Ngày 02-06-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đức Mẹ trọn đời đồng trinh, cuộc bút chiến của Thánh Giêrôm (2)
Vũ Văn An
05:02 02/06/2008
Đức Mẹ trọn đời đồng trinh, cuộc bút chiến của Thánh Giêrôm

13. Điều cuối cùng của Helviđiô là như thế này, và đây là điều hắn muốn chứng minh khi đề cập đến con đầu lòng, các Phúc âm đều có nhắc đến anh em của Chúa. Thí dụ: “Này, mẹ và anh em Ngài đứng bên ngoài, muốn nói chuyện với Ngài” (Mt 13:46). Nơi khác, “Sau đó, Ngài lên đường xuống Capharnaum, cả Ngài, mẹ Ngài và các anh em Ngài” (Ga 2:12). Lại nữa, “Anh em Chúa Giêsu nói với Ngài rằng: Đi khỏi đây đi mà vào Giuđêa để các đồ đệ của anh họ thấy những kỳ công anh làm. Vì không ai muốn nổi danh mà lại hoạt động âm thầm cả. Nếu anh làm những việc ấy, thì hãy tỏ mình ra cho thiên hạ biết” (Ga 7:3-4). Và Gioan thêm: “Vì ngay đến anh em Ngài cũng không tin Ngài” (Ga 7:5). Cả Maccô và Matthêu nữa: “Và trở lại chính quê hương mình, Ngài vào các hội đường giảng dạy, đến nỗi họ ngạc nhiên nói với nhau: ‘Do đâu mà người này khôn ngoan và làm nhiều việc vĩ đại như thế? Ông ta không phải là con của bác phó mộc đấy sao? Má ông ta không phải là Maria đó sao? và các em ông không phải là Giacôbê, Giuse, Simong và Giuđa đó sao? Còn các em gái của ông ấy nữa, há họ không sống với chúng ta đó ư?” (Mc 6:2-3; Mt 13:53-58). Trong Tông Đồ Công Vụ, Luca cũng thuật lại: “Tất cả những người này đồng tâm chuyên chăm cầu nguyện, cùng với các phụ nữ, và Maria thân mẫu của Chúa Giêsu, và các em Ngài” (Cv 1:14). Cả Tông Đồ Phaolô cũng một giọng với họ, và làm chứng cho sự chính xác có tính cách lịch sử của họ: “tôi không gặp tông đồ nào, ngoại trừ Giacôbê, em của Chúa” (Gal 1:19). Và ở một nơi khác: “Há chúng tôi lại không có quyền ăn và uống ư? Không có quyền dẫn theo vợ con giống như các Tông đồ khác, như anh em của Chúa, và như Cephas hay sao?” (1 Cor 9:5). Và sợ rằng không ai nên có chứng cớ của người Do Thái, vì chính từ miệng họ mà ta nghe thấy tên các em của Ngài, nhưng nên chủ trương rằng các đồng bào của Ngài đã bị lầm cũng cùng một cái lầm liên quan đến anh em Ngài, một cái lầm mà họ đã rơi vào liên quan đến người cha, nên Helviđiô đã phải thốt ra lời cảnh cáo sắc bén sau đây: “Cũng cùng những tên ấy đã được Phúc âm gia nhắc lại trong các đoạn khác, và ở đấy những người ấy như thế vẫn là anh em của Chúa và con cái bà Maria”. Matthêu cho hay: “Ở đó (chắc chắn ở nơi Chúa bị đóng đinh), cũng có nhiều phụ nữ khác đứng nhìn từ đàng xa, họ là những người đã theo phục vụ Chúa Giêsu từ Galilêa: trong số ấy có Maria Magdalêna, Maria mẹ Giacôbê và Giôxét, và mẹ các con trai Dêbêđê” (Mt 27:55). Mac-cô cũng có đọan: “Nhưng cũng có mấy phụ nữ đứng xa xa mà nhìn, trong số họ có Maria Magdelêna, Maria mẹ của Giacôbê hậu và mẹ Gioxét, cùng bà Salômê” (Mc 15:40); và liền sau đó không xa: “Và nhiều phụ nữ khác đã cùng lên Giêrusalem với Ngài” (Mc 15:41). Cả Luca nữa: “Có Maria Mađalêna, và Gioana, và Maria mẹ Giacôbê, và nhiều phụ nữ khác với họ” (Lc 24:10)

14. Lý do khiến tôi phải lặp đi lặp lại nhiều lần cùng một chuyện giống nhau là để ngăn ngừa hắn khỏi nêu ra những vấn đề không đúng sự thật và hô hoán lên là tôi cố ý giữ lại những đoạn có lợi cho hắn, và rằng quan điểm của hắn đã không bị đánh bại do bằng chứng của Thánh Kinh, nhưng là qua lý lẽ trốn tránh. Hắn bảo: hãy coi Giacôbê và Giôxét rõ ràng là con của Maria, mà họ chính là những người được người Do Thái gọi là anh em của Chúa Giêsu. Hãy coi Maria rõ ràng là mẹ của Giacobê hậu và Giôxét. Và Giacôbê được gọi là Giacôbê hậu để phân biệt với Giacôbê tiền là con trai của Dêbêđê, như Mac-cô đã nói ở nơi khác: “Và Maria Mađalêna và Maria mẹ Giôxét nhìn vào nơi Ngài được chôn cất. Và khi ngày Sabát đã qua, họ đi mua thuốc thơm để đến ướp xác Ngài” (Mc 15:47, 16:1). Và, hệt như điều mong đợi, hắn nói rằng: “Thật là một cái nhìn nghèo nàn và vô đạo xiết bao về Maria, khi chủ trương rằng trong khi những người đàn bà khác quan tâm đến việc chôn cất Chúa Giêsu, thì mẹ Ngài lại vắng mặt; hoặc khi tạo ra một bà Maria thứ hai; và còn hơn thế nữa, vì Phúc âm Gioan làm chứng rõ là bà có mặt ở đó, khi Chúa, từ trên thánh giá, trao phó bà, vốn là mẹ Ngài và nay trở thành quả phụ, cho Gioan chăm sóc. Hay là ta phải giả thiết là các Phúc âm gia lầm lẫn và khiến ta lầm lẫn đến độ gọi Maria là mẹ của những người được người Do-Thái biết đến như là anh em của Chúa Giêsu?”

15. Quả là tối tăm, quả là điên khùng tự lao mình xuống hố tự diệt! Ngươi nói rằng mẹ của Chúa có mặt bên thánh giá, ngươi nói rằng bà được trối trăng cho môn đệ Gioan vì thân phận quả phụ và đơn côi của bà: như thể, bà không có bốn con trai, và hàng tá con gái, như ngươi vốn trình bầy trước đây, những người mà bà có thể cậy nhờ sao? Ngươi còn dùng cả chữ quả phụ để chỉ về bà trong khi Thánh Kinh không hề dùng từ ngữ ấy. Và dù ngươi đã trích hết các đoạn Phúc Âm, nhưng duy có đoạn của Gioan là ngươi không thích. Ngươi nói qua loa rằng bà có mặt bên thánh giá, điều mà rõ ràng ngươi không cố ý bỏ qua, nhưng ngươi lại bỏ qua không nhắc đến những người đàn bà khác cũng có mặt bên thánh giá với bà. Ta sẵn sàng bỏ qua nếu người dốt nát, nhưng thực ra ta thấy ngươi có lý do để không nhắc đến họ. Để ta nhắc lại điều Gioan nói: “Đứng bên thánh giá của Chúa Giêsu có mẹ Ngài, chị mẹ Ngài, là Maria vợ Clopas, và Maria Mađalêna” (Ga 19:25). Không ai còn hồ nghi là có hai tông đồ được gọi là Giacôbê, Giacôbê con Giêbêđê, và Giacôbê con Alphêô. Ngươi có ý coi ông Giacôbê hậu, người ít được biết đến, mà trong Sách Thánh gọi là con của Maria, tuy không phải là Maria mẹ Chúa Giêsu, là một Tông đồ hay không? Nếu ông là một tông đồ, hẳn ông phải là con trai của Alphêô và một người tin vào Chúa Giêsu, “vì cả đến anh em Ngài cũng không tin Ngài”. Nếu ông không phải là tông đồ, nhưng là một Giacôbê thứ ba (ông là ai tôi không nói được), làm sao có thể coi ông là em trai của Chúa Giêsu, và làm sao, là người thứ ba, lại được gọi là ông hậu để phân biệt với ông tiền, khi tiền và hậu được dùng để chỉ các mối liên hệ giữa không phải ba mà là hai người? Mặt khác nên để ý điều này nguời anh em của Chúa là một tông đồ, như Phaolô đã nói: “Rồi sau ba năm, tôi lên Giêrusalem để thăm Cephas, và nấn ná ở lại với ông 15 ngày. Còn các tông đồ khác tôi không gặp được ai, ngoại trừ Giacôbê, người anh em của Chúa” (Gal 1:18-19). Và cùng trong Thư ấy: “Vậy khi nhận ra ân huệ Thiên Chúa đã ban cho tôi, các ông Giacôbê, Kêpha và Gioan, những người được coi là cột trụ” (Gal 2:9) v.v... Và có thể là ngươi sẽ không chịu coi ông Giacôbê này là con của Giêbêđê, thì ngươi chỉ cần đọc Tông Đồ Công Vụ là sẽ thấy ông Giacôbê đó bị Hêrod hãm hại. Kết luận duy nhất chỉ có thể là bà Maria được miêu tả như là mẹ của Giacôbê hậu chính là vợ của Alphêô và là chị của Maria mẹ Chúa Giêsu, người mà Phúc âm gia Gioan gọi là “Maria Clopas”, có thể gọi theo tên cha, hay tên một thân nhân nào khác, hay vì một lý do nào khác. Nhưng nếu ngươi nghĩ đó là hai người khác nhau vì có nơi thì đọc là “Maria mẹ Giacôbê hậu” có nơi lại là “Maria Clopas”, thì người phải hiểu là trong Sách Thánh một cá nhân thường vẫn mang nhiều tên. Như Raguel, cha vợ của Mô-sen, cũng có tên là Jethro. Gedeon, chả có lý do nào để đổi tên, tự dưng được kêu là Jerubbaal. Ozias, Vua Giuđa, cũng có một tên khác là Azarias. Núi Tabor cũng được gọi là Itabyrium. Còn Hermon được người Phê-ni-xi gọi là Sanior, nhưng người Amorites lại gọi là Sanir. Cùng một giải đất được kêu bằng ba tên khác nhau trong sách Ezekiel đó là Negeb, Teman và Darom. Phêrô lúc được gọi là Simon, lúc được gọi là Cephas. Giuđa theo phe Nhiệt thành trong một Phúc âm khác được gọi là Ta-đê-ô. Và còn nhiều thí dụ khác mà người đọc có thể tự tìm ra từ khắp các phần của Sách Thánh.

16. Giờ đây chúng tôi xin giải thích ở đây điều mà tôi muốn chứng minh, là làm thế nào những người con trai của Maria, chị mẹ Chúa Giêsu, những người tuy trước đây không tin nhưng sau này đã tin, lại được gọi là anh em của Chúa. Rất có thể có trường hợp một trong những người anh em đó đã tin ngay từ trước trong khi những người khác thì mãi sau này mới tin, và cũng có thể một Maria là mẹ của Giacôbê và Giôxét, tức “Maria Clopas”, vợ của Alphêô, còn Maria kia là mẹ của Giacôbê hậu. Dù sao, nếu bà sau là mẹ của Chúa Giêsu, thì thánh Gioan hẳn đã gán cho bà tước hiệu ấy rồi, cũng như ở những đoạn văn khác, chứ đâu có kêu bà là mẹ của những người con trai khác khiến người ta phải lẫn lộn. Nhưng ở giai đoạn này, tôi chưa muốn xác định hay phủ nhận cái giả thiết cho rằng Maria vợ Clopas và Maria mẹ của Giacôbê và Giôxét là hai người đàn bà khác nhau, miễn là ta phải hiểu rõ ràng rằng Maria mẹ Giacôbê và Giôxét không phải là một với mẹ Chúa Giêsu. Helviđiô sẽ nói: như vậy phải chăng các anh sẽ cho rằng những người được gọi là anh em của Chúa thực ra không phải là anh em của Ngài sao? Đúng vậy, ta sẽ chứng minh điều ấy cho ngươi hay. Trong Thánh Kinh, có bốn loại anh em: anh em tự nhiên, anh em do chủng tộc, anh em thân thích (kindred), anh em kết nghĩa (love). Anh em tự nhiên như trường hợp Esau và Giacóp, 12 tổ phụ Do-Thái, Anđrê và Phêrô, Giacôbê và Gioan. Anh em do chủng tộc, mọi người Do-Thái đều được gọi là anh em đối với nhau, như trong sách Đệ Nhị Luật: “Nếu anh em ngươi, một người đàn ông Do-Thái, hay một người đàn bà Do-Thái, bị bán vào tay ngươi và đã phục vụ ngươi đủ sáu năm; thì đến năm thứ bẩy, ngươi phải trả tự do cho họ” (Đnl 15:12). Cũng trong sách ấy: “Ngươi sẽ đặt người mà Chúa sẽ chọn lên làm vua trên ngươi: ngươi sẽ đặt một người trong hàng anh em ngươi lên làm vua trên ngươi; ngươikhông được đặt bất cứ ngoại nhân nào, vốn không phải là anh em ngươi, lên làm vua ngươi” (Đnl 17:15). Lại nữa: “Ngươi không được thấy con bò hoặc con chiên của anh em ngươi đi lạc mà bỏ mặc làm ngơ: trái lại phải làm sao đưa chúng về cho anh em ngươi. Còn nếu anh em ngươi không ở gần ngươi, hoặc ngươi không biết họ, thì ngươi phải đem chúng về nhà ngươi, giữ chúng ở đó cho đến khi anh em ngươi đi kiếm chúng, lúc đó ngươi phải hoàn chúng lại cho họ” (Đnl 22:1-2). Còn Tông Đồ Phaolô thì viết như sau: “Tôi mong bị Chúa Kitô nguyền rủa vì anh em tôi, những người máu huyết vốn là người Do Thái của tôi” (Rm 9: 3-4). Hơn nữa, còn có thứ anh em thân thích nữa, những người cùng một dòng tộc mà ra, một patria, tương đương với từ Latinh paternitas, nghĩa là do cùng một gốc mà có những chi tộc khác nhau. Trong sách Sáng Thế, ta thấy: “Abram nói với Lót: cậu xin cháu, giữa cậu và cháu, giữa những người chăn chiên của cậu và những người chăn chiên của cháu, đừng bao giờ tranh chấp làm chi; vì cậu cháu mình đều là anh em với nhau cả” (St 13:8). Lại nữa: “Thế là Lót chọn cho mình trọn bình nguyên Gióc-đăng và đi về phía Đông: và họ chia tay nhau với người anh em mình” (St 13:11). Chắc chắn Lót không phải là anh em của Abram, mà là con của người em Abram, tên là Aram. Vì Terah sinh ra Abram, Nahor và Aram, và Aram sinh ra Lót. Chúng ta còn đọc thấy rằng: “Abram bẩy mươi lăm tuổi khi rời khỏi Hatan. Ông mang theo Sarai là vợ và Lót, con trai của em ông” (St 12:5). Nhưng nếu ngươi còn hồ nghi việc cháu mà được gọi là anh em, thì ta sẽ cho ngươi một thí dụ. “Và khi Abram nghe tin anh em mình bị bắt cầm tù, ông bèn dẫn theo những người đàn ông thiện chiến, vốn sinh trong nhà ông, hết thẩy khỏang ba trăm tám mươi người” (St 14:14). Và sau khi diễn tả cuộc tấn công và sát hại trong đêm, soạn giả Sáng Thế thêm, “và ông mang về mọi chiến lợi phẩm và cả em ông là Lót nữa” (St 14:16). Chứng cớ cho lời khẳng định của ta tưởng thế đã là đủ rồi. Nhưng sợ ngươi vẫn còn cố cãi cối cãi chày, để ráng bò thoát thân như loài rắn, ta đành phải cột cứng ngươi lại bằng những sợi thừng chứng cớ để ngươi khỏi cựa quậy kêu ca, vì ta biết rõ ngươi sẽ cho rằng ngươi bị đánh bại không phải bằng sự thật Thánh Kinh mà bằng những biện luận tế vi. Giacóp, con trai Isaac và Rêbecca, vì sợ mưu toan của anh, nên đã trốn đi Lưỡng Hà, đến gần và lăn hòn đá khỏi miệng giếng, đoạn cho đoàn vật của Laban uống nước, Laban là em trai mẹ ông. “Đoạn Giacóp hôn Rachel, và cất tiếng nói mà khóc. Giacóp nói với Rachel rằng mình là anh em của cha nàng, và mình là con trai của Rêbecca” (St 29:11-12). Đây là một thí dụ khác của điều đã nói trên kia theo đó cháu được gọi là anh em. Lại nữa: “Laban nói với Giacóp: vì cháu là anh em ta, chả lẽ cháu lại giúp ta không công? Hãy cho cậu hay cháu lấy tiền công ra sao” (ST 29:15). Và rồi 20 năm sau, không để cha vợ hay, ông đã cùng vợ con lên đường trở lại quê cha. Khi Laban chận ông lại trên núi Gilead, và không tìm ra những bức tượng bị Rachel dấu trong hành lý, Giacóp đã thưa với Laban như sau: “Tôi làm gì quấy, tôi có tội tình chi, mà cha lại săn đuổi theo tôi. Lục lọi tất cả đồ đạc của con, cho có tìm được đồ đạc gì của nhà cha không? Cha cứ đưa ra đây trước mặt anh em con và anh em cha, để họ phân xử cho hai bên” (St 31:37). Ngươi hãy cho ta hay ai là anh em của Giacóp và Laban đang hiện diện tại đó? Esau, anh của Giacóp, chắc chắn không có ở đó rồi, còn Laban, con của Bethuel, thì làm gì có anh em trai, ngoại trừ người em gái là Rêbecca.

17. Còn man vàn những thí dụ khác giống như thế trong Sách Thánh. Tuy nhiên, để vắn gọn, tôi xin trở lại loại cuối cùng trong bốn loại anh em, tức là anh em do yêu thương âu yếm mà gọi vậy. Loại này lại chia làm hai, một do liên hệ thiêng liêng, một do liên hệ chung chung. Tôi nói thiêng liêng, vì mọi Kitô hữu chúng ta đều được gọi là anh em, như trong câu: “Tốt lành và vui sung sướng xiết bao khi anh em đoàn kết với nhau” (Tv 133:1). Và trong một Thánh vịnh khác, Đấng Cứu Thế nói: “Ta sẽ tuyên xưng danh ngươi cho anh em ta” (Tv 22:23). Và chỗ khác: “Hãy đi gặp anh em ta mà nói với họ” (Mt 28:10). Còn chung chung, là vì chúng ta hết thẩy đều là con một Cha, như thể có một sợi dây huynh đệ giữa tất cả chúng ta. Đấng tiên tri đã nói: “Hãy nói với những kẻ ghét các ngươi rằng: các vị đều là anh em của chúng tôi”. Còn Tông Đồ Phaolô, trong thư Côrintô, viết như sau: “Đừng đi lại với kẻ nào mang danh là người anh em mà cứ dâm đãng, tham lam, thờ ngẫu tượng, quen chửi bới, say sưa rượu chè hoặc trộm cắp; anh em cũng phải tránh đừng ăn uống với những người như thế” (1 Cr 5:11). Vậy ta hỏi ngươi, ngươi coi những người anh em của Chúa trong Phúc âm thuộc loại anh em nào. Ngươi hẳn sẽ nói: là anh em tự nhiên. Nhưng Thánh Kinh đâu có nói như vậy; vì Thánh Kinh đâu có gọi họ là con của Maria hoặc con của Giuse. Liệu có nên coi họ là anh em do chủng tộc không? Nhưng thật là vô lý nếu cho rằng chỉ có một số ít người Do Thái được gọi là anh em của Ngài trong khi đáng lý ra người Do-Thái nào thời Ngài cũng phải được gọi là anh em của Ngài mới đúng chứ? Vậy có phải họ là anh em do sự thân mật gần gũi và sự đồng tâm nhất trí hay không? Nếu như vậy, còn ai thực sự là anh em của Ngài hơn các Tông đồ là những người được Ngài giáo huấn riêng và gọi là Mẹ Ngài và anh em Ngài? Lại nữa, nếu mọi người đều là anh em của Ngài, thì quả là rồ dại khi thông báo một cách đặc biệt rằng “Kìa, anh em Thầy đang kiếm Thầy đấy” (MT 12:47), vì ai cũng đáng được gọi bằng tước hiệu ấy. Chỉ còn mỗi cách là chấp nhận lối giải thích trên đây nghĩa là hiểu anh em theo nghĩa anh em thân thích (anh em họ), chứ không phải anh em do yêu thương, do kết nghĩa, cũng không phải anh em cùng chủng tộc, càng không phải anh em tự nhiên (anh em ruột). Giống như trường hợp Lot được gọi là em Abraham, Giacóp được gọi là em Laban, và những người con gái của Zelophehad nhận nhiều người làm anh em mình, và chính Abraham gọi vợ Sarah của mình là em gái, vì ông nói: “Nàng quả thật là em gái tôi, về phía cha chứ không phải về phía mẹ” (St 20:12) nghĩa là, nàng là con gái của em trai ông chứ không phải con gái của chị ông. Chứ nếu không, ta ăn nói làm sao về Abraham, một người công chính, mà lại cưới chính em gái con cùng cha với mình? Thánh kinh, khi kể lại chuyện người xưa, không muốn làm mệt tai ta bằng cách giảng giải dài dòng, nhưng thích để ta tự hiểu lấy: vì sau đó Thiên Chúa đã dùng luật mà ngăn cấm rõ ràng rằng: “Ai lấy em gái mình, con cùng cha hoặc cùng mẹ, mà lột trần nó ra, là phạm tội gớm ghiếc, phải bị tiêu diệt. Ai lột trần chị em mình, là mang lấy tội lỗi” (Lv 20:17).

18. Có những sự việc, mà vì quá ngu dốt, ngươi chưa bao giờ đọc, và do đó ngươi không biết hết toàn bộ Thánh Kinh, nhưng đã dùng sự ngu xuẩn của ngươi mà phạm đến Đức Nữ Trinh, hệt như câu truyện về anh chàng kia, vốn không được ai biết đến và biết là mình không làm được chuyện gì hay khiến thiên hạ biết đến tên, nên đành đi đốt đền thờ Điana: nhưng khi không thấy ai khám phá ra hành vi phạm thượng ấy, đã tự mình đi tới đi lui hô hoán cho mọi người thấy chính mình là người nổi lửa. Các nhà cầm quyền Êphêsô tò mò muốn biết điều gì đã khiến anh ta làm chuyện đó, thì anh trả lời là nếu anh ta không làm được điều gì tốt để lấy tiếng tăm, chắc mọi người sẽ cho anh ta tiếng tăm nhờ việc xấu. Lịch sử đảo Grece (Grecian) kể lại truyện đó. Nhưng ngươi còn tệ hơn thế nữa. Ngươi đã nổi lửa đốt phá đền thờ đã mang xác thân của Chúa, ngươi đã lăng nhục cung thánh Chúa Thánh Thần bằng cách nhất tâm biến nó thành nơi chứa đến bốn anh em trai và một lô chị em gái. Tắt một lời, đồng thanh với người Do Thái, ngươi lên tiếng: “Phải chăng người này không phải là con trai bác thợ mộc sao? Mẹ ông ta há không phải là Maria đấy ư? và các enh em của ông ta há không phải là Giacôbê, Giuse, và Simong cùng Giuđa đó sao? Và các chị em của ông ta há không sống giữa chúng ta đấy ư? Các từ này chắc chẳng ai dùng nếu như không có cả hàng đống anh em chị em”. Ta lạy nhà ngươi, nhà ngươi hãy cho ta hay trước nhà ngươi, có ai dám phạm thượng đến thế hay chưa? Ai dám nghĩ cái lý thuyết của ngươi đáng giá một xu không? Ngươi đã được toại nguyện, vì ngươi đã trở nên “tiếng tăm” nhờ tội ác. Đối với ta, kẻ đối thủ của ngươi, dù cùng có mặt trong một thành phố, nhưng quả, như câu cách ngôn người ta thường nói, ta không biết ngươi trắng hay đen. Ta bỏ qua các lỗi dùng từ có nhan nhản trong các sách ngươi viết. Ta không nói một lời về phần nhập đề đần độn của ngươi. Trời ơi! Ta không đòi hỏi tài hùng biện, vì vốn chẳng có tài ấy, nhưng ngươi đã nhờ người anh em của ngươi là Craterius giúp. Ta không đoì hỏi vẻ duyên dáng của văn phong, ta chỉ đi tìm sự trong sáng của tâmhồn: vì đốivới Kitô hữu, sai sót và tội lớn nhất về văn phong là đề cập đến một cái gì đê tiện cả trong lời nói lẫn trong hành động. Ta xin kết luận về những điều biện bạch của ta. Ta sẽ xử với ngươi như thể ta chưa hơn ngươi ở điểm nào; và ngươi sẽ thấy ngươi đang vất vưởng trên những cái sừng tiến thoái lưỡng nan (dilemma). Rõ ràng là anh em của Chúa được gọi một cách như khi Giuse được gọi là cha của Chúa vậy. “Mẹ và cha con héo hắt đi tìm con”. Chính mẹ Ngài nói câu đó, chứ không phải người Do-Thái. Chính Phúc âm gia thuật lại rằng Cha Ngài và Mẹ Ngài hết sức bỡ ngỡ về những điều người ta nói liên quan đến Ngài, và còn nhiều đoạn văn khác mà chúng ta đã trích dẫn trong đó Giuse và Maria được gọi là cha mẹ của Ngài. Biết rằng ngươi đã dại dột cho rằng các bản văn HyLạp có nhiều sai lạc, thì đáng lẽ ngươi phải đọc nhiều bản văn khác mới đúng chứ. Cho nên ta xin trích dẫn Phúc Âm Gioan, trong đó điều sau đây được viết rất rõ: “Philip gặp Nathanael và nói với ông này: Chúng tôi đã thấy đấng mà Môisen trong lề luật và các tiên tri đã viết về, đó là Giêsu Nagiarét, con trai Giuse” (Ga 1:45). Ngươi chắc chắn tìm thấy đoạn đó trong bản chép của ngươi. Vậy ngươi hãy cho ta hay, làm sao Chúa Giêsu lại là con trai của Giuse được khi rõ ràng Ngài đã được tượng thai do Chúa Thánh Thần? Giuse có phải là cha thật của Ngài không? Ngươi có tối tăm bao nhiêu đi chăng nữa, chắc cũng không dám quả quyết như thế. Hay ông là cha cho có tiếng (reputed) của Ngài mà thôi? Nếu thế, thì ngươi hãy áp dụng một quy luật như thế cho những người được gọi là anh em Ngài, một quy luật đã áp dụng cho Giuse khi ông được gọi là cha Ngài. Đồng Trinh Tốt Hơn Bậc Vợ Chồng

19. Giờ đây, sau khi đã dọn dẹp hết đá ghềnh và cát đụn, tôi phải căng buồm để chạy thẳng đến đoạn kết của hắn. Vì cảm thấy mình lõm bõm, nên hắn đã phải đưa Tertullianô ra làm bằng và trích dẫn nhiều lời của Victorinô, giám mục thành Petavium. Về Tertullianô, tôi chẳng cần phải nói gì hơn ngoài việc ông ta không thuộc về Giáo Hội. Còn đối với Victorinô, tôi xin quả quyết Ông chỉ nói điều đã được Phúc Âm chứng minh – nghĩa là anh em của Chúa Giêsu không phải là con cái của Maria, mà là anh em theo nghĩa tôi đã giải thích, tức là anh em họ hàng, chứ không phải anh em ruột. Tuy nhiên, chúng ta đang phí thì giờ cho những chuyện tầm phào và khi đi theo giòng dư luật nhỏ nhặt, ta đã bỏ qua cái bể dư đầy chân lý. Há, để chống lại ngươi, ta lại không biết đưa ra nhiều tác giả thời xưa sao? I-nha-xi-ô, Pô-li-carp, I-rê-nê-ô, Justin Tử Đạo, và nhiều học giả khác đầy tinh thần tông đồ và tài hùng biện, những người, trong khi chống lại Ê-bi-on, Thê-ô- đô-tô thành Byzantin, và Va-len-ti-nô, cũng đã bênh vực cùng một quan điểm như chúng ta, và đã trước tác nhiều cuốn sách đầy khôn ngoan. Nếu ngươi đọc được những điều họ viết ra, chắc chắn ngươi đã khôn hơn rồi. Tuy nhiên thiết nghĩ nên trả lời vắn tắt từng điểm một hơn là nấn ná lâu hơn khiến bài viết này trở nên dài dòng không cần thiết.

20. Giờ đây ta sẽ tấn công thẳng vào đoạn trong đó, để chứng tỏ mình khéo léo khôn ngoan, ngươi đã so sánh giữa đức đồng trinh và bậc sống hôn nhân. Ta không khỏi mỉm cười khi nghĩ đến câu phương ngôn và tự hỏi không biết có bao giờ ngươi đã được xem một cuộc khiêu vũ ý tứ chưa (cared dance)? Ngươi đặt câu hỏi: “Liệu các người đồng trinh có hơn được Abraham, Isaac, và Giacóp là những người có vợ chăng? Há các hài nhi không được Chúa ngày ngày tạo hình trong cung lòng các bà mẹ đó ư? Và nếu thế, ta có nên xấu hổ khi nghĩ đến việc đức Maria ăn ở với chồng sau khi đã sinh con không? Nếu qúi vị thấy điều đó là điều bất xứng, thì để nhất quán, có lẽ qúi vị không nên tin rằng một vì Thiên Chúa lại có thể sinh ra đời do một Trinh Nữ theo cách sinh nở tự nhiên. Vì theo qúi vị, việc một trinh nữ sinh hạ Thiên Chúa bằng chính cơ quan sinh đẻ của mình thì ô nhục hơn là một trinh nữ ăn nằm với chính chồng của mình sau khi đã sinh con.” Ông Helviđiô ạ, nếu muốn, sao ông không nói thêm những điều ô nhục khác thuộc giới tự nhiên, nào là dạ chửa chín tháng mỗi ngày một to hơn, nào là bệnh tật, đẻ đái, máu me, tã lót. Sao ông không tưởng tượng thêm hài nhi trong túi ối. Lại còn máng cỏ thô cứng, tiếng khóc ỉ ôi của bé thơ, cắt bì vào ngày thứ tám, thời gian thanh tẩy, để chứng tỏ là Ngài chẳng sạch sẽ gì. Chúng tôi đâu có mắc cỡ, chúng tôi chỉ không chịu im lặng mà thôi. Những ô nhục Ngài chịu vì tôi càng lớn bao nhiêu, tôi càng nợ ơn Người bấy nhiêu. Và khi ông kể ra đủ thứ, thì ông lại quên mất điều ô nhục lớn hơn hết mọi sự đó là cây thập tự, cây giá mà chúng tôi tuyên xưng, mà chúng tôi tin kính, mà nhờ đó chúng tôi chiến thắng mọi địch thù.

21. Nhưng vì chúng tôi không chối điều đã được viết ra, thì chúng tôi phải chối điều không được viết ra. Chúng tôi tin Thiên Chúa đã sinh ra đời do một Trinh Nữ, là vì chúng tôi đọc thấy điều đó. Còn việc đức Maria ăn ở với chồng sau khi sinh con, thì chúng tôi không tin vì chúng tôi không đọc thấy điều đó. Chúng tôi cũng không nói điều ấy để lên án hôn nhân, vì đức đồng trinh xét cho ngay chỉ là hoa trái của hôn nhân; nhưng chỉ là vì khi đề cập đến các thánh, ta không nên phán đoán hồ đồ. Nếu chịu nhìn nhận điều có thể có như tiêu chuẩn để phán đoán, có lẽ ta nên cho rằng Ông Giuse có nhiều vợ vì Abraham đã có nhiều vợ, và Giacóp cũng thế, nên các anh em của Chúa là con các bà vợ này, một thứ ý nghĩ tạo hoẹt do một số người đưa ra một cách võ đóan do ẩu tả hơn là do lòng đạo đức. Ngươi nói đức Maria không tiếp tục giữ mình đồng trinh, còn ta, ta nói rằng cả Ông Giuse, vì đức Maria, cũng giữ mình đồng trinh nữa, như thế nhờ một cuộc hôn nhân trinh khiết, một đứa con trinh khiết đã được hạ sinh. Vì nếu, với tư cách một người công chính, ông đã không bị thúc bách bởi lòng tà dâm và vì không có chỗ nào viết rằng ông có vợ khác, mà chỉ viết rằng ông là hộ thủ của đức Maria, người mà ông coi là vợ chứ không coi mình là chồng, nên kết luận chỉ có thể là đấng xứng đáng được gọi là cha của Chúa phải là người cũng đồng trinh.

22. Và giờ đây trước khi đưa ra một so sánh giữa đức đồng trinh và bậc sống hôn nhân, tôi xin các độc giả đừng nghĩ rằng khi ca tụng đức đồng trinh, tôi muốn hạ giá bậc hôn nhân, và tách biệt các thánh thời Cựu Ước với các thánh thời Tân Ước, nghĩa là các đấng có vợ và các đấng không muốn bận đến thê nhi: đúng hơn, tôi nghĩ rằng mỗi thời gian, mỗi hoàn cảnh một khác, nên các đấng thời Cựu Ước có luật dành cho các vị, còn với chúng ta, thời gian cánh chung đã gần lắm rồi nên một luật khác đã được áp dụng. Bao lâu còn luật kia, tức luật “Hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều cho đầy mặt đất” (St 1:28) và “Vô phúc đàn bà khô cằn không dạ chửa trong Israel” còn đó, thì ai cũng lập gia đình, cũng lấy vợ lấy chồng, rời cha bỏ mẹ, mà nên một thân xác với nhau. Nhưng một khi tiếng loa sấm sét đã vang lên; “Thời gian chẳng còn bao nhiêu, vậy từ nay, những người có vợ hãy sống như không có” (1Cor 7:29), thì ta nên bám chặt lấy Chúa, để nên một thần trí với Ngài. Tại sao lại vậy? Vì “Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa: họ tìm cách làm đẹp lòng Người. Còn người có vợ thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng vợ” (1Cor 7:32-33). Giữa người vợ và người trinh nữ cũng có sự khác biệt: “Người không có chồng thì chuyên lo việc Chúa, để nên thánh cả hồn lẫn xác. Còn người có chồng thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng chồng” (1Cor 7: 34). Tại sao ngươi còn cãi cối cãi chầy? Tại sao người còn chống cự? Đấng ưu việt đã nói rõ điều ấy; Ngài cho ta hay giữa người vợ và người trinh nữ có khác biệt. Ngươi nên để ý cái bậc sống ấy hạnh phúc biết bao vì trong nó ngay cả sự phân biệt về giới tính cũng mất đi. Trinh nữ không bị gọi là đàn bà nữa. “Người không có chồng thì chuyên lo việc Chúa, để được thánh thiện cả hồn lẫn xác”. Trinh nữ được định nghĩa là người thánh thiện cả hồn lẫn xác, vì có ích gì đâu nếu chỉ trinh khiết ngoài thân xác mà linh hồn thì lại vương vấn chuyện chồng con. “Còn người có chồng thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng chồng”. Có phải ngươi nghĩ rằng không có khác biệt gì hết giữa một người chuyên chăm cầu nguyện và chay tịnh với người hễ chồng đến gần là phải sửa soạn nhan sắc, đi đứng yểu điệu, và cố gắng tỏ ta âu yếm chăng? Trinh nữ không cần phải tỏ ra sửa soạn như thế; tuy nàng không cần phải che dấu nét duyên dáng tự nhiên của mình. Đàn bà có chồng thì trái lại phải son phấn trước gương, và như để trêu ngươi đấng Hóa Công, họ ráng tạo được cái mà nhan sắc tự nhiên của họ không có. Rồi thì tiếng con trẻ la ó, cả nhà ồn ào, con chờ mẹ bảo ban, hôn hít, rồi tiền chợ tiền búa, dành dụm, chi tiêu. Một bên thì các ông đầu bếp trang bị sẵn đồ nghề đồ tể và sẵng sàng róc xương lọc thịt, bên kia thì tiếng ì ầm của các thợ đan. Giữa lúc đó, có tin chồng về đem theo mấy ông bạn qúi, thế là như con én, người vợ chạy đôn chạy đáo khắp nhà, lo lắng đủ chuyện: ghế tựa có phẳng phiu không, đường vào nhà đã được quét tước hay chưa? Hoa đã cắm vào bình chưa? Cơm nước đã sẵn sàng chưa? Ta xin ngươi, hãy cho ta hay, giữa những bận bịu ấy, có còn chỗ nào mà nghĩ đến Chúa nữa hay không? Gia đình như thế có hạnh phúc chăng? Giữa cái chốn chiêng trống như thế, ồn ào như vậy, nào là tiếng điếu, nào là tiếng đàn, tiếng sáo, tiếng thanh la não bạt, ngươi còn thấy chỗ nào dành cho lòng kính sợ Chúa nữa không? Tầm gửi bị hất hủi nhưng lại cảm thấy tự hào về vinh dự đó. Rồi đến lúc phải làm nạn nhân cho những thèm muốn nửa kín nửa hở, một cái đích nhắm cho những con mắt thèm thuồng. Người vợ bất hạnh một là phải chiều theo và do đó vấp ngã, hai là cuỡng lại và trở thành kẻ khiếu khích chồng. Từ đó phát sinh bất hòa, gây mầm cho ly dị. Hoặc giả ngươi tìm cho ta một nhà nào trong đó những chuyện trên không xẩy ra, một con chim hoạ hiếm (rata avis)! Tuy nhiên, ngay ở đó, chính việc quán xuyến gia đình, việc giáo dục con cái, các đòi hỏi của chồng, việc sửa phạt người ăn người ở mà thôi cũng đủ khiến tâm trí ta chẳng còn chỗ nào mà nghĩ đến Chúa được nữa. “Sarah đã không còn có kinh như thói quen của phụ nữ nữa” (St 18:10), Thánh kinh nói như thế, và sau này Abraham nhận được lệnh của Chúa “mọi điều Sarah nói, ngươi phải nghe lời nàng” (St 21:12). Người đàn bà nào không còn chịu cảnh lo âu và đau đớn của việc sinh con và khi đã trải qua sự biến đổi trong đời, hết còn phải thi hành chức năng của một người đàn bà nữa, thì người ấy thoát khỏi sự nguyền rủa của Chúa: lúc ấy, nàng không còn là thèm muốn của chồng nữa, trái lại chồng nàng nay trở thành lệ thuộc nàng, cho nên Người mới ra lệnh cho người đàn ông rằng: “mọi điều Sarah nói, ngươi phải nghe lời nàng”. Nhờ thế hai vợ chồng có thì giờ cầu nguyện. Chứ bao lâu món nợ hôn nhân chưa trả xong, thì cầu nguyện vẫn còn bị sao lãng.

23. Tôi không chối là trong số những bà quả phụ cũng như những người có chồng, vẫn có những người thánh thiện; nhưng một là họ đã thôi không còn là vợ nữa hai là họ vẫn còn là vợ nhưng lại đã sống thanh khiết như trinh nữ. Thánh Tông Đồ, như thể có Chúa Kitô nói trong mình, đã làm chứng điều đó khi ngài nói rằng: “Người không có chồng thì chuyên lo việc của Chúa, họ tìm cách vui lòng Chúa: còn người có chồng thì chuyên lo việc đời: họ tìm cách làm vui lòng chồng”. Ngài để ta tự do sử dụng lý trí trong vấn đề này. Ngài không bó buộc ai cũng không muốn dẫn ai vào bẫy: ngài chỉ muốn khuyến dụ điều thích hợp khi ngài mong muốn mọi người đàn ông cũng nên bắt chước như ngài. Quả thực, ngài không nhận được một giới răn nào của Chúa buộc ta phải sống trinh khiết, vì ơn ấy vượt quá khả năng tự nhiên của con người, và quả là khiếm nhã khi buộc mọi người phải bay lên ngược với tự nhiên giới, nói cách khác là phải trở nên như thiên thần. Chính cái tinh khiết thiên thần ấy đem lại cho đức khiết trinh phần thưởng cao qúi nhất của nó, và dường như thánh Tông đồ không thích lối sống bị giằng co bởi mặc cảm tội lỗi. Tuy vậy, trong cùng mạch văn ấy, ngài thêm: “(Về vấn đề độc thân) Tôi chỉ khuyên nhủ anh em, với tư cách là người, nhờ Chúa thương, đáng được anh em tín nhiệm. Vậy tôi nghĩ rằng: vì những nỗi thống khổ hiện tại, ở vậy là điều tốt” (1Cor 7:25-26). Nỗi thống khổ hiện tại nói đây có nghĩa gì? “Khốn cho những người mang thai và những người đang cho con bú trong những ngày ấy” (Mt 24:19. Cây gỗ lớn lên là để bị đốn xuống. Đồng lúa được gieo là để được gặt. Mặt đất đã đầy, và dân số đã quá lớn so với đất canh tác. Mỗi ngày, ta đều bị đốn ngã bởi chiến tranh, sát hại bởi bệnh tật, nuốt trửng bởi bão tố, ấy thế mà vẫn đưa nhau ra tòa vì mấy cái hàng rào ngăn tài sản. Đó chỉ là phụ khoản thêm vào luật chung do những người bước theo Con Chiên làm ra, và họ chưalàm dơ áo mặc, vì họ tiếp tục sống trong bậc đồng trinh của mình. Xin lưu ý đến ý nghĩa của chữ dơ (defiling). Tôi không muốn giải thích ở đây, sợ Helviđiô sẽ lạm dụng. Ta đồng ý với ngươi khi ngươi cho rằng có những trinh nữ chẳng khác chi gái lầu xanh; ta còn dám nói mạnh hơn vì trong số trinh nữ, có cả những dâm phụ ngoại tình nữa, và, chắc chắn ngươi còn phải ngạc nhiên hơn khi nghe người ta nói một số giáo sĩ làm nghề chủ chứa (inn-keepers), và không thiếu các đan sĩ dâm tặc. Ai lại không hiểu ngay rằng gái lầu xanh không thể là trinh nữ, dâm tặc không thể là đan sĩ, và giáo sĩ không thể làm chủ chứa? Liệu ta có nên chỉ trích đức khiết trinh chỉ vì những người sống trong bậc đó mắc lỗi không? Đối với ta, bỏ qua những người khác và chỉ bàn đến người đồng trinh mà thôi, ta chủ trương rằng bất cứ ai tham dự vào bán buôn (huckstering), dù có đồng trinh trong th�%
 
Tình Yêu Thiên Chúa và Đức Ái Thánh Thể
Phaolô Phạm Xuân Khôi
11:57 02/06/2008
SUY NIỆM VỀ SACRAMENTUM CARITATIS

Tình Yêu Thiên Chúa và Đức Ái Thánh Thể

Đề tài Sacramentum Caritatis (Bí Tích Tình Yêu) của Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục có thể soi sáng cho việc thu thập một số dữ kiện Thánh Kinh được đề cập đến khắp nơi trong Tài Liệu này của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, và làm cho chúng ta dễ dàng đề ra cách giải thích theo Thánh Kinh nhiều bình diện của “Đức ái Thánh Thể”.

Thực vậy, trong “Bí Tích Tình Yêu” có sự liên kết giữa sự hiện diện của tình yêu Đức Kitô ở mức độ tối cao, là nền tảng cho tình yêu (eros/agape) của Thiên Chúa, là sức mạnh của Mình và Máu nuôi dưỡng các tín hữu trong đức ái, và hành động quảng đại của Chúa Thánh Thần, là hành động mà sau khi đã nâng đỡ Đức Kitô trong Cuộc Vượt Qua, bây giờ đang giúp cho Hội Thánh tiến bước trên cùng những đường tình yêu này.

Bí Tích của Tình Yêu Đức Kitô

“Bí Tích Tình Yêu” trước hết bắt nguồn từ tình yêu của Đức Kitô, được trao ban trong một hình thức cao trọng nhất mà trong đó Bí Tích này có một bình diện cơ bản đầu tiên. Lời xác quyết của Tin Mừng Thánh Gioan về việc Người đã yêu họ “đến cùng”, được chưng dẫn ngay ở đoạn đầu của Tông Huấn (x. Ga 13:1 trong Scaramentum Caritatis, số 1), giúp cho chúng ta dễ hiểu điều này.

Theo câu truyện được kể trong Tin Mừng thì câu này dẫn nhập vào việc rửa chân khi bắt đầu Bữa Tiệc Ly, đồng thời cũng nằm trong phần dẫn nhập vào phần truyền phép trong Kinh Nguyện Thánh Thể IV, được áp dụng trực tiếp vào lễ vật Thánh Thể. Khi nghiên cứu đầy đủ câu nói của Thánh Gioan, chúng ta thấy một điểm mà ở đấy tình yêu của Chúa Giêsu, đã được thấy rõ ràng trước đó, có một động lực mới và thiết yếu: “Khi đã yêu những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, [giờ đây, bằng cử chỉ mới này] thì Người yêu họ đến cùng”.

Tình yêu và sự tận tâm mà toàn thể cuộc đời Chúa Giêsu đã tỏ ra được tóm tắt trong hành vi tối cao này, và Bí Tích Thánh Thể trở nên lời chú giải về cái chết của Người, một lời chú giải chỉ có một nghĩa là Người muốn ban cho các môn đệ của Người Chính Con Người của Mình và ban cho họ mãi mãi.

Trong những lời: “Đây là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con”, Chúa Giêsu biến đổi hành động bạo tàn kinh khủng mà Người sắp phải chịu thành một món quà hoàn toàn tự hiến. Người không chỉ ban cho chúng ta một điều gì, nhưng Người ban cho chúng ta toàn thể con người của Người, Thịt và Máu, tất cả Con Người của Người.

Trước hết nguồn gốc của Sacramentum Caritatis nằm ở trong “sự biến đổi” này được xảy ra bởi Chúa Giêsu và trong quyết định của Chúa Con là ban cho những ai tin vào Người được tham gia cách ngoại lệ vào hy tế này qua việc cử hành Thánh Lễ Tưởng Niệm. Bữa Tiệc Ly là một biến cố cắt nghĩa Thánh Giá; Bữa tiệc này là giải thích về cái chết mà Chúa Giêsu đề ra.

Người ta tìm thấy ý nghĩa của Bí Tích Thánh Thể không những trong việc làm cho Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu hiện diện nhưng còn trong việc giải thích Mầu Nhiệm ấy như là một hồng ân cao quý nhất và một hy lễ dứt khoát bao gồm toàn thể đời sống trước kia của Chúa Giêsu. Tất cả mọi lời nói, mọi việc làm của Người đều được phục hồi, được đưa đến hoàn thành và được hiến dâng như một khoảng của đời sống được trao ban cho người khác.

Các tín hữu và cộng đoàn cử hành cũng được mời gọi để bước vào quãng đời này qua việc tham dự Tiệc Thánh và tôn thờ Bí Tích [Thánh Thể].

Nền Tảng của Tình Yêu (eros/agape) của Thiên Chúa

Qua việc thoáng xem điểm chính của Sacramentum Caritatis trong tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu, người ta có thể nhìn đến tình yêu của Thiên Chúa được bày tỏ trong việc tạo dựng qua toàn thể lịch sử mặc khải. Việc làm của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly không phải là một biến cố cô lập, nhưng sự phong phú đầy đủ của biến cố này chỉ có thể được diễn tả và giải thích trước bối cảnh này.

Thừa tác vụ của Người, có một bình diện nhân loại phi thường và phổ quát, chỉ có thể được giải thích cách chính thức cách sâu xa với sự giúp đỡ của Thánh Kinh của Dân Israel.

Ngày nay, người ta tìm thấy khuôn khổ lịch sử của Bữa Tiệc Thánh Thể trong việc cử hành Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Lời hứa giải phóng, được đề ra bởi biểu hiệu cổ xưa của việc Tưởng Niệm Cuộc Xuất Hành, trở thành sự thực, mà trong đó món quà mạng sống của Chính Chúa Giêsu phát sinh từ tình yêu Thiên Chúa, là tình yêu luôn hiện hữu, đồng thời, đưa tình yêu này đến cao điểm.

Trong Thông Điệp Deus Caritas Est (Thiên Chúa là Tình Yêu), Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã phác họa một bức tranh rõ ràng về tình yêu [eros/agape] (x. số 13-15) và nhận định về vai trò đặc biệt của Thánh Thể trong lịch sử này: “[Tình yêu của Thiên Chúa] trước đây có nghĩa là đứng trước sự hiện diện của Thiên Chúa, nhưng bây giờ tình yêu này trở thành kết hợp với Thiên Chúa qua việc chia sẻ món quà tự hiến của Chúa Giêsu, chia sẻ Mình và Máu Người” (Ibid, số 13).

Tình yêu của Đức Kitô, là kho tàng căn bản trong đó có Bí Tích Thánh Thể, được soi bóng và nổi bật như là cao điểm trong lịch sử tình yêu của Chúa Cha, là Đấng đã sai Chiên Con từ thủa tạo thành thế gian (x. I Phr 1:18-20), được trích dẫn trong Sacramentum Caritatis, số 10).

Phát Huy Tình Yêu của Các Môn Đệ

Bí tích Thánh Thể không những chỉ chứa đựng tình yêu của Chúa Giêsu và tình yêu của Thiên Chúa Cha, nhưng cũng là nền tảng trong việc phát huy tình yêu của các môn đệ.

Được nuôi dưỡng bởi Thánh Thể, các môn đệ có thể chấp nhận giới luật mới và nối dài tình yêu của Chúa Giêsu và tình yêu của Thiên Chúa trong lịch sử qua chính mình.

Qua mệnh lệnh, “Các con hãy làm việc này mà nhớ đền Thầy” (Lc 22:19; I Cor 11:25), Chúa Giêsu “đòi chúng ta phải đáp trả lại món quà của Người và làm cho món quà ấy hiện diện cách bí tích. Trong những lời này Chúa diễn tả ước vọng của Người rằng Hội Thánh, được sinh ra từ sự hy sinh của Người, sẽ nhận món quà ấy…. Bằng cách này Chúa Giêsu để lại cho chúng ta một nhiệm vụ là “đi vào giờ của Người” (Sacramentum Caritatis, số 11).

Món quà không những chỉ được thể hiện trong việc làm hiện diện hy tế của Đức Kitô trong Phụng Vụ, mà còn kéo theo việc chúng ta được sức mạnh để “đi vào chính động lực của sự tự hiến của Người” (Scaramentum Caritatis, số 11; Deus Caritas Est, số 13).

Bí Tích Thánh Thể, như là một nơi để giải thích tình yêu của Thiên Chúa qua cái chết của Chúa Giêsu, đem tình yêu này đến và luân chuyển nó trong cộng đoàn các môn đệ. Như thế cách giải thích mà Chúa Giêsu đã dùng để cắt nghĩa cái chết của Người, tìm được con đường tự do của món quà, trở nên cho cộng đoàn và cho các tín hữu một khả năng, hay nói đúng hơn là một việc cần thiết – phải xoay hướng đời mình về phía tình yêu. Đây là một cắt nghĩa nối kết biến cố lịch sử với sự hiện hữu của chúng ta.

Qua việc cử hành Thánh Lễ, mà cao điểm là khả năng tự hiến Mình của Chúa Giêsu như là Hy Lễ, thực tại của tình yêu Thiên Chúa có thể tuần hoàn trong cộng đoàn các môn đệ.

Như thế, khi tham gia vào “chính động lực tự hiến của Người” (số 11), các Kitô hữu không những thưởng thức việc làm hiện diện lại hy tế của Đức Kitô, mà còn làm cho hy tế này hiện diện trong chiều hướng dâng hiến của chính đời sống họ, làm cho thức ăn và việc tôn thờ Thánh Thể có thể xảy ra được.

Vậy, đời sống của người tín hữu được gắn liền với lời giải thích của Chúa Giêsu về dự định của Người và như thế trở thành “lời giải thích sống còn” của tất cả những ai thật sự là Kitô hữu.

Trong sự hiện diện của Chúa Thánh Thần

Nếu không đề cập đến vai trò của Chúa Thánh Thần thì mọi bàn luận về Bí Tích Thánh Thể đều không đầy đủ. Chính Chúa Thánh Thần làm cho Chúa Giêsu vâng lời Chúa Cha trong việc tự hiến (x. DT 9:14), và cũng chính Chúa Thánh Thần làm cho Bí Tích Thánh Thể hiện diện trong Hội Thánh.

Thật là tuyệt diệu khi đề cập đến việc Chúa Thánh Thánh làm cho Chúa Giêsu có thể hiến Mình trong Bí Tích Thánh Thể trong đêm Tiệc Ly cũng là Một Chúa Thánh Thần mà ngày nay làm cho có Sacramentum caritstis vì lợi ích của các tín hữu và trong họ. Thật vậy, Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong Bí Tích Thánh Thể được hóa nhiều.

Hội Thánh, được tập họp trong cử hành [phụng vụ] và được nuôi dưỡng bởi mệnh lệnh của Chúa Giêsu, cầu xin Chúa Cha ban hồng ân Chúa Thánh Thần để Ngài có thể làm cho việc biến bánh và rượu thành Mình và Máu của Chúa Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh.

Thật vậy, Hội Thánh cũng mong Chúa Thánh Thần biến đổi chính Hội Thánh, để Hội Thánh cũng “biến thể” thành Thân Thể Đức Kitô.

Như Thánh Lêo Cả đã dạy: “Việc chia sẻ Mình và Máu Đức Kitô không có một hiệu quả nào khác hơn là hoàn tất việc biến đổi chúng ta thành điều chúng ta lãnh nhận” (Serm. 63,7; x. Lumen Gentium, số 26).

Như vậy, khả năng của tín hữu để đạt được trong đời họ cùng một tình yêu là tình yêu của Đức Kitô, và chỉ có tình yêu này là phù hợp với tình yêu của Thiên Chúa phát xuất từ món quà mà Chúa Thánh Thần ban tặng. Vậy sau cùng chính “Thân Mình Hội Thánh của Đức Kitô” được sinh ra, và có khả năng yêu “như Người đã yêu chúng ta.”

Một điểm mà Tông Huấn phân biệt cách thành công về vai trò của Chúa Thánh Thần là Đấng hướng dẫn Hội Thánh trong việc khai triển đúng lúc những hình thức phụng vụ của nghi lễ Thánh Thể (x. Sacramentum Caritatis, số 12).

Chính trong Bí Tích Thánh Thể mà tình yêu của Chúa Thánh Thần hiện diện và hoạt động với quan tâm rằng mọi thế hệ tiếp nối nhau trong Hội Thánh có thể có một cử hành [phụng vụ] thích hợp với nền văn hóa và sự phát triển về thần học của họ.

Trong ánh sáng này, Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thánh Thể và Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng là một trong những dấu chỉ chắc chắn chứng tỏ quan tâm mà Chúa Thánh Thần cũng dành cho các hoàn cảnh đặc biệt của thế hệ chúng ta.

(Trích từ L’Osservatore Romano, Ngày 16 tháng 1, năm 2008, bài viết của Đức Ông Manicardi, va do Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ)
 
Mỗi ngày một câu chuyện (dành cho trẻ em)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:05 02/06/2008
CHIM KHỔNG TƯỚC ĐỔI ĐUÔI

N2T


Trong rừng sâu có rất nhiều động vật ở.

Một hôm, trên trời bay xuống một tiên nữ, cô tập họp tất cả các động vật lại, cười nói: “Các ngươi bằng lòng với dáng vẻ bên ngoài của mình chứ ? Nếu có chỗ nào không vừa ý thì nói với ta, ta có thể giúp các người.”

Các động vật lập tức anh nhìn tôi, tôi nhìn anh, mọi người đều rất thỏa mãn với dáng vẻ của mình.

Lúc bấy giờ, con dê trắng nhỏ mở lời trước: “Các anh coi, cái mặt của ngựa tía quá dài, tôi cảm thấy nên mời tiên nữ giúp anh ấy sửa lại cái mặt chút xíu.”

Con ngựa tía đứng bên nghe như thế, giận dữ đá cho con dê trắng nhỏ một cước, thở phì phì nói: “Tướng mạo của tớ rất tốt, đối với bản thân mình thì tớ rất là thỏa mãn. Con dê trắng nhỏ tuổi còn rất nhỏ nhưng lại có râu, giống như một tiểu lão đầu vậy, rất khó coi, nó mới là người cần phải chỉnh lại hình dáng ! Các anh lại nhìn con gấu xem, mập như là con heo, cũng nên giữ eo là vừa.”

Con gấu vừa nghe ngựa tía nói mình mập ù lập tức chồm qua nói: “Hừm, mập mới đủ ca lô, các anh muốn mập mà cũng không mập được, dáng con khỉ mới khó coi, không những ốm như cây trúc, cái mông lại còn đỏ nữa chứ.”

Con khỉ nghe như thế, giận dữ nhảy lên ngọn cây hét lớn: “Nói càn, tướng mạo của ta thật hoàn mỹ vô khuyết.” Lúc ấy, nó cũng vừa nhìn thấy con chim khổng tước ở trên cây, thế là lớn tiếng nói: “Cái đuôi của khổng tước vừa ngắn vừa nhỏ, rất khó coi, nên sửa chỉnh lại chính là nó !”

Khổng tước nghe như thế có chút nể tình, nó đỏ mặt nói với tiên nữ: “Con khỉ nói đúng đó, cái đuôi của con vừa ngắn vừa nhỏ, xin tiên nữ giúp con.”

Tiên nữ chăm chú nhìn khổng tước, gật gật đầu, dùng ngón tay chỉ vào cái đuôi của nó, tiếp theo là một đạo hào quang xuất hiện, tất cả con mắt của các động vật không nhìn mà sáng lên: cái đuôi của khổng tước biến thành rất đẹp, màu sắc rực rỡ tươi đẹp, như mẫu hoa văn sặc sỡ bắt mắt, khiến cho mọi động vật ở đó rất kinh ngạc.

Lúc ấy, mọi người bắt đầu khen ngợi khổng tước, ào ào quay đầu xin tiên nữ làm cho dáng mạo bên ngoài của mình càng đẹp hơn, nhưng tiên nữ chỉ cười nhẹ, ngồi trên đám mây bay mất.

(Trích: Câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn)

Gợi ý:

Các em thân mến,

Khổng tước lắng nghe rất nhiều ý kiến không giống nhau, từ đó nó được một cái đuôi rất đẹp đẽ sặc sỡ. Thực ra, mỗi một con người đều không hoàn mỹ, chúng ta nên có cái nhìn khách quan là mình vẫn không hoàn toàn về một phương diện nào đó.

Con heo mập nhưng nó bằng lòng với cái mập dễ thương ấy, nếu nó gầy thì không ai thèm ăn thịt nó; con khỉ gầy nhưng nó rất tự hào về thân hình gầy của nó, bởi vì nếu nó mập như con heo thì không thể leo cây, không thể nhảy từ cây này qua cây khác để kiếm ăn; con ngựa mặt dài nhưng rất tự hào về cái mặt của mình, nếu mặt nó ngắn như con khì thì như là quái vật, ai cũng sợ.v.v...mỗi loài Thiên Chúa tạo dựng đều có cái ưu cái khuyết của nó, ưu và khuyết là để bổ túc cho nhau.

Con người ta cũng thế, không ai là quyển sách bách khoa cả, tức là chuyện gì trên thế gian cũng biết và cái gì cũng hay, nhưng chỉ hay giỏi trong một lãnh vực nảo đó thôi. Cho nên các em đùng nhìn thấy khuyết điểm gầy mập, cao lùn, hay dở hoặc tài năng bất tài của bạn bè mà chế nhạo nhé. Bởi vì ai cũng có khuyết điểm và ưu điểm của mình.

Các em thực hành:

- Suy nghĩ trước khi phê bình góp ý.

- Không chế nhạo khuyết điểm của người khác.

- Không cười trước bất hạnh của người khác, bởi vì” cười người hôm trước, hôm sau người cười”.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:06 02/06/2008
N2T


7. Tôi muốn thời gian suy ngắm ngắn nhưng lợi ích thì rất lớn, làm như thế thì so với dùng thời gian nhiều năm để suy niệm, mà không làm việc gì có giá trị gì đối với Thiên Chúa, thì càng tốt hơn.

(Thánh Teresa of Avila)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
WYD 2008 - Những hình ảnh cảm động dân chúng Úc dành cho cây Thánh Giá và ảnh Đức Mẹ
Nguyễn Việt Nam
01:14 02/06/2008
Những hình ảnh cảm động dân chúng Úc dành cho cây Thánh Giá và ảnh Đức Mẹ ngày Quốc Tế Giới Trẻ đang tiếp tục diễn ra tại các giáo phận Úc Đại Lợi. Những hình ảnh này gây nhiều xúc cảm và hứng khởi trong lòng người Công Giáo và được giới truyền thông đề cập đến rất nhiều trong những ngày này.

Đặc biệt, lần đầu tiên cây Thánh Giá ngày Quốc Tế Giới Trẻ và ảnh Đức Mẹ đã viếng thăm một nhà tù được canh gác hết sức nghiêm nhặt: nhà tù Hakea ở miền Tây Úc Đại Lợi. Ban Giám Đốc nhà tù đã bày tỏ niềm tin tưởng với giới báo chí rằng Thánh Giá là chìa khóa mở rộng con đường hoán cải và đẩy nhanh tiến trình tái hội nhập của các can phạm vào đời sống xã hội. Báo chí Úc đã đăng tin này dưới hàng tít lớn: “Khi ta chịu tù đầy, ngươi đã đến thăm Ta”.

VietCatholic xin giới thiệu với quý cha và anh chị em những hình ảnh cung nghinh Thánh Giá và ảnh Đức Mẹ tại Úc Châu.
 
Cảm nghiệm phép lạ do Chân Phước người cùi Damien
Ngọc Loan
02:17 02/06/2008
Honolulu- Hawaii: Vào năm 1936, khi hài cốt Cha Damien de Veuster được đưa lên tàu tại Honolulu để mang về nơi sinh trưởng của Ngài tại Bỉ Quốc, cô bé Audrey Horner chỉ mới 8 tuổi đã cùng với các bạn cùng lớp từ trường học Công Giáo xếp hàng nơi bến cảng để vẫy tay chào vĩnh biệt Cha Damien.

Thế nhưng có ai ngờ đâu, 72 năm sau vào ngày 19/4/2008, Audrey Horner Toguchi đã nhận được tin mừng cho biết, vụ chữa lành chứng bệnh ung thư của bà vào năm 1999 được chính thức công nhận nhờ sự chuyển cầu của Chân Phước Damien.

Đức Giám Mục tại Honolulu, Đức Cha Larry Silva đã cho công bố tên của bà Toguchi lần đầu tiên, khi các vị tư vấn thần học của Bộ Phong Thánh khẳng định Chân Phước Damien đã chuyển cầu để chữa lành cho bà.

Vị thừa sai thế kỷ thứ 19, thuộc Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria, đã sống trọn 16 năm cuối đời để phục vụ cho các bệnh nhân phong cùi tại hòn đảo Molokai thuộc Hawaii. Cha Damien de Veuster đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong Chân Phước tại Bỉ Quốc vào 4/6/1995.

Điều khẳng định của ủy ban thần học thuộc Bộ Phong Thánh là một bước quan trọng trong tiến trình tiến đến hồ sơ phong Thánh cho Chân Phước Damien. Phần còn lại của tiến trình là sự đồng thuận của các Hồng Y và Giám Mục và cuối cùng là sự chuẩn y của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI.

Bà Audrey Horner Toguchi năm nay 79 tuổi, là một người Công Giáo ngoan đạo đã học được những nhân đức anh hùng của Cha Damien khi còn là một nữ sinh theo học trường Công Giáo tại Oahu. Sau này bà đã dạy tại các trường công lập tại Hawaii trong suốt 44 năm, thành hôn với Yukio Toguchi và sinh được 2 người con trai Eric và Ivan Toguchi.

Những người con trai của dòng họ Toguchi vẫn thường nghe đến câu chuyện về Cha Damien với những bệnh nhân phong cùi, mà 2 bệnh nhân phong cùi cũng thuộc dòng họ bà Audrey. Cậu con trai lớn Eric Toguchi vẫn nhớ lại ký ức khi người mẹ dẫn con đến chóp đỉnh cao tại Molokai để nhìn xuống Kalaupapa, một bán đảo nơi cô lập các bệnh nhân phong cùi khỏi thế giới bên ngoài từ năm 1886 đến năm 1969.

Cậu Eric nói về Cha Damien: “Trong trí nhớ và tâm hồn của mẹ tôi, Cha là một trong những người đã từ bỏ mọi sự để đến và giúp cho cư dân tại Hawaii. Đó là một sự cống hiến làm cho mẹ tôi quý chuộng”.

Vào cuối năm 1996, chỉ còn một năm trước khi được nghỉ hưu, bà Audrey đã bị té và sau đó chồng bà đã phát giác một cái bướu nơi mông trái. Bà Audrey chỉ nghĩ rằng đó là cục máu bầm nhưng càng ngày nó càng sưng to và cho đến năm 1997, bà Audrey đã đi Bác Sĩ Walter Y.M. Chang để khám nghiệm.

Hẳn nhiên trong những lúc khó khăn của cuộc đời, Bà Audrey luôn luôn cầu nguyện để thêm sức mạnh, bà đã bày tỏ cho tờ báo Công Giáo tại Giáo Phận Honolulu, tờ báo “Hawaii Catholic Herald” rằng: ”trong tất cả dù những chuyện nhỏ mà tôi trải qua trong cuộc đời, tôi phó thác vào bàn tay của Thiên Chúa. Tôi luôn luôn nói với Ngài, ‘Chúa đã dựng nên con và biết những điều gì không ổn. Lạy Chúa xin giúp con!’”

Bà Audrey Horner Toguchi người được phép lạ chữa lành


Bà cũng đã kêu cầu đến Chân Phước Damien khi bà thấy cần phải được giúp đỡ.

“Nếu bạn có một người bạn như Chân Phước Damien, Cha sẽ chuyển cầu cho bạn”.

Bà Audrey đã cầu xin Cha Damien khi bà phải đi giải phẫu lấy trái thận ra vào năm 1978. Và bà Audrey lại cầu xin Cha Damien một lần nữa khi đi giải phẫu cắt cục bưới to bằng nắm tay vào tháng Giêng 1998.

Bà Audrey đã xin người em gái là Velma Hormer để cùng đi cầu nguyện và nói rằng cục bướu đó không phải là ung thư. Cả ba chị em gái Velma, Audrey, Bevely Plunkett, đã đi đến Kalupapa cầu nguyện nơi phần mộ Chân Phước Damien và tham dự Thánh Lễ tại nhà Thờ St Philomena gần đó là nhà thờ mà Cha Damien đã xây dựng nên.

Trong khi đó, những cuộc thử nghiệm đến cục bướu của Audrey cho biết đó là một loại ung thư tế bào mỡ rất hiếm và lan rất nhanh. Nhiều tế bào đã được cắt và bà cũng phải đi chụp bức xạ nhiều lần. Thế nhưng đến tháng 7 năm 1998, Bác Sĩ lại tìm ra những cục bướu mới xuất hiện ở phổi. Khi bị ung thư phổi là chứng ung thư vô phương chữa trị, các Bác Sĩ đã chuẩn đoán và cho biết bà chỉ còn sống thêm được trên cõi đời này, cao lắm là 6 tháng.

Sau này bà Audrey đã kể lại: “Khi Bác Sĩ nói, tôi cứ tưởng chừng rằng Bác Sĩ nói đến một ai đó chứ không phải tôi”, vì Audrey cầu nguyện trong đầu rằng: “Thưa Cha Damien, Cha sẽ chưa để con đi lúc này”.

Bác Sĩ Chang nghĩ rằng phương pháp điều trị bằng hóa học may ra có thể giúp bà. Bác Sĩ Chang lúc ấy vẫn nhớ tới những lời lẩm bẩm của bà: “Không được đâu, tôi sẽ đi cầu nguyện với Cha Damien”.

Chồng bà Audrey,ông Toguchi nói rằng ung thư này “thật sự là một cú giáng sửng sốt đến với ông” và ông cùng với người con đã thuyết phục để bà được điều trị bằng phương pháp hóa học. Một mặt Bà Audrey đã nghe theo lời khuyên của gia đình, mặc khác bà lại âm thầm quyết định để cùng đi với người em gái hành hương tới Molokai để cầu xin với Cha Damien một lần nữa.

Đến tháng 10 năm 1998, Bà Audrey đã trở lại với Bác Sĩ Chang để tái khám. Theo kết quả của lần chụp quang tuyến X mới cho thấy những cục bướu tại phổi bắt đầu teo lại.

Bác Sĩ Chang rất đỗi ngạc nhiên và gạn hỏi là bà có đi châm cứu không, hay dùng thuốc Bắc hay là đi khám một bác sĩ nào khác. Bà Audrey trả lời là “không”.

Bác Sĩ Chang nói “bà có nghĩ rằng loại ung thư mà nó hùng hổ đến như thế lại có thể biến mất không?” và Bác Sĩ Chang tin rằng trường hợp này là một trường hợp độc nhất vô nhị mà loại chứng ung thư năng nổ này đã nhượng bộ tháo lui mà không phải qua một phương pháp điều trị nào.

2 bản chụp quang tuyến X mới cho thấy cục bướu đã teo hẳn lại và cho đến tháng 5 rồi đến tháng 8, bản chụp quang tuyến X đã cho thấy cục bướu hoàn toàn biến mất, không còn có thể nào kết luận đến một triệu chứng ung thư.

Bác Sĩ Chang đã đúc kết hồ sơ và trình bày trong Tạp Chí Y Khoa Hawaii. Bác Sĩ Chang cũng khuyên và khuyến khích bà nên tường trình lại câu chuyện chữa lành hi hữu này đến Giáo Hội Công Giáo.

Bác Sĩ Chang thố lộ rằng “Ngay cả đến một người đa nghi như các bác sĩ vẫn thường có, họ cũng phải thừa nhận rằng một sự tự thoái lui toàn bộ đó là một điều phi thường”.

Đến Tháng Ba và Tháng Tư năm 2003, Giáo Phận Honolulu đã can thiệp thành lập một ủy ban điều tra đến phép lạ này. Năm 2007 Bộ Phong Thánh đã âm thầm cử giáo sĩ đến Hawaii điều tra thêm, và ngày 18/10/2007, Ủy Ban Y Tế của Bộ Phong Thánh đã kết luận vụ chữa lành “không thể giải thích được theo kiến thức y khoa”.

Thỉnh nguyện viên cho hồ sơ án phong Thánh cho Cha Damien, Cha Bruno Benati dòng Thánh Tâm đã viết trên trang mạng của Dòng vào ngày 3/5/2008: “Bây giờ có thể nói những gì mà chúng tôi đưa ra, sự ‘chữa lành ngoại thường’ là một phép lạ của Thiên Chúa qua sự chuyển cầu của Chân Phước Damien.”

Hồ sơ án phong Thánh cho Chân Phước Damien de Veuster đã đến hồi kết thúc, một thánh nhân được coi là bổn mạng cho những người phong cùi và những người mắc bệnh Siđa.

Bà Audrey Toguchi cũng hy vọng rằng nếu Chân Phước Damien trở thành một vị Thánh, điều này sẽ là động cơ thúc đẩy đến những người khác, bà nói: “Nếu án phong Thánh xảy ra, sẽ nâng tinh thần và tâm hồn của tất cả những con người bị chà đạp bị áp bức. một tiến trình dài như thế thật có giá trị”.

Đôi dòng tiểu sử Chân Phước Damien de Veuster (3/1/1840-15/4/1889).

Damien Joseph de Veuster đã phục vụ cho người phong cùi tại Molokai, Hawaii. Ngài sinh tại Tremeloo, Bỉ Quốc, là con của một gia đình giầu có. Damien đã theo bước chân của người anh Auguste, thường được gọi là Pamphile, để xin đi tu vào Dòng Thánh Tâm. Damien đã khấn trọn vào ngày 7/10/1860 và tình nguyện để thay thế người anh làm việc truyền giáo tại Hawaii. Damien đặt chân đến Honolulu vào ngày 19/3/1864 và được thụ phong linh mục 2 ngày sau đó tại nhà thờ chánh tòa.

Được bài sai phục vụ tại Hawaii, lúc đó có tên là Hòn Đảo Lớn, ngài cư trú tại Puna. Cha đã phục vụ tại Kohala và Hamakua, dành trọn 8 năm làm việc truyền giáo trên một khoảng diện tích rộng 2000 dặm vuông bao gồm đến những vùng đồi núi hiểm trở, thung lũng, khe núi và núi lửa. Vào tháng Giêng 1866, chính quyền hoàng gia Hawaii báo động chứng bệnh phong cùi đã hoành hành, và các bệnh nhân phong cùi phải bị cô lập và đưa về bán đảo Molokai. Lúc ấy Cha Damien cảm thấy mình không thể bỏ rơi họ và phải chăm lo cho họ.

Những cảm nghĩ tiên tri ấy đã trở thành hiện thực vào ngày 10/5/1873, khi Cha đặt chân đến Kalaupapa, Molokai cùng đi với Giám Mục Louis Maigret. Trong buổi gặp gỡ đầu tiên, Cha Damien và các Cha Dòng Thánh Tâm đã tình nguyện để giúp cư trú cho những người mắc bệnh phong cùi. Bài sai thứ nhất và cũng là bài sai cuối cùng đó là Cha Damien sẽ ở lại với những người phong cùi trong suốt cuộc đời ngắn ngủi còn lại của Cha.

Cha bắt đầu đóng những cỗ quan tài để chôn cất những người phong cùi qua đời, xây nhà cho họ sinh sống, dựng lên những nguyện đường. Thăm hỏi từng người cùi, rửa vết thương và băng bó cho từng người một. Khả năng y tế mà Cha đã học được cũng đã giúp Cha làm những công việc cần thiết và đáp lại lòng bác ái nhiệt huyết nơi con người của Cha. Cha Damien đã đối xử với những người cùi là những người đáng được tôn trọng, hiền hòa và nhã nhặn.

Thế nhưng điều không may xảy đến cho Cha, năm 1876 triệu chứng phong cùi đã xuất hiện nơi con người của Cha bắt đầu từ bàn chân trái. Cha đã không nhượng bước từ bỏ thánh giá Cha đang gánh vác, Cha đã xúc động khi nhìn thấy những người sẽ đến thay thế Cha là các Nữ Tu Dòng Phan Sinh do Chân Phước Marianne Kope cầm đầu, đã tới với những phương tiện y khoa tân tiến.

Sau những năm sống cô đơn và chịu đơn độc vì các tu sĩ đồng nghiệp Dòng Thánh Tâm từ từ qua đời, rồi cuối cùng Cha cũng phải mang chung số phận đã qua đời vì bệnh phong cùi hoành hành và được chôn cất tại Molokai. Theo sự thỉnh cầu của chính quyền Bỉ, thi hài của Cha được cải táng và mang về cố hương của Cha 45 năm sau đó. Tuy nhiên đối với người Hawaii, Cha vẫn là một nhân vật anh hùng, và Cha cũng được khắc tượng để ghi nhớ và được đặt tại Lâu Đài đặt các pho tượng những người đáng được ghi nhớ tại Washington, D.C

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong Chân Phước cho Cha Damien de Veuster vào ngày 4/6/1995, tuyên dương Ngài là một “Tôi Tớ Phục Vụ cho Nhân Loại” và là một niềm cảm kích cho thế giới trong những năm thừa tác vụ tại Molokai. Lòng tận hiến và phục vụ không chối tự đã thay đổi bộ mặt thế giới đến cái nhìn đối với người phong cùi. Sống trong sự đơn sơ, cương quyết để quan tâm và săn sóc, những điều này đã khiến Cha Damien được cư dân Hawaii coi là nhân vật Anh Hùng Molokai.
 
Vatican tái khẳng định việc phong chức những người nữ là bất thành sự
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
07:23 02/06/2008
Sắc lệnh nói việc vi phạm đương nhiên mắc vạ tuyệt thông.

VATICAN (Zenit.org).- Bộ giáo lý Vatican đã dứt khoát quyết định việc phong chức người nữ là bất thành sự.

Sắc lệnh chung “Về Tội Cố Ý phong Chức Thánh cho một người Nữ” được phổ biến hôm thứ Sáu 30/5 trên trang đầu báo Quan Sát Viên Roma (L’Osservatore Romano), tờ báo vatican. Và sắc lệnh này “có hiệu lực ngay.”

Bộ Giáo Lý Đức Tin tuyên bố trong bản văn vắn tắt rằng làm vậy là bảo vệ “bản tánh và sự thành sự của bí tích các chức thánh.”

Bản văn khẳng định rằng “kẻ nào cố ý ban các chức thánh cho một người nữ, cũng như người nữ nào có thể đã cố ý lãnh các Chức Thánh, thị bị vạ tuyệt thông ‘tiền kết’”, nghĩa là, một vạ tuyệt thông đương nhiên.

Sắc lệnh được ký bởi chủ tịch của Bộ, Đức Hồng Y William Levada, và thư ký của bộ Vatican, Tổng Giám Mục Angelo Amato.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Đài Phát Thanh Vatican, Tổng Giám Mục Amato nói lý do cho văn bản này là sự hiện hữu những trường hợp của những cái gọi là sự phong chức cho người nữ trong vài vùng trên thế giới. Thêm vào đó, bản văn này là “một dụng cụ giúp các giám mục, hầu bảo đảm một câu trả lời đồng dạng trong toàn thể Giáo Hội.”

Ngài nói thêm rằng sắc lệnh nhấn mạnh việc phong chức cho một người nữ làm linh mục là bất khả thành sự hay là không có giá trị, và: chỉ những người nam đã được rửa tội mới có thể được phong chức thành sự.”

Đức Tổng Giám Mục giải thích Giáo Hội tái khẳng định tính chất độc nhất này vì một “lý do căn bản độc đáo”. “Giáo Hội không cảm thấy mình có quyền thay đổi ý muốn của Đấng Sáng Lập, là Chúa Giêsu Kitô.”

Sắc lệnh, cũng nhắc tới cũng một vạ này áp dụng cho Bộ Giáo Luật các Giáo Hội Đông Phương, nói rằng “Các Giáo Hội phương Đông xưa và những Giáo Hội Chính Thống tuân giữ cũng một kỷ luật của Giáo Hội Công Giáo.”

Phương thuốc

Về việc tuyệt thông đương nhiên, vị giám chức đã nói rõ rằng người bị vạ tuyệt thông bị ngăn cấm “không được tham gia bất cứ cách nào như một thừa tác viên trong việc cử hành hy lễ Thánh Thể hay là trong một nghi thức nào khác thuộc phụng tự công cộng,” không được cử hành những bí tích hay những á bí tích và không được nhận lãnh các bì tích,” cũng như không được “thi hành những phận sự trong những nghi lễ hay những thừa tác vụ hay là những cố gắng giáo sĩ bất kể những thứ đó là “ hay là phát xuất từ “những hành vi quản trị.”

Ngài nói thêm “vạ tuyệt thông là một hình phạt dược liệu, “ như “ vạ ấy kêu gọi sự sám hối, sự cải thiện và sự phạt tạ vì tội.”

Đức Tổng Giám Mục Amato kết luận vạ tuyệt thông “được giải khi người đương sự chứng tỏ sự sám hối chân thành và cam kết theo giáo lý và kỷ luật đúng của Giáo Hội”.

Trong năm 1994 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã ra một tông thư “Về Việc Dành Chức Linh Mục cho Những người Nam Mà Thôi,” trong tông thư này ngài đã tuyên bố chức linh mục “Trong Giáo Hội Công Giáo ngay từ đầu đã được dành cho người nam mà thôi. Truyền thống này cũng được tuân giữ cách trung thành bởi các Giáo Hội phương Đông.”

Ngài nói thêm, “tôi công bố rằng Giáo Hội không có quyền nào trao chức linh mục cho những người nữ và phán đoán này phải được tuân giữ dứt khoát bởi mọi người tín hữu của Giáo Hội.”
 
Huấn từ của Đức Giáo Hoàng với các Giám Mục Myanmar (Miến Điện)
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
07:43 02/06/2008
“Giáo Hội hoàn vũ liên kết cách thiêng liêng với những kẻ than khóc”.

VATICAN (Zenit.org). Văn bản bài huấn từ tiếng Anh Đức Biển Đức XVI đọc trước các giám mục Myanmar hôm thứ Sáu 30/5, trong cuộc thăm viếng của các ngài tại Roma theo Giáo Luật, thông lệ năm năm một lần.

* * *

Các anh em Giám Mục thân yêu của tôi,

Tôi vui mừng đón tiếp anh em, các giám Mục Myanmar, anh em đã đến Thành Phố Roma kính viếng những ngôi mộ các thánh Tông Đồ và thắc chặt sự hiệp thông của anh em với người Kế Vị Phêrô. Cuộc gặp gỡ của chúng ta hôm nay minh chứng cho sự hiệp nhất, đức bác ái và sự bình an kết hợp chúng ta với nhau và làm sinh động sứ vụ chúng ta là dạy dỗ, hướng dẫn và thánh hoá dân Chúa (x. Lumen Gentium, 22) Tôi xin cám ơn những lời chào tử tế và sự bảo đảm về những kinh nguyện mà Tổng Giám Mục Paul Grawng đã bày tỏ cho tôi nhân danh anh em va nhân danh hàng giáo sĩ, các Tu Sĩ và hàng giáo dân các giáo phận của anh em. Tôi muốn đáp lại bằng những lời chào chân tình của tôi và kinh nguyện chân thành của tôi, xin Chúa ban cho anh em sự bình an trong mọi lúc và về mọi phương diện (x.2 Thessalonians 3:16)

Giáo Hội tại Myanmar được biết và được khâm phục vì tính liên đới của Giáo Hối đối với những người nghèo và những kẻ túng thiếu. Điều này rõ ràng đặc biệt trong sự quan tâm anh em đã chứng tỏ trong hoàn cảnh hậu cơn bão Nargis. Nhiều cơ quan và hiệp hội Công Giáo trong phần đất của anh em cho biết dân chúng dưới quyền chăm sóc của anh em đã chú ý đến lời khuyên của tiếng Kêu Gioan tẩy Giả: “Ai có hai áo thì chia cho những người không có; ai có gì ăn thì cũng làm như vậy!” (Lc 3:11). Tôi tin rằng dưới sự hướng dẫn của anh em, các tín hữu sẽ tiếp tục chứng tỏ khả năng thiết lập “một sự liên kết giữa việc rao giảng Tin Mừng và những công việc bác ái (Deus Caritas est, 30), ngõ hầu những kẻ khác sẽ “cảm nghiệm sự phong phú của nhân tính họ” và “Thiên Chúa có thể được tôn vinh qua Chúa Giêsu kitô” (ibid.,31; x. 1Pt 4:8-11).

Trong những ngày khó khăn này, tôi biết nhân dân Miến Điện biết ơn nhiều đối với những cố gắng của Giáo Hội cung cấp nơi trú, thức ăn, nước uống, và thuốc men cho những người còn trong cảnh cùng quẫn. Tôi hy vọng rằng, theo sự thỏa thuận mới đạt được về sự cung cấp trợ giúp do cộng đồng quốc tế, tất cả những ai sẵn sàng giúp sẽ có khả năng trang bị kiểu giúp được đòi hỏi và được dễ dàng tới những nơi cần trợ giúp nhất.

Tại thời gian khủng hoảng này, tôi tạ ơn Thiên Chúa Toàn Năng đã đưa chúng ta “giáp mặt nhau” (1Thess 2:17), vì điều này cho tôi dịp bảo đảm anh em rằng Giáo Hội hoàn vũ liên kết cách thiêng liêng với những kẻ khóc vì mất những người thân (x. Rm 12:15), khi Giáo Hội đưa ra cho họ lời hứa của Chúa sẽ giúp đỡ và an ủi(x.Mt 5:4). Xin Chúa mở lòng mọi người hầu một sự nỗ lực có phối hơp được thực thi đễ dễ dàng hóa và phối hợp sự cố gắng đang tiến hành hầu mang lạ sự giảm nhẹ cho nỗi đau khổ và tái thiết hạ tầng của xứ sở.

Sứ vụ bác ái của Giáo Hội sáng chói cách đặc biệt qua đời sống Tu Sĩ, qua nếp sống này những người nam và người nữ hiến mình “tập trung “ hoàn toàn vào việc phục vụ Thiên Chúa và anh em thân cận (x. 1 Cor 7:34; x. Vita Consecrata, 3). Tôi vui mừng ghi nhận rằng một số ngày càng tăng những người nữ đáp ứng với tiếng gọi sống đời sống thánh hiến trong xứ sở anh em.

Tôi cầu xin cho sự họ chấp nhận tự do và triệt để các lời khuyên Tin Mừng, sẽ linh hứng những kẻ khác chấp nhận nếp sống khiết tịnh, khó nghèo và vâng lời vì Vương Quốc. Việc chuẩn bị những ứng viên cho việc phục vụ cầu nguyện và công tác tông đồ này đòi hỏi một sự đầu tư thời gian và tiền của. Những lớp đào tạo do Hội Nghị Tu Sĩ Công Giáo Myanmar chứng tỏ sự hợp tác có thể giữa các cộng đồng tu sĩ khác nhau với sự tôn trọng đặc sủng riêng biệt của mỗi cộng đồng, và nhắm tới nhu cầu cho việc đào tạo thiêng liêng và nhân bản, học giả lành mạnh.

Những dấu tương tự hy vọng được thấy trong con số ngày càng tăng các ơn gọi tới chức linh mục. Những người này được “tập hợp” và “ được sai di rao giảng” (x.Lc 9:1-2) để nên gương trung thành và thánh thiện cho Dân Chúa. Được tràn đầy Chúa Thánh Thần và được hướng dẫn bởi sự chăm sóc phụ tử của anh em, nhiều linh mục thực hành những nhiệm vụ thánh thiện của họ trong đức khiêm nhượng, đơn sơ và vâng lời (x. Presbyterorum Ordinis, 15). Như anh em biết, điều này đòi hỏi một sự đào tạo thấu đáo thích hợp với phẩm giá chức vụ linh mục của họ. Do đó tôi khuyến khích anh em tiếp tục thực hiện những hy sinh cần thiết để bảo đảm rằng các chủng sinh nhận lãnh sự đào tạo nguyên vẹn cho phép họ trở thành những sứ giả đích thực của việc Tân Phúc Âm Hóa (x. Pastored dabo Vobis, 2).

Anh em thân yêu của tôi, sứ vụ Giáo Hội rao giảng Tin Mừng tùy thuộc một sự đáp ứng quảng đại và mau chóng từ hàng tín hữu giáo dân để trở thành những lao công trong vườn nho (x.Mt 20: 1-16; 9:37-38) Họ cũng cần một sự đào tạo hùng mạnh và động lực, linh hứng họ mang sứ điệp Tin Mừng tới những nơi làm việc của họ, các gia đình, và tới xã hội nói chung (x. Eccclesia in Asia, 22). Những báo cáo của anh em ám chỉ sự nhiệt thành thúc đẩy người giáo dân tổ chức nhiều sáng kiến mới giáo lý và thiêng liêng, thường bao hàm những số lớn giới trẻ.

Vì anh em nuôi dưỡng và kiểm tra những sinh hoạt này, tôi khuyến khích anh em nhắc những kẻ ở dưới sự chăm sóc của anh em luôn quay về sự nuôi dưỡng của Thánh Thể qua sự tham gia trong phụng vụ và chiêm niệm thinh lặng (x. Ecclesia de Eucharistia,6). Những chương trình hiệu nghiệm về việc rao giảng Tin Mừng và việc dạy giáo lý, cũng đòi hỏi viêc lên chương trình và tổ chức rõ rệt nếu chúng phải hoàn thành mục đích ao ước của việc dạy chân lý Kitô Giáo và đưa dân chúng tới tình yêu Chúa kitô. Điều đáng ước mong là họ sử dụng những sự giúp đỡ thích hợp, gòm có những sách nhỏ và những vật dụng thính thị, hầu bổ sung việc dạy nói và cung cấp những điểm chung qui chiếu về giáo lý Công Giáo đích thực. Tôi chắc rằng những Giáo Hội địa phương khác khắp thế giới sẽ làm điều gì họ có thể để cung ứng những vật liệu khi nào có thể.

Sự tham gia tích cực của anh em trong Đại hội Sứ Vụ châu Á lần tứ nhất đã dẫn tới những sáng kiến mới cho sự cổ võ thiện chí với các Phật tử trong xứ sở anh em. Về phương diện này, Tôi khuyến khích anh em phát triển những tương quan tốt hơn nữa với các Phật tử vì lợi ích của những cộng đồng cá biệt anh em và của toàn thể quốc gia.

Sau cùng, anh em thân yêu của tôi, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn chân tình của tôi đối với thừa tác vụ trung thành của anh em giữa những hoàn cảnh khó khăn và những trở lực thường vượt quá sự kiểm soát của anh em. Tháng tới, Giáo Hội khai mạc Năm Thánh đặc biệt suy tôn Thánh Phaolô.

“Vị Tông Đồ Dân ngoại này” đã được khâm phục qua bao thế kỷ vì sự kiên nhẫn dũng cảm của ngài trong những cơn thử thách và những nỗi khổ cực được tường thuật cách sống động trong những Thư của ngài và trong sách Tông Đồ Công Vụ (x. 2 Tim 1:8-13; Cv 27:13-44). Phaolô khuyên chúng ta nhìn lên vinh quang chờ đợi chúng ta ngõ hầu không bao giờ ngã lòng trong đau đớn và những đau khổ ngày nay. Ân huệ hy vọng chúng ta đã lãnh nhận- và trong đó chúng ta được cứu độ (x. Rom 8:24)- ban ân sủng và biến đổi cách sống của chúng ta (x. Spe Salvi,3). Được Chúa Thánh thần soi sáng, tôi mời anh em kết hợp với Thánh Phaolô trong sự tin cẩn chắc chắn rằng không sự gì-dầu là gian truân, hay bắt bớ, hay đói rách, hay hiện tại hay tương lai, không thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta. (x. Rom 8:35-39).

Khi phó thác anh em cho sự cầu bàu của Đức Maria, Nữ Vương các Tông Đồ, tôi sẵn sàng ban Phép lành Tông Toà của tôi cho anh em và cho hàng giáo sĩ, các Tu Sĩ và hàng giáo dân của anh em.
 
Huấn dụ ngày Chúa Nhật: Cần đến sự Hiện Diện của Chúa Kitô
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
07:45 02/06/2008
Đức Giáo Hoàng khích lệ việc sùng kính Thánh Tâm.

VATICAN (Zenit.org).-Dầu sự hiện diện của Chúa Kitô chỉ thấy được qua đức tin, đó là một sự hiện diện thâm sâu hơn và đáng tin cậy hơn mà mọi người đều cần, Đức Biển Đức XVI nói.

Đức Giáo Hoàng nói như vậy hôm Chúa Nhật 1/6 trước khi đọc kinh Truyền Tin với những đoàn người qui tụ trong Quảng Trường Thánh Phêrô, ngài khuyến khích các tín hữu đổi mới lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Kitô trong tháng này.

Ngài nhắc lại tháng Sáu theo truyền thống được dành cho việc sùng kính trái tim Chúa Kitô, mà ngài nói là “một biểu tượng của đức tin Kitô hữu, thân yêu đối với người tín hữu, đối với những nhà thần bí và các nhà thần học bởi vì biểu tượng ấy diễn tả trong một cách đơn sơ và đích thực ‘những tin mừng’ tình yêu, tổng kết mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc.”

Đức Thánh Cha đã giải thích rằng lễ trọng Thánh Tâm Chúa Giêsu, cử hành ngày thứ Sáu, cùng với những lễ trọng Ba Ngôi Chí Thánh và Mình Thánh Chúa Kitô, “nhắc tâm trí về một cử động tới trung tâm: một cử động của Thần trí do Chính Thiên Chúa hướng dẫn.

Đức Giáo Hoàng nói tiếp, “Từ chân trời vô cùng tình yêu của Người, trên thực tế, Thiên Chúa muốn đi vào trong những ranh giới lịch sử và điều kiện nhân bản, Người mặc lấy một thân xác và một con tim; như vậy chúng ta có thể chiêm ngắm và hội ngộ sự vô cùng trong sự có cùng, mầu nhiệm của con tim nhân bản vô hình và không thể diễn tả của Chúa Giêsu, người thành Nadareth.

“Trong thông điệp thứ nhất của tôi về chủ đề tình yêu, điểm khởi hành là cái nhìn hướng về cạnh sườn bị đâm thủng của Chúa Kitô, như Thánh Gioan nói trong sách Tin Mừng của ngài. […] Và trung tâm này của đức tin cũng là nguồn hy vọng trong đó chúng ta được cứu, hy vọng mà tôi đã lấy làm đối tượng của thông điệp thứ hai của tôi.”

“Mỗi người đều cần một ‘trung tâm’ trong sự sồng của mình,” ngài nói,” một nguồn mạch chân lý và lòng nhân từ phải rút ra từ đó, trong dòng chảy của những tình huống khác nhau thuộc sự sống mỗi ngày và sự cần cù của nó. Mỗi người trong chúng ta, khi dừng lại cho một lúc thinh lặng, cần cảm giác không những nhịp đập con tim mình, nhưng cách sâu xa hơn, nhịp đập của một sự hiện diện đáng tin cẩn, thấy được bằng những giác quan đức tin và còn thật hơn: sự hiện diện của Chúa Kitô, con tim thế giới.”
 
Huấn từ của Đức Giáo Hoàng cuối Tháng Năm kính Mẹ
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
07:49 02/06/2008
“Mẹ được chúc phúc vì Mẹ đã tin”

VATICAN (Zenit.org).- Bài huấn đức Đức Biển Đức XVI trình bày chiều Thứ bảy 31/5 trong Quảng trường Thánh Phêrô đánh dấu sự kết thúc tháng Năm, tháng dâng kính Đức Maria.

* * *

Anh Chị Em thân mến!

Chúng ta kết thúc tháng Năm với cuộc hợp gợi ý này là đọc kinh Đức Maria. Tôi chào anh chị em với lòng yêu mến và tôi cám ơn anh chị em vì sự tham gia của anh chị em. Tôi chào, trước hết, Đức Hồng Y Angelo Comastri; cùng với ngài tôi cũng cháo những hồng y khác, những tổng giám mục, những giám mục và linh mục tham gia trong việc cử hành chiều nay.

Tôi gởi lời chào của tôi tới tất cả những người thánh hiến và tới anh chị em, hàng tín hữu giáo dân yêu quí của tôi, những kẻ đã ao ước cung kính Đức Trinh Nữ Chí Thánh với sự hiện diện của anh chị em. Ngày hôm nay chúng ta cử hành lễ Thăm Viếng của Đức Trinh Nữ Chí Thánh và lễ nhớ Trái Tim Vẹn sạch Đức Mẹ Maria.

Tất cả sự này mời chúng ta nhìn lên Đức Maria với sự tín thác. Lại chiều nay, chúng ta quay về Mẹ, với việc thực hành thánh kinh Mân Côi xưa và luôn luôn thích đáng. Kinh Mân Côi, nếu không phải là một sự lập lại máy móc những công thức truyền thống, là một bài gẫm kinh thánh cho phép chúng ta suy tư về những biến cố cuộc đời Chúa Giêsu trong sự đồng hành của Đức Trinh Nữ thánh, trân trọng giữ gìn chúng, như Mẹ đã làm, trong lòng chúng ta.

Trong nhiều cộng đồng Kitô hữu có thói quen tốt đọc kinh Mân Côi một cách long trọng hơn với gia đình và trong các giáo xứ. Bây giờ tháng chấm dứt, sự thực hành tốt này cũng không chấm dứt; trên thực tế việc thực hành tốt này phải được tiếp tục với một dấn thân còn cao cả hơn, ngõ hầu, trong trường học của Đức Maria, ngọn đèn đức tin có thể sáng chói hơn trong lòng các Kitô hữu và trong gia thất của họ.

Trong lễ Thăm Viếng hôm nay phụng vụ mời chúng ta nghe lại đoạn Tin Mừng Luca tường thuật cuộc hành trình của Đức Maria từ Nadareth tới nhà bà chị họ cao niên Elisabeth. Chúng ta hãy tưởng tượng tình trạng của Đức Trinh Nữ sau ngày Truyền Tin, khi thiên thần từ giả Mẹ.

Đức Maria thấy ngài mang một mầu nhiệm cao cả trong bụng ngài; ngài biết rằng một điều gì bất thường độc đáo đã xảy ra; ngài hiểu rằng chương cuối cùng trong lịch sử cứu độ thế giới đã bắt đầu. Nhưng mọi sự xung quanh ngài vẫn như trước, và làng Nadareth không biết gì về đìều đã xảy ra cho ngài.

Trước khi quan tâm về chính mình, Đức Maria nghĩ nhiều hơn về người chị cao niên Elizabeth, kẻ mà ngài biết đã tới xa trong giai đoạn thai nghén, và, được thúc giục bởi mầu nhiệm tình yêu ngài mới lãnh nhận trong mình, ngài “vội vã” ra đi giúp đỡ bà Elizabeth. Đó là sự cao cả đơn giản và tuyệt diệu của Đức Maria!

Khi Đức Maria tới nhà bà Elizabeth, một sự gì đã xảy ra mà không thợ vẽ nào có thể vẽ với cũng một nét đẹp và tính thâm sâu như biến cố hiện tại. Anh sáng nội tại của Chúa Thánh Thần đã bao phủ các bà. Và Elizabeth, được soi sáng từ trên cao, liên kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc! Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” (Lc 1:42-45).

Những lời nói này có thể xem ra thái quá cho chúng ta trong bối cảnh hiện tại. Elizabeth là một trong nhiều ngươi nữ cao niên trong dân Israel, và Đức Maria là một cô gái không tên tuổi từ một làng xa xôi xứ Galilệ Các bà có thể là gì và các bà có thể làm gì trong một thế giới trong đó những người khác đáng giá và những kẻ khác có quyền thống trị? Nhưng Đức Maria một lần nữa làm kinh ngạc chúng ta bởi vì lòng dạ ngài trong suốt, hoàn toàn mở ra đón nhận ánh sáng Thiên Chúa, linh hồn ngài không hề mắc tội, không hề bị đè nặng do tính kiêu căng và ích kỷ.

Những lời nói của Elizabeth nhen nhúm một thánh thi ca ngợi trong lòng Đức Maria, bài thánh thi đó là một bài đọc “thần học”đích thực và sâu sắc trong lịch sử: một bài đọc mà chúng ta phải luôn học từ ngài vì đức tin của ngài không có những bóng tối và không có những vết rạn. “Linh hồn tôi cao rao sự cao cả của Chúa.” Đức Maria biết sự cao cả của Chúa. Đó là tâm tình cần thiết thứ nhất của đức tin; tâm tình mang đến sự chắc chắn cho tạo vật nhân bản và giải thoát tạo vật ấy khỏi sợ hải, mặc dầu đang ở giữa những cơn bão lịch sử.

Vượt quá vẻ bề ngoài, Đức Maria “thấy” với con mắt đức tin công trình của Chúa trong lịch sử. Vì lẽ này ngài được chúc phúc, bởi vì ngài đã tin; bằng đức tin, trên thực tế, ngài đã dón nhận lời Chúa và cưu mang Ngôi Lời nhập thể. Đức tin của ngài cho ngài thấy những ngai toà của những kẻ quyền thế trần gian này đều là tạm bợ, đang khi ngai toà của Thiên Chúa là tảng đá duy nhất không thay đổi và không sụp đổ.

Và bài “Magnificat” của Đức Maria, sau những thế kỷ và những ngàn năm, vẫn là sự giải thích thật nhất và sâu sắc nhất của lịch sử, đang khi những bài đọc của nhiều kẻ khôn ngoan đời này đã bị bác bỏ bởi những sự kiện trên dòng các thế kỷ.

Anh chị em thân mến! Chúng ta hãy về nhà với kinh Magnificat trong lòng. Chúng ta hãy mang trong chúng ta cũng những tâm tình ca ngợi và tạ ơn Chúa như Đức Maria, mang đức tin và hy vọng của ngài, sự sẵn sàng bỏ mình của ngài trong tay Chúa Quan Phòng. Chúng ta hãy bắt chước gương ngài sẵn sàng và quảng đại trong việc phục vụ các anh chị em chúng ta. Trên thực tế, chúng ta chỉ có khả năng cất lên một thánh thi ca ngợi Chúa bằng cách đón nhận tình yêu của Chúa và biến cuộc sống chúng ta thành một sự phục vụ vị tha và quảng đại đối với người thân cận. Mong Đức Bà xin được ân sủng này cho chúng ta, ngài là Đấng đêm nay mời chúng ta tìm nơi trú ẩn trong con tim vô nhiễm của ngài.
 
ĐTC nói: cần sự hiện diện của Đức Kitô
Phaolô Phạm Xuân Khôi
08:54 02/06/2008
Khuyến Khích Sùng Kính Thánh Tâm Chúa

VATCAN, Ngày 1 tháng 6, 2008 (Zenit.org). - Đức Thánh Cha Benêđictô XVI đã nói, mặc dù sự hiện diện của Đức Kitô chỉ có thể đươc nhận thức qua Đức Tin, nhưng đó lại là một sự hiện diện sâu xa và đáng tin cậy mà mọi người đều cần đến.

ĐTC đã nói hôm nay trước khi đọc Kinh Truyền Tin với đám đông tụ họp tại Quảng Trường Thánh Phêrô, ngài khuyến khích các tín hữu canh tân việc sùng kính Thánh Tâm Đức Kitô tháng này.

Ngài nhắc lại rằng theo truyền thống thì Tháng Sáu được dành để tôn sùng Thánh Tâm Đức Kitô, mà ngài gọi là “một biểu tượng của Đức Tin Kitô giáo rất thân yêu đối với các tín hữu, các nhà thần bí, và các nhà thần học bởi vì Thánh Tâm diễn tả một cách đơn sơ và chân thật ‘tin mừng’ tình yêu, tóm lược chính mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Độ.”

ĐTC giải thích rằng Lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu được mừng vào Thứ Sáu, cùng với Lễ Chúa Ba Ngôi và Lễ Mình Máu Thánh Chúa, “đem lại cho tâm trí một động tác hướng về trung tâm: động tác tinh thần[1] được chính Thiên Chúa hướng dẫn.”

Ngài tiếp tục, “Thật ra, từ chân trời vô tận của tình yêu, Thiên Chúa đã muốn đi vào những giới hạn của lịch sử và thân phận của con ngưới, Ngài đã mặc lấy một thân xác và một trái tim; như thế chúng ta có thể chiêm ngắm và gặp gỡ Đấng Vô Hạn nơi sự hữu hạn, là mầu nhiệm vô hình và không thể diễn tả được nơi trái tim nhân loại của Chúa Giêsu, thành Nazareth.”

“Trong thông điệp đầu tiên của tôi về đề tài tình yêu, điểm khởi hành là quay mắt nhìn về cạnh sườn bị đâm thâu qua của Đức Kitô, mà Thánh Gioan đã nói đến trong Tin Mừng. […] Tại trung tâm của Đức Tin này cũng có nguồn suối hy vọng mà trong đó chúng ta được cứu độ, là niềm hy vọng mà tôi đã dùng là đề tài cho thông điệp thứ hai của tôi.”

Ngài nói, “Mọi người đều cần một ‘trung tâm’ của đời sống mình, một nguồn mạch chân lý và sự tốt lành để rút ra từ đó trong những biến chuyển của những hoàn cảnh khác nhau và những vất vả của cuộc sống hằng ngày. Mỗi người chúng ta, khi ngừng lại một giây phút im lặng, cần phải cảm thấy không những chỉ nhịp đập của con tim mình, nhưng sâu xa hơn, nhịp đập của một sự hiện diện đáng tin cậy, mà giác quan Đức Tin có thể nhận thức được nhưng cũng thực tế hơn: sự hiện diện của Đức Kitô, Trái Tim của thế giới.”

[1] Động tác tinh thần là dịch theo tìếng Ý (un movimento dello spirito). Trong khi đó bản tìếng Anh dịch là “a movement of the Spirit (tác động của Chúa Thánh Thần) là sai.
 
ĐTC Benedictô XVI nói: Kinh Mân Côi là một trường của Đức Mẹ
Phaolô Phạm Xuân Khôi
11:08 02/06/2008
VATICAN, ngày 1 tháng 6, năm 2008 (Zenit.org). – Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói, Kinh Mân Môi là một trường của Đức Mẹ mà trong ấy các Kitô hữu có thể học để cho ánh sáng Đức Tin tỏa sáng hơn trong lòng họ.

ĐTC đã nói thế chiều Thứ Bảy vừa qua trong buổi tập họp tại Quảng Trường Thánh Phêrô mừng ngày kết thúc Tháng Năm, là Tháng dành để kính Đức Mẹ.

Biến cố thắp nến, có sự tham dự của các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và giáo dân, là một trong số những biến cố mừng kính Đức Mẹ mà ĐTC tham dự trong Tháng Năm. Hôm Thứ Bảy đầu tháng, ngài đã chủ tọa buổi cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả.

Trong bài huấn từ tại Quảng Trường Thánh Phêrô, ĐTC đã suy niệm về Kinh Mân Côi, mà ngài nói là “một suy niệm Thánh Kinh cho phép chúng ta suy nghĩ về các biến cố trong đời sống của Chúa cùng với Đức Trinh Nữ, trong khi giữ chúng trong lòng chúng ta như Đức Mẹ đã làm.”

ĐTC Bênêđictô khuyến khích thực hành việc đọc Kinh Mân Côi “để rồi trong trường của Đức Mẹ, ngọn đèn Đức Tin tỏa sáng hơn bao giờ hết trong lòng của các Kitô hữu và trong gia đình họ.”

Sau đó ĐTC suy niệm về kinh “Ngợi Khen” của Đức Mẹ, mà trong đó Mẹ “nhìn nhận sự cao cả của Thiên Chúa.”

“Kinh Ngợi Khen”

ĐTC giải thích “Đây là cảm giác không thể thiếu được của Đức Tin, cảm giác cho con người như một tạo vật điều chắc chắn, và giải phóng họ khỏi sợ hãi, ngay cả giữa những phong ba của lịch sử.”

Ngài nói tiếp: “Nhìn vượt qua bề mặt, Đức Mẹ Maria ‘đã thấy’ bằng cặp mắt Đức Tin công trình của Thiên Chúa trong lịch sử. Chính vì lý do đó mà Mẹ đã được chúc phúc, bởi vì Mẹ đã tin: Thực sự, qua Đức Tin, Mẹ đã đón chào Lời của Chúa và đã thụ thai Ngôi Lời Nhập Thể.

“Đức Tin của Mẹ đã cho phép Mẹ thấy các ngai của những người quyền thế trên thế gian chỉ là tạm bợ, trong khi đó ngai của Thiên Chúa là tảng đá duy nhất không thay đổi mà cũng không xụp đổ được.

“và bài ‘Ngợi Khen’ của Đức Mẹ sau nhiều kỷ nguyên và thiên niên, vẫn là bài giải thích lịch sử đúng nhất và có chiều sâu nhất, trong khi đó các bài của nhiều người khôn ngoan trên thế gian này theo dòng thời gian đã bị thực tế phủ nhận.”

Đức Thánh Cha thúc gịuc, “Chúng ta hãy trở về nhà với kinh Ngợi Khen trong lòng mình. Chúng ta hãy mang trong mình chúng ta cùng những cảm giác chúc tụng và cảm tạ Chúa của Đức Mẹ, cùng với Đức Tin, niềm hy vọng, việc ngoan ngoãn phó mình trong tay quan phòng của Thiên Chúa của Mẹ.

“Chúng ta hãy theo gương sẵn lòng và quảng đại của Mẹ trong việc phục vụ anh chị em mình. Thực ra, chúng ta chỉ có thể dâng bài ca ngợi khen lên cùng Chúa bằng cách đón nhận tình yêu của Thiên Chúa và biến sự hiện hữu của mình thành một việc phục vụ tha nhân cách vô vị lợi và quảng đại.
 
Phát triển toàn cầu và phát huy toàn diện nhân loại
Phaolô Phạm Xuân Khôi
15:06 02/06/2008
VATICAN, ngày 31 tháng 5, 2008 (VIS). – Vào trưa hôm nay, Đức Thánh Cha đã gặp thành viên của “Centesimus Annus Pro Pontifice”, vừa họp xong buổi họp thường niên, mà năm nay đã đặt trọng tâm vào đề tài: “Vốn Liếng Xã Hội và Phái Triển Nhân Sinh”.

Trong những nhận xét ngài nói với nhóm, Đức Thánh Cha ghi nhận việc họ đã suy tư thế nào về nhu cầu cần phải “cổ võ một hình thức phát triển toàn cầu mà vẫn quan tâm đến việc phát huy toàn diện nhân loại, trong khi nhấn mạnh đến đóng góp của các đoàn thể thiện nguyện, các cơ quan vô vị lợi, và những nhóm cộng đoàn khác đang hiện hữu nhằm mục đích làm cho cơ cấu xã hội càng ngày càng thêm chặt chẽ.

Ngài nói thêm: “Việc phát triển một cách cân đối có thể xảy ra nếu những chọn lựa chính trị và kinh tế … để ý đến những nguyên tắc cơ bản làm cho [những phát triển như thế] có thể ảnh hưởng đến mọi người: … [đó là nguyên tắc] hỗ trợ và đoàn kết”. Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc coi nhân loại “như là trọng tâm của tất cà các hoạch định kinh tế”, và vạch ra rằng, “chỉ có một nền văn hóa được chia sẻ trách nhiệm và việc tích cực tham gia sẽ giúp cho con người không chỉ coi mình là những người sử dụng hoặc là những nhân chứng thụ động, nhưng là những người tham gia đắc lực vào việc phát triển thế giới”.

“Cần phải tránh việc biến lợi nhuận thành của riêng thuần túy, và đề phòng các hình thức tập thể đàn áp tự do cá nhân. Những quyền lợi về kinh tế và thương mại không bao giờ được trở nên độc quyền, bởi vì đó là một sự sỉ nhục thật sự đối với nhân phẩm”.

Ngài nói tiếp: “Thách đố to lớn của hôm nay là ‘toàn cầu hóa’, không phải chỉ những quyền lợi về kinh tế và thương mại, mà cả lời kêu gọi đoàn kết, trong khi tôn trọng và tận dụng sự đóng góp của tất cả mọi thành phần trong xã hội”.

Đức Thánh Cha cám ơn thành viên của tổ chức vì “sự giúp đỡ quảng đại mà các bạn đã dành cho những hoạt động bác ái và công tác đề cao con người của Hội Thánh một cách không biết mệt”, và ngài mời họ cũng suy nghĩ “về việc tạo ra một trật tự kinh tế công bằng trên thế giới”.

Ngài kết luận: “Trong ngày sau hết, ngày Chung Phán, Chúa sẽ hỏi chúng ta rằng chúng ta có dùng những gì mà Thiên Chúa trao phó cho chúng ta để thoả mãn những nhu cầu chính đáng, để giúp đỡ đồng loại, đặc biệt là những người bé nhỏ nhất và thiếu thốn nhất không”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tuần đại phúc tại giáo xứ Nam Lỗ sửa soạn cho biến cố mừng 100 năm
Thái Hà
11:52 02/06/2008
THÁI BÌNH - chủ nhật 01.06.2008, giáo xứ Nam Lỗ, giáo phận Thái Bình, đã khai mạc tuần đại phúc để chuẩn bị mừng kỷ niệm bách chu niên thành lập giáo xứ.

Giáo xứ Nam Lỗ, tách ra từ giáo xứ Sa Cát, được thành lập năm 1908 gồm 12 giáo họ và một ngôi đền Đức Mẹ nằm dọc hai bên bờ sông Tiên Hưng, thuộc các 7 xã của huyện Đông Hưng và Hưng Hà, hiện có 1377 nhân danh.

Nhà thờ giáo xứ được xây dựng năm1911 tại làng Sổ, huyện Đông Hưng, bên ngoài theo kiểu Tây Ban Nha, bên trong theo kiến trúc Á Đông. Bàn thờ và các chặng đường thánh giá được chạm lộng, sơn son thiếp vàng cực kỳ lộng lẫy, các bức tượng thánh rất nghệ thuật của dòng tượng Phó Gia.

Năm 2002, cha Đa Minh Nguyễn Văn Quát được bổ nhiệm về làm chính xứ, chấm dứt thời kỳ 48 năm giáo xứ không có cha trực tiếp coi sóc. Ngài đã vất vả khôi phục và kiến tạo đời sống đức tin cũng như cơ sở vật chất cho giáo xứ.

Năm nay, nhân dịp kỷ niệm trăm năm thành lập giáo xứ, với mong muốn giáo dân sống đạo tích cực hơn trước những thách đố của thời đại, cha xứ đã mời các cha Dòng Chúa Cứu Thế đến mở tuần đại phúc.

Đầu tháng năm vừa qua một nhóm các cha DCCT đã đến làm công tác tiền trạm, quen gọi là tiền phúc, và đã tổ chức kiệu Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đi thăm viếng từng gia đình tại 13 giáo họ trong giáo xứ.

Chiều nay từ các ngả đường giáo dân kiệu ảnh Đức Mẹ về nhà thờ chính xứ. Cứ mỗi khi nghe thấy tiếng trống khẩu bung bung, dàn kèn đồng rền vang hoặc tiếng trống đại rộn ràng, giòn giã là biết có một đoàn kiệu đang tiến về nhà thờ giáo xứ.

Nghi thức khai mạc tuần đại phúc diễn ra tại nhà thờ trước thánh lễ chiều. Cha chính xứ giới thiệu với cộng đoàn các cha: Phêrô Nguyễn Văn Khải, Giuse Đinh Tiến Đức, Giuse Ngô Văn Phi, Giuse Phạm Thanh Quang, Gioakim Lê Văn Chinh và các anh: Giuse Dương Văn Lợi, Giuse Nguyễn Văn Hải và Gioan Nguyễn Hiền Đức- là các thành viên của đoàn đại phúc.

Cha chính xứ trao dây các phép cho cha Phêrô Nguyễn Văn Khải- Bề trên đoàn đại phúc. Sau lời cám ơn và nhắn nhử của cha bề trên đoàn đại phúc, cộng đoàn lớn tiếng tuyên hứa sẵn sàng tham gia các sinh hoạt của kỳ đại phúc, sẵn sàng sám hối canh tân đời sống, sẵn sàng làm chứng cho Chúa và sẵn sàng xây dựng một gia đình và giáo xứ hiệp nhất trong yêu thương.

Được biết trong tuần đại phúc, giáo dân sẽ tụ họp tham gia các sinh hoạt ở hai điểm nằm hai bên sông Tiên Hưng. Ngoài thánh lễ và các bài giảng sáng chiều, các cha chia phiên giải tội, thăm viếng các gia đình, các người bệnh tật, gặp gỡ chia sẻ và sinh hoạt với các hội đoàn, tiếp cận giúp đỡ các trường hợp đặc biệt trong giáo xứ./.

Thái Hà
 
Một Dòng Nữ tại Huế tổ chức ngày hội cho chị em cựu tu sinh sống theo ơn gọi gia đình
Phêrô Nguyễn Ngọc Giáo
17:55 02/06/2008
Huế, Việt Nam - Thấm thoát đã hơn 33 năm, từ ngày các cựu chủng sinh rời xa tu viện để sống theo ơn gọi gia đình. Dòng đời các chị như hoa lục bình, trôi theo dòng nước chảy, nhưng tâm thức vẫn còn in những kỷ niệm giáo huấn xưa của dòng, giúp các chị có dịp trở lại cội nguồn.

Cựu tu sinh hội họp tại Huế
Thời cuộc đổi thay, chị Anna Lê Thị Quyên, cựu đệ tử sinh của dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng Huế, phải rời dòng để theo cha mẹ vào Lâm Đồng, lánh nạn do cuộc chạy loạn mùa hè đỏ lửa năm 1972 ở Huế. Từ đó chị Quyên không còn cơ hội trở lại nhà dòng, chị đã trở thành một người vợ, người mẹ đảm đang trong một gia đình, theo những năm tháng.

Chị Quyên 55 tuổi, nhớ lại những ngày còn là đệ tử, chị nói:’’tại đây tôi được học để lớn lên trong tình thương của Chúa’’, chị Quyên vừa về dự ngày gặp mặt lần đầu tiên dành cho 80 cựu tu sinh do hội dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng Huế tổ chức hôm 31-5-2008 lễ Đức Maria Thăm Viếng Bà Isave, bổn mạng của hội dòng.

Đức Giám mục phụ tá giáo phận Huế Phanxicô Xavie Lê văn Hồng đã chủ tế Thánh lễ này cùng 14 linh mục đồng tế Thánh lễ. Khoảng 400 nữ tu, cựu tu sinh và giáo dân là thân nhân của các nữ tu, đã tham dự nghi thức phụng vụ này.

Trong bài giảng lễ, Đức cha kêu gọi các nữ tu và giáo dân hãy chọn vai trò khiêm tốn của Đức Maria để phục vụ mọi người. ‘’Niềm vui của Mẹ là tự nguyện vâng theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, lên đường đi thăm bà Isave vì niềm vui được mang Chúa Kitô trong lòng’’.

Đức giám mục phụ tá còn khuyên các cựu tu sinh hãy mang Chúa đến với những người chúng ta gặp gỡ mỗi ngày vì bất cứ môi trường nào, chúng ta vẫn luôn là những chứng nhân của Thiên Chúa’’.

Biến cố lịch sử của đất nước 1975, kéo theo sự thay đổi lịch sử của hội dòng, vì phần đông các chị em khấn sinh theo đồng bào di tản vào Miền Nam, các Tập sinh, Thỉnh Sinh và Đệ tử được gửi về với gia đình. Sau một thời gian, một số chị em trở lại với dòng mẹ tại Phú Hậu cách Huế 2 cây số về hướng Tây, nhưng cũng có một số chị em đã sống theo ơn gọi gia đình.

Nữ tu Maria Pauline Therese Nguyễn Thị Diệu Cảnh bề trên hội dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng Huế cho biết, những năm tháng bôn ba với công ăn việc làm ở đời, nhưng các cựu tu sinh vẫn luôn tìm về cội nguồn vì nơi đây các chị đã từng chung sống, tu luyện, cùng nhau chia sẻ ngọt bùi trong đời dâng hiến.

Theo Bề trên của dòng nữ địa phương này cho biết, môi trường sống tuy thay đổi nhưng các chị đã trở nên những người mẹ hiền, người vợ ngoan luôn mang tình yêu thương và hạnh phúc đến cho gia đình và xã hội’’.

Chị Têrêxa Vũ Thị Tỵ, 55 tuổi một cựu tu sinh đến từ giáo phận Bà Rịa –Vũng Tàu cho biết chồng chị cũng là một cựu chủng sinh, gia đình chị có 2 người con đã tốt nghiệp đại học, có định hướng dâng mình cho Chúa, ngoài việc giúp gia đình thăng tiến, chị Tỵ tham gia nhóm Lòng Thương Xót Chúa vào lúc 3 giờ chiều mỗi ngày để cầu nguyện cho những bệnh nhân.

Một cựu tu sinh Huế cho biết, ngoài xã hội các chị vẫn luôn là những cô giáo tốt, tại giáo xứ địa phương, các chị là trưởng hoặc thành viên của ca đoàn, hội đoàn các bà mẹ công giáo, ban hội đồng giáo xứ, hay các tu hội đời tại thế.

Chương trình ngày hội gồm thánh lễ, giao lưu, liên hoan, văn nghê,và dâng hoa Đức Mẹ. Để kết thúc ngày hội, 80 cựu tu sinh đi từ hành lang nhà Đệ tử nơi còn dấu ấn nhà mẹ năm xưa, họ đến trước tượng đài Đức Mẹ La Vang để cùng các nữ tu và 60 em đệ tử mang đồng phục trắng, tóc quấn nơ hồng múa những bài hoa để tôn vinh Mẹ Thiên Chúa.

Hình ảnh các em đệ tử này là hình ảnh của các cựu tu sinh 33 năm về trước.. Lời cảm tạ của chị Bề trên sau thánh lễ ‘’ Nước biển mênh mông, không đong đầy tình Mẹ. Mây trời lồng lộng, không phủ kín công Cha’’ đã giúp các cựu tu sinh nhớ lại cội nguồn. Những giọt nước mắt vui buồn, từ từ lăn dài trên đôi má hao gầy theo năm tháng của chị Anna Lê Thị Quyên.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, Đà Lạt: Môi trường tu trì và Dòng Tên được ủy nhiệm (2)
Hoà Giang Đỗ Hữu Nghiêm
23:13 02/06/2008
Một Nghiên Cứu Về Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, Đà Lạt

GIÁO HOÀNG HỌC VIỆN
THÁNH PIÔ X ĐÀ LẠT, VIỆT NAM
(1957-1975)


Chương III
Đà Lạt: Môi Trường Tu Trì Trong Điều kiện Đa Năng

Giáo Hoàng Học Viện Pio X Đà Lạt
1. Cao nguyên Đà Lạt: Khi Hậu Thiên Nhiên Trong Lành Yên Tĩnh, Cảnh Trí Thoáng Đãng Duyên Dáng

Từ 1879, khi tiến hành các cuộc thám hiểm, Toàn quyền P. Doumer, từ thời thuộc địa, đã tìm gặp bác sĩ Yersin để thảo luận về việc tìm kiếm một nơi có khí hậu lý tưởng ở Nam Kỳ để tĩnh dưỡng, nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe. Bác Sĩ có ý kiến khuyến cáo, nên chọn đỉnh Lâm Viên.Thế là năm 1898, Pháp cho thiết lập tỉnh Đồng Nai Thượng lấy Đà Lạt làm thủ phủ.

Ngoài ra còn lập tỉnh Tánh Linh làm điểm giao dịch giữa vùng cao nguyên và đồng bằng. Tỉnh Đồng Nai Thượng được chính thức thành lập ngày 1/11/1899, sau khi các đường lên tỉnh cao nguyên về cơ bản được chuẩn bị. Nhưng năm sau, chương trình kiến thiết hạ tầng cơ sở cho Đà lạt đã bắt đầu.

Nhưng ai muốn đến Đà Lạt có thể lên bằng hai ngả đường bộ từ quốc lộ 1, đi qua Trảng Bom, Nga Ba Dầu Giây, La Ngà, Đinh Quán, Blao, Djiring, Ngã Ba FinNom, Đà Lạt, hay ngả Phan Rang, leo dốc Belle Vue lên sông Đa Nhim, rẽ theo lối Trạm Hành, hay lối Dran, Finnom, qua đèo Prenn di lên Đà Lạt. Có một đường mòn đi theo ngả Tánh Linh. Về sau, người ta có thể bay theo đường Hàng không, từ sân bay Tân Sơn Nhất, hay bất cứ sân bay xuất phát nào đến sân bay Liên Khàng, rồi theo dốc Prenn lên thị xã Đà Lạt

Như ta biết, Các Giám mục Việt nam ở Miền Nam vĩ tuyến 17 đã xin Tòa Thánh Vatican thành lập một Giáo Hoàng Học Viện tại Đà Lạt, có trình độ tương đương đại học trong phân khoa Thần Học. Bộ Truyền Bá Đức tin tại Rôma đã chấp nhận trong phiên họp ngày 25/1/1957, theo đề nghị của hàng Giám Mục Việt Nam, và ủy nhiệm Dòng Tên lập phương án điều hành cơ chế giáo dục đại học này.(Thư của hàng Giám mục miền Nam Việt nam gửi Linh Mục Bề Trên Cả Dòng Tên, 25.01.1957)

2. Môi Trường Thuận Lợi Cho Nhiều Hoạt Động Mà Nhất Là Giáo Dục Và Tu Trì

Thực ra, bắt đầu, từ năm 1916, Khách San Palace hình thành đầu tiên cho khách tạm trú, mỗi khi đến Đà Lạt.

Từ chung quanh thập niên 1930, thì nhiều cơ sở giáo dục bắt đầu phát triển ở Đà Lạt: Petit Lycée de Dalat (1927), biến thành Grand Lycée (1932), rồi Lycée Yersin (1935); Crèche de Nazareth (Dòng Saint Paul de Chartres, 1927); Collège d’Adran (Dòng Frères des Ecoles Chrétiennes, 1932); Trung Tâm Truyền Giáo Tin lành (và Dalat Missionary Schhol thuộc Hội Tin lành Phước Âm Liên Hiệp Christian and Missionary Alliance –C&MA, 1930); Notre Dame de Langbian (Dòng Chanoinesses de Saint Augustin, hay Couvent des Oiseaux, 1935); Domaine de Marie (Dòng Vincent de Paul)

Trong thập niên 1950, ngoài một loạt các trường học khác xuất hiện như Trường Võ Bị Quốc Gia (Trường Liên Quân Võ Bị Quốc Gia) (1950), Trường Quốc Gia Hành Chánh Đà Lạt (1953), Trường Trung Học Trần Hưng Đạo (Bảo Long), Trường Trung Học Bùi Thị Xuân (Phương Mai, Quang Trung), Trường Chỉ Huy Tham Mưu, Trường Chiến Tranh Chính trị, và nhiều cơ sở giáo dục khác, về phía các cơ sở cư trú và giáo dục Công giáo, có cơ sở của nhiều dòng tu khác, như:

Ngành nam có: Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế ở Tùng Lâm, Biệt Thự Thánh Tâm ở khu dốc gần Nhà Thò Saint Nicolas, Dòng Don Don Bosco (Salésiens) ở Trạm Hành, Dòng Franciscains, Dòng Đa Minh, Dòng Tận Hiến ỏ gần khu Du Sinh Cam Ly, Dòng Đồng Công, Dòng Tên, Dòng Giuse Nha Trang, …

Ngành nữ có thêm các cở sở như Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội gần Couvent des Oiseaux sau năm 1954, Mến Thánh Giá Thanh Hóa, Nữ tu Đa Minh,

Nhiều cơ sở dòng tu khác, hoăc cư trú, hoạt động tông đồ và giáo dục, cũng được thiết lập ở thị xã Đà Lạt, hoăc trong khuôn khổ giáo phận Đà Lạt, hay trong khuôn khổ dòng tu bên ngoài giáo phận, nhưng ở trong khu vục giáo phận Đà Lạt (từ sau 24.11.1960, khi chính thức thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam).

Các tôn giáo khác cũng có cơ sở tại Đà Lạt, như Chùa Linh Sơn, …

Như vậy, có một truyền thống chung cho nhiều cơ quan chọn Đà Lạt làm nơi giáo dục hay nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, huấn luyện, giáo dục hay tu hành.

Chương IV
Trường Hợp Dẫn Đến Ủy Nhiệm Dòng Tên

Mặc dù các tu sĩ Dòng Tên thích dùng thuật ngữ có vẻ hiện đại, tự gọi tên mình là Giêsu hữu, gần giống với chữ Jesuite của phương Tây, nhưng, tôn trọng cách gọi bình dân có ý nghĩa truyền thống của văn hóa Việt Nam, dường như tên vẫn ưa dùng là “tu sĩ dòng Tên” thay cho thuật ngữ “Giêsu hữu”, có phần nào xa la với đặc điểm văn hóa truyền thống lâu đời là kính trọng tên Giêsu, mà không dám nói đến tên của nhân vật đáng kính trọng ấy, như kiểu gọi Thiên Chúa là Giavê (Yavheh) Đấng Chí Tôn, Đáng Tối Cao trong tín ngưỡng thời Cựu Ước hay Do Thái ngày nay, ….

Vả lại chữ “Giêsu hữu” phảng phất chữ “Kitô hữu”, chứa đựng ý tưởng mọi tín hữu đều tin nhận Chúa Giêsu Kitô là Đáng Cứu Thế, là Ngôi Hai, mà không nhấn mạnh đến một đặc sủng ơn gọi của Dòng Tu.

Việc Dòng Tên được ủy thác trách nhiệm giáo dục triết thần có thể có nhiều lý do. Ngoài lý do là một dòng tu trí thức và nhiệt tình như được nhắc đến trong giáo hội, Dòng Tên có một hoàn cảnh khá riêng biệt trong lịch sử giáo hội là một dòng tu đã được chính Tòa Thánh dẹp bỏ, giải tán, và gần hai thế kỷ, dòng tu này mới được phục hồi.

Riêng tại Việt Nam, thì Dòng Tên đã vắng bóng từ khoảng cuối thế kỷ 18, sau khi đã truyền giáo ở Việt Nam trong thế kỷ 17 và gần hết thế kỷ 18.

Nhưng nhất là hoàn cảnh và Dòng Tên đã bị trục xuất khỏi Trung Hoa từ năm 1949, như tóm tắt mấy nét về Lịch sử Dòng Tên tại Việt Nam có thể gồm ba giai đoạn như sau:

1/. Vài Hàng Lược Sử Dòng Tên ở Việt Nam (1615-1975)

1. Giai đoạn 1615 – 1773

Ngày 18 tháng 01 năm 1615, ba tu sĩ Dòng Tên đặt chân đến Cửa Hàn (Đà Nẵng, Đàng Trong) để chính thức mở ra công cuộc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam. Ba tu sĩ Dòng Tên đó là Lm. Francesco Buzomi (người Ý), Lm. Diego Carvalho (người Bồ Đào Nha) và tu huynh Antónios Dias (người Bồ Đào Nha). Các nhà truyền giáo long trọng mừng Lễ Phục Sinh năm ấy với các tín hữu người Nhật tại đó. Năm sau, đã có hơn 300 tân tòng người Việt và Linh mục Buzomi chiếm được cảm tình của quan trấn thủ, và được Chúa Nguyễn sủng ái.

Tại Đàng Trong các Linh mục thừa sai thiết lập ba cư sở (residentia) đầu tiên. Đó là Hội An năm 1615, Nước Mặn (ngày nay thuộc tỉnh Bình Định) năm 1618 và Thành Chiêm (cách Hội An chừng 7km) năm 1623.

Linh mục Alexandre de Rhodes (thường quen gọi là thầy Đắc Lộ) đến Đàng Trong từ cuối tháng 12 năm 1624 đến tháng 07 năm 1626 thì bị trục xuất về Áo Môn (Macao).

Năm 1626, Đàng Ngoài đón tiếp các thừa sai. Linh mục Giuliano Baldinotti, người Ý cùng với tu huynh Giuliô Piani, người Nhật, theo tàu buôn thăm dò khả năng loan báo Tin Mừng. Trở về Áo Môn, Linh mục Baldinotti trình bày cho Bề Trên hoàn cảnh thuận lợi ở đây. Ngày lễ Thánh Giuse năm 1627, Linh mục Alexandre de Rhodes cùng với Linh mục Pedro Marquez đến Cửa Bạng (Thanh Hóa) gây dựng Giáo Hội Đàng Ngoài. Ngày lễ Tìm Được Thánh Giá 03 tháng 05 năm 1627, ngôi nhà thờ đầu tiên ở Đàng Ngoài được khánh thành tại An Vực (Thanh Hóa ngày nay).

Tháng 05 năm 1630, bốn nhà truyền giáo Dòng Tên Pedro Marquez, Đắc Lộ, Gaspar d’Amaral và Paulo Saïto, bị Chúa Trịnh Tráng trục xuất khỏi Đàng Ngoài, sau hơn 3 năm trời tận lực truyền giáo. Để nâng đỡ giáo đoàn, các nhà truyền giáo « chính thức » thành lập Tu hội thầy giảng. Tu hội được thành lập ở Kẻ Chợ ngày 27 tháng 04 năm 1630, còn ở Đàng Trong, Tu hội ra đời ngày 31 tháng 07 năm 1643 tại Hội An. Thể chế Kẻ Giảng này kéo dài trong Giáo Hội ban đầu và giúp ích cho giáo hội rất nhiều ít ra là buổi giao thời, nhất là những đòi hỏi cho việc huấn luyện linh mục còn nhiều khó khăn.

Năm 1644, Thầy Giảng Anrê Phú Yên bị quan trấn Quảng Nam xử tử. Linh mục Đắc Lộ cũng bị kết án tử hình, nhưng rồi được chuyển thành án trục xuất. Năm sau, quan trấn còn xử tử hai thầy giảng Inhã ở Quảng Trị và Vinh Sơn Quảng Ngãi để cho các thừa sai biết ông quyết tâm cấm đạo.

Trong thời gian 1615-1773, trên 155 tu sĩ của Dòng thuộc 20 quốc tịch (nhiều nhất là Bồ Đào Nha) đã đến loan Tin Mừng trên Đất Việt, cùng với 33 tu sĩ Dòng Tên người Việt. Trong số đó, có 12 tu sĩ này đã làm việc trong Thái Y Viện và Khâm Thiên Giám của các Chúa Nguyễn.

Ngày 21.7.1773, trước sức ép nặng nề của các chính quyền ác cảm với Dòng Tên, và nhiều lý do phức tạp khác, ĐGH Clementê XIV ra đoản sắc Dominus ac Redemptor giải thể DòngTên, không những chỉ ở xứ Tunkim hay Cochinchina (Đàng Ngoài hay Đàng Trong Đại Việt - Việt Nam khi đó), mà trên toàn thế giới, làm cho 23.000 tu sĩ Dòng Tên tan tác.

Từ đó các tu sĩ Dòng Tên Việt Nam cũng theo số phận chung với anh em mình trong toàn Giáo Hội. Khi ĐGH Piô VII ra trọng sắc Sollicitudo Omnium Ecclesiarum, tái lập Dòng Tên từ ngày 07 tháng 08 năm 1814, các cựu tu sĩ Dòng Tên ở Việt Nam đã chết hết rồi, chẳng còn ai để làm sống lại Dòng Tên tại đây.

Đây là một thử thách lớn lao nhất về tính khiêm tốn, tan biến cả một hiện hữu đang diễn tiến sinh động, một đức vâng phục sâu thẳm, mà chỉ có những người trong cuộc mới cảm thấu và chịu đựng “Chết đi để sống lại theo màu nhiệm Kitô thập giá”.

Dù sao, đó cũng là một cơ hội để Dòng Tên xét mình và sống tinh thần lý tưởng Dòng Tên trung thành và đắn đo cẩn trọng, thể hiện thích hợp trong cách ứng xử với cộng đồng dân Chúa, tuy không thể và không nhất thiết ý nghĩ và hành động của mình làm vừa lòng mọi người vi “nhân vô thập toàn”.

Như thế từ năm 1814 trở đi, Dòng Tên không có mặt trong lịch sử Việt Nam cho mãi đến năm 1957.

2. Giai Đoạn 1957-1975

Từ sau hiệp định Genève ngày 20 tháng 7 năm 1954 Việt Nam bị chia làm hai miền như nói trên. Miền Bắc sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa, lấy tên Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Miền Nam theo chế độ tự do trở thành Việt Nam Cộng Hòa.

Còn tại Trung Hoa, năm 1949, chính quyền cách mạng trục xuất hơn 700 tu sĩ Dòng Tên thừa sai thuộc 9 tỉnh Dòng ngoại quốc khỏi Hoa Lục. Các tu sĩ Dòng Tên phải tản mác đi phục vụ nhiều nơi, nhất là tại Hồng Kông, Macao và Đài Loan. Tìm đâu ra việc cho hàng trăm thừa sai trên các lãnh thổ nhỏ bé này?

Năm 1953, theo gợi ý của một số cựu sinh viên đại học Aurora (Thượng Hải) sinh sống tại Chợ Lớn, linh mục Paul O’Brien, Linh mục Kinh Lược coi các tu sĩ Dòng Tên, đã bị trục xuất, tới Sài Gòn nghiên cứu việc gởi các tu sĩ Dòng Tên qua phục vụ cư dân gốc Hoa tại Việt Nam. Các Linh mục Thừa Sai Paris đang phục vụ cộng đồng cư dân gốc Hoa ở Chợ Lớn cho biết, họ cũng có các thừa sai bị trục xuất khỏi Trung Quốc được gởi qua Việt Nam.

Năm 1955, Giám Mục Ngô Đình Thục đến Roma gặp Linh mục Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên Gioan Baotixita Janssens bàn việc mời các tu sĩ Dòng Tên lập một Viện Đại Học Công Giáo tại Việt Nam.

Năm 1956, Linh mục André Gomane, dòng Tên, trên đường về Bangkok, được Linh mục Kinh Luợc mới là Oñate, sai ghé vào Việt Nam để thăm dò khả năng gởi các tu sĩ Dòng Tên qua phục vụ Giáo Hội Việt Nam.

Các vị hữu trách trong Giáo Hội và cả phía chính quyền gợi ý mở cư xá sinh viên như ở Hồng Kông và giảng dạy ở đại học. Khâm Sứ Tòa Thánh đề nghị Dòng Tên nhận trách nhiệm mở một chủng viện thuộc quyền Giáo Hoàng để giúp đào tạo hàng giáo sĩ. Trở về Roma, báo cáo của Linh mục Gomane được trình bày với Bề Trên Tổng Quyền. Tháng 12 năm 1956, Linh mục Kinh Lược Oñate gặp BTTQ. Vị này liền yêu cầu khối thừa sai Trung Quốc nhận việc lập cơ sở mới phục vụ Giáo Hội tại Việt Nam.

Tháng 4 năm 1957, hai Linh mục Oñate và Georges Germain tới Sài Gòn để thực hiện chương trình. Các giới hữu trách trong Giáo Hội cũng như chính quyền đề nghị, gởi giáo sư qua giảng dạy ở các Đại Học. Khâm Sứ Tòa Thánh yêu cầu lập Chủng Viện thuộc quyền Giáo Hoàng và đề nghị đặt tại Đà Lạt, nơi có Đại Học Công Giáo vừa được thành lập.

Linh mục Germain được giao nhiệm vụ cấp tốc tìm nhà cho 4 tu sĩ Dòng Tên tới giảng dạy đại học có nơi trú ngụ. Sau mấy tuần lễ tìm kiếm không thành công, nghe biết có một ngôi nhà do chính phủ Pháp sắp trả lại cho chính phủ Việt Nam, Linh mục nhờ Bộ Trưởng Giáo Dục can thiệp, xin cho phép mua lại ngôi nhà đó làm nơi cư trú cho các anh em tu sĩ Dòng Tên tới giảng dạy ở đại học.

Ngày 26.04.1957, ngoài Linh mục Germain, hai tu sĩ Dòng Tên khác là Linh mục Ferdinand Lacretelle, vừa kết thúc nhiệm vụ hướng dẫn Năm Tập Ba, và tu huynh J. B. Haňrio, cả hai đều là người Pháp được sai đến Sài Gòn và lập cộng đoàn đầu tiên ở đây. Như vậy, các tu sĩ chính thức trở lại Việt Nam sau gần 200 năm vắng bóng. Ngày 31 tháng 5 năm 1957, Linh mục Germain nhận chìa khóa nhà 175 B đường Yên Đổ (sau là 161 Yên Đổ, Quận 3, Sài Gòn và nay là 171 Lý Chính Thắng, Phường 7, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh). Đây là cơ sở đầu tiên của Miền Dòng khi trở lại Việt Nam.

Cuối năm 1957, thêm bốn linh mục Dòng Tên đến Sài Gòn và giảng dạy tại Đại Học Y Khoa: Giáo sư Bác sĩ Marcel Lichtenberger, 51 tuổi (người Bỉ); tại Đại Học Văn Khoa: Giáo sư Triết học André Gaultier, 59 tuổi (người Pháp), Giáo sư Sử học André Gélinas, 33 tuổi (người Canada), Giáo sư Hán học Claude Larre, 38 tuổi (người Pháp). Về sau, Linh mục Yves Raguin cũng giảng dậy nhân chủng học, khảo cổ học ở Trường Văn Khoa.

Về phía Dòng, như đã nói trên, trong thời gian 1949-1954, hơn 700 tu sĩ Dòng Tên tản mác đi phục vụ tại Hongkong, Macao, Đài Loan, Phi Luật Tân, Thái Lan (1954) và Việt Nam (1957). Ngày lễ Giáng sinh 25.12.1957, cha Bề Trên Cả J.B. Janssens ký sắc lệnh thành lập Tỉnh Dòng Viễn Đông gồm các nhà tại Trung Hoa, Đài Loan và Phi Luật Tân, Thái Lan và Việt Nam. Tại Việt Nam lúc này mới chỉ có cư sở thánh Inhã, sau này là Trung Tâm Đắc Lộ.

Trong lúc đó hoàn cảnh miền Nam đã đi dần vào ổn định dưới trào lưu mới thời Ngô Đình Diệm, măc dù có những lộn xộn xảy ra vào giai đoạn đầu khoảng 1954-55, giữa chính tuyền miền Nam và lực lượng thân Pháp (Phe Nguyễn Văn Hinh và Bình Xuyên) và nhiều đoàn thể chính trị chịu ảnh hưởng của các giáo phái như Cao Đài, Phật Giáo Hoà Hảo, Phật Giáo Việt Nam.

Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia do Đảng Cần Lao Nhân Vị đã hoạt động mạnh mẽ. Vào những năm cuối thập niên 1950 và đầu thập nhiên 1960, có một phong trào nhiều người trong chính quyền và nhân dân gia nhập Công Giáo, nhưng đó lại là nguyên nhân gây bất bình trong xã hội, xuất phát từ những thành phần đa số là từ một bộ phận Phật giáo và một số chính đảng, nhưng không thể không có những phần tử CSVN, nằm vùng hay trà trộn vào trong luồng di dân từ miền Bắc vào từ trước, nhúng tay vào cách nào đó.

Phong trào Ấp Chiến Lược do Ngô Đình Nhu dàn dựng theo kiểu ở Mã Lai Á đã có tác dụng tích cực, cô lập Cộng Sản Việt Nam khỏi các tập thể dân cư, cắt đứt các nguồn tiếp tế nhân vật lực và các phương tiện khác ở miền Nam. Vì thế CSVN đã phản ứng lại bằng phong trào Đồng Khởi, đánh phá Ấp Chiến Lược và hệ thống thôn xa miền Nam, đi đến sự xuất hiện của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phòng Việt Nam tháng 12 năm 1960.

Tình hình chính trị này đưa đến việc CSVN và Mỹ dùng lá bài Phật Giáo và dân chủ chấm dứt chế độ Ngô Đình Diệm. Một chế độ đặm màu sắc dân tộc, đối phó hữu hiệu với chế độ Cộng Sản ở Việt Nam, và không muốn người Mỹ nhúng tay sâu vào miền Nam Việt Nam, dù viện trợ cho chế độ này tồn tại thời gian đầu tiên. Một khi chấm dứt chế độ này cùng với cái chết tất tưởi của hai ông Diệm và Nhu ngày 2 tháng 11/1963, thì những hoạt động chống cộng sản sau đó thiếu đoàn kết và khởi sắc, bị phân hóa, vừa do xâu xé lẫn nhau trong nội bộ chính trị VNCH, vừa do sự khai thác của CSVN nhân việc quân đội Mỹ vào trực tiếp tham chiến ở Việt Nam.

Mạng lưới Ấp Chiến Lược và hệ thống chính trị đối phó với Cộng sản tan rã, và Mỹ can thiệp thô bạo vào chiến trường và chính tình Việt Nam đã khiến cuộc chiến đấu của Miền Nam Việt Nam mất chính nghĩa, mau chóng đưa chế độ này tình trạng hủ hóa với việc thao túng của Cộng Sản ngày vào sâu trong chiến trường và chính trường miền Nam, cuối cùng đi đến chỗ sụp đổ vào 30/4/1975.

Trở lại quá trình thành lập Giáo Hoàng Học Viện, theo gợi ý ban đầu của Khâm Sứ về việc các Linh mục Dòng Tên đảm nhận việc huấn luyện chủng sinh. Năm 1958, có lẽ đúng hơn là năm 1957, Linh mục Ferdinand Lacretelle lên Đà Lạt lập Giáo Hoàng Chủng Viện. Chủng viện này sẽ được xây dựng quy mô vào năm 1961 và đổi tên là Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X. Ban Giáo sư của GHHV gồm 8-10 quốc tịch khác nhau, hầu hết là tu sĩ Dòng Tên.

Năm 1959 trong khuôn viên của cộng đoàn thánh Inhã, các linh mục đã mở Trung Tâm Đắc Lộ. Tính đến năm 1975, trung tâm này đã phát triển thành một quần thể bao gồm một cư xá cho trên 60 sinh viên, một thư viện lớn với nhiều phòng học yên tĩnh cho hơn 1000 sinh viên tới học hỏi và nghiên cứu, một trung tâm truyền hình.

Thêm vào đó còn có tạp chí Phương Đông và phong trào Hưng Giáo Văn Đông, Gia Đình Nhập Thể, với chủ trương về nguồn dân tộc và sống đạo sâu xa với hết con người Việt, đưa Chúa nhập thể vào những tinh hoa văn hóa đông phương theo tinh thần hội nhập văn hóa của Cha Đắc Lộ.

Năm 1960 Linh mục F. Lacretelle lập Nhà Tập Dòng Tên tại Thủ Đức dâng kính Thánh Tâm Chúa Giê-su. Cha cũng là Giáo Tập đầu tiên của Nhà Tập Dòng Tên Việt Nam. Nhà Tập đầu tiên ở Thủ Đức, Gia Định, Việt Nam khi đó có 6 tập sinh: Khuất Duy Linh (gốc giáo phận Hưng Hóa), Đỗ Hữu Nghiêm (gốc Gp Hà Nội), Nguyễn Đình Phùng, Hoàng Sĩ Quý và Đinh Văn Trung (gốc Gp Bùi Chu), Ngô (Nguyễn?) Văn Vững (gốc Gp Sài gòn). Họ được hướng dẫn thường xuyên bởi các tu sĩ sau: Ferdinand Lacretelle, Yves Henry, Mariano Manso, và 1 tu huynh (J. B. Hanrio) theo một chương trình đặc biệt.

Sinh hoạt nhà tập ban đầu diễn ra một cách êm đềm. Ngoài những việc đạo đức hằng ngày, các tập sinh theo học tiếng La tinh và tiếng Pháp do Linh mục Mariano Manso và Yves Henry phụ trách. Song song với chương trình tu đức hàng ngày (nguyện ngắm, thánh lễ, cầu nguyện, chầu Thánh Thể, Tĩnh Tâm,…) và linh thao theo phương pháp Thánh Inhã do Linh mục F. Lacretelle hướng dẫn.

Về sinh hoạt vật chất, các tập sinh làm cỏ, quyét dọn, giữ vệ sinh trong khu nhà tập và tự phân công rửa chén bát, sau khi ăn cơm sáng trưa tối. Khẩu phần ăn thường được dọn theo tiêu chuẩn phương Tây. Mỗi thứ năm đều có giờ đi dạo tập thể ở khu công viên lân cận, thường ở khu rừng Cao su Thù Đức gần Trường Kỹ Thuật Việt Đức, sau là trường Bách khoa Kỹ Thuật Thủ Đức.

Sau ba tháng Prima Probatio, tập sinh Việt Nam đầu tiên quyết định dứt khoát chuyển hướng ơn gọi là Đỗ Hữu Nghiêm, dù Linh Mục giáo tập F. Lacretelle ngỏ ý đề nghị đưa đương sự lên nghỉ tại một cơ sở của Dòng tại Đà Lạt, có thể là Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X. Một thời gian sau, có tin Nguyễn Đình Phùng cũng chuyển hướng ơn gọi, khi đã tốt nghiệp Ph.D. ngành toán học, giảng dậy tại Fordham University, do Dòng Tên sáng lập và điều hành ở New York City (hiện nay cả hai cựu tu sinh đều cư ngụ tại Hoa Kỳ). Bốn tập sinh khóa đầu tiên còn lại tại Việt Nam đều tiếp tục ơn gọi Dòng Tên, và thụ phong linh mục Dòng Tên.

Trong số các tu sĩ Dòng Tên người Việt Nam đầu tiên, ngoài sáu tập sinh trong nước, còn có một số tu sinh khác ở nước ngoài, như Linh Mục Đỗ Quang Chính, Đoàn Cao Lý, Nguyễn Đức Nhuận (từ Dòng Chúa Cửu Thế chuyển sang). Nguyễn Đức Nhuận về sau đã chuyển hướng, còn hai vị kia tiếp tục đời sống tu trì Dòng Tên.

Về sau có các thế hệ hậu sinh nối tiếp và phát triển Dòng Tên tại Việt Nam và dần dần tạo nên một nếp sống truyền thống Dòng Tên Việt Nam.

Năm 1962, Linh mục Jacques de Leffe, lúc ấy là Bề Trên cộng đoàn Thánh Inhã, lập Trung Tâm Sinh Viên Xaviê tại Huế với mục đích tương tự như Trung Tâm Đắc Lộ và mở Trường Trung Học Tín Đức kể từ niên khóa 1964-1965.

Năm 1965, Nhà Ứng Sinh Đại Học được thiết lập trong khuôn viên Trung Tâm Đắc Lộ, Sàigòn.

Ngày 8 tháng 9 năm 1966, các nhà tại Thái Lan và Việt Nam được gom thành Miền Thái-Việt, thuộc Tỉnh Dòng Viễn Đông. Linh mục Jacques de Leffe làm Trưởng Miền tiên khởi.

Cùng năm ấy, Học viện dành cho các học viên tỉnh Viễn Đông từ Baguio, Phi Luật Tân, được chuyển về Đà Lạt. Học Viện Thánh Giuse được thành lập với ngôi nhà đầu tiên tọa lạc tại số 02 Đường Huyền Trân Công Chúa. Tuy nhiên, trong một lần pháo kích năm 1968, một phần nhà đã bị hư hỏng. Cùng với nhu cầu có một cơ sở lớn hơn, năm 1969, Học Viện chuyển sang cơ sở mới tại số 09 Đường Cô Giang. Ngôi nhà này là Học Viện Miền Dòng (Miền Viễn Đông) cho đến năm 1975, và được nhà nước trưng tập sử dụng từ năm 1987.

Đến năm 1970, Trung Ương Dòng tổ chức lại Tỉnh Dòng Viễn Đông và đổi tên là Tỉnh Dòng Trung Hoa. Các nhà của Tỉnh Viễn Đông cũ tại Phi Luật Tân được giao lại cho Tỉnh Dòng Phi luật Tân. Dịp này, Thái Lan và Việt Nam, trước đây là một đơn vị, tách làm hai Miền trực thuộc Tỉnh Dòng Trung Hoa. Năm 1972 Linh mục Sesto Quercetti làm Trưởng Miền Việt Nam cho đến tháng 04.1975.

Với sự thay đổi trên về cơ cấu tổ chức, cùng năm 1970, Cộng đoàn An-rê Phú Yên, 105 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, Sài Gòn (nay là đường Trần Quốc Toản) được thành lập và là Trụ Sở Của Miền Việt Nam cho đến năm 1975.

Vào đầu thập niên 70, Dòng thiết lập Cơ sở Truyền hình Đắc Lộ (cạnh Trung Tâm Sinh Viên Đắc Lộ) nhắm đến việc giáo dục đại chúng với nhiều chương trình giáo dục thiếu nhi, giáo dục lối sống gia đình. Bên cạnh đó một số Linh mụ, trong đó có Linh mục Đoàn Cao Lý, bắt tay vào chương trình ‘Đặc Nhiệm Phát Triển Nông Thôn’, nghiên cứu và thực nghiệm các kỹ thuật canh nông mới, xuất bản những tài liệu phổ biết kỹ thuật canh tác chăn nuôi, ngư nghiệp vừa giúp nông dân tăng gia lợi tức, vừa nhắm đến phát triển cộng đồng.

Tài liệu Linh mục Vũ Đức Trung ghi năm 1972, thành lập nhà ứng sinh thứ hai dành cho các em học Trung Học tại Thủ Đức, trong khuôn viên Nhà Tập. Cũng trong năm ấy, Cha Pedro Arrupe, Bề Trên Cả Dòng Tên viếng thăm Miền Việt Nam.

(Nhưng bút tích của học viện còn ghi lại là, ngày 26.02.1969 hồi 11g50: cha Tổng quản ARRUPE (Dòng Tên) đến Học viện. Các cha các thày đón Đức Giáo hoàng đen với muôn tràng pháo tay và muôn nụ cười tươi. Cùng đi với ngài có cha Dargan Phụ tá và cha Chu, Giám tỉnh Viễn đông.

2g30: cha Tổng quản nói chuyện với các cha và các thày tại giảng đường Học viện. Cuộc nói chuyện gây nhiều hứng thú sâu sắc. Đại ý ngài vạch cho linh mục tương lai thấy chiều hướng của Hội thánh sau Công đồng Vaticanô II: sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian. Hãy tận dụng mọi phương tiện tân tiến ngày nay để phát huy giá trị siêu nhiên.[…]

7g30 tối: đại yến, có Đức Giám mục Đàlạt tham dự chung vui. Trong bữa ăn, các cha các thày Kinh viện dòng Tên đón mừng cha Tổng quản bằng hai tiếng gà gáy (vì năm Con Gà) và một bài hò miền Nam. Khớ thiệt! Đừng tưởng dòng Tên hát dở mà gây tiếng xấu cho người ta nhé! Anh em Học viện đón mừng cha bằng bản hợp ca ‘Đàlạt trăng mờ’. Và để đáp lễ, cha Tổng quảng tặng anh em 4 ngày nghỉ từ thứ năm 27.2 đến thứ hai 3.3. Mừng quá cỡ! - 27.02.1969: 8g30 chụp hình chung trước vườn hoa Học viện… (Thông Tin số 16, 1969).

Phải chăng đây là lần viếng thăm thứ hai của Linh mục Arrupe?

Đầu năm 1975, khi tình hình Miền Nam Việt Nam trên đà tiến tới việc thay đổi chế độ chính trị, Linh mục Pedro Arrupe biết rằng dưới chế độ mới, sẽ không có chỗ cho anh em tu sĩ Dòng Tên người nước ngoài tại Việt Nam, nên đã sai linh mục phụ tá Herbert Dargan đặc trách vùng Đông Á và Châu Đại Dương qua Việt Nam gặp gỡ anh em tu sĩ Dòng Tên để tìm một người Việt Nam thay thế Linh mục Quercetti trong trách nhiệm Trưởng Miền.Linh mục Nguyễn Công Đoan lúc ấy mới từ Roma về, được chỉ định vào nhiệm vụ này từ ngày 29 tháng 4 năm 1975.

Ngày 28 tháng 8 năm 1975, tất cả các tu sĩ Dòng Tên cũng như tu sĩ ngoại quốc các Dòng khác có mặt tại Đà Lạt được yêu cầu rời khỏi Việt Nam trong vòng 48 giờ. Trước khi ra đi,các vị còn kịp chụp với nhau một tấm hình trong khuôn viên Giáo Hoàng Học Viện.

Tính cho đến lúc linh mục Joseph Audic, tu sĩ Dòng Tên ngoại quốc cuối cùng rời Việt Nam năm 1977, Miền Việt Nam đã được 91 tu sĩ nước ngoài đến phục vụ. Trong số các tiền nhân ấy có các linh mục Giáo Sư tại Giáo Hoàng Học Viện, các Linh mục làm công tác huấn luyện và tông đồ, các chủng sinh Học Viên và các Tu Huynh đã âm thầm xây dựng Dòng. Bốn vị tu sĩ ngoại quốc đã chọn Việt Nam làm nơi an nghỉ cuối cùng: Linh mục Michel Martin tại Huế, linh mục Ramón Cavanna tại Sài Gòn cùng với hai cố Giáo sư Giáo Hoàng Học Viện tại Đà Lạt, Jean Motte và Anton Drexel.

Tháng 03 năm 1975 vì tình hình chiến sự trở nên căng thẳng, các giáo sư và sinh viên Giáo Hoàng Học Viện cũng như Học Viện Dòng Tên tản cư về Sài Gòn. Đến tháng 05 thì tất cả trở về Đà Lạt an toàn. Với việc các linh mục Dòng Tên ngoại quốc phải ra đi vào tháng 09, Giáo Hoàng Học Viện được trao lại cho Giám mục Nguyễn Sơn Lâm, giáo phận Đà Lạt quản lý thay mặt Hội Đồng Giám Mục.

Sau ngày 30.4.1975, 41 tu sĩ Dòng Tên người nước ngoài rời khỏi Việt Nam theo yêu cầu của chính quyền cộng sản mới. Số tu sĩ Dòng Tên Việt Nam còn lại vào cuối năm 1975 là 26 tu sĩ: 11 Linh mục, 10 Học viên, 1 Tu huynh, 4 Tập sinh và khoảng 15 Ứng sinh.

[Chú thích: Dù không thuộc phạm vi bài viết, người biên tập đề nghị chú thích thêm phần Lược sử Dòng Tên từ sau 30/4/1975 đến khi có Tỉnh Dòng Tên Việt Nam (2007)]:

3. Giai đoạn 1975-2007

Với việc các Linh mục Dòng Tên ngoại quốc phải ra đi vào tháng 09, Giáo Hoàng Học Viện được trao lại cho Giám mục Nguyễn Sơn Lâm, Giáo phận Đà Lạt, quản lý thay mặt Hội Đồng Giám Mục.

Sau ngày 30.4.1975, 41 tu sĩ Dòng Tên người nước ngoài rời khỏi Việt Nam theo yêu cầu của chính quyền mới. Số tu sĩ Dòng Tên Việt Nam còn lại vào cuối năm 1975 là 26 tu sĩ: 11 Linh mục, 10 Học viên, 1 Tu huynh, 4 Tập sinh và khoảng 15 Ứng sinh.

Đúng như năm 1949 tất cả hơn 700 tu sĩ Dòng tên rời khỏi Trung Quốc, bây giờ đến lượt màn kịch trục xuất các tu sĩ Dòng Tên ngoại quốc cũng diễn ra tại Việt Nam, sau khi Cộng sản chiếm cứ miền Nam Việt Nam sau 30/4/1975.

Mùa Chay năm 1976, sau khi cầu nguyện và nhận định chung, Miền Dòng quyết định, theo truyền thống của cha anh năm xưa, tiếp tục sống hòa mình vào xã hội Việt Nam mới. Với tình hình nhân sự ít ỏi, dù không thể quản lý và sử dụng trọn vẹn số cơ sở và trang thiết bị hiện có, Miền đã miễn cưỡng phải trao cho Nhà Nước cơ sở và máy móc của Trung Tâm truyền hình Đắc Lộ.

Cuối thập niên 1970, phong trào nghĩa vụ quân sự và thanh niên xung phong phát triển mạnh. Tiếp tục đường hướng vạch ra, một số anh em trẻ trong Miền dấn thân, lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự và gia nhập TNXP. Những anh em ở nhà thì lao động sản xuất tại chỗ hoặc làm việc trong các xí nghiệp quốc doanh.

Biến cố “có bàn tay vô hình dàn dựng một số linh mục Dòng Tên dính dấp vào việc chuyển nhận ngoại tệ hối đoái chui” (theo như người biên soạn biết) xảy ra vào tháng 12 năm 1980 tại Trung Tâm Đắc Lộ, đặt cho Dòng những thách đố không nhỏ, cả về nhân sự lẫn cơ sở hoạt động. Nhưng bàn tay yêu thương và quyền năng của Chúa lại được cảm nhận rõ nét hơn bao giờ. Sống mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu, sống bậc khiêm nhường thứ ba trong sách Linh Thao, đó là những ơn lớn mà Dòng được lãnh nhận, khi bước theo Đấng khó nghèo, vác thập giá.

Tính cho đến năm 1987, Nhà Nước đã tiếp quản các nhà và các cơ sở tông đồ do Dòng đảm trách như sau: Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt (13 Đinh Tiên Hoàng) hiện nay là cư xá cho nhân viên viện hạt nhân Đà Lạt cũng như cơ sở của Đại Học Dân Lập Yersin mới thành lập, Học Viện Dòng Tên (09 Cô Giang) hiện nay là Khu Vật Lý trị liệu thuộc bệnh viện Y Học Dân Tộc Lâm Đồng, phần còn lại của Trung Tâm Đắc Lộ (161 Lý Chính Thắng, TP HCM), Trụ Sở Bề Trên Miền Dòng Tên (nay là Đường Trần Quốc Toản), Nhà Tập Dòng Tên (Thủ Đức) nay là trường Kỹ thuật Công nghiệp Thủ Đức, Trung Tâm Sinh Viên Phanxicô (Huế) và trường Trung Học Tín Đức. Miền Dòng chỉ còn lại khu canh tác Tam Hà, nhưng thửa đất này một phần lớn cũng bị trưng dụng.

Cuối thập niên 1980, các anh em trẻ dấn thân trở về sau nhiều năm phục vụ công ích. Người phục vụ dài nhất khoảng 12 năm, trong đó có 4 năm bộ đội và 8 năm TNXP hay đi lao động tại Nông Trường Thiên Chúa Giáo ở Củ Chi. Trở lại với Dòng, trở lại với việc học đã vị gián đoạn trước đây khi tuổi trẻ đã qua, là một thách đố lớn với các anh em. Một số anh em hoàn tất chương trình triết và thần học trong tình cảnh thiếu thốn sách vở cũng như giáo sư. Một số khác chuyển hướng ơn gọi, rời bỏ Dòng và trở lại đời sống Kitô hữu giáo dân bình thường.

Năm 1991, năm Thánh kỷ niệm 500 năm ngày sinh thánh Inhã, Tổ phụ Dòng. Vài hoạt động được tổ chức tại Nhà thờ chính tòa cũng như các giáo xứ nhỏ bé mà Dòng đảm trách tại Thủ Đức. Cũng trong năm ấy, với việc tổ chức lại các đơn vị của Dòng tại Đông Nam Á, Miền Dòng Việt Nam trở thành Miền Độc Lập, trực thuộc Bề Trên Tổng Quyền.

Từ năm 1993, một số tu sĩ dấn thân ngày trước được đồng ý cho lãnh nhận tác vụ linh mục. Các lớp đàn anh trong Miền cũng theo đó trở lại sinh hoạt với các lớp đàn em sau thời gian dài vắng bóng. Các sinh hoạt mục vụ của Miền Dòng cũng từ từ được chấp thuận. Để duy trì và phát triển Dòng, Miền đã cố gắng thiết lập những cơ sở, tuy còn thiếu thốn, nhưng tạm ổn định để đón nhận các ứng sinh mới vào Dòng. Tuy con số này không nhiều nhưng cũng đủ để nối tiếp ngọn lửa truyền lại từ 40 năm qua.

Năm 1995, Tổng Hội Dòng Tên nhóm họp tại Roma. Linh mục Nguyễn Công Đoan đại diện các tu sĩ Việt Nam tham dự Tổng Hội, nối lại tình liên đới với Dòng quốc tế sau nhiều năm gián đoạn. Các cuộc gặp gỡ của các tu sĩ bắt đầu được tổ chức đều đặn. Như ngày xưa, các tu sĩ muốn sống với nhau theo tình huynh đệ như một trong một gia đình. Từ đó tên gọi “Gia đình Miền” trở thành tên gọi tập thể của các tu sĩ DòngTên Việt Nam.

Những năm cuối cùng của thế kỷ 20, Dòng bắt đầu có được nhiều ơn gọi mới, năng động và nhiệt thành. Được Nhà Nước Cộng sản chấp thuận, một số linh mục trong Dòng lên đường du học ở vài nơi trên thế giới, canh tân chất lượng phục vụ của Dòng cho Giáo Hội và xã hội. Trước thềm thiên niên kỷ mới, Miền Dòng lại một lần nữa cầu nguyện, và nhận định chung để tái khám phá ơn gọi của Dòng tại Việt Nam, và tìm hướng đi cho những năm tháng đầy hứa hẹn sắp tới.

Năm 2003, Linh mục Nguyễn Công Đoan được Linh mục Bề Trên Cả Peter-Hans Kolvenbach gọi về Roma làm phụ tá cho Vùng Dòng Đông Á- Úc châu. Linh mục Tôma Vũ Quang Trung thay thế linh mục Đoan trong trách vụ Bề Trên Miền Dòng. Cùng thời điểm ấy, hiện diện của Dòng trên Đất Việt được chính thức nhìn nhận. Các tu sĩ Dòng Tên từ đây có điều kiện sinh hoạt và phục vụ như bao công dân, tu sĩ và linh mục khác.

Năm 2007, 50 năm sau ngày các tu sĩ Dòng Tên có mặt lại Việt Nam, nhận thấy quá trình hội nhập và thử luyện của cộng đòàn tu sĩ Miền Dòng, cũng như trình độ trưởng thành của mỗi người trong hoàn cảnh mới, Trung Ương Dòng đề nghị nâng Miền Dòng Việt Nam lên hàng Tỉnh Dòng trong tổ chức Dòng Tên tại Viễn Đông.

2/. Những Đặc Điểm Của Dòng Tên Thể Hiện ở Việt Nam

Nhân cơ hội này, Giám mục Bùi Văn Đọc, một thân hữu của Dòng Tên, từng là giáo sư Đại Chủng Viện Minh Hòa thuộc giáo phận Đà Lạt, đã nêu lên một số nhận định của Ngài về 50 hiện diện (1957-2007) của Dòng Tên tại Việt Nam và người ta có thể chú ý nhất đến những điểm ngài đúc kết sau:

”Khi nói đến anh em Dòng Tên, hai đặc điểm đầu tiên mà tôi nghĩ ngay tới là trí thức và sự nhiệt tình đối với Chúa cũng như đối với Giáo hội. Cả hai đặc điểm ấy là những điều cần thiết trong đạo của chúng ta, thiếu một trong hai, Giáo hội khó có thể là Ánh sáng muôn dân (Lumen Gentium). Điều đó không có nghĩa là Giáo hội chỉ dành cho những người trí thức. Giáo hội là của mọi người và dành cho mọi người.”

“Các Giêsu hữu đã làm cho ngọn lửa ấy bừng lên ở nhiều nơi, trong thời gian đầu đến truyền giáo ở Việt Nam, từ năm 1615, ở Đàng Trong thuộc quyền Chúa Nguyễn, và sau đó từ 1627 ở Đàng Ngoài thuộc quyền Chúa Trịnh. Cám ơn Chúa đã ban cho Giáo hội Việt Nam những nhà truyền giáo lớn như Cha Đắc Lộ, Cha Buzomi, Cha Majorica. Không những Giáo hội Việt Nam, mà Đất nước và con người Việt Nam không bao giờ quên ơn các cha Dòng Tên khi sử dụng chữ Quốc ngữ như hiện nay.”

“Trước năm 1975, Giáo hoàng học viện của Dòng Tên tại Đàlạt đã góp phần đào tạo nhiều linh mục ưu tú cho Giáo hội Việt nam, trong số đó có những Đức Cha đang ngồi giữa chúng ta đây. Ngày nay các Giêsu hữu tại Việt Nam vẫn đang hăng say tiếp tục phục vụ cho ngọn lửa Tình yêu cứu độ của Chúa. Sự nhiệt tình làm công tác giảng linh thao của các cha Dòng Tên, tạo điều kiện cho nhiều người được gặp gỡ Chúa. Đó không những là điều hữu ích, mà còn cần thiết cho các Kitô hữu, đặc biệt là các tu sĩ và giáo sĩ. Các tu sĩ, giáo sĩ, kể cả hàng giáo phẩm muốn có lửa, phải được gặp Chúa.”

“Chính vì thế mà lẽ sống của mọi người, nhất là của người Kitô hữu là được biết Chúa Giêsu. Phaolô nói với chúng ta điều đó trong thư gởi tín hữu Philíp. Ngài nói cách mạnh mẽ, say sưa, về kinh nghiệm gặp gỡ Chúa của ngài, về cuộc đời của ngài: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa tôi.” Đối với Phaolô, biết Chúa Giêsu là biết tất cả, không biết Chúa Giêsu là không biết gì cả, có Chúa Giêsu là có tất cả, không có Chúa Giêsu là không có gì cả.”

“Điều này không dừng lại với Phaolô mà lan rộng ra cho mọi người. Thiên Chúa muốn cho mọi người biết Chúa Giêsu, tin Chúa Giêsu để được sự sống đời đời. Và Giáo hội có sứ mạng phải loan báo Chúa Giêsu, Đấng Cứu độ Duy nhất cho cả thế giới. Trong ngàn năm thứ ba này, Giáo hội hướng về Á châu, ý thức một cách mãnh liệt Chúa Giêsu là người Châu Á. Đức thánh Cha Bênêđíctô XVI đã viết một lá thư thật dài và thật cảm động cho mọi thành phần Dân Chúa tại Trung Hoa về Tình yêu hiệp thông trong Thiên Chúa Ba Ngôi và trong Giáo hội. Tôi xin cầu chúc cho sự thiết lập chính thức Tỉnh Dòng Việt Nam sẽ mang lại những đóng góp to lớn cho việc loan báo Tin Mừng tại Á Châu, không những tại Việt Nam, mà còn tại Trung Quốc. "

3/. Mười Đặc Điểm Chung Nhất Của Dòng Tên Trên Thế Giới, do Hồng Y Averell Dulles Tổng Kết

Linh mục Vũ Đức Trung nhân dịp Dòng Tên Việt Nam được nâng lên Tỉnh Dòng (2007), đã nêu lên 10 đặc điểm của Dòng Tên trên thế giới, được Hồng Y Averell Dulles, SJ đúc kết, trong đó có Việt Nam:

Muời đặc diểm đó là:

1. Tận hiến cho vinh quang Thiên Chúa, một Thiên Chúa luôn cao cả hơn, mà ta chẳng bao giờ có thể chúc tụng và phục sự đủ. Điều này khiến cho Giêsu hữu cảm thấy như có một sự lo toan thánh thiện, một nỗ lực không ngừng nghỉ đến làm tốt hơn, để hoàn thành nhiều hơn nữa, hay là “magis” như trong tiếng La-tinh. I-Nhã có thể được coi như một con người bị “nhiễm Chúa” theo nghĩa là ngài lấy “vinh quang lớn hơn của Chúa” làm tiêu chuẩn tối cao cho mọi công việc, dầu lớn hay nhỏ.

2. Một tình yêu thân thiết đối với Chúa Giêsu Kitô và một ước muốn được xếp vào hàng ngũ những bạn thân của Ngài. Trong Linh Thao, Giêsu hữu không ngừng cầu xin để hiểu biết Chúa Giêsu rõ ràng hơn, yêu mến Người nhiều hơn và bước theo Người gần kề hơn. Khi giảng dạy tại các thành phố ở Italia, các bạn hữu đầu tiên đã cố gắng bắt chước nếp sống của các môn đệ mà Chúa Giêsu đã sai đi loan báo Tin Mừng trong các thành phố ở Galilêa.

3. Hoạt động trong và cho Giáo Hội, bằng cách luôn đồng cảm với với Giáo Hội trong sự vâng phục các mục tử của Giáo Hội. Xuyên suốt qua các Hiến Pháp, I-Nhã nhấn mạnh đến việc dạy giáo lý “vững chắc hơn và được chấp thuận nhiều hơn” để cho các học viên có thể nhận một giáo thuyết “chắc chắn và bảo đảm hơn.”

4. Sự ứng trực luôn sẳn sàng để cho Giáo Hội định đoạt, sẳn sàng để làm việc bất cứ nơi nào, vì sự thiện lớn hơn và phổ cập hơn. Khi nhìn Dòng Tên như một đạo quân thiêng liêng của Đức Giáo Hoàng, thánh I-Nhã nhìn thấy toàn thể thế giới, một cách nào đó, như môi trường hoạt động của ngài. Được linh hướng bởi viễn tượng bao trùm vũ trụ, ngài không chấp nhận những sự phân loại dựa trên biên giới quốc gia hay liên hệ sắc tộc.

5. Sự hợp nhất hỗ tương. Giêsu hữu phải nhìn thấy chính mình như thành phần của một thân thể nối kết với nhau bởi sự hợp nhất trí tuệ và tâm hồn. Trong Hiến Pháp, thánh I-Nhã khẳng định rằng Dòng Tên không thể đạt mục tiêu của mình, nếu các phần tử không được nối kết bởi một tình yêu sâu xa giữa họ và với thủ lãnh. Trong lĩnh vực này, nhiều người trích dẫn thuật ngữ mà thánh I-Nhã dùng để chỉ các bạn đầu tiên: “những người bạn hữu trong Chúa.”

6. Ưu tiên cho thừa tác vụ thiêng liêng và tư tế. Dòng Tên là một dòng tư tế, mọi thành viên đại thệ phải được truyền chức linh mục, mặc dù sự cộng tác của các “trợ sĩ” linh vụ và thế vụ được đánh giá cao. Trong việc chọn lựa các thừa tác vụ, thánh I-Nhã viết: “sự thiện thiêng liêng phải được chuộng hơn sự thiện thể lý,” và chúng dẫn đến “mục đích cuối cùng và siêu nhiên” hơn.

7. Nhận định. I-Nhã là bậc thầy trong đời sống thực dụng và trong nghệ thuật quyết định. Ngài cẩn thận phân biệt giữa mục đích và phương tiện, bằng cách chọn lựa những phương tiện thích hợp nhất để đạt mục đích đang nhắm đến. Trong việc xử dụng các phương tiện ngài luôn áp dụng nguyên tắc: “tantum…quantum,” theo nghĩa: “bao lâu nó trợ giúp” chớ không hơn nữa. Trong bối cảnh này ngài dạy kỷ luật của sự “dửng dưng” (bình tâm – indifference) theo nghĩa siêu thoát khỏi bất cứ điều gì không được tìm kiếm vì chính nó.

8. Thích nghi, uyển chuyển. I-Nhã luôn cẩn thận chú ý đến thời gian, nơi chốn và con người mà ngài đang đối diện. Ngài lưu đến việc xếp đặt các lề luật tổng quát như thế nào để có thể cho phép sự uyển chuyển khi áp dụng.

9. Trân trọng khả năng nhân bản và tự nhiên. Mặc dù I-Nhã ưu tiên dựa trên các phương tiện thiêng liêng, như ân sủng thần linh, cầu nguyện và thừa tác vụ bí tích, nhưng ngài cũng chú trọng đến các tài năng tự nhiên, kiến thức, văn hoá và cách hành xử lịch sự như các tặng phẩm phải được sử dụng cho việc phụng sự và làm vinh danh Thiên Chúa. Vì lý do này, ngài bày tỏ một sự chú tâm đặc biệt đối với việc giáo dục.

10. Một tổng hợp độc đáo giữa đời sống hoạt động và chiêm niệm. Cha Jerome Nadal (1507-1580) nói đến thực hành của Giêsu hữu là “tìm kiếm sự hoàn thiện trong cầu nguyện và thao luyện thiêng liêng để giúp người thân cận, và bằng việc giúp họ này, thâu đạt toàn thiện hơn nữa trong cầu nguyện, để có thể giúp tha nhân nhiều hơn nữa.” Theo Nadal, đó là một ân sủng đặc biệt cho toàn Dòng Tên là chiêm niệm không chỉ trong những lúc cô tịch nhưng cả trong hoạt động, nhờ đó mà “tìm kiếm Thiên Chúa trong tất cả mọi sự.”

Một giới thiệu tổng hợp về Dòng Tên Việt Nam và thế giới như vậy thiết tưởng cũng tạm đủ để tin cậy vào khả năng và sứ mệnh quản nhiệm cùng điều hành Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X Đà Lạt được các Giám mục Việt Nam trao thác.

(còn tiếp)
 
Thông Báo
WYD 2008 - Úc Châu chào mừng các bạn
VietCatholic Network
03:01 02/06/2008
VietCatholic sẽ truyền hình những biến cố quan trọng trong tuần lễ Đại Hội Quốc Tế Giới Trẻ 2008 tại Sydney và cả chương trình viếng thăm các giáo phận của các bạn trẻ. Chương trình truyền hình của VietCatholic sẽ bắt đầu với cuộc đi Đàng Thánh Giá trọng thể tại tổng giáo phận Perth ngày 8/6/2008.

Chương trình quý vị đang xem là chương trình phát thử để quảng bá cho Đại Hội Quốc Tế Giới Trẻ 2008.
 
Tin Đáng Chú Ý
Tại sao John McCain nên chọn Nữ Thống Đốc Sarah Palin của Alaska là ứng cử viên Phó Tổng Thống của Ông?
Anthony Lê
08:58 02/06/2008
Tại sao John McCain nên chọn Nữ Thống Đốc Sarah Palin của Alaska là ứng cử viên Phó Tổng Thống của Ông?

Nữ Thống Đốc Sarah Palin của Alaska
ALASKA, Anchorage.- Nếu như Obama của Đảng Dân Chủ đang ngắm nghía và cân nhắc việc chọn Nữ Thống Đốc Kathleen Sebelius của tiểu bang Kansas - một người tự nhận mình là Công Giáo thế nhưng lại cực lực ủng hộ một cách điên loạn cho việc phá thai - là ứng cử viên Phó Tổng Thống của mình, thì ký giả Nat Hentoff của tờ The Washington Times lại khuyên Ông McCain của Đảng Cộng Hòa nên chọn Nữ Thống Đốc Sarah Palin của Alaska - người vốn cũng là Công Giáo thế nhưng lại cực lực và mạnh mẽ ủng hộ cho sự sống.

Sở dĩ Hentoff đưa ra lời gợi ý này là vì nhiều lẽ:

(1) Nếu đúng là sự thật thì lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ có một vị Nữ Phó Tổng Thống, và riêng đối với Nữ Thống Đốc Palin - thì Bà lại là người nhỏ tuổi hơn nhiều so với Nữ Thống Đốc Sebelius, và là một người hiệu quả nhưng khác thường của Đảng Cộng Hòa.

(2) Theo báo cáo của hãng thông tấn AP vào ngày 10 tháng 5 vừa qua cho biết: trong vòng mới một năm đầu nhậm chức, Nữ Thống Đốc Palin đã tự mình giữ khoảng cách xa biệt với các thủ lãnh xưa củ của Đảng Cộng Hòa tại tiểu bang Alaska, khi mạnh dạn đối đầu với những tay trùm dầu hỏa có thế lực, và với sự ủng hộ của lưỡng đảng trong quốc hội của tiểu bang, Bà đã thắng trong việc tăng thuế trên lợi tức thu vào được của các công ty dầu hỏa.

(3) Vào Tháng 12/2007 vừa qua, khi phát hiện việc mình đang mang thai một đứa trẻ bị nhiễm chứng Down syndrome (tức chứng rối loạn nhiễm sắc thể dẫn đến việc sinh ra con đần độn), mặc cho lời khuyên của bác sĩ nên phá thai, Bà đã ngược lại mạnh mẽ và kiên quyết giữ vững bào thai đó, và Bà đã không thể dấu đi niềm tự hào khi đứa con trai tên Trig được hạ sinh. Nói chuyện với các ký giả, Bà nói:

"Giờ đây tôi đang ngắm nhìn đến Trig đây, tôi thấy nơi bé một sự hoàn hảo. Đúng vậy, Trig có thêm nhiều nhiễm sắc thể. Tôi cứ mãi suy nghĩ, trong thế giới của chúng ta, cái gì là bình thường và cái gì là hoàn hảo?"

Và sau khi sanh ra Trig, Bà đã cùng Chồng và bé Trig trở lại Văn Phòng Thống Đốc để làm việc trở lại.

(4) Trong hầu hết mọi công việc và chính sách mà Bà giúp triển khai, Bà đều nêu cao lên giá trị cao quý của sự sống, và cực lực lên án những hành động diệt trừ bào thai tàn bạo, vì đối với Bà hành động dã man đó cũng chính là hành động giết người, và có tính diệt chủng nhân loại. Bà đã bẻ gãy mọi luận điệu lý luận giữa "tính thánh thiên của cuộc sống" (sanctity of life) và "tính phẩm chất của cuộc sống" (quality of life), hòng cố cho là "tính phẩm chất của cuộc sống" là quan trọng hơn cả

(5) Bà sẽ là một di sản quý giá có tính quyết định mạnh mẽ trong tư cách là một Nữ Thống Đốc độc lập của Đảng Cộng Hòa, là một người phụ nữ, là một người mẹ của 5 đứa con, là một người mạnh mẽ bảo vệ sự sống chống lại nền văn hóa của sự chết đang băng hoại và làm sói mòn quốc gia, và là một gương mặt mới mẽ nhất trong nền chánh trị quốc gia.

(6) Và sau cùng, với sự hiện diện của Bà trong chiếc vé chạy đua vào Tòa Bạch Ốc cùng với John McCain vào Tháng 11/2008 sắp tới sẽ làm tương phản cho quan điểm phá thai cực đoan của Obama - một lợi thế mà John McCain cần phải lưu tâm tới.

Và sau cùng, nếu đó đúng là sự thật, thì thật là may mắn cho Đảng Cộng Hòa trong cuộc tranh cử sắp tới đầy gây cấn này!
 
Văn Hóa
Khắc tên
Lm Vũđình Tường
08:51 02/06/2008
Nhờ tên khắc vào trong một cây rừng mà ba mươi năm sau trở lại đã khơi lại trong tôi không biết bao nhiêu kỉ niệm đã qua. Ba mươi năm đi qua tưởng đâu đã đi vào quên lãng chuyện xưa. Đầu óc tôi nhớ mang máng một vài kỉ niệm ngày xưa, lần đầu đời lái xe đi hàng ngàn cây số. Nhiều người lái đi lái lại con đường đó hàng trăm lần. Đối với tôi nó là một kỉ niệm đẹp và đáng nhớ vì tôi lớn lên tử một nơi việc đi lại không dễ dàng, rất ít khi đi xa và chưa từng được lái xe. Lần đầu lái xe đường dài như thế tưởng là một thử thánh lớn, nào ngờ mình có thể làm được chuyện trước đây không bao giờ dám mơ tưởng.

Trong trí nhớ tôi biết đã có lần đến vùng đất này và nay trở lại không nhớ cảnh vật vì mọi sự đã thay đổi. Ba mươi năm rồi còn gì. Ba mươi năm cảnh trời, cảnh đời đổi thay hình ảnh cảnh vật trong tôi vẫn như thế, chưa thay đổi. Cây cối vẫn nhỏ bé, các đợt sóng vẫn vươn tới và con đường dọc bờ biển vẫn lồi lõm như cũ. Tất cả những hình ảnh đó chỉ sống trong tâm hồn. Giờ đây đứng trước cảnh thật mọi sự thay đổi ngoài mức tưởng tượng. Không còn nhận ra một tí cảnh cũ, ngoại trừ dãy núi sừng sững vẫn còn đó nhưng bị các cảnh vật khác che lấp. Khó có thể tưởng tượng được cả căn nhà cũng mọc lên so với thời gian. Trước đây nó là căn nhà nhỏ chúng tôi ngồi uống nước bây giờ nó thành một cao ốc ngất ngời, từ vài ba phòng nhỏ nó biến thành vài ba trăm phòng rộng rãi, khang trang. Con đường đất ngày xưa bây giờ thành đại lộ có đường riêng cho người đi bộ, đường riêng cho người đi xe đạp và ngay cả đường riêng cho các em phóng trượt trên miếng gỗ.

Đi một lúc mỏi chân, ngắm nhìn cảnh vật mãi mỏi cổ. Nhà tôi đưa ý tìm chỗ ngồi thế là mọi thành viên trong gia đình tán thành. Chỗ chọn lựa là một cây cổ thụ. Nằm dài trên thảm cỏ xanh mướt dưới tàn cây, đôi mắt lờ đờ như muốn ngủ, tôi chập chờn nhìn thấy nơi thân cổ thụ có hàng chữ lờ mờ, nếu để ý kĩ vẫn đọc được. Cái gì đó trong tôi làm thức tỉnh. Hình như chữ nghĩa ngày xưa của mình thì phải. Đúng vậy, thật đúng quá, hàng chữ ngày xưa mình khắc đây mà. Sao lại nằm nghỉ đúng chỗ ngày xưa có lần ngồi với chúng bạn nói với nhau.

Lần tới nhìn lại chữ này có lẽ bạn bè mỗi đứa một phương.

Anh bạn tôi lên tiếng.

Cần gì phải lần sau, chỉ vài ba năm nữa đã khó có dịp thế này.

Đúng vậy vì sau lớp mười hai thành quả vấ đó đã việc đi chơi với nhau là chính lí do đơn giản, đầu năm tới mỗi người chọn ngành theo sở thích biết khi nào có dịp ngồi lại với nhau. Đúng vậy, học xong ra trường đi tìm việc khắp chốn, rồi lập gia đình thế là những ngày thong không còn nữa, người lớn rồi, trưởng thành rồi, việc làm quàng vào cổ, trách nhiệm đè trên vai, bạn bè người nào cũng giống nhau, phiêu bạt mỗi người một phương.

Nhìn nét chữ đơn giản, nghệch ngoạc, chuyện cũ sống lại. Người đi cùng tôi chuyến đó giờ không có mặt nhưng dưới gốc cây này tôi hình dung, mường tượng ra nơi người đó năm xưa đứng, vị thế và cách đứng cũng như những tư tưởng chia xẻ ngày hôm đó sống lại.

SỰ LẠ

Ba mươi năm trước đó chúng tôi đi chơi chung với nhau. Tại đây một buổi chiều, gió lạnh tắm biển không được, gió to buốt nên mấy chúng tôi chui vào vườn cây tránh gió, hy vọng mây tan, trời trong sáng, ánh mặt trời sưởi ấm chúng tôi xuống biển tắm cho thoải mái. Trong thời gian chờ mây bay đi, tôi dùng cái đinh rỉ nhặt được trên đường, khắc vào thân cây tên mình và ngày tháng. Nào ngờ ba mươi năm sau trở lại đúng vị trí đó cây cỏn con kia nay thành cổ thụ. Dĩ vãng đã đi vào quên lãng, nhờ nhìn thấy tên mình trên thân cây, ngày tháng còn rõ, các kỉ niệm thi nhau túa đến trong đầu.

Nét vẽ ngày xưa giờ biến thành cái thẹo trên thân cây, cây lớn vết thẹo cũng lớn theo, lúc trước tôi nằm dài trên cỏ, nghiêng mình khắc tên mình và ngày tháng. Bây giờ cây thành tàn cổ thụ cao lớn sừng sững giữa mây trời non nước, nét vẽ ngày xưa giờ cao hơn đầu người. Nếu chỉ đi thoáng qua chưa chắc nhìn thấy, nhờ nằm dài trên nền cỏ quan sát thấy tên mình. Vết khắc trên thân cây không chìm sâu vào nhưng lồi ra, làm thành một vết thẹo lớn bên lớp vỏ cây. Ngày trước tôi nhớ cây bé tí teo tôi khắc hết lớp da của cây, đụng chạm đến thân gỗ. Lớp gỗ bị khắc vào được một lớp da phủ bao bọc, che chở khỏi nhiễm trùng làm cây bị chết. Ngày nay vết thẹo kia cách xa lõi cây vạn phần.

NGUYÊN LÍ ĐẤT TRỜI

Thiên nhiên dậy con người một bài học về vết thương lòng. Con người khi bị vết thương sâu đậm thường suy đi, nghĩ lại trong đầu. Vết thương càng ngày càng lún sâu vào tâm khảm. Càng làm vết thương rịn máu nhiều chừng nào thì càng đau khổ chừng đó. Vết thương rỉ máu là vết thương chưa lành. Vết thương không lành vết thương sẽ loang dần, loang dần và lớn lên. Càng lớn càng đau, càng khổ, càng rỉ nhiều máu và càng khó trị. Chính những suy tính, hằn học, bực dọc trong đầu làm cho vết thương chìm sâu đến độ khó lắm mới có thể gột rửa được. Càng hằn học càng bực dọc, nỗi hận càng lớn. Nhất là có kẻ xúi dục, hà hơi tiếp sức thì cái cơn giận kia cuồn cuộn dâng lên đến cả giận. Một khi cả giận thì sức ép nhiều. Sức ép nhiều nổ càng to. Nổ càng to mức tàn phá càng khủng khiếp. Tàn phá càng to càng khó hàn gắn.

Nói đến tha thứ là nói đến thay đổi cả một phần nội tâm, đụng chạm đến khối óc, lối suy nghĩ, làm tan nát con tim. Đau đớn như thế làm sao có thể tha thứ, bỏ qua, làm hoà. Trù yểm chửi rủa cho đã giận vẫn chưa hài lòng nói chi đến hoà hoãn hay quên đi. Chuyện hoang đường.

Thiên nhiên không để vết thương bám chặt, chen lấn vào máu huyết. Thiên nhiên luôn tìm cách loại những gì không thuộc về nó. Nét tôi khắc vào thân cây ngày nào đụng đến thân mộc, sâu đến gần lõi cây thế mà ba mươi năm sau, cái vết thương kia đã lòi ra bên ngoài, nằm rõ ràng nơi lớp vỏ, chỉ cần lấy vật sắc bén bào mỏng một phần vỏ cây là nhưng tì vết năm xưa biến mất. Vì đẩy ra những gì làm hại chúng nên cây cổ thụ sống lâu năm và sống khoẻ mạnh. Vì mong muốn làm lành thân nên cây tự chữa cho mình, chúng tạo một lớp nhựa bao bọc vết thương không cho côn trùng đụng đến, mỗi ngày chúng đều chăm sóc cho mau khỏi vết thương và cuối cùng đẩy vết thương ra lớp vỏ ngoài, nếu không làm mất được vết thương ít ra vết thương không làm hại thân mộc.

Cái đau khổ của thảo mộc càng ngày càng đi ra. Trái lại cái đau khổ của tình người càng ngày càng đi vào. Về vết thương thân xác con người có khuynh hướng giống thân cây, giống thiên nhiên. Chỗ nào bị thương tích con người mau tìm cách chữa trị, không cho vết thương loang loét gây đau khổ cho thân xác. Con người không áp dụng nguyên tắc khôn ngoan này cho những vết thương lòng, vết thương tâm hồn. Thay vì đẩy chúng đi ra, con người có khuynh hướng nhồi nhét chúng vào trong tâm hồn, trong tim, trong đầu để ngày đêm vấn đi, vấn lại cho nỗi đau hằn sâu vào tim. Vì đi vào nên càng vào sâu càng đau khổ, càng đau khổ càng thù hận, càng thù hận càng khó tha thứ. Thiếu tha thứ nên chẳng có bình an. Thiếu bình an nên sống héo mòn, tủi hận, uổng một đời. Không phải trời định, cũng chẳng phải tại người xúi bẩy. Tại tôi ham vương vấn nên đời lắm vấn vương. Sống như thế là trái nguyên lí đất trời, trái với trời tránh sao đau khổ.

TÌM BÀI CŨ:

SUY NIỆM: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

TRUYỆN NGẮN: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

HÌNH ẢNH: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Nên xem gì trong Tháng 06/2008 này?
Anthony Lê
09:11 02/06/2008
Nên xem gì trong Tháng 06/2008 này?

A. Về Truyền Thanh / Truyền Hình / Internet:

"Get Smart" với Nữ Diên Viên Ann Hathaway
Công ty sản xuất phim của Dòng Phaolô cho tung ra một loạt phim trên Internet có nhan đề Cuộc Đi của Tyler (Tyler’s Ride) kể về một cậu bé 23 tuổi tìm mọi cách để vượt qua nghịch cảnh trên những con đường đầy tội phạm và sự nguy hiểm ở Los Angeles. Quý Vị có thể vào xem phim đó tại trang tylersride.com bắt đầu từ ngày 3 tháng 6.

Trong cuốn phim Tác Giả Viết Ra Trát Lệnh Tòa Án (Writ Writer) kể chi tiết về một câu chuyện ít được biết tới trong Phong Trào Dân Quyền, có liên quan đến Fred Cruz – người gốc Hoa Kỳ lẫn Mêhicô, vốn tìm thấy ơn gọi của mình nơi nhà tù bằng cách chống trả lại hệ thống tù nhân tàn bạo qua các tòa án. Kênh PBS sẽ trình chiếu vào ngày 3 tháng 6.

HBO sẽ trình chiếu cuốn phim thắng giải thưởng dành cho khán giả vào năm 2007 tại Liên Hoan Phim Los Angeles có nhan đề Sự Quyết Tâm (Resolved) kể về cuộc thi tranh luận giữa các học sinh trung học trên khắp thế giới. Phim được trình chiếu vào ngày 16 tháng 6.

Chương trình tuyển lựa tài năng ca nhạc Đồng Quê được chuyển từ kênh USA Network sang NBC do Billy Ray Cyrus điều khiển có tên Ngôi Sao Nashville (Nashville Star) vào ngày 9 tháng 6. Người thắng giải sẽ nhận được một hợp đồng thâu dĩa và trình diễn tại Thế Vận Mùa Hè ở Bắc Kinh.

Trong cuốn phim thời sự có nhan đề Những Dấu Vết của Cuộc Thương Mại: Một Câu Chuyện Kể Từ Vùng Bắc (Traces of the Trade: A Story from the Deep North), nhà làm phim Katrina Browne kể về việc Cô phát hiện ra các vị tổ tiên gốc Anh Quốc của Cô vận hành một gia đình chuyên kinh doanh người nô lệ lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Phim được trình chiếu trên kênh PBS vào ngày 24 tháng 6.

Cuốn phim thời sự dài 13 tập có nhan đề Greensburg (Greensburg) trên kênh Hành Tinh Xanh (Planet Green) sẽ kể lại việc tái xây dựng nên một thị trấn có tên là Greensburg ở tiểu bang Kansas sau khi nó bị phá nát bởi cơn bão vào Tháng 5/2007 vừa qua. Phim được trình chiếu vào ngày 15 tháng 6.

Trên trang Web tại địa chỉ INVESTCATHOLIC.COM là một trang Web rất hay được thiết kế ra để giúp những người Công Giáo biết cách đầu tư sao cho đúng với đức tin và đạo đức luân lý Công Giáo của mình. Là một trang Web rất bổ ích mà mỗi người chúng ta cần phải lướt qua.

B. Về Phim Ảnh:

Gấu Trúc Chơi Võ Kung Fu (Kung Fu Panda) là cuốn phim hoạt hình nói về một con gấu trúc (do giọng của Jack Black đọc) làm việc trong một tiệm bán bún của gia đình, nhưng lại mơ ước trở thành một võ sư kung fu. Phim được trình chiếu vào ngày 6 tháng 6.

Dựa vào loạt phim truyền hình nổ tiếng vào những năm 1960, cuốn phim thám tử hài hước có nhan đề Trở Nên Thông Minh (Get Smart) do Steve Carell và Anne Hathaway thủ vai chính trong tư cách là những điệp viên, trong sứ mạng chống lại tập đoàn tội phạm vốn được biết tới như là KAOS. Phim được trình chiếu vào ngày 20 tháng 6.

Cuốn phim hài hước lãng mạn bằng tiếng Tây Ban Nha có nhan đề Elsa và Fred (Elsa & Fred) kể về một người đàn ông góa vợ dọn vào khu chung cư ở thủ đô Madrid rồi sau đó mến phải một trong những người hàng xóm của ông ta. Phim được trình chiếu vào ngày 27 tháng 6.

C. Về Phim Trên Băng Video và Đĩa DVD:

Jessica Lange, Kathy Bates và Joan Allen đóng trong cuốn phim có tên Bonneville (Bonneville) – trong tư cách là 3 người bạn thân thiết nhất với nhau ở một độ tuổi nhất định, rồi cùng nhau quyết tâm thực hiện một chuyến đi chơi đầy táo bạo. Phim sẽ được cho ra mắt vào ngày 24 tháng 6.

Muốn tìm kiếm quà cho Ngày Phụ Mẫu, hãy mua các cuốn phim cổ điển như Trăng Tỏ (High Noon), Hoàng Tử Lawrence Xứ Arabia (Lawrence of Arabia), và Cây Cầu Trên Dòng Sông Kwai (The Bridge On The River Kwai) thì đây chính là những cuốn phim nói về sự cao cả của những người làm Cha, làm Bố trong các gia đình. Các cuốn phim trên sẽ được cho ra mắt vào ngày 10 tháng 6.

(Ngày giờ phim có thể thay đổi. Trích dịch từ Catholic Digest, số ra tháng 06/2008.....Xin hẹn gặp lại Quý vị cũng vào mục này, tháng sau.)
 
Thánh lễ tạm biệt Linh mục Quản nhiệm về hưu dưỡng
Trần Bảo Kỳ
15:14 02/06/2008
Nhớ Bàn Thờ

Trong đời tôi, tôi chưa từng, và chắc sẽ chẳng bao giờ, có dịp dự một thánh lễ Chúa Nhật cảm động như thánh lễ Chúa Nhật ngày 1 tháng 6 vừa qua.

Chuông reo, linh mục tân quản nhiệm cùng các phụ viên từ cuối nhà thờ tiến lên cung thánh. Khi linh mục quản nhiệm bước lên cung thánh cùng với hai em giúp lễ thì cũng vừa lúc linh mục cựu quản nhiệm Nguyễn Tiến Huân chậm chạp từ sau cung thánh bước ra. Mọi người vừa ngạc nhiên, vừa mừng, vừa thương. Tôi tin rằng tất cả chúng tôi đều có cùng câu hỏi: “Bệnh tình của ngài đang thuyên giảm chăng?” Ngài đứng cùng với LM/QN và sau khi ngài cố gắng lấy hơi để nói lên “Trở về… thật là ấm cúng…” thì tiếng vỗ tay vang dội.

Từ ngày vợ chồng tôi đặt chân tới đất nước này và định cư tại miền đất Cincinnati, bang Ohio khá lạnh giá này, chúng tôi đã có dịp dâng lời cầu nguyện đặc biệt cho Lm quản nhiệm Nguyễn Tiến Huân qua hai lần giải phẫu lớn của ngài, thận rồi tim. Trước giải phẫu, tôi thường điện thoại hỏi thăm và ‘động viên’ ngài, ngài trả lời “Mình chỉ biết phó dâng”. Ngài chỉ biết phó dâng, và rồi gần đây, bệnh ngài trở chướng và ngài đã có những lúc hôn mê. Tôi chắc rằng nhiều người trong chúng tôi không cầm được nước mắt khi vào thăm ngài ở bệnh viện trong tình trạng ngài đang hôn mê hoặc lơ mơ như đang bước gần về Thiên Đàng. Và lời cầu nguyện của mọi người chắc sẽ là “Xin Chúa cho ngài khỏi bệnh hoặc cất ngài về sớm để chóng thoát khỏi cơn đau thể xác mà ngài đang phải chịu đựng”.

Lần nào vào thăm, tôi cũng thấy ngài đang trong giấc ngủ vì hiệu quả của thuốc giảm đau. Tôi đứng đấy, lâm râm vài kinh và dâng vài lời cầu nguyện. Mới ngày nào… Tôi không đủ can đảm để mô tả thân hình tiều tụy của ngài, vị chăn chiên của Cộng đoàn chúng tôi kể từ khi thành lập Cộng đoàn này cách đây hơn 30 năm. Trong đầu tôi bỗng liên tưởng đến một bài hát và tôi ‘biến thể’ một câu của nó “Cha ơi! Cha đi sắp tới Thiên Đàng để giành trọn tình thương yêu của Cộng đoàn bé nhỏ này”. Tôi yên lặng, kiên nhẫn đứng đó cho tới lúc ngài hé mắt, mệt mỏi nhìn quanh. Tôi từ từ bước lại, khẽ nắm tay ngài, hay nhẹ sờ trán ngài: “Kỳ đây, Cha”. Ngài thều thào: “Bác Kỳ đấy à?”

Buổi lễ tiếp tục. LM/QN ra dấu cho ngài ngồi xuống. Nhưng đến phần làm phép Thánh thể thì ngài lại chậm chạp bước lên bàn thờ, cùng với LM/QN, thều thào dâng lời dâng lời cầu nguyện. Lễ tan, sau khi LM/QN phát biểu vài lời nói lên phần nào công lao xây dựng Cộng đoàn của ngài kể từ ngày Cộng đoàn được thành lập tại địa phương này thì tiếng vỗ tay như không dứt. Tôi không ngoa ngôn khi so sánh tràng vỗ tay này như một bài hát trầm bổng, hay như những đợt sóng biển. Quả vậy, nó ào ào, rồi chìm dần, rồi lại ào ào… Nó dào dạt, chứa đựng những tình cảm, chung có, riêng tư có, của từng giáo dân, của từng em thiếu nhi.

Linh mục Quản nhiệm và các phụ viên bước về cuối nhà thờ, kết thúc Thánh lễ. Tôi dõi nhìn theo vị cựu quản nhiệm chậm chạp, yếu đuối khuất dần sau cung thánh.

Chắc ngài nhớ bàn thờ lắm.

Lạy Chúa! Xin cho tôi tớ Chúa, hoặc các tôi tớ Chúa bớt nhớ bàn thờ.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Mầm Sống Mới
Bro. Phạm Ngọc Thạch, cmc.
00:15 02/06/2008

MẦM SỐNG MỚI



Ảnh của Bro. Phạm Ngọc Thạch CMC, Carthage, MO.

Bởi có giá đông, mưa thu, nắng hạ

Nên chồi xuân vươn nhựa sống tràn dâng.

(Trích thơ của Trường Phong)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền