MỤC IV: Các đặc điểm của tôn giáo chân chính.

I. Tôn giáo chân chính phải có đặc điểm buộc phải yêu mến Thiên Chúa. Điều này rất chính đáng. Và tuy thế, không tôn giáo nào khác ngoài tôn giáo của chúng tôi đã truyền phải như thế; tôn giáo ấy cũng phải biết đến tư dục của con người, và sự thiếu khả năng tự mình có được nhân đức. Tôn giáo ấy phải mang lại các phương thuốc, trong đó cầu nguyện là phương thuốc chính. Tôn giáo của chúng tôi đã làm tất cả những điều này; và không tôn giáo nào khác đã từng cầu xin Thiên Chúa được yêu thương và đi theo Người.



II. Để một tôn giáo được chân chính, nó phải biết bản chất của chúng ta; vì bản chất thực sự của con người, sự thiện thực sự, nhân đức thực sự và tôn giáo chân chính, là những điều mà nhận thức về chúng không thể tách rời nhau. Tôn giáo ấy phải biết sự vĩ đại và sự thấp hèn của con người, và lý lẽ của cả hai. Còn tôn giáo nào ngoài Kitô giáo biết tất cả những điều này?

III. Các tôn giáo khác, như ngoại giáo, phổ biến hơn; vì chúng đều hệ ở mọi điều ở bên ngoài: nhưng chúng không dành cho những người khôn khéo. Một tôn giáo thuần túy trí thức sẽ tương xứng hơn với những người thông thái; nhưng nó sẽ không phục vụ người dân thường. Chỉ riêng Kitô giáo là tương xứng với mọi người, tổng hợp cả bên ngoài lẫn bên trong. Nó nâng người dân thường ở bên trong lên, và hạ những người thông thái ở bên ngoài xuống; và không hoàn hảo nếu không có cả hai: vì dân chúng cần phải hiểu tinh thần của chữ nghĩa, và người thông thái phải bắt tinh thần phục tùng chữ nghĩa, bằng cách thực hành những gì có từ bên ngoài.

IV. Chúng ta đáng ghét; lý trí thuyết phục chúng ta như thế. Bây giờ, không tôn giáo nào khác ngoài Kitô giáo đề nghị ghét chính mình. Do đó, không tôn giáo nào khác có thể được tiếp nhận bởi những người biết rằng họ chỉ đáng bị ghét bỏ. Không tôn giáo nào khác ngoài Kitô giáo đã biết rằng con người là tạo vật tuyệt vời nhất, đồng thời cũng là tạo vật khốn cùng nhất. Tông giáo thì, vì biết thực tại xuất sắc của con người, nên đã coi các tình cảm thấp hèn mà con người tự nhiên có về mình là hèn nhát và vô ơn; còn tôn giáo khác, vì biết rõ sự thấp hèn này hữu hiệu xiết bao, nên đã đối xử một cách hết sức kỳ cục các tình cảm cao cả, vốn cũng rất tự nhiên đối với con người. Không tôn giáo nào ngoài tôn giáo của chúng tôi đã dạy rằng con người sinh ra trong tội lỗi; không phái triết học nào nói điều đó: do đó không đâu nói sự thật.

V. Thượng đế ẩn mình (caché), bất cứ tôn giáo nào không nói rằng Thiên Chúa ẩn mình là không nói thật; và bất cứ tôn giáo nào không đưa ra lý lẽ cho điều đó đều thiếu sót. Tôn giáo của chúng tôi thực hiện tất cả những điều ấy. Tôn giáo này, một tôn giáo hệ ở việc tin rằng con người đã sa ngã từ một trạng thái hiển vinh và được thông hiệp với Thiên Chúa xuống trạng thái buồn khổ, sám hối và xa cách Thiên Chúa, nhưng cuối cùng sẽ được phục hồi bởi một Đấng Mêxia sẽ đến, luôn luôn hiện diện trên trần gian. Mọi điều đã qua đi, còn tôn giáo này thì vẫn tồn tại mà vì nó mọi điều đã hiện hữu. Vì Thiên Chúa, khi muốn lập một dân thánh cho riêng Người, đã tách nó khỏi mọi quốc gia khác, giải phóng nó khỏi kẻ thù, đặt nó vào một nơi an nhàn, đã hứa sẽ làm như vậy và đến thế gian vì điều này; và Người đã báo trước qua các tiên tri về thời gian và cách thức Người sẽ đến. Chưa hết, để củng cố niềm hy vọng của dân Người đã chọn mãi mãi, Người đã luôn khiến họ nhìn thấy những hình ảnh và hình tượng; và Người không bao giờ bỏ rơi họ mà không bảo đảm với họ quyền năng và ý chí cứu vớt họ của Người. Vì trong việc tạo dựng con người, Ađam là nhân chứng và là người lưu giữ lời hứa về Đấng Cứu Rỗi, Đấng sẽ được sinh ra bởi người đàn bà. Và mặc dù loài người, vẫn còn rất gần gũi với việc tạo dựng đến nỗi đáng lẽ không thể quên được việc họ được dựng nên và việc họ sa ngã, cũng như lời hứa mà Thiên Chúa đã hứa với họ về một Đấng Cứu Chuộc, thế mà, ngay trong thời đại đầu tiên của thế giới, họ đã để mình bị cuốn hút vào đủ loại rối loạn. Tuy nhiên vẫn có những vị thánh, như Enoch, Lamech và những vị khác, những người kiên nhẫn chờ đợi Chúa Kitô, từng được hứa từ lúc bắt đầu có thế giới. Sau đó, Thiên Chúa đã sai Nôê, người đã nhìn thấy các ác tâm của loài người ở mức độ cao nhất; và Thiên Chúa đã cứu ông khi nhận chìm cả trái đất, bằng một phép lạ đánh dấu cả sức mạnh Người có để cứu thế giới, lẫn ý muốn Người muốn làm vậy, và làm cho sinh ra từ người phụ nữ Đấng Người đã hứa. Phép lạ này đủ để củng cố niềm hy vọng của loài người: và trong khi ký ức về nó vẫn còn khá mới mẻ giữa họ, Thiên Chúa đã đưa ra các lời hứa với Ápraham, người lúc đó sống giữa những người thờ ngẫu tượng, và Thiên Chúa đã cho ông biết mầu nhiệm về Đấng Mêxia mà Người sẽ phải phái đến. Vào thời Ixaác và Giacóp, sự ghê tởm khủng khiếp lan tràn khắp mặt đất, nhưng các vị thánh này vẫn sống trong đức tin; và Giacóp, lúc sắp chết và lúc chúc lành cho con cái, trong một rung động khiến ông phải cắt ngang các lời phát biểu của mình, đã thốt lên: Lạy ĐỨC CHÚA, con trông chờ Đấng Cứu Thế mà Ngài đã hứa: Salutare tuum exspectabo, Domine (St. 49:18).

Người Ai Cập bị nhiễm cả việc thờ ngẫu tượng lẫn ma thuật; cả dân Thiên Chúa cũng bị lôi cuốn bởi gương xấu của họ. Nhưng Môsê và những vị khác đã thấy Đấng mà họ không thấy, và thờ phượng Người khi nhìn thấy các sự thiện vĩnh cửu mà Người đã chuẩn bị sẵn cho họ.

Người Hy Lạp và người Latinh sau đó đã làm cho các thần thánh giả tạo thống trị; các nhà thơ đã đưa ra nhiều nền thần học khác nhau; các triết gia tự chia thành hàng ngàn phái khác nhau: nhưng giữa lòng Giuđêa luôn có những người được tuyển chọn để tiên đoán sự ra đời của Đấng Mêsia này, người chỉ được họ biết đến.

Cuối cùng Người đã đến trong thời gian viên mãn: và kể từ đó, mặc dù người ta đã chứng kiến sự ra đời của rất nhiều ly giáo và dị giáo, rất nhiều việc lật đổ các Nhà Nước, rất nhiều thay đổi đủ mọi sự, Giáo hội này, Giáo Hội tôn thờ Đấng đã luôn được tôn thờ, luôn tồn tại, không gián đoạn. Và điều đáng ngưỡng mộ, có một không hai và hoàn toàn thần thánh là tôn giáo này, vốn luôn trường tồn, đã luôn bị chống đối. Một ngàn lần nó đã ở vào thế gần như bị hủy diệt hòan toàn; và bất cứ lúc nào Giáo Hội này ở trong tình trạng như thế, Thiên Chúa đều đã nâng nó dậy bằng những việc can thiệp phi thường do chính sức mạnh của Người. Đó là điều đáng kinh ngạc, và Giáo Hội này đã tự duy trì mà không bị khuất phục theo ý muốn của các bạo chúa.

VI. Các Nhà nước sẽ bị diệt vong nếu người ta không làm cho các luật lệ thường xuyên phù hợp với nhu cầu. Nhưng tôn giáo này chưa bao giờ phải chịu điều này, và không bao giờ quen thuộc với nó. Người ta cũng cần các thích ứng, hoặc các phép lạ. Không có gì lạ khi người ta tự sinh tồn bằng cách tuân phục, nhưng điều đó thực ra không hẳn là tự sinh tồn đúng nghĩa; vì cuối cùng họ cũng bị diệt vong hoàn toàn: không có ai tồn tại được một nghìn năm trăm năm. Nhưng nếu tôn giáo này luôn sinh tồn và không khuất phục, thì đó quả là điều thần thiêng.

VII. Sẽ có quá nhiều bóng tối nếu sự thật không có các đặc điểm hữu hình. Quả là điều đáng ngưỡng mộ, khi sự thật luôn được bảo quản trong một Giáo Hội và một cộng đồng hữu hình. Sẽ có quá nhiều rõ ràng nếu chỉ có một tình cảm trong Giáo hội này; nhưng, để nhận ra đâu là điều đúng, người ta chỉ cần thấy điều đúng nào luôn luôn tồn tại: vì điều chắc chắn là điều đúng luôn hiện hữu và không có điều sai nào luôn ở đó cả. Như thế, Đấng Mêxia luôn được tin tưởng. Truyền thống về Ađam vẫn còn mới mẻ thời Nôê và Môsê. Kể từ đó, các tiên tri đã tiên đoán điều đó, bằng cách luôn tiên đoán những điều khác mà các biến cố về chúng, thỉnh thoảng diễn ra trước mắt loài người, đã đánh dấu sự thật của sứ mệnh họ, và do đó sự thật của lời hứa của họ liên quan đến Đấng Mêxia. Hết thẩy họ đều nói rằng lề luật mà họ có chỉ là chờ đợi lề luật của Đấng Mêxia; chỉ đến lúc đó nó mới vĩnh viễn, nhưng luật kia sẽ tồn tại đời đời; do đó, lề luật của họ, hoặc lề luật của Đấng Mêxia, mà nó là lời hứa, sẽ luôn hiện hữu trên trái đất. Thật vậy, nó đã luôn kéo dài; và CHÚA GIÊSU KITÔ đã đến trong mọi hoàn cảnh được báo trước. Người đã làm các phép lạ, và các tông đồ cũng thế, đã làm những người ngoại đạo trở lại; và do đó các lời tiên tri được ứng nghiệm, Đấng Mêxia được chứng minh mãi mãi.

VIII, Tôi thấy nhiều tôn giáo mâu thuẫn, và do đó tất cả đều sai, ngoại trừ một tôn giáo. Mỗi tôn giáo đều muốn được tin bởi chính thế giá của mình, và đe dọa những người không tin. Vì vậy, tôi không tin họ về điều đó; ai cũng có thể nói như vậy, ai cũng có thể tự xưng là tiên tri. Nhưng trong Kitô giáo, tôi tìm thấy những lời tiên tri đã ứng nghiệm, và vô số phép lạ đã được chứng thực rõ ràng đến nỗi người ta không thể nghi ngờ một cách hợp lý; và đây là điều tôi không tìm thấy nơi các tôn giáo khác.

IX. Tôn giáo duy nhất mâu thuẫn với tự nhiên trong tình trạng hiện nay, chống lại mọi khoái lạc của chúng ta, và trước hết có vẻ mâu thuẫn với lương tri (sens commun), chính là tôn giáo duy nhất luôn hiện hữu.

X. Mọi tác phong của sự vật phải có mục đích thiết lập ra tôn giáo và sự vĩ đại của nó; con người phải có các tình cảm bên trong họ phù hợp với những gì tôn giáo này dạy chúng ta; và cuối cùng tôn giáo này phải là đối tượng và trung tâm hướng tới của vạn vật, đến nỗi bất cứ ai hiểu rõ các nguyên tắc của nó có thể giải thích lý do, của cả bản chất con người nói riêng, lẫn mọi tác phong của thế giới nói chung.

Trên cơ sở đó, kẻ ác đã báng bổ Kitô giáo vì họ hiểu sai về tôn giáo này. Họ tự tưởng tượng rằng tôn giáo này chỉ hệ ở việc thờ phượng một vị Thiên Chúa được coi là vĩ đại, quyền năng và vĩnh cửu; điều đó chỉ đúng với chủ nghĩa duy thần (déisme), vốn xa vời Kitô giáo gần như chủ nghĩa vô thần, một chủ nghĩa hoàn toàn ngược lại với nó. Và từ đó họ kết luận rằng tôn giáo này là không đúng sự thật, bởi vì, nếu đúng sự thật, Thiên Chúa phải tự tỏ mình ra cho loài người bằng những chứng cớ có thể cảm nhận được bằng giác quan đến mức không ai có thể hiểu lầm Người được chứ.

Nhưng kết luận như thế là kết luận điều họ muốn chống lại chủ nghĩa duy thần, chứ không kết luận được điều gì chống lại Kitô giáo, một tôn giáo vốn công nhận rằng, vì tội lỗi, Thiên Chúa không hề tự tỏ mình ra cho loài người bằng mọi chứng cớ Người có thể đưa ra; và vốn chỉ quan tâm đến mầu nhiệm của Đấng Cứu Chuộc, Đấng, trong khi hợp nhất nơi Người hai bản tính, bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người, đã kéo con người ra khỏi sự hư hỏng của tội lỗi để hòa giải họ với Thiên Chúa trong ngôi vị thần thiêng của Người.

Do đó, tôn giáo này dạy cho con người hai sự thật này: vừa có một Thiên Chúa mà họ có khả năng nhận biết, vừa có một sự hư hỏng trong bản chất khiến họ không xứng đáng với điều đó. Điều không kém quan trọng đối với con người là nhận biết cả hai điểm này; và đối với con người, điều nguy hiểm như nhau là nhận biết Thiên Chúa mà không nhận biết sự khốn cùng của mình, và biết sự khốn cùng của mình mà không nhận biết Đấng Cứu Chuộc, Đấng có thể chữa lành sự khốn cùng ấy. Chỉ một trong những nhận thức này mà thôi sẽ tạo ra một là niềm kiêu ngạo của các triết gia, những người nhận biết Thiên Chúa nhưng không nhận biết sự khốn cùng của họ, hai là nỗi tuyệt vọng của những người vô thần, những người nhận biết sự khốn cùng của họ mà không nhận biết Đấng Cứu Chuộc. Và như vậy, con người cần nhận biết cả hai điểm ấy thế nào, thì lòng thương xót của Thiên Chúa cũng cần làm cho chúng ta nhận biết chúng như vậy. Kitô giáo làm chính điều đó; nó hệ chính ở đó. Ước chi người ta căn cứ vào đó mà xem xét trật tự của thế giới, và xét xem liệu mọi sự có hướng về việc thiết lập ra hai điểm chính của tôn giáo này hay không.

XI. Nếu không biết mình đầy kiêu ngạo, tham vọng, tư dục, yếu đuối, khốn cùng, bất công thì quả người ta đã mù quáng. Và nếu đã nhận ra điều ấy mà vẫn không muốn được giải thoát khỏi đó, thì quả ta có thể nói người ấy rằng họ ít hữu lý xiết bao? Vậy thì người ta có thể có gì ngoài lòng quí trọng đối với một tôn giáo biết rất rõ các thiếu sót của con người, và ước ao sự thật của một tôn giáo hứa hẹn đem đến những phương thuốc khắc phục đáng mơ ước như thế?

XII. Không thể xem xét tất cả các chứng cớ của Kitô giáo, được thu thập lại với nhau mà không cảm nhận được sức mạnh của nó, sức mạnh mà không một con người hữu lý nào có thể cưỡng lại. Ước chi người ta xem xét việc thiết lập ra nó; một tôn giáo mâu thuẫn với tự nhiên như thế mà lại tự thiết lập vững vàng như vậy, một cách nhẹ nhàng, không có bất cứ lực lượng hạn chế nào, nhưng mạnh mẽ đến mức không có cực hình nào có thể ngăn cản các vị tử đạo tuyên xưng nó; và tất cả những điều này đã được thực hiện, không những không có sự hỗ trợ của bất cứ ông hoàng nào, mà bất chấp mọi hoàng tử của trái đất đã chiến đấu chống lại nó. Ước chi người ta chịu xem xét sự thánh thiện, sự cao cả và đức khiêm nhường của một linh hồn Kitô hữu. Các triết gia ngoại giáo đôi khi tự nâng mình lên trên mọi người khác bằng một lối sống quy củ hơn, và bằng những tình cảm phù hợp phần nào với các tình cảm của Kitô giáo. Nhưng họ không bao giờ nhìn nhận cho nhân đức điều mà các Kitô hữu gọi là đức khiêm nhường, và thậm chí họ còn tin rằng nó không tương hợp với những nhân đức khác được họ tuyên xưng. Chỉ có Kitô giáo mới biết cách kết hợp những điều mà từ trước đến nay dường như rất chống đối nhau, và đã dạy cho con người biết rằng, không những đức khiêm nhường tương hợp với các nhân đức khác, mà nếu không có nó thì tất cả các nhân đức khác chỉ là thói hư và thiếu sót mà thôi.

Ước gì người ta chịu xem xét những điều kỳ diệu của Sách Thánh, vốn vô hạn, sự cao cả và sự cao quí vượt lên trên con người nơi những thứ nó chứa đựng, và sự đơn giản đáng ngưỡng mộ trong văn phong của nó, không có gì giả tạo, không có gì kiểu cách, và mang theo một đặc tính chân thật không ai có thể phủ nhận.

Ước chi người ta chịu xem xét con người của CHÚA GIÊSU-KITÔ cách riêng. Dù có cảm tình gì đối với Người, người ta không thể chối cãi việc Người có một tâm trí rất vĩ đại và rất cao quí được Người trình bầy các đặc điểm từ lúc còn thơ ấu trước các tiến sĩ luật: tuy nhiên, thay vì chuyên chăm vun sới các tài năng này bằng việc nghiên cứu và giao tiếp với các học giả, Người đã dành ba mươi năm đời Người cho công việc tay chân và trong việc ẩn dật đối với toàn bộ thế giới; và, trong ba năm rao giảng, Người kêu gọi đến đồng hành với Người và chọn làm tông đồ của Người những người không biết khoa học, không học hành, không thế giá, và Người tự kéo cho mình làm kẻ thù những người được coi là uyên bác nhất và khôn ngoan nhất thời đại Người. Đó là tác phong kỳ lạ đối với một người đang có kế sách thiết lập một tôn giáo mới.

Ước gì người ta chịu đặc biệt xem xét các tông đồ được Chúa Giêsu Kitô chọn lựa, những người này không chữ nghĩa, không học hành, và đột nhiên thấy mình thông minh đủ để làm bối rối những triết gia khôn khéo nhất, và đủ mạnh để chống lại các vị vua và bạo chúa chống đối việc thiết lập Kiô giáo được các ngài công bố.

Ước gì người ta chịu xem xét loạt các nhà tiên tri kỳ diệu này, những người đã kế tiếp nhau trong hai nghìn năm, và tất cả đều đã tiên đoán nhiều cách khác nhau đến tận những tình huống nhỏ nhặt nhất về cuộc đời của CHÚA GIÊSU KITÔ, về cái chết, sự phục sinh của Người, sứ mệnh của các tông đồ, việc rao giảng Tin Mừng, việc trở lại của các quốc gia, và nhiều việc khác liên quan đến việc thiết lập Kitô giáo và loại bỏ Do Thái giáo.

Ước gì người ta chịu xem xét sự ứng nghiệm đáng ngưỡng mộ của những lời tiên tri này, phù hợp với con người của CHÚA GIÊSU KITÔ một cách hoàn hảo, đến nỗi không thể không nhìn nhận nó, trừ khi người ta muốn tự làm mình hóa mù.

Ước gì người ta chịu xem xét tình thế của người Do Thái và trước và sau sự xuất hiện của CHÚA GIÊSU - KITÔ, tình thế phồn thịnh của họ trước khi Đấng Cứu Rỗi đến, và tình thế đầy khốn cùng kể từ khi họ bác bỏ Người; vì ngày nay họ không còn một đặc điểm tôn giáo nào, không còn đền thờ, không còn lễ tế, bị phân tán khắp trái đất, bị khinh miệt và chối bỏ bởi mọi quốc gia.

Ước gì người ta chịu xem xét sự trường tồn của Kitô giáo, luôn tồn tại từ khởi đầu thế giới, hoặc nơi các thánh của Cựu Ước, những người đã sống trong sự mong đợi CHÚA GIÊSU KITÔ trước khi Người đến; hoặc nơi những người đã tiếp nhận Người và những người đã tin vào Người kể từ khi Người đến: thay vì không có tôn giáo nào khác có tính vĩnh viễn, vốn là đặc điểm chính của tôn giáo chân thật.

Cuối cùng, ước gì người ta chịu xem xét sự thánh thiện của tôn giáo này, tín lý, vốn giải thích mọi điều, cho đến những mâu thuẫn trong con người, và tất cả những điều kỳ dị, siêu nhiên và thần thánh khác bùng phát ở đó khắp phía.

Và ước gì sau tất cả những điều này người ta chịu đánh giá xem liệu còn có thể nghi ngờ Kitô giáo không phải là tôn giáo chân chính duy nhất, và liệu có bao giờ có tôn giáo nào gần giống với tôn giáo này hay không.

Kỳ tới: MỤC V:Tôn giáo chân chính được chứng minh bằng những mâu thuẫn trong con người, và bằng tội nguyên tổ