Vatican:

Xây Dựng Thánh Ðường.

Một cuộc thi tuyển quốc tế đã được mở ra vào năm 1955 và họa đồ 2 kiến trúc người Pháp Michel Andro và Birbara đã được chọn vào năm 1957. Một kỹ sư người Ý đã được cử làm giám đốc công trình là ông Ricardo Monraldi ở Roma, nhà điêu khắc Francesco đúc một tượng bằng đồng cao gần 3 mét nặng 600 kílô gam diễn tả Ðức Mẹ khóc và được đặt nơi hội tụ của 22 tia xi măng, vươn cao lên thành mái cao. Từ vài cây số đàng xa người ta có thể thấy mái của đền thờ này. Trong đền thờ có bình đựng thánh tích là những giọt nước mắt của Ðức Mẹ được đặt trong một ống thủy tinh và một số bông gòn thấm nước mắt ấy cũng được giữ lại

Ngày 6/11/1994, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đích thân chủ sự thánh hiến Ðền Thờ Ðức Mẹ Khóc tại thành phố Syracuse. Ðền Thánh hình tròn với đường kính là 74.4 mét, và nếu kể thêm các nhà nguyện bên cạnh thì sẽ tới 48.90 mét. Ðền thánh có thể chứa được 11000 người. Trong bài giảng Thánh Lễ hôm đó, trước sự hiện diện của các tín hữu ngồi chật thánh đường, Ðức Thánh Cha đã ôn lại những cảnh phúc âm thuật lại Chúa Giêsu đã khóc, cũng như cảnh Thánh Phêrô khóc để rồi tìm hiểu ý nghĩa biến cố Ðức Mẹ khóc tại Syracuse vào năm 1953.

Tin Mừng theo Thánh Luca chương 19 câu 41 đã kể lại rằng Chúa Giêsu khóc trước khi vào thành Giêrusalem, đã dừng lại ở trên núi Cây Dầu, Chúa khóc thương thành đô. Giêrusalem, Giêrusalem, Ngươi đã ném đá các ngôn sứ và ném đá các người đã sai đến với ngươi. Biết bao lần ta muốn tụ tập con cái ngươi như gà mẹ ấp ủ con cái mình dưới cánh. Nhưng ngươi không muốn. Này đây nhà cửa của người sẽ nên hoang vắng. Chúa Giêsu khóc vì thương thành Giêrusalem, thương cho số phận tang thương sẽ xảy ra khi thành bị xâm chiếm và tàn phá, các thanh niên sẽ bị giết. Tuy nhiên bên cạnh một lần khóc vì đau đớn, Chúa Giêsu cũng có lần chảy nước mắt vì yêu thương, chảy nước mắt vì cảm động. Ví dụ như Ngài khóc Lazarô bạn mình đã chết, những người chứng kiến cảnh đó đã thầm thì với nhau: Kìa xem Ngài thương ông ta đến thế nào.

Ðức Thánh Cha còn nói rằng Phúc Âm không nói tới Ðức Mẹ khóc, nhưng trực giác đức tin có thể hình dung những lần chảy nước mắt vì sung sướng hay vì đau khổ. Nước mắt xúc động trào ra khi Chúa Giáng Sinh tại Bê Lem, nước mắt đau khổ khi Ðức Mẹ đứng kề thập giá, nước mắt hân hoan khi gặp lại Chúa Phục Sinh. Những giọt nước mắt của Ðức Mẹ vẫn con đi theo Hội Thánh trên đường lữ hành. Mẹ đã khóc tại La Salette bên Pháp (1846) trước khi hiện ra ở Lộ Ðức, vào lúc mà Giáo Hội tại đây đang gặp khó khăn. Ðức Mẹ đã khóc tại Syracuse vào lúc Thế Chiến thứ II vừa chấm dứt. Khóc trên nấm mồ của hàng triệu người thiệt mạng, khóc trước những đe dọa của chủ nghĩa vô thần đang lan tràn. Vào dịp đó một ảnh Ðức Mẹ tại Lubrino bên Ba Lan cũng chảy nước mắt tuy rằng chỉ ít người biết đến chuyện đó.

“Nước mắt của Mẹ Maria là dấu hiệu chứng tỏ sự hiện diện của Người trong giòng lịch sử của Hội Thánh và nhân loại. Người Mẹ khóc khi thấy con cái mình bị đe dọa cách nào về phần hồn hay phần xác. Ðức Mẹ đã chảy nước mắt hòa với những cảnh Chúa Giêsu đã chảy nước mắt mà Phúc Âm đã thuật lại. Chúa khóc thương Giêrusalem, cảnh nước mắt trên mồ của người bạn Lazarô và trên đường thập tự.”

Trong phần kết của bài giảng Ðức Thánh Cha ước mong rằng “Ðền thánh Ðức Mẹ khóc tại Syracuse sẽ được chứng kiến với nhiều tín hữu đến đây với nước mắt, nước mắt của thống hối vì đã xúc phạm đến Chúa và đã được lòng Chúa xót thương. Nước mắt của đau khổ trước bao cảnh tang thương của nhân loại. Bao gia đình tan vỡ, bao thanh niên lạc hướng, bao cảnh chém giết, bao nhiêu đố kỵ thù hằn. Nước mắt của cầu nguyện dâng lên Mẹ hiền, cầu thay cho những người không biết cầu nguyện hay đã khép cửa lòng với Chúa. Nước mắt của hy vọng khả dĩ làm mềm những con tim chai đá”.

Chứng từ

Trong những sinh hoạt diễn ra trong năm kết thúc Năm Thánh Mẫu tại Syracuse, có Hội Nghị Thánh Mẫu được diễn ra tại Vương Cung Thánh Ðường Ðức Mẹ Khóc tại Syracuse từ 31/5 đến 2/6 vừa qua. Trong dịp này ông Nirno Cardo đã kể lại chứng từ như sau:

“Sau 50 năm kỷ niệm nửa thế kỷ Ðức Mẹ khóc, tôi muốn kể lại điều tôi đã trải qua ngày 1/9/1953 là một ngày rất quan trọng đối với đời tôi. Lúc ấy tôi là một giáo viên trẻ tôi cư ngụ gần đường Orti di San Giorgo. Và mặc dầu trong những ngày cuối tháng 8, tôi thấy một đám đông người gần nhà tôi, chỉ cách căn nhà Ðức Mẹ khóc gần 200 mét, nhưng tôi nghĩ rằng không nên quan tâm tới những hiện tượng xảy ra trong căn nhà nhỏ ở số 11 đường Orti đó. Có lẽ vì tôi không có giờ hay nghi ngờ về những hiện tượng thường xảy ra trong xứ sở chúng tôi. Tối ngày 31/8/1953, ông Chủ Biên báo La Stampa Quốc Tế ở thành phố Torino- Bắc Italia điện thoại cho chúng tôi vì tôi cũng là thông tín viên của báo này. Ông yêu cầu tôi viết một bài về hiện tượng Ðức Mẹ khóc, ông trách tôi sao không viết gì cho báo La Stampa giữa lúc mà báo chí quốc tế đang nói ồ ạt về sự kiện này.

Những con đường gần nhà tôi từ đầu tháng 9/1953 đông chật người đủ mọi thành phần thêm vào đó là các xe cộ đủ loại, xe buýt cũng như xe hơi. Cảnh sát đã thiết lập hệ thống an ninh trước nhà anh Iannuso, vậy mà người ta cũng không hiểu các cửa kiếng của nhà anh chị ấy đã bị bể vì đông người chen lấn. Cảnh sát đẩy xa đám đông được vài mét, và một sĩ quan cảnh sát cho tôi được vào căn nhà ấy, với tư cách là ký giả, lúc đó là 9 giờ 30 sáng. Tôi được chị Iannuso tiếp đón thân mật. Chị để cho tôi ngồi trong phòng khách nhỏ trước phòng ngủ, trong phòng khác có đặt một cái bàn nhỏ với một khăn trắng, và bên trên có một bức ảnh nổi được treo trên tường. Trước tiên chị Iannuso muốn nói với tôi về chị, gia đình chị và chồng chị là một nông dân, về những đau khổ dữ dằn của chị.

Và trong khi tôi ghi chép những lời Chị nói, thì từ khóe mắt của tượng Ðức Mẹ, những giọt nước mắt tiếp tục chảy ra làm ước mặt tượng Ðức Mẹ, tôi kinh hoàng và không thể nào tin nổi, tôi xin chị Iannuso một người cao lớn để tháo bức tượng xuống để xem xét kỹ lưỡng hơn. Tôi đặt tượng ảnh nằm ngang trên bàn nhỏ và với chiếc khăn tay tôi thường mang trong túi, tôi lau sạch nước mắt mới chảy ra từ khoé mắt tượng, rồi tôi tháo gỡ hào quang bằng plastic trên đầu tượng, và tôi muốn kiểm chứng xem hai lỗ ở đó có khô hay không và thấy hoàn toàn là khô ráo. Rồi tôi cố ý lật khung tượng ra xem rồi treo tượng vào chỗ cũ. Từ khoé mắt tượng, 15 phút sau lại chảy ra những giọt nước mắt dần dần nhiều hơn và tràn xuống mặt tượng. Tôi chào và cám ơn chị Iannuso rồi chạy tới quảng trường Archimede để mời ông Gratia là thợ chụp hình đã được tôi thuê chụp những hình phóng sự làm báo trước đây. “hãy cấp tốc chạy tới chụp hiện tượng lạ lùng đó làm cho tôi rất dao động”. Tổng cộng tôi đã trải qua 90 phút từ đầu, và sau khi tượng ảnh Ðức Mẹ được chụp hình thì không còn chảy nước mắt nữa.

Tôi đã được Tổng Giáo Phận Syracuse mời tôi kể lại những gì tôi đã chứng kiến. Chiếc khăn tay tôi đã dùng để lau khô nước mắt được để cho tôi giữ và tôi vẫn còn giữ chiếc khăn đó như thánh tích. Theo lời yêu cầu của các Cha Dòng Tên ở Madagasca. tôi đã cắt vài mảnh để gửi tới một người Phi Châu nghèo khổ bị bệnh ung thư, và người ấy đã được khỏi sau đó. Và tôi cũng gởi tới một nhà công nghệ khoẻ mạnh ở miền Bắc Minnesolta tại Hoa Kỳ, còn những mảnh khác thì tôi không biết vì có rất nhiều người xin tôi mẫu khăn lạ ấy. Ðó là kinh nghiệm của tôi và là phép lạ đầu tiên mà tôi đã có được, đó là sự kiện tôi đã quỳ gối xuống trước tượng Chúa Giêsu và Mẹ Maria.

Trích theo Ðài Phát Thanh Vatican- Chương Trình Việt Ngữ