Ngày 22-11-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 23/11: Nhận biết bình an được Chúa viếng thăm – Lm. Giuse Đaminh Nguyễn Ngọc Tân, CP
Giáo Hội Năm Châu
02:01 22/11/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca,

Khi ấy, Đức Giê-su đến gần Giê-ru-sa-lem và trông thấy thành, thì khóc thương mà nói: “Phải chi ngày hôm nay ngươi nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:40 22/11/2023

18. Tinh thần nghèo khó chân thực vốn không phải ở chỗ có nhiều, nhưng ở chỗ biết đủ, là ở trong lòng con và hoàn toàn không ở sự vật bên ngoài thân.

(Thánh Basillius Magnus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:44 22/11/2023
7. BẰNG PHU ĐÁNH HỔ

Trương Biệt Sơn làm đề học ở Giang Bắc, dùng tựa đề “Bằng Phu thích đánh hổ” (1) để làm đề thi cho học sinh.

Ở nơi Từ Châu có một kẻ sĩ nói:

- “Bằng Phu là một người phụ nữ, nhưng lại có thể đánh hổ, không chỉ đánh mà thôi mà còn thích đánh. Bà ta làm thế nào để đánh? Trước tiên là bóp cổ họng nó, tiếp đến là chém đầu nó, lột da nó, sau đó là ném vào trong ngũ vị hương nấu mà ăn, chẳng lẽ không đẹp sao?

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 7:

Ở đời có những người thích sửa lưng người khác, nhưng càng sửa thì càng sai, càng sửa càng hỏng bét, bởi vì họ không biết sửa mình trước cũng như không biết khả năng và giới hạn của mình.

Đề thi nói Bằng Phu là con trai chứ không phải là một mụ đàn bà, vậy mà dám nói là đàn bà, đánh hổ thì không ai dại gì bóp cổ họng nó trước bởi vì con hổ chứ không phải là con chim sẻ, đúng là chữ nghĩa không tới đâu mà học đòi làm thầy thiên hạ, người ta cười cho là phải.

Thời nay có những thầy giáo không thích dạy học trò bằng những kiến thức mà mình đã học được ở nhà trường cũng như ở giảng đường đại học, nhưng chỉ thích dạy học trò bằng những cá tính cộc cằn thô lỗ của mình nơi chợ búa, đó là chửi học trò là “ngu như bò”, phạt học trò bằng những cú “nhảy xổm” hơn cả quân đội, và đối xử với học trò như những ông chủ gian ác và như những cha ghẻ lạnh lùng với con riêng của vợ. Họ càng dạy thì học trò càng thấy nhà trường như những nhà tù với những ông bà cai ngục độc ác, đó là các thầy cô giáo vô lương tâm với nghề nghiệp cao quý của mình...

Thầy cô giáo cũng là những người thay mặt Chúa dạy dỗ kiến thức và đạo đức nhân bản cho các học trò của mình, cho nên sẽ rất bị xã hội lên án khi chính các thầy cô đem đề thi ra bán, làm lộ đề thi cho một số học trò biết...

(1): Bằng Phu là một thanh niên thời Xuân Thu có thể tay không đánh hổ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Chìm vào trong
Lm. Minh Anh
16:01 22/11/2023

CHÌM VÀO TRONG
“Chúa Giêsu đến gần Giêrusalem và trông thấy thành, thì khóc thương”.

Đại đế Alexander đã chinh phục ‘cả thế giới’, theo cách hiểu thời bấy giờ. Sau khi toàn thắng, ông đứng trước doanh trại, khóc nức nở và nói, “Ta không còn thế giới nào nữa để chinh phục!”; Alexander chết ở tuổi 33. Hơn 300 năm sau, đứng trước Giêrusalem, Chúa Giêsu cũng sụt sùi, nhưng chỉ vì Ngài không chinh phục nổi thành! Vậy mà, nhờ việc hiến mình trên thập giá, chịu chết và sống lại cũng ở tuổi 33, Ngài chinh phục cả thế giới!

Kính thưa Anh Chị em,

Thú vị thay! Đại đế Alexander khóc vì không còn ‘thế giới’ nào để chinh phục; Chúa Giêsu khóc, vì nguyên chỉ một Giêrusalem, Ngài không chinh phục nổi! Tin Mừng hôm nay tiết lộ lần khóc hiếm hoi đó. Việc Ngài khóc tiết lộ, đây không phải là một nỗi buồn thoáng qua; đúng hơn, một nỗi buồn thánh đang ‘chìm vào trong’ nhân cách toàn thánh của Ngài.

Chúa Giêsu nhận thức một thực tế xót xa rằng, Ngài đến, đem cho Giêrusalem món quà cứu rỗi. Buồn thay, một số người sẽ lờ đi; số khác thì tức giận; số khác nữa, sẽ giết Ngài! Đây cũng là lần cuối Ngài vào đền thờ, nơi Ngài dâng mạng sống làm Chiên Hy Tế cứu độ thế giới; vậy mà nhiều người, chẳng những không chấp nhận Ngài, ngược lại, họ sẽ trở thành công cụ cho tử thần đang chờ Ngài. Từ thế kỷ thứ ba, Origen đã có một cái nhìn sâu sắc về việc Chúa Giêsu khóc, “Như một gương sáng, Chúa Giêsu xác nhận và hoàn thành các Mối Phúc Ngài dạy. Ngài hiền lành, Ngài khóc lóc, Ngài bị bắt bớ vì sự công chính… và Ngài đã có phúc được lại tất cả, được cả thế giới!”.

Tiếp đến, không chỉ khóc cho Giêrusalem vốn sẽ lãnh lấy số phận như số phận của bao công trình vật chất, ở đây là sự giày xéo của đế quốc Rôma, Chúa Giêsu còn khóc cho nhân loại, cho bạn và tôi, nhất là cho những ai thuộc gia đình đức tin mai ngày. Ngài thấy trước, họ sẽ thiếu đức tin, từ chối ơn cứu độ; và đó là sự huỷ diệt muôn đời! Cảm nhận một sự thất đoạt gần như thất bại hoàn toàn, Ngài rơi lệ! Bài đọc Macabê hôm nay cho thấy một tâm trạng tương tự đang ‘chìm vào trong’ Mathathia, con người nhiệt thành. Khi một số người theo lệnh vua Antiôcô, dâng hương bái lạy tà thần, “Ruột gan ông sôi sục, lòng đạo đức khiến ông nổi giận đùng đùng. Ông nhào tới hạ sát hắn ngay tại bàn thờ”.

Anh Chị em,
Chúa Giêsu khóc thương Giêrusalem vì thành không biết Đấng thăm viếng nó. Giờ đây, Đấng ấy không chỉ viếng thăm, nhưng qua Chúa Giêsu, Đấng ấy cắm lều giữa con người. Ngài là Emmanuel, đang ở giữa, đang đồng hành để đưa chúng ta về đích. Kế hoạch của Ngài cho từng người thật vĩ đại và tuyệt vời; vậy mà, nếu mỗi người chúng ta không đón Ngài, không cho Ngài một chỗ trong tim, trong đời mình, Ngài vẫn tiếp tục khóc. Những giọt nước mắt ẩn tàng của Ngài không chỉ là những giọt nước mắt của bậc cha mẹ, của các bề trên, các nhà giáo dục, nhưng còn là của một Thiên Chúa, một Đấng Cứu Độ. Lấy lại lời của một đan sĩ tiên khởi, Ephrem Syria, Đức Phanxicô nói, “Khuôn mặt được rửa sạch bởi nước mắt đẹp tuyệt vời! Vẻ đẹp của thống hối, của nước mắt hoà lẫn sự ăn năn. Con hãy cầu xin cho được ơn biết khóc!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, cho con biết khóc với những giọt thống hối, giọt ăn năn; và khuôn mặt của con, linh hồn của con cũng đẹp đến tuyệt vời!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Phán xét
Lm. Thái Nguyên
18:56 22/11/2023



PHÁN XÉT
Chúa Nhật 34 Thường Niên A. Mt 25, 31-46

Suy niệm

Đoạn Tin Mừng hôm nay đã thay đổi định hướng sống và trở thành chương trình hành động của người nữ tu Têrêsa Calcutta. Lời Chúa hôm nay cũng chính là Lời Chúa mà mẹ đã từng nghe, từng đọc, từng suy gẫm, nhưng tới lúc mẹ nhận ra một điều thật mới lạ làm chấn động trái tim mình. Đó là những người nghèo khổ, xấu số, bất hạnh… không chỉ là những người đáng thương cần cứu giúp mà còn là hiện thân của chính Chúa Giêsu đang đau khổ. Mẹ đã “tập nhìn ra chính Chúa Giêsu trong mỗi con người, dù họ có vẻ đáng kinh tởm đến đâu đi nữa”.

Từ đó, mẹ đã say mê phục vụ những bệnh nhân tồi tàn, đã cúi xuống bên những người kiệt sức, đã cứu giúp những người tàn tật, đã ôm về những người bị bỏ mặc cho chết bên vệ đường. Mẹ nhận ra phẩm giá cao quý mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Đối với mẹ, lòng thương xót là “muối” khiến cho mỗi việc mẹ làm thêm đậm đà hương vị, và là “ánh sáng” chiếu soi đêm tối của những cuộc đời không còn nước mắt nữa để khóc thương cho sự khốn cùng của mình.

Mỗi người khốn cùng cũng là một bí tích, là nơi mà chúng ta có thể thực sự gặp gỡ chính Đức Giêsu. Trong dụ ngôn ngày phán xét, Vua Giêsu đã đồng hoá mình với những người đói khát, khách lạ, trần trụi, đau yếu hay tù đày, mà chúng ta vẫn gặp mỗi ngày. Ngài ẩn mình hay đúng hơn Ngài tỏ mình qua những người hèn kém đáng thương nhất.

Hôm nay Vua Giêsu vẫn ngửa tay xin ta giúp các anh chị em bé mọn nhất của Ngài: những người lầm than khốn khổ và bệnh tật nghèo hèn; những người dốt nát và mù chữ; những người đang sống nơi đầu đường xó chợ; những người bị suy sụp tinh thần; những người không nơi nương tựa và đang sống cô đơn buồn tủi; những người góa bụa con côi: những người tự nhốt mình trong tù ngục đam mê; những người trần trụi vì phải sống nhờ thân xác và bị đẩy ra bên lề xã hội.

Sự tổn thương nặng nề nhất của người nghèo hôm nay là bị tuốt lột nhân phẩm, bị bóc lột nhân cách, bị trấn lột nhân tính, để rồi cuối cùng bị khinh khi chế giễu, bị coi là vô dụng, thừa thãi. Và như vậy, sự ác lớn nhất của con người hôm nay là mất tình yêu, là dửng dưng, vô cảm.

Martin Luther King, là Mục sư, nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi, và là người đoạt Giải Nobel Hoà bình năm 1964, ông đã nói lên sự thật như sau: “Thế giới đang chìm đắm trong đau khổ, không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà vì sự im lặng của những người tốt”. Hóa ra những người tốt cũng là những kẻ xấu, vì đã đồng lõa hay thỏa hiệp với sự dữ, khi chỉ lo cho bản thân mà không quan tâm đến tha nhân; khi không dám lên tiếng cho những người thấp cổ bé họng, không dám che chở những người thất thế cô thân,v.v… Chúng ta có dám rửa tay nói mình là người sạch tội không?

Mọi người chúng ta sẽ không bị xét xử về điều gì khác ngoài tình yêu, nghĩa là những gì đã làm hay không làm cho anh chị em mình. Không phải mọi người đều đã biết Đức Giêsu, nhưng mọi người đều có một nẻo đường để gặp Ngài, đó là nẻo đường của lòng thương xót”. Chính Ngài đã kêu gọi chúng ta:“Hãy thương xót, như Cha các con là Đấng hay thương xót” (Lc 6, 36). Lòng thương xót không chỉ là hành động của Chúa Cha; mà còn trở thành một tiêu chuẩn để biết được ai là con cái thật của Ngài. Lòng thương xót“chính là nền tảng của đời sống Hội Thánh”, “là sự tròn đầy của đức công chính và là biểu lộ rực rỡ nhất sự thật về Thiên Chúa”. Đó là “chìa khóa Thiên Đàng” (GE 105).

Thánh Tôma cho biết, việc làm thương xót đối với tha nhân thậm chí còn hơn cả hành vi thờ phượng: “Chúng ta thờ phượng Thiên Chúa … không phải đem lại ích lợi gì cho Thiên Chúa, nhưng là cho chúng ta và cho tha nhân… Lòng thương xót khiến ta đáp ứng cho những nhu cầu của người khác, là sự hy sinh được Thiên Chúa ưa thích hơn, vì nó hướng trực tiếp đến hạnh phúc của tha nhân”.

Bài học Tin Mừng hôm nay đã quá rõ: đến cuối đời, chúng ta sẽ bị phán xét về tình yêu; tình yêu đối với tha nhân cũng chính là tình yêu đối với Thiên Chúa. Để những việc ta làm được gọi là “tốt” đối với mọi người, ta hãy làm mọi việc cho họ như làm cho chính Chúa. Hãy thay đổi định hướng sống và chương trình hoạt động của mình để làm nổi bật lòng thương xót, hay nói sâu sát hơn là trở nên lòng thương xót của Thiên Chúa, để góp phần với Chúa Giêsu, Vua vũ trụ, Đấng đang qui tụ những người lành để làm nên một thế giới tình yêu.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Tha nhân gắn liền với bản thân con,
trong mọi mối liên hệ của đời sống,
đều được Chúa yêu thương và cứu chuộc,
nên tất cả cũng đều thuộc về Ngài.
Đời con chỉ kiện toàn được bản thân,
trong mối tình liên đới với tha nhân,
trong hân hoan hay khổ sở buồn rầu,
trong bình an hay lo âu của họ,
Số mệnh của đời con đều tùy thuộc,
vào những gì đã sống cho người khác,
vào những gì mà con đã hiến dâng,
để đem lại tươi tốt cho nhân trần.
Rồi đây tới ngày Chúa phán xét,
cũng sẽ dựa vào những điều ấy thôi,
để phân biệt người lành hay kẻ dữ,
để thưởng công hay xử phạt muôn đời.
Chúa nhân từ đã cúi xuống đời con,
đời tăm tối và hư vô tội lỗi,
để cho con thoát khỏi kiếp đơn côi,
làm sáng lên một cuộc đời tươi mới.
Nên con cần phải cúi xuống thật sâu,
đỡ nâng dậy bao người đang khốn khổ,
giúp họ thoát được nỗi sầu vạn cổ,
để buồn thương không còn chỗ trong đời.
Xin cho con một trái tim cảm thấu,
một trái tim nung nấu sống tình yêu,
dám cho đi và chia sẻ thật nhiều,
biết giúp đỡ ai lần than túng thiếu,
cho cuộc sống hôm nay bớt tiêu điều,
để Chúa đến vui mừng biết bao nhiêu! Amen.




 
Vua và là Chúa chúng ta
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
23:34 22/11/2023

SUY NIỆM LỄ CHÚA KITÔ VUA NĂM – A
VUA VÀ LÀ CHÚA CHÚNG TA
( Mt 25, 31-46 )

Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo hội long trọng cử hành lễ Chúa Kitô là Vua vũ trụ với niềm vui khôn tả và quả quyết rằng Người là Vua và là Chúa chúng ta.

Vua muôn đời

Chúa Giêsu là Vua ư? Người là Vua những gì?

Vương quốc của Chúa Giêsu Kitô không đơn giản thuộc về thế gian này. Người là Vua vinh quang, Vua mọi sự. Đơn giản, Người là Vua, hoàn toàn là Vua, Vua của Vương Quốc Yêu Thương và An Bình. Người không làm vua trên đất mà sẽ cai trị nhân loại từ trời với tư cách là Vua và là Chúa trời đất. Người là Vua đến muôn đời như lời Sứ Thần Grabiel trong biến cố truyền tin cho Đức Maria nói : "Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp và triều đại Người sẽ vô tận!" (Lc 1,31-33).

Vua yêu thương

Chúa Giêsu Kitô là Vua như một mục tử, khiêm nhường, tận tụy, từ tâm và đầy yêu thương. Lời Chúa trong sách Êdêkiel chứng thực điều đó : "Chính Ta sẽ chăn dắt các chiên Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ, Chúa là Thiên Chúa phán như thế. Ta sẽ tìm con chiên đã mất, sẽ đem con chiên lạc về, sẽ băng bó con chiên bị thương tích, sẽ lo chữa con chiên bị ốm đau" (Ed 34, 15-16).

Người coi dân lưu đày như đàn chiên tản mác. Người sẽ kéo chúng ra khỏi thân nô lệ, nơi chúng bị phân tán trong ngày đen tối. Đưa tất cả về trên Núi Thánh, để chúng được gặm cỏ nơi đồng cỏ xanh rì và nghỉ ngơi bên dòng suối mát. Chính Người chứ không phải ai khác sẽ chăn dắt chúng; tức là lãnh đạo dân, làm vua của dân chứ không ai khác nữa.

Chúa tuyên bố Người là vua. Nhưng là Vua mục tử chăm sóc từng con chiên một, đáp ứng yêu cầu của mỗi con; đồng thời sẽ không để dê cừu lẫn lộn kẻo chúng húc và làm hại nhau, tức là Chúa sẽ phân biệt kẻ dữ người lành, để đàn chiên của Người nghĩa là Dân thánh của Người được bình an hạnh phúc.

Tư cách của công dân Nước Trời

Vua dạy người ta cách sống xứng đáng là công dân Nước Trời nên đưa ra lời khuyên : "Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa Trời vừa làm tôi Tiền Của" (Mt 6,24). Vua dạy thần dân đối xử tốt với nhau: hãy làm cho người khác điều mà mình muốn họ làm cho mình, nguyên tắc này về sau được gọi là Luật Vàng. Và nhấn mạnh rằng để thật sự hạnh phúc, chúng ta phải tìm hiểu và làm theo ý Chúa (x.Mt 7,12).

Vậy, như Người đã làm Vua vì vâng lời, thì chúng ta muốn vào Nước của Người, kết hợp vào Thân thể Người, chúng ta cũng phải vâng lời Thiên Chúa, thi hành mọi giới Luật Người ban như chính Ðức Kitô, vì vâng lời Chúa Cha, mà được đặt lên thống lĩnh mọi tạo vật.

Người phân các dân tộc ra hai bên tả hữu như mục tử phân chiên ra khỏi dê.

Ðể làm công việc này, Người chỉ có một tiêu chuẩn: bên những người lành là những kẻ đã thi hành lòng nhân ái; còn bên kẻ dữ là những kẻ thiếu lòng nhân đạo. Ðiều khó hiểu là Người đã xét xử người ta theo lòng nhân ái và nhân đạo đối với chính Người. Nhưng có ai đã gặp Người ở trần gian mà thi hành lòng nhân ái? Câu Người trả lời còn lạ lùng hơn nữa. Người nói : Khi các ngươi làm hay không làm gì cho một trong các anh em hèn mọn nhất của Người là làm hay không làm cho chính Người.

Từ ngữ "các anh em hèn mọn nhất" theo Kinh Thánh ám chỉ mọi con người thiếu thốn, đau khổ mà chúng ta gặp. Quả thật, hết mọi người đã trở thành anh em của Chúa Giêsu kể từ ngày Người mặc lấy bản tính nhân loại. Hiểu như vậy, chúng ta có lý để khẳng định rằng, Chúa sẽ phán xét chúng ta theo thái độ bác ái của chúng ta đối với tha nhân. Và đó chính là lệnh truyền Người đã để lại cho chúng ta trước khi về trời.

Chúa Giêsu giải thích: "Khi Con Người đến,... Muôn dân sẽ được tập họp lại trước mặt Người, và Người sẽ phân chia họ ra, như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Chiên thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái" (Mt 25,31-33), bên những kẻ Chúa Cha chúc phúc" (x. Mt 25,34). Tại sao chiên nhận được ân huệ của Vua?

Vua giải thích : "Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta'. Khi chiên, hay “những người công chính”, hỏi là họ đã làm những điều tốt ấy cho ngài bằng cách nào, Vua đáp lại: 'Quả thật, Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta'" (Mt 25,35-36.40.46).

Họ không làm những việc tốt này ở trên trời, vì ở đó không có người bệnh hoặc người đói. Nhưng họ đã làm những điều này cho các anh em của Đức Kitô ở trên mặt đất.

Còn về dê, là những người bị đặt ở bên trái, thì Vua nói : "Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc; Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!' (Mt 25,41-43). Phán quyết này thật thích đáng vì những người bị xét là dê đã không đối xử tử tế với anh em của Đức Kitô, là điều lẽ ra họ phải làm.

Các môn đệ học được rằng phán quyết của Vua Giêsu đưa ra trong tương lai sẽ là vĩnh viễn : "Ta bảo thật cho các ngươi biết: những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta'. Những kẻ ấy sẽ phải tống vào chốn cực hình muôn thuở, còn các người lành thì được vào cõi sống ngàn thu" (Mt 25,45-46).

Lời giải đáp của Chúa Giêsu khiến chúng ta là công dân Nước Trời xem lại cách sống của chúng ta để sao cho co cái kết hậu là được vào số những người được Chúa Cha chúc phúc.
 
Lễ Chúa Kitô Vua
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
23:38 22/11/2023

LỄ CHÚA KITÔ VUA
(Chúa Nhật XXXIV TN A – Mt 25,31-46)

Tin Mừng thánh Matthêu chương 25 mẹ Hội Thánh đưa vào trong Thánh Lễ cuối năm Phụng vụ, hình như dễ gây “sốc”. Nhiều người có thể bị “sốc” không nguyên chỉ vì tước hiệu Vua vũ trụ mà Hội Thánh suy tôn Thầy Chí Thánh và còn cả nơi nội dung lời giảng dạy của Người qua dụ ngôn “cuộc phán xét chung”.

Hình ảnh của một minh quân trong lịch sử thật quá hiếm so với nhiều ông vua gian ác, độc tài, chuyên chế. Nghĩ đến thể chế phong kiến người ta dễ có tâm tình không mấy thiện cảm. Đã là quân chủ với một ông vua cai trị kiểu cha truyền con nối thì sự chuyên chế hà khắc thường xảy ra. Thế mà Hội Thánh vẫn không ngần ngại suy tôn Chúa Kitô với danh hiệu Vua vũ trụ. Qua danh hiệu này Hội Thánh không chỉ nhìn nhận quyền tối thượng của Đức Kitô trên mọi vật mọi loài thọ tạo, hữu hình và vô hình, mà còn tuyên bố với mọi người về niềm hạnh phúc và vinh dự của mọi loài thọ tạo khi có Đức Kitô làm vua của mình.

Đã là loài thọ tạo thì phải thần phục Đấng dựng nên mình. Tuy nhiên chúng ta không sống tâm tình thần phục như nguời nô lệ. Đấng xứng đáng là Vua, là chủ tể chúng ta đã tự nguyện làm anh cả giữa loài người. Đấng tạo thành đã tự nguyện trở nên con của loài người. Và đặc biệt Người đã chọn hạnh phúc của con người, của từng người làm vinh quang của chính Người. Có thể nói không ngoa ngữ chút nào: Người tự nhận số phận của con người, của từng người, nhất là những người yếu thế, kém phận, làm số phận của chính Người.

Chúa Kitô làm vua của một vương quốc mà trong đó mọi người từ cổ chí kim đều là con dân của Người. Chúng ta hãnh diện và vui mừng vì vương quốc mà Chúa Kitô thống trị là một vương quốc mà trong đó “dân vi quý, dân vạn đại”. Chúng ta vui mừng và hãnh diện trong vương quốc này vì vị Vua cai trị chúng ta là Đấng có thể nói theo kiểu phàm nhân rằng “luôn lo trước cái lo của thiên hạ và vui sau cái vui của thiên hạ”. Chúng ta lại càng hãnh diện và vui mừng vì vương quốc Chúa Kitô thiết lập là một vương quốc mà trong đó không một ai là đáng bỏ đi, không một ai là thành phần hạ đẳng.

Khi các người làm hay không làm điều tốt cho một trong những kẻ bé mọn này là các ngươi đã làm hay không làm cho chính Ta (x.Mt 25,31-46). Hiến pháp, luật lệ của vương quốc này thật đơn giản. Đó là phải sống cho có lòng, có tâm với nhau, đặc biệt với người anh chị em yếu thế, kém may mắn cận kề chúng ta.

“Thầy bảo thật cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5,20). Và Chúa Giêsu đã quảng diễn sự phải “công chính hơn” là không được phép loại bỏ bất cứ một ai dù chỉ là trong cung cách hành xử, trong tâm trí. Không loại bỏ tha nhân chưa đủ, Người còn đòi hỏi phải biết liên đới với tha nhân trong hạnh phúc của họ. “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24). Dĩ nhiên, nếu vì lỗi của ta thì việc bỏ của lễ lại để đi làm hòa trước đã, là điều dễ hiểu. Còn nếu không phải do lỗi của ta mà do lỗi của người anh em, thì ta cũng phải làm như thế. Nếu không, ta sẽ mắc phải món nợ tình yêu, khi ta thờ ơ với số phận của người anh em mình. Người có lỗi, người có tội là một trong những bé mọn mà ta cần quan tâm nâng đỡ. Mẹ Hội Thánh đã hiểu chân lý này khi dạy chúng ta những mối thương người: “Lấy lời lành mà khuyên người; Mở dạy kẻ mê muội; An ủi kẻ âu lo; Răn bảo kẻ có tội…”

Không ai có thể lên trời “một mình”. Không ai có thể làm con dân Nước trời với sự ích kỷ, với thái độ bàng quan, hững hờ trước người anh em. Mặc dù vẫn có đó sự gai chướng từ hình ảnh không mấy đẹp của nhiều vị vua trong quá khứ. Thế nhưng đã đón nhận chân lý trong niềm tin thì chúng ta cùng với toàn thể thụ tạo phải thần phục tuyệt đối Đấng tạo thành nên mình. Đã con thần dân của vương quốc tình yêu thì ta phải sống theo thể chế và luật lệ của vương quốc mà thôi. Luật lệ và thể chế ấy không gì hơn là sự hiệp thông liên đới huynh đệ trong tình yêu của Vị Vua trên các vua đã yêu thương chúng ta. Đã có biết bao người xưa lẫn nay đã đón nhận sự gai chướng ấy và rồi họ đã cảm nghiệm nó thật là “êm ái và nhẹ nhàng”(x.Mt 11,28-30).

(Ban Mê Thuột)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ ‘mối quan ngại’ về Con Đường Đồng Nghị ở Đức, vì nó đe dọa sự hiệp nhất của Giáo hội
Vũ Văn An
04:47 22/11/2023

Jonathan Liedl của hãng tin CNA, ngày 21 tháng 11 năm 2023, tường trình rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bày tỏ sự dè dặt sâu xa về đường hướng của Giáo Hội Công Giáo ở Đức, đồng thời cảnh cáo rằng các bước cụ thể hiện đang được thực hiện “có nguy cơ” làm suy yếu sự hiệp nhất với Giáo hội hoàn vũ.



Đức Giáo Hoàng đã đưa ra những lời chỉ trích của mình trong một bức thư gửi bốn nữ giáo dân Công Giáo Đức được đăng trên tờ báo Welt của Đức vào ngày 21 tháng 11.

Đức Giáo Hoàng viết: “Quả tình có nhiều bước đang được thực hiện bởi các bộ phận quan trọng của Giáo hội địa phương này, có nguy lèo lái nó ngày càng rời xa con đường chung của Giáo hội hoàn vũ”.

Bức thư đề ngày 10 tháng 11, được viết bằng tiếng Đức và có chữ ký viết tay của Đức Giáo Hoàng.

Mối quan tâm hàng đầu của Đức Giáo Hoàng là việc thúc đẩy thành lập một “Hội đồng Đồng nghị” thường trực, một cơ quan hỗn hợp gồm giáo dân và giám mục sẽ cai trị Giáo Hội Công Giáo ở Đức. Việc thành lập hội đồng này là ưu tiên hàng đầu của Con Đường Đồng Nghị Đức, một sáng kiến gây tranh cãi đòi hỏi những thay đổi đáng kể trong cơ cấu và giáo huấn của Giáo hội.

Trong bức thư của ngài, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng loại “cơ quan tư vấn và ra quyết định” như đề xuất hiện nay “không phù hợp với cơ cấu bí tích của Giáo Hội Công Giáo”. Ngài đề cập đến một lá thư ngày 16 tháng 1 từ các viên chức cao cấp của Vatican gửi cho các giám mục Đức, một việc chính ngài đã chấp thuận, cấm rõ ràng việc thành lập Hội đồng Đồng nghị.

Một ủy ban lãnh đạo Con Đường Đồng Nghị gần đây đã họp vào ngày 10-11 tháng 11 tại Essen để đặt nền móng cho Hội đồng Đồng nghị mà họ dự định thành lập không muộn hơn năm 2026.

Bốn giám mục Đức đã bỏ phiếu vào tháng 6 để ngăn chặn việc tài trợ cho ủy ban trù bị, và tổng cộng 8 trong số 27 giám mục Đức đã vắng mặt trong cuộc họp ngày 10-11 tháng 11.

Trong lá thư gần đây của ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề xuất một con đường khác cho Giáo hội ở Đức.

Thay vì tìm kiếm “sự cứu rỗi” trong “các ủy ban không ngừng phát triển” hoặc “các cuộc đối thoại chỉ quan tâm đến mình chuyên lặp lại các chủ đề tương tự”, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh sự cần thiết của Giáo Hội Công Giáo ở Đức phải bắt nguồn từ “cầu nguyện, sám hối và tôn thờ”.

Ngài cũng kêu gọi người Công Giáo Đức “liên kết với anh chị em của chúng ta” ở bên lề, đặc biệt là những người bệnh tật, bị cầm tù và những người “ở ngưỡng cửa nhà thờ của chúng ta”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết, “Tôi tin chắc rằng ở những nơi này, Chúa sẽ hướng dẫn chúng ta”.

Bức thư được gửi tới các nhà thần học Katharina Westerhorstmann và Marianne Schlosser, nhà báo Dorothea Schmidt, và nhà triết học tôn giáo Hanna-Barbara Gerl-Falkovitz. Bốn nữ giáo dân người Đức trước đây từng là đại biểu của Con đường Đồng nghị nhưng đã từ chức vào tháng 2 để phản đối. Họ đã viết thư cho Đức Giáo Hoàng vào ngày 6 tháng 11 bày tỏ mối quan ngại của họ về đường hướng của Giáo Hội Công Giáo ở Đức.

Trong câu trả lời của ngài, Đức Giáo Hoàng kêu gọi bốn người phụ nữ cầu nguyện cho ngài và “cho sự hiệp nhất chung của chúng ta”.

Nhà thần học người Đức Martin Brüske mô tả bức thư của Đức Giáo Hoàng là một tín hiệu rõ ràng và mạnh mẽ để ngăn chặn công việc của ủy ban đồng nghị.

Brüske cho biết trong một tuyên bố được cung cấp bởi New Beginning, một nhóm người Công Giáo Đức chỉ trích Con đường Đồng nghị: “Con thuyền Phêrô đã mang lại cho Giáo hội Đức một lời cảnh cáo rõ rệt. Những người không muốn nghe và nhìn thấy điều này sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu cuối cùng họ biến mất trong vòng xoáy chia rẽ.”

Ban lãnh đạo của Con đường Đồng nghị Đức gần đây coi việc họ thúc đẩy thành lập Hội đồng đồng nghị như nhất quán với sự nhấn mạnh của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về việc gia tăng tính đồng nghị trong Giáo Hội Công Giáo, bao gồm cả Thượng hội đồng gần đây về tính đồng nghị tại Vatican.

Trong một tuyên bố ngày 29 tháng 10, Thomas Söding, phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Người Công Giáo Đức (ZdK), đã mô tả phiên họp ở Vatican là “sự xác nhận [Con đường] đồng nghị ở Đức”. Ông nói thêm rằng các kế hoạch của Đức nhằm thành lập Hội đồng đồng nghị thường trực nhất quán với lời kêu gọi tản quyền lớn hơn trong báo cáo của thượng hội đồng vào tháng 10.

Con đường Đồng nghị Đức, một nỗ lực chung của Hội đồng Giám mục Đức và Ủy ban Trung ương Người Công Giáo Đức, đã được khởi động vào năm 2019. Quá trình phi giáo luật đã kết thúc giai đoạn đầu tiên vào tháng 3, thông qua các nghị quyết để không những tiến tới việc thành lập Hội đồng đồng nghị mà còn để ban phước cho các cuộc kết hiệp đồng tính và thúc đẩy việc phong chức cho phụ nữ ở bình diện Giáo hội hoàn vũ.

Bức thư của Đức Giáo Hoàng gửi bốn nữ giáo dân không phải là lần đầu tiên ngài bình luận về Con đường Đồng nghị. Vào tháng Giêng, ngài đã chỉ trích quá trình này là “duy ưu tú” và “không hữu ích cũng như không nghiêm túc”. Trước khi bắt đầu Con đường đồng nghị, ngài đã viết một lá thư vào tháng 6 năm 2019 cho “Dân hành hương ở Đức”, kêu gọi tập trung vào việc truyền giáo trước tình trạng “xói mòn và suy thoái đức tin ngày càng tăng”.

Nguyên văn bức thư của Đức Giáo Hoàng

Sau đây là bản dịch tiếng Anh của CNA toàn văn bức thư tiếng Đức, được Đức Thánh Cha ký ngày 10 tháng 11 và được tờ báo Đức Welt xuất bản lần đầu vào ngày 21 tháng 11:

Từ điện Vatican, ngày 10 tháng 11 năm 2023

Giáo sư Westerhorstmann thân mến,
Giáo sư Schlosser thân mến,
Giáo sư Gerl-Falkovitz thân mến,
Bà Schmidt thân mến
,

Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn của tôi về lá thư tốt lành của qúy bà đề ngày 6 tháng 11. Những mối quan tâm của qúy bà về những phát triển hiện tại trong Giáo hội ở Đức đã đến tai tôi và tôi chia sẻ những mối quan tâm của qúy bà. Thực sự có rất nhiều bước đi được thực hiện bởi các bộ phận quan trọng của Giáo hội địa phương này, có nguy cơ lèo lái Giáo hội này ngày càng rời xa con đường chung của Giáo hội hoàn vũ. Điều này chắc chắn bao gồm việc thành lập ủy ban đồng nghị mà qúy bà đã đề cập. Ủy ban này nhằm mục đích thành lập một cơ quan tư vấn và ra quyết định. Tuy nhiên, như đã nêu trong nghị quyết tương ứng, cấu trúc được đề xuất của nó không phù hợp với cấu trúc bí tích của Giáo Hội Công Giáo. Do đó, việc thành lập nó đã bị Tòa Thánh cấm trong một lá thư đề ngày 16 tháng 1 năm 2023, lá thư đã nhận được sự chấp thuận chuyên biệt của tôi.

Trong “Thư gửi Dân hành hương của Thiên Chúa ở Đức”, tôi không tìm cách tìm kiếm “sự cứu rỗi” trong các ủy ban không ngừng phát triển, cũng như không kiên trì trong các cuộc đối thoại chỉ quan tâm đến mình chuyên lặp lại các chủ đề tương tự. Đúng hơn, tôi nhằm nhấn mạnh lại tầm quan trọng của việc cầu nguyện, sám hối và tôn thờ. Tôi thúc giục sự cởi mở và lời kêu gọi hành động để liên kết với anh chị em chúng ta, đặc biệt là những người ở ngưỡng cửa nhà thờ, trên đường phố, trong nhà tù, bệnh viện, quảng trường công cộng và thành phố (như đã đề cập ở phần 8). Tôi tin chắc rằng ở những nơi này, Chúa sẽ hướng dẫn chúng ta.

Tôi khen ngợi những đóng góp của qúy bà cho thần học và triết học và cảm ơn qúy bà vì chứng tá cho Đức Tin. Xin Chúa chúc lành cho qúy bà, và xin Đức Trinh Nữ Maria Diễm Phúc gìn giữ qúy bà. Tôi khẩn khoản yêu cầu các qúy bà tiếp tục cầu nguyện cho tôi và cho sự cam kết chung của chúng ta đối với sự hiệp nhất.

Hiệp nhất trong Chúa,

Phanxicô
 
Tượng Đức Mẹ Sầu Bi ở Mexico có thực sự rơi nước mắt không?
Đặng Tự Do
05:35 22/11/2023

Truyền thông địa phương Mễ Tây Cơ đưa tin rằng một cậu bé 9 tuổi là người đầu tiên nhìn thấy những giọt nước mắt được cho là chảy ra từ mắt của bức tượng Đức Mẹ Sầu Bi trong một nhà nguyện ở làng El Chanal, ngay phía bắc thành phố Colima. Những cư dân khác sau đó cho biết họ cũng nhìn thấy những giọt nước mắt. Nhà nguyện này thuộc quyền quản lý của Đền thờ Thánh Gioan Phaolô II ở thành phố Colima, cách Thành phố Mễ Tây Cơ 300 dặm về phía tây, không xa Thái Bình Dương.

Giáo hội trả lời như thế nào? Cha Gerardo López Herrera, giám đốc truyền thông của Giáo phận Colima, cho biết một linh mục đã đến kiểm tra bức tượng và xác định rằng không có phép lạ nào xảy ra.

Bối cảnh: Khi tin tức về những giọt nước mắt được cho là của Đức Trinh Nữ lan truyền, báo chí địa phương đưa tin rằng một số người giải thích những giọt nước mắt được cho là của Đức Trinh Nữ là một phản ứng trước tình trạng bạo lực đang làm rung chuyển khu vực. Colima đứng đầu trong danh sách 50 thành phố bạo lực nhất thế giới năm 2022 trong báo cáo do Hội đồng Công dân về An toàn Công cộng và Tư pháp Hình sự biên soạn.

Vào ngày 15 tháng 11, Cha López nói với ACI Prensa, đối tác tin tức tiếng Tây Ban Nha của CNA, rằng “hình ảnh đó là sự thể hiện của Đức Trinh Nữ Sầu Bi mà vào thời điểm nó được tạo ra, người nghệ sĩ tạo tác đã đặt một số giọt nước mắt silicone lên mắt Đức Mẹ.”

“Không phải những giọt nước mắt đó rơi vì những sự việc đã xảy ra; tượng Đức Mẹ đã có những giọt nước mắt này trước đó rồi”

Vị linh mục giải thích rằng khi “người dân trong cộng đồng bắt đầu đồn thổi về phép lạ được cho là này”, vị linh mục chịu trách nhiệm về Đền thờ Thánh Gioan Phaolô II “đã đi và xác nhận rằng đây không phải là sự thật”.

“Chúng tôi đánh giá cao sự quan tâm, nhưng đó không phải là một phép lạ,” Cha López kết luận.


Source:Catholic News Agency
 
Các nhà vận động nhân quyền Nicaragua yêu cầu Quốc hội Anh giúp trả tự do cho Đức Cha Álvarez
Đặng Tự Do
05:39 22/11/2023


Chủ tịch Tổ chức Tự do Nicaragua và cựu ứng cử viên tổng thống Nicaragua Félix Maradiaga gần đây đã đến thăm Quốc hội Anh và yêu cầu các thành viên của quốc gia này hỗ trợ giải phóng các tù nhân chính trị của Nicaragua, trong đó có giám mục của giáo phận Matagalpa, là Đức Cha Rolando Álvarez, một người thẳng thắn bảo vệ nhân quyền.

Chuyến thăm của Maradiaga tới Anh diễn ra chỉ một ngày sau khi Giám mục Silvio Báez người Nicaragua lưu vong nhận được giải thưởng từ Tổ chức Quốc gia vì Dân chủ, gọi tắt là NED. ở Washington, DC, nơi vị Giám Mục cũng nhắc lại lời kêu gọi chế độ độc tài của Tổng thống Daniel Ortega trả tự do cho Đức Cha Álvarez được bị bỏ tù một cách bất công và bị kết tội “phản bội tổ quốc”.

Cựu ứng cử viên tổng thống nói với ACI Prensa, đối tác tin tức tiếng Tây Ban Nha của CNA, rằng trong chuyến thăm Quốc hội Anh, ông đã vận động cho tất cả các tù nhân chính trị Nicaragua. “Chúng tôi chưa quên ai cả,” ông nhấn mạnh.

Madariaga đã được tiếp đón bởi các thành viên của khối tự do trong Hạ viện, chẳng hạn như Jeremy Purvis và John Thomas Alderdice, những người mà ông giải thích “tình hình tù nhân chính trị ở Nicaragua và thảo luận về sự cần thiết phải áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với những kẻ phạm tội ác chống lại loài người và các hành vi tham nhũng,” theo thông cáo gửi tới ACI Prensa.

Một trong những chủ đề được thảo luận là đề xuất thành lập một cơ quan đặc biệt của chính phủ Anh để vận động cho các tù nhân chính trị trên khắp thế giới cũng như tầm quan trọng của việc các nền dân chủ hợp tác với nhau để đối đầu với các chế độ độc tài như Nicaragua, “Nga, Trung Quốc và Iran”.

Maradiaga kết luận bằng cách “tái khẳng định cam kết làm việc không mệt mỏi cho đến khi chúng tôi đạt được tự do và công lý mà người dân Nicaragua xứng đáng có được”.

Bắt đầu từ ngày 4 tháng 8 năm 2022, Đức Cha Rolando Álvarez, giám mục của Matagalpa và giám quản tông tòa của Estelí ở Nicaragua, đã bị cảnh sát Nicaragua ngăn không cho rời khỏi nơi cư trú của mình.

Hai tuần sau, vào giữa đêm, cảnh sát đột nhập vào nơi ở, bắt cóc ngài và đưa ngài đến Managua, nơi ngài bị quản thúc tại gia. Sau một phiên tòa bất hợp pháp, vào ngày 10 tháng 2 năm nay, ngài bị kết án 26 năm 4 tháng tù, và bị buộc tội “phản bội tổ quốc”.

Một ngày trước đó, vị giám mục đã từ chối đi cùng 222 cựu tù nhân chính trị bị tước quyền công dân Nicaragua và bị trục xuất sang Hoa Kỳ trong một thỏa thuận giữa chính phủ Ortega và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Vào tháng 7, vị Giám Mục đã được đưa ra khỏi nhà tù “La Modelo”, nơi ngài đang thụ án, mặc dù ngài vẫn bị cảnh sát giam giữ. Các cuộc đàm phán để trả tự do cho ngài không thành công và ngài bị đưa trở lại nhà tù.


Source:Catholic News Agency
 
Giáo Hội Công Giáo Ghana phải đối mặt với làn sóng bỏ sang các nhóm Tin lành Ngũ Tuần
Đặng Tự Do
05:40 22/11/2023


Mặc dù nhìn chung Phi Châu là khu vực có sự tăng trưởng lớn nhất của Công Giáo toàn cầu, nhưng quốc gia Ghana ở Tây Phi lại đang báo cáo sự suy giảm đáng kể, với nhiều người bỏ sang Tin lành Ngũ Tuần.

Trong bài phát biểu quan trọng ngày 13 tháng 11 khai mạc Phiên họp toàn thể năm 2023 của Hội đồng Giám mục, Đức Cha Matthew Kwasi Gyamfi của Sunyani nói rằng dữ liệu điều tra dân số gần đây nhất cho thấy tỷ lệ người Ghana tự nhận mình là người Công Giáo đã giảm từ 15,1% năm 2000 xuống còn 10,1 phần trăm vào năm 2021.

Kết quả này trái ngược hoàn toàn với số liệu thống kê của Vatican về sự phát triển của Giáo hội ở Phi Châu nói chung. Theo số liệu được Vatican công bố vào tháng trước, Phi Châu đã có thêm 5,2 triệu người Công Giáo vào năm 2021 so với năm 2020.

Gyamfi nói rằng “các hồ sơ hiện có cho thấy dân số Công Giáo tăng đều đặn từ năm 1880 đến năm 2000, khi dân số Công Giáo là 15,1 phần trăm”.

Nhưng kể từ đó, tỷ lệ này đã rơi vào vòng xoáy đi xuống, giảm từ 15,1% năm 2000 xuống còn 13,1% năm 2010, tức là 3.230.996 người trên tổng dân số 24.658.823.

Ngài nói: “Con số này tiếp tục giảm xuống còn 10,1% trong cuộc điều tra dân số năm 2021, từ 3.230.996 xuống còn 3.079.261, có nghĩa là theo thống kê, Giáo hội đã mất khoảng 230.000 thành viên trong vòng 10 đến 11 năm qua”.

Đức Cha Gyamfi cho biết điều này đánh dấu một “xu hướng đáng lo ngại đối với Giáo hội của chúng ta, vì Chúa đã ủy thác cho chúng ta đi đến tất cả các quốc gia, thị trấn, thành phố, làng mạc, gia đình và gia đình để rửa tội và giảng dạy cho họ”.

Ghana là quốc gia lớn thứ hai ở Tây Phi với 32 triệu dân, sau Nigeria. Đức Cha Gyamfi cho rằng đô thị hóa nhanh chóng có thể là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến sự suy tàn của Công Giáo. Năm 2012, 52,07% dân số sống ở khu vực thành thị, con số này hiện đã đạt 58,62%.

Ngài nói: “Một cái nhìn lướt qua tất cả các số liệu điều tra dân số cho thấy một xu hướng dường như gợi ý rằng, trong khi Giáo hội dường như có tỷ lệ khá cao ở các cộng đồng nông thôn, thì Giáo hội lại đang xuất huyết nhanh nhất ở các trung tâm đô thị”.

“Dữ liệu điều tra dân số cho thấy rằng khi người Công Giáo di chuyển từ các vùng nông thôn đến các trung tâm thành thị, họ không duy trì được đức tin Công Giáo và trở thành nạn nhân của các giáo phái khác. Những lý do dẫn đến hiện tượng đáng buồn này cần được các giám mục và các bên liên quan nghiên cứu cẩn thận để tìm ra giải pháp lâu dài”.

Trong khi Công Giáo đang suy giảm ở Ghana, thì xu hướng ngược lại đang được chú ý trong điều được gọi là “Phúc âm thịnh vượng” được rao giảng chủ yếu bởi các Kitô hữu Ngũ Tuần, mà các nhà quan sát cho rằng có sức hấp dẫn lớn ở một quốc gia nơi 24,2% dân số sống dưới mức nghèo khổ.

Tỷ lệ người Ghana được xác định là người theo Tin lành Ngũ Tuần đứng ở mức 24,1% vào năm 2000, con số này đã tăng lên 31,6% vào năm 2021, theo cùng một dữ liệu điều tra dân số.

Các nhà lãnh đạo Công Giáo đã đề xuất một loạt các phương pháp tiếp cận nhằm đảo ngược xu hướng này, bao gồm cả điều mà các ngài gọi là “việc dạy giáo lý tích cực”.

“Giáo hội ở Ghana phải bắt tay vào việc dạy giáo lý tích cực để đào sâu kiến thức của giáo dân về đức tin. Giáo hội phải củng cố và đào sâu việc dạy giáo lý được cung cấp cho việc lãnh nhận các bí tích, đặc biệt là các bí tích khai tâm Kitô giáo, để việc dạy giáo lý không chỉ mang tính lý thuyết mà còn dẫn đến sự hoán cải thực sự của trái tim và tâm trí của người dự tòng”. Hội đồng Giám mục cho biết trong một tuyên bố.

Các ngài cũng đề nghị thu hút giới trẻ tham gia vào việc truyền giáo, nhận thức được thực tế là ngày càng nhiều người trẻ rời bỏ Giáo hội. Các Giám Mục nói rằng các tuyên úy Công Giáo ở các trường cơ bản và các cơ sở giáo dục đại học phải được cung cấp nguồn lực tốt hơn để các tuyên úy được đào tạo, có năng lực và chăm chỉ.

Với việc ngày càng phụ thuộc vào các phương tiện truyền thông để có thông tin, các giám mục cho biết điều bắt buộc là Giáo hội phải sử dụng cả phương tiện truyền thông truyền thống và xã hội để tiếp cận người dân.

Các ngài nói: “Hội nghị nên, như một vấn đề cấp bách, đầu tư mạnh mẽ vào các phương tiện truyền thông xã hội cả mới lẫn truyền thống để tiếp cận không gian công cộng như một cách truyền giáo hiệu quả hơn trong thế giới hiện đại của chúng ta”. “Chắc chắn, Giáo hội ở Ghana phải định hướng lại mình cho tính cấp bách của nhiệm vụ này để tiếng nói của Giáo hội được lắng nghe và thông điệp của Giáo hội được công bố trên khắp trái đất”.

Đức Cha Gyamfi cho biết: “Ví dụ, chúng ta phải thảo luận khẩn cấp về cách làm cho Giáo hội và các thừa tác viên của Giáo hội gần gũi và hiện diện hơn về mặt thể chất và tinh thần trong tất cả các cộng đồng ở các trung tâm đô thị”.

Ngài giải thích rằng điều quan trọng là phải mạnh mẽ theo đuổi ý tưởng về các cộng đồng Kitô giáo nhỏ và “biến một số trong số đó thành các giáo xứ”.

Đức Cha Gyamfi nhấn mạnh rằng Giáo hội cần tích cực giảng dạy dân Chúa không trở thành nạn nhân của sự tấn công dữ dội của cái gọi là “Phúc Âm thịnh vượng”, mà ngài nói, “đã thấm vào xã hội Ghana và đang gây ra tác hại to lớn, đặc biệt là những người nghèo, và những người tuyệt vọng”


Source:Crux
 
Bài Giáo lý hàng tuần của Đức Phanxicô. Niềm đam mê truyền giáo: lòng nhiệt thành tông đồ của người tín hữu. 27. Công bố dành cho tất cả mọi người
Vũ Văn An
13:57 22/11/2023

Theo tin Tòa Thánh, nhân buổi yết kiến chung tại quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô hôm thứ Tư ngày 22 tháng 11, Đức Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về lòng nhiệt thành truyền giáo, nhấn mạnh đến việc công bố Tin Mừng cho tất cả mọi người. Sau đây là bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Anh chị em thân mến!

Lần trước, sau khi thấy việc công bố Kitô giáo là niềm vui, hôm nay chúng ta hãy tập trung vào khía cạnh thứ hai: nó dành cho tất cả mọi người, việc công bố Kitô giáo là một niềm vui cho tất cả mọi người. Khi chúng ta thực sự gặp Chúa Giêsu, điều kỳ diệu của cuộc gặp gỡ này sẽ thấm nhập vào cuộc sống của chúng ta và đòi hỏi chúng ta phải vượt xa chính mình. Người muốn Tin Mừng của Người dành cho tất cả mọi người. Thực vậy, trong đó có một “sức mạnh nhân bản hóa”, một sự nên trọn cuộc sống vốn được định sẵn cho mọi người nam nữ, bởi vì Chúa Kitô đã sinh ra, đã chết, đã sống lại cho tất cả mọi người. Cho tất cả mọi người: không loại trừ ai.

Trong Niềm Vui Tin Mừng chúng ta đọc thấy: “Mọi người đều có quyền đón nhận Tin Mừng. Các Kitô hữu có nhiệm vụ công bố nó mà không loại trừ bất cứ ai, không phải như những người áp đặt một nghĩa vụ mới, nhưng như những người chia sẻ niềm vui, báo hiệu một chân trời tươi đẹp, dâng lên một bữa tiệc đáng mơ ước. Giáo hội không phát triển nhờ việc cải đạo nhưng “nhờ sự thu hút” (số 14). Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cảm nhận mình đang phục vụ mục đích phổ quát của Tin Mừng, dành cho mọi người; và chúng ta hãy tự phân biệt mình bằng khả năng thoát ra khỏi chính mình - một lời loan báo là một lời loan báo đích thực phải xuất phát từ lòng vị tha - và cũng phải có khả năng vượt qua mọi biên giới. Các Kitô hữu thấy mình ở trên nhà thờ nhiều hơn là ở trong phòng áo lễ, và đi “ra các đường phố trong thị thành” (Lc 14:21). Họ phải cởi mở và chan hòa, các Kitô hữu phải là những người “hướng ngoại”, và tính cách này của họ phát xuất từ Chúa Giêsu, Đấng đã biến sự hiện diện của Người trên thế giới thành một hành trình liên tục, nhằm đến với mọi người, thậm chí học hỏi từ một số cuộc gặp gỡ nào đó.

Theo nghĩa này, Tin Mừng gợi lại cuộc gặp gỡ đầy ngạc nhiên của Chúa Giêsu với một phụ nữ ngoại quốc, một người Canaan, người cầu xin Người chữa lành cho đứa con gái bị bệnh của mình (x. Mt 15:21-28). Chúa Giêsu từ chối, nói rằng Người chỉ được sai đến “với những con chiên lạc của nhà Israel” và “không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con” (c. 24,26). Nhưng người phụ nữ, với sự khăng khăng đặc trưng của những người đơn giản, đã trả lời rằng “ngay cả chó cũng ăn những mảnh vụn trên bàn của chủ rơi xuống” (c. 27). Chúa Giêsu ngạc nhiên và nói với bà: “Này bà, đức tin của bà mạnh lắm! Bà muốn thế nào thì được như vậy” (c. 28). Cuộc gặp gỡ với người phụ nữ này có điều gì đó độc đáo. Không phải một ai đó đã thay đổi tâm trí Người, mà đó là một phụ nữ, người ngoại quốc và ngoại giáo; nhưng chính Chúa đã xác nhận rằng việc rao giảng của Người không nên bị giới hạn vào những người mà Người thuộc về, nhưng phải cởi mở với tất cả mọi người.

Kinh Thánh cho chúng ta thấy rằng khi Thiên Chúa kêu gọi một người và lập giao ước với một số người, thì tiêu chuẩn luôn là thế này: Người chọn một ai đó để đến với người khác, đây là tiêu chuẩn của Thiên Chúa, của ơn gọi của Thiên Chúa. Tất cả bạn bè của Chúa đều cảm nghiệm được vẻ đẹp nhưng cũng trải nghiệm trách nhiệm và gánh nặng khi được Người “chọn”. Và họ hết thẩy đều cảm thấy chán nản trước những điểm yếu hoặc sự mất an toàn của mình. Nhưng có lẽ cám dỗ lớn nhất là coi ơn gọi nhận được như một đặc ân, làm ơn, anh chị em đừng coi như vậy, ơn gọi đó không bao giờ là một đặc ân cả. Chúng ta không thể nói rằng chúng ta có đặc quyền so với những người khác, không. Ơn gọi là để phục vụ. Và Chúa chọn một người để yêu thương mọi người, để đến với mọi người.

Cũng để ngăn chặn cám dỗ muốn đồng nhất hóa Kitô giáo với một nền văn hóa, với một sắc tộc, với một hệ thống. Tuy nhiên, do đó, họ đánh mất bản chất Công Giáo thực sự của mình, tức là bản chất phổ quát đối với tất cả mọi người: họ không phải là một nhóm nhỏ những người được chọn hạng nhất. Chúng ta đừng quên: Thiên Chúa chọn một người để yêu thương mọi người. Chân trời phổ quát này. Tin Mừng không chỉ dành cho tôi mà còn dành cho tất cả mọi người, chúng ta đừng quên điều đó. Cảm ơn anh chị em.

Lời kêu gọi hòa bình

Trong buổi yết kiến hôm nay, Đức Phanxicô cũng đã tha thiết xin mọi người cầu nguyện cho hòa bình, nhất là cho những người Israel và Palestine đang đau khổ vì khủng bố, chiến tranh:

"Chúng ta đừng quên kiên trì cầu nguyện cho những người đang phải chịu đau khổ vì chiến tranh ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là dân tộc Ukraine thân yêu, dân tộc Ukraine đang bị đau khổ, dân tộc Israel và Palestine. Sáng nay tôi đã tiếp đón hai phái đoàn, một phái đoàn người Israel có người thân bị làm con tin ở Gaza và một phái đoàn khác là người Palestine có người thân đang đau khổ ở Gaza. Họ đau khổ rất nhiều và tôi nghe thấy cả hai đều đau khổ như thế nào: chiến tranh gây ra điều này, nhưng ở đây chúng ta đã vượt ra ngoài chiến tranh, đây không phải là tiến hành chiến tranh, đây là khủng bố. Làm ơn, chúng ta hãy tiến tới hòa bình, cầu nguyện cho hòa bình, cầu nguyện thật nhiều cho hòa bình. Xin Chúa nhúng tay vào đó, xin Chúa giúp chúng ta giải quyết các vấn đề và không tiến về phía trước với những đam mê mà cuối cùng sẽ giết chết mọi người. Chúng ta cầu nguyện cho người dân Palestine, chúng ta cầu nguyện cho người dân Israel, cho hòa bình được đến".
 
Đức Thánh Cha phát biểu: ‘Người dân Palestine và Israel có quyền chung sống trong hòa bình’
Thanh Quảng sdb
17:21 22/11/2023
Đức Thánh Cha phát biểu: ‘Người dân Palestine và Israel có quyền chung sống trong hòa bình’

Đức Thánh Cha Phanxicô công bố một thông điệp video kêu gọi hòa bình ở Thánh địa và Ukraine; cùng cầu nguyện cho chiến tranh có thể được giải quyết thông qua đối thoại thay vì thương đau chất chồng hàng núi.

(Tin Vatican - Devin Watkins)

“Tất cả chúng ta đều cảm nhận được nỗi đau của chiến tranh.”

Đức Thánh Cha Phanxicô thừa nhận sự gia tăng của chiến tranh và những hậu quả tàn khốc của nó qua những lời lẽ trên trong một thông điệp video được phát hành hôm thứ Tư (22/11/2023).

ĐTC nói: “Kể từ Thế chiến thứ hai kết thúc cho đến nay, chiến tranh đã xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. “Ngày xưa chiến tranh đã qua, chúng ta không cảm nhận được nữa. Nhưng ngày nay tại hai nơi rất gần gũi với chúng ta, buộc lòng chúng ta phải thương cảm: Ukraine và Thánh địa.”

Đức Thánh Cha bày tỏ sự đau buồn trước những đau khổ do chiến tranh gây ra. ĐTC nói: “Những gì đang xảy ra ở Thánh địa thật quá đau buồn!”.

Quyền được sống trong hòa bình

Đức Thánh Cha Phanxicô không ngừng khẳng định rằng người dân Palestine và người dân Israel “có quyền sống chung hòa bình”.

ĐTC nhấn mạnh: “Hai dân tộc anh em này có quyền sống chung hòa bình”.

Sau đó, ngài mời gọi mọi người cầu nguyện cho hòa bình ở Thánh Địa và cho cuộc đối thoại được thành công.

ĐTC nói: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình ở Thánh Địa”. “Chúng ta hãy cầu nguyện để những khó khăn có thể tự giải quyết bằng đối thoại và đàm phán chứ không phải bằng hàng núi người chết mỗi bên”.

Tuần cửu nhật cho hòa bình

Trong Thông điệp video, Đức Thánh Cha kèm theo một thông cáo báo chí từ Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Đức Thánh Cha, mời gọi mọi người tham gia tuần cửu nhật.

Tuần cửu nhật với chủ đề “Những người kiến tạo hòa bình” tìm cách hiệp nhất các Kitô hữu trong việc cầu nguyện cho “hòa bình trên thế giới, và cho Thánh địa, Palestine và Israel”.

Những lời cầu nguyện và tài liệu có thể được tìm thấy tại trang mạng “Click To Pray”, được gọi là Phòng cầu nguyện chính thức của Đức Thánh Cha.

Với người Palestine và Israel

Trước đó, trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư, Đức Thánh Cha đã nhắc lại lời kêu gọi hòa bình cho khu vực thánh địa.

ĐTC cũng gặp riêng một số người Israel có người thân đang bị bắt làm con tin ở giải Gaza và một phái đoàn người Palestine có thân nhân chết ở giải Gaza.

Trong cuộc gặp gỡ đó, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ đầu tiên với 12 thành viên của phái đoàn Israel tại dinh thự của ngài ở nhà trọ thánh Marta lúc 7:30 sáng.

Sau đó, ĐTC gặp phái đoàn Palestine vào khoảng 8 giờ sáng tại một căn phòng ở Sảnh đường Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI.

Phái đoàn Palestine gồm 10 người có người thân chết ở Gaza, gồm những gia đình Công Giáo lẫn Hồi giáo. Họ đi cùng với linh mục Gabriel Romanelli, linh mục quản xứ Nhà thờ Công Giáo Thánh Gia ở Gaza, và là một linh mục Chính thống Hy Lạp khác.

Đức Thánh Cha nói trong bài phát biểu của mình tại buổi tiếp kiến: “Dân chúng đã đau khổ quá nhiều. Tôi nghe nói cả hai bên đều đau khổ đến thế nào”, và ĐTC nhấn mạnh rằng “chiến tranh đã gây nên những thảm họa đó”.

Đức Thánh Cha kết luận: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho người dân Palestine; chúng ta hãy cầu nguyện cho người dân Israel để hòa bình được hiển trị giữa họ”.
 
Chung quanh cuộc thắng cử tổng thống Á Căn Đình của Javier Milei, người từng coi Đức Phanxicô như anh đần, tên cộng sản
Vũ Văn An
17:22 22/11/2023

Như mọi người đã biết trong vòng phiếu thứ hai, liên danh của Javier Milei đã thắng, theo A.P., ít nhất với tỷ lệ 56% tổng số phiếu bầu, bỏ xa liên danh đối thủ đang cầm quyền của Sergio Massa (44%). Tỷ lệ này cao hơn mọi tiên đoán của các cuộc thăm dò bầu cử và cao nhấtkể từ khi Á Căn Đình trở lại với chế độ dân chủ năm 1983.



A.P. trích dẫn phát biểu của Lucas Romero, đứng đầu Synopsis, một công ty tư vấn chính trị: “Đây là một chiến thắng ít do Milei và những điểm đặc biệt và đặc thù của ông ta cho bằng do đòi hỏi thay đổi. Điều được phát biểu tại phòng phiếu là sự chán nản, mệt mỏi, lá phiếu phản đối của đa số dân Á Căn Đình”.

Nhu cầu thay đổi mạnh đến nỗi Andrei Roman, CEO của Atlas Intel, công ty thăm dò dư luận trụ sở ở Ba Tây, cho rằng: “Có nhiều cử tri vốn không được thuyết phục bỏ phiếu cho Milei, họ muốn bỏ phiếu không hoặc bỏ phiếu trắng. Nhưng đến ngày bỏ phiếu, họ đã bỏ phiếu cho Milei vì họ chán quá rồi. Nhiều người nói tới nỗi sợ Milei thắng. Nhưng theo tôi, chính là nỗi sợ Massa thắng và nền kinh tế tiếp tục đường lối hiện nay, lạm phát và đủ mọi chuyện”.

Điều trên được phản ảnh nơi nhiều cử tri. Esteban Medina, một nhà điều trị thể lý 26 tuổi nói với A.P., “tiền ngày càng mua được ít điều hơn. Tôi là một cá nhân có bằng cấp, nhưng lương của tôi không đủ cho thứ gì cả”.

María Gabriela Gaviola, một nữ doanh nhân 63 tuổi cố gắng hết sức để giữ cho công ty của bà khỏi bị đóng cửa, kể cả làm hai công việc, nhưng chính phủ chẳng giúp gì bà. Bà cho biết: “Khu vực sản xuất của xứ sở này không được xem xét. Một đất nước mà không sản xuất thì yên ổn được bao lâu? Sự thật là tôi không hề biết Milei. Tôi nghe về ông ta rất ít. Tôi không biết ông ta, nhưng người mà tôi vốn biết chẳng giúp gì tôi. Tôi thích thử một điều mới mẻ”.

Á Căn Đình trực tiếp bác bỏ người con làm Giáo Hoàng của mình?

John Allen, trong bài “Precedents for Argentina’s rebuke to the Pope are hard to find” trên tạp chí Crux ngày 21 tháng 11, dường như muốn khẳng định như thế, vì cho rằng họ đã “chọn một tổng thống hết sức đứng ở phía đối lập với Đức Phanxicô gần như trong mọi vấn đề”.

Không những Javier Milei, “nhà tư bản vô chính phủ” tự nhận mình có một nghị trình chính trị và xã hội khác với người con bản xứ nổi tiếng nhất đất nước mình. Milei nhiều lần còn tấn công Đức Giáo Hoàng bằng lời nói, gọi ngài là “thằng đần”, “tên cộng sản” và “thằng khốn nạn”.

Trong khi ấy, người cùng liên danh với Milei, Victoria Villarruel, là một tín đồ của Thánh lễ Latinh truyền thống, người được cho là có liên kết với Hiệp hội Linh mục Thánh Piô X, cơ quan do cố Tổng Giám mục người Pháp Marcel Lefebvre thành lập đã đoạn tuyệt với Rome vì phản đối những cải cách của Công đồng Vatican II (1962-65) - những cải cách tất nhiên là kim chỉ nam của triều giáo hoàng Phanxicô.

Những người quan tâm đến triều giáo hoàng hiện nay không thể không lưu ý tới những gì diễn ra trong biến cố này.

Milei và Villarruel không chỉ thắng nhỏ. Họ đã giành được 56% phiếu bầu, một trong những chiến thắng cách biệt lớn nhất trong lịch sử chính trị gần đây của Á Căn Đình, bất chấp thực tế là nhiều người Công Giáo Á Căn Đình, đặc biệt là nhóm “linh mục khu ổ chuột” được Đức Phanxicô sủng ái, đã tích cực vận động chống lại họ.

Hãy xem xét điều trớ trêu: Đức Phanxicô là một người hết sức dân túy, người đã nhiều lần nhấn mạnh rằng các nhà lãnh đạo nên nghe theo ý kiến của người dân. Tuy nhiên, trong trường hợp này, có vẻ như dân của ngài không làm theo ý ngài.

Chúng ta có bao giờ chứng kiến một tình huống nào trước đây mà quê hương của một vị giáo hoàng lại đưa ra một chỉ trích nặng nề như vậy trong một cuộc bầu cử dân chủ chưa?

John Allen nêu ra một vài thí dụ rải rác từng xuất hiện ở Ý dịp thống nhất nước này chống lại Đức Piô IX thập niên 1870, hay cuộc trưng cầu dân Ý cũng ở Ý năm 1981 ủng hộ phá thai, và việc quốc hội Ba Lan năm 1991 không thông qua đạo luật chống phá thai trước chuyến viếng thăm của Đức Gioan Phaolô II. Tất cả đều đi ngược lại vị Giáo Hoàng đương nhiệm, tuy có khác với biến cố Á Căn Đình hiện thời vì không diễn ra tại ngay quê hương của Đức Giáo Hoàng.

Cả cuộc bầu cử năm 2016 ở Hoa Kỳ cũng thế khi các cử tri chọn Donald Trump mặc dù Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có lúc đưa ra gợi ý nổi tiếng rằng quan điểm của ông về vấn đề nhập cư “không phải là Kitô giáo”. Chỉ có điều, rõ ràng điều đó đã không xảy ra ở đất nước của giáo hoàng.

Thành thử: Mặc dù các giáo hoàng không phải lúc nào cũng thu hút được những đánh giá chính trị tích cực ở trong nước, và chắc chắn đã có những lúc cử tri không đi theo hướng mà vị giáo hoàng đương nhiệm có thể được tri nhận là ủng hộ, nhưng thực sự không có điều gì có thể so sánh được, ít nhất một cách trực tiếp, với kết quả ở Á Căn Đình.

John Allen tự hỏi: Tất cả những điều này có ý nghĩa gì đối với mối quan hệ giữa Giáo Hội và nhà nước ở Á Căn Đình vẫn còn phải xem xét, nhưng dù thế nào đi nữa, chúng ta dường như đang ở trong một lãnh thổ chưa được khám phá bao nhiêu- và đối với Giáo Hội Công Giáo, chỉ riêng điều đó thôi đã nói lên một điều gì đó rồi.

Đức Phanxicô điện thoại chúc mừng Milei

E ngại của John Allen trên đây không hoàn toàn chính xác. Vì theo bản tin ngày 21 tháng 11 của ACI Prensa, một hãng tin bằng tiếng Tây Ban Nha, chính Đức Phanxicô đã gọi điện thoại chúc mừng Milei khi ông này đang trả lời một cuộc phỏng vấn.

Thực vậy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp xúc với tổng thống đắc cử của Á Căn Đình, Javier Milei, để chúc mừng ông về chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai vào hôm Chúa nhật. Nhà kinh tế học theo chủ nghĩa tự do, người từng tranh cử cho đảng La Libertad Avanza (Tự do thăng tiến), sẽ nhậm chức vào ngày 10 tháng 12.

Những người thân cận với chính trị gia này nói với trang tin trực tuyến Infobae rằng Đức Giáo Hoàng đã gọi điện cho tổng thống tương lai của Á Căn Đình vào hôm thứ Ba và đã có một cuộc trò chuyện “vui vẻ và rất tốt đẹp”.

Theo hãng tin này, người làm cho cuộc tiếp xúc trở thành khả hữu là bác sĩ nhãn khoa của Đức Giáo Hoàng, Fabio Bartucci. Cuộc điện đàm đã được Văn phòng Báo chí Tòa Thánh xác nhận với ACI Prensa, đối tác tin tức tiếng Tây Ban Nha của CNA.

Khi cuộc gọi được thực hiện, Diana Mondino, một thành viên của đảng La Libertad Avanza của Milei vừa được bầu vào Cơ quan lập pháp quốc gia, đã đích thân đi tìm Milei, người đang ghi hình lại một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, và tổng thống đắc cử đã gián đoạn cuộc phỏng vấn để nói chuyện với Đức Thánh Cha.

Milei cũng đã gửi lời mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm Á Căn Đình vào năm tới “với tư cách là nguyên thủ quốc gia và nhà lãnh đạo Giáo hội,” Infobae nói thêm.

Cổng thông tin Todo Noticias tuyên bố rằng, theo các thành viên trong nhóm của Milei, Đức Giáo Hoàng được tường thuật là “đã phản hồi tích cực” đối với lời mời.

Trong cuộc trò chuyện, người theo chủ nghĩa tự do đã xưng hô với giáo hoàng là “Đức Thánh Cha” và một nhà lãnh đạo thân cận với Milei nói rằng “họ đã nói chuyện với nhau rất tốt. Thật là xúc động."

Các nhân chứng của cuộc trao đổi giữa hai người nói với Infobae rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh với tân tổng thống rằng “sức khỏe, giáo dục và nghèo đói là những vấn đề rất quan trọng”.

Đáp lại, Milei cho biết ông tin chắc rằng những thay đổi mà ông dự định thực hiện “sẽ tốt cho người dân”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi vị tổng thống tương lai phải có “sự khôn ngoan và lòng can đảm để cai trị”, Milei đã trả lời: “Tôi có lòng can đảm, tôi đang làm việc dựa trên sự khôn ngoan”.

Cuộc điện đàm từ Rome diễn ra sau một số lời chỉ trích gay gắt đối với vị giáo hoàng của Milei. Trong các tuyên bố công khai, tổng thống sắp tới đã tuyên bố rằng giáo hoàng là “đại diện của kẻ ác trên Trái đất” và đã đưa ra những lời lăng mạ khác, khiến ông phải xin lỗi.

Trong các cuộc tranh luận tranh cử chức tổng thống, Milei, ngoài việc đưa ra lời xin lỗi, còn bảo đảm rằng nếu Đức Giáo Hoàng muốn đến thăm Á Căn Đình, ngài sẽ được tôn trọng “không những trong tư cách nguyên thủ quốc gia mà còn trong tư cách nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo”.

Trong những tuần gần đây, khả năng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm quê hương của ngài bắt đầu có đà, và các giám mục của quốc gia tề tựu tại phiên họp toàn thể lần thứ 123 của họ thậm chí còn chính thức hóa lời mời bằng một lá thư gửi cho Đức Giáo Hoàng.

Một bài báo ngày 14 tháng 11 trên Infobae cho rằng Đức Giáo Hoàng đã nói với những người thân cận với ngài rằng quyết định đi du lịch không tùy thuộc kết quả của cuộc bầu cử.
 
Tiến sĩ George Weigel: Một Cải Cách Kiểu Đồng Nghị cho Cơ Mật Viện Bầu Giáo Hoàng à? Không được đâu!
J.B. Đặng Minh An dịch
22:46 22/11/2023


Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “A ‘SYNODAL REFORM’ OF THE PAPAL CONCLAVE?”, nghĩa là “Một “Cải Cách Kiểu Đồng Nghị” cho Cơ Mật Viện Bầu Giáo Hoàng à?” Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Khi người Mỹ kỷ niệm Ngày Lễ Tạ ơn vào ngày 23 tháng 11, những đồng bào Công Giáo của tôi có thể dành chút thời gian để cảm ơn về một tông hiến 120 năm tuổi mà hầu như không ai nhớ đến—nhưng tông hiến đó đang khẳng định lại sự liên quan của nó trong thời điểm Công Giáo đầy rắc rối này.

Trong nhiều thế kỷ, các Giáo Hoàng đã thực thi chủ quyền đối với một vùng rộng lớn ở miền trung nước Ý được gọi là Lãnh thổ Giáo Hoàng. Trong số nhiều cách mà sự sắp xếp này cản trở sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội Công Giáo, cần phải đề cập đến việc Đức Giáo Hoàng là người có quyền lực trần thế trên những vùng đất cần phải được bảo vệ chắc chắn, và điều đó đã khiến Giáo hội vướng vào nền chính trị quyền lực của Âu Châu. Sự vướng mắc không đáng có này đã dẫn đến ius exclusivae hay quyền phủ quyết, theo đó các quốc vương Công Giáo ở Tây Ban Nha, Pháp và Áo được phép tuyên bố quyền phủ quyết một ứng cử viên cho chức Giáo Hoàng mà người này, người kia hoặc người nọ không thích.

Ius exclusivae chưa bao giờ được Giáo hội chính thức thừa nhận, nhưng chính trị Âu Châu là như vậy, trong một số trường hợp ở thời hiện đại, mật nghị bầu chọn Giáo Hoàng cảm thấy rằng cần phải chú ý đến bóng đen của chế độ quân chủ. Vì vậy, trong mật nghị năm 1823, được kêu gọi bầu người kế vị Đức Giáo Hoàng Piô Đệ Thất, Hoàng đế Francis Đệ Nhất của Áo đã loại bỏ tư cách ứng viên của Đức Hồng Y Antonio Severoli, dẫn đến việc bầu Đức Hồng Y Annibale della Genga làm Đức Giáo Hoàng Lêô thứ Mười Hai. Bảy năm sau, trong mật nghị kéo dài một tháng rưỡi trong năm 1830 và 1831, Vua Ferdinand Đệ Thất của Tây Ban Nha đã phủ quyết tư cách ứng viên của Đức Hồng Y Giacomo Giustiniani, một cựu sứ thần ở Tây Ban Nha, là người đã có ác cảm với hoàng hậu của Vua Ferdinand, dẫn đến việc bầu chọn Đức Hồng Y Mauro Cappellari, dòng Camaldol và là bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, làm Giáo Hoàng Grêgôriô thứ 16.

Sau đó, vào năm 1903, Đức Hồng Y Jan Puzyna của Cracow tuyên bố Hoàng đế Áo-Hung Franz Joseph có quyền phủ quyết đối với ứng viên hàng đầu, là Đức Hồng Y Mariano Rampolla, người có đường lối mềm dẻo với nền Cộng hòa thứ ba của Pháp mà hoàng đế Habsburg không đánh giá cao, và Pháp đang ở phía bên kia chiến tuyến của hệ thống liên minh Âu Châu vào thời điểm đó. Các Hồng Y đại cử tri không hài lòng, nhưng việc thực hiện ius exclusivae đã khiến Đức Hồng Y Rampolla không thể trở thành Giáo Hoàng và các đại cử tri cuối cùng chuyển sang ủng hộ Đức Hồng Y Giuseppe Sarto của Venice. Vào Tháng Giêng năm 1904, Đức Tân Giáo Hoàng Piô thứ Mười đã bãi bỏ ius exclusivae trong tông hiến Commissum Nobis, trong đó ngài ra vạ tuyệt thông tiền kết đối với bất kỳ ai dám can thiệp vào mật nghị trong tương lai và cảnh báo rằng làm như vậy sẽ gây ra “sự phẫn nộ của Thiên Chúa toàn năng và các Tông đồ của Ngài, Thánh Phêrô và Phaolô.”

Nhiều người ngày nay coi Commissum Nobis là đã lỗi thời. Nhưng không phải thế đâu. Gần đây có đề xuất – và không chỉ ở những khu vực nhạy cảm của giới bình luận Công Giáo – rằng triều Giáo Hoàng hiện nay đang xem xét một “cải cách” thủ tục mật nghị. Người ta suy đoán rằng một cuộc “cải cách” như vậy sẽ loại bỏ các Hồng Y trên 80 tuổi không có quyền bầu cử khỏi bất kỳ vai trò nào trong giai đoạn trống ngôi Giáo Hoàng, cấm các ngài tham gia các Tổng Công Nghị mà các ngài hiện có tiếng nói. Thay vào chỗ của các ngài sẽ là sự kết hợp giữa nam nữ giáo dân, giáo sĩ và tu sĩ. Các nhóm nhỏ, bao gồm cả các Hồng Y cử tri và những người khác, sau đó sẽ gặp nhau, sử dụng phương pháp “Đối thoại trong Thánh Thần” được hỗ trợ bởi Thượng hội đồng 2023 để “phân định” những gì Giáo hội cần ở một vị Giáo Hoàng mới.

Một số vấn đề nghiêm trọng hiện lên trong đầu tôi ngay lập tức. Mặc dù ngày nay có thể không có các quốc vương Công Giáo quan tâm đến việc gây ảnh hưởng đến mật nghị bằng quyền phủ quyết, nhưng các cường quốc trên thế giới khác chắc chắn sẽ cố gắng thực hiện các hình thức “phủ quyết” khác.

Việc mở ra các cuộc thảo luận trước bầu cử ngoài Hồng Y đoàn chắc chắn sẽ mang lại áp lực từ các phương tiện truyền thông thế giới và mạng xã hội, và những áp lực đó chắc chắn sẽ được thúc đẩy bởi các chương trình nghị sự. Các chính phủ thù địch với Giáo hội chắc chắn sẽ muốn đưa mái chèo của họ vào vùng nước mật nghị; Trung Quốc, Nga, Cuba và Venezuela là những cái tên được nhắc tới nhiều nhất và có thể còn có những nước khác. Sau đó, có những nhà bác ái tỷ phú hiểu rằng Giáo Hội Công Giáo là tổ chức toàn cầu lớn cuối cùng cản trở chương trình nghị sự cầu vồng về chuyển đổi xã hội thế giới mà họ đã thúc đẩy trong nhiều thập kỷ; những người đàn ông và phụ nữ này đã thấy phù hợp để đổ hàng triệu đô la vào các cuộc trưng cầu dân ý về phá thai ở các nước Công Giáo trong lịch sử, và không có lý do gì để nghĩ rằng họ sẽ nhượng bộ khi cố gắng sử dụng khối tài sản khổng lồ của mình để gây ảnh hưởng đến các cuộc thảo luận trước cuộc bỏ phiếu trong thời gian trống ngôi Giáo Hoàng, mà về mặt lý thuyết việc hình thành các cuộc thảo luận đó sẽ có ảnh hưởng quyết định đến cuộc bỏ phiếu khi các đại cử tri Hồng Y bị khóa trong mật nghị viện.

Những áp lực này vẫn sẽ hiện diện nếu các quy định hiện hành của mật nghị không bị thay đổi. Nhưng mà, việc mở các cuộc thảo luận trước khi bỏ phiếu cho những người không phải là Hồng Y trong khi bịt miệng tiếng nói của một số trưởng lão khôn ngoan nhất của Giáo hội khiến nhiều khả năng những áp lực đó sẽ có tác dụng thực sự.

Và điều đó thực sự không nên xảy ra.


Source:First Things
 
Văn Hóa
Việt Tộc và Kinh Tạ Ơn 2023
Nguyễn Trung Tây
23:08 22/11/2023
Nguyễn Trung Tây
Việt Tộc và Kinh Tạ Ơn 2023

https://www.youtube.com/watch?v=LyU4hdbV080

Tháng 11 năm 2005 – Tôi ăn lễ Tạ Ơn tại phố Louis. Đầu năm 2006 tôi bỏ đi, lần này bay đi xa, xa ngàn dặm xuống Melbourne miệt dưới.

Vậy là không còn dịp ăn thịt gà tây cho một ngày Lễ Tạ Ơn nữa. Ngoại trừ năm 2010 (?), tại vùng đất sa mạc nắng nung đốt cháy (đủ sức hoán đổi mầu đen tóc phương Đông), một gia đình Mỹ cùng hoàn cảnh xa xứ lái xe “thổ mộ” bám đỏ đất bụi ghé vào, mời tác giả tới nhà ăn mừng Thanksgiving với thổ sản thịt Kangaroo chiên vàng… Nhưng, tối hôm đó, bữa ăn Tạ Ơn vẫn không được trọn vẹn; nó vẫn nhàn nhạt đầu lưỡi sao sao đó, cứ như cơm nguội thiếu nước mắm. Úc Châu mạn dưới mà, không phải Bắc Mỹ, tháng 11 mùa hè, nắng trời đổ từng gầu than lửa, đốt cháy cư dân sa mạc. Thanksgiving mà không có thịt gà tây chiên vàng, không có bầu không khí giá rét lạnh run lẩy bẩy, không có lò sưởi cháy đỏ, nổ văng than hồng thì hỏng bét, rách việc, “đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi”…

Tháng 11 năm 2023 – Dòng thời gian đẩy tới, 2023, tính cho tới ngày hôm nay, chỉ còn mấy bữa nữa thôi, Lễ Tạ Ơn lại ghé về thăm hỏi cư dân Hoa Kỳ. Ngồi trong văn phòng vùng đất xích đạo Papua New Guinea, nhìn ra khung cửa, tác giả nhận ra nắng đỏ lửa chói chang, tác giả biết năm nay lại một lần nữa sẽ không ăn Lễ Tạ Ơn. Một niên học đã trôi qua, giờ này Chủng Viện cửa đóng then cài, không biết mần chi, tác giả lôi một mớ kỷ niệm bao nhiêu năm xa xứ ôn cố tri tân.

Tháng 11 năm 2006 – Khi đó trên vùng đất lạ, một mình một góc trời Mỹ, lạ lẫm với bầu không khí hè cuối năm Úc Châu, người xa xứ không ăn Lễ Tạ Ơn, nhưng lại no lời đồng nghiệp mắng cho mấy mắng. Khổ! Chuyện là như thế này, chiều hôm trước ngày Lễ Tạ Ơn 2006, vừa mới họp ban với đồng nghiệp Úc Châu xong, Mỹ con ngứa miệng nói (chia sẻ?), “Biết chi không… Ngày mai, người Mỹ tụi tớ mừng Lễ Tạ Ơn/You know… Tomorrow, we, Americans, celebrate the Thanksgiving…”

Nói chưa hết ý, môi chưa kịp mở ra tròn đều cho chữ “ving”, đồng nghiệp Úc Châu, chân mày nhăn nhăn, mở miệng cự nự, “You…You’re really confused… Thanksgiving is for Americans!”

Ôi chu choa! Dễ thương quá! Mỹ con thế là tắt đài tựa “laptop” hết pin!!! Tối hôm đó, về tới nhà, không biết bởi no lời mắng mỏ hay bởi đời sống tha hương một mình một bóng trong khi Lễ Tạ Ơn đang về, xa xứ tự nhiên nhớ Mỹ da diết; nhớ bầu không khí mùa Lễ Hội lành lạnh cuối tháng Mười Một; nhớ gà tây chiên vàng nhồi thịt heo bằm công thức Việt Nam; nhớ chú gà tây được tha mạng tại tòa nhà Bạch Ốc; và đương nhiên nhớ nhất ý nghiã tuyệt vời của ngày Lễ Tạ Ơn.

“Tháng 11” năm 1621 – Khởi đi từ những ngày đầu tiên khi di dân phương xa đặt chân tới bờ biển phiá đông, bản xứ Da Đỏ hào hoa mở cửa chào đón di dân. Bản xứ còn chỉ dẫn khách lạ cách thức trồng trọt trên vùng đất mới. Tạ ơn Ông Trời Bắc Mỹ, năm đó trúng mùa! Thế là bản xứ và di dân ngồi xuống bên nhau ăn ba ngày, bữa tiệc Tạ Ơn (có thể gọi là) đầu tiên vào năm 1621. Tiệc hôm đó, di dân dâng cao lời Kinh Tạ Ơn Ông Trời đã mang những chuyến tàu phương xa tới đất mới, tạ ơn Ông Trời cho tấm lòng hiếu khách của di dân, và tạ ơn Ông Trời cho trúng mùa. Dòng thời gian lịch sử trôi qua, người Mỹ quyết định tổ chức Lễ Tạ Ơn vào ngày thứ Năm cuối cùng của tháng Mười Một hằng năm. Cứ thế, tới ngày Lễ Tạ Ơn, từ bản xứ Da Đỏ cho tới con cháu của cả hai, di dân rễ mọc sâu và di dân mới tinh khôi, đều ngồi xuống bàn ăn tối cho bữa ăn Thanksgiving với lời Kinh Tạ Ơn, “We give thanks to God for all the blessings of the past year/Xin dâng lời tạ ơn cho những hồng ân của một năm qua.”

Bởi tinh thần đặc biệt của ngày Lễ Tạ Ơn, dù là di dân nhập lậu hay hợp pháp, dù là đến từ Á Châu huyền bí xa xôi, hay Phi Châu thủy tổ nhân loại, hay Âu Châu văn hóa tây phương, hay Nam Mỹ hàng xóm sát bên, nếu đã có mặt ở Mỹ vào ngày Lễ Tạ Ơn, mọi người đều có quyền ăn mừng Thanksgiving, và nhập gia tùy tục, đều có bổn phận phải dâng lời Kinh Tạ Ơn trước khi thò ngón tay bốc, hay cầm đũa mộc gắp, hay nắm xiên sắt nhặt miếng thịt gà tây chiên vàng đưa vào miệng. Và nếu hiểu theo tinh thần tạ ơn như thế, Việt Tộc trên vùng đất mới dư thừa lý do để ngồi xuống quây quần bên nhau cho bữa ăn Thanksgiving hằng năm.

“Tháng 11” năm 1975 – Tương tự như di dân của những năm 1621, Việt Tộc, từ phương trời xa xôi của những ngày 1975, ngơ ngác đặt chân lên vùng đất mới. Cũng những bỡ ngỡ với văn hóa lạ và thời tiết mới; cũng được bản xứ hiếu khách giúp đỡ, cũng những nhanh chóng hòa mình vào vòng quay nhanh nhanh của xã hội mới.

Tháng ngày trôi qua, Việt Tộc mọc rễ; một nắng hai sương, hạt nẩy mầm, sau cùng vươn vai lớn mạnh. Từ những bàn tay trắng, hốt hoảng bỏ đi ngày nào, hôm nay là thương xá Việt Nam mọc lên tại Little Saigon Quận Cam, Thung Lũng San Jose, và Houston, Texas. Con cái di dân Việt nói song ngữ, tiếng Việt tiếng Anh, thành công vẻ vang tại học đường và công sở. Di dân Việt Nam trên vùng đất mới có (dư) nhà cửa, có việc làm, có tài chánh, có sức khỏe, và hơn hết có niềm tin, niềm tin vào mình và niềm tin vào tương lai. Với một vài điểm son vừa nhắc đến ở trên, di dân Việt Tộc trên khắp 50 tiểu bang, ngày Tạ Ơn tới, đều ngồi xuống, gia đình quây quần xum họp dâng lên Ông Trời lời Kinh Tạ Ơn, “…Tạ ơn cho bầu không khí đầm ấm trong căn nhà mới tinh, kiếng cửa sổ còn bóng lộn. Tạ ơn cho chiếc xe mới nằm trong nhà xe còn đang thơm mùi sơn mới. Tạ ơn cho tiếng cười tiếng nói trong những căn phòng khách thơm tho mùi thảm mới... Tạ ơn cho gạo trắng cơm ngon. Tạ ơn cho những bữa cơm thơm nồng được nấu bởi bàn tay của ông của bà, của bố của mẹ, của chị của anh, và của cả những người em, em trai và em gái” (Và Lễ Tạ Ơn Tới, NTT).

Và đương nhiên, để có những thành công trên vùng đất mới, di dân Việt Tộc không thể quên lời Kinh Tạ Ơn, “…Tạ ơn cho những con thuyền, những chuyến bay đã mang gia đình tới đất mới, trời mới” (Và Lễ Tạ Ơn Tới).

Bởi vững vàng niềm tin vào tương lai, Việt di dân cũng dâng lời Kinh Tạ Ơn, “…Tạ ơn cho những thân hình lực lưỡng của những đứa con, con trai, mới ngày nào còn nhỏ xíu, nay vươn vai đứng dậy hóa ra thanh niên với những sợi râu mọc lưa thưa trên mép. Tạ ơn cho những đứa con, con gái, ngày nào tóc còn ngắn ngang vai, giờ này tóc dài đen nhánh êm đềm bước đi những gót hài sen đầu tiên của tuổi thanh xuân, tuổi của đẹp, đẹp rực rỡ, đẹp huy hoàng...” (Và Lễ Tạ Ơn Tới).

Vững vàng niềm tin vào chính mình, vào văn hóa riêng biệt, Việt Tộc dâng lời Kinh Tạ Ơn, “…Tạ ơn cho nước mắm, mắm tôm, mắm ruốc bay thơm lừng nguyên cả một khu phố có người Hoa Kỳ gốc Văn Lang quây quần xum họp. Tạ ơn cho Bún Bò Huế, Bún Vịt Sáo Măng, Bún Mọc, Cháo Gà, Cháo Vịt, Cháo Lòng Heo và Phở. Tạ ơn cho Bánh Cuốn, Bánh Bèo, Bánh Đúc, Bánh Phồng Tôm...” (Và Lễ Tạ Ơn Tới).

Đặc biệt nhất, Thanksgiving, Lễ Tạ Ơn, cũng là ngày Việt Tộc dâng lời Kinh Tạ Ơn tới Ông Trời của một nền văn hóa riêng biệt, văn hóa Việt Nam, “Tạ ơn Ông Trời cho một năm vừa trôi qua, trôi qua trong hạnh phúc, trôi qua trong thanh bình, trôi qua trong an lạc, trôi qua trong hồng ân” (Và Lễ Tạ Ơn Tới).

Những lời Kinh Tạ Ơn cứ thế tựa như hương trầm toả ngát bay cao vươn tới trời xanh.□
Thanksgiving 23/11/2023
 
Church Documents
Thủy - News 22 Nov 2023
News
04:25 22/11/2023
1. Tại sao Giáo hội chống lại Hội Tam điểm?

Sự lên án đầu tiên từ một vị Giáo hoàng đối với Hội Tam điểm là của Đức Giáo Hoàng Clementê 12 vào năm 1738, và đã được nhiều vị giáo hoàng khác nhắc lại trong ba thế kỷ qua. Lời tuyên bố được đưa ra trong Tự Sắc của Đức Giáo Hoàng Clementê có tựa đề In Eminenti.

Trong Tự Sắc này, Đức Clementê đã bình luận về sự bí mật của các nhóm Tam Điểm và “hàng loạt hình phạt đau buồn” phải nhận khi vi phạm lời thề giữ bí mật. Tự Sắc không đi sâu vào nhiều phản đối cụ thể đối với các hoạt động của Hội Tam điểm nhưng kết luận, dựa trên “kiến thức nhất định và sự cân nhắc chín chắn”, rằng “tất cả những người đàn ông khôn ngoan và ngay thẳng đều đưa ra phán xét giống nhau về họ là những kẻ đồi trụy và hư hỏng”.

Gần 150 năm sau, Đức Giáo Hoàng Lêô 13 đã mở rộng đáng kể giáo huấn của Giáo hội trong thông điệp Humanum Genus năm 1884 của ngài. Thông điệp trình bày chi tiết lý do tại sao Hội Tam điểm không thể hòa giải với Công Giáo và cáo buộc các Hội Tam điểm “lên kế hoạch phá hủy Giáo hội thánh thiện một cách công khai và bí mật” cũng như cổ vũ các học thuyết trái ngược với giáo huấn của Giáo hội.

Theo Đức Giáo Hoàng Lêô, Hội Tam điểm tuân theo chủ nghĩa tự nhiên, mà ngài nói đó là ý tưởng rằng “bản chất con người và lý trí của con người trong mọi việc phải là người tình và người hướng dẫn ta”. Ngài nói thêm rằng “họ phủ nhận rằng bất cứ điều gì đã được Chúa dạy; họ không chấp nhận giáo điều tôn giáo hay chân lý nào mà trí tuệ con người không thể hiểu được, cũng như không chấp nhận bất kỳ vị thầy nào lẽ ra phải được tin tưởng vì thẩm quyền của người ấy.”

Thông điệp đào sâu hơn về chủ nghĩa tự nhiên của Hội Tam điểm, trong đó lưu ý rằng theo Hội Tam điểm, mọi người thuộc mọi tôn giáo đều có thể trở thành Hội viên Tam điểm và tôn giáo “được coi là một vấn đề không quan trọng và tất cả các tôn giáo đều giống nhau”, điều này hủy hoại “mọi hình thức tôn giáo, và đặc biệt là Công Giáo”, vì đó là điều duy nhất đúng nên không thể được coi là ngang bằng với các tôn giáo khác.”

Đức Giáo Hoàng Lêô Leo nói rằng các Hội viên Tam điểm mong muốn thế tục hóa hôn nhân chỉ đơn giản là những hợp đồng dân sự, mong muốn trẻ em được phép lựa chọn tôn giáo của riêng mình khi chúng đến tuổi thay vì nhận được sự hướng dẫn tôn giáo phù hợp. Tam điểm cũng mong muốn các chính phủ từ chối công nhận Chúa. Ông nói thêm rằng việc thế tục hóa được đề xuất này nhằm mục đích loại bỏ những sự thật cơ bản khỏi xã hội.

Ngài nói: “Nếu những điều này bị loại bỏ, như những người theo chủ nghĩa tự nhiên và những người theo chủ nghĩa Tam điểm, sẽ ngay lập tức không có kiến thức về điều gì tạo nên công lý và bất công, hoặc nền tảng đạo đức dựa trên nguyên tắc nào”. “Và, trên thực tế, việc giảng dạy về đạo đức được phe Tam điểm ưa chuộng và trong đó họ cho rằng thanh thiếu niên nên được hướng dẫn, chính là điều mà họ gọi là 'dân sự', 'độc lập' và 'tự do', tức là thứ không chứa đựng bất kỳ niềm tin tôn giáo nào.”

Những hành động và thực hành nào của Hội Tam điểm thúc đẩy chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa thờ ơ?

Hội Tam điểm không coi họ là một tôn giáo; đúng hơn, họ chấp nhận thành viên từ nhiều tôn giáo khác nhau, bao gồm Hồi giáo, Do Thái giáo và Kitô giáo. Tuy nhiên, các Hội Tam điểm có bàn thờ tại nơi ở của họ, họ tham gia vào các nghi lễ bí mật và họ cầu nguyện theo một quan niệm chung về Chúa, mà họ thường gọi là “Kiến trúc sư vĩ đại của vũ trụ”.

Bản thân thực hành này đã thúc đẩy chủ nghĩa thờ ơ về tôn giáo, nhưng Hội Tam điểm rất phi tập trung hóa và không tuân theo một nội dung văn bản cụ thể nào tuyên bố tất cả các tôn giáo đều bình đẳng. Tuy nhiên, một số nhóm Hội Tam điểm nổi bật và có ảnh hưởng lại ủng hộ rõ ràng hơn thái độ thờ ơ với tôn giáo.

Albert Pike, người chỉ huy tối cao của hội đồng tối cao về thẩm quyền phía nam của Nghi thức Hội Tam điểm Tô Cách Lan vào cuối những năm 1800, đã viết một cuốn sách có tên “Đạo đức và Giáo điều”, được trao cho các Hội viên Tam điểm. Các bài viết của ông rút ra những mối liên hệ được cho là giữa các tôn giáo khác nhau và thúc đẩy chủ nghĩa thờ ơ.

Pike nói: “Chúng tôi không đánh giá thấp tầm quan trọng của bất kỳ sự thật nào. Chúng tôi không thốt ra lời nào có thể bị coi là thiếu tôn trọng bởi bất kỳ ai thuộc bất kỳ tôn giáo nào. Chúng tôi không nói với người Hồi giáo rằng điều quan trọng đối với anh ta là tin rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, và việc Muhammad có phải là nhà tiên tri của anh ta hay không là điều hoàn toàn không cần thiết. Chúng ta không nói với người Do Thái rằng Đấng Messia mà họ mong đợi đã sinh ra ở Bêlem gần hai nghìn năm trước; và rằng anh ta là một kẻ dị giáo vì anh ta đã không tin như vậy. Và chúng ta cũng không nói với các tín hữu Kitô chân thành rằng Chúa Giêsu người Nagiarét chỉ là một người như chúng ta, hoặc lịch sử của ngài chỉ là sự hồi sinh không có thực của một truyền thuyết xa xưa hơn.”

Hội Tam điểm cũng đã sử dụng ảnh hưởng chính trị trên khắp Âu Châu và Mỹ Châu trong nhiều thế kỷ để thúc đẩy quá trình thế tục hóa xã hội và làm giảm ảnh hưởng của Giáo Hội Công Giáo.

Ví dụ, trong thông điệp Etsi Multa năm 1873, Chân phước Giáo hoàng Pius thứ 9 đã trình bày chi tiết các cuộc tấn công chính trị của Tam điểm vào Giáo hội ở Ý, Thụy Sĩ và Đức. Ngài gọi “sự lừa dối và mưu mô” của Tam điểm là việc hình thành “giáo đường của Satan” khi đề cập đến chương thứ hai và thứ ba của Sách Khải Huyền.

Thông điệp đề cập đến các cuộc tấn công chống lại nền giáo dục Công Giáo, đặc biệt là Đại học Grêgôriô ở Rôma đang bị “đàn áp và bãi bỏ”. Về Thụy Sĩ, nó thảo luận về việc thông qua luật chống Công Giáo, sự xâm nhập của nhà nước vào các vấn đề của Giáo hội, và “việc trục xuất bằng bạo lực người anh em đáng kính Gaspar, giám mục Hebron và tông tòa đại diện của Geneva”. Nó cũng trình bày chi tiết về “cuộc đàn áp đang diễn ra” chống lại người Công Giáo và việc đàn áp tự do tôn giáo ở Đế quốc Đức, đặc biệt là ở Phổ.

Đức Piô kêu gọi các giáo sĩ: “Hãy áp dụng mọi nỗ lực của anh chị em để bảo vệ các tín hữu được trao phó cho sự chăm sóc của anh chị em khỏi cạm bẫy và sự lây lan của những giáo phái này”. “Hãy mang về những người không vui khi gia nhập những giáo phái này. Đặc biệt vạch trần sai lầm của những người đã bị lừa dối hoặc những người khẳng định rằng chỉ có lợi ích xã hội, tiến bộ và thực hiện các lợi ích chung mới là mục đích của các hiệp hội đen tối này.”

Đức Piô cho biết thêm rằng những sắc lệnh này “không chỉ liên quan đến các nhóm Tam Điểm ở Âu Châu mà còn cả các nhóm ở Mỹ Châu và các khu vực khác trên thế giới”.

Ở Mễ Tây Cơ gần đây nhất là vào năm 2007, Nhóm Tam Điểm ở Thung lũng Mễ Tây Cơ đã nỗ lực chống lại việc Giáo hội giành quyền đối với các trường học và thông tin liên lạc của chính mình. Các Hội Tam điểm nổi tiếng đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng Mễ Tây Cơ và các cuộc cách mạng Mỹ Latinh khác làm giảm ảnh hưởng của Giáo hội.

2. Giáo luật nói gì về Hội Tam điểm?

Trước năm 1983, Bộ Giáo luật đã tuyên bố rõ ràng rằng nếu một người Công Giáo gia nhập Hội Tam điểm, người đó sẽ tự động bị vạ tuyệt thông mà chỉ có Tòa thánh mới có thể dỡ bỏ. Điều này không chỉ áp dụng cho Hội Tam điểm mà còn cho bất kỳ nhóm nào tham gia vào các âm mưu chống lại Giáo hội.

Điều 2335 của Bộ Giáo luật năm 1917 viết: “Những người ghi danh cho các giáo phái Tam điểm hoặc các hiệp hội khác thuộc loại này có âm mưu chống lại Giáo hội hoặc các quyền lực dân sự hợp pháp sẽ bị rút phép thông công chỉ dành cho Tòa thánh”.

Bản sửa đổi năm 1983 của Bộ Giáo luật đã tránh đề cập cụ thể đến Hội Tam điểm và loại bỏ hình phạt vạ tuyệt thông tự động nhưng vẫn duy trì lệnh cấm tham gia bất kỳ nhóm nào có âm mưu chống lại Giáo hội.

“Ai ghi tên vào một hội âm mưu chống lại Giáo Hội, sẽ bị phạt hình phạt xứng đáng. Ai phát động hay điều khiển hội ấy, sẽ bị phạt cấm chế,” điều 1374 của Bộ Giáo luật hiện hành viết.

Mặc dù giáo luật mới không đề cập rõ ràng đến Hội Tam điểm, Bộ Giáo lý Đức tin đã ban hành một tuyên bố về Hội Tam điểm trong cùng năm đó, làm rõ rằng mặc dù có sự thay đổi trong cách diễn đạt, nhưng không có thay đổi nào đối với sự phản đối của Giáo hội đối với Hội Tam điểm. và việc gia nhập bất kỳ hiệp hội Tam điểm nào vẫn là một tội trọng khiến người ta không được rước lễ.

“Do đó, phán đoán tiêu cực của Giáo hội đối với hiệp hội Tam điểm vẫn không thay đổi vì các nguyên tắc của họ luôn được coi là không thể hòa giải với giáo lý của Giáo hội và do đó tư cách thành viên của Tam Điểm vẫn bị cấm,” tài liệu viết. “Các tín hữu ghi danh vào các hội Tam Điểm đang ở trong tình trạng tội trọng và có thể không được rước lễ.”

3. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến việc Nga phóng hỏa tiễn vào Ukraine trong những ngày này.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Trong khoảng thời gian từ ngày 18 đến ngày 19 tháng 11 năm 2023, Nga đã phóng khoảng 50 máy bay không người lái tấn công một chiều Shahed do Iran thiết kế, chủ yếu hướng tới Kyiv. Chúng được phóng thành từng đợt theo hai trục – từ Kursk về phía đông và từ Krasnodar về phía đông nam.

Một trong những mục tiêu của Nga có thể là làm suy yếu hệ thống phòng không của Ukraine, định hình không gian chiến đấu trước bất kỳ chiến dịch tấn công phối hợp nào vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine vào mùa đông.

Nga hiện đã hạn chế tung ra các hỏa tiễn hành trình phóng từ trên không hàng đầu từ phi đội máy bay ném bom hạng nặng của mình trong gần hai tháng, điều này có thể cho phép nước này tích trữ một lượng lớn vũ khí này.

Nga rất có thể sẽ sử dụng những hỏa tiễn này nếu lặp lại nỗ lực năm ngoái nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng của Ukraine.

4. Giữa thời chiến, Nga lại tập trung binh lính Thủy Quân Lục Chiến trong buổi hòa nhạc tại Bộ Tư Lệnh Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Video Shows Moment of HIMARS Strike on Concert at Russian Army HQ”, nghĩa là “Video ghi lại khoảnh khắc HIMARS tấn công trong buổi hòa nhạc tại Bộ Tư Lệnh Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Đoạn phim mới đã ghi lại khoảnh khắc kịch tính trong một cuộc tấn công HIMARS của Ukraine nhằm vào một lễ trao giải của Nga, với hàng chục binh sĩ Nga và một nghệ sĩ biểu diễn người Nga được cho là đã thiệt mạng.

Trong một đoạn clip ngắn được đăng tải bởi một blogger quân sự nổi tiếng của Nga, những người lính Nga đang xem một nữ ca sĩ biểu diễn trên sân khấu trước khi có một tiếng va chạm vang lên. Máy ảnh rung trước khi chuyển sang màu đen.

Đoạn phim sau đó đã được chia sẻ trên mạng xã hội, bao gồm cả các kênh ủng hộ Ukraine.

Các báo cáo địa phương cho biết một số binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công gần thị trấn Starobesheve và làng Kumachove, ở vùng Donetsk gần biên giới với tỉnh Rostov của Nga. Theo các báo cáo, các binh sĩ đã tập trung để tham dự một lễ trao giải nhằm vinh danh Lữ đoàn Thủy quân lục chiến số 810 của Nga nhân Ngày Lực lượng Hỏa tiễn và Pháo binh của Nga. Nga kỷ niệm Ngày Lực lượng Hỏa tiễn và Pháo binh vào ngày 19/11.

Blogger quân sự Nga cho biết, một buổi hòa nhạc, được tổ chức như một phần của lễ trao giải, đã diễn ra cách tiền tuyến khoảng 60 km. Tài khoản này cho biết thêm cuộc tấn công đã giết chết nữ diễn viên người Nga Polina Menshikh, người được nêu tên trong tuyên bố là người biểu diễn trong video. Tờ báo được nhà nước Nga hậu thuẫn, Izvestia, cũng đưa tin Menshikh đã chết trong cuộc tấn công.

Vào ngày 19 tháng 11, hãng tin nhà nước Nga Tass cho biết một phụ nữ đã thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng bệ phóng hỏa tiễn của Ukraine ở Kumachove, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov đã ra lệnh điều tra sau khi có tin Nga tấn công hỏa tiễn vào binh sĩ Ukraine ở khu vực phía nam Zaporizhzhia khi họ đang kỷ niệm Ngày Pháo binh và Lực lượng Hỏa tiễn Kyiv vào ngày 3 tháng 11.

Lữ đoàn tấn công sơn cước biệt lập số 128 của Ukraine cho biết trong một tuyên bố hôm 6/11 rằng 19 binh sĩ của họ đã thiệt mạng. Chính quyền Ukraine ở vùng Zakarpattia, hay Transcarpathian, đã tuyên bố để tang ba ngày vào đầu tháng 11.

Umerov nói: “Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình các binh sĩ đã hy sinh thuộc Lữ đoàn Transcarpathian tấn công sơn cước số 128”.

Trong bài phát biểu buổi tối ngày 5 tháng 11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy gọi cuộc tấn công được báo cáo là một “thảm kịch lẽ ra có thể tránh được”.

Hôm thứ Hai, Robert Brovdi, một binh sĩ Ukraine đứng đầu đơn vị trinh sát trên không Magyar Birds, được đặt tên theo biển hiệu của anh ta, “Magyar”, dường như ám chỉ cuộc tấn công ở Donetsk được cho là nhằm vào binh lính Nga là “sự trả thù cho Lữ Đoàn 128”.

Ukraine đã sử dụng HIMARS, hay Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao do Mỹ cung cấp, kể từ khi chúng đến nước này vào khoảng tháng 6 năm 2022. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, cho đến nay, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine 39 HIMARS và đạn dược liên quan.

5. Hoa Kỳ sẽ viện trợ cho Ukraine một vũ khí mới có thể vượt qua 'lằn ranh đỏ' của Putin

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine's New Weapon Could Cross Putin's 'Red Line'“, nghĩa là “Vũ khí mới của Ukraine có thể vượt qua 'lằn ranh đỏ' của Putin.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao, gọi tắt là HIMARS, mới do Mỹ cung cấp dự kiến được gửi tới Ukraine có thể bao gồm một bản sửa đổi vượt qua “lằn ranh đỏ” của Putin.

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hôm thứ Hai thông báo rằng Ukraine sẽ nhận được một HIMARS mới “và đạn dược bổ sung” như một phần của gói viện trợ trị giá 100 triệu Mỹ Kim bao gồm hỏa tiễn phòng không, đạn pháo và thiết bị chống thời tiết lạnh.

Một thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nêu rõ rằng viện trợ sẽ giúp cung cấp cho Ukraine “khả năng cần thiết để tự vệ ngay bây giờ và ngăn chặn sự xâm lược của Nga trong tương lai”, và gọi động thái này là “một khoản đầu tư thông minh”.

Một báo cáo từ Militarnyi suy đoán rằng chỉ một HIMARS được gửi đi có thể cho thấy rằng nó sẽ bao gồm một “sửa đổi độc đáo” cho phép nó bắn vũ khí tầm xa. Putin đã nhiều lần cảnh báo Mỹ và các đồng minh không được gửi vũ khí tầm xa cho Ukraine.

Theo Militarnyi, các vũ khí do Mỹ sản xuất có thể được bắn bằng HIMARS được sửa đổi để sử dụng tầm xa, có khả năng bao gồm Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất, gọi tắt là GLSDB và hỏa tiễn tầm xa dành cho hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân, gọi tắt là ATACMS.

Năm ngoái, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo rằng “nếu Washington quyết định cung cấp hỏa tiễn tầm xa cho Kyiv, nước này sẽ vượt qua ranh giới đỏ và trở thành bên trực tiếp tham gia cuộc xung đột”.

Mỹ đã gửi GLSDB và ATACMS cho Ukraine trong năm nay, trong khi các đồng minh cũng đã vượt qua ranh giới được Bộ Ngoại Giao Nga mô tả. Mặc dù vậy, Nga vẫn chưa thực hiện được những lời đe dọa của mình.

Vào Tháng Giêng, một ngày sau khi Mỹ tuyên bố sẽ gửi GLSDB cho Ukraine, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói rằng loại vũ khí này - có khả năng cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu ở Nga - là “cực kỳ nguy hiểm” và sẽ đưa “cuộc xung đột sang một giai đoạn hoàn toàn mới với một mức độ độ.”

Sau khi chính phủ Anh thông báo sẽ gửi hỏa tiễn tầm xa “Storm Shadow” cho Ukraine vào tháng 5, Peskov nói rằng Điện Cẩm Linh nhìn nhận sự phát triển này “rất tiêu cực” và đe dọa “sẽ có phản ứng thích đáng từ quân đội của chúng tôi”.

Mỹ đã đồng ý cung cấp ATACMS cho Ukraine vào tháng 9. Putin thừa nhận rằng các hệ thống này đặt ra “mối đe dọa bổ sung” cho Nga, đồng thời nhấn mạnh rằng lực lượng của Mạc Tư Khoa sẽ “có thể đẩy lùi” các cuộc tấn công liên quan. Ông cũng cảnh báo Mỹ đã phạm “sai lầm” và gây ra đau khổ cho Ukraine.

Putin nói: “Không có gì tốt cho Ukraine theo nghĩa này cả - nó chỉ đơn giản là kéo dài nỗi đau đớn mà thôi”. “Sai lầm có bản chất lớn hơn, vô hình hơn cho đến nay… là Hoa Kỳ ngày càng bị lôi kéo vào cuộc xung đột này”.

Mặc dù hỏa tiễn ATACMS có tầm bắn tối đa hơn 280 dặm nhưng biến thể của hệ thống mà Mỹ gửi tới Ukraine được tường trình là trang bị đạn chùm chỉ giới hạn trong phạm vi 100 dặm.
 
Thu Trinh - News 23 Nov 2023
News
20:13 22/11/2023
1. Nhận định của Tòa Bạch Ốc về hợp tác quân sự Nga-Iran

Hôm thứ Tư 22 Tháng Mười Một, phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby lưu ý một thông báo của Iran hồi đầu năm nay rằng nước này đã hoàn tất thỏa thuận mua chiến đấu cơ Su-35 từ Nga và cho biết Iran đang tìm mua thêm thiết bị quân sự từ Nga, bao gồm trực thăng tấn công, radar và các thiết bị quân sự khác cũng như máy bay huấn luyện chiến đấu.

Kirby nói: “Tổng cộng, Iran đang tìm kiếm thiết bị quân sự trị giá hàng tỷ Mỹ Kim từ Nga để tăng cường năng lực quân sự.”

“Nga cũng đang giúp Iran phát triển và duy trì khả năng thu thập vệ tinh cũng như các chương trình trên không gian khác.”

Ông nói rằng mối quan hệ đối tác quân sự đang phát triển giữa Iran và Nga có hại cho Ukraine, các nước láng giềng của Iran ở Trung Đông và “nói thẳng ra là đối với cộng đồng quốc tế”.

Kirby cho biết, theo chỉ đạo của chính phủ Nga, nhóm lính đánh thuê Wagner đang chuẩn bị cung cấp khả năng phòng không cho Hezbollah hoặc Iran. Ông cho biết Mỹ sẽ theo dõi xem liệu điều đó có xảy ra hay không và sẵn sàng sử dụng “quyền trừng phạt chống khủng bố đối với các cá nhân hoặc tổ chức Nga có thể thực hiện những hoạt động chuyển tiền nhằm gây bất ổn này”.

Hoa Kỳ cho biết sự phụ thuộc của Điện Cẩm Linh vào Iran, cũng như Bắc Hàn – là những quốc gia phần lớn bị cô lập trên trường quốc tế vì các chương trình hạt nhân và hồ sơ nhân quyền tồi tệ của họ - cho thấy sự tuyệt vọng của Mạc Tư Khoa.

Các quan chức Mỹ cho biết Iran cũng đã cung cấp cho Nga đạn pháo và xe tăng để xâm lược Ukraine.

Kirby cho biết, Mỹ và các nước khác đã thực hiện các bước để ngăn chặn việc cung cấp, bán hoặc chuyển giao tiềm năng liên quan đến Iran và các mặt hàng liên quan đến hỏa tiễn đạn đạo. Mỹ cũng đã ban hành hướng dẫn cho các công ty tư nhân về hoạt động mua sắm hỏa tiễn của Iran để bảo đảm rằng họ không vô tình hỗ trợ các nỗ lực phát triển của Iran.

2. Phản ứng của Điện Cẩm Linh trước tuyên bố của Hoa Kỳ cho rằng Iran có thể đang xem xét cung cấp cho Nga hỏa tiễn đạn đạo để sử dụng ở Ukraine.

Điện Cẩm Linh hôm thứ Tư từ chối bình luận về tuyên bố của phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc John Kirby rằng Iran có thể đang xem xét cung cấp cho Nga hỏa tiễn đạn đạo để sử dụng ở Ukraine.

Tại một cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn nhân của Điện Cẩm Linh, Dmitry Peskov, cho biết:

Chúng tôi đang phát triển quan hệ với Iran, bao gồm cả lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự, nhưng chúng tôi không bình luận về thông tin này.

Kirby cho biết Mỹ sẽ theo dõi tình hình giữa Iran và Nga và có hành động thích hợp nếu cần thiết

3. Số người chết trong vụ Nga tấn công bệnh viện Ukraine tăng lên 3 người

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Năm 23 Tháng Mười Một, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska, cho biết cơ quan dịch vụ khẩn cấp tại thị trấn Selydove phía nam Ukraine báo cáo rằng số người chết trong vụ tấn công bệnh viện của Nga đã tăng lên 3 người.

Cuộc tấn công hôm thứ Ba đã làm hư hại hai tòa nhà bệnh viện – làm ít nhất 8 người bị thương – và một mỏ than.

Cô cho biết, sau khi dọn dẹp đống đổ nát qua đêm, “một thi thể khác đã được tìm thấy từ đống đổ nát của tòa nhà bệnh viện. Tổng cộng có ba người đã thiệt mạng trong vụ tấn công hỏa tiễn.”

Mạc Tư Khoa phủ nhận việc tấn công vào dân thường. Nhưng Liên Hiệp Quốc cho biết hơn 10.000 thường dân đã thiệt mạng ở Ukraine kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga. Họ hy vọng con số thực tế sẽ cao hơn đáng kể.

4. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết ông sẽ hỗ trợ Ukraine chừng nào còn cần thiết trong cuộc chiến chống lại cuộc xâm lược của Nga.

Tại hội nghị thượng đỉnh ở Berlin với thủ tướng cánh hữu Ý, Giorgia Meloni, Scholz cho biết ông đã kêu gọi Putin, chấm dứt ngay cuộc xâm lược Ukraine trong cuộc họp trực tuyến G20 hôm thứ Tư.

Ông nói: “Tôi kêu gọi Putin chấm dứt cuộc tấn công vào Ukraine và rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine, để cuộc chiến này cuối cùng có thể kết thúc”.

Meloni nói với các phóng viên: “Bước đầu tiên là Nga phải rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine”.

Scholz cũng tuyên bố xây dựng một đường ống năng lượng mới xuyên dãy Alps. Ông nói: “Chúng tôi đồng ý rằng chúng tôi muốn mở rộng hợp tác năng lượng nhằm tăng cường nguồn cung, an ninh và chuyển đổi lâu dài”.

5. Tuyên bố của Ngoại trưởng Phần Lan về việc Nga đưa người đến biên giới

Ngoại trưởng Phần Lan yêu cầu Nga ngừng đưa người đến biên giới, tuyên bố có bằng chứng cho thấy cơ quan biên giới Nga đang vận chuyển những người xin tị nạn đến các cửa khẩu - khi căng thẳng giữa hai nước tiếp tục âm ỉ.

Ngoại trưởng Elina Valtonen nói với các phóng viên báo chí hôm thứ Tư rằng một giải pháp thay thế là đóng cửa toàn bộ biên giới dài 1.340km mà nước này chia sẻ với Nga - cũng là biên giới của NATO và Liên Hiệp Âu Châu - nếu những người xin tị nạn từ nước láng giềng của họ tiếp tục đến.

Valtonen cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện các biện pháp để đóng cửa các điểm qua biên giới và nếu cần, chúng tôi sẽ tiếp tục đóng cửa”.

Helsinki đã đóng cửa một số cửa khẩu và đang xem xét đóng cửa một số trong bốn điểm biên giới còn lại trên biên giới Nga. Mạc Tư Khoa phủ nhận việc đưa người tới biên giới.

Khoảng 600 người đã đến trong vài tuần qua, Phần Lan nói với Reuters. Theo cơ quan di trú, những người xin tị nạn đến từ nhiều quốc gia bao gồm Yemen, Afghanistan, Kenya, Maroc, Pakistan, Somalia và Syria.

Trước đó vào thứ Tư, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, cho biết Nga “tất nhiên” sẽ đáp trả nếu Phần Lan đóng cửa các đồn biên giới còn lại.

Diễn biến này xảy ra sau khi Nga vào hôm thứ Tư cho biết họ đã phản đối Phần Lan sau khi một chiếc xe tăng Nga bị hư hỏng được trưng bày gần quốc hội Phần Lan.

6. Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Tư cho biết một nhóm nhà báo Nga đã bị lực lượng Ukraine tấn công ở khu vực Zaporizhzhia.

Zaporizhzhia, ở miền nam Ukraine, là một trong 4 khu vực bị Nga tuyên bố sáp nhập kể từ tháng 9/2022.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho biết một máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công một nhóm nhà báo, làm bị thương một phóng viên của kênh truyền hình nhà nước Rossiya 24.

Konashenkov cho biết: “Sau một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine nhằm vào một nhóm nhà báo, phóng viên kênh truyền hình Rossiya 24, Boris Maksudov, đã bị thương do mảnh đạn”. Các vết thương được cho là không đe dọa đến tính mạng, ông ta nói.
 
Thảo Ly - News 23 Nov 2023
News
20:38 22/11/2023
BRK4TL-NewsEve24Nov2023

[Thảo Ly]

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.

Thảo Ly cám ơn quý vị và anh chị em theo dõi chương trình này. Lược thuật các tin chính trong ngày hôm nay của chúng tôi.

Đức Hồng Y Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Latinh tại Giêrusalem hoan nghênh lệnh ngừng bắn ở Gaza

Con tin Israel mới nhất: Chuyện gì đang xảy ra với những người bị Hamas giam giữ ngay bây giờ

Các Tuyên bố của Vatican về Đường lối Thượng Hội đồng Đức theo dòng thời gian

Sau đây là phần tin chi tiết cùng các tin khác.

Chương trình của chúng tôi đến đây là hết.

Xin quý vị và anh chị em giúp phổ biến rộng rãi chương trình này đến với gia đình, thân quyến và bạn bè xa gần như một cách thức để truyền giáo.

Xin cám ơn và hẹn gặp lại quý vị và anh chị em trong lần phát hình tới.

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

1. Đức Hồng Y Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Latinh tại Giêrusalem hoan nghênh lệnh ngừng bắn ở Gaza

Các quan chức Israel đã đồng ý ngừng bắn sau khi phê chuẩn một thỏa thuận với Hamas kêu gọi thả ít nhất 50 con tin.

Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa là Thượng Phụ Giêrusalem nghi lễ Latinh đã hoan nghênh diễn biến này và nhấn mạnh rằng “Chúng ta cần sự hỗ trợ, lên án mọi hình thức bạo lực, cô lập những kẻ bạo lực và nỗ lực không ngừng nghỉ để đạt được lệnh ngừng bắn lâu dài. Bởi vì chừng nào vũ khí còn lên tiếng thì sẽ không thể nghe thấy những giọng nói khác.”

Là một phần của thỏa thuận, Hamas sẽ trả tự do cho 50 trong số khoảng 240 con tin đang bị giam giữ ở Dải Gaza. Việc trả tự do sẽ diễn ra trong thời gian 4 ngày. Hãng tin AP đưa tin Israel đã đề nghị gia hạn lệnh ngừng bắn thêm một ngày cho mỗi 10 con tin được nhóm phiến quân thả ra.

Theo các quan chức Israel, phụ nữ và trẻ em sẽ được thả trước tiên.

Hiện chưa rõ khi nào lệnh ngừng bắn sẽ có hiệu lực.

Ban đầu Israel đã không chấp nhận lệnh ngừng bắn vì muốn nhân biến cố Hamas tấn công vào Israel hôm 7 Tháng Mười để tiêu diệt khủng bố Hamas. Tuy nhiên, điều đó không dễ vì tuy có khả năng quân sự cao hơn gấp bội quân khủng bố Hamas, nhưng khó áp dụng các khả năng này khi quân Hamas lẩn trốn trong dân thường, bệnh viện và các địa đạo.

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng “Cộng đồng quốc tế phải bắt đầu nhìn lại Trung Đông và vấn đề Israel-Palestine với sự chú ý nhiều hơn những gì nó đã thể hiện cho đến nay. Và phải nỗ lực hết sức để xoa dịu tình hình, đưa các bên đến sự hợp lý thông qua các cuộc hòa giải không nhất thiết phải công khai, bởi vì những cuộc hòa giải công khai sẽ không bao giờ có tác dụng.”

BRK4TL-NewsEve25Nov2023

[Thảo Ly]

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.

Thảo Ly cám ơn quý vị và anh chị em theo dõi chương trình này. Lược thuật các tin chính trong ngày hôm nay của chúng tôi.

Người Công Giáo kêu gọi mở án phong thánh cho ông từ nhà thờ bị thánh chiến Giáo Hội át hại tại phòng thánh ở Tây Ban Nha

Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm giám mục phó cho giáo phận Pháp nơi việc truyền chức đã bị tạm dừng

Đảng viên Tổng Giám Mục của Bắc Kinh hô hào Hương Cảng đi theo ý thức hệ Tập Cận Bình

Sau đây là phần tin chi tiết cùng các tin khác.

Chương trình của chúng tôi đến đây là hết.

Xin quý vị và anh chị em giúp phổ biến rộng rãi chương trình này đến với gia đình, thân quyến và bạn bè xa gần như một cách thức để truyền giáo.

Xin cám ơn và hẹn gặp lại quý vị và anh chị em trong lần phát hình tới.

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

1. Người Công Giáo kêu gọi mở án phong thánh cho ông từ nhà thờ bị thánh chiến Hồi Giáo sát hại tại phòng thánh ở Tây Ban Nha

Giáo phận Cádiz và Ceuta ở miền nam Tây Ban Nha đã bắt đầu nhận được yêu cầu từ người Công Giáo yêu cầu giáo phận thúc đẩy quá trình phong thánh cho Diego Valencia, người coi phòng thánh đã bị một kẻ cực đoan Hồi giáo sát hại vào Tháng Giêng năm ngoái.

Valencia bị trọng thương vào ngày 25 Tháng Giêng sau khi bị Yassinne Kanjaa, một công dân Maroc, dùng dao rựa tấn công. Chiến binh thánh chiến đã tiến vào Nhà thờ Đức Mẹ La Palma ở Algeciras và dùng dao rựa tấn công các bức tượng, nến và các đồ vật khác.

Valencia, 65 tuổi, người đã làm ông từ nhà thờ trong 16 năm, đã đối đầu với kẻ tấn công. Tên này mặc chiếc djellaba màu đen là trang phục đặc trưng của Maroc. Sau khi bị Kanjaa tấn công bằng thứ mà một nhân chứng gọi là “một con dao rựa lớn màu xanh” và những người khác mô tả là một “con dao” hay “một loại katana”, một thanh kiếm cong của Nhật Bản, ông từ bỏ chạy ra ngoài nhà thờ, nơi chiến binh thánh chiến đuổi kịp, và kết liễu cuộc sống của ông bằng lưỡi kiếm dài của mình.

Hiệp hội Enraizados en Cristo y la Sociedad đã từng phát động nỗ lực bắt đầu quá trình phong thánh cho Cha Juan José Marina, đã yêu cầu giám mục giáo phận Cádiz và Ceuta, là Đức Cha Rafael Zornoza, mở giai đoạn cấp giáo phận trong tiến trình phong thánh.

Giáo phận cho biết người giữ phòng áo quá cố “được nhiều người yêu mến trong giáo xứ và trong thành phố vì sự cống hiến và niềm nở của ông với mọi người”.

Hiệp hội Enraizados nhấn mạnh trong một tuyên bố trên trang web của mình rằng “Kẻ giết người đã kết liễu cuộc đời Valencia. Chúng ta sẽ không để thời gian chấm dứt ký ức và hành động can đảm phi thường của Valencia, chắc chắn là do Chúa Thánh Thần thúc đẩy.”

Theo điều tra tư pháp, chiều ngày 25/1, Kanjaa đã tấn công hai nhà thờ ở Algeciras với động cơ là hận thù tôn giáo. Lần đầu tiên anh ta đến Nhà thờ Chúa Cứu Thế, nơi anh ta làm bị thương Cha Antonio Rodríguez, dòng Salêdiêng. Vị linh mục sống sót sau vụ tấn công, mặc dù ngài qua đời vài tháng sau đó do một căn bệnh được chẩn đoán là xuất phát từ vụ tấn công.

Tiếp theo, hắn ta đến Giáo xứ Đức Mẹ La Palma, nơi anh ta sát hại Valencia. Cha sở của nhà thờ tình cờ không có mặt vì lúc đó ngài đang làm công việc mục vụ khác. Khi cuộc tấn công xảy ra, Đức Cha Rafael Zornoza, đang ở gần đó trong một chuyến thăm mục vụ và ngài nhanh chóng đến hiện trường sau đó.

Cả Cha Lucena và Ông Valencia đều đã được truy tặng huân chương “Pro Ecclesia Gadilance et Septense” do giáo phận trao tặng.

BRK4TL-NewsEve26Nov2023

[Thảo Ly]

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.

Thảo Ly cám ơn quý vị và anh chị em theo dõi chương trình này. Lược thuật các tin chính trong ngày hôm nay của chúng tôi.

Các giáo phận Texas là mục tiêu của kẻ lừa đảo mạo danh linh mục Công Giáo

Hơn 100 thành viên Quốc hội kêu gọi Tòa án Tối cao thu hồi việc phê duyệt thuốc phá thai

Nhà lập pháp Hương Cảng chỉ trích thỉnh nguyện thư của các giám mục Công Giáo đòi trả tự do cho Jimmy Lai

Sau đây là phần tin chi tiết cùng các tin khác.

Chương trình của chúng tôi đến đây là hết.

Xin quý vị và anh chị em giúp phổ biến rộng rãi chương trình này đến với gia đình, thân quyến và bạn bè xa gần như một cách thức để truyền giáo.

Xin cám ơn và hẹn gặp lại quý vị và anh chị em trong lần phát hình tới.

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

1. Các giáo phận Texas là mục tiêu của kẻ lừa đảo mạo danh linh mục Công Giáo

Một người đàn ông tự xưng là “Cha Martin” đã cố gắng xâm nhập vào một số giáo xứ ở Texas vào tháng trước và được cho là đã thành công trong việc đánh cắp hàng trăm đô la từ một giáo xứ ở Houston, vụ lừa đảo này đã khiến một trong các giáo phận của tiểu bang phải đưa ra cảnh báo an ninh.

Theo phát ngôn viên giáo phận Katy Kiser, vào ngày 25 tháng 10, một người tự nhận mình là linh mục viếng thăm tên là “Cha Martin” đã xuất hiện tại sáu giáo xứ khác nhau trong Giáo phận Dallas.

“Ông ấy đã gây nên sự nghi ngờ với nhân viên giáo xứ của chúng tôi vì chúng tôi tuân theo giao thức Môi trường An toàn, yêu cầu các linh mục từ bên ngoài giáo phận của chúng tôi phải nộp một lá thư phù hợp, nhưng chúng tôi cũng thường xuyên làm việc với các linh mục từ các giáo phận khác để hiểu rằng lá thư của ông ấy có vẻ không hợp pháp., vì vậy những cuộc gặp gỡ này đã được báo cáo cho Văn phòng Quản lý An ninh và Khẩn cấp của chúng tôi tại giáo phận “, Kiser nói với CNA.

Văn phòng an ninh giáo phận sau đó đã báo cáo “Cha Martin” cho cơ quan thực thi pháp luật địa phương vì cuộc gặp gỡ “có vẻ đáng ngờ đối với nhân viên giáo xứ của chúng tôi”. Tuy nhiên, Kiser cho biết Sở Cảnh sát Dallas “không có cuộc điều tra tích cực” về vấn đề này, vì giáo phận báo cáo không có tổn thất nào, và do đó cảnh sát xác định rằng “không có tội phạm nào xảy ra”.

Kiser cho biết, “Cha Martin” đã thành công trong việc truy cập vào một khu vực riêng tư của một giáo xứ ở Dallas, nhưng cô cho biết người ta xác định rằng “ông cha giả ấy không thể lấy được tiền hoặc những vật có giá trị” vì cửa bị khóa.

Để đối phó với vụ việc, Giáo phận Dallas đã đưa ra một bản tin an ninh trong đó có những bức ảnh của vị linh mục giả mạo cùng với một bức ảnh và mô tả về chiếc xe của ông ta, một chiếc Volkswagen Touareg màu xám. Giáo phận cũng nói rằng một bí danh khác được biết đến của người đàn ông này là “Cha Guillermo”.

Bản tin cho biết: “Văn phòng Quản lý An ninh và Khẩn cấp hiện đang làm việc với các đối tác thực thi pháp luật địa phương, tiểu bang và liên bang về vấn đề này”. “Trong quá trình điều tra, chúng tôi đã xác định cá nhân này đã có lệnh bắt giữ vì tội trộm cắp mà anh ta đã thực hiện ở một số tiểu bang.”

Văn phòng an ninh Dallas khuyến khích mọi người không nên cố gắng bắt giữ người đàn ông này nếu họ tiếp xúc với ông ta mà nên liên hệ với cảnh sát và Văn phòng Quản lý An ninh và Khẩn cấp của giáo phận vì ông ta có thể có vũ khí.

Hai ngày sau, vào ngày 27 tháng 10, “Cha Martin” được cho là đã lấy trộm 500 đô la từ ví của một linh mục tại nhà xứ của Nhà thờ Công Giáo St. Thomas More ở Houston, một phát ngôn viên của Sở Cảnh sát Houston nói với tờ New York Times. Houston cách Dallas khoảng 3,5 giờ lái xe về phía nam.

Phát ngôn nhân cảnh sát nói với tờ Times: “Ông ấy khai mình là một linh mục đến thăm từ Chicago và đã ở trong nhà xứ”.

Một phát ngôn viên của Sở Cảnh sát Houston đã xác nhận các chi tiết được tờ Times đưa tin với CNA và cũng nói thêm rằng người đàn ông này bị phát hiện lên xe sau khi lấy trộm tiền và lái đi.

Tổng giáo phận Galveston-Houston đã không trả lời yêu cầu cung cấp thêm thông tin.

Kẻ lừa đảo dường như đã hoạt động ở California và có thể ở Oregon, trước khi tìm đường đến Texas.

Trong một bản ghi nhớ ngày 29 tháng 3 mà CNA có được, Đức Cha Jaime Soto của Sacramento đã cảnh báo các linh mục của mình về người đàn ông này, nói rằng ông đã bị quay video khi lục soát các tủ và ngăn kéo trong văn phòng giáo xứ ở Giáo phận Santa Rosa lân cận. Soto báo cáo rằng người đàn ông này sau đó đã xuất hiện tại các giáo xứ trong giáo phận, kể cả ở trung tâm thành phố Sacramento, nơi ông được phép vào văn phòng giáo xứ.

Bản ghi nhớ cho biết các nhân chứng mô tả kẻ lừa đảo là “rất thuyết phục”, ăn mặc chuyên nghiệp nhưng không có cổ áo giáo sĩ. Bản ghi nhớ cảnh báo rằng nhân viên giáo xứ “không bao giờ được phép cho bất cứ ai không được công nhận là người được ủy quyền có quyền tự do tiếp cận bất kỳ tòa nhà giáo xứ nào”.

Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ (USCCB) sau đó đã gửi một cảnh báo an ninh vào ngày 12 tháng 4 cảnh báo tất cả các giám mục Hoa Kỳ về người đàn ông này, lưu ý rằng ông ta đã hoạt động ở Oregon và California.

Lừa đảo mạo danh linh mục không phải là mới. Các giáo phận Công Giáo ở Hoa Kỳ đã phải vào cuộc và làm rõ tình trạng của các linh mục giả nhiều lần trong những năm gần đây. Mới tháng trước, Giáo phận Stockton, California, đã đưa ra cảnh báo về một cặp kẻ mạo danh đóng giả là giáo sĩ Công Giáo ở thành phố Modesto và thu phí chúc lành và ban bí tích.

Trong một trường hợp bất thường được báo cáo vào mùa hè này, một nhà hàng ở California bị cáo buộc đã tuyển dụng một người mạo danh một linh mục với mục đích lừa nhân viên thú nhận “tội lỗi” của họ. Giáo phận Công Giáo địa phương Sacramento làm rõ rằng người đàn ông này không có mối liên hệ nào với Giáo hội.

Tính chất kỳ quái của vụ việc đã khiến Bộ Lao động Mỹ vào cuộc, cơ quan này hôm 12/6 gọi việc sử dụng linh mục giả là “một trong những hành động băng hoại trắng trợn nhất” mà các chủ nhân từng thực hiện đối với nhân viên ở Mỹ.

BRK4TL-NewsUK24Nov2023

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.

Thảo Ly cám ơn quý vị và anh chị em theo dõi chương trình này. Sau đây là các tin liên quan đến tình hình tại Ukraine

Chương trình của chúng tôi đến đây là hết.

Xin quý vị và anh chị em thêm lời cầu nguyện cho anh chị em Ukraine đang trải qua những giờ khắc thử thách và khó khăn. Và xin cầu nguyện cho linh hồn những người của cả hai bên đã thiệt mạng trong cuộc chiến.

Xin cám ơn và hẹn gặp lại quý vị và anh chị em trong lần phát hình tới.

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

1. Thụy Điển lên tiếng trước sự chậm trễ của Thổ Nhĩ Kỳ và Hung Gia Lợi

Ký giả Miranda Bryant của tờ The Guardian có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “Sweden must join Nato soon to ward off Russian threat, says defence minister”, nghĩa là “Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển kêu gọi sớm gia nhập NATO để tránh mối đe dọa từ Nga”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Bộ trưởng Quốc phòng Pål Jonson cho biết Thụy Điển phải trở thành thành viên đầy đủ của liên minh quân sự NATO “càng nhanh càng tốt” để tránh mối đe dọa từ Nga, khi sự thiếu kiên nhẫn ngày càng tăng ở Stockholm đối với con đường gia nhập chậm chạp của nước này.

Pål Jonson nói rằng ông không thể đưa ra mốc thời gian hoàn thành quy trình phê duyệt Nato của Thụy Điển nhưng ông tin tưởng rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Hung Gia Lợi, hai thành viên còn lại sẽ phê chuẩn tư cách thành viên của nước này, cuối cùng họ sẽ làm như vậy.

“Chúng tôi không muốn coi Nga là một mối đe dọa nhưng Nga đã thể hiện bằng chứng về sự tàn bạo của mình ở Ukraine. Vì vậy, chúng ta phải kiên trì và thực hiện điều đó theo cách tốt nhất bằng cách củng cố những điểm yếu của quốc gia và hội nhập hoàn toàn vào NATO càng sớm càng tốt”, Jonson nói với Guardian.

Thụy Điển nộp đơn ghi danh tham gia NATO cùng lúc với Phần Lan vào tháng 5 năm 2022, cả hai nước đều từ bỏ thế trung lập về quân sự sau khi Vladimir Putin xâm lược toàn diện Ukraine. Tháng 4 năm nay, tức 11 tháng sau, Phần Lan chính thức trở thành thành viên NATO. Nhưng Thụy Điển vẫn đang chờ sự chấp thuận của Thổ Nhĩ Kỳ và Hung Gia Lợi.

Phát biểu từ Helsinki, nơi ông phát biểu tại diễn đàn chính sách an ninh và quốc phòng Hanakäräjät hôm thứ Tư, Jonson cho biết có “sự ủng hộ mạnh mẽ” đối với việc gia nhập của Thụy Điển giữa các đồng minh NATO. Ông nói rằng Thụy Điển đã đề nghị với NATO “chiều sâu chiến lược tốt hơn” và “các nguồn lực quân sự quan trọng”.

Vào tháng 7, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdoğan, đã đồng ý chuyển giao thức gia nhập của Thụy Điển tới quốc hội càng sớm càng tốt sau cuộc hội đàm với thủ tướng Thụy Điển, Ulf Kristersson. Nhưng tuần trước, ủy ban đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ đang hoãn phán quyết, nói rằng vấn đề này “chưa chín muồi” để đưa ra quyết định.

Cũng có sự không chắc chắn xung quanh ý định của Hung Gia Lợi, mặc dù Jonson nói rằng Budapest đã bảo đảm với Stockholm rằng “họ sẽ không phải là quốc gia cuối cùng phê chuẩn chúng tôi”. Hung Gia Lợi tuần trước cho biết họ chưa sẵn sàng phê chuẩn Thụy Điển, mặc dù thủ tướng Viktor Orbán trước đó cho biết việc phê chuẩn chỉ mang tính chất kỹ thuật.

Bất chấp những sự chậm trễ này, Jonson, một thành viên của đảng Ôn hòa, cho biết ông vẫn tin tưởng vào tương lai của Thụy Điển trong NATO. Ông nói: “Chúng ta sẽ gia nhập liên minh và tôi chắc chắn rằng chúng ta sẽ là một phần của liên minh”.

“Bây giờ chúng tôi an toàn hơn so với trước khi tìm kiếm tư cách thành viên NATO thông qua các bảo đảm an ninh mà chúng tôi đã nhận được từ Mỹ, Anh, Đức, Pháp và các nước Bắc Âu khác.”

Jonson cho biết ông đã liên lạc với các đồng nghiệp Phần Lan về những căng thẳng gần đây ở biên giới Nga-Phần Lan, nơi chính quyền Phần Lan cáo buộc Mạc Tư Khoa giúp tạo điều kiện cho số lượng người xin tị nạn ngày càng tăng.

Ông cho biết Phần Lan vẫn là “đối tác chính trị thân thiết nhất của Thụy Điển về an ninh và quốc phòng”, đồng thời nói thêm: “Mối quan hệ đó sẽ tiếp tục hoàn toàn là trọng tâm đối với chúng tôi và nó cũng đóng góp rất quan trọng cho an ninh và ổn định trong khu vực của chúng tôi”.

Bình luận của Jonson được đưa ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày của các bộ trưởng quốc phòng từ khắp các quốc gia Bắc Âu và Baltic ở Stockholm trong khuôn khổ Hợp tác Quốc phòng Bắc Âu.

Mô tả cuộc gặp này là “lịch sử”, Jonson cho biết đây sẽ đánh dấu lần đầu tiên các bộ trưởng quốc phòng của hai khu vực cùng nhau bàn về các thỏa thuận an ninh và giải pháp an ninh trong thời kỳ xen kẽ giữa hòa bình, khủng hoảng và chiến tranh.

Các chủ đề trong chương trình nghị sự sẽ bao gồm chính sách quốc phòng và an ninh, hợp tác quốc phòng Bắc Âu, cơ sở hạ tầng quan trọng và hỗ trợ cho Ukraine.

BRK4TL-NewsUK25Nov2023

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.

Thảo Ly cám ơn quý vị và anh chị em theo dõi chương trình này. Sau đây là các tin liên quan đến tình hình tại Ukraine

Chương trình của chúng tôi đến đây là hết.

Xin quý vị và anh chị em thêm lời cầu nguyện cho anh chị em Ukraine đang trải qua những giờ khắc thử thách và khó khăn. Và xin cầu nguyện cho linh hồn những người của cả hai bên đã thiệt mạng trong cuộc chiến.

Xin cám ơn và hẹn gặp lại quý vị và anh chị em trong lần phát hình tới.

Laudetur Iesus Christus

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô

1. Mùa Đông đã ập đến làm dấy lên lo ngại Nga sẽ tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine

Ký giả Shaun Walker của tờ The Guardian có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “Snow in Kyiv raises fears Russia will attack Ukraine’s energy infrastructure”, nghĩa là “Tuyết ở Kyiv làm dấy lên lo ngại Nga sẽ tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Trận tuyết đầu tiên trong năm đã rơi ở Kyiv hôm thứ Tư, phủ trắng thủ đô của Ukraine và làm dấy lên lo ngại về một cuộc tấn công tiềm tàng của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này.

Tháng 10 năm ngoái, Nga bắt đầu làn sóng tấn công không ngừng vào cơ sở hạ tầng quan trọng kéo dài trong nhiều tháng và khiến hàng triệu người không có hệ thống sưởi, điện hoặc nước trong mùa đông.

Năm nay, cho đến nay chỉ có những cuộc tấn công lẻ tẻ như vậy, nhưng nhiều người lo ngại rằng Mạc Tư Khoa chỉ đang chờ đợi nhiệt độ dưới 0 bắt đầu để gây ra sự gián đoạn và đau khổ tối đa.

“Đó là một mùa thu ấm áp và Nga đã hoãn lại các cuộc tấn công này, nhưng chắc chắn chúng sẽ đến. Chúng tôi đang chuẩn bị”, Oleksiy Danilov, thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Ukraine, cho biết trong một cuộc phỏng vấn ở Kyiv.

Danilov cho biết gần đây ông vừa trở về sau chuyến thăm không công khai tới Luân Đôn, nơi ông gặp nhiều quan chức an ninh và quân sự khác nhau, bao gồm Ngài Tim Barrow, cố vấn an ninh quốc gia Vương quốc Anh và Đô đốc Sir Tony Radakin, tham mưu trưởng quốc phòng. Mặc dù không đi sâu vào chi tiết về các cuộc thảo luận ở Luân Đôn, nhưng Danilov cho biết các chiến lược bảo vệ Ukraine khỏi các cuộc tấn công cơ sở hạ tầng vào mùa đông là một trong những chủ đề chính.

Ông nói: “Những người bạn của chúng tôi, bao gồm cả những người đến từ Vương quốc Anh, đã giúp chúng tôi giải quyết những vấn đề cực kỳ khó khăn này”.

Cũng trong ngày thứ Tư, Vladimir Putin đã sử dụng một cuộc họp ảo của nhóm các nền kinh tế hàng đầu G20 để tuyên bố rằng ông đang tìm cách chấm dứt chiến tranh, trong một sự thay đổi giọng điệu bất thường đối với nhà lãnh đạo Nga.

Tổng thống Nga nói: “Tất nhiên, chúng ta nên nghĩ cách ngăn chặn thảm kịch này”. “Nhân tiện, Nga chưa bao giờ từ chối các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine.”

Trên thực tế, Nga tỏ ra ít sẵn sàng đàm phán về bất kỳ điều khoản nào khác ngoài việc Ukraine đầu hàng, và những nhận xét của Putin khó có thể báo hiệu một cơ hội thay đổi về chính sách. Các lực lượng của Mạc Tư Khoa tiếp tục tấn công các thành phố của Ukraine hàng ngày bằng máy bay không người lái và hỏa tiễn, bên cạnh các cuộc giao tranh trên tiền tuyến.

Hôm thứ Ba, tình báo quốc phòng Anh suy đoán trong cuộc họp báo hàng ngày về cuộc chiến ở Ukraine rằng Mạc Tư Khoa đã dự trữ hỏa tiễn để chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn.

Báo cáo cho biết: “Nga hiện đã hạn chế phóng các hỏa tiễn hành trình nguy hiểm được phóng từ trên không do các phi đội máy bay ném bom hạng nặng của mình trong gần hai tháng, điều này có thể cho phép nước này xây dựng một kho vũ khí đáng kể”. “Nga rất có thể sẽ sử dụng những hỏa tiễn này nếu lặp lại những nỗ lực năm ngoái nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng của Ukraine”.

Từ tháng 10 năm ngoái đến Tháng Giêng, người ta ước tính khoảng 40% cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine đã bị hư hại. Phần lớn đất nước bị mất điện trong nhiều tuần liên tục và tất cả các gia đình được yêu cầu hạn chế lượng điện tiêu thụ.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết vào tháng 10 rằng nếu Nga theo đuổi chiến thuật tương tự trong năm nay, Ukraine sẽ đáp trả tương tự. Lực lượng của Kyiv đã thực hiện một loạt cuộc tấn công ở Crimea và bên trong nước Nga, thường sử dụng máy bay không người lái.

“Chúng ta đang chuẩn bị cho các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của chúng ta… Năm nay, chúng ta sẽ không chỉ tự vệ mà còn đáp trả”, ông Zelenskiy nói.

Đã có những cuộc tấn công lẻ tẻ của Nga vào cơ sở hạ tầng trong năm nay, nhưng không có quy mô nào như các cuộc tấn công vào mùa đông năm ngoái. Các quan chức cho biết cuối tuần qua, máy bay không người lái đã tấn công nhiều cơ sở khác nhau, gây mất điện tạm thời tại hơn 400 khu định cư vào hôm thứ Bảy. Họ cho biết thêm, lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ nhiều máy bay không người lái, hạn chế thiệt hại.

“Sự chính xác của các bạn, các bạn, thực sự là sự sống cho Ukraine,” Zelenskiy nói trong bài phát biểu video hàng đêm của mình, cảm ơn lực lượng phòng không. Tuy nhiên, ông nói thêm: “Càng gần đến mùa đông, người Nga sẽ càng cố gắng thực hiện các cuộc tấn công mạnh mẽ hơn”.

Trên khắp cả nước, các doanh nghiệp đã được yêu cầu chuẩn bị máy phát điện để sử dụng trong trường hợp mất điện và lên các phương án dự phòng khác. Volodymyr Kudrytskiy, nhà lãnh đạo nhà điều hành lưới điện Ukrenergo, nói với đài truyền hình Ukraine: “Chúng tôi không có quyền thư giãn”.

Ukraine tự tin rằng hệ thống phòng không của họ được chuẩn bị tốt hơn đáng kể so với năm ngoái, mặc dù chúng vẫn chưa đủ để bao phủ toàn bộ đất nước.

“Các bạn nên nhớ rằng chúng ta đang chuẩn bị, nhưng người Nga cũng không chỉ ngồi yên. Họ cũng đang học hỏi và nhận được sự giúp đỡ từ các đồng minh ở Iran và Bắc Hàn”, ông Danilov nói.
 
VietCatholic TV
Bất ngờ: Trực thăng Nga tấn công dữ dội đoàn xe tăng Putin. Bộ Tư Lệnh Lữ Đoàn TQLC 810 Nga bất hạnh
VietCatholic Media
02:26 22/11/2023


1. Phi công trực thăng Nga tấn công dữ dội vào đoàn xe tăng Nga

Sáng Thứ Ba, 21 Tháng Mười Một, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho biết một phi công máy bay trực thăng Nga đã tấn công thành công vào một đoàn xe tăng Leopard 2 của Ukraine do phương Tây cung cấp tại Novomykhaylyvka trong vùng Donetsk. Tuy nhiên, tình hình không phải như vậy.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Military Accidentally Destroys Its Own Tank in New Video”, nghĩa là “Quân đội Nga vô tình phá hủy xe tăng của chính mình trong video mới.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Video mới được tường trình đã quay cảnh một phi công trực thăng Nga phá hủy đoàn xe tăng của chính nước mình.

Đoạn phim cho thấy trực thăng Ka-52 của Nga làm nổ tung các xe tăng MT-LB của Nga ở Novomykhaylyvka, vùng Donetsk. Đoạn video đã được chia sẻ trên nhiều mạng xã hội và bắt nguồn từ kênh Telegram của Nga No Context, kênh này theo sát cuộc chiến Ukraine. Video đã được chia sẻ lại trên X, bởi wartranslation, nơi đưa tin rộng rãi về cuộc xung đột.

“Theo các nguồn tin, phi công Ukraine Alexei Voevoda - là người đã bỏ sang phía Nga cùng với trực thăng KA-52 - đã đột ngột thay đổi quyết định và bắt đầu tấn công đoàn xe tăng của Lực lượng Vũ trang Nga”, No Context viết. “Chúng tôi đang theo dõi diễn biến của tình hình.”

Kim Thúy xin mở ngoặc để nói thêm rằng đó là cách giải thích có vẻ kỳ bí của No Context về vụ máy bay trực thăng Nga lại đi tấn công đoàn xe tăng Nga. Tuy nhiên, nhiều blogger quân sự Nga lại cho rằng Trung Tá phi công Alexei Voevoda là người Nga chính cống. Ông ta nhầm lẫn tấn công vào phe mình, và đã bị bắt khi trở về căn cứ. Chuyện chỉ đơn giản như thế. Nếu Voevoda là người Ukraine, có lẽ ông ta đã lái chiếc máy bay trực thăng xuống một căn cứ nào đó của Ukraine.

Theo Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine, tính đến thứ Ba, Nga đã mất 5.439 xe tăng kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào tháng 2 năm 2022.

Trong một video clip khác dường như được quay bằng máy bay không người lái và lan truyền khắp mạng xã hội hôm thứ Hai, lực lượng Ukraine được cho là đã phá hủy một xe tăng T-90M tiên tiến của Nga dọc chiến tuyến.

Những nỗ lực của Kyiv nhằm tiến hành một cuộc phản công hiệu quả đã bắt đầu vào tháng 6 nhưng không đạt được thành công như một năm trước.

Sự bế tắc tương đối trên chiến trường càng trở nên trầm trọng hơn bởi những lo ngại trong tương lai liên quan đến thời tiết, nhân lực và vũ khí - những lo ngại sau này đã được Hoa Kỳ cung cấp phần lớn dưới hình thức viện trợ hơn 40 tỷ Mỹ Kim và có thể giảm đáng kể trong những tháng tới tùy thuộc vào nghị quyết bổ sung thành công tại Hạ viện Hoa Kỳ.

Zelenskiy cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với The Sun ở Kyiv rằng đất nước của ông có mọi quyền giết Putin nếu có cơ hội, đồng thời nói rằng chính ông đã bị Nga mưu sát.

“Đó là chiến tranh và Ukraine có mọi quyền để bảo vệ vùng đất của chúng tôi”, ông Zelenskiy nói.

2. Tổng thống Zelenskiy tiết lộ ông đã sống sót sau 'sáu' vụ ám sát của Putin và tuyên bố Mạc Tư Khoa đang âm mưu nỗ lực mới nhằm thay đổi chế độ

Natasha Anderson, ký giả của tờ Daily Mail, thường trú ở Kyiv vừa có cuộc phỏng vấn với Tổng thống Zelenskiy.

Volodymyr Zelenskiy tiết lộ rằng ông đã sống sót sau ít nhất 'năm hoặc sáu' vụ ám sát kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine vào năm ngoái và tuyên bố Vladimir Putin đang lên kế hoạch thay đổi chế độ của ông.

Tổng thống Ukraine cũng cáo buộc Mạc Tư Khoa đã 'đốt lửa' trên khắp thế giới và đưa hành tinh này đến bờ vực của Chiến tranh thế giới thứ ba với cuộc chiến tranh vô luật pháp và man rợ ở Âu Châu.

Ông cáo buộc rằng Putin ủng hộ cuộc tấn công vào Israel của Hamas, với lý do mối quan hệ giữa Nga với Iran được củng cố rõ ràng. Iran là quốc gia hỗ trợ nhóm khủng bố và đã cung cấp máy bay không người lái kamikaze cho Mạc Tư Khoa.

Zelenskiy tuyên bố các cơ quan tình báo Ukraine đã ngăn chặn nhiều nỗ lực giết ông kể từ cuộc xâm lược ngày 24 tháng 2.

Ông cũng tiết lộ rằng Điện Cẩm Linh đang âm mưu lật đổ ông trước cuối năm nay trong một nhiệm vụ dường như được mệnh danh là 'Maidan 3' - ám chỉ đến cuộc cách mạng Euromaidan năm 2014 dẫn đến việc Nga sáp nhập Crimea và dẫn đến bùng nổ chiến tranh.

“Vụ ám sát đầu tiên rất thú vị, khi đó là lần đầu tiên và sau đó nó giống như Covid”, ông nói với tờ báo. 'Trước hết mọi người không biết phải làm gì với nó và nó trông rất đáng sợ.

'Và sau đó, thông tin tình báo chỉ chia sẻ với bạn chi tiết rằng một nhóm nữa đã đến Ukraine để cố gắng hoàn tất việc này.'

Zelenskiy nói thêm: 'Ukraine ngày nay là trung tâm của những rủi ro toàn cầu này của Thế chiến thứ ba. Và tôi thực sự nghĩ rằng Nga sẽ thúc đẩy cho đến khi Hoa Kỳ và Trung Quốc cùng nhau yêu cầu họ rời khỏi lãnh thổ của chúng tôi một cách hết sức nghiêm chỉnh.'

Cuộc phỏng vấn xảy ra khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cam kết hỗ trợ thêm cho Ukraine trong chuyến thăm không báo trước tới Kyiv hôm thứ Hai nhằm xoa dịu lo ngại rằng sự giúp đỡ từ đồng minh lớn nhất của nước này có thể bị lung lay.

Hoa Kỳ đã cung cấp hơn 40 tỷ Mỹ Kim viện trợ an ninh cho Ukraine kể từ khi Nga xâm lược và cam kết ủng hộ Kyiv trong thời gian “bao lâu còn cần thiết” nhưng sự phản đối của các thành viên Quốc Hội theo đường lối cứng rắn đã làm dấy lên nghi ngờ về tương lai sự hỗ trợ của Mỹ.

Austin đã công bố 'khoản rút thêm 100 triệu đô la khác... để cung cấp thêm đạn pháo, thiết bị đánh chặn bổ sung cho phòng không và một số vũ khí chống tăng' trong cuộc họp báo tại Quảng trường Tổng Lãnh Thiên Thần Micae ở Kyiv.

Tại Washington, Bộ Ngoại giao cho biết khoản hỗ trợ này bao gồm 3 triệu viên đạn vũ khí nhỏ và thiết bị cho bệ phóng hỏa tiễn chính xác HIMARS.

Zelenskiy cảm ơn Hoa Kỳ về gói hàng bổ sung trong bài phát biểu hàng đêm của ông, đồng thời lưu ý rằng 'sẽ cần thêm đạn pháo ngay bây giờ'.

Hai người đã gặp nhau vài giờ trước đó và Austin bảo đảm rằng sự hỗ trợ của Hoa Kỳ sẽ không mất đi.

'Thông điệp mà tôi mang đến cho ông hôm nay, thưa Tổng thống, là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ luôn sát cánh cùng ông. Chúng tôi sẽ ở bên bạn lâu dài', Austin nói với Zelenskiy.

'Những gì xảy ra ở Ukraine - điều đó không chỉ quan trọng với Ukraine mà còn quan trọng với phần còn lại của thế giới. Nó chắc chắn quan trọng đối với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ', ông nói thêm.

Chuyến đi tới Kyiv - bao gồm cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov và chuyến thăm đại sứ quán Mỹ - là chuyến đi thứ hai của nhà lãnh đạo Ngũ Giác Đài kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

Washington cho đến nay là nhà tài trợ quân sự lớn nhất cho Kyiv và việc cắt viện trợ của Mỹ sẽ là một đòn giáng mạnh vào Ukraine khi nước này chuẩn bị cho mùa đông thứ hai của cuộc chiến.

Zelenskiy cho biết chuyến thăm của Austin là 'một tín hiệu quan trọng đối với Ukraine' và cảm ơn Quốc hội cũng như người dân Mỹ vì sự ủng hộ của họ.

Ông nói tại cuộc họp: “Chúng tôi tin tưởng vào sự hỗ trợ của các bạn”.

Austin và Ngoại trưởng Antony Blinken đã kêu gọi các nhà lập pháp Hoa Kỳ trong phiên điều trần vào tháng 10 hãy duy trì sự hỗ trợ cho Ukraine, trong đó Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ nói: 'Nếu không có sự hỗ trợ của chúng ta, Putin sẽ thành công.'

Tuy nhiên, một số nhà lập pháp tiếp tục phản đối viện trợ; và hỗ trợ mới cho Ukraine đã bị loại khỏi thỏa thuận tạm thời được Quốc hội thông qua vào tuần trước nhằm ngăn chặn việc chính phủ Mỹ đóng cửa.

Mặc dù vậy, một quan chức quốc phòng cao cấp của Mỹ nói với các nhà báo: 'Chúng tôi tiếp tục tin rằng Quốc hội sẽ cung cấp sự hỗ trợ đó và chúng tôi đang lên kế hoạch dựa trên niềm tin đó'.

Phó Thư ký báo chí Ngũ Giác Đài Sabrina Singh cho biết hồi đầu tháng rằng các gói hỗ trợ “ngày càng nhỏ hơn vì chúng tôi phải đo lường sự hỗ trợ của mình cho Ukraine”.

Ngoài sự phản đối chính trị trong nước của Hoa Kỳ đối với việc tiếp tục viện trợ, cuộc xung đột tàn khốc giữa Israel và Hamas - cùng với sự gia tăng các cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ ở Trung Đông - đã thu hút sự chú ý của quốc tế khỏi Ukraine.

Mỹ khẳng định có thể cung cấp hỗ trợ cho cả hai nước.

Một quan chức quốc phòng cao cấp của Mỹ cho biết: “Về vấn đề liệu có sự cạnh tranh hay đánh đổi giữa sự hỗ trợ của Mỹ cho việc bảo vệ đất nước Ukraine và việc bảo vệ người dân của Israel hay không thì vấn đề đó không tồn tại”.

Quan chức này nói thêm: “Có một số sự chồng chéo nhưng ở những nơi có sự chồng chéo trong một số loại đạn dược nhất định… không có sự suy giảm nào trong việc cung cấp năng lực cho Ukraine”.

Mỹ đã đi đầu trong việc thúc đẩy quốc tế hỗ trợ Ukraine, nhanh chóng thành lập liên minh ủng hộ Kyiv sau khi Nga xâm lược vào tháng 2/2022 và điều phối viện trợ từ hàng chục quốc gia.

Những người ủng hộ Ukraine cũng cung cấp dịch vụ huấn luyện cho quân đội Kyiv, trong khi Mỹ và các nước khác áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn đối với Nga, bao gồm cả các tổ chức tài chính, nhập khẩu công nghệ và xuất khẩu năng lượng.

Chuyến thăm của Austin diễn ra sau khi Kyiv tuyên bố đã đẩy lùi lực lượng Nga cách bờ sông Dnipro vài km.

3. Hàng chục binh sĩ Nga thiệt mạng trong cuộc tấn công bất ngờ tại lễ trao giải

Denis Pushilin, nhà lãnh đạo của cái gọi là Cộng hòa Nhân Dân Donetsk đã gởi lời chia buồn đến gia đình của các binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến bị thiệt mạng trong một vụ tấn công vào hôm Chúa Nhật 19 Tháng Mười Một.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Dozens of Russian Soldiers Killed During Sudden Attack at Awards Ceremony”, nghĩa là “Hàng chục binh sĩ Nga thiệt mạng trong cuộc tấn công bất ngờ tại lễ trao giải.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo báo cáo từ địa phương, hơn hai chục binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong lễ trao giải sau cuộc tấn công bất ngờ ở miền đông Ukraine cuối tuần qua.

Cuộc tấn công xảy ra khi các thành viên của Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 810 đang được vinh danh tại một buổi lễ gần Starobesheve, một thị trấn ở vùng Donbas hiện đang bị Nga xâm lược.

Theo một bài đăng trên Telegram của Nexta, một hãng tin thân Ukraine có trụ sở ở Đông Âu, ít nhất 25 binh sĩ Nga tham dự buổi lễ đã thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.

Các quân nhân Nga thường xuyên là mục tiêu của các cuộc tấn công khi họ tham dự các lễ kỷ niệm quân sự ở các khu vực Ukraine bị Nga tạm chiếm. Vào cuối tháng 10, một người giao hàng gốc Ukraine bị buộc tội liên quan đến một chiếc bánh và hộp rượu whisky có độc được tặng cho một nhóm sinh viên sĩ quan tốt nghiệp tại một lễ kỷ niệm ở Melitopol. Không có binh sĩ Nga nào bị thương trong vụ việc.

Cuộc xâm lược Ukraine của Nga đang đi vào bế tắc khi cả hai bên trong cuộc chiến kéo dài gần 21 tháng đều chuẩn bị cho những tháng mùa đông tàn khốc. Hôm thứ Ba, Kyiv đang tìm cách sử dụng đà tiến của quân đội dọc theo sông Dnipro để đột nhập vào các khu vực Kherson bị tạm chiếm. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói rằng cuộc chiến chống lại Mạc Tư Khoa sẽ không kết thúc cho đến khi tất cả các vùng lãnh thổ bị lực lượng Điện Cẩm Linh xâm lược được chiếm lại.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Tư 22 Tháng Mười Một, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Thượng Úy Andriy Yusov, cuộc tấn công nhằm vào Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 810 của Nga, và nhấn mạnh rằng các thành phần chủ chốt trong Bộ Tư Lệnh Lữ Đoàn đã thiệt mạng.

Ông nói rằng cuộc tấn công là “sự trả thù” cho các thành viên của Lữ đoàn bộ binh sơn cước biệt lập số 128 của Ukraine đã thiệt mạng trong một buổi lễ ở vùng Zapohrizhia phía nam sau một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga hồi đầu tháng này.

Theo báo cáo của Al Jazeera, ít nhất 20 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng trong vụ tấn công ngày 5/11 và Zelenskiy nói rằng đó là “thảm kịch lẽ ra có thể tránh được”.

Các báo cáo khác về một cuộc tấn công gần Starobesheve vào Chúa Nhật cũng đã được xác nhận bởi nhà hát nơi diễn ra lễ trao giải. Trong một bài đăng trên nền tảng mạng xã hội VK của Nga hôm thứ Hai, đại diện của nhà hát cho biết Polina Menshikh, một vũ công, đã chết trong một buổi biểu diễn ở Donbas vào hôm Chúa Nhật trong một cuộc pháo kích vào nhà hát.

Các quan chức Kyiv cũng đưa tin vào tháng 8 rằng hai sĩ quan Nga đã thiệt mạng và 15 quân nhân khác phải vào bệnh viện trong vụ đầu độc hàng loạt tại một lễ kỷ niệm quân sự ở Mariupol, được cho là do quân du kích Ukraine thực hiện.

4. Trong chuyến thăm Kyiv lần thứ hai, Bộ trưởng Quốc phòng Đức công bố gói vũ khí trị giá 1,3 tỷ euro

Ký giả Veronika Melkozerova của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “German defense minister announces 1.3 Billion Euro weapons package during visit to Kyiv”, nghĩa là “Bộ trưởng Quốc phòng Đức công bố gói vũ khí trị giá 1,3 tỷ euro trong chuyến thăm Kyiv”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã đến Kyiv hôm thứ Ba mang theo một món quà rất cần thiết: đó là thêm viện trợ quân sự cho Ukraine.

“Tôi rất vinh dự được công bố một gói hàng mới,” Pistorius nói trong cuộc họp báo ở Kyiv. Ông cho biết thêm, nó bao gồm 4 hệ thống hỏa tiễn tầm trung IRIS-T khác, đạn 155 ly và mìn phòng thủ chống tăng Panzer.

“Tổng cộng nó là một gói trị giá 1,3 tỷ euro và tôi khá chắc chắn rằng nó sẽ giúp ích cho các bạn và cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Nga. Chúng tôi đứng về phía Ukraine một cách đáng tin cậy”, Pistorius nói.

Mặc dù Liên minh Âu Châu có thể sẽ bỏ lỡ thời hạn tự áp đặt để cung cấp 1 triệu quả đạn pháo cho Ukraine trước tháng 3 năm 2024, Pistorius nói rằng chính phủ Đức đã bổ sung thêm 20.000 quả đạn pháo 155 ly vào con số 140.000 quả đã được công bố cho năm tới.

“Tổng cộng là 160.000 cho năm tới - tôi hy vọng con số này sẽ tăng lên vào năm 2025,” Pistorius nói thêm.

Khi được hỏi liệu Ukraine có nhận được hỏa tiễn tầm xa Taurus của Đức mà họ mong muốn từ lâu hay không, Pistorius chỉ nhún vai và cho biết không có thông tin gì mới. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov vừa cười vừa nói: “Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu vấn đề đó. Vẫn chưa có quyết định nào về Taurus được đưa ra.”

Pistorius đến Kyiv một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin, người cũng trấn an những người có mặt rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine, và công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 100 triệu Mỹ Kim cho Kyiv.

Khoản tài trợ của Đức dành cho quốc phòng Ukraine lên tới 5,4 tỷ euro cho năm 2023 - sau 2 tỷ euro vào năm 2022. Chính phủ Đức đã lên kế hoạch tăng gấp đôi kế hoạch viện trợ năm 2024 cho Ukraine từ 4 tỷ euro lên 8 tỷ euro; tuy nhiên, cuộc khủng hoảng ngân sách hiện tại của Đức đã khiến điều này bị nghi ngờ.

Umerov cảm ơn Đức vì đã đóng góp cho lực lượng phòng không Ukraine và đào tạo quân nhân nước này. Ông nhấn mạnh hệ thống phòng không đóng vai trò then chốt như thế nào đối với khả năng của Ukraine trong việc duy trì nền kinh tế vận hành và thúc đẩy sản xuất quốc phòng của chính mình.

Trong chuyến thăm của mình, Pistorius cũng đã đi thăm một trung tâm huấn luyện quân sự và quan sát các quân nhân Ukraine vận hành tổ hợp chống hỏa tiễn Patriot mà Đức cung cấp cho Ukraine. “Tôi có ấn tượng rất tốt” Pistorius kết luận.

5. Liên Hiệp Quốc cho biết hơn 10.000 thường dân đã thiệt mạng ở Ukraine kể từ khi chiến tranh bắt đầu

Văn phòng nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho biết hơn 10.000 thường dân đã thiệt mạng ở Ukraine kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, với khoảng một nửa số ca tử vong gần đây xảy ra ở xa tiền tuyến.

Phái đoàn nhân quyền của Liên Hiệp Quốc tại Ukraine, nơi có hàng chục giám sát viên ở nước này, cho biết họ dự kiến con số thực tế sẽ “cao hơn đáng kể” so với con số chính thức vì công việc chứng thực vẫn đang tiếp tục.

Điều này bao gồm các sự kiện trong những tháng đầu tiên sau cuộc xâm lược, chẳng hạn như trận chiến giành quyền kiểm soát Mariupol, nơi người dân báo cáo có thương vong dân sự cao.

Danielle Bell, nhà lãnh đạo phái đoàn nhân quyền của Liên Hiệp Quốc tại Ukraine, cho biết:

10.000 thường dân thiệt mạng là một cột mốc nghiệt ngã đối với Ukraine.

Cuộc chiến của Liên bang Nga chống lại Ukraine, hiện đã bước sang tháng thứ 21, có nguy cơ phát triển thành một cuộc xung đột kéo dài, với cái giá phải trả là rất lớn về con người.

Theo Liên Hiệp Quốc, phần lớn số ca tử vong là do vũ khí nổ có tác động trên diện rộng như đạn pháo, hỏa tiễn và bom chùm.

6. Cuộc họp báo của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cùng với chủ tịch Hội đồng Âu Châu, Charles Michel, và tổng thống Moldova, Maia Sandu

Trong cuộc họp báo tại Phủ Tổng Thống ở Kyiv hôm Thứ Ba, 21 Tháng Mười Một, Tổng thống Zelenskiy nói:

Chúng tôi tin rằng Liên Hiệp Âu Châu sẽ sẵn sàng thực hiện phần việc của mình… để đến cuối tháng 12 năm nay, kết quả sẽ là một quyết định chính trị cho phép bắt đầu đàm phán gia nhập.

Michel nói với tổng thống Ukraine: “Tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để thuyết phục các đồng nghiệp của mình rằng chúng tôi cần đưa ra quyết định vào tháng 12”.

Ủy ban Âu Châu khuyến nghị mở các cuộc đàm phán thành viên chính thức với Ukraine vào đầu tháng này, nhưng các cuộc đàm phán không thể bắt đầu trừ khi tất cả 27 quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu đồng ý.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết ông đã thảo luận về an ninh, mở rộng xuất khẩu và “hợp tác xuyên biên giới”, cùng các chủ đề khác, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Moldova, Maia Sandu, ở Kyiv trước đó.

Chủ tịch Hội đồng Âu Châu, Charles Michel, dự đoán sẽ có một cuộc họp “khó khăn” vào tháng tới về vấn đề khởi động các cuộc đàm phán gia nhập chính thức với Ukraine, vì những khó khăn do Hung Gia Lợi gây ra.

Mùa hè năm ngoái Ukraine đã được bổ sung vào danh sách các ứng cử viên chính thức với các khuyến nghị ưu tiên bảy lãnh vực thay đổi tập trung vào quản lý tư pháp, luật chống tham nhũng và chống đầu sỏ chính trị.

Sandu đã kêu gọi Liên Hiệp Âu Châu thể hiện “tốc độ và sự thống nhất” trước nỗ lực gia nhập khối của Moldova và Ukraine, khi cô đến thăm Kyiv hôm thứ Ba.

“Sự cấp bách của thời điểm này, được đánh dấu bằng chiến tranh và tình trạng bất ổn, đòi hỏi chúng ta phải đẩy nhanh các quy trình của mình. Tốc độ và sự thống nhất không chỉ là những lựa chọn chiến lược, chúng còn là vấn đề sống còn và trở lại sự ổn định của Âu Châu”, cô nói trong một cuộc họp báo ở thủ đô Ukraine.

7. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đang tổ chức cuộc tập trận hải quân chung với Ấn Độ

Hôm thứ Ba, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết nước này đang tổ chức cuộc tập trận hải quân chung với Ấn Độ ở Vịnh Bengal, trong bối cảnh hai nước tăng cường quan hệ an ninh bất chấp cuộc chiến của Mạc Tư Khoa ở Ukraine.

Trước đây, Mỹ từng bày tỏ quan ngại về việc Ấn Độ tổ chức tập trận chung với Nga, quốc gia đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.

“ Mục đích của cuộc tập trận là nhằm phát triển và tăng cường toàn diện hợp tác hải quân giữa Nga và Ấn Độ”.

Sergei Shoigu cho biết thêm, cuộc tập trận sẽ giúp hải quân hai nước “cùng chống lại các mối đe dọa toàn cầu và bảo đảm an toàn cho hoạt động vận chuyển dân sự ở khu vực Á Châu – Thái Bình Dương”.

8. Hai người thiệt mạng vì pháo kích của Nga

Hai người đã thiệt mạng và sáu người bị thương trong các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và pháo kích qua đêm của Nga ở khu vực Donetsk và Kharkiv phía đông Ukraine, các quan chức Ukraine cho biết hôm thứ Ba.

Bộ trưởng Nội vụ Ihor Klymenko cho biết hỏa tiễn đã tấn công một bệnh viện ở thị trấn Selydove của Donetsk và một mỏ than.

“Hai tòa nhà của bệnh viện bị hư hại, 6 thường dân bị thương. Có thể có nạn nhân dưới đống đổ nát, hoạt động tìm kiếm vẫn tiếp tục”, Klymenko nói.

Ông cho biết một công nhân đã thiệt mạng trong vụ tấn công vào mỏ than.

“Bốn tòa nhà, 19 phương tiện và một đường dây điện bị hư hại. 39 thợ mỏ mắc kẹt dưới lòng đất Đến thời điểm hiện tại, tất cả thợ mỏ đã được đưa lên mặt đất”, ông nói.

Tại Kharkiv, một người đã thiệt mạng trong cuộc pháo kích của Nga.

Ông Klymenko lưu ý rằng các cuộc tấn công vào thành phố Kherson đã giảm đáng kể do quân Nga bị đẩy lui từ 3 đến 8 km tính từ tả ngạn sông Dnipro. Quân xâm lược không còn khả năng tấn công bằng súng cối vào thành phố Kherson.

9. Phi công Ukraine đã trải qua khóa huấn luyện F-16 ở Đan Mạch.

Các phi công Ukraine đang được huấn luyện lái chiến đấu cơ F-16 ở Đan Mạch. Phát ngôn nhân Bộ Tư lệnh Không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat cho biết như trên trong cuộc họp báo tại Trung tâm Truyền thông Ukraine.

“Trước đó, đã có máy bay động cơ nhẹ tiêu chuẩn NATO, giúp chuyển sang sử dụng F-16 dễ dàng hơn. Bây giờ đây đã là những chuyến bay kép. Mỗi ngày, số lượng phi công Ukraine được đào tạo và thực hiện các nhiệm vụ do người hướng dẫn đặt ra có thể tăng lên”, Đại Tá Ihnat nói.

“Giai đoạn tiếp theo sẽ là những chuyến bay một mình. Sau đó, là các chuyến bay chiến đấu. Các phi công chúng ta sẽ học cách chiến đấu trên chiếc máy bay này”.

Ngoài Đan Mạch, các phi công Ukraine cũng đang được đào tạo ở Mỹ, Rumani và Anh. Các chuyên gia khác, nhân viên mặt đất, kiểm soát viên chiến đấu và nhân viên kỹ thuật hàng không cũng đang được đào tạo ở đó.

10. Nghị viện Âu Châu mở văn phòng tại Kyiv

Nghị viện Âu Châu đã đồng ý mở văn phòng tại Ukraine để tăng cường hỗ trợ cho Quốc hội Ukraine, theo yêu cầu của các quan chức chính phủ hàng đầu Ukraine.

Quyết định được thông qua vào tối thứ Hai, ngày 20 tháng 11, nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho mối quan hệ với quốc hội Ukraine, đặc biệt là kết nối quốc hội này với “các ủy ban liên quan” của Nghị viện Âu Châu và tạo điều kiện thuận lợi cho công việc hành chính.

Theo Euractiv, Nghị viện Âu Châu có văn phòng liên lạc cho từng quốc gia thành viên, giúp Nghị viện tiếp cận với các quốc gia thành viên, chẳng hạn như tổ chức sự kiện và quan hệ với truyền thông địa phương.

Theo tài liệu, chỉ có một số ít văn phòng của Nghị viện Âu Châu được thành lập ở các thành phố ngoài Âu Châu, bao gồm New York, Addis Ababa và Jakarta, “nơi các nhân viên của Nghị viện được biệt phái cho Phái đoàn Liên Hiệp Âu Châu”.

Phái đoàn Liên Hiệp Âu Châu tại mỗi quốc gia ngoài Liên Hiệp Âu Châu là đại diện ngoại giao của Liên Hiệp Âu Châu trên lãnh thổ, trực thuộc Cơ quan hành động đối ngoại Âu Châu.

Chủ tịch Nghị viện Âu Châu Roberta Metsola đã liên tục lên tiếng ủng hộ Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược vào tháng 2 năm 2022. Năm ngoái, Nghị viện Âu Châu đã trao Giải thưởng Sakharov về quyền tự do ngôn luận cho người dân Ukraine và lãnh đạo nước này, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy.
 
Giáo dân tin tưởng tượng Đức Mẹ khóc ở Mexico, dân chúng lũ lượt hành hương. Ý kiến của giáo quyền
VietCatholic Media
05:34 22/11/2023

1. KIỂM TRA SỰ THẬT: Tượng Đức Mẹ Sầu Bi ở Mexico có thực sự rơi nước mắt không?

Truyền thông địa phương Mễ Tây Cơ đưa tin rằng một cậu bé 9 tuổi là người đầu tiên nhìn thấy những giọt nước mắt được cho là chảy ra từ mắt của bức tượng Đức Mẹ Sầu Bi trong một nhà nguyện ở làng El Chanal, ngay phía bắc thành phố Colima. Những cư dân khác sau đó cho biết họ cũng nhìn thấy những giọt nước mắt. Nhà nguyện này thuộc quyền quản lý của Đền thờ Thánh Gioan Phaolô II ở thành phố Colima, cách Thành phố Mễ Tây Cơ 300 dặm về phía tây, không xa Thái Bình Dương.

Giáo hội trả lời như thế nào? Cha Gerardo López Herrera, giám đốc truyền thông của Giáo phận Colima, cho biết một linh mục đã đến kiểm tra bức tượng và xác định rằng không có phép lạ nào xảy ra.

Bối cảnh: Khi tin tức về những giọt nước mắt được cho là của Đức Trinh Nữ lan truyền, báo chí địa phương đưa tin rằng một số người giải thích những giọt nước mắt được cho là của Đức Trinh Nữ là một phản ứng trước tình trạng bạo lực đang làm rung chuyển khu vực. Colima đứng đầu trong danh sách 50 thành phố bạo lực nhất thế giới năm 2022 trong báo cáo do Hội đồng Công dân về An toàn Công cộng và Tư pháp Hình sự biên soạn.

Vào ngày 15 tháng 11, Cha López nói với ACI Prensa, đối tác tin tức tiếng Tây Ban Nha của CNA, rằng “hình ảnh đó là sự thể hiện của Đức Trinh Nữ Sầu Bi mà vào thời điểm nó được tạo ra, người nghệ sĩ tạo tác đã đặt một số giọt nước mắt silicone lên mắt Đức Mẹ.”

“Không phải những giọt nước mắt đó rơi vì những sự việc đã xảy ra; tượng Đức Mẹ đã có những giọt nước mắt này trước đó rồi”

Vị linh mục giải thích rằng khi “người dân trong cộng đồng bắt đầu đồn thổi về phép lạ được cho là này”, vị linh mục chịu trách nhiệm về Đền thờ Thánh Gioan Phaolô II “đã đi và xác nhận rằng đây không phải là sự thật”.

“Chúng tôi đánh giá cao sự quan tâm, nhưng đó không phải là một phép lạ,” Cha López kết luận.


Source:Catholic News Agency

2. Các nhà vận động nhân quyền Nicaragua yêu cầu Quốc hội Anh giúp trả tự do cho Đức Cha Álvarez

Chủ tịch Tổ chức Tự do Nicaragua và cựu ứng cử viên tổng thống Nicaragua Félix Maradiaga gần đây đã đến thăm Quốc hội Anh và yêu cầu các thành viên của quốc gia này hỗ trợ giải phóng các tù nhân chính trị của Nicaragua, trong đó có giám mục của giáo phận Matagalpa, là Đức Cha Rolando Álvarez, một người thẳng thắn bảo vệ nhân quyền.

Chuyến thăm của Maradiaga tới Anh diễn ra chỉ một ngày sau khi Giám mục Silvio Báez người Nicaragua lưu vong nhận được giải thưởng từ Tổ chức Quốc gia vì Dân chủ, gọi tắt là NED. ở Washington, DC, nơi vị Giám Mục cũng nhắc lại lời kêu gọi chế độ độc tài của Tổng thống Daniel Ortega trả tự do cho Đức Cha Álvarez được bị bỏ tù một cách bất công và bị kết tội “phản bội tổ quốc”.

Cựu ứng cử viên tổng thống nói với ACI Prensa, đối tác tin tức tiếng Tây Ban Nha của CNA, rằng trong chuyến thăm Quốc hội Anh, ông đã vận động cho tất cả các tù nhân chính trị Nicaragua. “Chúng tôi chưa quên ai cả,” ông nhấn mạnh.

Madariaga đã được tiếp đón bởi các thành viên của khối tự do trong Hạ viện, chẳng hạn như Jeremy Purvis và John Thomas Alderdice, những người mà ông giải thích “tình hình tù nhân chính trị ở Nicaragua và thảo luận về sự cần thiết phải áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với những kẻ phạm tội ác chống lại loài người và các hành vi tham nhũng,” theo thông cáo gửi tới ACI Prensa.

Một trong những chủ đề được thảo luận là đề xuất thành lập một cơ quan đặc biệt của chính phủ Anh để vận động cho các tù nhân chính trị trên khắp thế giới cũng như tầm quan trọng của việc các nền dân chủ hợp tác với nhau để đối đầu với các chế độ độc tài như Nicaragua, “Nga, Trung Quốc và Iran”.

Maradiaga kết luận bằng cách “tái khẳng định cam kết làm việc không mệt mỏi cho đến khi chúng tôi đạt được tự do và công lý mà người dân Nicaragua xứng đáng có được”.

Bắt đầu từ ngày 4 tháng 8 năm 2022, Đức Cha Rolando Álvarez, giám mục của Matagalpa và giám quản tông tòa của Estelí ở Nicaragua, đã bị cảnh sát Nicaragua ngăn không cho rời khỏi nơi cư trú của mình.

Hai tuần sau, vào giữa đêm, cảnh sát đột nhập vào nơi ở, bắt cóc ngài và đưa ngài đến Managua, nơi ngài bị quản thúc tại gia. Sau một phiên tòa bất hợp pháp, vào ngày 10 tháng 2 năm nay, ngài bị kết án 26 năm 4 tháng tù, và bị buộc tội “phản bội tổ quốc”.

Một ngày trước đó, vị giám mục đã từ chối đi cùng 222 cựu tù nhân chính trị bị tước quyền công dân Nicaragua và bị trục xuất sang Hoa Kỳ trong một thỏa thuận giữa chính phủ Ortega và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Vào tháng 7, vị Giám Mục đã được đưa ra khỏi nhà tù “La Modelo”, nơi ngài đang thụ án, mặc dù ngài vẫn bị cảnh sát giam giữ. Các cuộc đàm phán để trả tự do cho ngài không thành công và ngài bị đưa trở lại nhà tù.


Source:Catholic News Agency

3. Giáo Hội Công Giáo Ghana phải đối mặt với làn sóng bỏ sang các nhóm Tin lành Ngũ Tuần

Mặc dù nhìn chung Phi Châu là khu vực có sự tăng trưởng lớn nhất của Công Giáo toàn cầu, nhưng quốc gia Ghana ở Tây Phi lại đang báo cáo sự suy giảm đáng kể, với nhiều người bỏ sang Tin lành Ngũ Tuần.

Trong bài phát biểu quan trọng ngày 13 tháng 11 khai mạc Phiên họp toàn thể năm 2023 của Hội đồng Giám mục, Đức Cha Matthew Kwasi Gyamfi của Sunyani nói rằng dữ liệu điều tra dân số gần đây nhất cho thấy tỷ lệ người Ghana tự nhận mình là người Công Giáo đã giảm từ 15,1% năm 2000 xuống còn 10,1 phần trăm vào năm 2021.

Kết quả này trái ngược hoàn toàn với số liệu thống kê của Vatican về sự phát triển của Giáo hội ở Phi Châu nói chung. Theo số liệu được Vatican công bố vào tháng trước, Phi Châu đã có thêm 5,2 triệu người Công Giáo vào năm 2021 so với năm 2020.

Gyamfi nói rằng “các hồ sơ hiện có cho thấy dân số Công Giáo tăng đều đặn từ năm 1880 đến năm 2000, khi dân số Công Giáo là 15,1 phần trăm”.

Nhưng kể từ đó, tỷ lệ này đã rơi vào vòng xoáy đi xuống, giảm từ 15,1% năm 2000 xuống còn 13,1% năm 2010, tức là 3.230.996 người trên tổng dân số 24.658.823.

Ngài nói: “Con số này tiếp tục giảm xuống còn 10,1% trong cuộc điều tra dân số năm 2021, từ 3.230.996 xuống còn 3.079.261, có nghĩa là theo thống kê, Giáo hội đã mất khoảng 230.000 thành viên trong vòng 10 đến 11 năm qua”.

Đức Cha Gyamfi cho biết điều này đánh dấu một “xu hướng đáng lo ngại đối với Giáo hội của chúng ta, vì Chúa đã ủy thác cho chúng ta đi đến tất cả các quốc gia, thị trấn, thành phố, làng mạc, gia đình và gia đình để rửa tội và giảng dạy cho họ”.

Ghana là quốc gia lớn thứ hai ở Tây Phi với 32 triệu dân, sau Nigeria. Đức Cha Gyamfi cho rằng đô thị hóa nhanh chóng có thể là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến sự suy tàn của Công Giáo. Năm 2012, 52,07% dân số sống ở khu vực thành thị, con số này hiện đã đạt 58,62%.

Ngài nói: “Một cái nhìn lướt qua tất cả các số liệu điều tra dân số cho thấy một xu hướng dường như gợi ý rằng, trong khi Giáo hội dường như có tỷ lệ khá cao ở các cộng đồng nông thôn, thì Giáo hội lại đang xuất huyết nhanh nhất ở các trung tâm đô thị”.

“Dữ liệu điều tra dân số cho thấy rằng khi người Công Giáo di chuyển từ các vùng nông thôn đến các trung tâm thành thị, họ không duy trì được đức tin Công Giáo và trở thành nạn nhân của các giáo phái khác. Những lý do dẫn đến hiện tượng đáng buồn này cần được các giám mục và các bên liên quan nghiên cứu cẩn thận để tìm ra giải pháp lâu dài”.

Trong khi Công Giáo đang suy giảm ở Ghana, thì xu hướng ngược lại đang được chú ý trong điều được gọi là “Phúc âm thịnh vượng” được rao giảng chủ yếu bởi các Kitô hữu Ngũ Tuần, mà các nhà quan sát cho rằng có sức hấp dẫn lớn ở một quốc gia nơi 24,2% dân số sống dưới mức nghèo khổ.

Tỷ lệ người Ghana được xác định là người theo Tin lành Ngũ Tuần đứng ở mức 24,1% vào năm 2000, con số này đã tăng lên 31,6% vào năm 2021, theo cùng một dữ liệu điều tra dân số.

Các nhà lãnh đạo Công Giáo đã đề xuất một loạt các phương pháp tiếp cận nhằm đảo ngược xu hướng này, bao gồm cả điều mà các ngài gọi là “việc dạy giáo lý tích cực”.

“Giáo hội ở Ghana phải bắt tay vào việc dạy giáo lý tích cực để đào sâu kiến thức của giáo dân về đức tin. Giáo hội phải củng cố và đào sâu việc dạy giáo lý được cung cấp cho việc lãnh nhận các bí tích, đặc biệt là các bí tích khai tâm Kitô giáo, để việc dạy giáo lý không chỉ mang tính lý thuyết mà còn dẫn đến sự hoán cải thực sự của trái tim và tâm trí của người dự tòng”. Hội đồng Giám mục cho biết trong một tuyên bố.

Các ngài cũng đề nghị thu hút giới trẻ tham gia vào việc truyền giáo, nhận thức được thực tế là ngày càng nhiều người trẻ rời bỏ Giáo hội. Các Giám Mục nói rằng các tuyên úy Công Giáo ở các trường cơ bản và các cơ sở giáo dục đại học phải được cung cấp nguồn lực tốt hơn để các tuyên úy được đào tạo, có năng lực và chăm chỉ.

Với việc ngày càng phụ thuộc vào các phương tiện truyền thông để có thông tin, các giám mục cho biết điều bắt buộc là Giáo hội phải sử dụng cả phương tiện truyền thông truyền thống và xã hội để tiếp cận người dân.

Các ngài nói: “Hội nghị nên, như một vấn đề cấp bách, đầu tư mạnh mẽ vào các phương tiện truyền thông xã hội cả mới lẫn truyền thống để tiếp cận không gian công cộng như một cách truyền giáo hiệu quả hơn trong thế giới hiện đại của chúng ta”. “Chắc chắn, Giáo hội ở Ghana phải định hướng lại mình cho tính cấp bách của nhiệm vụ này để tiếng nói của Giáo hội được lắng nghe và thông điệp của Giáo hội được công bố trên khắp trái đất”.

Đức Cha Gyamfi cho biết: “Ví dụ, chúng ta phải thảo luận khẩn cấp về cách làm cho Giáo hội và các thừa tác viên của Giáo hội gần gũi và hiện diện hơn về mặt thể chất và tinh thần trong tất cả các cộng đồng ở các trung tâm đô thị”.

Ngài giải thích rằng điều quan trọng là phải mạnh mẽ theo đuổi ý tưởng về các cộng đồng Kitô giáo nhỏ và “biến một số trong số đó thành các giáo xứ”.

Đức Cha Gyamfi nhấn mạnh rằng Giáo hội cần tích cực giảng dạy dân Chúa không trở thành nạn nhân của sự tấn công dữ dội của cái gọi là “Phúc Âm thịnh vượng”, mà ngài nói, “đã thấm vào xã hội Ghana và đang gây ra tác hại to lớn, đặc biệt là những người nghèo, và những người tuyệt vọng”


Source:Crux
 
Thần khẩu hại xác phàm: Nga để lộ vị trí, Ukraine tấn công. Mỹ trao vũ khí vượt lằn ranh đỏ cho Kyiv
VietCatholic Media
17:03 22/11/2023


1. Putin ân xá cho kẻ thờ Satan sau thời gian chiến đấu trong đơn vị Storm-Z của Nga ở Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Pardons Satanist Cannibal Sent to Russia's Storm-Z Unit in Ukraine”, nghĩa là “Putin ân xá cho kẻ thờ Satan từng ăn thịt người sau khi y chiến đấu trong Đơn vị Storm-Z của Nga ở Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một người đàn ông Nga bị kết án hai thập kỷ ngồi tù vì giết bốn sinh viên trong một “nghi lễ” Satan, đã được Putin ân xá để đổi lấy việc ông ta tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine.

Nikolai Ogolobyak, người thú nhận là thành viên của giáo phái Satan, đã bị kết án vào tháng 7 năm 2010 với tội danh giết người, cướp và mạo phạm xác chết. Theo tài liệu của tòa án được trích dẫn bởi ấn phẩm 76.ru của Nga, các thành viên của giáo phái này đã mổ bụng các thiếu niên, chiên và ăn nội tạng của 4 nạn nhân tại căn nhà của Ogolobyak vào năm 2008.

Nga được cho là đã tuyển dụng rộng rãi từ các nhà tù trong nhiều tháng nhằm hỗ trợ các nỗ lực chiến tranh ở nước láng giềng Ukraine. Bộ Quốc phòng Anh hồi tháng 5 cho biết quân đội Nga đã “tăng cường” tuyển dụng tù nhân trong năm nay, nhưng nỗ lực này không theo kịp tỷ lệ thương vong ở Ukraine.

Cha của Ogolobyak nói với hãng tin này rằng Ogolobyak đã phục vụ trong sáu tháng với đơn vị “Storm Z” khét tiếng của Nga, là đơn vị mà Nga đã sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công trên tiền tuyến ở Ukraine. Ogolobyak hiện đang ở quê nhà ở thành phố Yaroslavl trong khu vực Mạc Tư Khoa.

“Điều này đúng. Con tôi đã phục vụ ở đó sáu tháng trong Storm Z. Sau khi bị thương, Ogolobyak bị tàn tật. Cháu đang đi lại được, nhưng vết thương rất nghiêm trọng”, cha của Ogolobyak nói và nói thêm rằng anh ta khó có thể được đưa đến chiến đấu ở Ukraine một lần nữa do vết thương của anh ta.

Cha của Ogolobyak cho biết anh trở về từ Ukraine vào ngày 2/11 và hiện đang sống với mẹ.

Giáo phái mà Ogolobyak thuộc về được thành lập vào năm 2006 bởi Konstantin Klyk Baranov khi đó mới 15 tuổi. Các thành viên đã thực hiện “nghi lễ đẫm máu” trong nhiều năm, giết chó mèo để hiến tế và dùng máu của chúng để kết nạp thành viên mới.

Mùa hè năm 2008, 8 thành viên đã sát hại và chặt xác 4 sinh viên đại học Yaroslavl.

Các bị cáo nhận mức án từ 8 đến 20 năm tù. Ogolobyak bị kết án 20 năm trong một nhà tù hình sự có an ninh tối đa.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Tin tức này được đưa ra sau khi Điện Cẩm Linh nhận được phản ứng dữ dội về việc Putin ân xá cho Vladislav Kanyus, một người đàn ông bị kết tội sát hại bạn gái cũ 23 tuổi của mình. Anh ta bị kết án 17 năm vào tháng 7 năm ngoái trong một nhà tù an ninh tối đa vì vụ sát hại Vera Pekhteleva ở Kemerovo, Siberia, vào năm 2020.

Thư ký báo chí Điện Cẩm Linh, ông Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm 10/11 rằng các tù nhân “chuộc lại những tội ác của họ trên chiến trường, trong các lữ đoàn xung kích, dưới làn đạn, dưới đạn pháo”.

Mẹ của người phụ nữ bị sát hại cho biết vào tháng 6 rằng bà biết Kanyus đã đến Ukraine để chiến đấu. Vào ngày 8 tháng 11, nhà hoạt động nhân quyền Alena Popova cho biết Putin đã ra lệnh ân xá cho Kanyus.

Theo Agentstvo, một trang điều tra của Nga ra mắt vào năm 2021, ít nhất 17 người phạm tội giết người nghiêm trọng — bao gồm cả Kanyus — đã được ân xá để chiến đấu ở Ukraine vào năm 2022 và 2023. Ukraine, và một số đã phạm nhân đã sống sót và quay trở lại Nga.

2. Thần khẩu hại xác phàm: Ham nói, quan chức Nga chỉ chỗ cho quân Ukraine tấn công quân Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Ally Thanked for 'Tip' Exposing Russian Troops' Positions”, nghĩa là “Đồng minh của Putin được tri ân vì 'chỉ dẫn' tiết lộ vị trí của quân đội Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một nhà báo Ukraine đã cảm ơn một đồng minh của Tổng thống Vladimir Putin vì đã vô tình mách nước làm lộ vị trí của quân đội Nga ở miền đông Ukraine.

Cố vấn của Thống đốc vùng Oryol của Nga, Sergei Lezhnev, đã công bố những bức ảnh và video vào ngày 14 tháng 11 về một địa điểm nơi “viện trợ nhân đạo” mà thực chất là vũ khí đang được dỡ xuống ở thành phố Kreminna, vùng Luhansk của Ukraine bị tạm chiếm một phần. Ngày hôm sau, khu vực này đã bị Lực lượng vũ trang Ukraine tấn công.

Kyiv vào đầu tháng 6 đã khởi động một chiến dịch được lên kế hoạch lâu dài nhằm chiếm lại các khu vực bị Nga tạm chiếm, bao gồm các khu vực Luhansk và Donetsk ở miền đông Ukraine, Kherson và Zaporizhzhia. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cũng tuyên bố sẽ chiếm lại Crimea, bán đảo Hắc Hải đã được Putin sáp nhập vào năm 2014.

“Sergey Lezhnev, cảm ơn bạn vì lời khuyên,” nhà báo Ukraine Alexey Artyukh cho biết.

Nhật báo Kommersant đưa tin Lezhnev cũng bị các cơ quan truyền thông Nga chỉ trích vì nói quá nhiều trong khi thi hành các chức vụ của mình, trong đó một số người cáo buộc cố vấn của thống đốc khu vực “tiết lộ địa điểm” của Lực lượng Vũ trang Nga và bị cáo buộc gây hứng khởi lực lượng Ukraine tấn công khu vực. Cơ quan truyền thông này lưu ý rằng Lezhnev đăng các báo cáo bằng hình ảnh và video về việc giao hàng trên kênh của mình hầu như hàng ngày.

Tờ báo dẫn lời Lezhnev bác bỏ cáo buộc rằng ông đã tiết lộ vị trí của quân đội Nga thông qua các bài đăng của mình trên Telegram, mặc dù ông thừa nhận rằng ông thường xuyên đăng ảnh.

“Những ai xem kênh của tôi đều biết rằng chúng tôi cung cấp viện trợ nhân đạo cho khu vực Kreminna. Chúng tôi phân phối nước, rau, bếp từ xe tải ngay trên đường, trên một con đường thông thường nối liền một số thành phố”, ông nói.

“Và nơi họ bắn vào là khu vực hoạt động quân sự đặc biệt, làm sao có thể khác được. Có một cuộc chiến thực sự đang diễn ra ở đó”, cố vấn nói.

Phóng viên quân sự Nga Alexander Kots cho biết rằng quân đội Ukraine có thể sử dụng những hình ảnh này để làm lợi thế cho họ. Kots cho biết anh ngay lập tức nhận ra trong bài đăng của Lezhnev một trạm xăng quen thuộc nằm trước trạm kiểm soát ở lối vào Kreminna.

“Đối phương cũng nhìn thấy nó, vì hắn đã ở đây. Mọi thứ ở đây đều quen thuộc với hắn ta. Đó là lý do tại sao hắn ta tấn công vào tọa độ quen thuộc để cầu may”, Kots nói.

Kots cho biết quân đội và dân thường Ukraine tham gia các mạng xã hội rất có ý thức kiểm “trên cơ sở tự nguyện”.

Ông nói thêm: “Họ sàng lọc một lượng thông tin khổng lồ mỗi ngày để tìm kiếm những con mồi dễ dàng”.

3. Hoa Kỳ sẽ viện trợ cho Ukraine một vũ khí mới có thể vượt qua 'lằn ranh đỏ' của Putin

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine's New Weapon Could Cross Putin's 'Red Line'“, nghĩa là “Vũ khí mới của Ukraine có thể vượt qua 'lằn ranh đỏ' của Putin.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao, gọi tắt là HIMARS, mới do Mỹ cung cấp dự kiến được gửi tới Ukraine có thể bao gồm một bản sửa đổi vượt qua “lằn ranh đỏ” của Putin.

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hôm thứ Hai thông báo rằng Ukraine sẽ nhận được một HIMARS mới “và đạn dược bổ sung” như một phần của gói viện trợ trị giá 100 triệu Mỹ Kim bao gồm hỏa tiễn phòng không, đạn pháo và thiết bị chống thời tiết lạnh.

Một thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nêu rõ rằng viện trợ sẽ giúp cung cấp cho Ukraine “khả năng cần thiết để tự vệ ngay bây giờ và ngăn chặn sự xâm lược của Nga trong tương lai”, và gọi động thái này là “một khoản đầu tư thông minh”.

Một báo cáo từ Militarnyi suy đoán rằng chỉ một HIMARS được gửi đi có thể cho thấy rằng nó sẽ bao gồm một “sửa đổi độc đáo” cho phép nó bắn vũ khí tầm xa. Putin đã nhiều lần cảnh báo Mỹ và các đồng minh không được gửi vũ khí tầm xa cho Ukraine.

Theo Militarnyi, các vũ khí do Mỹ sản xuất có thể được bắn bằng HIMARS được sửa đổi để sử dụng tầm xa, có khả năng bao gồm Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất, gọi tắt là GLSDB và hỏa tiễn tầm xa dành cho hệ thống hỏa tiễn chiến thuật lục quân, gọi tắt là ATACMS.

Năm ngoái, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo rằng “nếu Washington quyết định cung cấp hỏa tiễn tầm xa cho Kyiv, nước này sẽ vượt qua ranh giới đỏ và trở thành bên trực tiếp tham gia cuộc xung đột”.

Mỹ đã gửi GLSDB và ATACMS cho Ukraine trong năm nay, trong khi các đồng minh cũng đã vượt qua ranh giới được Bộ Ngoại Giao Nga mô tả. Mặc dù vậy, Nga vẫn chưa thực hiện được những lời đe dọa của mình.

Vào Tháng Giêng, một ngày sau khi Mỹ tuyên bố sẽ gửi GLSDB cho Ukraine, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói rằng loại vũ khí này - có khả năng cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu ở Nga - là “cực kỳ nguy hiểm” và sẽ đưa “cuộc xung đột sang một giai đoạn hoàn toàn mới với một mức độ độ.”

Sau khi chính phủ Anh thông báo sẽ gửi hỏa tiễn tầm xa “Storm Shadow” cho Ukraine vào tháng 5, Peskov nói rằng Điện Cẩm Linh nhìn nhận sự phát triển này “rất tiêu cực” và đe dọa “sẽ có phản ứng thích đáng từ quân đội của chúng tôi”.

Mỹ đã đồng ý cung cấp ATACMS cho Ukraine vào tháng 9. Putin thừa nhận rằng các hệ thống này đặt ra “mối đe dọa bổ sung” cho Nga, đồng thời nhấn mạnh rằng lực lượng của Mạc Tư Khoa sẽ “có thể đẩy lùi” các cuộc tấn công liên quan. Ông cũng cảnh báo Mỹ đã phạm “sai lầm” và gây ra đau khổ cho Ukraine.

Putin nói: “Không có gì tốt cho Ukraine theo nghĩa này cả - nó chỉ đơn giản là kéo dài nỗi đau đớn mà thôi”. “Sai lầm có bản chất lớn hơn, vô hình hơn cho đến nay… là Hoa Kỳ ngày càng bị lôi kéo vào cuộc xung đột này”.

Mặc dù hỏa tiễn ATACMS có tầm bắn tối đa hơn 280 dặm nhưng biến thể của hệ thống mà Mỹ gửi tới Ukraine được tường trình là trang bị đạn chùm chỉ giới hạn trong phạm vi 100 dặm.

4. Căng thẳng dâng cao khi Trung Quốc làm bị thương người nhái hải quân Úc

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “China Denies Injuring Australian Navy Divers With Sonar”, nghĩa là “Trung Quốc phủ nhận việc làm bị thương người nhái hải quân Úc bằng sóng siêu âm.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Trung Quốc bác bỏ khiếu nại của chính phủ Australia hôm thứ Tư sau một báo cáo chính thức cho biết các thợ lặn của Hải quân Hoàng gia Australia đã bị thương do sóng siêu âm của tàu khu trục Trung Quốc trong một sự việc gần đây gần Nhật Bản.

Khinh hạm HMAS Toowoomba của Australia ngày 14/11 đã chạm trán khu trục hạm của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, gọi tắt là PLA, ở vùng biển quốc tế trên Biển Hoa Đông trong lúc tàu Australia đang thực thi các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Hàn.

Richard Marles, Bộ trưởng Quốc phòng ở Canberra, cho biết trong một thông cáo báo chí rằng người nhái trên tàu Toowoomba đã được triển khai để dọn lưới đánh cá khỏi chân vịt của tàu khi tàu chiến Trung Quốc áp sát một cách nguy hiểm và kích hoạt sóng siêu âm cực mạnh, khiến thủy thủ đoàn bị thương nhẹ.

Marles cho biết tàu khu trục Australia đã thiết lập liên lạc với tàu Trung Quốc và gửi cảnh báo về sự hiện diện của người nhái.

Mao Ning, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết PLA có kỷ luật, chuyên nghiệp và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Bà nói trong cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh: “Chúng tôi hy vọng các bên liên quan sẽ ngừng gây rắc rối trước ngưỡng cửa Trung Quốc và hợp tác với Trung Quốc để duy trì động lực cải thiện và phát triển mối quan hệ Trung Quốc-Australia”.

Hoàn cầu Thời báo, tờ báo lá cải diều hâu do Đảng Cộng sản Trung Quốc xuất bản, cho biết hôm Chúa Nhật rằng Australia đang tìm cách “cường điệu hóa lý thuyết 'mối đe dọa Trung Quốc'“.

Tờ báo dẫn lời một nhà phân tích giấu tên cho biết thủy thủ đoàn của tàu khu trục “rất có thể” đã đưa ra cảnh báo bằng lời nói về sự hiện diện của tàu Australia. Nhà phân tích cho biết, tàu Trung Quốc đã buộc phải đưa ra “cảnh báo thông qua sóng siêu âm”.

Mary Jardine-Clarke, một nhà phân tích quốc phòng Australia thuộc công ty tư vấn Greenwich House, chỉ trích phản ứng của Trung Quốc là lảng tránh và thù địch, theo một bài đăng trên LinkedIn. Bà nói, việc Trung Quốc coi thường các chuẩn mực quốc tế sẽ đặt ra câu hỏi về tính liêm chính của nước này trong các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra với Australia và hợp tác khu vực rộng hơn.

Bà nói: “Điều họ thực sự đang nói ở đây là Úc đang gây rắc rối ngay trước cửa nhà Trung Quốc, ngầm ý nói rằng toàn bộ Biển Hoa Đông cũng là lãnh thổ của họ”. “Úc có thể xác nhận một cách an toàn từ phản ứng kinh hoàng và có tính toán này rằng Trung Quốc là đối phương của họ và Trung Quốc không có ý định tôn trọng bất cứ điều gì họ nói.”

Trung Quốc tuyên bố phần lớn Biển Đông là lãnh thổ của mình và đang có tranh chấp với Nhật Bản về quần đảo Senkaku do Tokyo quản lý, mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy đây là nơi Toowoomba hoạt động vào thời điểm xảy ra sự việc tuần trước.

Tiết lộ của Canberra được đưa ra ngay sau khi Anthony Albanese trở thành thủ tướng Australia đầu tiên đến thăm Bắc Kinh kể từ năm 2016. Chuyến đi của ông được coi là thành công; Albanese lưu ý việc dỡ bỏ các hạn chế hải quan của Trung Quốc đối với hàng hóa Australia – một hình phạt không chính thức sau khi người tiền nhiệm của ông, cựu Thủ tướng Scott Morrison, kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của Covid-19.

“Tại sao chúng ta lại ủng hộ quốc gia đối phương ngoài vòng pháp luật này? Đây không phải là một trò chơi ngoại giao có thể thắng. Thương mại quốc tế và an toàn sinh mạng trên biển phải được bảo vệ trong bối cảnh luật pháp quốc tế mà không bị can thiệp”, Jardine-Clarke viết hôm thứ Ba.

Tình tiết mới nhất này tiếp nối một sự việc trước đó vào tháng 6 năm ngoái, khi một chiến đấu cơ của Trung Quốc được cho là đã thực hiện một động tác nguy hiểm gần một tàu tuần tra của Úc trên Biển Đông, làm rơi ra bụi có chứa kim loại bị hút vào động cơ của máy bay kia.

Hoa Kỳ đã báo cáo hơn 180 vụ máy bay Trung Quốc chặn máy bay quân sự Mỹ một cách thiếu chuyên nghiệp trong hai năm qua. Những sự việc này, cùng với những sự việc khác được Canada và Phi Luật Tân ghi nhận, làm nổi bật mối lo ngại ngày càng tăng về tương tác quân sự với lực lượng Trung Quốc trong khu vực và khả năng xảy ra một tính toán sai lầm chết người.

Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Đô đốc Samuel Paparo, gần đây cho biết những sự kiện như vậy cho thấy Trung Quốc đang “hoạt động theo logic của sức mạnh quân sự”.

Paparo nói: “Họ muốn tạo ra những tình huống căng thẳng, không thoải mái với hy vọng rằng các lực lượng của Mỹ và đối tác sẽ rời khỏi không gian mà mọi lực lượng đều có quyền ở đó”.

5. Zelenskiy cho rằng người Ukraine có 'mọi quyền' để thanh lý Putin khi có cơ hội

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Has 'Every Right' To Kill Putin Given the Opportunity: Zelensky”, nghĩa là “Zelenskiy cho rằng người Ukraine có 'mọi quyền' để thanh lý Putin khi có cơ hội.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói rằng đất nước của ông có mọi quyền giết Vladimir Putin nếu có cơ hội, vì nếu làm như vậy sẽ bảo vệ Ukraine và người dân của ông.

Zelenskiy đưa ra nhận xét này trong một cuộc phỏng vấn rộng rãi với The Sun ở Kyiv, khi nói với tờ báo rằng ông đã không nhớ số lần Mạc Tư Khoa đã cố gắng ám sát ông kể từ khi Putin phát động một cuộc xâm lược toàn diện vào đất nước của ông vào tháng 2 năm 2022.

“Đó là chiến tranh, và Ukraine có mọi quyền để bảo vệ đất đai của chúng tôi”, nhà lãnh đạo Ukraine nói khi được hỏi liệu Kyiv có tận dụng cơ hội để ám sát Putin nếu có cơ hội như vậy hay không.

Điện Cẩm Linh đáp lại phát biểu của Zelenskiy hôm thứ Ba rằng Ukraine đã nhiều lần cố gắng ám sát Putin bằng lời nói trước đây.

“Đã nhiều lần có những nỗ lực bằng lời nói nhằm vào mạng sống của Putin từ Ukraine. Ở nhiều cấp độ khác nhau. Chúng tôi nhận thức rõ về điều này. Và họ sẽ không thành công trong bất cứ cố gắng nào”, phát ngôn nhân của Putin, Dmitry Peskov nói với các phóng viên.

Ông Peskov nói: “Chúng tôi tin chắc rằng tất cả các mục tiêu và mục đích của hoạt động quân sự đặc biệt sẽ đạt được”.

Zelenskiy cho biết Nga vẫn “rất muốn” lật đổ ông khỏi quyền lực và Mạc Tư Khoa có thời hạn để thực hiện điều đó là vào cuối năm 2024.

“Tên của chiến dịch là Maidan 3. Mục đích của nó là thay đổi tổng thống. Có lẽ không phải bằng cách giết chóc. Ý tôi là họ muốn thay đổi. Họ sẽ sử dụng bất kỳ công cụ nào họ có”, Tổng thống Ukraine nói.

“Đó là ý tưởng, đến cuối năm. Họ thậm chí còn đặt tên cho hoạt động này. Nhưng bạn thấy đấy, chúng tôi vẫn tồn tại được.”

Chỉ vài tháng sau cuộc chiến, vào tháng 5 năm 2022, cố vấn tổng thống Ukraine Mikhail Podolyak tuyên bố rằng Zelenskiy đã sống sót sau hàng chục vụ ám sát kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga.

“Các đối tác nước ngoài của chúng tôi đang nói về hai hoặc ba mưu toan. Tôi tin rằng đã có hơn chục nỗ lực như vậy”, ông nói với hãng tin Ukraine Ukrainska Pravda.

“ Bởi vì chúng tôi liên tục có thông tin hoạt động rằng có một số nhóm phá hoại và tình báo, gọi tắt là DRG, muốn vào khu vực chính phủ.”

“Chúng tôi có một mạng lưới tình báo và phản gián rất mạnh mẽ, họ theo dõi tất cả và tất cả các DRG này đã bị thanh lý trên đường đi.”

Ông nói: “Có nghĩa là, chúng tôi hiểu tất cả các kế hoạch và hoạt động phản gián của chúng tôi đối với chúng”.

“Từ quan điểm bảo mật, tôi không thể nói về một số điều. Những rủi ro này chưa biến mất đâu”, Podolyak nói. “Tình báo phương Tây đã đúng khi nói rằng mục tiêu chính của Putin là ông Zelenskiy khi tấn công khu nhà chính phủ và cố gắng giết người quản lý chủ chốt của đất nước.”

Zelenskiy nói với The Sun rằng nỗ lực đầu tiên trong đời của ông “rất thú vị”.

“Sau đó, nó giống như Covid vậy. Trước hết mọi người không biết phải làm gì với nó và nó trông rất đáng sợ. Và sau đó, chỉ là thông tin tình báo chia sẻ với bạn chi tiết rằng có thêm một nhóm nữa đến Ukraine để cố gắng làm việc này nhưng thất bại rồi.”

6. Người lính Nga bị mất mắt trong chiến tranh cầu xin Putin đừng gửi anh ta quay lại Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Soldier Who Lost Eye in War Begs Putin Not to Send Him Back”, nghĩa là “Người lính Nga bị mất mắt trong chiến tranh cầu xin Putin đừng gửi anh ta quay lại Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một binh sĩ Nga bị chấn thương mắt nghiêm trọng khi chiến đấu ở Ukraine mới đây đã công bố một đoạn video trong đó anh cho biết bộ chỉ huy quân sự Mạc Tư Khoa đã ra lệnh cho anh quay trở lại cuộc chiến.

Trong video của mình, người lính này đã đích thân cầu xin Putin đảo ngược mệnh lệnh.

Đoạn clip được chia sẻ lên X vào thứ Hai bởi WarTranslation, một dự án truyền thông độc lập chuyên dịch các tài liệu về cuộc chiến Nga-Ukraine sang tiếng Anh.

WarTranslation thường xuyên đăng tải video binh lính Nga bày tỏ sự bất bình với Putin hoặc các nhà lãnh đạo quân sự Nga. Hôm thứ Bảy, tài khoản X của WarTranslation đã chia sẻ một đoạn video được cho là quay cảnh những người lính Nga khỏa thân bị buộc phải ở trong hố vì họ không chịu chiến đấu. Cuối tháng 6, phương tiện truyền thông này đã chia sẻ đoạn video quay cảnh một đại đội Storm-Z của quân đội Nga cho biết họ sẽ không quay trở lại cái mà họ gọi là “máy xay thịt” tiền tuyến.

“Một quân nhân trẻ người Nga, người tự nguyện tham gia cuộc chiến ở Ukraine và gần như mất hết tầm nhìn ở Bakhmut, đang nhờ TikTok, YouTube và Vladimir Putin giúp đỡ anh ta vì cấp trên của anh ta muốn gửi anh ta trở lại chiến đấu ở Ukraine, WarTranslation đã viết trong phần chú thích cho clip.

Chú thích thêm: “Anh ta không thực sự bận tâm đâu, chỉ là không còn sức khỏe để làm việc đó nữa”.

“Xin chào, tôi muốn ghi lại lời kêu gọi của mình tới Tổng thống Putin. Tôi là cựu chiến binh của hoạt động quân sự đặc biệt và bị thương rất nặng ở hướng Bakhmut”, người lính nói trong video, theo phụ đề của WarTranslation.

Anh ta nói tiếp: “Tôi bị hai cơn chấn động. Tôi đang ghi lại lời kêu gọi này để được giúp đỡ. Họ muốn tôi quay lại Ukraine. Tôi chỉ có tầm nhìn 30 phần trăm. Chỉ còn lại con mắt bên phải.

“Tôi cần sự giúp đỡ của các bạn vì họ đã chẩn đoán y tế mà không có tôi. Họ đã khám quân y mà không có tôi. Video này là để tôi có thể lên tiếng và ai đó có thể giúp đỡ tôi.”

Người lính không rõ danh tính sau đó ám chỉ đến sự ngược đãi mà anh ta và các cựu chiến binh Nga khác được cho là đã phải đối mặt.

“Tôi thực sự đánh giá cao sự giúp đỡ vì các bạn biết chúng tôi đang ở trạng thái nào. Và cách họ đối xử với chúng tôi, những cựu chiến binh trong các cuộc chiến này ra sao. Làm ơn gửi nó đi khắp mọi nơi, TikTok, YouTube. Tôi cần các bạn giúp. Họ sẽ đưa tôi trở lại Ukraine. Các bạn ơi, tôi không sao đâu, nhưng sức khỏe của tôi rất tệ, tôi không thể nhìn thấy gì cả”.

7. Giữa thời chiến, Nga lại tập trung binh lính Thủy Quân Lục Chiến trong buổi hòa nhạc tại Bộ Tư Lệnh Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Video Shows Moment of HIMARS Strike on Concert at Russian Army HQ”, nghĩa là “Video ghi lại khoảnh khắc HIMARS tấn công trong buổi hòa nhạc tại Bộ Tư Lệnh Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Đoạn phim mới đã ghi lại khoảnh khắc kịch tính trong một cuộc tấn công HIMARS của Ukraine nhằm vào một lễ trao giải của Nga, với hàng chục binh sĩ Nga và một nghệ sĩ biểu diễn người Nga được cho là đã thiệt mạng.

Trong một đoạn clip ngắn được đăng tải bởi một blogger quân sự nổi tiếng của Nga, những người lính Nga đang xem một nữ ca sĩ biểu diễn trên sân khấu trước khi có một tiếng va chạm vang lên. Máy ảnh rung trước khi chuyển sang màu đen.

Đoạn phim sau đó đã được chia sẻ trên mạng xã hội, bao gồm cả các kênh ủng hộ Ukraine.

Các báo cáo địa phương cho biết một số binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công gần thị trấn Starobesheve và làng Kumachove, ở vùng Donetsk gần biên giới với tỉnh Rostov của Nga. Theo các báo cáo, các binh sĩ đã tập trung để tham dự một lễ trao giải nhằm vinh danh Lữ đoàn Thủy quân lục chiến số 810 của Nga nhân Ngày Lực lượng Hỏa tiễn và Pháo binh của Nga. Nga kỷ niệm Ngày Lực lượng Hỏa tiễn và Pháo binh vào ngày 19/11.

Blogger quân sự Nga cho biết, một buổi hòa nhạc, được tổ chức như một phần của lễ trao giải, đã diễn ra cách tiền tuyến khoảng 60 km. Tài khoản này cho biết thêm cuộc tấn công đã giết chết nữ diễn viên người Nga Polina Menshikh, người được nêu tên trong tuyên bố là người biểu diễn trong video. Tờ báo được nhà nước Nga hậu thuẫn, Izvestia, cũng đưa tin Menshikh đã chết trong cuộc tấn công.

Vào ngày 19 tháng 11, hãng tin nhà nước Nga Tass cho biết một phụ nữ đã thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng bệ phóng hỏa tiễn của Ukraine ở Kumachove, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov đã ra lệnh điều tra sau khi có tin Nga tấn công hỏa tiễn vào binh sĩ Ukraine ở khu vực phía nam Zaporizhzhia khi họ đang kỷ niệm Ngày Pháo binh và Lực lượng Hỏa tiễn Kyiv vào ngày 3 tháng 11.

Lữ đoàn tấn công sơn cước biệt lập số 128 của Ukraine cho biết trong một tuyên bố hôm 6/11 rằng 19 binh sĩ của họ đã thiệt mạng. Chính quyền Ukraine ở vùng Zakarpattia, hay Transcarpathian, đã tuyên bố để tang ba ngày vào đầu tháng 11.

Umerov nói: “Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình các binh sĩ đã hy sinh thuộc Lữ đoàn Transcarpathian tấn công sơn cước số 128”.

Trong bài phát biểu buổi tối ngày 5 tháng 11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy gọi cuộc tấn công được báo cáo là một “thảm kịch lẽ ra có thể tránh được”.

Hôm thứ Hai, Robert Brovdi, một binh sĩ Ukraine đứng đầu đơn vị trinh sát trên không Magyar Birds, được đặt tên theo biển hiệu của anh ta, “Magyar”, dường như ám chỉ cuộc tấn công ở Donetsk được cho là nhằm vào binh lính Nga là “sự trả thù cho Lữ Đoàn 128”.

Ukraine đã sử dụng HIMARS, hay Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao do Mỹ cung cấp, kể từ khi chúng đến nước này vào khoảng tháng 6 năm 2022. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, cho đến nay, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine 39 HIMARS và đạn dược liên quan.

8. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến mặt trận tả ngạn sông Dnipro. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy

Ở miền nam Ukraine, giao tranh vẫn tiếp diễn xung quanh làng Krynky, nơi thủy quân lục chiến Ukraine duy trì một đầu cầu ở bờ đông sông Dnipro.

Cuộc giao tranh trên bộ có đặc điểm là các cuộc giao tranh giữa bộ binh không có phương tiện cơ giới yểm trợ, giới tuyến không rõ ràng, và các cuộc trao đổi pháo binh trong địa hình phức tạp, nhiều cây cối.

Ukraine đã sử dụng đặc biệt hiệu quả các máy bay tấn công nhỏ không người lái, trong khi Không quân Nga đang tiến hành một số lượng đáng kể các phi vụ hỗ trợ quân đội tiền tuyến, chủ yếu là phóng đạn từ ngoài phạm vi phòng không của Ukraine.

Cuộc giao tranh xung quanh Krynky có quy mô nhỏ hơn so với một số trận đánh lớn trong chiến tranh nhưng sẽ được các nhà lãnh đạo Nga coi là rất đáng quan ngại.

Nga đã rút khỏi bờ tây sông Dnipro một năm trước, gần như chắc chắn là nhằm mục đích cầm chân lực lượng Ukraine ở phía tây sông, giữ cho khu vực này yên tĩnh và giải phóng lực

9. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định liên quan đến việc Nga phóng hỏa tiễn vào Ukraine trong những ngày này.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Trong khoảng thời gian từ ngày 18 đến ngày 19 tháng 11 năm 2023, Nga đã phóng khoảng 50 máy bay không người lái tấn công một chiều Shahed do Iran thiết kế, chủ yếu hướng tới Kyiv. Chúng được phóng thành từng đợt theo hai trục – từ Kursk về phía đông và từ Krasnodar về phía đông nam.

Một trong những mục tiêu của Nga có thể là làm suy yếu hệ thống phòng không của Ukraine, định hình không gian chiến đấu trước bất kỳ chiến dịch tấn công phối hợp nào vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine vào mùa đông.

Nga hiện đã hạn chế tung ra các hỏa tiễn hành trình phóng từ trên không hàng đầu từ phi đội máy bay ném bom hạng nặng của mình trong gần hai tháng, điều này có thể cho phép nước này tích trữ một lượng lớn vũ khí này.

Nga rất có thể sẽ sử dụng những hỏa tiễn này nếu lặp lại nỗ lực năm ngoái nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng của Ukraine.