Giáo lý chuẩn bị Đại Hội các Gia Đình Thế Giới tại Philadelphia 2015

TÌNH YÊU LÀ SỨ MỆNH CỦA CHÚNG TA
ĐỂ GIA ĐÌNH SỐNG DỒI DÀO


BÀI BẢY: ÁNH SÁNG TRONG MỘT THẾ GIỚI TĂM TỐI

Ở tình trạng tốt nhất của hôn nhân, gia đình chính là trường học dạy yêu thương, công bằng, lòng trắc ẩn, sự thứ tha, sự tương kính, đức kiên nhẫn và đức khiêm tốn giữa lòng một thế giới tăm tối bởi thói ích kỷ và những xung đột. Theo những đường hướng này, gia đình dạy chúng ta biết cách sống làm người. Tuy nhiên, nhiều cám dỗ cứ xuất hiện cố gắng dụ dỗ chúng ta quên đi rằng người nam và người nữ được tạo dựng nên để sống giao ước và hiệp thông với nhau. Sự nghèo đói, sự giàu có, văn hóa phẩm khiêu dâm, việc ngừa thai, những thứ triết lý và văn hóa lầm lạc, tất cả đều có thể tạo nên những bối cảnh thách đố hoặc đe dọa đời sống gia đình lành mạnh. Hội Thánh chống lại những thứ này để bảo vệ gia đình.

Hậu quả của sự Sa ngã

113. Chúng ta là những thụ tạo đã sa ngã. Chúng ta không luôn luôn yêu thương đúng như chúng ta phải yêu thương. Nhưng nếu chúng ta nhìn nhận và xác định tội lỗi của mình, chúng ta có thể chừa bỏ được chúng.

114. Chúng ta có thể nhận thấy chứng cớ sa ngã trong các việc mình làm hằng ngày: nơi trái tim bị phân rẽ của chúng ta, và nơi những chướng ngại chống lại nhân đức rất thường thấy trên đời. "Chế độ tội lỗi" được ta “cảm nhận ngay trong những tương quan giữa người nam và người nữ. Sự kết hợp của họ luôn bị đe dọa bởi sự bất hòa, óc thống trị, sự bất trung, lòng ghen tương, và những xung đột có thể leo thang đến mức thù hận và chia lìa.

Tình trạng vô trật tự này có thể tự bộc lộ cách sâu sắc nhiều hay ít, và có thể được thắng vượt nhiều hay ít tùy theo hoàn cảnh văn hóa, thời đại, và các cá nhân, nhưng dường như nó mang tính cách phổ biến[1].

115. Tài liệu Chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục Ngoại thường 2014 về " Các Thách đố Mục vụ đối với Gia đình trong Bối cảnh Phúc âm hóa" đưa ra một con số rất lớn những vấn đề toàn cầu:

Nhiều hoàn cảnh mới đòi hỏi Hội thánh phải quan tâm và chăm sóc mục vụ bao gồm: hôn nhân hỗn hợp hay hôn nhân khác đạo, các gia đình có cha mẹ đơn thân, nạn đa thê, hôn nhân với hệ lụy về của hồi môn, đôi khi được hiểu như giá mua người phụ nữ, hệ thống giai cấp, một thứ văn hóa chủ trương không cần sự cam kết và một giả định mối liên kết hôn nhân có thể là nhất thời ; các hình thức chủ nghĩa nữ quyền thù địch với Hội thánh; tình trạng di cư và việc định nghĩa lại chính ý niệm gia đình; chủ nghĩa đa nguyên theo thuyết tương đối trong quan niệm hôn nhân; ảnh hưởng của truyền thông trên nền văn hóa đại chúng liên quan đến cách hiểu về hôn nhân và đời sống gia đình; những khuynh hướng tư tưởng tiềm ẩn trong các dự luật nhằm hạ thấp quan niệm về tính vĩnh viễn và lòng trung thành trong giao ước hôn nhân; hiện tượng mang thai hộ ngày càng nhiều); và những lối giải mới về điều được xem là nhân quyền[2].

Các Vấn đề và bối cảnh kinh tế

116. Sự nghèo đói và khó khăn kinh tế xói mòn hôn nhân và đời sống gia đình trên khắp thế giới.

Một ngày nọ, chỉ vào một tấm bảng giữa đám đông tại Quảng trường thánh Phêrô lúc nguyện kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Tôi đọc thấy ở đó hàng chữ lớn "Người nghèo không thể chờ đợi". Thật là hay! Điều này làm tôi nghĩ đến Chúa Giêsu sinh ra trong một chuồng bò. Ngài đâu có được sinh ra dưới một mái nhà. Sau đó, Ngài đã phải vượt biên, lánh sang Ai Cập để thoát thân. Rồi Ngài trở về nhà mình tại Nadarét. Và hôm nay, khi đọc thấy những gì viết ở đó, tôi nghĩ đến bao gia đình không nhà không cửa, hoặc vì họ đã chẳng bao giờ có được một mái ấm, hoặc vì họ đã bị mất đi do vô số lý do. Gia đình và mái ấm đi đôi với nhau. Vun đắp một gia đình mà không được sống trong một mái nhà, thật rất khó khăn.

Tôi mời gọi tất cả mọi người (các cá nhân, các định chế xã hội, các giới chức thẩm quyền) hãy làm hết sức có thể để mỗi gia đình có được một mái nhà[3].

117. Đồng thời, các dữ liệu khoa học xã hội cho thấy những cuộc hôn nhân và những gia đình ổn định dễ vượt qua sự nghèo khổ, cũng như sự nghèo khổ vẫn có thể tác hại cho các cuộc hôn nhân và gia đình ổn định. Các cuộc hôn nhân và gia đình vững mạnh tạo nên hy vọng, và hy vọng dẫn tới mục đích và thành tựu. Sự kiện này gợi lên một cung cách mà một niềm tin Kitô kiên vững sẽ đem lại những hệ quả cụ thể cũng như thiêng liêng. Giúp đỡ các gia đình phá vỡ những vòng luẩn quẩn, và biến đổi chúng thành những chu kỳ đạo đức, là một lý do để Hội thánh quan tâm đến các hoàn cảnh kinh tế cũng như những hoàn cảnh thiêng liêng trong cuộc sống chúng ta.

118. Đức Bênêđictô XVI, trong Thông Điệp cuối cùng của mình, "Bác Ái trong Chân Lý", nhấn mạnh đến "các mối liên hệ sâu xa giữa đạo đức sự sống và đạo đức xã hội”[4]. Ngài nhận xét rằng : "Gia đình cần có một mái ấm, công ăn việc làm và một sự nhìn nhận đúng đắn hoạt động tại gia của cha mẹ, khả năng cho con cái ăn học, và chăm sóc sức khỏe cơ bản cho mọi người"[5]. Đức Giêsu Kitô chăm sóc con người toàn diện. Chính Người không xa lạ với cảnh nghèo khổ và cũng phát xuất từ một gia đình vốn đã một lần phải đi tị nạn[6]; giờ đây Người kêu gọi Hội thánh Người bày tỏ tình liên đới với các gia đình gặp cảnh ngộ tương tự[7].

119. Nói cách khác, nếu chúng ta nói chúng ta quan tâm đến gia đình, chúng ta cần chăm sóc người nghèo. Nếu chúng ta chăm sóc người nghèo, chúng ta sẽ phục vụ các gia đình.

120. Nền kinh tế siêu tư bản toàn cầu hiện nay cũng tác hại cho các tầng lớp trung lưu và người giàu có. Chẳng hạn, nền văn hóa đại chúng xem tình dục như một thứ hàng hóa. Việc tiếp thị của các tập đoàn tạo nên một thứ ham muốn khôn cùng thích những kinh nghiệm mới mẻ, một bầu khí thích thường xuyên đi rong ruổi và ham muốn không ngơi. Cuộc sống trong các nền văn hóa thị trường hiện đại trở thành một cuộc vật lộn trước các thứ âm nhạc giải trí hỗn tạp, tiếng ồn, và những thèm khát khôn nguôi, tất cả những thứ này phá vỡ sự ổn định của gia đình và càng nuôi dưỡng ý thức rằng mình được quyền. Thường xuyên sống trong thị trường như thế có thể cám dỗ chúng ta nghĩ rằng một khi chúng ta ước muốn điều gì, mà điều ấy có được sự đồng thuận, và mình có khả năng tài chánh để chi trả, thì chúng ta được quyền có điều đó. Thứ cảm thức mình được quyền làm mọi sự ấy là một ảo tưởng có tính hủy diệt, một thứ nô lệ cho thị dục, làm giảm thiểu sự tự do của chúng ta để sống theo đức hạnh. Không chấp nhận các giới hạn, chúng ta cứ khăng khăng đeo đuổi những thị dục của mình, càng làm cho nhiều vấn đề, về đời sống vật chất cũng như tinh thần, trong thế giới ngày nay thêm trầm trọng.

Tại sao Văn hóa phẩm Khiêu dâm và thủ dâm là điều sai trái

121. Xem tính dục như một thứ hàng hóa cũng luôn kèm theo hệ lụy xem con người cũng là một thứ hàng hóa. Văn hóa phẩm khiêu dâm (thường đi liền với nạn buôn người ác nghiệt) ngày nay đang là một đại dịch, không chỉ trong nam giới mà cả nữ giới ngày càng tham gia đông đảo. Kĩ nghệ siêu lợi nhuận toàn cầu này có thể xâm nhập bất cứ nhà nào chỉ qua chiếc máy tính và truyền hình cáp. Văn hóa phẩm khiêu dâm dạy cho khách tiêu dùng của nó thói sống ích kỉ, dạy cho những ai dùng nó xem người khác như món đồ để thỏa mãn những ham muốn của mình mà thôi.

122. Đối với mỗi người chúng ta, việc học tập đức tính kiên nhẫn, quảng đại, bao dung, cao thượng và các mặt khác của bác ái yêu thương hi sinh quả là một sự khó khăn. Văn hóa phẩm khiêu dâm càng làm cho người ta khó biết quên mình vì tha nhân và khó sống theo giao ước của Thiên Chúa, cả đối với những người không thường xuyên xử dụng. Thủ dâm là sai trái cũng vì những lí do tương tự. Khi một người ‘hưởng dùng’ hoặc có lí do dùng văn hóa phẩm khiêu dâm hoặc phải dùng đến sự thủ dâm, thì người ấy đã tự tước bỏ đi khả năng hi sinh từ bỏ mình, sống tính dục trưởng thành, và khả năng sống thân mật đích thực với người phối ngẫu. Không có gì lạ vì các thứ sản phẩm khiêu dâm lại có vai trò khá lớn làm đổ vỡ nhiều cuộc hôn nhân ngày hôm nay. Văn hóa khiêu dâm và thủ dâm cũng có thể tấn công vào ơn gọi những người độc thân, có lẽ chính bởi vì những người ấy đã sống quá tách biệt trong chốn riêng tư.

Tại sao ngừa thai là sai trái

123. Cách tương tự, việc ngừa thai cũng đưa chúng ta tới chỗ coi ham muốn tình dục là một điều chúng ta được quyền. Việc ngừa thai làm cho kẻ thực hành nó coi sự ham muốn hành vi tình dục là điều tự biện minh được. Khi tách biệt việc truyền sinh khỏi sự kết hợp vợ chồng, ngừa thai làm lu mờ đi và cuối cùng xói mòn lý do căn bản của hôn nhân.

124. Các đôi vợ chồng ngừa thai có thể hành động như vậy với ý ngay lành. Nhiều cặp từng trải tin rằng việc ân ái có sử dụng biện pháp ngừa thai là càn thiết đẻ bảo vệ hôn nhân của họ, hoặc cho rằng việc ân ái có ngừa thai thì vô hại mà cũng không làm thiệt hại ai. Nhiều cặp quá quen với ngừa thai đến nỗi có vẻ bất bình khi nghe giáo huấn Hội thánh về lãnh vực này.

125. Nhưng đối với một cặp vợ chồng mà thực sự tìm kiếm sự tự do nội tâm, sự tự hiến cho nhau, và một tình yêu biết hi sinh quên mình, vốn là những điều giao ước Thiên Chúa mời gọi tất cả chúng ta sống, thì khó hình dung được rằng ngừa thai là cần thiết và cốt yếu theo một nghĩa nào. Hội thánh tin rằng thái độ ngừa thai ngoan cố đó dựa trên những huyền thoại về gia đình không có thực. Đức Giáo Hoàng Piô XII giải thích như sau :

Có những người viện lẽ rằng hạnh phúc trong hôn nhân tùy thuộc trực tiếp vào việc tạo khoái cảm cho nhau trong quan hệ vợ chồng. Không phải vậy đâu. Thật ra, hạnh phúc trong hôn nhân tùy thuộc trực tiếp vào sự kiện đôi vợ chồng tôn trọng nhau, ngay cả khi họ quan hệ thân mật vợ chồng.[8]

126. Nói cách khác, quan điểm cho ngừa thai là cần thiết hay hữu ích xuất phát từ một giả thuyết mơ hồ. Từ cội rễ của nó, một hôn nhân hạnh phúc (kiểu kéo dài bền vững suốt đời) có nhiều điểm chung với khả năng sống quảng đại, kiên nhẫn và hiến thân của người sống đời độc thân thánh hiến hơn điều mà Đức Piô XII gọi là ‘chủ trương khoái lạc tinh chế’ (refined hedonism)[9]. Gần đây, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc đến Thánh Gia khi đề cao các đức tính quảng đại và tự do nội tâm, là điều kiện làm cho một cuộc hôn nhân tốt đẹp:

Thánh Giuse là con người luôn lắng nghe tiếng Thiên Chúa. Tự sâu thẳm ngài nhạy cảm với ý muốn thầm kín của Thiên Chúa. Ngài là một con người chăm chú lắng nghe các thông điệp đến từ sâu thẳm cõi lòng hay từ trời cao. Ngài không mải mê theo đuổi kế hoạch riêng của mình cho đời mình, không để cho cay đắng đầu độc tâm can. Đúng hơn, ngài sẵn sàng đón nhận các tin có thể khiến ngài phải lúng túng. Và vì thế, ngài là một người công chính. Ngài không căm ghét, không để cho cay đắng đầu độc lòng mình.... Do đó, ngài trở nên tự do hơn và cao cả hơn. Bằng cách chấp nhận bản thân theo kế hoạch của Thiên Chúa, thánh Giuse tìm được trọn vẹn con người của mình, vượt trên cả bản thân ngài. Tự do của ngài là ở chỗ từ bỏ ngay cả những gì là mình ... và thái độ nội tâm của ngài hoàn toàn sẵn sàng làm theo thánh ý Thiên Chúa thách thức chúng ta và chỉ cho chúng ta đường đi.[10]

127. Ngừa thai làm lu mờ sự tự do và sức mạnh nội tâm. Trước hoàn cảnh người ta coi thỏa mãn những ham muốn tình dục như là quyền của mình, hoặc là không bao giờ người ta chịu dời lại những ham muốn ấy, ta thấy rõ nhu cầu cần thiết phát triển sự tự do nội tâm. Như một "giải pháp kỹ thuật" đối với điều thực ra là một vấn đề luân lý, việc ngừa thai ‘che giấu vấn đề căn bản liên quan tới ý nghĩa của tính dục con người và nhu cầu làm chủ tính dục một cách có trách nhiệm sao cho việc thực hành tính dục trở thành là một cách diễn tả tình yêu của chính mình.’[11]

Những Lợi ích của Kế hoạch hóa gia đình theo Phương pháp tự nhiê.

128. Chắc hẳn "làm cha mẹ có trách nhiệm" bao gồm sự phân định khi nào thì nên có con. Những lý do nghiêm túc, xuất phát từ "những điều kiện thể lý, kinh tế, tâm lý và xã hội", có thể đưa hai vợ chồng tới "quyết định không có thêm con nữa trong một thời gian hoặc trong một thời gian vô hạn định”[12].

129. Các cặp vợ chồng Công Giáo trong tình trạng này cần đến những người giảng dạy, tham vấn hay bạn hữu có khả năng giúp huấn luyện và nâng đỡ họ kế hoạch hóa gia đình theo Phương pháp tự nhiên (Natural Family Planning). Các giáo xứ và giáo phận cần phải làm cho việc trợ giúp này thành một mục vụ ưu tiên và dễ tiếp cận. Nói cho sâu xa, một cặp vợ chồng sẽ sống được giáo huấn Công Giáo néu như họ được hướng dẫn thiêng liêng, được chỉ dẫn thực tế và được bạn bè hỗ trợ. Giáo dân, linh mục, giám mục, hết thảy đều có trách nhiệm tạo nên những điều kiện khả thi này.

130. Nếu một cặp vợ chồng, với lòng quảng đại, sau khi cầu nguyện và suy nghĩ thân thành, nhận định rằng lúc này không phải là thời gian Thiên Chúa kêu gọi họ có thêm con cái, thì thi thoảng họ phải kiêng cữ giao hợp, theo Kế hoạch hóa theo Phương pháp Tự nhiên (KHH theo PPTN). Thực hành kế hoạch hóa theo PPTN này đòi các cặp phải đặt ham muốn tình dục ngắn ngủi bên dưới cảm thức lớn hơn về tiếng mời gọi của Chúa trên cuộc đời họ. Làm chủ được ý chí và những ham muốn của mình là một trong nhiều cách mà KHH theo PPTN và việc ngừa thai rất là khác nhau, cả về mặt khách quan và mặt kinh nghiẹm chủ quan. KHH theo PPTN là một con đường đi theo Chúa trong đời hôn nhân, vừa thân mật vừa đòi hỏi, có một vẻ đẹp ngầm và sâu sắc.

131. KHH theo PPTN đặt tiền đề trên vẻ đẹp và sự cần thiết của ái ân vợ chồng. Bởi vì nó cũng dựa trên việc tiết dục từng giai đoạn nhằm bảo đảm các lần sinh nở cách quãng. KHH theo PPTN kêu gọi các cặp vợ chồng giao tiếp với nhau và biết tự chủ. Cũng như mối liên kết hôn nhân, KHH theo PPTN định hình và khuôn các ham muốn tình dục vào kỉ luật. Chính ý tưởng một vợ một chồng giả thiết trước là những người nam nữ sa ngã về tình dục có thể kiên trì khuôn phép dần những ham muốn đi rong, và học biết cách đối xử với người phối ngẫu của mình một cách quảng đại và trung thành. Theo cách này, việc tiết dục định kì mà KHH theo PPTN đòi hỏi có tác dụng làm thêm sâu đậm và thăm dò mức độ dấn thân đôi bạn sống. KHH theo PPTN không bảo đảm có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, cũng không miễn trừ cho một cuộc hôn nhân khỏi mọi đau khổ thông thường của hôn nhân, thế nhưng, KHH theo PPTN là một cố gắng xây dựng gia đình trên đá chứ không phải trên cát.

Ngừa thai làm hôn nhân trong xã hội càng thêm rối rắm

132. Như Hội thánh đã tiên báo gần 50 năm trước, ngừa thai không những làm xói mòn hôn nhân, nhưng còn gây ra những hậu quả tai hại khác trong xã hội[13]. Việc ngừa thai nhan nhản khắp nơi có nghĩa là ít người có thói quen tiết dục và tự chủ. Theo hướng này, ngừa thai đã khiến việc sống độc thân khó được chấp nhận hơn đối với người thời nay, và vì thế khiến cho đời hôn nhân hay những lối sống đôi lứa lãng mạn khác xem ra ngầm hiểu như là không thể tránh khỏi. Khi sự thể là như thế thì tất cả đời sống xã hội của một cộng đồng bị biến dạng. Và trong mức độ ngừa thai làm cho người ta không thể đón nhận việc sống độc thân, ơn gọi linh mục và tu sĩ trẻ càng thiếu hụt. Ngừa thai tràn lan cũng xem ra làm cho người ta càng dễ chấp nhận cách hời hợt tình dục ngoài hôn nhân (trước hoặc ngoài hôn nhân), như thể chuyện ân ái chẳng gây ra hậu quả nào. Và dĩ nhiên, có nhiều lý lẽ tương tự biện minh cho sự thực hành tính dục không con cái, biện minh cho ngừa thai, cũng áp dụng vào việc phá thai dễ dãi, nhưng kéo theo những hậu quả còn tệ hại hơn và tàn bạo hơn nhiều.

133. Khi tách biệt tính dục với truyền sinh, ngừa thai sẽ khuyến khích một thứ văn hóa đặt tiền đề của hôn nhân chỉ dựa trên tình bạn sống theo cảm xúc và khoái lạc. Tầm nhìn hạn hẹp và rối loạn này càng làm người ta thêm bối rối không hiểu bản chất đích thực của hôn nhân là gì, đang khi đó càng tạo nên li dị nhiều hơn và phổ biến hơn, như thể hôn nhân chỉ là một hợp đồng có thể xé bỏ và thương thảo lại. Như Đức Thánh Cha Phanxicô nói gần đây :

Gia đình đang trải qua một khủng hoảng văn hóa sâu xa, giống như kinh nghiệm của mọi cộng đồng và mối liên kết xã hội khác ... Hôn nhân bây giờ có khuynh hướng được xem như một hình thái thỏa mãn tình cảm đơn thuần, và có thể được xây dựng theo mọi cách hoặc có thể bị thay đổi tùy tiện. Nhưng sự đóng góp không gì thay thế được của hôn nhân cho xã hội vượt lên trên các tình cảm và nhu cầu nhất thời của cặp vợ chồng. Như các giám mục Pháp đã dạy, hôn nhân không phát sinh "từ cảm xúc yêu đương vốn tự bản chất là phù du, nhưng từ nghiã vụ sâu xa được nhìn nhận bởi hai vợ chồng vốn chấp thuận tiến tới một đời sống hiệp thông trọn vẹn"[14]

Tại sao Hội thánh không tán thành cái được gọi là ‘Hôn nhân đồng tính’

134. Đặt tiền đề cho hôn nhân chủ yếu như sự thỏa mãn tình dục hay cảm xúc, là một bước thuận tiện hơn cho việc tách biệt tính dục ra khỏi việc truyền sinh, cũng tạo lý lẽ biện minh cho kết hợp đồng tính. Trong một số quốc gia hiện nay, có những phong trào đòi định nghĩa lại hôn nhân, như thế hôn nhân có thể bao gồm bất cứ một quan hệ tình cảm sâu đậm hay tình dục giữa những người lớn bất kì cùng ưng thuận nhau. Nơi nào mà li dị và ngừa thai đã trở thành một tập quán, và quan điểm về hôn nhân xét lại đó đã ăn sâu trong xã họi, thì bước kế tiếp có thể là đón nhận ‘hôn nhân đồng tính’.

135. Về ý tưởng ‘hôn nhân’ đồng tính, như đã được nhiều người biết đến, Hội thánh từ chối chúc lành và không nhìn nhận sự kết hợp ấy là một hôn nhân. Điều này không hàm ý bất cứ một phỉ báng hay thiếu quí trọng nào đối với những tình bạn hay tình yêu của những người đồng tính. Vì cần phải rõ ràng về điểm này ngay trong tập giáo lý này, Hội thánh Công Giáo xác định là mọi người đều được kêu gọi trao ban và đón nhận tình yêu thương. Tình bạn khiết tịnh, gắn kết, biết hi sinh giữa những người đồng giới cần phải được quí trọng. Bởi vì người Công Giáo phải dấn thân sống tình yêu, hiếu khách, liên đới với nhau và trong khi "đỡ đần gánh nặng cho nhau"[15], Hội thánh ở mọi cấp đều muốn nuôi dưỡng và ủng hộ những cơ hội xây dựng tình bạn trong sáng, luôn cố gắng liên đới với những ai không thể kết hôn vì bất cứ lý do nào.

136. Tình bạn đích thực là một ơn gọi có từ ngàn xưa và đáng kính. Thánh Alfred Rievaulx đã nhận xét là ước muốn có một người bạn phát xuất từ trong sâu thẳm của tâm hồn.[16] Bạn hữu đích thật thì đem lại "hoa trái" và sự "ngọt ngào" khi họ giúp đỡ nhau đáp lại Thiên Chúa, khích lệ nhau sống Tin Mừng"[17]. Dẫu tình bạn phát sinh giữa những người đồng giới hay khác giới, nó vẫn là một điều thiện hảo lớn lao cho tất cả. Tình bạn đưa tới sự hiệp thông thiêng liêng"[18].

137. Nhưng, và cũng cần phải xác định rõ ràng ở đây, khi người Công Giáo nói đến hôn nhân, là chúng ta đang đề cập tới một điều gì khác biệt so với các quan hệ tình yêu đặc biệt mãnh liệt, cả khi tình yêu này sâu đậm và chịu hi sinh trong thời gian lâu dài. Tình cảm thân mật, mãnh liệt, lâu dài chưa đủ để làm thành một cuộc hôn nhân. Hôn nhân, như thật sự đã được nhìn nhận ở khắp nơi cho đến thời gian rất gần đây tại Tây Phương, đặt tiền đề trên các bổn phận vốn xuất phát từ những khả thể và thách đố do năng lực sinh sản của một người nam và một người nữ đặt ra.

138. Hội thánh mời gọi mọi người nam cũng như nữ nhìn tính dục của mình như một khả thể ơn gọi. Một người trưởng thành dù nam hay nữ thì biết đặt cho chính mình một số câu hỏi: Thiên Chúa đang kêu gọi tôi hội nhập giới tính của mình vào kế hoạch Ngài dành cho đời tôi như thế nào? Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, số phận của chúng ta là phải luôn sống hiệp thông, hi sinh, phục vụ và yêu thương. Câu hỏi đặt ra cho mỗi người chúng ta là chúng ta sẽ dâng hiến như thế nào các khía cạnh tính dục của đời sống mình, trong hôn nhân hay trong cộng đoàn độc thân dâng hiến. Cả dục tình cũng như tình cảm lãng mạn trong cả hai trường hợp này đều không có quyền tối thượng hay độc lập. Trong cả hai trường hợp, chúng ta chắc chắn được mời gọi hi sinh, vốn là điều chúng ta có lẽ sẽ không tự lựa chọn nếu như chúng ta tự quyết định cho thân phận mình.

Bối cảnh triết lý, pháp lý và chính trị của hôn nhân ngày nay

139. Những tranh luận liên quan đến việc định nghĩa lại hôn nhân, bao gồm các vấn đề về ‘hôn nhân’ đồng tính, khơi lên những vấn đề pháp lý và chính trị. Trong lãnh vực học thuyết chính trị và thần học, người Công Giáo nói đến hôn nhân như một định chế tiền chính trị.[19] Nói một cách khác, về mặt pháp lý, gia đình “có trước" xã hội dân sự, cộng đồng và nhà nước chính trị, bởi vì gia đình được "tạo lập trực tiếp hơn trong tự nhiên"[20]. Xã hội không phát minh ra hay tạo lập gia đình; đúng hơn, gia đình là nền móng của xã hội. "Gia đình, nơi mà nhiều thế hệ khác nhau cùng có mặt và giúp nhau trở nên khôn ngoan hơn và hòa hợp các quyền lợi riêng của cá nhân với những đòi hỏi khác của đời sống xã hội, chính là nền móng của xã hội”[21]. Công quyền vì thế có bổn phận bảo vệ và phục vụ gia đình.

140. Cho tới thời gian gần đây, quan điểm này về gia đình còn được chấp nhận rộng rãi bởi những người không Công Giáo. Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc năm 1948 nói rằng “gia đình là một cộng đồng tự nhiên và nền tảng của xã hội, và có quyền được xã hội và Nhà Nước bảo vệ”[22]. Nhưng khi nhiều chính quyền phán quyết lại hôn nhân như là một vấn đề thuộc sở thích cá nhân, bỏ qua mọi liên hệ hữu cơ với sự khác biệt giới tính và việc sinh sản, và cổ võ một quan điểm coi hôn nhân chỉ mang tính cách hợp đồng, thì sự đồng thuận nói trên không còn nữa. Ngày nay, nhà nước càng ngày càng tự cho rằng mình có quyền sáng chế ra hôn nhân và định nghĩa lại hôn nhân theo ý mình[23]. Người ta cho rằng gia đình không còn xây dựng xã hội và nhà nước nữa; đúng hơn, ngày nay nhà nước tự cho quyền giám sát và điều khiển gia đình.

141. Một số nhà lập pháp ngày nay đang ra sức biến mặt trái triết lý này thành những luật hôn nhân mới. Thay vì đón nhận hôn nhân như một định chế dựa trên tự nhiên, viễn ảnh mới nhìn hôn nhân như một thực tại vô cùng uyển chuyển, như bị lệ thuộc và có thể bị uốn nắn theo ý muốn chính trị. Hội thánh không có sự chọn lựa nào khác hơn là chống lại chủ nghĩa xét lại này để bảo vệ các gia đình, hôn nhân và các trẻ con.

142. Một xã hội mà nghĩ sai lầm cho rằng hôn nhân luôn luôn là một cái gì có thể thương lượng được, chỉ chịu trách nhiệm trước sự ưng thuận của con người cá nhân, thì xã hội ấy sẽ nhìn hôn nhân chủ yếu như một hợp đồng, như một sự thỏa thuận tự nguyện giữa những cá nhân tự lập có quyền của mình. Thế nhưng, những hợp đồng đơn thuần này không hề giống như một cuộc hôn nhân vốn được đặt nền tảng trên một giao ước của nghĩa tình. Lôgich của những hợp đồng như thế không phải là lôgich của thánh Phaolô nói trong Thư Êphêsô chương 5, theo đó người chồng và người vợ yêu thương nhau theo cung cách của Thập giá. Thứ lập luận đàng sau những hợp đồng khiếm khuyết như thế thì xa lạ với hồng ân hôn nhân như là một bí tích của giao ước.

143. Hội thánh buộc phải chống lại sự lan tỏa của những lý lẽ giả trá về hôn nhân như thế. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận xét:

Liên tục lúc này rồi lúc khác, Hội thánh đã hành động như một trung gian đi tìm giải pháp cho những vấn đề làm mất sự bình an, sự hài hòa trong xã hội, về đất đai, về bảo vệ sự sống, quyền con người, quyền công dân, và các thứ khác nữa. Và các trường học và các đại học Công Giáo trên thế giới đã thực hiện được bao nhiêu điều rất tốt đẹp! Đó là một điều tốt lành. Tuy nhiên, chúng ta thấy thật khó để làm cho người ta hiểu rằng: khi chúng ta khơi lên những vấn đề khác mà dư luận quần chúng khó chấp nhận hơn, là chúng ta đang hành động do trung thành với chính cũng những xác tín liên quan đến phẩm giá con người và công ích[24].

144. Như đã nói khi bắt đầu các bài giáo lý này, tất cả mọi giáo huấn của Hội thánh về hôn nhân, gia đình và tính dục đều bắt nguồn từ Chúa Giêsu. Thần học luân lý Công Giáo là một tường thuật mạch lạc thỏa mãn những vấn đề sâu xa nhất của nhân loại – một chuyện kể độc nhất và thống nhất bắt nguồn từ những xác tín Kitô giáo căn bản về tạo thành và giao ước của Thiên Chúa, sự sa ngã của loài người, việc Đức Kitô nhập thể, cuộc sống, chịu đóng đinh và phục sinh. Các giáo huấn này kéo theo những cái giá phải trả và những đau khổ dành cho tất cả những ai muốn làm môn đệ Chúa Giêsu, nhưng các giáo huấn này cũng mở ra những cơ hội mới cho vẻ đẹp và sự triển nở của con người.

145. Khi bản chất đích thực của hôn nhân bị xói mòn hoặc ít được hiểu biết, gia đình sẽ bị suy yếu đi. Khi gia đình suy yếu, tất cả chúng ta sẽ sa đà vào một thứ cá nhân chủ nghĩa thô bạo. Chúng ta cũng dễ dàng mất đi nhân đức dịu hiền của Đức Kitô và kỉ luật của giao ước Người. Khi gia đình vững mạnh (tức là khi gia đình tạo được không gian cho vợ chồng và con cái thực hành nghệ thuật hiến thân theo mẫu mực của giao ước Thiên Chúa) thì lúc đó ánh sáng sẽ soi chiếu vào thế giới tối tăm. Trong ánh sáng này, bản chất thật của con người sẽ được hiển thị . Đó là lí do tại sao Hội thánh chống lại những bóng tối đang đe dọa gia đình.

146. Tất cả chúng ta đều đã sa ngã. Sự hỗn loạn nơi mỗi một người và nơi hết mọi trái tim con người đều có một bối cảnh xã hội và những hậu quả xã hội. Sự hiệp thông mà chúng ta đã được tạo dựng để tham dự bị đe dọa bởi chính các ước muốn vô trật tự, tình trạng kinh tế, văn hóa phẩm dâm ô, việc ngừa thai, ly dị, và sự hỗn độn về pháp lý hay tri thức của chúng ta. Nhưng tình yêu là sứ mệnh của chúng ta, và Hội thánh đang tìm kiếm một cuộc sống xã hội mới, một cộng đoàn đặt tiền đề trên tình thương, sự quảng đại, sự tự do và trung thành của Chúa Giêsu. Nhiều tác vụ của Hội thánh thúc đẩy nền văn hóa sự sống, như trợ giúp người nghèo, hỗ trợ việc kế họach hóa gia đình theo phương pháp tự nhiên, hay xây dựng một triết lý phù hợp hơn cho pháp luật. Khi người Công Giáo chống lại ly dị, hay "hôn nhân" đồng tính, hoặc những sự xét lại luật về hôn nhân gây rối ren, là chúng ta cũng nhận trách nhiệm vun xới những cộng đồng chuyên giúp đỡ và yêu thương.

Câu Hỏi Thảo Luận

a) Hãy giải thích những mối liên hệ giữa việc Hội thánh chăm sóc người nghèo và giáo huấn của Hội thánh về tính dục và đức khiết tịnh.
b) Đâu là sự khác biệt giữa ngừa thai và kế họach hóa gia đình theo phương pháp tự nhiên?
c) Mẫu số chung giữa ly dị, ngừa thai và hôn nhân đồng tính là gì ?
d) Có những thách đố nào đối với đức khiết tịnh trong cộng đoàn của anh chị, và giáo dân trong xứ đạo của anh chị cần phải đi đâu để học biết lối nhìn của Hội thánh? Giáo xứ anh chị có thể nâng đỡ những người muốn sống giáo huấn của Hội thánh như thế nào?

[1] GLHTCG, 1606.
[2] Thượng hội đồng Giám mục, Đại hội ngoại thường lần III, tài liệu chuẩn bị “Các thách đố mục vụ trong bối cảnh loan báo Tin Mừng” ,Vatican, 2013.
[3] ĐGH Phanxicô, Kinh truyền tin, 22/12/2013, Vatican
[4] ĐGH Bênêđictô XVI Tđ. Caritas in veritate 2009, s 15.
[5] ĐGH Bênêđictô XVI, diễn văn “ để mừng ngày thế giới về hòa bình” ( 1/1/2008)
[6] Cf Mt 2,13-23.
[7] ĐGH Phanxicô, Kinh truyền tin, 29/12/2013, Vatican.
[8] ĐGH Piô XII, “Bài nói chuyện với những người hộ sinh” 29/10/1951.
[9] ĐGH Piô XII, “Bài nói chuyện với những người hộ sinh” 29/10/1951.
[10] ĐGH Phanxicô, Kinh truyền tin, 22/12/2013, Vatican.
[11] ĐGH Bênêđictô XVI, diễn văn “Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Thông điệp Humane vitae của Đức Phaolô VI” ( 2/10/2008).
[12] HV, 10. Cf. GLHTCG, 2368. Xem thêm số 72 trên đây.
[13] Cf. HV, 17.
[14] EG, 66.
[15] Xem như trên đây s. 68
[16] Thánh Aelred of Rievaul, De Spirituali Amicitia, 1:51.
[17] Thánh Aelred of Rievaul, De Spirituali Amicitia, 45-46.
[18] GLHTCG, 2347. Xem trên đây số 102
[19] Cf. Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo (HTXHCG), 214.
[20] ĐGH Leo XIII, Tđ. Rerum Novarum (RN),(1891), 13.
[21] GS 52.
[22] LHQ tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, điều 16.
[23] Cf. EG 66.
[24] EG, 65.