Lời Đức Thánh Cha Benedict XVI trước Kinh Truyền Tin ngày 10 tháng 7, 2011

ROME, Chúa Nhật 10 tháng 7, 2011 (Le Monde vu de Rome) – Đức Thánh Cha Benedict

XVI đã nhắc đến Thánh Benedict, ngày mai có lễ nhớ, và là vị thánh ngài đã chọn

tên, như một gương mẫu của sự lắng nghe Lời Chúa và gương mẫu của một Kitô hữu

đã dành cho Thiên Chúa vị trí tiên quyết trong đời sống của ngài.

Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh trước Kinh Truyền tin, tại Castel Gandolfo, giáo huấn

này của Thánh Benedict, dưới ánh sáng của Dụ Ngôn của Người Gieo Giống, được đọc

trong Phúc Âm ngày Chúa Nhật này. Đức Thánh Cha Benedict nói: “Các bạn thân mến,

ngày mai chúng ta sẽ mừng lễ Thánh Benedict, đan viện trưởng và quan thầy của Âu

Châu (…) Chúng ta hãy coi ngài như một tiên sư về việc lắng nghe Lời Chúa, một

sự lắng nghe sâu xa và kiên trì.”

Sau đó Đức Thánh Cha đã mời gọi các tín hữu bắt chước Thánh Benedict, dành cho

Thiên Chúa vị trí ưu tiên trong cuộc sống, bằng một thực tập tâm linh giản dị:

là cầu nguyện sáng và tối, và ngài nói như sau: “Chúng ta luôn luôn phải học nơi

vị giáo phụ của đời sống ẩn tu Tây Phương là dành cho Thiên Chúa vị trí xứng hợp

cho Người, là điạ vị ưu tiên, bằng cách dâng lên Người các kinh nguyện sáng và

tối, và các sinh hoạt hàng ngày.”

Khi bình luận về Dụ Ngôn Nguời Gieo Giống, Đức Thánh Cha Benedict XVI đã nhấn

mạnh về “phương cách” của Chúa Giêsu và nói rằng: “Với các môn đệ, nghĩa là với

những người đã tự nguyện theo Người, Chúa Giêsu có thể nói về Nước Trời cởi mở

và rõ ràng, nhưng đối với người khác, Chúa phải giảng bằng các dụ ngôn, chính là

để kích thích quyết định của họ, về việc hoán cải tâm hồn; thực vậy, các dụ

ngôn, trên bản chất, đòi hỏi một cố gắng giải thích, đòi hỏi trí thông minh, và

cả sự tự do nữa.”

Sau đó ngài nói thêm nhận xét này về sự tự do và tình yêu: “Thật ra, ‘Dụ Ngôn’

đích thực của Chúa là chính Chúa Giêsu, là Ngôi Lời, dưới hình ảnh nhân loại, đã

che dấu nhưng đồng thời cũng bầy tỏ thiên tính của Người. Bằng cách này, Chúa

không bắt buộc chúng ta phải tin nơi Người, nhưng Chúa lôi cuốn chúng ta đến với

Người qua chân lý và lòng nhân ái của Người Con Nhập Thể: thực vậy, tình yêu

luôn luôn tôn trọng sự tự do.”