Các Ki-tô hữu sống giữa thế gian

“Các Ki-tô hữu không khác người ta về xứ sở, ngôn ngữ và tập quán trong đời sống. Họ không ở trong những thành phố riêng, không dùng ngôn ngữ lạ thường, cũng không sống một nếp sống khác biệt. Giáo lý của họ không phải do một sự suy tư nào đó, hay do mối bận tâm của những con người ham tìm hiểu nghĩ ra. Họ không bảo trợ một hệ thống triết lý nào do loài người chủ xướng như một số nguòi kia.

Họ ở trong các thành phố văn minh cũng như bán khai, tùy theo số phận mỗi người đưa đẩy. Họ theo tập quán của dân địa phương trong cách ăn mặc và trong lối sống mà vẫn cho thấy một lối sống lạ lùng và ai cũng nhận là khó tin. Họ sống ở quê hương mình mà như những khách kiều cư. Họ có chung mọi thứ như công dân, nhưng phải gánh chịu đủ thứ như khách lữ hành. Miền đất lạ nào cũng là quê hương của họ, nhung quê hương nào cũng là đất khách đối với họ. Họ lập gia đình và sinh con đẻ cái như mọi ngươi, nhưng không phá thai. Họ ăn chung với nhau một bàn, nhưng không chồng chung vợ chạ.

Họ sống trong xác thịt, nhưng không theo xác thịt. Họ sống ở trần gian, nhưng họ là công dân Nước Trời. Họ tuân hành luật pháp, nhưng cách sống của họ vượt trên những đòi hỏi của luât pháp. Họ yêu thương mọi người, nhưng mọi người lại ngược đãi họ. Họ không được nhìn nhận lại còn bị kết án. Họ bị giết mà vẫn được sống Họ là những người hành khất, nhưng lại làm cho nhiều người nên giầu có. Họ thiếu thốn mọi thứ, nhưng lại dư dật moi sự. Họ bị sỉ nhục, nhưng giữa những sỉ nhục, họ lại được vinh quang. Danh thơm của họ bị chà đạp, nhưng bằng chứng về đời sống công chính của họ lại được phô bày.

Bị nguyền rủa, họ chúc lành; bị đối xử nhục nhã, họ tỏ lòng kính trọng. Họ làm điều thiện, họ lại bị trừng phạt như những kẻ bất lương. Khi bị trừng phạt, họ vui mừng như được sống. Người Do Thái giao chiến với họ như với ngoạị bang, còn dân ngoại thỉ ngược đãi họ, và những kẻ ghét họ không thể nói lý do tại sao lại căm thù họ.

Tôi xin nói đơn giản như sau : hồn ở trong xác thế nào thì các Ki-tô hữu sống giữa thế gian cũng thế. Linh hồn ở trong khăp các chi thể thế nào thì các Ki-tô hữu cũng ở mọi thành thị trên thế giới như vậy. Linh hồn ở trong thân xác nhưng không do thân xác thì các tín hữu cũng ở trong thế gian, nhưng không bởi thế gian. Linh hồn vô hình được gin giữ trong thân xác hữu hình thì người ta nhìn thấy các Ki-tô hữu sống trong thế gian, nhưng không thấy lòng đạo đức của họ. Xác thịt thù ghét và gây chiến với linh hồn, dù linh hồn không làm hại gì cho xác thịt mà chỉ ngăn không cho nó hưởng lạc thú; thế gian cũng ghét các Ki-tô hữu như vậy, dù họ không gây thiệt hại gì cho nó, mà chỉ chống lại các lạc thú.

Linh hồn yêu thân xác nhưng thân xác và các chi thể lại ghét linh hồn; các Ki-tô hữu cũng yêu những kẻ ghét mình. Linh hồn bị giam giữ trong thân xác, nhưng thực ra chính linh hồn lại chứa đựng thân xác; các Ki-tô hữu cũng bị giam giữ trong thế gian như trong tù, nhưng chính họ lại chứa đựng thế gian. Linh hồn bất tử ở trong nhà tạm phải chết; các Ki-tô hữu sống giữa những thực tại hay hư nát như khách lữ hành, đang khi chờ đợi sự bất hoại trên Thiên Quốc Nhờ ăn uống kham khổ, linh hồn nên tốt hơn; nhờ chịu cực hình, các Ki-tô hữu ngày thêm đông số. Thiên Chúa đã đặt họ vào tình trạng như thế thì họ không nên trốn tránh.” (From the letter to Diongetus, nn 5-6 –Funk 1, 317=-327 Prepared by the Department of Spiritual Theology of the Pontifical University of the Holy Cross}

Trên đây là một đoạn trong bức thư dài của một Ki-tô hữu sống ở Alexandria (A-lê-xan-ri-a} bên Ai-cập gửi cho ông Di-ô-nhê-tô, một quan chức cao cấp ngoại đạo, vào cuối thế kỷ II (quãng 190-2000). Bức thư này thuộc loại hộ giáo, được tìm thấy ở thế kỷ XV, tại Constantinople (Công-tăng-ti-nốp), Istambul (Ít-tăm-bun) hiện nay, nhằm cho thấy tính đặc thù của Ki-tô giáo, bên cạnh Do Thái Giáo và Lương Giáo. Các Ki-tô hữu trong ba thế kỷ đầu là những tín hữu gương mẫu, đã sống đạo một cách rất kiên cường anh dũng, trong một thời gian dài, đạo bị ngăn cấm và bách hại triền miên. Họ thật là men và muối như Đức Giê-su nói trong Tin Mừng và là niềm tự hào chính đáng, là điểm son vinh hiển của Hội Thánh Công Giáo. Hôm nay nhắc lại bức thư này là nhằm lưu ý các Ki-tô chú tâm đến tình cảnh sống ở giữa thế gian của mình như những khách kiều cư trên bước đường hành hương về Thiên Quốc, về quê hương đích thật như thánh Phao-lô dạy, mà ăn ở thế nào cho xứng với danh tính của mình.

Bức thư này xét ra có nhiều điểm tương đồng với thế kỷ XXI hiện nay các Ki-tô hữu đang sống. Nó được coi như một viên bảo ngọc của nền văn chuong Ki-tô giáo trong thế kỷ II, và vì thế rất được những người hiểu biết trân trong như một báu vật.

Lm. An-rê Đỗ Xuân Quế O.P.