aporte al Sínodo, 120; Xem Tài Liệu Làm Việc, 45.

[6] Diễn từ với giới trẻ, São Paulo, Brazil (10 May 2007), 2.

[7] Xem ALBERTO C. ARAÚJO, “Imaginario amazónico”, trong Amazonia real: amazoniareal.com.br (29-1-2014).

[8] THÁNH GIÁO HOÀNG PHAOLÔ VI, Thông điệp Populorum Progressio (26-3-1967), 57: AAS 59 (1967), 285.

[9] THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Diễn từ với Hàn lâm viện Tòa Thánh về Khoa học xã hội (27-4-2001), 4: AAS 93 (2001), 600.

[10] Xem Tài Liệu Làm Việc, 41.

[11] KHÓA HỌP KHOÁNG ĐẠI LẦN 5 CỦA CÁC Hội Đồng Giám Mục NAM MỸ VÀ VÙNG CARIBÊ, Aparecida Document (29-6-2007), 473.

[12] RAMÓN IRIBERTEGUI, Amazonas: El hombre y el caucho, ed. Vicariato Apostólico de Puerto Ayacucho-Venezuela, Monografía số 4, Caracas, 1987, 307ff.

[13] Xem “AMARÍLIS TUPIASSÚ, “Amazônia, das travessias lusitanas à literatura de até agora”, trong Estudos Avançados tập 19, số 53, São Paulo (tháng 1 đến tháng 4.2005): “Trên thực tế, sau khi kết thúc thời kỳ thuộc địa đầu tiên, khu vực Amazon tiếp tục trở thành một khu vực chịu sự tham lam lâu đời, ẩn núp dưới các luận điệu mới…, một phần của các tác nhân 'văn minh hóa', họ thậm chí không cần phải được nhân cách hóa để tạo ra và nhân lên các mặt mới của sự suy tàn cũ, bây giờ thông qua một cái chết chậm.”

[14] CÁC GIÁM MỤC VÙNG AMAZON BRAXIN, Carta al Pueblo de Dios, Santarem-Brazil (6-7-2012).

[15] THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Sứ điệp cho ngày Hòa bình Thế giới năm 1998, 3: AAS 90 (1998), 150.

[16] KHÓA HỌP KHOÁNG ĐẠI LẦN 3 CỦA CÁC Hội Đồng Giám Mục NAM MỸ VÀ VÙNG CARIBÊ, Puebla Document (23-3-1979), 6.

[17] Tài Liệu Làm Việc, 6. Đức Giáo Hoàng PHAOLÔ III Đoàn sắc Veritas Ipsa (2-6-1537), lên án luận đề phân biệt chủng tộc và công nhận rằng các dân tộc bản địa, dù theo đạo Công Giáo hay không, sở hữu phẩm giá của con người, được hưởng quyền sở hữu của họ và không được giảm xuống làm nô lệ. Giáo hoàng tuyên bố: “ vì các người thực sự không phải là người bị tước đoạt quyền tự do hay quyền sở hữu tài sản của họ, mặc dù họ không tin Chúa Giêsu Kitô. Giáo lý huấn quyền này đã được tái khẳng định bởi các. Đức Giáo Hoàng GRÊGÔRIÔ XIV, Sắc chỉ Cum Sicuti (28 4-1591);. Đức Giáo Hoàng URBANÔ VIII, Sắc chỉ Commissum Nobis (22-4-1639);. Đức Giáo Hoàng BIỂN ĐỨC XIV, Sắc chỉ Immensa Pastorum Principis gửi các Giám mục Braxin (20-12-1741); Đức Giáo Hoàng GRÊGÔRIÔ XVI, Đoản sắc In Supremo (3-12-1839);. Đức Giáo Hoàng LÊÔ XIII, Thư gửi các Giám mục Brasil về sự nô lệ (15-5-1888); và THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Sứ điệp gửi các dân tộc bản địa ở châu Mỷ, Santo Domingo (12-10-1992), 2: Insegnamenti 15/2 (1982), 346.

[18] FREDERICO BENÍCIO DE SOUSA COSTA, Thư mục vụ (1909). Ed. Imprenta del gobierno del estado de Amazonas, Manaus, 1994, 83.

[19] Tài Liệu Làm Việc, 7.

[20] Diễn từ với Hội nghi Thế giới lần 2 của các phong trào dân chúng, Santa Cruz de la Sierra-Bolivia (9-7-2015).

[21] Diễn từ với Hội nghi các dân tộc bản địa ở Amazonia, Puerto Maldonado-Peru (19-1- 2018): AAS 110 (2018), 300.

[22] Tài Liệu Làm Việc, 24.

[23] YANA LUCILA LEMA, Tamyahuan Shamakupani (Con la lluvia estoy viviendo), 1, at http://siwarmayu.com/es/yana-lucila-lema-6-poemas-de-tamyawan-shamukupani-con-la-lluvia-estoy-viviendo.

[24] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC ECUADOR, Cuidemos nuestro planeta (20-4-2012), 3.

[25] Số 142: AAS 107 (2015), 904-905.

[26] Số 82.

[27] Như trên, 83.

[28] Tông Huấn Evangelii Gaudium (24-11-2013), 239: AAS 105 (2013), 1116.

[29] Như trên., 218: AAS 105 (2013), 1110.

[30] Như trên.

[31] Xem Tài Liệu Làm Việc, 57.

[32] Xem EVARISTO EDUARDO DE MIRANDA, Quando o Amazonas corria para o Pacifico, Petrópolis, 2007, 83-93.

[33] JUAN CARLOS GALEANO, “Paisajes”, trong Amazonia y otros poemas, ed. Universidad Externado de Colombia, Bogotá, 2011, 31.

[34] JAVIER YGLESIAS, “Llamado”, trong Revista peruana de literatura, số 6 (thánh 6-2007), 31.

[35] Thông điệp Laudato Si’ (24-5-2015), 144: AAS 107 (2015) 905.

[36] Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Christus Vivit (25-03-2019), 186.

[37] Như trên., 200.

[38] Sứ điệp video cho hội nghị Thanh niên bản địa thế giới, Soloy-Panama (18-1-2019).

[39] MARIO VARGAS LLOSA, Giới thiệu cho El Hablador, Madrid (8-10-2007).

[40] Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Christus Vivit (25-3-2019), 195.

[41] THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Centesimus Annus (1-5-1991), 50: AAS 83 (1991), 856.

[42] KHÓA HỌP KHOÁNG ĐẠI LẦN 5 CỦA CÁC Hội Đồng Giám Mục NAM MỸ VÀ VÙNG CARIBÊ, Aparecida Document (29-6-2007), 97.

[43] Diễn từ với Hội nghi các dân tộc bản địa ở Amazonia, Puerto Maldonado-Peru (19-1-2018): AAS 110 (2018), 301.

[44] Tài Liệu Làm Việc, 123, e.

[45] Thông điệp Laudato Si’ (24-5-2015), 144: AAS 107 (2015), 906.

[46] Xem Đức Giáo Hoàng BIỂN ĐỨC XVI, Thông điệp Caritas in veritate (29-6-2009), 51: AAS 101 (2009), 687: “Đặc biệt trong thời đại chúng ta, thiên nhiên đã hội nhập vào sự năng động xã hội và văn hóa sâu xa đến độ không còn là dữ kiện độc lập nữa. Việc sa mạc hóa nhanh chóng và lâm vào cảnh khổ của nhiều vùng nông nghiệp là hậu quả của nghèo đói và chậm tiến của dân chúng sống nơi đó”.

[47] Sứ điệp cho ngày Hòa bình Thế giới năm 2007, 8: Insegnamenti, II/2 (2006), 776.

[48] Thông điệp Laudato Si’ (24-5-2015), 16, 91, 117, 138, 240: AAS 107 (2015), 854, 884, 894, 903, 941.

[49] Tài liệu Bolivia: informe país. Consulta pre sinodal, 2019, trg. 36; Xem Tài Liệu Làm Việc, 23.

[50] Tài Liệu Làm Việc, 26.

[51] Thông điệp Laudato Si’ (24-5-2015), 146: AAS 107 (2015), 906.

[52] Documento con aportes al Sínodo de la Diócesis de San José del Guaviare y de la Arquidiócesis de Villavicencio y Granada (Colombia); Xem Tài Liệu Làm Việc, 17.

[53] EUCLIDES DA CUNHA, Los Sertones (Os Sertões), Buenos Aires (1946), 65-66.

[54] PABLO NERUDA, “Amazonas” trong Canto General (1938), I, IV.

[55] REPAM, Tài liệu Eje de Fronteras. Preparación para el Sínodo de la Amazonia, Tabatinga-Brasil (3-2-2019), p. 3; Xem Tài Liệu Làm Việc, 8.

[56] AMADEU THIAGO DE LELLO, Amazonas, patria da agua. Bản dịch tiếng Tây Ban Nha của Jorge Timossi, in http://letras-uruguay.espaciolatino.com/aaa/mello_thiago/amazonas_patria_da_agua.htm.

[57] VINICIUS DE MORAES, Para vivir un gran amor, Buenos Aires, 2013, 166.

[58] JUAN CARLOS GALEANO, “Los que creyeron”, trong Amazonia y otros poemas, ed. Universidad externado de Colombia, Bogotá, 2011, 44.

[59] HARALD SIOLI, A Amazônia, Petropolis (1985), 60.

[60] THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Diễn từ cho Hội nghị quốc tế về “Môi trường và sức khỏe” (24-3-1997), 2.

[61] Thông điệp Laudato Si’ (24-5-2015), 34: AAS 107 (2015), 860.

[62] Xem Như trên., 28-31: AAS 107 (2015), 858-859.

[63] Như trên., 38: AAS 107 (2015), 862.

[64] Xem KHÓA HỌP KHOÁNG ĐẠI LẦN 5 CỦA CÁC Hội Đồng Giám Mục NAM MỸ VÀ VÙNG CARIBÊ, Aparecida Document (29-6-2007), 86.

[65] Thông điệp Laudato Si’ (24-5-2015), 38: AAS 107 (2015), 862.

[66] Xem Như trên, 144, 187: AAS 107 (2015), 905-906, 921.

[67] Xem Như trên., 183: AAS 107 (2015), 920.

[68] Như trên HYPERLINK "http://www.vatican.va/content/francesco/en/encyclicals/documents/papa-francesco_20150524_enciclica-laudato-si.html#53"., 53: AAS 107 (2015), 868.

[69] Xem Như trên., 49: AAS 107 (2015), 866.

[70] Tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội đồng về Vùng Amazon, 8.

[71] Thông điệp Laudato Si’ (24-5-2015), 56: AAS 107 (2015), 869.

[72] Như trên., 59: AAS 107 (2015), 870.

[73] Như trên., 33: AAS 107 (2015), 860.

[74] Như trên, 220: AAS 107 (2015), 934.

[75] Như trên., 215: AAS 107 (2015), 932.

[76] SUI YUN, Cantos para el mendigo y el rey, Wiesbaden, 2000.

[77] Thông điệp Laudato Si’ (24-5-2015), 100: AAS 107 (2015), 887.

[78] Như trên., 204: AAS 107 (2015), 928.

[79] Xem Văn kiện Santarem (1972) và Manaos (1997) trong HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BRAXIN, Desafío missionário. Documentos da Igreja na Amazônia, Brasilia, 2014, trg. 9-28 và 67-84.

[80] Xem Tông Huấn Evangelii Gaudium (24-11-2013), 220: AAS 105 (2013), 1110.

[81] Như trên., 164: AAS 105 (2013), 1088-1089.

[82] Như trên., 165: AAS 105 (2013), 1089.

[83] Như trên., 161: AAS 105 (2013), 1087.

[84] Như Công đồng chung Vatican nói trong số 14 của Hiến chế Gaudium et Spes: “Hội Thánh đã học hỏi sớm trong lịch sử của mình để diễn tả sứ điệp Kitô giáo trong các khái niệm và ngôn ngữ của các dân tộc khác nhau, và cố gắng làm sáng tỏ nó dưới ánh sáng của sự khôn ngoan của các triết gia: đó là một nỗ lực để thích ứng Tin Mừng theo sự hiểu biết của mọi người, và yêu cầu của người trí thức, trong chừng mực điều này có thể được thực hiện. Thật vậy, loại thích nghi và rao giảng lời được mặc khải này phải là luật của tất cả việc truyền giáo. Theo cách này, có thể tạo ra ở mọi quốc gia khả năng diễn đạt sứ điệp của Chúa Kitô bằng các thuật ngữ phù hợp, và thúc đẩy sự tiếp xúc và trao đổi quan trọng giữa Giáo hội và các nền văn hóa khác nhau”.

[85] Thư gửi dân Chúa ở Đức, 29-6-2019, 9: L’Osservatore Romano, 1-2 tháng 2-2019, trg. 9.

[86] Xem THÁNH Vinh Sơn thành Lerins, Commonitorium primum, cap. 23: PL 50, 668: “Ut annis scilicet consolidetur, dilatetur tempore, sublimetur aetate”.

[87] Thư gửi dân Chúa ở Đức, 29-6-2019, 9. Xem từ ngữ được gán cho Gustav Mahler: “Tradition ist nicht die Anbetung der Asche, sondern die Weitergabe des Feuers”: “Truyền thống không là thờ tro tàn, nhưng là bước đi trên lửa”.

[88] Diễn từ với các Giáo sư đại học và lãnh đạo Văn hóa, Coimbra (15-5-1982): Insegnamenti 5/2 (1982), 1702-1703.

[89] Sứ điệp gửi dân bản địa của Lục địa châu Mỹ, Santo Domingo (12 October 1992), 6: Insegnamenti 15/2 (1992), 346; Xem Diễn từ với các tham dự viên của Hội nghị toàn quốc của Phong trào Hội Thánh vể cam kết văn hóa (16-1-1982), 2: Insegnamenti 5/1 (1982), 131.

[90] THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Vita Consecrata (15-3-1996), 98: AAS 88 (1996), 474-475.

[91] Số 115: AAS 105 (2013),1068.

[92] Như trên., 116: AAS 105 (2013),1068.

[93] Như trên.

[94] Như trên., 129: AAS 105 (2013), 1074.

[95] Như trên., 116: AAS 105 (2013), 1068.

[96] Như trên., 117: AAS 105 (2013), 1069.

[97] Như trên.

[98] THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Diễn từ với Phiên họp toàn thể của Hội Đồng Văn hóa Tóa Thánh (17-1-1987): Insegnamenti 10/1 (1987), 125.

[99] Tông Huấn Evangelii Gaudium (24-11-2013), 129: AAS 105 (2013), 1074.

[100] KHÓA HỌP KHOÁNG ĐẠI LẦN 4 CỦA CÁC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC NAM MỸ VÀ VÙNG CARIBÊ, Santo Domingo Document (12-28 tháng 10-1992), 17.

[101] Tông Huấn Evangelii Gaudium (24-11-2013), 198: AAS 105 (2013), 1103.

[102] Xem VITTORIO MESSORI-JOSEPH RATZINGER, Rapporto sulla fede, Cinisello Balsamo, 1985, 211-212.

[103] Tông Huấn Evangelii Gaudium (24-11-2013), 198: AAS 105 (2013), 1103.

[104] PEDRO CASALDÁLIGA, “Carta de navegar (Por el Tocantins amazónico)” trong El tiempo y la espera, Santander, 1986.

[105] Thánh Tôma Aquinas giải thích điều này như sau: “Cách thức ba mặt về việc Chúa ở trong mọi sự: một là theo thông thường, bởi yếu tính, sự hiện diện và quyền uy; hai là bởi ân sủng trong các thánh; và ba là trong Chúa Kitô, bởi sự kết hiệp” (Ad Colossenses, II, 2).

[106] Thông điệp Laudato Si’ (24-5-2015), 235: AAS 107 (2015), 939.

[107] KHÓA HỌP KHOÁNG ĐẠI LẦN 3 CỦA CÁC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC NAM MỸ VÀ VÙNG CARIBÊ, Puebla Document (23-3-1979), 196.

[108] Tông Huấn Evangelii Gaudium (24-11-2013), 178: AAS 105 (2013), 1094.

[109] CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Hiến chế tín lý về Hội Thánh Lumen Gentium, 11; Xem Tông Huấn Gaudete et Exsultate (19-3-2018), 10-11.

[110] CÁC HẠT ĐẠI DIỆN TÔNG TÒA CỦA VÙNG AMAZON PERU, “Segunda asamblea episcopal regional de la selva”, San Ramón-Perú (5-10-1973), trong Éxodo de la Iglesia en la Amazonia. Documentos pastorales de la Iglesia en la Amazonia peruana, Iquitos, 1976, 121.

[111] Tông Huấn Evangelii Gaudium (24-11-2013), 123: AAS 105 (2013), 1071.

[112] Xem Tông Huấn Gaudete et Exsultate (19-3-2018), 126-127.

[113] Như trên., 32.

[114] Thông điệp Laudato Si’ (24-5-2015), 235: AAS 107 (2015), 939.

[115] Như trên.

[116] Như trên., 236: AAS 107 (2015), 940.

[117] Như trên.

[118] Như trên., 235: AAS 107 (2015), 939.

[119] Xem hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, 37-40, 65, 77, 81.

[120] Trong Thượng Hội Đồng, đã có đề nghị phát triển một “Nghi lễ Amazon”.

[121] Thông điệp Laudato Si’ (24-5-2015), 237: AAS 107 (2015), 940.

[122] Tông Huấn Amoris Laetitia (19-3-2016), 49: AAS 108 (2016), 331; Xem Như trên. 305: AAS 108 (2016), 436-437.

[123] Xem Như trên., 296, 308: AAS 108 (2016), 430-431, 438.

[124] KHÓA HỌP KHOÁNG ĐẠI LẦN 5 CỦA CÁC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC NAM MỸ VÀ VÙNG CARIBÊ, Aparecida Document, 29-6-2007, 100 e.

[125] Xem THÁNH BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Thư Sacerdotium Ministeriale gửi các GM của Hội Thánh Công Giáo về thừa tác viên Thánh Thể (6-8-1983): AAS 75 (1983), 1001-1009.

[126] Tông thư Mulieris Dignitatem (15-8-1988), 27: AAS 80 (1988), 1718.

[127] THÁNH TÔMA AQUINAS, Summa Theologiae III, q. 8, a.1, resp.

[128] Xem CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Sắc lệnh về sứ vụ và đời sống của linh mục Presbyterorum Ordinis, 5; THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (17-4-2003), 26: AAS 95 (2003), 448.

[129] Chính thừa tác của linh mục cũng là ban bí tích xức dầu bệnh nhân, bởi vì nó liên kết chặt chẽ với việc tha tội: “Và nếu người ấy phạm tội, người ấy sẽ được tha tội” (Jas 5:15).

[130] Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, 1396; THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (17-4-2003), 26: AAS 95 (2003), 451; Xem HENRI DE LUBAC, Meditation sur l’Église, Paris (1968), 101.

[131] CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Sắc lệnh về sứ vụ và đời sống của linh mục Presbyterorum Ordinis, 6.

[132] Xin lưu ý rằng, trong một số quốc gia vùng hạ Amazon, nhiều thừa sai thích đi đến châu Âu hoặc Mỹ, hơn là ở lại giúp cho các hạt Đại Diện Tông Tòa của họ ở vùng Amazon.

[133] Ở Thượng Hội Đồng, cũng nhiều vị nhắc đến việc thiếu các chủng viên để đào tạo linh mục cho người bản địa.

[134] Xem CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Hiến chế tín lý về Hội Thánh Lumen Gentium, 3.

[135] THÁNH GIÁO HOÀNG PHAOLÔ VI, Bài giảng lễ Minh Thánh Chúa, 17-6-1965: Insegnamenti 3 (1965), 358.

[136] Có thể rằng, do việc thiếu linh mục, một Giám mục có thể “ủy thác sự tham gia thi hành công tác mục vụ của một giáo xứ…cho một phó tế hoặc cho một người nào khác không có chức linh mục, hoặc cho một cộng đoàn” (Bộ Giáo luật, 517 §2).

[137] KHÓA HỌP KHOÁNG ĐẠI LẦN 5 CỦA CÁC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC NAM MỸ VÀ VÙNG CARIBÊ, Aparecida Document, 29-6-2007, 178.

[138] Như trên, 475.

[139] Tài Liệu Làm Việc, 65.

[140] Như trên., 63.

[141] Như trên., 129, d, 2.

[142] Tông Huấn Evangelii Gaudium (24-11-2013), 228: AAS 105 (2013), 1113.

[143] Như trên., 226: AAS 105 (2013), 1112.

[144] CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II, Tuyên ngôn về mối liên hệ của Hội Thánh với các tôn giáo ngoài Kitô giáo Nostra Aetate, 2.

[145] CELAM, III Simposio latinoamericano sobre Teología India, Ciudad de Guatemala (23-27 tháng 10-2006).