Nam Sudan: Các Giám mục đau buồn vì bạo lực đang diễn ra tại Sudan và Nam Sudan

Wau - "Chúng tôi hết sức bối rối và đau buồn bởi bạo lực đang diễn ra tại hai quốc gia của chúng tôi. Nội chiến đã nổ ra ở vùng núi Nuba, bang Nam Kordofan, và Bang Blue Nile, cùng với cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Darfur", - các Giám mục của Sudan và Nam Sudan đã nói như thế vào cuối hội nghị toàn thể của mình, vốn diễn ra từ ngày 19 đến ngày 28-10 tại Wau (Nam Sudan). Các Giám mục của hai nước đã quyết định duy trì một Hội đồng Giám mục duy nhất: "Chúng tôi vẫn là một Hội đồng Giám mục”.

Tuyên bố do hãng tin Fides nhận được nói: “Giáo Hội tại hai quốc gia sẽ tiếp tục đoàn kết do lịch sử chung của chúng tôi, và các liên kết rất thực tế và nhân sinh giữa chúng tôi. Chúng tôi thiết lập hai ban thư ký, một ở Juba và một ở Khartoum, để thực hiện các chính sách mục vụ của Hội đồng Giám Mục trong mỗi quốc gia".

Sau cuộc trưng cầu ý dân về nền độc lập được tổ chức vào tháng 1-2011, Nam Sudan đã trở thành một nhà nước độc lập. Tuy nhiên, cả Sudan và quốc gia mới Nam Sudan bị lay động bởi bạo lực ở các miền khác nhau của các vùng lãnh thổ của họ. Nhắc đến các khu vực của Sudan, các Giám Mục nói: "Chúng tôi đã liên tục cảnh báo về nguy cơ trở lại tình trạng chiến tranh, nếu các nguyện vọng chính đáng của người dân các khu vực này không được đáp ứng. Thường dân đang bị khủng bố bằng các đợt oanh tạc bừa bãi. Có nhu cầu cấp thiết là hãy mở các hành lang nhân đạo, để cho phép thực phẩm và thuốc men đến được với những người đang cần”.

Cuộc tranh chấp về quy chế của Abyei đã bị quân sự hóa. Hội đồng Giám Mục Sudan kêu gọi sự trung gian hoà giải của quốc tế để giải quyết vấn đề. Các Giám Mục cũng nhắc đến các khu vực của Nam Sudan bị tàn phá bởi bạo lực giữa các cộng đồng với nhau (như giữa các cộng đồng Madi và Acholi), và các cuộc xâm nhập của ‘Đội quân kháng chiến của Chúa’ (LRA).

Tuy không nhắc đến, nhưng Hội đồng Giám mục có vẻ chỉ trích quyết định của chính phủ Mỹ về gửi 100 cố vấn quân sự, để giúp chính quyền địa phương săn lùng các du kích quân ‘Đội quân kháng chiến của Chúa’ (LRA). Các Ngài nói: “Chúng tôi từ chối việc quân sự hoá bất cứ cuộc xung đột nào, và kêu gọi các chính phủ và cộng đồng quốc tế hãy làm việc cho các dàn xếp thương lượng. Chúng tôi kêu gọi tăng cường bảo vệ và trợ giúp nhân đạo cho các người dân bị ảnh hưởng". (Agenzia Fides 3-11-2011)

Phạm Kim An