BẤM CHUÔNG NHÀ NGƯỜI TA

Lại nghe Sài Gòn phong thành. Không phải chỉ phong thành. Bởi lần này còn gắt gao hơn lần trước. Nỗi ảm đạm mang tên "dịch" của Sài Gòn và nhiều nơi khác, vốn đã quá đáng thương, càng như bị đám mây đen phủ chồng lên, càng đáng thương, càng ảm đạm. Số người nhiễm chẳng những tăng vọt từng ngày, mà số người chết cũng theo đó cộng dần lên.

Bao nhiêu ngày qua, chúng ta đã và vẫn đang bị chôn chân trong bốn bức vách nhà mình. Lần đầu tiên mọi người đều thấm cảnh không còn tự do đúng nghĩa nhất. Nếu trước đây chưa bao giờ hiểu nổi cảnh bị giam cầm là gì, thì bây giờ đã hiểu, đã thấu...

Bao nhiêu ngày qua, chúng ta cầm cự cho qua bữa bằng những thực phẩm đông lạnh. Bao nhiêu ngày qua, chúng ta không có nổi một tô phở thơm lừng, một cái bánh bao nóng hổi, một ly chè đậu hay một ly cà phê đen, uống cà phê thì ít mà tán gẫu thì nhiều...

Bao nhiêu ngày qua, cuộc sống chúng ta phải thay đổi, nhiều thói quen, nhiều nếp nghĩ, nếp làm, nếp sinh hoạt, cả đến những tập quán của bản thân, của gia đình, của mọi người quen biết, mọi người thân thương, thậm chí mọi tương quan, mọi mối dây liên hệ của nhau... đều phải thích nghi, phải khác hơn, mới hơn và cũng xa nhau hơn...

Bao nhiêu ngày qua chúng ta chứng kiến quá nhiều những mãnh đời đen bạc, khốn khổ, lăn lóc, tạm bợ, thậm chí đói khổ... Kẻ thì đi bộ về quê vượt nhiều trăm cây số; kẻ thì không chịu nổi cuộc sống bế tắc, bỏ chốn tạm sống để lang thang, không biết sẽ về đâu, không biết có thể đến nơi mình muốn đến? Kẻ thì bồng bế, dắt díu nhau nheo nhóc phờ phạc, rã rời chỉ có rách và đói...

Hiện trạng mà chúng ta đang đối diện, nhất là ngay giữa lòng thành phố lớn nhất nước chưa từng có một ngày êm ả; chưa từng có một ngày mất bụi, khói, mất tiếng ồn, hay gia giãm bất cứ âm thanh nào; chưa từng có một ngày mà bước chân vốn trĩu nặng vì mưu sinh, lại thêm nặng trĩu vì bệnh tật, nặng trĩu vì mọi âu lo khác, lại như đang rã rời, như đang lịm đi, như đang hổn hển, như đang phều phào, như đang thắc thỏm...

Thôi thì vẫn cần phải sống, vẫn cần phải tự gồng để có thể vượt qua. Nỗi đau thì cũng đã nỗi đau rồi. Bệnh tật thì cũng đang là bệnh tật đấy thôi. Lê lết để cùng nhau trôi, dù trôi rất chậm cho qua những ngày khắt nghiệt, vẫn cứ phải lê lết, có khác được đâu.

Một chút thôi, chúng ta hãy tự giành cho mình sự thảnh thơi để thêm gia vị cho cuộc sống đang vô cùng cơ cực này. Một chút thôi, chúng ta hãy tự đặt lên bờ môi mình một nụ cười để thấy nghị lực tràn về mà đối đầu với tất cả. Một chút thôi, để dịu bớt căng thẳng, rồi lại đi tiếp hành trình mà vẫn chưa thể biết điều gì sẽ tiếp tục đập vào cuộc sống và sự sống của chúng ta...

Để có cái khoảnh khắc cho "một chút thôi" ấy, tôi muốn hiến dâng mọi người một kỷ niệm vui của một thời trẻ trung xa lắc...

Dù xa thời gian, nhưng không hề xa không gian. Kỷ niệm ấy xảy ra ngay giữa lòng Sài Gòn...

Nhớ mãi cái lần ba đứa: tôi, thằng Sự nhà ở Nha Trang, thằng Tòng ở quận 7 (viết văn khá hay. Nó hay viết bài gởi đăng trên báo Áo Trắng) dừng xe đạp ở đường Nơ Trang Long (hướng về Gò Vấp) ăn tàu hũ của một chị gánh rong.

Đang ăn, bỗng dưng thấy hai thằng nhóc từ đâu chạy đến bấm chuông cổng của một căn nhà. Bấm xong, chúng nó chạy biến. Một cô bé có lẽ nhỏ hơn chúng tôi vài tuổi, chắc đang học trung học, tóc dài, nước da trắng, khá đẹp mở cổng.

Thấy ba chúng tôi và chị bán tàu hũ còn ngồi đó, cô bé cất giọng hỏi nhẹ như chiếc lá tươi non rơi trong gió chiều:
- Cô và mấy anh thấy có ai bấm chuông nhà em không?

Thằng Sự nhanh như diều hâu bắt mồi:
- Có, bé ơi! hai thằng nhóc bấm xong chạy mất, tụi anh còn chưa kịp nhìn mặt nó.

Dừng một chút như để nuốt cho trôi muỗng tàu hũ, nó nói tiếp:
- Xin lỗi bé nha. Tụi anh không kịp bắt hai thằng đó. Nó chạy nhanh quá.
- Cám ơn mấy anh. Mấy anh đâu có lỗi gì đâu. Thôi con chào cô. Cô bé nhẹ tay đẩy cánh cổng nhà mình.

Thằng Sự lại lên tiếng:
- Bé ơi, mời bé ăn tàu hũ...
- Em cám ơn. Em không ăn.

Nói xong, cô bé nhẹ khép cổng. Tôi thấy trong mắt thằng Sự có cái gì lạ lắm, hình như là tiếc nuối.

Đến lúc ba thằng ăn xong, chị bán tàu hũ cũng đã đi. Tự dưng thằng Sự bảo chúng tôi chờ nó một chút. Nấng ná vài giây, rồi nó đi nhanh vào phía bức tường nhà của cô bé lúc nãy. Chúng tôi cứ tưởng thằng này dám đ... bậy vào tường nhà người ta...

Nhưng hết sức bất ngờ, nó thò tay lên cái chuông và bấm hai tiếng liền nhau "reng, reng" trước bốn con mắt trợn tròn vì ngạc nhiên của tôi và thằng Tòng.
- Trời ơi! Mày làm cái gì vậy, Sự? Không ai bảo ai, cả tôi và thằng Tòng đều hét lên. Chúng tôi cuống cuồng trèo lên xe định đạp đi, nhưng thằng sự nắm chặt baga xe tôi kéo ngược về phía sau.

Cánh cổng đen bắt đầu mở ra. Chúng tôi sợ khiếp vía. Nhưng thay vì mái tóc dài, gương mặt trắng của cô bé, thì một cái đầu hớt cao, cái bụng trần hơi phệ, cùng một chiếc quần đùi phía dưới cái bụng xuất hiện. Người đàn ông, có lẽ là cha của cô bé lúc nãy nhìn quanh rồi nhìn chúng tôi.

Thằng Sự mặt cắt không còn một hột máu. Thấy tình hình khó đỡ, thằng Tòng vội lên tiếng. Nó nói láo trơn tru như da lươn vậy:
- Có hai thằng nhóc đi ngang bấm chuông rồi chạy mất, chú ơi. Nó chạy hướng này nè.

Người đàn ông vừa chửi tục "Đ.M. con cái nhà thằng nào mất dạy", vừa đóng cửa đánh "rầm" trong tức giận.

Y như người đàn ông của căn nhà, tôi cũng giận không kém. Sau khi hoàn hồn và hiểu chuyện gì vừa xảy ra, tôi la thằng Sự như chưa từng được la:
- Trời ơi! Mê gái. Mày ngu vừa vừa thôi. Mê gái mà ngu kiểu mày giết cả đám.

Hình như thằng Sự quê quá. Nó lên xe đạp, đạp một nước...

Sau này khi đã làm linh mục, vài lần có dịp đến Nha Trang, tôi có ghé thăm nhà thằng Sự. Dù vợ chồng nó không phải là người Công Giáo, nhưng vẫn "đổi tông" gọi tôi là "cha". Một lần trong bữa cơm do vợ chồng nó đãi tôi, tôi có kể lại "bí mật" năm xưa của thằng Sự. Vợ nó thốt lên "chua chát":
- Ông Sự nhà em vẫn vậy thôi, cha ạ. Mê gái lắm. Thấy con gái nhà người ta là quên hết sự sống, sự chết...

Nghe vợ thằng Sự nói, tôi nhìn nó xong lại nhìn vợ nó. Không lẽ đã ngoài năm mươi mà nó còn...?

Tội nghiệp cho bất cứ người phụ nữ nào lấy phải thằng đàn ông ham... "bấm chuông nhà người ta" kiểu thằng Sự bạn tôi.

Hóa ra thời bệnh tật đang rải khắp, không chừa một nơi nào như lúc này đây, lại có cái hay. Bởi đố thằng đàng ông nào, dù có thèm "bấm chuông nhà người ta" đến tràn nước bọt, cũng phải cố nuốt mà nhịn cho qua cơn. Có lẽ nhiều ông, hơn lúc nào hết, đang o bế, nịnh nọt vợ. Có lẽ chính lúc này, họ xem vợ là niềm hạnh phúc duy nhất trên đời của họ...

Kỷ niệm của một thời đã xa. Xin được nhắc lại giữa cảnh tang thương của cả nước, chỉ mong một chút gì khoây khỏa, một chút gì gọi về niềm vui, một chút gì, dẫu chỉ là khoảnh khắc, tạm quên cái khốn khổ lừng lửng trước mắt, để rồi mạnh mẽ vượt qua, mạnh mẽ sống, mạnh mẽ trụ trên đôi chân mình mà bước tiếp...

Anh chị em ơi, mọi người ơi! Một chút thôi. Tự đặt trên bờ môi mình một nụ cười nhé...

Có thể chỉ là một nụ cười. Nhưng có khi cả một nghị lực sống đang trao về mỗi chúng ta phía đàng sau cái nụ cười của sự cố gắng đấy...!
Một chút thôi. Cười lên nhé!...