Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 13 tháng 10, tức là Chúa Nhật thứ 28 mùa Thường Niên, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành lễ tuyên thánh cho 5 vị Chân Phước là John Henry Newman, Mariam Thresia, Giuseppina Vannini, Dulce Lopes Pontes và Margarita Bays.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:


“Đức tin của anh đã cứu anh” (Lc 17:19). Đây là cao trào của bài Tin mừng hôm nay, phản ánh hành trình đức tin. Có ba bước trong hành trình đức tin này. Chúng ta thấy những bước ấy trong hành động của những người phong cùi mà Chúa Giêsu chữa lành. Họ kêu van, bước đi và tạ ơn.

Đầu tiên, họ kêu lên. Những người phong cùi đã ở trong một tình huống khủng khiếp, họ phải chiến đấu với nỗ lực không ngừng trước một căn bệnh, mà ngày nay vẫn lan rộng; bên cạnh đó họ còn phải đối diện với tình trạng bị loại ra khỏi xã hội. Vào thời Chúa Giêsu, những người phong cùi bị coi là ô uế và vì thế, phải bị cô lập và cách ly (x. Lev 13: 46). Chúng ta thấy điều đó khi họ tiếp cận với Chúa Giêsu, họ “giữ khoảng cách” (Lc 17:12). Bất kể tình trạng bị cách ly, Tin Mừng nói với chúng ta rằng họ “cất tiếng” (câu 13) cầu xin Chúa Giêsu. Họ không để mình bị tê liệt vì bị xã hội xa lánh; họ kêu lên với Chúa, Đấng không loại trừ một ai. Chúng ta thấy khoảng cách được rút ngắn, sự cô đơn được vượt qua như thế nào: đó là đừng đóng kín trong chính mình và vấn nạn của mình, đừng nghĩ người khác sẽ phán xét chúng ta ra sao, nhưng trái lại kêu lên cùng Chúa, vì Chúa lắng nghe thấy tiếng khóc của những ai thấy mình cô đơn.

Giống như những người phong cùi, chúng ta cũng cần được chữa lành, mỗi người chúng ta. Chúng ta cần được chữa lành sự thiếu tự tin nơi bản thân, nơi cuộc sống, và tương lai; chúng ta cần được chữa lành những nỗi sợ hãi và những thói hư tật xấu đang nô lệ hóa chúng ta, chúng ta cần được chữa lành não trạng quy hướng về chính mình, nghiện ngập, mải mê những trò chơi, tiền bạc, truyền hình, điện thoại di động, áy náy với những gì người khác nghĩ về mình. Chúa giải phóng con tim chúng ta và chữa lành tâm hồn chúng ta chỉ khi nào chúng ta kêu cầu Ngài, chỉ khi nào chúng ta nói với Ngài rằng: “Lạy Chúa, con tin rằng Chúa có thể chữa lành cho con. Lạy Chúa Giêsu, xin chữa lành con khỏi bị cuốn hút vào chính mình. Xin giải phóng con khỏi sự dữ và sợ hãi”. Trong Tin Mừng, những người phong cùi là những người đầu tiên đã kêu cầu danh Chúa Giêsu. Sau đó, một người đàn ông mù và một tên trộm bị đóng đinh cũng sẽ làm như vậy: tất cả họ đều là những người quẫn bách kêu cầu danh Chúa Giêsu, có nghĩa là: “Thiên Chúa cứu độ”. Họ kêu cầu danh Chúa bằng chính tên Ngài, trực tiếp và tự phát. Gọi ai đó bằng tên là một dấu chỉ của sự tự tin, và điều đó làm Chúa hài lòng. Đó là cách đức tin phát triển, qua lời cầu nguyện tự tin, và phó thác. Đó là những lời cầu nguyện trong đó chúng ta mang đến với Chúa Giêsu, chúng ta thực sự là ai, với tấm lòng rộng mở, không cố gắng che dấu những đau khổ của chúng ta. Mỗi ngày, với sự tự tin, chúng ta hãy kêu cầu danh Chúa Giêsu: “Thiên Chúa cứu độ”. Chúng ta hãy lặp lại điều này: kêu tên “Giêsu” là cầu nguyện. Và cầu nguyện là điều cần thiết! Thật vậy, cầu nguyện là cánh cửa đức tin; Cầu nguyện là liều thuốc cho tâm hồn.

Từ thứ hai là bước đi. Đây là giai đoạn thứ hai. Trong bài Tin mừng ngắn gọn hôm nay, có một số động từ chuyển động. Một điều khá nổi bật là những người phong cùi không được chữa lành khi họ đứng trước Chúa Giêsu; chỉ sau đó, khi họ đang đi. Tin Mừng cho chúng ta biết: “Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch” (câu 14.). Họ đã được chữa lành bằng cách đi lên Giêrusalem, nghĩa là trong khi đang đi lên dốc. Trong hành trình của cuộc sống, sự thanh tẩy diễn ra trên đường đi, một con đường thường khó khăn vì nó dẫn đến những đỉnh cao. Đức tin đòi hỏi phải hành trình, phải “đi ra” từ chính chúng ta, và nó có thể tạo ra những điều kỳ diệu nếu chúng ta từ bỏ những định tín làm yên tâm chúng ta, nếu chúng ta rời khỏi bến cảng an toàn của chúng ta và những cái tổ ấm cúng của chúng ta. Niềm tin tăng lên bằng cách cho đi, và trưởng thành bằng cách chấp nhận rủi ro. Đức tin thăng tiến khi chúng ta tiến bước với niềm tin vào Thiên Chúa. Đức tin thăng tiến với những bước đi khiêm nhường và thực tế, như những bước chân của những người phong cùi hay của ông Naaman là người đã xuống tắm ở sông Giođan (x. 2 Các Vua 5: 14-17). Điều này cũng đúng đối với chúng ta. Chúng ta tiến lên trong đức tin bằng cách thể hiện tình yêu khiêm nhường và thực tiễn, trong khi rèn luyện sự kiên nhẫn mỗi ngày và cầu nguyện liên tục với Chúa Giêsu khi chúng ta tiếp tục tiến lên trên con đường của mình.

Có một khía cạnh thú vị hơn nữa đối với hành trình của những người phong cùi: họ di chuyển cùng nhau. Tin Mừng cho chúng ta biết, “Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch” (c. 14). Các động từ được chia ở số nhiều. Niềm tin cũng có nghĩa là cùng đi với nhau, không bao giờ lẻ loi. Tuy nhiên, sau khi được chữa lành, chín người trong số họ đã ra đi theo những con đường của mình và chỉ một người quay lại để cảm ơn. Chúa Giêsu khi đó thể hiện sự ngạc nhiên của Ngài: “Còn chín người kia đâu?” (c. 17). Như thể Ngài yêu cầu người duy nhất quay trở lại chịu trách nhiệm cho chín người kia. Nhiệm vụ của chúng ta, những người cử hành Bí tích Thánh Thể như một hành động tạ ơn, là chăm sóc cho những người đã dừng bước, những người lầm đường lạc lối. Chúng ta được kêu gọi làm người giám hộ cho những anh chị em đã lạc xa, tất cả chúng ta! Chúng ta phải cầu thay nguyện giúp cho họ; chúng ta chịu trách nhiệm cho họ, giải trình cho họ, giữ họ gần gũi trong trái tim mình. Anh chị em có muốn phát triển trong đức tin không? Anh chị em, những người đang hiện diện ở đây hôm nay, anh chị em có muốn phát triển trong đức tin không? Nếu muốn, hãy chăm sóc cho một người anh em lạc xa, cho một người chị em đã lìa đàn.

Kêu cầu. Bước đi. Và tạ ơn. Đây là bước cuối cùng. Chúa Giêsu chỉ nói với người quay lại cảm ơn Ngài: “đức tin của anh đã cứu anh” (câu 19.). Đức tin làm cho anh vừa an toàn vừa lành sạch. Chúng ta thấy từ đây rằng mục tiêu cuối cùng không phải là sức khỏe hay an lạc, nhưng là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Ơn cứu độ không phải là uống một ly nước để giữ cho khoẻ mạnh; nhưng là để đi đến nguồn mạch, là Chúa Giêsu. Chỉ một mình Ngài mới giải thoát chúng ta khỏi mọi sự dữ và chữa lành trái tim chúng ta. Chỉ có cuộc gặp gỡ với Ngài mới có thể cứu chúng ta, làm cho cuộc sống chúng ta viên mãn và đẹp đẽ. Bất cứ khi nào chúng ta gặp Chúa Giêsu, từ “cám ơn” lập tức bật lên trên đôi môi chúng ta, vì chúng ta đã phát hiện ra điều quan trọng nhất trong cuộc đời, đó không phải là nhận được một ân sủng hay giải quyết được một vấn đề, nhưng là đón nhận Chúa của sự sống. Và đây là điều quan trọng nhất trong cuộc sống: hãy đón nhận Chúa của sự sống.

Điều gây ấn tượng sâu sắc là thấy người đàn ông được chữa lành, một người Samaritanô, bày tỏ niềm vui với toàn bộ con người của mình như thế nào: anh ta lớn tiếng ca ngợi Chúa, anh ta phủ phục trước mặt Ngài và dâng lời cảm tạ (xem câu 15-16). Đỉnh cao của hành trình đức tin là sống một cuộc đời tạ ơn liên tục. Chúng ta hãy tự hỏi mình: liệu chúng ta, với tư cách là những người có đức tin, có sống mỗi ngày như một gánh nặng không, hay như một hành động ngợi khen? Có phải chúng ta đóng kín trong chính mình, chờ đợi để xin một ơn lành khác, hay chúng ta tìm thấy niềm vui của mình trong việc tạ ơn? Khi chúng ta bày tỏ lòng biết ơn, trái tim của Chúa Cha cảm động và Người tuôn đổ Thánh Thần trên chúng ta. Tạ ơn không phải là một vấn đề cư xử cho đẹp hay xã giao cho đàng hoàng; đó là một vấn đề liên quan đến đức tin. Một trái tim biết ơn là một trái tim vẫn còn trẻ. Hãy nói “Lạy Chúa, cám tạ Chúa” khi chúng ta thức dậy, suốt cả ngày và trước khi đi ngủ: đó là cách tốt nhất để giữ trái tim chúng ta còn trẻ, bởi vì trái tim có thể già đi và đâm ra hư hỏng. Điều này cũng đúng với các gia đình và giữa vợ chồng với nhau. Hãy nhớ nói lời cảm ơn. Những từ đó đơn giản nhưng hiệu quả nhất trong tất cả các từ.

Kêu cầu. Bước đi. Và tạ ơn. Hôm nay chúng ta tạ ơn Chúa vì các Thánh mới của chúng ta. Các ngài đã tiến bước trong đức tin và giờ đây chúng ta cầu xin sự cầu bầu của các ngài. Ba trong số các vị là các nữ tu đã cho chúng ta thấy rằng cuộc đời tận hiến là một hành trình của tình yêu ở các vùng ngoại vi hiện sinh của thế giới. Thêm vào đó, Thánh Marguerite Bays là một thợ may; thánh nữ nói với chúng ta về sức mạnh của lời cầu nguyện đơn sơ, sự kiên nhẫn bền bỉ và tự hiến thầm lặng. Đó là cách Chúa làm cho ánh huy hoàng của lễ Phục sinh tỏa sáng trong cuộc đời cô, trong sự khiêm nhường của cô. Đó là sự thánh thiện của đời sống hằng ngày, mà Thánh John Henry Newman đã mô tả trong những lời này: “Người Kitô hữu có sự bình an sâu xa, lặng lẽ, ẩn sâu mà thế giới không nhìn thấy. .. Kitô hữu vui tươi, dễ dãi, tốt bụng, hiền lành, nhã nhặn, thẳng thắn, không đoán xét, không dối trá. .. với rất ít những gì là bất thường hay nổi bật, đến mức nhìn thoáng qua giống như một người bình thường” (Các bài giảng trọng thể và bình thường, V, 5).

Chúng ta hãy cầu xin cho được như vậy, cho được là những “ánh sáng dịu dàng” trong bối cảnh u ám bao quanh. Lạy Chúa Giêsu, “xin ở lại với con, và khi đó con sẽ bắt đầu tỏa sáng như Ngài: tỏa sáng như là một ánh sáng cho những người khác” (Suy ngẫm về Tín lý Kitô, VII, 3). Amen.


Source:Holy See Press Office