Hình ảnh nhóm hai người được sai đi

Trong đời sống ở các vị trí điều hành thường có hai người được tuyển chọn đứng đầu, như Tổng Thống và Phó Tổng Thống, Thủ tướng và phó Thủ tướng, Chủ tịch và Phó chủ tịch, Giám đốc và Phó giám đốc…

Trong mỗi gia đình có vợ và chồng, cha và mẹ. Nơi các xứ đạo có cha chính xứ và cha phó.

Chúa Giêsu ngày xưa cũng đã sai từng hai Môn đệ đi rao giảng giáo lý ( Mc 6,7)

Ngày Chúa Giêsu vào thành Giêrusalen, ngài cũng sai hai môn đệ đi kiếm mượn dắt con lừa về để cho ngài cỡi. ( Mc 11,1..).

Để dọn bữa Tiệc ly ngày lễ bánh không men, Chúa Giêsu cũng sai hai môn đệ đi chuẩn bị dọn phòng để cùng các môn đệ khác ăn bữa tiệc ly. ( Mc 14,13).

Sau khi sống lại Chúa Giêsu đã cùng đồng hành gặp gỡ với hai môn đệ đi làng Emmaus. ( Lc 24,13.

Phải chăng đó là sự tình cờ, hay còn có nguyên do nào khác hơn nữa?

Ngay từ thời cổ xa xưa trong luật lệ Do Thái như sách đệ nhị luật viết phải cần có hai nhân chứng mới được. ( Sách Đệ nhị Luật 19,15).

Ông Kohelet, thầy dậy sự khôn ngoan đã viết theo kinh nghiệm thực tế đời sống:

„ Hai người thì hơn một, vì hai người làm việc cực khổ sẽ thu nhập khá hơn.10 Người này ngã đã có người kia nâng dậy. Nhưng khi chỉ có một mình mà bị ngã thì thật là khốn, vì chẳng có ai nâng dậy cả !“( Sách Giảng viên 4,9-10).

Chúa Giêsu đã tin tưởng vào sự hỗ tương kinh nghiệm như thế trong đời sống con người, nên ngài sai từng hai người cùng đi làm công việc mục vụ chung rao giảng giáo lý nước Thiên Chúa.

Vào thời Giáo hội ban đầu sau khi Chúa Giesu trở về trời, hai Ông Tông đồ Phero và Gioan cùng nhau lên đền thờ Gierusalem cầu nguyện và cùng làm công việc truyền giáo rao giảng chung với nhau. ( Cv 3,1). Rồi hai vị này cũng đại diện các Tông đồ anh em đến vùng Samari thi hành phận vụ việc truyền giáo nơi đó. ( Cv 8,14).

Hai Tông đồ Barnabe và Phaolô sát cánh cùng nhau đi làm công việc truyền giáo sang miền Antiochia. ( Cv 13,14).

Việc sống đức tin vào Chúa, việc truyền giáo bắt đầu từ tổ ấm gia đình nơi hai vợ chồng trước hết thực hành nếp sống đức tin đọc kinh cầu nguyện, và dần cùng chung với con cái gia đình, rồi lan rộng ra đến những người cùng thôn xóm, cùng làng mạc.

Thuở ban đầu sau khi Chúa Giêsu về trời, các tín hữu Chúa Kitô chưa có nhà thờ để đọc kinh dâng lễ cầu nguyện. Nhưng họ thường tụ họp nhau ở một nhà riêng của một người tín hữu, rồi cùng nhau đọc kinh thánh, học hỏi giáo lý và cùng nhau cử hành nghi lễ phụng vụ bẻ Bánh cầu nguyện. Qua đó họ giúp nhau giữ vững đức tin vào Chúa, nguồn hy vọng bình an cho đời sống.

Vì thế gia đình là ngôi thánh đường tiên khởi cùng quan trọng cho đời sống đức tin của con người.

Ngày xưa khi sang truyền giáo bên đất nước Việt Nam, các Vị Thừa sai khuyến khích người giáo hữu Chúa Kitô đọc kinh cầu nguyện hằng ngày ở gia đình mình.

Trong thời buổi lúc này thế giời đang trong cơn khủng hoảng, vì bị đại dịch do vi trùng Corona lây lan nguy hiểm đe dọa sức khoẻ gây bệnh nạn cùng tử vong, khiến cho đời sống công cộng bị giới hạn không chỉ về kinh tế, văn hóa, mà còn cã lãnh vực tôn giáo nữa.

Sự cấm cách hay giới hạn lúc này vì để bảo vệ sức khoẻ con người, không còn có cơ hội cho người tín hữu Chúa Kitô đến thánh đường dâng lễ cầu nguyện như khi trước. Nhưng căn nhà riêng mỗi gia đình lại trở nên ngôi thánh đường quan trọng cùng sống động, khi cha mẹ con cái cùng nhau đọc kinh cầu nguyện. Và như thế họ giúp nhau củng cố đức tin vào Chúa vượt qua cơn hoang mang khủng hoảng trong đời sống.

Và đó cũng là hình ảnh ngày xưa Chúa Giêsu sai cử từng hai môn đệ đi rao giảng nước Thiên Chúa, để họ cùng nâng đỡ nhau, giúp nhau thêm can đảm. Và có cơ hội cùng nhau trao đổi kinh nghiệm việc thành công cũng như khi gặp thất bại.

Lm. Daminh Nguyễn Ngọc Long