MỘT CHUYẾN VIẾNG THĂM MIỀN TRUNG

HUẾ -- Nhận được tin một vài tỉnh miền Trung bị thiệt hại do lũ lụt ngày 26-11 gây ra, Đức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Chủ tịch Uỷ ban Bác ái Xã hội (UB BAXH), đã cử đoàn đại biểu đến tận nơi thăm viếng và giúp đỡ các nạn nhân. Đoàn gồm Linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng Thư ký UB BAXH và Nữ tu Têrêsa Đỗ Thị An, rời Saigòn và đến Đà Nẵng ngày 2-12-2004. Đoàn đã làm việc với Đức cha Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh và Cha Phaolô Trần Quốc Việt để tìm hiểu mức độ thiệt hại. So với cơn bão và lũ lụt năm 1999 chỉ có một huyện vùng cao, cách Đà Nẵng 100 cây số gần biên giới Lào và Kontum bị thiệt hại nặng nề, các huyện khác tương đối nhẹ. Toà Giám mục đã tích cực giúp đỡ để xây dựng lại nhà cửa và phương tiện sản xuất cho những nơi thiệt hại.

Đặc biệt, Ban Bác ái Xã hội của Giáo phận cũng chú ý rất nhiều đến những nạn nhân khuyết tật và nạn nhân chất độc màu da cam, do hậu quả chiến tranh để lại và họ cũng chính là những người đang cần được cứu giúp. Ngày 3-12-2004, nhân ngày quốc tế người khuyết tật, đoàn đã đến thăm và làm việc với Hội người mù huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 20 km về phía Nam.

Các ghế trong Nhà thờ Mỹ Chánh buộc lại cho khỏi trôi theo dòng nước
Hội gồm hơn 300 người khiếm thị thuộc 16 xã, trong đó có 85 người già yếu có hoàn cảnh khó khăn và được nhà nước trợ cấp 45.000 đồng/1tháng. Số còn lại tương đối mạnh khoẻ, tập trung vào việc làm chổi bằng cây đót và tăm tre. Tại cơ sở chính của Hội hiện có 32 người đang làm chổi. Buổi sáng từng 2 người một mang chổi đi bán tại các trường học, cơ quan, nhà dân. Ban tối họ chia nhau ngủ trong mấy căn phòng chật hẹp phía sau trụ sở. Mỗi cây chổi kiếm lời được vài trăm đồng. Mỗi ngày phải bán vài chục cây chổi mới đủ sống qua ngày. Hội cũng đã gửi 2 người học massage, bấm huyệt nhưng chưa có mặt bằng để phục vụ khách hàng. Hội mong ước có một số tiền sửa lại mặt bằng của hội thành phòng massage để có điều kiện hoạt động.

Khi đến trụ sở, chúng tôi không thấy một cuốn sách đọc nào cho người khiếm thị, do đó chúng tôi đã nghĩ đến việc chuyển đến họ những loại sách hầu nâng cao trình độ văn hoá. Uỷ ban BAXH có thể xin sao chép lại một vài sách báo trong các thư viện dành riêng cho người khiếm thị tại thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ riêng tỉnh Quảng Nam, với 2 thị xã và 12 huyện, số người mù cũng đã lên tới vài ngàn người. Ngoài ra, đối với những người khiếm thị Công giáo, UB BAXH cũng có thể gửi giúp những bản Tân Ước và 150 Thánh Vịnh bằng chữ Braille.

UB BAXH đã trợ giúp khẩn cấp cho Giáo phận Đà Nẵng 75 triệu đồng từ Quỹ Cứu trợ Khẩn cấp. Quỹ này hình thành từ sự đóng góp của tín hữu Việt Nam vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh hằng năm và sự cộng tác của một vài cơ quan như Hội Đồng Giám mục Ý, Caritas Đức… Hy vọng các giáo phận và đồng bào sẽ còn tiếp tục giúp đỡ thêm

Rời Quảng Nam chúng tôi ra Đà Nẵng vào buổi trưa và tiếp tục vượt đèo Hải Vân để đến Thành phố Huế giữa cơn mưa bão, với sương mù dày đặc. Dù mới chỉ 3-4 giờ chiều nhưng trời đã tối đen trong cơn mưa nặng hạt. Đến Huế, chúng tôi làm việc ngay với Đức Tổng Giám mục Stêphanô Nguyễn Như Thể và Linh mục Đa Minh Trương Văn Tập, phụ trách Ban BAXH của Tổng Giáo phận để biết thêm về tình hình lũ lụt tại đây.

Trận lụt năm nay xảy ra vào ngày 26-11-2004 với mực nước trên các sông Hương, sông Bồ của Huế chỉ thấp hơn trận lũ lịch sử tháng 11-1999 một chút nhưng lại lớn hơn các trận lũ khác kể từ năm 1983 đến nay. Nước lũ lên nhanh nhưng lại rút chậm sau khi kéo dài 2 ngày rưỡi. Số người chết tại Thừa Thiên Huế là 10 người, Quảng Nam 14 người, Quảng Ngãi 11 người. Riêng tỉnh Thừa Thiên Huế có 1.626 nhà bị sập, hư hỏng, hàng ngàn hécta hoa màu bị thiệt hại và gần 100.000 gia súc, gia cầm bị chết, nhiều đường xá, cầu cống hư hại, sạt lở. Số thiệt hại tổng cộng khoảng 208 tỷ đồng so với hơn 300 tỷ đồng của toàn miền Trung, trong đó có 1.600 hộ cần cứu trợ khẩn cấp, theo báo cáo của Ủy ban Phòng chống Bão lụt và Tìm kiếm Cứu nạn của Tỉnh Thừa Thiên Huế gửi về.

Từ 7g30-8g30, ngày 4-12-2004, chúng tôi đến thăm phòng khám từ thiện Kim Long ở 36 Kim Long Huế, và được biết phòng khám này mỗi ngày tiếp nhận khoảng 300 bệnh nhân. Phòng khám do Hội dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm thành lập với sự cộng tác của các Hội chữ thập Đỏ và các tôn giáo bạn, có 44 nhân viên gồm bác sĩ, y tá và các tình nguyện viên làm việc.

Cảnh nhà bị đổ nát do lũ lụt
Từ 8g30 sau khi thăm một vài nơi bị thiệt hại do cơn bão và lũ lụt tại Giáo xứ Đông Lâm, huyện Quảng Điền, thuộc địa phận Thừa Thiên Huế, giáo xứ Thanh Bình, Thị trấn Sịa. Chúng tôi đến thẳng huyện Hải Lăng thuộc tỉnh Quảng Trị. Đây là vùng trũng và thiệt hại nặng nề nhất trong đợt lũ này.

Chúng tôi dừng xe ở giáo xứ Kẻ Văn để xuống đò đi thăm các giáo xứ như: Phú Kinh, Hội Điền, Mỹ Chánh, Cây Da mà người dân địa phương gọi là vùng Càng. Dù sau cơn lũ một tuần nhưng nước vẫn còn trắng đồng và ngập một số đường giao thông khiến chúng tôi phải đi những chiếc thuyền nan nhỏ để thăm từ nhà này sang nhà khác. Chúng tôi được linh mục P.X. Trần Phương, cha sở giáo xứ Kẻ Văn và linh mục Bênêđictô Lê Quang Viên, cha sở giáo xứ Cây Da hướng dẫn. Huyện Hải Lăng có khoảng 100.000 người dân nhưng có thể nói những người ở trong vùng Càng là những người nghèo nhất vì hầu hết không có ruộng đất để trồng trọt mà phải đi làm thuê, cấy mướn cho người dân chung quanh vùng. Người dân ở đây chưa có nước sạch nên họ vẫn trực tiếp phải dùng nước sông để tắm rửa, ăn uống. Chúng tôi còn thấy cả rác và xác chết của thú vật trôi trên sông. Trước thực trạng trên, chúng tôi có gợi ý cho các linh mục và tu sĩ tại địa phương lập một dự án cung cấp nước sạch cho người dân trong vùng.

“Cái khó bó cái khôn”. Trẻ em ở đây không có đầy đủ điều kiện để học tập vì chỉ có một vài trường tiểu học với số giáo viên ít ỏi ở địa phương. Về vấn đề nhà ở, khoảng 50% dân chúng sống trong những ngôi nhà xiêu vẹo và thô sơ, mà chỉ vài cơn gió mạnh là có thể sụp đổ. Người dân đi vệ sinh ngay trên sông và rồi lại ăn uống, tắm giặt ngay trên chính dòng sông đó. Mặt khác họ không có một phương tiện giải trí nào ngoài một vài máy truyền hình coi chung với nhau, nhưng dòng điện không có thường xuyên và bị cắt liên tục, nhất là trong những ngày mưa bão. Do không có phương tiện giải trí và không nắm bắt được những thông tin cần thiết về kế hoạch hoá gia đình, nên số hộ đông con có rất nhiều (một số gia đình có tới 10 người con).

Tại Càng Mỹ Chánh, Cây Da, toàn vùng không có một cơ sở sản xuất nào vì chưa có sự đầu tư của Nhà nước, người dân chỉ biết cấy mướn, làm thuê. Chúng tôi đã gợi ý với anh em linh mục ở đây về một số điểm để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Xung quanh vùng Càng là nước bao quanh bởi 2 con sông Ô Giang, Ô Lâu, có kênh đào Ngô Đình Diệm để điều tiết lượng nước tức thời do lũ đổ về, nhờ đó, người dân bớt thiệt hại.

Một vài Càng ở đây có dân số Công giáo 100%. Dù nghèo khổ và thiếu thốn nhưng lòng đạo lại hết sức sâu xa và giữ được niềm tin mạnh mẽ từ những ngày đầu được truyền đạo. Chúng tôi đến thăm mộ của Thánh Giuse Lê Đăng Thị (1825-1860), Cai Đội, cùng với 42 gia đình bị thiêu cháy dưới thời vua Tự Đức. Chúng tôi nghĩ rằng lòng tin của người tín hữu ấy vẫn còn truyền lại cho con cháu đến hôm nay.

UB BAXH đã gửi tới Ban BAXH Huế số tiền hơn 300 triệu đồng trong Quỹ Cứu trợ Khẩn cấp của Hội Đồng Giám mục Việt Nam. Số tiền này chẳng đáng là bao so với sự thiệt hại của toàn tỉnh đã phải gánh chịu trong cơn lũ vừa qua. Chúng tôi hy vọng nhiều người tiếp tục giúp đỡ những nạn nhân và nhất là những đồng bào trong huyện Hải Lăng để người dân có đời sống ổn định hơn.

Tổng Thư ký UB BAXH