THẦN HỌC LUÂN LÝ CỦA THÁNH AN-PHONG ĐỆ LIGÔRIA
Dịch thuật : Lm Dominic Trần Quốc Bảo, DCCT

(tiếp theo kỳ trước)

HỌC TẬP VỚI CÁC LUẬT SƯ THẾ GIÁ

Lúc 12 tuổi, thông minh và kỷ luật, cậu học sinh An-phong đã hoàn thành xuất sắc mọi bộ môn trong chương trình trung học, gồm cả môn triết lý Descartes. Tháng 10-1708, cậu thi vào trường Luật, kỳ thi do giáo sư trứ danh Giambattisto Vico sát hạch. Và An-phong đã trúng tuyển.
Đại học của An-phong là nơi trước kia thánh Tôma Aquinô đã từng giảng dạy. Lúc đó, ban giảng sư gồm có 30 người; nhưng thật ra, chỉ có 7 người là giáo sư thông thái, uy tín, có chất lượng. May mắn cho An-phong, 4 trong số 7 vị thầy lỗi lạc đó chuyên môn về ngành luật. Đó là: phân khoa trưởng Dân luật Domenico Aulisio, người mà Vico ca ngợi là ‘nhân vật thông suốt về ngôn ngữ và khoa học’; Nicola Caravita, giảng sư môn Luật pháp Phong kiến đồng thời là Chánh án tòa thượng thẩm; Gennaro Cusano và Nicola Capasso, hai vị đặc trách môn Các Sắc chỉ Tòa thánh.
Sự thông thái của các giáo sư trên đây còn được hỗ trợ bởi phương pháp giảng dạy tân tiến mà họ xử dụng. Cậu sinh viên An-phong được những nhân vật trứ danh dẫn lối vượt qua khu rừng luật lệ. Đây là những người đã từng để lại tên tuổi mình trong giòng tư tưởng luật pháp, văn chương thời đó. Trả lại các suy luận vô bổ cho ngành triết lý và thần học trừu tượng, các vị thầy này tập chú suy tư của họ vào nguồn gốc và lịch sử phát triển của ngành luân lý, phong hoá xã hội, và luật pháp. Họ nghiên cứu luật pháp thực chứng (positive law), như phương pháp sau này của môn thần học thực nghiệm (positive theology). ‘Thực chứng’ ở đây nghĩa là hiện thực.
An-phong đã được học tập cách suy nghĩ sáng tạo, độc lập; tránh xa cung cách từ chương, lắm lời của Descartes. Với các giáo sư và luật sư thông thái, chàng càng hấp thụ nhiều điều phong phú. Đó là sự cảm thức về thực tế và tính đặc thù của mỗi cảnh huống đời sống; sự ý thức về tầm quan trọng của cách phán đoán độc lập, không vì định kiến có sẵn; khả năng nhận diện sự quan trọng tương đối của các ý kiến; khả năng phân tích cách đánh giá khác nhau giữa các thẩm quyền tối cao; sự am tường về tính biến hóa trong ngành lý đoán; và quan trọng hơn cả, sự cảm thông cho nỗi khó khăn trong việc tìm kiếm sự thiện ích tự tại, và xây dựng thiện ích chung cho mọi người.
Ngày 21-1-1713, vừa qua 17 tuổi tròn, chàng hiệp sĩ trẻ An-phong nhận được đặc ân của hoàng gia miễn trừ một học kỳ và bốn năm phụ. Chàng tiếp nhận áo choàng tiến sĩ của ngành giáo luật và dân luật. Trong kỳ trình bày và bảo vệ luận án tiến sĩ, An-phong được yêu cầu biện giải về “Sự ưu tiên của Công Lý và Công Bằng trên chữ nghĩa lề luật”, theo bộ luật Justinianô.
Với không đầy chín học kỳ, An-phong đã thông làu toàn vẹn Bộ Dân Luật. Để hình dung ra sự rối rắm phức tạp của các loại luật, lệ, lệnh, các đòi buộc và đặc ân trong luật pháp của vương quốc Nêapôli, ta cần biết một điều là từ hơn hai ngàn năm trăm năm trước đó, kinh đô Parthênopianô (Nêapôli xưa) chưa bao giờ thực sự tự chủ với sự hiểu biết về các luật lệ của chính mình. Cả thảy mười một triều đại ngoại quốc đã tiếp nối nhau trị vì nơi đó. Mỗi vương triều đều thêm thắt luật này lệ khác vào bộ luật bản xứ. Hết triều đại Roma, rồi đến Bizantinô, Lombarđô, Swabianô, Angiơvinô, Normanđia, Aragônêsê, Castillianô, Áo quốc, phong kiến, và cả Giáo triều Roma với bộ Giáo luật. Mười một bộ luật khác nhau tranh dành uy thế và đất sống tại Nêapôli. Với tháng năm, tất cả các luật ấy đan quyện với nhau thành một mạng lưới vô cùng rối rắm, phức tạp. Ngoài ra, giữa ‘mê cung’ pháp luật đó, còn phải kể đến các luật lệ địa phương của từng vùng, từng quận.
Bộ luật Công Giáo cũng được hình thành với nhiều nguồn gốc và thể loại khác nhau. Quả vậy, trong bộ Giáo luật của Hội thánh, chúng ta có thể phân loại các khoản luật chung, sắc chỉ Toà thánh, sắc lệnh Gratianô, và tập hợp dày cộm các loại quy luật mà toát yếu thường được bao bọc bởi thứ văn chương cầu kỳ.
Từ thời đó, người ta đã có thói quen tự nhiên là mã hóa các luật lệ. Kết quả điển hình là các Bộ Luật Thụy điển (1734), Bộ Luật Prusianô (1794), Bộ Luật Napôlêon (1804), hay Bộ Giáo luật Công Giáo chính thức (ban hành năm 1917 và tái duyệt và sửa đổi năm 1983). Việc mã hoá trong các bộ luật giúp đơn giản hoá, liên kết mạch lạc và tiếp thu cách rõ ràng các luật lệ. Nhưng đồng thời việc đó cũng có thể tạo nên tác động tiêu cực là ‘thần thánh hóa’ chữ nghĩa luật lệ, làm cho nó trở nên cứng cỏi, khắc nghiệt đè bẹp con người và hoàn cảnh hiện thực. Do đó, cần phải có chú giải và ứng dụng cụ thể luật lệ. Điều này đòi hỏi sự hiểu biết, trí biện phân, tinh thần khoáng đạt, khả năng phân tích khôn ngoan và tế nhị. Chỉ như thế mới có thể đánh giá chính xác các ý kiến, phán đoán khéo léo, và đáp trả cách đúng đắn những hoàn cảnh đặc thù trong thực tế. Luật lệ được làm ra vì con người, không phải con người vì luật lệ. Nếu so sánh giữa việc ban hành luật và ứng dụng luật, ta có thể nói rằng người làm luật tựa như dược sĩ chỉ biết phân phối thuốc men đã được bào chế, đóng hộp và mã hoá. Còn người biết ứng dụng luật chính là dược sư chuyên nghiên cứu dược chất, cân đo hàm lượng, thí nghiệm, chuẩn bị cẩn thận các loại thuốc, theo kiến thức và kinh nghiệm cụ thể về bệnh lý.
Mặc dù đã nên bao cớ vấp phạm cho người cùng đinh, bao cớ nản lòng cho các luật sư, tổ rối luật lệ trong thời đại An-phong phản ảnh sự đắc thắng của giới lập pháp Nêapôli. Cách làm luật của giới này âm vang đến bên ngoài nước Ý, và đánh động chốn pháp đình toàn cõi Tây phương. Sử gia Piertro Colletta từng nói : “Kể từ sau đế quốc Roma, không một nước nào ở Âu châu có giới luật sư đông đúc, giàu có, quyền thế, và nổi danh như tại vương quốc Nêapôli”.
Duyệt qua các biên khảo thần học luân lý của An-phong đệ Ligôria, chỉ một tác phẩm Thần học Luân lý cũng đã cho thấy rằng nội vấn đề giáo luật và dân luật đã làm vất vả cho việc nghiên cứu của tác giả biết bao. Nhưng, nếu không có khả năng biện giải và ứng dụng luật mà môi trường, thâm niên, và nghề nghiệp đã chuẩn bị cho ngài trong suốt mười lăm năm, thì có lẽ tác phẩm Thần học Luân lý đã không ra đời. Hoặc nữa, tác phẩm ấy sẽ chẳng đạt đến chất lượng một thư liệu công phu, vững chãi, ứng dụng với nhiều biến động của đời sống như thế.
Một điểm may mắn cho nhà thần học luân lý tương lai An-phong là, ở Nêapôli thời đó, không thể nào hành nghề luật sư dân sự và hình sự mà không am tường về giáo luật. Thật vậy, luật Giáo hội thời đó hiệu lực trong mọi vấn đề dân sự và hình sự liên quan đến giáo sĩ, tu sĩ, và ngay cả giáo dân. Luật ấy chi phối không chỉ tôn giáo mà cả phong hoá dân sự nữa. Nó có năng quyền đặc biệt trong các lãnh vực thánh đường, tu viện, cơ sở từ thiện và giáo dục, đất thánh, và cả những việc trộm cắp nơi thánh thiêng.
Trong môi trường xã hội thần trị bao trùm bởi nhiều cơ cấu Giáo hội, hầu như không có gì là không mang dấu thần thánh. Giáo luật được ứng dụng hầu như trong mọi nố, và dường như còn mạnh hơn dân luật nữa. Vì thế, các thẩm phán và luật sư đã đứng lên phản kháng các toà án, cơ quan thẩm quyền Giáo hội như Hội đồng Giáo triều Roma (tại Vatican hay qua các tòa Khâm sứ), Toà Tổng giám mục, Hội đồng giáo triều Hoàng gia, Bộ Giám lý Đức tin, và vô số các phòng bộ và tổ chức khác của Giáo hội.
Vậy, trong những ngày tháng đầu của Kỷ nguyên Ánh sáng, có gì đáng ngạc nhiên với tình trạng luật pháp theo dấu chân khoa học để đào thoát khỏi sự giám hộ của Giáo hội chăng? Có gì đáng trách về những quan chức pháp đình và chính khách dân sự? Họ là những người đã luôn phải bất đắc dĩ ‘vâng phục’ Giáo quyền. Vì thế họ phải dấn thân vào cuộc cách mạng chống lại giáo triều và trở thành ‘hoàng phái’ (nghĩa là những người cổ võ việc vương quốc trần thế trở thành xã hội dân sự trưởng thành, độc lập).
Các giáo sư của An-phong, mặc dù là những Kitô hữu xác tín, đã liên lỉ tranh đấu để ‘dân sự hóa’ các cơ quan hành pháp. Họ là những người ‘hoàng phái’ đáng kính nhưng rất cả quyết trong việc chống Giáo triều. Họ đã họp thành ‘Hội Hoàng phái Nhiệt thành’ và thường xuyên gặp gỡ nhau tại hội quán Caravita. An-phong cũng có nhiều dịp tham dự các cuộc hội họp ấy. Giáo sư môn Luật Pháp Phong Kiến của An-phong là Đức Thượng phụ Nicola Caravita, linh hồn của Hội, đã gây tiếng vang lớn qua việc phổ biến tác phẩm Nullum jus Romani Pontificis in Regno Neapolitano (Đức Giáo Hoàng Rôma không có quyền pháp trị trên vương quốc Nêapôli). Luận đề đó là kết quả của công trình nghiên cứu cách khoa học, với những trao đổi trí thức của ông. Đó chính là tiếng gào lịch sử của khuynh hướng đấu tranh chống lại chủ nghĩa giáo quyền. Qua nhóm Kitô hữu bị giằng co giữa đức tin và chính kiến như thế, vị luật sư trẻ tuổi An-phong đã nhận ra Kỷ nguyên Ánh sáng đang ló dạng.

BÌNH MINH CỦA KỶ NGUYÊN ÁNH SÁNG

Mặc dù bị hiểu cách đơn giản, Kỷ nguyên Ánh sáng tại Âu châu không chỉ giới hạn nơi tư tưởng của nhóm ‘Bách khoa’, và không chỉ mang tính cách mạng của Voltaire. Trong lời phi lộ cho tác phẩm Tư tưởng Âu châu thế kỷ 18 (xuất bản tại Cleverland, New York 1963, 1969), Paul Hazard liệt kê các sự kiện lịch sử. Ông viết:

Cảnh huống như chúng ta nhận thấy, đã diễn ra tương tự như sau. Trước hết, những sự phê phán vang dội ầm ỹ mọi nơi với một giọng điệu hùng hổ. Đó là tiếng đồng thanh của thế hệ mới đang chê trách các tiền thân đã làm họ u uẩn với cơ cấu xã hội bệnh hoạn, cơ cấu đã tạo nên những cha mẹ yếu nhược và những đứa con ảo tưởng. Thời gian dai dẳng như thế đưa đến hậu quả gì? Phá sản. Nhưng, họ tự hỏi, tại sao lại như thế? Và rồi, họ thẳng thắn lên án với sự táo bạo chưa từng bao giờ có. Vậy nên, thủ phạm đã được lôi ra công đình; và đây, thủ phạm chính là Đức Kitô! Thế kỷ 18 này không chỉ yêu cầu một sự cải cách mà là một sự lật đổ Thánh giá, phá bỏ hoàn toàn Đức tin, nghĩa là, mọi Mạc khải thiêng liêng. Các sự phê phán quyết chí phá hủy những gì tôn giáo coi như lẽ sống.

Và Hazard nhận xét về tư tưởng và nhược điểm của Kỷ nguyên Ánh sáng như sau: “Các thế hệ của kỷ nguyên ấy đến rồi đi mà chẳng bao giờ lưu lại cho hậu duệ mình điều gì ngoài những cái vỏ của toà nhà hoang vắng…Cho nên, phần họ cũng thế, những con người của ‘thế hệ mới’ này đã đến đây như bao người khác, rồi ra đi mà chỉ để lại, chẳng phải những cơ chế hằng mong ước, nhưng duy nhất những hoang mang, xáo trộn trầm trọng hơn trước”. Dù sao, tác giả chỉ trình bày một phần của bức tranh bộ đôi. Ông nói:

Để giới hạn sự nhận định -đã quá giới hạn- chúng ta nên tập chú vào một tầng lớp…các Triết gia và các kẻ Duy lý…Thật đáng tìm hiểu về những nhóm đồng nhánh khác trong gia đình của người trí thức,…những người nô lệ của khát vọng, những nạn nhân của tình yêu nhân loại và Thiên Chúa, và lắng nghe tiếng khẩn cầu, nài nẵng của họ…Với họ, hãy chờ xem ánh quang (chân thật) sẽ chan hoà trong bóng đêm.

Quả là “Thật chính đáng!”, như Pierre Chaunu đã nói rất đúng rằng:

Tư tưởng người Pháp trong Kỷ nguyên Ánh sáng hiển hiện giống như đôi cánh của một trào lưu, vẫy đập mạnh đến độ khó mà kiểm soát. Hiểu như thế, các nhà tư tưởng của Kỷ nguyên ấy không còn là phản tôn giáo, mà tinh thần của họ chính là thích ứng và khai quật.

Trên thứ ‘công trường xây dựng’ đó, An-phong, vị thánh của Kỷ nguyên Ánh sáng, đã cầm lấy dụng cụ và làm công việc của mình.
Chaunu vẽ thêm một nét chấm phá khác với một ghi chú đặc biệt rằng:

Âm nhạc vang dội khắp nơi trong thế kỷ 18, và cùng với âm nhạc, Kỷ nguyên Ánh sáng đạt đến cao điểm, nhất là trong lãnh vực sân khấu giải trí. Thế kỷ 18 say mê với thứ nghi thức xã hội ấy (âm nhạc). Và trong thế kỷ 18, giải trí là ca kịch (opera), môn nghệ thuật đã được chào đời tại Ý đại lợi thời Barốc, đầu thế kỷ 17.

Nói đúng hơn, ngành ca kịch đã xuất hiện từ năm 1606 với tác phẩm Orfeo của tác giả Monteverdi (1567-1643). Và “hồi thế kỷ 18, Nêapôli là cái nôi của nền ca kịch” với Alexander Scarlatti (1660-1725). Bởi đó, không biết trong tất cả xứ Nêapôli, có người yêu nhạc nào say mê ca kịch hơn chàng nhạc sĩ tài ba, điêu luyện về phong cầm, là nhà luật sư trẻ An-phong Ligôri chăng?.
Âm nhạc xác định các nhà tư tưởng Kỷ nguyên Ánh sáng sống vào thế kỷ 17. Điều này trùng hợp với giả thuyết của Paul Hazard rằng “cuộc khủng hoảng của ý thức hệ Âu châu” nằm vào khoảng năm 1680-1715. Cuộc khủng hoảng ấy bao hàm những chất vấn nghiêm chỉnh về mối tương quan giữa con người và thiên nhiên, khoa học, nghệ thuật, xã hội, chính trị và Giáo hội.
Ngoại trừ giáo sư Jean Delumeau và cuộc nghiên cứu của ông về Ý đại lợi từ thời Botticelli đến Napôlêon Bonaparte, đa số các sử gia nước Pháp và cả nước Anh khi sưu tra về văn minh Âu châu thường tỏ ra quên bẵng rằng Âu châu bao gồm miền nam núi Alpes và rặng Pêrynê. Rằng, hai quốc gia quần đảo là Ý đại lợi và Tây ban nha cũng đã từng có thời cực thịnh của về văn hoá, nghệ thuật và đời sống tâm linh. Họ cứ nghĩ rằng chỉ có nước Anh, Pháp và Đức là hiện hữu; trong khi đó, giữa khoảng năm 1680-1730, Nêapôli đã phát triển với một sức sinh động phong phú, sáng tạo. Người ta có thể hiểu lầm, quên lãng sự thông thái của Giambattista Vico (1668-1744), nhưng vẫn còn đó cả đoàn luật sư Kỷ nguyên Ánh sáng đã mời ông thuyết trình và lắng nghe ông thường xuyên ở hội quán Caravita.
Nhưng tại sao lại nhiều luật sư như thế tại Nêapôli? Đó là do sự việc rằng, Kỷ nguyên Ánh sáng Nêapôli phát sinh chủ yếu từ tinh thần sống động, phổ cập của cố luật sư trứ danh Francesco d’Andrea (1625-1698). Nhân vật này đã vượt thoát khỏi thói quen tri thức cổ điển, và đã mở rộng chân trời văn chương, triết lý, sử học, và dĩ nhiên, đặc biệt là khoa luật pháp. Chắc chắn, ảnh hưởng lớn nhất của ông là ở phạm trù pháp đình và luật khoa. Vì thế, hơn bất cứ nơi nào, các luật sư ở Nêapôli say mê ngữ học, lịch sử, khoa học, văn chương, triết lý, và chính trị. Các tạp chí và các tác phẩm văn chương tiếng Pháp, Đức, Bắc âu tràn ngập quanh họ. Khác xa với đám thầy kiện thiển cận, ham tiền, họ hít thở không khí trong lành của trí thức, văn hoá, của nguồn tư tưởng canh tân, nếu không nói là cách mạng. Đa số trong họ là thành viên trong nhóm giao lưu của giáo sư Nicola Caravita.
Thầy giáo Cavarita có người con Domenico Caravita hồi đó làm thẩm phán toà thượng thẩm. An-phong gặp gỡ các nhân vật này mỗi tối. Gaetano Argento, Costantino Grimaldi, Alessandro Ricardi, Giambattista Vico, và Pietro Giannone thường hội họp, và đã để lại trong lịch sử nhiều âm vang về tri thức và danh tánh của họ. Họ là những Kitô hữu nhiệt thành trong đức tin cũng như trong việc chống lại chủ nghĩa giáo sĩ. Qua ngòi viết, họ tranh đấu cho sự tự do thật sự của Giáo hội đối với thế quyền và của cải. Caravita, Riccardi, Argento, và Grimaldi đã bị liệt vào ‘danh sách đen’ (Index) những tác giả bị giáo quyền Roma cấm đọc. Họ bị kết án hỏa ngục bởi hai luật sư đầy tham vọng của địa phận Nêapôli mà sau này sẽ lên giám mục. Giannone (1676-1748) là người đã từng mài kỹ ngòi bút để viết ra các tác phẩm như cuốn Istoria civile del Regno di Neapoli (Lịch sử Dân chính Vương quốc Nêapôli), xuất bản năm 1723; và cuốn Tritregno (Tam đầu chế). Cuốn này đã khiến ông bị vạ tuyệt thông, mang đi lưu đầy ở Geneva, rồi chết trong ngục tối ở Turinô.
Trong suốt mười năm, An-phong hít đầy tâm trí luồng khí kích thích, đôi khi pha trộn mùi lưu huỳnh, nếu không phải là khói lửa. Là một trong những luật sư hàng đầu ở kinh thành, ngài không như cậu thiếu niên ngây thơ, nhưng là một con người dấn thân. Trong môi trường đó, ngài học được tập quán tự do tư tưởng khiến ngài sẽ trở thành một nhà luân lý độc lập, thức thời và đầy sáng tạo. Ngài cũng hấp thụ được khả năng phán đoán và chất vấn vững chãi. Điều đó rất cần thiết, vì cuộc đời và hoạt động tông đồ tương lai của ngài sẽ đi vào một giai đoạn lịch sử, trong đó, Kitô giáo Âu châu bị đẩy xuống thật thấp. Ngài phải đối diện với các thứ chủ nghĩa tự thần, duy vật, hà khắc của Jansen, Pháp giáo, Nhóm Febronianus, Phái phò hoàng triều. Các chủ nghĩa và nhóm phái này đồng loạt lên án tử cho thẩm quyền Giáo hội La mã. Đó là mặt thứ hai của bức tranh đôi Kỷ nguyên Ánh sáng, một phần mặt lộ liễu nhưng, mâu thuẫn thay, cũng rất u tối.
Sau hai năm tập sự, An-phong trở thành luật sư thực thụ. Từ năm 1715 đến năm 1723, ngài không hề thua một vụ kiện nào. Ta không thể coi thường những gì tám năm tranh biện ở chốn pháp đình đã đào luyện cho nhà luân lý tương lai về khả năng phân tích vấn đề và tìm ra những cách giải chính đáng. Uy danh của ngài đã đem đến cho ngài những thân chủ ‘có máu mặt’, và cả những vụ kiện quốc tế. Thế nên, vào mùa xuân 1723, ngài được mời tranh biện cho một vụ kiện đã bị thua ở tòa Sơ thẩm. Ngài tin rằng vụ ấy bất công, và đã tiếp nhận để kháng cáo lên toà Tối cao. Đó là một vụ án quốc tế liên can đến chính Hoàng đế Charles VI, và một số tiền là sáu trăm ngàn Đức quan. Hai đối phương tranh kiện gồm: một bên là bá tước Nêapôli tên Filippo Orsini di Gravina, cháu của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XIII; bên kia là đại bá tước xứ Toscani tên Cosimo III de Medici. Vì thân thuộc với họ hàng Ligôria, Orsini đã trao phó vụ kiện cho vị luật sư trẻ tuổi bách chiến bách thắng An-phong. Mặc dù có những chứng cớ về sự gian xảo của đối phương, An-phong bỏ qua chữ nghĩa luật lệ mà chỉ đòi buộc sự công bằng, phân minh. Nhưng trò chính trị tinh xảo và sự tham nhũng của đối phương đã gây tác động. Vào tháng 7 năm 1723, khi vụ kiện đến hồi kết thúc, phán quyết của chánh án chỉ là một kết luận đã được dàn xếp trước. Trên cán cân công lý của Nêapôli, tài hùng biện của luật sư An-phong và những chứng cớ luật pháp đã nhẹ hơn sợi tơ. Bất mãn, thất vọng với những vị chánh án mà ngài tưởng là liêm chính; hổ thẹn với tấm áo thầy kiện choàng trên mình trong suốt 10 năm, An-phong đã xé toạc mảnh áo ấy ra và vĩnh viễn giã từ pháp đình với lời tự nhủ : “Hỡi thế gian, ta đã nhận ra bản chất của ngươi!”. Thế rồi, đi đặt thanh gươm quý tộc dưới chân Đức Mẹ Thương Xót, An-phong gia nhập đại chủng viện giáo phận. Thân phụ của ngài lên cơn bực giận cậu quý tử của mình, sự buồn giận sẽ kéo dài suốt 5 năm trường.

Còn tiếp…