SEATTLE. Chúa Nhật ngày 20 tháng 05, trường Việt Ngữ Đắc Lộ trực thuộc giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Seattle long trọng cử hành thánh lễ tạ ơn mừng lễ Bổn Mạng và 15 năm thành lập trường. Ban giảng viên trường Việt Ngữ Đắc Lộ đã chọn thánh Jean Baptiste de la Sall làm Quan Thầy.

Xem hình ảnh

Tưởng cũng nên biết thêm một chút về thánh Jean Baptiste de La Salle mà trường Việt Ngữ Đắc Lộ đã chọn làm vị Quan Thầy của trường. Than1h Jean Baptiste de La Salle người Việt Nam thường gọi là thánh Gioan La San. Thánh Gioan La San sinh năm1651 và qua đời năm 1719, ngài là một nhà giáo dục, và là vị sáng lập Dòng Sư Huynh các trường Công giáo, ngài cũng là vị Thánh bổn mạng của các nhà giáo Công giáo. Jean-Baptiste de La Salle (Gioan La San) sinh ra và lớn lên ở thành phố Reims trong một gia đình khá giả và quý phái đã lập nghiệp lâu đời trong vùng Champagne này. Gioan La San theo học trường Collège des Bons Enfants cho đến khi xong bằng Cao học Văn chương vào năm 18 tuổi (1669). Năm sau ông lên Paris, theo học chủng viện Saint-Sulpice. Lúc bấy giờ, khi mẫu thân rồi đến phụ thân của ngài kế tiếp nhau qua đời, ngài phải về lại nhà để chăm sóc các em. Tuy về sống trong gia đình nhưng ngài vẫn theo đuổi ơn gọi, nên sau đó trở lại học ở chủng viện sau khi đã lo lắng xong cho các em. Ngài được thụ phong linh mục ngày 9 tháng 4 năm 1678 và hai năm sau, ngài hoàn tất học trình Tiến sĩ Thần học vào tháng 6 năm 1680. Trong thời gian này, ngài chịu ảnh hưởng của Nicolas Roland, một tu sĩ và một nhà thần học ở Reims.

Nhắc đến thánh Gioan La San là nhắc đến thành tích hoạt động của Dòng Sư Huynh trong công tác mở mang các trường Công giáo tại Việt Nam.

Được biết, vào đầu thế kỹ 20, Dòng Sự Huynh tức Dòng La San bắt đầu hiện diện tại Việt Nam, khởi đầu là việc mở trường Pellerin tại Huế (sau có tên là Bình Linh ) vào năm 1904, và kế tiếp là một số trường khác như vào năm 1906 mở trường St. Joseph (Thánh Giuse) ở Hải phòng và trường Dòng ở Battambang (Cao miên); năm 1908 mở trường St. Joseph (Thánh Giu se) ở Mỹ tho; năm 1911 mở trường Miche ngay trong thủ đô Nam vang của Cao miên.

Năm 1924 mở trường Thomas d'Aquin ở Nam định; năm 1932 trường Thánh Louis ở Phát Diệm và trường Gagelin ở Bình Ðịnh. Ðến năm 1933 lập ra Nhà tập (gồm tiểu chủng viện và chủng viện) ở Nha trang, tọa lạc trên đồi La San, đây là khu vực hết sức yên tĩnh. Năm 1934, lập ra "nhà tập sự" (probatorium) ở Bùi Chu và năm 1941, thành lập trường Adran ngay bên rừng Ái ân, Ðà lạt. Ngoài ra còn trường La San Ðức Minh ở Tân Ðịnh, trường La San Kỹ thuật ở Ðà lạt, và trường Bá Ninh (tên Á thánh Bénilde) ở Nha trang . Riêng trường Thánh François Xavier (Phan xi cô Xa viê) ở Sóc trăng, có lẻ đã có từ lâu nên không rõ được xây dựng từ lúc nào.

Vào năm 1955, tất cả các trường La San ở miền Bắc được chuyển vào Nam, học sinh các trường này tùy vị trí định cư mà theo học các trường đang có trong Nam. Riêng học sinh các trường Puginier ở Hà nội, trường Thánh Giu se ở Hải phòng được theo học ở trường Taberd, Saigòn.

Năm 1956, mở trường La San Kim Phước ở Kontum; năm 1957, trường La San Bình Lợi ở Qui nhơn; 1958, La San Ban mê thuột. La San Nghĩa Thục ở góc đường Nguyễn Thông và Yên Ðỗ, Sài gòn dường như cũng được mở vào năm này. Trường này thâu học phí rất hạ, dành cho trẻ em nghèo. Chi phí trường được các Sư huynh trường Taberd dùng học phí thu ở Taberd, giúp đỡ. Tại trường La San Nghĩa thục cũng có các lớp tối, do Ðoàn Thánh mẫu Sinh Viên trường Taberd cắt cử các sinh viên năm thứ ba các trường Ðại học ở Sàigòn đảm trách việc giảng dạy. Cũng giống như La San Nghĩa thục là trường La San Chánh Hưng và các trường thâu học phí thật nhẹ như Xóm Bóng ở Nha trang, Tuk Lak ở Nam Vang, và Phú Vang ở Huế.

Ðến cuối thập niên 1960, vì chiến tranh do cộng sản Bắc Việt bắt đầu đe doạ miền Nam, nên thiếu thày giáo, trường Taberd và một số trường khác phải nhờ các nữ giáo sư có Cử nhân giáo khoa, hay đã được Bộ Giáo dục công nhận, đảm nhận việc giảng dạy trong nhiều lớp học. Các trường La San không ngừng phát triển, cùng nâng cao phẩm chất đào tạo. Vào đầu năm 1975, Dòng La San ở Việt nam đã có 300 Sư huynh, và khoảng 15 chủng sinh.

Bàn đến một chút về Dòng La San trong công việc mở mang và xây dựng các trường học ở Việt Nam, cho nên các cô, thầy của trường Việt Ngữ Đăc Lộ đã chọn thánh Jean Baptiste de La Salle làm Quan thầy của trường. Trường Việt Ngữ Đắc Lộ hiện nay có khoảng trên 200 em học sinh, được chia thành 12 lớp, học từ mẫu giáo đến chương trình lớp 7. Giáo xứ hiện nay chưa có phòng ốc, phải đi thuê mướn nên cũng rất hạn chế trong việc thu nhận các em xin vào học. Trường cũng có một đội ngủ thầy, cô khá hùng hậu với trên khoảng 30 thầy, cô phục vụ các em với tinh thần thiện nguyện và rất tích cực , dưới sự hướng dẫn của thầy hiệu trưởng là anh Nguyễn Thiện và một Ban Điều Hành. Tất cả các thầy, cô đều ước ao giáo xứ sớm hoàn thành được kết quả tậu mãi cơ sở mới để xây dựng giáo xứ và hy vọng sẽ đáp ứng nhu cầu cho các em hăm mộ trao dồi Việt Ngữ nơi xứ lạ quê người càng ngày càng đông . Điểm son của trường Đắc Lộ là đã đào tạo được cho các em nhỏ sinh ra trên đất Mỹ mà vẫn đọc thông thạo tiếng Việt, nên nhiều gia đình cũng rất lấy làm hảnh diện khi thấy con em mình phụ trách các bài đọc thánh thư trong các dịp lễ đọc khá thông suốt.

Đúng 12 giờ Thánh lễ với bài ca nhập lễ và nghi đoàn gồm các em ban lễ sinh, các cô thầy cùng với các linh mục cung nghinh Thánh Giá tiến lên bàn thánh. Linh mục phụ tá Nguyễn Sơn Miên Chủ tế thánh lễ, cùng đồng tế có linh mục chánh xứ Đào Xuân Thành và cha khách Josep Maria Châu Xuân Báu. Mở đầu Thánh lễ cha chủ tế đã ân cần giới thiệu cha khách, ngài nói: hôm nay giáo xứ chúng con hân hạnh chào đón cha cố Châu Xuân Báu và cùng vui mừng với cha cố nhân dịp lễ kim khánh của ngài, xin cho một tràng pháo tay để chúc mừng cha cố (tiếng vỗ tay kéo dài khá lâu )cho đến khi cha chủ tế nói tiếp lời chúc mừng các cô thầy nhân ngày lễ Bổn mạng và mừng 15 năm, tiếng vỗ tay mới dứt.

Linh mục Châu Xuân Báu phụ trách chia sẻ lời Chúa trong thánh lễ. Trong phần chia sẻ về ý nghĩa của bài phúc âm Chúa lễ Chúa Giêsu Lên Trời, ngài cũng ngỏ lời cám ơn cha chánh xứ, cha phụ tá và toàn thể dân Chúa trong giáo xứ đã hiệp thông cầu nguyện cho ngài trong thánh lễ tạ ơn này nhân ngày kỹ niệm 50 năm chịu chức linh mục của ngài. Đặc biệt ngài cũng đã chú trọng đến ngày lễ bổn mạng của trường Việt Ngữ Đắc Lộ, ngài nói : Thưa quý thầy giáo, cô giáo, hôm nay đến với giáo xứ , tôi lại hân hạnh được cùng quý cha cử hành thánh lễ tạ ơn nhân ngày lễ Quan Thầy của trường Việt Ngữ, càng vui mừng hơn khi được biết trường đã thành lập nơi đây với một thời gian khá dài đến 15 năm. Xin chúc mừng quý thầy cô và xin cho trường được thăng tiến mãi. ”

Sau lời nguyện kết thúc thánh lễ của linh mục chủ tế, các thầy, cô đã cùng nhau đồng ca bản nhạc có tựa đề: “Nhớ mãi cội nguồn” để nói lên tâm niệm dù sống nơi đâu cũng luôn nhớ về cội nguồn của dân tộc, với giọng ca của các thầy, cô khá điêu luyện đã nên tạo nổi cảm xúc cho toàn thể cộng đoàn dâng lễ, nhất là khi nghe câu hát mở đầu: “Tôi viết bài ca này, xin gởi về quê hương- Qua thời gian khôn lớn, trong ký ức tuổi thơ”.

Trước khi ban phép lành cuối lễ, cha Chủ tế Nguyễn Sơn Miên cũng đã cám ơn các thầy cô của trường Việt Ngữ Đắc Lộ, ngài nói: “ xin cám ơn quý thầy cô đã bỏ công sức để hướng dẫn các em học tiếng Việt “và ngài nói tiếp: “Xin Chúa chúc lành cho các cô thầy và cầu chúc cho trường Đắc Lộ được thăng tiến mãi để duy trì truyền thống tốt đẹp là: ở đâu có người Việt Nam thì ở đấy có tiếng Việt “.

Thánh lễ kết thúc lúc 1 giờ 30, mọi người ra về trong niềm vui đầy hy vọng khi nghĩ đến sự phát triển của giới trẻ trong phong trào học tiếng Việt nơi đất khách quê người.