Khi lấy tên Thánh Phanxicô, vị tu sĩ từng “cởi truồng” công khai để dứt khoát từ bỏ giầu sang, đức đương kim giáo hoàng đã cho thấy, đối với ngài, Giáo Hội phải là một Giáo Hội nghèo cho người nghèo. Và ngài không bỏ lỡ một cơ hội nào để lặp đi lặp lại chủ đề nòng cốt của triều đại giáo hoàng này.

Mùa Chay đương nhiên là dịp để nhắc lại chủ đề trên. Và tuy còn 5 tuần lễ nữa mới tới Mùa Chay 2014. Nhưng ngày 4 tháng Hai vừa qua, Đức Phanxicô đã cho công bố sứ điệp Mùa Chay của ngài, nhấn mạnh tới nghèo khó và nhất là sự nghèo khó của Chúa Kitô.

Nhân dịp này, thiết tưởng nên tìm hiểu cái hiểu của Thánh Phanxicô về ý niệm nghèo. Cha Dwight Longenecker cho rằng với Thánh Bênêđíctô, đời sống cộng đoàn đòi các đan sĩ phải sống nghèo, theo nghĩa, tuy được sử dụng mọi của cải của cộng đoàn, nhưng cá nhân đan sĩ không sở hữu bất cứ tài sản nào. Thánh Bênêđíctô không hẳn coi nghèo là một nhân đức.

Trái lại, thánh Phanxicô muốn cưới “Công Nương Nghèo” và chủ trương rằng sống nghèo là một nhân đức. Nhưng nghèo, theo ngài, không phải là bác bỏ mọi sự tốt lành ở trên đời, là coi mọi của cải vật chất như là ô uế hay xấu xa, vốn là chủ trương của phái nhị nguyên theo Manikêô. Thánh Phanxicô coi mọi của cải vật chất đều tốt cả, nhưng ta sẽ vui hưởng chúng tốt nhất bằng cách không sở hữu chúng hay không vơ vét chúng cho riêng mình. Cái nghèo của ngài do đó là khẳng nhận mọi sự chứ không bác bỏ mọi sự.

Điều cần bác bỏ là sở hữu tư riêng để phát triển trong ta thái độ siêu thoát Kitô thực sự. Siêu thoát trong các tôn giáo Đông Phương thường được hiểu là siêu thoát khỏi thế giới vật lý vì nó thấp hơn thế giới tâm linh. Nhưng siêu thoát Kitô Giáo có khác. Kitô hữu được kêu gọi siêu thoát khỏi những sự vật vật chất để gắn bó một cách thích đáng với mọi sự vật. Thi sĩ Thomas Traherne viết rằng “Con người chỉ công chính nếu biết yêu mọi sự vật theo giá trị của chúng”. Nói tóm lại, Kitô hữu phải siêu thoát khỏi mọi của cải của mình để có thể yêu chúng, và mọi sự vật khác,theo giá trị thực sự của nó.

Một nhà buôn, vì thế, vẫn cứ buôn bán phát đạt nhưng sống đạm bạc và dùng của cải cho các mục tiêu chính đáng là người sống nghèo. Linh mục Longnecker cho hay ngay một người biết thưởng thức một điều gì đó vì giá trị nội tại của nó và vì biết giá trị ấy và hưởng nó với một tâm tình biết ơn là người có tinh thần nghèo khó hơn người lấy nghèo khó làm lối sống để khoe khoang. Có thể nói nghèo là bằng lòng và biết ơn đối với những gì ta đang có. Nghèo giải thoát ta khỏi xa hoa, tức khỏi ý muốn sống phô trương trống rỗng.

Đức Hồng Y Robert Sarah, chủ tịch Hội Đồng “Cor Unum”, là cơ quan có nhiệm vụ phân phối sứ điệp của Đức Giáo Hoàng, cũng nhấn mạnh tới khía cạnh ý niệm Kitô Giáo có khác với ý niệm thông thường về nghèo. Trong cuộc họp báo ngày 4 tháng Hai vừa qua, nhân dịp công bố sứ điệp Mùa Chay của Đức Phanxicô, Đức HY Sarah nhận định rằng: thông thường, người ta hiểu: nghèo là thiếu của cải vật chất. Muốn hiểu nghèo theo Kitô Giáo, người ta phải lấy Chúa Kitô làm qui chiếu, “Đấng đã tự ý ra nghèo để làm ta ra giầu có nhờ cái nghèo của Người”, như Thánh Phaolô nói trong thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô. Thành thử, cái nghèo của Chúa Kitô có chiều kích tích cực nghĩa là để chúng ta nên giầu có, hay nói cách khác để chúng ta ra hạnh phúc: phúc thay ai nghèo khó!
Đức Phanxicô đi sâu hơn bằng cách cho thấy cái nghèo của Chúa Kitô chính là kho báu vĩ đại nhất của Người, sự giầu có vô biên của Người. Nơi Chúa Kitô “nghèo là giầu” và “giầu là nghèo”. Sự giầu có này là “sự giầu có khôn dò” (Eph. 3:8). Cũng theo Đức Phanxicô, cái nghèo của Chúa Kitô hệ ở chỗ Người tuyệt đối tin tưởng Chúa Cha, tin tưởng khôn nguôi, lúc nào cũng mong mỏi thể hiện ý muốn của Chúa Cha, làm Chúa Cha được vinh danh.

Chính trong chiều hướng trên, trích dẫn triết gia Công Giáo Leon Bloy, Đức Phanxicô cho hay: “chỉ có thứ nghèo thực sự này là không sống như con cái Thiên Chúa và như anh chị em của Chúa Kitô”.

Dựa vào điều này, Đức HY Sarah muốn người ta lưu ý tới công thức “Giáo Hội nghèo cho người nghèo” của Đức Phanxicô. Không thể đặt một Giáo Hội như thế ở thế “kình chống với một Giáo Hội của giáo huấn và của chân lý, một Giáo Hội chuyên chăm cầu nguyện và bảo vệ tín lý và luân lý”.

Nghèo và cơ cực

Thành thử, Đức Phanxicô nhấn mạnh: cách cứu nhân độ thế của Kitô hữu không phải dựa vào “các tài nguyên nhân bản”. Ta chỉ có thể cứu nhân loại và thế giới “qua cái nghèo của Chúa Kitô, Đấng đã trở nên nghèo trong các bí tích, trong lời Người nói và trong Giáo Hội của Người. Sự giầu có của Thiên Chúa không được chuyển giao qua sự giầu có của ta, mà luôn luôn và tuyệt đối được chuyển giao qua sự nghèo khó bản thân và cộng đoàn của ta, được Thần Trí Chúa Kitô làm cho nên men”

Nhưng ta được kêu gọi phải đương đầu với cảnh nghèo của anh chị em ta, phải đụng chạm tới cái nghèo ấy, phải biến nó thành cái nghèo của ta và phải đưa ra các biện pháp thực tiễn để làm nhẹ bớt cảnh nghèo này. Theo Đức Giáo Hoàng, nghèo khó có khác với cơ cực (destitution). Cơ cực là nghèo đến mất cả đức tin, mất cả đức cậy và sự hỗ trợ. Ngài bảo: có ba loại cơ cực: cơ cực vật chất, cơ cực tinh thần và cơ cực tâm linh.

“Cơ cực vật chất là loại cơ cực thường được gọi là nghèo. Nó ảnh hưởng tới những ai đang sống trong những điều kiện ngược hẳn với nhân phẩm: họ thiếu các quyền và các nhu cầu căn bản như thực phẩm, nước uống, vệ sinh, việc làm và cơ hội phát triển về văn hóa”.

Giáo Hội có nghĩa vụ “thoả mãn các nhu cầu trên và băng bó những vết thương từng làm méo mó gương mặt nhân loại”, một gương mặt vốn phản ảnh gương mặt Chúa Kitô. Các vết thương này bao gồm các vi phạm nhân phẩm con người, sự kỳ thị và lạm dụng trên khắp thế giới. Đây là các nguyên nhân gây ra cảnh cơ cực.

Về cảnh cơ cực tinh thần,k Đức Phanxicô cho rằng nó “hệ ở việc làm nô lệ cho thói xấu và tội lỗi. Ngài nói rằng nhiều gia đình chịu cảnh cơ cực này khi “một thành viên trong gia đình, thường là người trẻ, trở thành nô lệ cho rượu chè, ma úy, cờ bạc hay văn hóa khiêu dâm!”

Ngài thêm rằng nhiều người “không nhìn thấy ý nghĩa đời sống hay bất cứ viễn ảnh tương lai nào nữa” và đã đánh mất hy vọng vì thất nghiệp, các điều kiện bất xã hội, hay không được giáo dục hay chăm sóc sức khỏe thỏa đáng.

Loại cơ cực này liên hệ mật thiết với loại cơ cực tâm linh là loại cơ cực khi ta quay lưng với Thiên Chúa và từ khước tình yêu của Người. Nếu ta nghĩ ta không cần tới Thiên Chúa và có thể tự mình làm được, thì thế nào ta cũng thất bại, vì chỉ có Thiên Chúa mới thực sự cứu được ta và giải thoát ta. Chỉ có Tin Mừng mới xử lý được loại cơ cực này.

Đức Giáo Hoàng khuyến khích tín hữu “noi gương Chúa Kitô, Đấng đã trở nên nghèo để làm ta nên giầu có nhờ sự nghèo khó của Người”. Trong diễn trình trở nên nghèo để làm ta nên giầu có này, ta thấy có khía cạnh bị mất đi và hy sinh. Ngài cho rằng Mùa Chay là mùa thích hợp để từ bỏ hòng giúp đỡ và làm người khác giầu có bằng sự nghèo khó của ta. “Đừng quên rằng sự nghèo khó thật bao giờ cũng gây đau đớn… Tôi không tin tưởng có thứ bác ái nào lại không gây tốn kém và không gây đau đớn”.

Đức Hồng Y Sarah cho rằng quan điểm bao quát hơn của Đức Phanxicô về nghèo khó và cơ cực đưa ra một “viễn kiến đầy đủ” hơn về con người và các nhu cầu của họ mà không rơi vào cạm bẫy của chủ nghĩa giản lược nhân học (anthropological reductionism) là chủ nghĩa cho rằng ta có thể “giải quyết mọi vấn đề của con người nhân bản bằng cách chỉ cần giải quyết các vấn đề thuộc phúc lợi thể lý và vật chất mà thôi”.

Theo Đức Hồng Y, trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Phanxicô cho rằng ưu tiên chọn người nghèo của Giáo Hội chủ yếu phải được diễn dịch thành “ưu đãi và ưu tiên chăm sóc tôn giáo”. Ngài bảo rằng ý niệm này có tính nền tảng “để đừng biến Giáo Hội thành môt cơ quan phi chính phủ”, điều ngài từng nhấn mạnh trong bài giảng đầu tiên trong chức vụ giáo hoàng.

Thực vậy, Đức Hồng Y Sarah nhấn mạnh rằng: “quả thật rất đáng tiếc nếu nhìn vào người túng thiếu mà ta lại không nhận ra cảnh nghèo tâm linh thường ẩn khuất trong trái tim con người và làm họ đau đớn sâu xa, dù bề ngoài họ khá giả về vật chất. Và nếu ta muốn nắm được sứ điệp của Đức Phanxicô một cách đầy đủ, ta không nên chỉ xem sét nó theo giá trị nhân học. Tự bản chất, con người vốn là con cái Thiên Chúa”.