2. Quan điểm của Dignitatis Humanae thời đó và thời nay

Chương này đề nghị nêu lên ý nghĩa được các Nghị phụ dành cho tự do tôn giáo như là quyền không thể chuyển nhượng của mỗi người. Chúng ta sẽ đánh giá giáo huấn của huấn quyền bằng cách xem xét một cách tổng hợp đâu là tri nhận của Giáo hội trước Công đồng Vatican II và việc tiếp nhận nó ra sao trong Huấn quyền gần đây.

Trước Công đồng Vatican II

14. Tuyên ngôn của Công đồng Vatican II về Tự do tôn giáo cho thấy sự trưởng thành trong tư tưởng Huấn quyền về bản chất đúng đắn của Giáo hội liên quan đến hình thức pháp lý của Nhà nước [1]. Lịch sử của tài liệu chứng tỏ tầm quan trọng thiết yếu của mối liên hệ qua lại này đối với việc biến hóa đồng nhất của học lý, do các thay đổi đáng kể trong bối cảnh chính trị và xã hội trong đó khái niệm Nhà nước và mối tương quan của nó với các truyền thống tôn giáo, với văn hóa dân sự, với trật tự pháp lý, với nhân vị, trải qua một sự biến đổi [2]. Dignitatis Humanae làm chứng cho một tiến bộ đáng kể trong việc Giáo hội hiểu các mối tương quan này, nhờ sự hiểu biết về đức tin sâu sắc hơn, một sự hiểu biết cho phép ta nhận ra sự cần thiết phải có tiến bộ trong trong việc trình bầy học thuyết. Sự hiểu biết tốt hơn về bản chất và các hệ luận của đức tin Kitô giáo này, một hiểu biết vốn dựa vào nguồn Mặc Khải và truyền thống Giáo hội, ngụ hàm một sự mới lạ về quan điểm và một thái độ khác đối với một số diễn dịch và áp dụng của huấn quyền trước đó.

15. Một cấu hình có tính ý thức hệ về một Nhà nước tự giải thích tính hiện đại của lãnh vực công cộng như là việc giải phóng khỏi lãnh vực tôn giáo, khiến cho Huấn quyền thời gian ấy lên án tự do lương tâm, được hiểu như chủ quan thờ ơ hợp pháp và tùy tiện đối với sự thật đạo đức và tôn giáo [3]. Mâu thuẫn biểu kiến giữa yêu sách tự do giáo hội và lên án tự do tôn giáo từ nay phải được làm rõ - và vượt qua - bằng cách lưu ý đến các khái niệm mới vốn xác định rõ lãnh vực của ý thức dân sự: quyền tự chủ hợp pháp của thực tại trần thế, sự biện minh dân chủ cho tự do chính trị, tính trung lập về ý thức hệ của lãnh vực công cộng. Phản ứng đầu tiên của Giáo hội có thể được giải thích bằng bối cảnh lịch sử khi Kitô giáo đại diện cho tôn giáo nhà nước và tôn giáo thống trị trên thực tế trong xã hội phương Tây. Việc hung hăng thành lập chủ nghĩa thế tục Nhà nước, một chủ nghĩa đã bác bỏ Kitô giáo khỏi cộng đồng trước tiên thần học hiểu như một "phản bội" đức tin, hơn là một "tách biệt" hợp pháp giữa Nhà nước và Giáo hội. Sự biến hóa chủ trương ban đầu của vấn đề này chủ yếu được làm cho dễ dàng nhờ hai khai triển: việc tự hiểu tốt hơn về thẩm quyền của Giáo Hội trong bối cảnh quyền lực chính trị và việc mở rộng có tính tiến bộ các lý do khiến Giáo Hội có quyền tự do trong khuôn khổ các quyền tự do căn bản của con người [4].

16. Dựa theo tính năng động trên của các nhân quyền, Thánh Gioan XXIII đã mở đường cho Công đồng. Trong thông điệp Pacem in Terris, ngài đã mô tả các quyền lợi và nghĩa vụ của con người trong một quan điểm cởi mở đối với Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, và ngài dạy rằng việc sống chung của con người phải được thực hiện trong tự do, "nghĩa là một cách phù hợp với các hữu thể hữu lý, được tạo nên để chịu trách nhiệm cho các hành động của mình"[5]. Trong tư cách đó, tự do tạo điều kiện cho tính năng động của việc con người sống chung trong lịch sử và trật tự sáng thế vốn được Thiên Chúa mong muốn đã chứng thực nó. Thực thế, nó là khả năng mà Đấng Tạo Hóa đã ban cho con người để họ có thể tìm kiếm sự thật bằng trí thông minh của mình, chọn điều thiện bằng ý chí của mình, và hết lòng gắn bó với lời hứa cứu rỗi của Thiên Chúa, sẽ cứu chuộc và hoàn thành trong tình yêu Thiên Chúa ơn gọi của mình tới sự sống. Thiên hướng tự do của hữu thể nhân bản này phải được bảo vệ chống lại bất cứ loại làm sai, đe dọa hoặc bạo lực nào [6].

Những điểm nổi bật của Dignitatis Humanae

17. Bây giờ chúng ta bàn tới giáo huấn của Công đồng Vatican II, dù một cách rất tổng hợp. Một cách long trọng, Tuyên ngôn đã khẳng định: "tự do tôn giáo thực sự được xây dựng trên chính phẩm giá con người, theo như Lời Thiên Chúa mạc khải và chính lý trí cho biết. Quyền tự do tôn giáo của con người trong cơ chế pháp lý của xã hội phải được thừa nhận với những giá trị của một điều luật dân sự” (DH 2a). Dignitatis Humanae đề nghị bốn luận điểm để biện minh cho việc lựa chọn tự do tôn giáo một cách chính xác như là một quyền dựa trên phẩm giá con người (x DH 1-8). Các luận điểm này được đưa ra trọn vẹn dưới ánh sáng của Mặc Khải Thiên Chúa (xem DH 9-11), được chấp nhận tự do bằng hành vi đức tin (xem DH 10), cũng xác định cả cách Giáo hội sử dụng nó nữa (xem DH 12-14) [7].

18. Luận điểm đầu tiên là tính toàn vẹn của con người, nghĩa là không thể tách biệt tự do nội tâm của họ khỏi biểu hiện công khai của họ. Quyền tự do này không phải là một sự kiện chủ quan, nhưng nó xuất phát về phương diện hữu thể từ bản chất và ơn gọi căn bản nhờ đó mỗi hữu thể nhân bản là một ngôi vị, được phú bẩm lý trí và ý chí, nhờ đó, họ được mời gọi bước vào một tương quan với sự thiện, sự thật, công lý, vốn liên hệ đến họ trong cuộc hiện sinh. Nói theo ngôn ngữ tôn giáo, ơn gọi nội tại này của hữu thể nhân vị chính là hữu thể nhân bản theo kế sách ban đầu của Thiên Chúa: được tạo ra như hữu thể Capax Dei (có khả năng nhận biết Thiên Chúa), cởi mở đón nhận siêu việt. Đó chính là nền tảng căn bản và tối hậu của tự do tôn giáo (xem DH 2a, 9, 11, 12). Do đó, điểm chính là quyền tự do rất thánh thiêng (sacro-sainte) của cá nhân không bị ép buộc hoặc ngăn chặn trong việc thực thi tôn giáo đích thực. Về phương diện này, mỗi cá nhân phải trả lời cho các hành vi của mình một cách có trách nhiệm: trong sự nghiêm túc của ý thức mình về điều thiện và trong sự tự do tìm kiếm sự thật của mình (và cả công lý nữa, xem DH 2, 4, 5 , 8, 13).

19. Luận điểm thứ hai nội tại trong nghĩa vụ tìm kiếm sự thật, một nghĩa vụ đòi hỏi và giả định cuộc đối thoại giữa các hữu thể nhân bản theo bản chất của họ, do đó, theo cung cách xã hội. Tự do tôn giáo, thay vì loại bỏ tầm quan trọng của các liên hệ xã hội, luôn là điều kiện chung của một cuộc tìm kiếm chân lý xứng đáng với con người. Giá trị của cuộc đối thoại có tính quyết định vì "sự thật chỉ được áp đặt bởi sức mạnh của chính sự thật, một sự thật thâm nhập vào tinh thần con người một cách vừa ngọt ngào vừa mạnh mẽ như nhau" (DH 1c). Cuộc đối thoại được thực hiện bởi việc tìm tòi này sẽ cho phép mọi người, không trừ ai, phải trình bầy và tranh luận về sự thật đã tiếp nhận và khám phá được, để thừa nhận tầm quan trọng của nó đối với toàn bộ cộng đồng nhân loại (xem DH 3b [8]). Do đó, chủ thể của tự do tôn giáo không chỉ là cá nhân, mà còn là cộng đồng và, đặc biệt, là gia đình. Do đó, cần phải nhớ thực hiện tự do trong việc truyền tải các giá trị tôn giáo qua giáo dục và giáo huấn (xem DH 4, 5, 13b). Về những gì liên quan đến gia đình và cha mẹ, có lời khẳng định: "Mỗi gia đình, trong tư cách xã hội được hưởng quyền thích đáng và có tính nguyên ủy, có quyền tự do tổ chức đời sống tôn giáo của mình tại nhà, dưới sự chỉ đạo của cha mẹ. Thuộc các vị này là quyền quyết định việc đào tạo tôn giáo phải được dành cho con cái họ theo các xác tín tôn giáo của riêng họ. Thế cho nên quyền lực dân sự phải nhìn nhận việc họ có quyền hoàn toàn tự do lựa chọn trường học hoặc các phương tiện giáo dục khác "(DH 5a).

20. Luận điểm thứ ba xuất phát từ bản chất tôn giáo, mà homo religiosus (con người tôn giáo), trong tư cách một hữu thể xã hội, vốn sống và biểu lộ trong xã hội bằng các hành vi nội tâm và thờ phượng công cộng [9]. Thực thế, quyền tự do tôn giáo được thực thi trong xã hội loài người và cho phép con người, trước hết, miễn trừ khỏi mọi ép buộc bên ngoài liên quan đến mối tương quan với Thiên Chúa (x. Đ 2, 3c-e, 4, 10, 11, 13). Các thẩm quyền dân sự và chính trị, vì cứu cánh cụ thể là chăm sóc lợi ích chung trần thế, nên không có quyền can thiệp vào các vấn đề liên quan đến lãnh vực tự do tôn giáo bản thân, vốn không thể vi phạm trong lương tâm của cá nhân, cũng không thể vi phạm việc họ biểu lộ nó nơi công cộng, trừ khi đó là vấn đề trật tự công cộng chính đáng, dù sao phải dựa trên các sự kiện được xác minh và thông tin chính xác (xem DH 1, 2 , 5).

21. Cuối cùng, luận điểm thứ tư, liên quan đến các giới hạn của quyền lực thuần túy nhân bản, dân sự và pháp lý trong vấn đề tôn giáo. Điều cũng cần là tôn giáo phải ý thức đầy đủ về tính hợp pháp hay không của việc mình biểu lộ công khai. Thật vậy, việc phát biểu rõ các giới hạn của tự do tôn giáo, nhằm bảo vệ công lý và hòa bình, vốn là một phần tạo nên lợi ích chung (xem DH 3, 4, 7, 8) và có liên hệ đến chính các tín hữu (xem DH 7, 15).