7. Tự do tôn giáo trong sứ mệnh của Giáo Hội

Chứng từ tự do của tình yêu Thiên Chúa

73. Việc truyền giảng Tin mừng không chỉ hệ ở việc công bố một cách đầy tin tưởng tình yêu cứu rỗi của Thiên Chúa, mà còn ở việc thi hành một cuộc sống trung thành với lòng thương xót được Người tỏ lộ trong biến cố Chúa Giêsu Kitô, nhờ đó, toàn bộ lịch sử được khai mở để hiện thực hóa Nước Thiên Chúa. Sứ mệnh của Giáo Hội bao gồm một hành động 2 mặt được khai triển trong việc dấn thân vào một chủ nghĩa nhân bản bác ái và tận tụy trong trách nhiệm giáo dục các thế hệ tương lai.

74. Nhờ cách trên, Giáo Hội bày tỏ sự kết hợp sâu sắc của mình với mọi người nam nữ, trong mọi hoàn cảnh sống, bằng cách tỏ ra đặc biệt quan tâm tới người nghèo và người bị bách hại. Trong việc sủng ái này, ta thấy xuất hiện rõ ràng chiều hướng Giáo Hội hoàn toàn cởi mở đối với việc chia sẻ các hy vọng và lo âu của toàn thể nhân loại [83]. Năng động tính này tương hợp với chân lý đức tin, theo đó, nhân tính của Chúa Kitô, “con người hoàn hảo” (Eph 4:13) hoàn toàn được mang lấy chứ không bị tiêu diệt trong mầu niệm Nhập Thể của Chúa Con [84]. Và đàng khác, mầu nhiệm cứu rỗi trong Chúa Giêsu Kitô hàm nghĩa này: con người nhân bản được tái lập trọn vẹn, như “một sáng tạo mới” (2Cr 5:17), trở lại bản chất nguyên thủy của nó như “hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa” [85]. Theo nghĩa này, Giáo Hội được qui hướng, từ trong nội tại, vào việc phục vụ mầu nhiệm cứu rỗi của Thiên Chúa trong đó, nhân tính những con người cụ thể được chuộc lại tận gốc và được hiện thực hóa trọn vẹn. Việc phục vụ này quả là một hành vi thờ lạy Thiên Chúa, nhằm vinh danh Người vì đã liên minh với tạo vật nhân bản.

Giáo Hội công bố tự do tôn giáo cho mọi người

75. Tự do tôn giáo chỉ có thể được bảo đảm thực sự trong chân trời một viễn kiến duy nhân bản, cởi mở với việc hợp tác và sống chung, bén rễ sâu xa nơi lòng tôn trọng đối với nhân phẩm và tự do lương tâm. Hơn nữa, cắt rời khỏi việc cởi mở duy nhân bản này, một việc cởi mở có chức năng như một thứ men làm dậy nền văn hóa dân sự, chính kinh nghiệm tôn giáo sẽ mất nền tảng chân chính của nó trong chân lý Thiên Chúa, và trở thành dễ bị sự mục nát của con người làm tổn thương [86]. Thách thức này quả đáng kể. Các thích nghi tôn giáo vào các hình thức quyền lực thế tục, dù được biện minh nhân danh việc có thể nhận được các lợi điểm tốt hơn cho đức tin, vẫn là một cơn cám dỗ không ngừng và là một nguy cơ thường trực. Giáo Hội phải khai triển một mẫn cảm đặc biệt trong việc biện phân thoả hiệp này, bằng cách không ngừng dấn thân vào việc tự thanh tẩy các yếu đuối khi giáp mặt với cơn cám dỗ “tính thế gian thiêng liêng” (mondanité spirituelle)[87]. Giáo Hội phải tự vấn mình để, với một nhiệt tình luôn đổi mới, tìm cho được con đường thờ lạy Thiên Chúa cách chân thực “trong tinh thần và chân lý” (Ga 4:23) và bằng “tình yêu thuở ban đầu” (Kh 2:4). Qua chính việc hoán cải liên tục này, Giáo Hội phải mở đường để Tin Mừng đi vào tận thâm cung trái tim con người, tới lớp lang trong đó họ tìm kiếm, một cách bí mật mà chính họ không hề biết, việc nhận ra Thiên Chúa đích thực và tôn giáo đích thực. Tin Mừng thực sự có khả năng lột mặt nạ việc thao túng tôn giáo, một việc chỉ mang đến các hậu quả loại trừ, làm mất phẩm giá, bỏ rơi và phân cách giữa người với người.

76. Một cách dứt khoát, viễn kiến Kitô giáo đúng nghĩa về tự do tôn giáo nhận được linh hứng sâu xa nhất của nó trong đức tin vào chân lý Chúa Con làm người vì chúng ta và vì sự cứu rỗi chúng ta. Qua Chúa Con, Chúa Cha lôi kéo về Người mọi con cái tản mác và mọi con chiên không có người chăn (xem Ga 12:32; 10:11-16; Mt 9:36; Mc 6:34). Và Chúa Thánh Thần tiếp nhận các rên xiết (xem Rm 8:22), dù lộn xộn và khó nghe được nhất, của tạo vật bị làm con tin cho quyền lực tội lỗi, và biến đổi chúng thành lời cầu nguyện. Thần trí Thiên Chúa hành động mọi cách, tự do và đầy quyền lực. Tuy nhiên, nơi nào hữu thể nhân bản được quyền tự do phát biểu lời rên xiết và khẩn cầu của họ, hành động của Chúa Thánh Thần trở nên dễ nhận ra đối với tất cả những ai tìm kiếm công lý cho đời sống. Và ơn an ủi của Người trở thành chứng từ cho một nhân loại đã được hòa giải. Tự do tôn giáo giải phóng không gian để ý thức phổ quát thuộc về một cộng đồng gốc và đến (une communauté d'origine et de destin) không bác bỏ việc duy trì lòng sống động mong chờ công lý cho đời sống, một điều ta có khả năng nhận biết, nhưng không có khả năng tôn trọng duy bằng sức mạnh của ta. Mầu nhiệm thâu tóm mọi sự trong Chúa Kitô duy trì cho chúng ta và cho mọi người lòng mong chờ đầy yêu thương các hoa trái của Chúa Thánh Thần dành cho mỗi người, và việc xúc động công bố Chúa Con đến cho mọi người (xem Eph 1:3-14).

Đối thoại liên tôn như con đường tiến tới hòa bình

77. Đối thoại liên tôn được dễ dàng nhờ tự do tôn giáo, trong việc cùng nhau tìm thiện ích chung với đại diện của các tôn giáo khác. Nó là một chiều kích nội tại trong sứ mệnh của Giáo Hội [88]. Tự nó, nó không phải là mục đích của việc truyền giảng Tin Mừng, nhưng nó góp phần rất lớn vào việc này. Cho nên, không nên hiểu nó và thực hành nó như một thay thế hoặc mâu thuẫn với sứ mệnh ad gentes (truyền giáo) [89]. Trong thiên hướng tốt biết tôn trọng và hợp tác, cuộc đối thoại soi sáng hình thức tương quan này của tình yêu Tin mừng, một tình yêu tìm thấy nguyên lý khôn tả của nó trong mầu nhiệm sự sống của Thiên Chúa [90]. Đồng thời, Giáo Hội thừa nhận khả năng đặc thù của tinh thần đối thoại trong việc nắm bắt, và nuôi dưỡng, đòi hỏi khẩn thiết được người ta cảm nhận một cách đặc biệt trong khuôn khổ nền văn hóa dân chủ thực tế [91]. Thực vậy, việc sẵn sàng đối thoại và việc cổ vũ hòa bình có liên hệ mật thiết với nhau. Đối thoại giúp hướng dẫn ta trong tính phức tạp mới mẻ của ý kiến, của kiến thức, của các nền văn hóa: và trên hết, trong cả vấn đề tôn giáo nữa.

78. Trong đối thoại về các chủ đề nền tảng của đời người, các tín hữu của các tôn giáo khác nhau đưa ra ánh sáng các giá trị quan trọng nhất thuộc các truyền thống tâm linh của họ và làm người ta nhận ra nhiều hơn các hệ luận thành thực của chúng trong điều họ cho là thiết yếu đối với ý nghĩa tối hậu của đời người và đối với việc biện minh niềm hy vọng của họ về một xã hội có công lý và tình huynh đệ nhiều hơn [92]. Giáo hội chắc chắn sẵn sàng bước vào cuộc đối thoại cụ thể và xây dựng với tất cả những ai cởi mở đối với nền công lý và tình huynh đệ này [93]. Trong việc thi hành sứ mệnh truyền giảng Tin Mừng bằng đối thoại, Tin Mừng sẽ càng làm cho ánh sáng của nó rạng rỡ hơn nữa giữa các dân tộc và tôn giáo.

Can đảm biện phân và việc bác bỏ bạo lực nhân danh Thiên Chúa

79. Đàng khác, đồng thời với các dị biệt không thể tránh, thậm chí bất đồng, Kitô giáo cũng nắm được các tương tự và giống nhau khiến cho tính phổ quát của đức tin đối thần trở thành dễ được đánh giá cao [94]. Quyền mỗi người có tự do tôn giáo riêng nhất thiết có quan hệ chặt chẽ với việc nhìn nhận cùng một quyền ấy cho mọi người khác, ngoại trừ để duy trì trật tự công cộng [95]. Trong viễn cảnh này, vấn đề tự do tôn giáo liên kết với chủ đề truyền thống về lòng khoan dung dân sự. Tự do tôn giáo đích thực phải tự hòa giải với việc tôn trọng mọi người dân có tôn giáo và, một cách cân xứng, cả những người dân không có bản sắc tôn giáo nào chuyên biệt. Tuy thế, người ta không nên làm ngơ sự kiện này: trong phạm vi này, lòng khoan dung duy tương đối mà thôi có thể dẫn tới một biến đổi tác phong đến chỗ dửng dưng đối với chính chân lý tôn giáo riêng của nó, mâu thuẫn ngay với ý hướng tôn trọng tôn giáo của nó [96]. Đàng khác, khi tôn giáo trở thành mối đe dọa đối với tự do tôn giáo của những người khác, cả trong lời nói lẫn trong việc làm, đi đến chỗ gây bạo lực nhân danh Thiên Chúa, thì người ta quả đã vượt giới hạn vốn đòi phải tận lực tố cáo đầu tiên chính những người tôn giáo [97]. Liên quan tới Kitô giáo, các “từ giã dứt khoát” của họ với các tính hàm hồ của bạo lực tôn giáo có thể được coi như một hoàng thời (kairos) tạo điều kiện cho một suy tư mới mẻ về chủ đề này trong mọi tôn giáo [98].

80. Việc tìm cách tuân thủ trọn vẹn sự thật của tôn giáo mình và thái độ cương quyết tôn trọng các tôn giáo khác có thể phát sinh nhiều căng thẳng trong lương tâm cá nhân, cũng như trong cộng đồng tôn giáo. Điều này nhất định sẽ phát sinh lời phê phán mạnh mẽ đối với việc thực hành tôn giáo của mình, một phê phán dù chỉ ở trong tôn giáo cũng vẫn là một vấn nạn chuyên biệt nữa cho tự do tôn giáo trong xã hội dân sự. Ở đây không còn chỉ là việc áp dụng tự do tôn giáo vào việc tôn trọng tôn giáo của người khác, mà còn phê phán chính tôn giáo của mình. Tình huống này đặt ra nhiêu câu hỏi tế nhị về sự quân bình trong việc áp dụng tự do tôn giáo. Trong trường hợp này, thách đố bảo vệ tự do tôn giáo đạt tới một điểm giới hạn cho cả cộng đồng dân sự lẫn cộng đồng tôn giáo. Năng khiếu hòa giải mối lo bảo toàn tính toàn vẹn của đức tin chung, lòng tôn trọng đối với biệc tranh chấp lương tâm, cam kết duy trì hòa bình xã hội, đòi có sự trung gian của một sự trưởng thành bản thân và một túi khôn chung mà ta phải thành thực cầu xin như một ơn thánh và một quà tặng từ Trời Cao.

81. Ơn “tử đạo”, như chứng từ bất bạo động tối cao của lòng trung thành với đức tin, nay trở thành đối tượng cho lòng thù ghét, hù họa và bách hại chuyên biệt, là biên giới đáp ứng của Kitô giáo đối với bạo lực vốn coi như bia bắn việc dùng Tin Mừng tuyên xưng chân lý và tình yêu Thiên Chúa, đã được dẫn nhập vào lịch sử, lịch sử phàm trần và lịch sử tôn giáo, nhân danh Chúa Giêsu Kitô. Vịệc tử đạo, do đó, trở thành biểu tượng cực đoan của tự do dùng tình yêu chống lại bạo lực, và dùng hòa bình chống lại tranh chấp. Trong nhiều trường hợp, quyết tâm bản thân của vị tử đạo vì đức tin trong việc chấp nhận cái chết trở thành hạt giống của việc giải phóng tôn giáo và giải phóng nhân bản cho rất nhiều người nam nữ, đến độ đạt được sự giải thoát khỏi bạo lực và vượt thắng thù hận.

Lịch sử truyền giảng Tin Mừng của Kitô giáo cũng làm chứng điều đó qua việc khởi động diễn trình và các biến đổi xã hội có tầm cỡ phổ quát. Các chứng nhân đức tin này là lý do chính đáng để các tín hữu ca ngợi và bắt chước, nhưng cũng để tất cả những người đàn ông và đàn bà biết trân qúi tự do, phẩm giá, hòa bình giữa các dân tộc tôn trọng. Các vị tử đạo đã chống cự áp lực trả thù, tiêu trừ tinh thần trả đũa và bạo lực bằng sức mạnh tha thứ, yêu thương và tình huynh đệ [99]. Bằng cách này, các ngài đã làm hiển nhiên trước mặt thế giới sự cao cả của tự do tôn giáo như hạt giống gieo nền văn hóa tự do và công lý.

82. Đôi khi, người ta không bị sát hại nhân danh việc thực hành tôn giáo của họ, nhưng phải chịu đựng nhiều thái độ làm thương tổn một cách sâu xa khiến họ bị đẩy ra ngoài lề sinh hoạt xã hội: loại khỏi các chức năng công cộng, ngăn cấm không phân biệt các biểu tượng tôn giáo của họ, loại khỏi một số lợi điểm kinh tế và xã hội... Điều người ta vốn gọi là “tử đạo trắng” như điển hình tuyên xưng đức tin [100]. Chứng từ này, ngày nay, vẫn còn được nhìn thấy ở nhiều nơi trên thế giới: không nên tối thiểu hóa như thể đây chỉ là hiệu quả phụ của các cuộc tranh chấp giành quyền tối thượng sắc tộc hay chiếm quyền. Cần phải hiểu và giải thích đúng nét đẹp của chứng từ này. Nó dạy chúng ta về thiện ích chân chính của tự do tôn giáo một cách hết sức trong sáng và hữu hiệu. Phúc tử đạo Kitô giáo chứng minh cho mọi người điều gì sẽ xẩy ra khi tự do tôn giáo của người vô tội bị chống đối và dẹp bỏ: phúc tử đạo là chứng từ của một đức tin luôn trung thành với chính mình bằng cách bác bỏ đến cùng việc trả thù và sát hại. Theo nghĩa này, vị tử đạo vì đức tin Kitô giáo không hề có điều gì liên quan tới việc tự sát-sát nhân nhân danh Thiên Chúa: một sự hồ đồ như thế, trong chính nó, là một sự sa đoạ tinh thần và một vết thương cho linh hồn.

Kỳ tới: Kết luận và các ghi chú