KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2010
CHƯƠNG 2. ĐẶC TRƯNG KINH TẾ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA.


Hôm nay, chúng tôi xin viết bài này tuy không trực tiếp thuộc ‘Kinh tế Việt Nam năm 2010’, nhưng mang tính cách thời sự và ảnh hưởng đến nền kinh tế và xã hội Việt Nam.

I. SỰ KIỆN.

Sáng ngày 19.01.2011, Đại hội Đảng Cộng sản kỳ XI họp phiên bế mạc. Trước khi nghe tuyên bố kết quả bầu cử các chức vụ trong Đảng, các thành viên Đại hội đã nghe báo cáo kết quả biểu quyết về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau, trong đó có nội dung về đặc trưng kinh tế xã hội chủ nghĩa.

Theo dự thảo Cương lĩnh năm 2011, đặc trưng đó là: ‘Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu’.

Để chuẩn bị Đại hội, đặc trưng này đã được thảo luận nhiều lần, và Hội nghị Trung ương 14 đã biểu quyết với 55,6% thành viên chấp nhận ý kiến như Cương lĩnh năm 1991 nhằm nói rõ mục tiêu phải đạt được khi kết thúc thời kỳ quá độ lên Xã hội Chủ nghĩa. Nhưng tại Đại hội đã có nhiều đảng viên cóù ý kiến trái ngược khiến đã có cuộc tranh luận sôi nổi tại diễn đàn. Đây là ý kiến được chấp thuận bởi Đại hội kỳ: ‘Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp’.

Cuộc tranh luận đã buộc Đoàn Chủ tịch phải đề nghị Đại hội biểu quyết để lựa chọn một trong hai phương án sau:
Phương án 1: ‘Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu’ (như dự thảo, tức như Cương lĩnh năm 1991);
Phương án 2: ‘Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp’ (như tinh thần Đại hội X, có bổ túc thêm từ ‘tiến bộ’ trước từ ‘phù hợp’).

Phát biểu ngay sau khi nghe báo cáo giải trình, đại biểu Lê đức Thúy cho rằng: « phương án 1 có vẻ như cụ thể nhưng thực ra không cụ thể, vì ngay như công hữu là gì cũng là vấn đề còn đang phải tiếp tục nghiên cứu. Nói công hữu dễ làm liên tưởng tới quốc doanh hóa, tập thể hóa. Tuy theo tinh thần Đại hội X cũng chưa phải là cụ thể, nhưng đã mở rộng đường hơn cho việc tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, vì thế nên ‘chấp nhận phương án 2’ ».

Nhắc lại là Trung ương đã thảo luận nhiều lần và đã biểu quyết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị đại biểu thể hiện chính kiến qua phiếu biểu quyết vì không đủ thời gian để có thể tiếp tục tranh luận.

Kết quả biểu quyết có 65,04% đại biểu có mặt tán thành phương án 2. Như vậy, đặc trưng kinh tế của xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng sẽ là: ‘Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp’.

II. HAI QUAN ĐIỂM KHÁC NHAU.

A. Tán thành phương án Một.

Trong phiên họp sáng ngày 14.01.2011, đại biểu Lê hữu Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện chính trị - hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, ‘tôi tán thành với dự thảo Cương lĩnh’ vì:
1. nói về chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất là nói về đặc trưng của chủ nghĩa xã hội khi đã xây dựng xong, còn trong thời kỳ quá độ thì khác.
2. đặc trưng này thì mới nói được đặc trưng cơ bản của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa để phân biệt với quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Hơn nữa Cương lĩnh nói rõ là công hữu các tư liệu sản xuất chủ yếu thôi chứ không phải tất cả các tư liệu sản xuất đều công hữu.

Để trả lời sự lo ngại của Bộ trưởng Võ hồng Phúc về thu hút đầu tư, ông nhấn mạnh: « vấn đề đó tôi không lo ngại, vì nếu chúng ta có chính sách thông thoáng, rộng mở thì vẫn thu hút được đầu tư nước ngoài và khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển. Trước kia chúng ta coi nhẹ, muốn bóp nghẹt kinh tế tư nhân nhưng bây giờ chúng ta xác định kinh tế tư nhân là một trong những động lực phát triển của nền kinh tế. Vì thế nói công hữu nhưng không ngại, 20 năm qua có phải vì công hữu mà các nhà đầu tư nước ngoài ngại đầu tư, trong nước ngại phát triển kinh tế tư nhân đâu. »

« Công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu vấn đề lớn cần phải tiếp tục nghiên cứu… vì quan hệ sản xuất tiên tiến phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất ‘thì sẽ vướng về mặt lý luận, nó rất trừu tượng, không rõ là quan hệ sản xuất gì và mang đặc trưng gì’. Chế độ nào cũng có quan hệ sản xuất phù hợp với chế độ đó cả, nên theo tôi nếu nói như vậy thì coi như không nói gì. Về các đặc trưng của xã hội chủ nghĩa mà dân ta đang xây dựng theo tôi còn là vấn đề mở, cần tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tìm tòi trong thực tiễn và đẩy mạnh nghiên cứu lý luận để bổ sung cho những đặc trưng đó », ông Nghĩa kết thúc phần tranh luận.

B. Tán thành phương án Hai.

Chúng ta theo dõi cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Lê đăng Doanh của báo Pháp Luật TP.HCM:

. Tiến sĩ có nhận xét gì về hai luồng ý kiến trái chiều về việc đưa vấn đề ‘công hữu tư liệu sản xuất (TLSX) chủ yếu’ vào Cương lĩnh 2011?
+ Tôi không đồng ý đặc trưng của Xã hội Chủ nghĩa (XHCN) dựa trên chế độ công hữu về TLSX chủ yếu. Mác đã nói: “Sự phát triển tự do của mỗi một người là điều kiện tự do của tất cả mọi người. Trong đó, con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột và có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân”. Đó mới là mục tiêu của XHCN chứ bản chất XHCN không phải nằm ở chỗ công hữu TLSX chủ yếu. Mác chỉ nghĩ rằng công hữu TLSX chủ yếu sẽ dẫn đến mục tiêu đó. Tức, công hữu TLSX chủ yếu chỉ là phương tiện để thực hiện XHCN chứ không phải là bản chất, là đặc trưng của XHCN.
Hơn nữa, mô hình công hữu không còn phù hợp với khoa học hiện đại, theo đó một tài sản phải có chủ sở hữu rõ ràng. Không có chủ sở hữu rõ ràng sẽ dễ dẫn đến việc cha chung không ai khóc, tài sản sẽ dễ bị xâm phạm, hao tổn…

. Thực tiễn thời gian qua đã nói lên điều gì về chế độ công hữu TLSX chủ yếu?
+ Thực tiễn đã chứng minh chế độ công hữu TLSX chủ yếu là sai lầm, rõ ràng nhất là sự sụp đổ của Liên Xô. Trong khi ta đã chuyển từ chế độ hợp tác xã sang chế độ khoán… Đặc biệt hiện nay, khi nền kinh tế của chúng ta đang thiếu vốn, thiếu khoa học công nghệ để hiện đại hóa đất nước mà tuyên bố như vậy chẳng khác nào dội gáo nước lạnh cho các nhà đầu tư nước ngoài.

. Nếu chúng ta đồng tình với quan điểm công hữu về TLSX chủ yếu sẽ mâu thuẫn với con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà chúng ta đang đặt ra?
+ Đúng vậy. Là một đất nước còn nghèo và lạc hậu, muốn phát triển chúng ta phải tiếp thu công nghệ khoa học của nước ngoài mà lại bảo công hữu hóa TLSX thì khó thuyết phục được. Người ta có thể hiểu mọi việc mà chúng ta làm hiện nay chỉ là tạm thời để đến một lúc nào đó quốc hữu hóa. Nói một cách nôm na như Bộ trưởng Võ hồng Phúc là giống như ông đang vỗ béo chúng tôi rồi đến một lúc nào đó sẽ làm thịt chúng tôi.
Nếu muốn có sự đầu tư lâu dài, ổn định mà tuyên bố thế thì người ta sẽ không sẵn sàng đầu tư. Chính sự tự do kinh doanh như Luật Doanh nghiệp mới đem lại sự lớn mạnh cho kinh tế Việt Nam. Nếu không có sự tham gia của toàn dân, sự sáng tạo, đầu tư của toàn dân thì làm sao có sự phồn vinh như thế này.

. Riêng việc hiểu như thế nào là TLSX chủ yếu cũng còn nhiều tranh cãi. Ông có ý kiến gì về việc này?
+ Trước kia, quan niệm TLSX chủ yếu là lao động, là đất đai. Còn trong thế giới ngày nay, TLSX chủ yếu có thêm phần mềm máy tính, là vốn, là khoa học công nghệ, là những sáng chế, phát minh… Đây đều là sản phẩm của cá nhân. Mình tuyên bố công hữu thì ai dám đầu tư vào cho mình, mình hội nhập làm sao được! Còn nói bây giờ chỉ dựa vào lao động, vào đất đai mà không có sáng chế, phát minh, phần mềm thì làm được gì!

. Mặc dù Cương lĩnh 1991 có quy định về công hữu TLSX chủ yếu nhưng lâu nay, bằng những chính sách, pháp luật hợp lý ta vẫn thu hút đầu tư nên không có chuyện cản trở thu hút đầu tư khi thực hiện công hữu TLSX, thưa ông?
+ Đúng là Cương lĩnh 1991 có quy định nhưng lâu nay mình không nhắc lại điều đó nên người ta chỉ căn cứ vào luật pháp của mình để thực hiện. Nhưng bây giờ khơi lại, người ta sẽ nghĩ rằng họ đang nhận được một lời cảnh báo mới. Ngay cả nhà đầu tư trong nước cũng có thể nghĩ rằng Nhà nước cho phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần nhưng đến một lúc nào đó sẽ quốc hữu hóa nhà máy, vốn…

. Ông lý giải thế nào trước những ý kiến cho rằng nếu không dựa vào công hữu TLSX chủ yếu sẽ mất đi đặc trưng XHCN?
+ Tôi đã nhấn mạnh mục đích của XHCN không phải là công hữu TLSX chủ yếu, không phải là chế độ công hữu mà là sự tự do của con người, giải phóng con người. Để đạt được mục tiêu đó, ban đầu Mác tưởng chế độ công hữu là tốt nhưng sau này ông nhận ra và đã thay đổi chế độ công hữu bằng sở hữu xã hội, trong đó công ty cổ phần là hình thức chủ yếu. Thế mà bây giờ mình không dùng cái từ Mác đã sửa mà quay lại với từ Mác chưa sửa. Rõ ràng như vậy là về mặt lý luận cũng không phù hợp với Mác mà thực tế cũng không phù hợp với thế kỷ XXI.
Cho nên tôi đồng tình với cách ghi trong Nghị quyết của Đại hội X “dựa trên quan hệ sản xuất tiên tiến, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất” và điều ấy là hợp lý.

III. XIN PHÉP NHẬN ĐỊNH.

1. Sau khi Sài-gòn bị xóa tên, tại Hà nội, Ban cải tạo công thương nghiệp tư doanh Trung ương được thành lập. Đến năm 1983, Ban này được đổi thành Vụ cải tạo công thương nghiệp tư doanh thuộc Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng. Tại TP Hồ chí Minh, lúc đó, ông Đỗ Mười là người đứng ra thực hiện công tác cải tạo và làm rất tích cực. Hai nhận xét:

a) lòng dân thêm oán ghét chế độ sau khi bị lường gạt về thời hạn đi học tập của các sĩ quan Việt Nam Cộng hòa;

b) việc công hữu hóa tài sản công thương nghiệp tư doanh thu được bao nhiêu cho nhà nước hay chạy vào túi đảng viên tham nhũng (nội hóa kho hàng phụ tùng xe máy Nhật, tráo đổi hàng mới bằng đồ cũ, thay hột xoàn thật bằng hột giả hay kém phẩm chất.

2. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là tên gọi một hệ thống kinh tế được Đảng Cộng sản Việt Nam sáng tạo và chủ trương triển khai tại Việt Nam từ thập niên 1990. Nhưng chính họ cũng thừa nhận rằng họ chưa có nhận thức rõ, cụ thể và đầy đủ về thế nào là nền kinh tế này và chỉ giải thích đây là một nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Chỉ trong hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Đảng mới ra nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 30.01.2008 về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sau đó, ngày 23.09.2008, Chính phủ mới có nghị quyết số 22/2008/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện nghị quyết 21 nói trên.

3. Trong 20 năm qua, các nhà đầu tư Âu-Mỹ đến kinh doanh tại Việt Nam là vì họ không biết trong Cương lĩnh năm 1991 có khoản ‘chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu’. Đơn giản, họ tưởng Việt Nam tôn trọng tư hữu như tại đại đa số các quốc gia khác trên thế giới. Rất nhiều các chính trị gia tại Âu châu không hiểu tại sao ông Nông đức Mạnh, Chủ tịch Quốc hội, trở thành Tổng bí thư được cho là ‘lên chức’. Tại nước họ, những quốc gia đa đảng, nên có bao nhiêu đảng là có bấy nhiêu Tổng bí thư hay Chủ tịch đảng, trong khi chỉ có một Chủ tịch Quốc hội và vị này sẽ thay Tổng Thống khi cần.

4. Việc công hữu hóa TLSX liên hệ tới mọi người dân Việt chỉ được quyết định bởi một nhóm 1377 người không do dân bầu và kết quả dễ thay đổi sau mỗi lần biểu quyết. Cần tổ chức trưng cầu dân ý để mọi người dân Việt có thể bày tỏ ý kiến hay ít nhất phải được thông qua bởi Quốc hội dân chủ mà mọi ứng cử viên cộng sản hay độc lập đều được tham gia tranh cử.

Bon chen nơi Đại hội, linh mục Nguyễn công Danh, Chủ tịch Ủy ban Đàn két, vi phạm điều Điều 287 khoản 2 Giáo Luật ngày 25.01.1983: ‘Các giáo sĩ không được tham gia tích cực vào các đảng phái chính trị, …’. Hậu quả, linh mục đã chểnh mảng trong công tác mục vụ khi cấp giấy Rửa tội mà không ghi ngày Rửa tội gây khó xử cho Linh mục cử hành Bí tích Hôn phối.

Trong khi linh mục quốc danh chạy theo ‘công hữu hóa’ thì Hội Thánh Đức Kitô khuyên ‘Của cải có là để được chia sẻ’.

IV. GIÁO LÝ CÔNG GIÁO VỀ CỦA CẢI.

Nhờ Cựu Ước, chúng ta đọc biết:

Thiên Chúa sáng tạo Con Người theo hình ảnh Ngài và phán với họ: « Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất… » (Sáng thế ký 1: 27,28).

Trong Chương 7 đề cập đến ‘Đời Sống Kinh Tế’, Học thuyết xã hội Giáo hội Công giáo dạy chúng ta:

Của cải có là để được chia sẻ

328. Của cải, dù được sở hữu một cách chính đáng, luôn luôn có mục tiêu phổ quát;

Bất cứ hình thức tích trữ nào không chính đáng đều trái đạo đức, vì như thế là công khai đi ngược lại mục tiêu phổ quát đã được Tạo Hoá ấn định cho mọi của cải. Sự cứu độ trong Kitô giáo là sự giải thoát toàn diện con người, tức là được giải thoát không những khỏi mọi nhu cầu mà còn khỏi mọi sở hữu. ‘Vì ham mê tiền bạc là cội rễ mọi điều xấu xa; chính vì có sự thèm muốn ấy mà nhiều người đã lạc xa đức tin’ (1 Tm 6,10). Các Giáo phụ còn nhấn mạnh tới nhu cầu cần hoán cải và cần thay đổi lương tâm các tín hữu nhiều hơn là nhu cầu cần thay đổi các cơ chế xã hội và chính trị trong thời các ngài. Các ngài còn kêu gọi những ai hoạt động trong lĩnh vực kinh tế và có được của cải hãy xem mình chỉ là người quản lý những tài sản Thiên Chúa đã giao.

329. Của cải hoàn thành chức năng phục vụ con người khi chúng được hướng tới việc đem lại ích lợi cho người khác và cho xã hội.

Thánh Clementê thành Alexandria tự hỏi: ‘Chúng ta làm sao có thể làm điều tốt cho người lân cận khi chẳng ai trong chúng ta có chút của cải?’. Còn theo quan điểm của Thánh Gioan Kim Khẩu, của cải thuộc về một số người để những người này lập được công trạng bằng cách chia sẻ cho người khác. Của cải là một điều tốt xuất phát từ Thiên Chúa và phải được người sở hữu nó sử dụng và lưu thông thế nào cho cả người túng thiếu cũng được hưởng. Sự xấu xa lộ ra khi người ta tha thiết quá độ với của cải và tham lam tích trữ. Thánh Basiliô Cả kêu gọi người giàu hãy mở cửa nhà kho của mình và ngài khuyên họ: ‘Dòng nước lũ lớn chảy qua hàng ngàn kênh rạch để tràn ngập hết đất đai màu mỡ. Cũng thế, bằng hàng ngàn nẻo đường khác nhau, quý vị hãy làm sao cho của cải nhà mình đến được nhà những người nghèo túng’. Thánh Basiliô giải thích: của cải tựa như nước lấy từ giếng: càng kín múc thường xuyên, nước càng trong, và nếu không sử dụng, nước trở nên vẩn đục. Sau này thánh Gregoriô Cả cũng nói: người giàu chỉ là người quản lý những gì mình đang có; cho người nghèo những gì họ cần chính là một nhiệm vụ phải thi hành với lòng khiêm tốn, vì của cải không thuộc về người phân phát chúng. Kẻ nào giữ của cải lại cho riêng mình sẽ mắc tội; còn cấp phát cho những người túng thiếu là đã trả xong một món nợ.