BƯỚC VÀO MỘT KINH NGHIỆM SỐNG MỚI
“Chúa ơi, Chúa ơi, sao Chúa bỏ rơi con?”.

Richard L. Evans nói, “Bi kịch của cuộc đời không phải là nó kết thúc quá sớm, mà là chúng ta chờ đợi quá lâu để bắt đầu nó!”. Một nhà giáo dục khác lại nói, “Cuộc sống là một quá trình liên tục làm quen với những điều chúng ta không ngờ tới. Mỗi ngày sống là một ngày bạn ‘bước vào một kinh nghiệm sống mới!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Cử hành phụng vụ Tuần Thánh, chúng ta không chỉ tưởng niệm một biến cố, dâng lời tạ ơn; nhưng cùng Chúa Giêsu, chúng ta ‘bước vào một kinh nghiệm sống mới!’. Đây là một câu chuyện có thật, không đơn thuần là những tình cảm tôn giáo đạo đức, ngoan nguỳ và sùng mộ.

Phụng vụ Chúa Nhật Lễ Lá cho thấy những gì Chúa Giêsu đã trải qua biểu hiện rõ nhất tình yêu bao la của Thiên Chúa dành cho mỗi người. Vì thế, bằng cách đồng hoá mình với mầu nhiệm khổ đau, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta cảm nghiệm một sự giải thoát vĩ đại, một ‘cuộc vượt qua’ khỏi tội lỗi và sự nô lệ để ‘bước vào một kinh nghiệm sống mới’, một cuộc sống vui tươi, tự do. Phụng vụ hôm nay kết hợp cả cảm giác chiến thắng và bi kịch. Sẽ rất khó để nhận ra Vua Giêsu trong tàn dư của một con người bị hành hạ, đánh đòn, đội mão gai, đóng đinh. Tại sao Ngài chịu như thế? Trước hết, vì vấn đề chính trị, Ngài trở nên đối tượng bị ghét bỏ bởi những ai coi Ngài là mối đe doạ đối với quyền lực tôn giáo và vị thế của họ. Ngài phải bị loại bất cứ giá nào! Thứ đến, những gì đã xảy ra cho Ngài đều phù hợp với ý muốn của Chúa Cha.

Đúng thế, Chúa Cha muốn! Ngài chuốc lấy khổ đau của Người Tôi Tớ, vốn được tiên báo hàng trăm năm trước; bài đọc Isaia hôm nay cho biết, “Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu”; như bị Chúa Cha bỏ rơi, Thánh Vịnh đáp ca thổn thức, “Ôi Thiên Chúa! Sao Chúa đã bỏ con?”. Và Phaolô, qua thư Philipphê hôm nay, kết luận, “Ngài đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá!”. Thế nhưng, từ góc độ thần thánh, những gì Chúa Giêsu gánh chịu là khởi đầu của một hành động vinh quang nhất chưa từng được biết đến! Bởi lẽ, thập giá là ‘ngai ân sủng mới’ của Ngài, và vinh quang Ngài nhận được hôm nay khi vào thành thánh sẽ được thực hiện trọn vẹn lúc Ngài chịu treo lên trên nó, để chiếm lấy Vương Quyền vĩnh cửu.

Khi làm thế, Chúa Giêsu đã đồng cảm với ý muốn của Cha, để mọi người nhận biết tình yêu vô điều kiện Chúa Cha dành cho họ. Như vậy, cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu, cuối cùng, không phải là dấu của thất bại; đó là khoảnh khắc khải hoàn của Ngài. Điều tương tự cũng có thể nói về hàng dài các vị tử đạo và nhân chứng của Ngài thuộc mọi thời hơn 2.000 năm qua.

Anh Chị em,

“Chúa ơi, Chúa ơi, sao Chúa bỏ rơi con?”. Tham dự phụng vụ Tuần Thánh, chúng ta đừng chỉ tập trung vào sự bị bỏ rơi, hoặc những đau khổ Chúa Giêsu chịu như thể đau khổ có điều gì đó tốt đẹp; đau khổ của Chúa Giêsu chỉ có ý nghĩa vì chúng dẫn đến sự sống lại, sức sống mới và niềm vui mới. Cũng thế, đau đớn và thống khổ trong cuộc đời chúng ta không phải là sự trừng phạt của Chúa, càng không phải là sự trừng phạt của chính mình. Đau khổ, bệnh tật tự nó không được mong muốn; tuy nhiên, chúng vẫn có thể trở thành nguồn thiện ích khi nhờ đó, chúng ta trưởng thành hơn, yêu thương hơn, quan tâm hơn, cảm thông hơn. Nói cách khác, khi chúng dẫn chúng ta trở nên giống Chúa Giêsu hơn; dẫn chúng ta ‘bước vào một kinh nghiệm sống mới’ với Ngài. Từ đó, chúng dẫn chúng ta đến sự giải thoát chính mình và giải thoát người khác.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa đã trải qua giây phút bị bỏ rơi hoàn toàn để ‘nên một với con’ trong mọi sự. Cho con nhớ rằng, con không đơn độc mỗi khi thấy mình đi vào ngõ cụt, không ánh sáng và không lối thoát, khi mà dường như chính Thiên Chúa cũng lãng quên con!”, Amen.

(Tgp. Huế)