Một số nước châu Á và Nga đã ra lệnh cấm nhập khẩu thịt bò của Hoa Kỳ sau khi nước này thông báo phát hiện ca nghi nhiễm bệnh "bò điên", hay còn gọi tắt là bệnh BSE, đầu tiên.

Lệnh cấm này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi tin về ca nghi nhiễm bệnh 'bò điên', phát hiện trong một cuộc kiểm tra một con bò ở bang Washington, được loan đi.

Số lượng các nước áp dụng lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Mỹ với hiệu lực tức thì càng lúc càng gia tăng.

Nhật Bản, thị trường tiêu thụ tới 1/3 số sản phẩm thịt bò mà Mỹ xuất khẩu, dẫn đầu các nước thực hiện lệnh cấm này.

Sau đó là các nước châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Nam Hàn, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Đài Loan, Hongkong và Úc.

Nga cũng tuyên bố tạm thời cấm nhập khẩu, và Nam Phi cũng có hành động tương tự.

Liên hiệp châu Âu thì nói rằng họ chưa thấy cần phải thắt chặt ngay các biện pháp bảo vệ.

"Thịt bò Mỹ vẫn an toàn"

Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Ann Veneman cho biết một con bò Holstein cho kết quả thử dương tính; thế nhưng bà khẳng định thịt bò của Mỹ vẫn an toàn.

Con bò bị bệnh được kiểm tra vào hôm 9/12 và những mẫu mô của nó đã được đưa tới tận Anh để kiểm tra thêm.

Các kết quả kiểm tra thêm này sẽ phải mất vài ngày mới được thông báo chính thức.

Trang trại gần Yakima, Washington, nơi có con bò bị bệnh, đã bị cách ly.

"Chúng tôi vẫn tự tin vào độ an toàn của thực phẩm của chúng tôi", bà Bộ trưởng Nông nghiệp Veneman nói với các phóng viên, và nói thêm rằng bà dự định sẽ có món thịt bò vào ngày Giáng Sinh.

Ngay sau khi tin này được thông báo, tại Tokyo, người phát ngôn cho Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, Hiroaki Ogura, nói lệnh cấm các sản phẩm thịt bò của Mỹ có hiệu lực ngay lập tức, cho tới khi có thêm thông tin.

Theo phóng viên BBC, Michael Buchanan, tại Washington, trong khi sự kiện này có thể khiến các nhà xuất khẩu Mỹ quan ngại, tác hại thực sự của nó sẽ có hiệu quả trông thấy nếu người tiêu dùng Mỹ ngừng ăn thịt bò.

Nếu chuyện đó xảy ra, nó sẽ là một cú đòn mạnh giáng vào ngành chăn nuôi gia súc của Mỹ, vốn có doanh thu tới 175 tỉ đôla. (BBC)