Mùa đông dần trôi về những ngày tàn của những cành khô lá rụng nhường chỗ cho xuân sang với bao lộc xanh kheo sắc đua nở. Những cơn gió bấc giá buốt cũng tan dần thay vào đó là những tia nắng xuân mới sưởi ấm đất trời. Theo truyền thống tục lễ bao đời tốt đẹp của người dân Việt, xuân đến mọi người nô nức lên đền hái lộc mừng xuân. Lộc Mỹ, Giáo xứ này được bao bọc bởi ngọn núi nhỏ đầu làng và bên kia là cửa biển thơ mộng, giáo dân ở đây phần đa làm nghề ngư nghiệp, quanh năm vất vả trên biển cũng chỉ đủ sống qua ngày, cơn bão đi qua để lại khó khăn cho nhiều gia đình, chính vì vậy mà tấm lòng người mục tử đã nghĩ ra phương cách giúp những hộ nghèo cùng giáo xứ vui đón xuân. Đó là Chiến Dịch Bánh Chưng Xanh và Chăn Âm Tình Người, mang đến niềm vui cho người nghèo và khuyết tật neo đơn, vài ngàn chiếc bánh chưng đã được trao tận tay cho những người kém may mắn, vài trăm chiếc chăn cho những người già yếu, những chiếc áo phông đẹp che ấm người khyết tật.

Xem hình ảnh

Các chiến dịch này không những đã làm ấm lòng bao cõi lòng đơn côi, nghèo khổ, khuyết tật, mà con mang lại hiệu quả lớn lao cho một cộng đoàn Kitô hữu ý thức sự liên đới giữa con người với con người, tình bác ái thắt chặt lại mối liên kết công đoàn với nhau để cùng biết chia cơm sẻ áo cho đồng loại của mình, còn tương tác đắc lực cho công cuộc truyền giáo tại địa phương. Hôm nay, họ có được hương vị tết nồng nàn từ "bánh chưng xanh," sự ấm cúng của những tấm chăn ấm và hương vị của tết qua mùi bánh chưng. Mỗi người nhận còn được một cặp bánh chưng đem về nhà, chiếc áo lạnh mới và những bao "lì-xì" trong đó có 50.000$.

Nay ngày cuối năm hồi tưởng lại những hồng ân Chúa đã thương ban cho giáo xứ, qua các thánh Tử đạo Việt Nam, qua các bậc bối. Cũng trong tâm tình của những ngày đầu Xuân, chúng tôi hướng về những nhà truyền giáo cũng như bao linh mục chánh xứ, phụ tá cũng như các bậc cha ông đã có bao công lao to lớn đối với Giáo xứ chúng tôi. Nhân dịp này, xin giới thiệu đôi dòng sơ lược về Giáo Xứ Lộc Mỹ.

Vài Nét Sơ Lược về Giáo Xứ Lộc Mỹ, Giáo hạt Cửa Lò, giáo phận Vinh,

Khi gẫm xem muôn loài trong vũ trụ, chúng ta thấy vạn sự đều có cội rễ căn nguyên: chim có tổ, nước có nguồn, con người sinh ra có tổ có tông, có bà có ông. Với mục đích “ôn cổ tri nhi tân”, chúng tôi mạo muội ghi lại vài dòng tản mạn về mảnh đất Chân Lộc – Lộc Mỹ với biết bao thăng trầm biến đổi theo dòng chảy của thời gian. Bên cạnh đó, với truyền thống “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây,” vài điều nhớ lại cũng là dịp để tỏ lòng tri ân đối với các nhà truyền giáo các linh mục, các bậc cha ông, những người đã có công khó trong việc rao giảng, gầy dựng, củng cố và phát triển đời sống đức tin cũng như mọi lĩnh vực khác của cuộc sống. Với những tâm tình đó, trong bài viết ngắn này, chúng tôi sẽ trình bày vài nét sơ lược về giáo xứ Chân Lộc; tiếp đó là vài điều sơ qua về giáo xứ Lộc Mỹ cùng với danh sách một số linh mục quản xứ và phụ trách giáo xứ; cuối cùng là vài lời cảm mến tri ân.

1. Vài Nét Sơ Lược về Giáo Xứ Chân Lộc

Tin Mừng đến Việt Nam vào năm 1533, nhưng phải nói là Tin Mừng “chính thức” đến mảnh đất Con Rồng Cháu Tiên này vào ngày 18-1-1615 bắt đầu tại Cửa Hàn (Đà Nẵng) với những chương trình tổ chức quy mô và truyền giáo có phương pháp cụ thể của các nhà thừa sai. Ngày lễ kính Thánh Giu-se 19-3-1627, thừa sai truyền giáo nổi tiếng ở Việt Nam là cha Đắc Lộ cùng với cha Pedro Marques đặt chân đến Cửa Bạng Thanh Hóa. Ngài gọi cửa này là cửa Thánh Giu-se và nhận Ngài làm bổn mạng cho giáo dân ở Đàng Ngoài. Từ vùng đất Cửa Bạng, các Ngài bắt đầu rao giảng Tin Mừng cho các vùng lân cận. Đến tháng 3-1629, do bị thúc ép, cha Đắc Lộ cùng thừa sai Marques từ kinh thành Kẻ Chợ tiến vào vùng đất Cửa Chúa (Cua Ciüa) thuộc Nghệ An để rao giảng Tin Mừng. Với lòng nhiệt thành của bổn đạo ở đây, đức tin Ki-tô giáo đã phát triển nhanh chóng.

Địa danh huyện Nghi Lộc từ thời Tây Sơn (1778 – 1802) được gọi là Chân Lộc. Khi thành lập giáo xứ ở vùng này bề trên đã gọi xứ này là giáo xứ Chân Lộc. Lãnh địa giáo xứ có nhóm giáo dân miền Cửa Lò gồm các làng từ cửa Sông Cấm ngược theo dòng sông lên phía Tây, và nhóm giáo dân miền Đá Dựng gồm các làng từ Cửa Hội (Cửa Rum) ngược theo dòng sông Lam đi lên. Trong bản phúc trình của Đức Cha Retord Liêu gởi cho Bộ Truyền Giáo ngày 23-7-1839, đã đề cập đến giáo xứ Chân Lộc có 4046 giáo dân. Đây là một trong 18 giáo xứ nằm trong danh sách xin Tòa Thánh thiết lập Địa Phận Nam Đàng Ngoài. Ngày 27-3-1846, địa phận Nam Đàng Ngoài được thành lập, (sau năm 1945 đổi tên là địa phận Vinh). Trong tờ phúc trình của Đức Cha Ngô Gia Hậu ngày 13-2-1853, Chân Lộc có tên trong danh sách 21 giáo hạt của Địa Phận.

Vào năm 1853, Đức cha tiên khởi của địa phận Gauthier Ngô Gia Hậu đã chia giáo xứ Chân Lộc làm hai. Miền Đá Dựng giữ nguyên danh từ giáo xứ Chân Lộc với số giáo dân 4055. Miền đất Cửa Lò được gọi là xứ Cửa Lò với số giáo dân là 2693, bao gồm Kẻ Bong, Kẻ Rộng, Kẻ Lò, La Nham. Vào thời đó vì những cơn bách đạo, để dễ lánh nạn, các vị thừa sai đã chọn làng Kẻ Bong làm trụ sở của giáo xứ. Đến năm 1902, bề trên giáo Phận chia giáo xứ Cửa Lò làm hai. Phần Làng Kẻ Bong và phần còn lại là làng Kẻ Rộng và làng La Nham. Miền Kẻ Lò (gồm Mai Hương, Yên Trạch, Kẻ Lò) thành một giáo xứ lấy tên là Giáo Xứ Tân Lộc. Từ giáo xứ mẹ Chân Lộc ban đầu đã cho ra mười một “người con”.

2. Sơ Lược về Giáo Xứ Lộc Mỹ

Năm 1853, giáo xứ mẹ Chân Lộc đã trở thành giáo xứ Lộc Mỹ, nhận Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời làm quan thầy giáo xứ, như địa phận và những xứ đầu tiên của địa phận đều nhận tước hiệu này của Đức Mẹ làm quan thầy. Sự hình thành và phát triển giáo xứ như thế nào luôn là một trong những điều con cháu ngày nay muốn biết tới. Nguồn tài liệu nói về giáo xứ không nhiều, những thông tin có được căn bản cũng qua lời kể của các cố các cụ. Trong phần này, xin được mãn phép chép lại đôi điều từ những nguồn thông tin trên như một điểm gợi với hy vọng nhiều người sau này sẽ cố công tìm hiểu rõ hơn về giáo xứ.

Cha ông ta ban đầu sống ở đâu? Theo các cụ kể lại, giáo dân thời xưa còn ít, sống với nhau theo từng nhóm nhỏ. Phía bắc Núi Con Lợn có một nhóm người ở đây là những người sau này lập nên làng Lộc Mỹ, sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, đánh bắt cá. Phía Nam Núi cũng có một nhóm cư dân ngư nghiệp sinh sống. Lúc đó, tại vùng phía nam này có một suối nước chảy từ đồi 200 ra cửa Sông Cấm. Gần cửa sông, nước đọng lại thành một hồ nước lớn. (Hồ nằm giữa vùng đất của trường cấp II Nghi Quang và Núi Lộc Mỹ bây giờ). Hồ nước này là nguồn nước uống chủ yếu của cư dân thời đó, đây cũng là nơi họ thường đến giặt lưới, giặt te, tắm giặt… sau mỗi ngày lao động vất vả. Từ những sinh hoạt như vậy, dần dần người ta gọi vũng nước đó là “Giếng Chài”. Vì điều kiện có nguồn nước thuận lợi như vậy, nên cư dân đã đến dựng lên những túp lều để cư ngụ hai bên khe nước. Điều kiện làm ăn ngày một thêm thuận lợi, vì thế dân cư tập trung về đây ngày thêm đông, các lều trại mọc bên Giếng Chài ngày càng nhiều. Khi kinh tế phát triển, các quan chức địa phận bày chuyện thu thuế và kiểm soát vùng này. Họ họ đặt tên cho vùng đất phía Bắc Giếng Chài là Trại Bong, còn vùng đất phía Nam Giếng Chài là Trại Rộng. Thời tiết về sau càng thêm phức tạp, vùng đất Giếng Chài hàng năm chịu bão lụt thường xuyên, các lều trại bị bão gió phá vỡ, nước lụt cuốn trôi. Không thể ở mãi được, các quan chức đã phân bố vùng đất ở mới cho cư dân. Cư dân ở vùng Trại Bong được chuyển lên sinh sống ở phía Bắc núi Con Lợn. Còn cư dân vùng Trại Rộng được chuyển về phía Nam sát dưới đồi Rậm (Lữ Sơn), gần làng Xuân Áng (Thành Vinh, Nghi Quang bây giờ). Sau khi thôn làng ổn định, dân số ngày một tăng, quan phủ huyện đặt tên cho Làng Chài Trại Rộng là làng Kẻ Rộng (hay còn gọi là Kỉ Rộng). Vậy, từ vùng đất Giếng Chài, cha ông ta đã chia thành hai vùng mới sau này phát triển thành giáo họ Đức Vọng và giáo họ Lộc Mỹ.

a. Giáo họ Đức Vọng

Làng Chài Trại Rộng sau này phát triển và thành lập giáo họ với tên gọi là giáo họ Đức Vọng nhận thánh Phê-rô làm Bổn Mạng. Lúc mới thành lập, nhà thờ giáo họ chỉ là một ngôi nhà bằng tre, tranh, vách nứa. Những năm đạo Công Giáo bị bắt hại, nhà thờ nhiều lần bị đốt cháy. Sau những cơn bách hại, cha ông ta tiếp tục xây dựng lại. Về sau làm ăn ngày một phát triển, giáo họ đã có một ngôi nhà gỗ để làm nơi thờ phượng. Mãi tới năm 1910, linh mục quản xứ lúc đó là cha Giu-se Hạp, giáo họ đã xây được một ngôi thánh đường khang trang đẹp đẽ. Đến năm 1936, cha Phê-rô Loan quản xứ đã cho xây dựng mặt tiền nhà thờ. Sau này thời thế càng thêm khó khăn, một nhóm bà con sau khi Làng bị tàn phá đã đi vào họ nhà xứ Lộc Mỹ sinh sống. Phần lớn bám trụ lại quê hương để sống, chủ yếu là giáo dân làm nghề nông nghiệp. Đến năm 1978, được sự giúp đỡ của bà con đồng hương hải ngoại, bà con đồng tâm xây dựng nhà Chúa. Sau gần một năm nhiệt tình xây dựng, bà con lại có một Ngôi Thánh Đường mới.

b. Giáo Họ, Giáo Xứ Lộc Mỹ

Vì thời tiết gặp nhiều khó khăn, nên cư dân ở vùng Trại Bong (vùng Giếng Chài) được chuyển lên sinh sống ở phía Bắc núi Con Lợn (kết hợp với một số dân đã sống ở đây, họ lập thành làng Lộc Mỹ). Theo lời ông Trần Đức Quang, vùng đất Lộc Mỹ trước đây chia làm hai phần: ‘Trên Làng, Dưới Vạn’. Họ Vạn là họ lo tổ chức các dịp lễ lạy. Người ta thường treo các cờ thánh giá, cờ xí trong những dịp lễ trọng, làm cho bầu khí các dịp lễ thêm long trọng. Sau này, khi cố Trung (cha của ông Huệ ) còn sống, vào các dịp lễ trọng, ông thường dựng hai cột cờ hai bên tượng Thánh Giá trên đồi Can-vê. Đây chính là điều trước đây họ Vạn thường làm vào các dịp lễ. Họ Vạn có giáo dân là những người thường xuyên sống dưới thuyền, dưới nốc. Họ Vạn có khoảng 60 đến 70 thuyền. Mỗi thuyền thường có ông bà, cha mẹ, con cái sống với nhau. Sáng tối đọc kinh lần hạt đầy đủ. Các ngày Chúa Nhật, họ chèo thuyền vào sát cổng nhà thờ để cùng nhau đọc kinh, thờ phượng, tham dự Thánh Lễ.

Cho đến khi thành lập hợp tác xã, họ Vạn nhập lại với Làng để thành lập nên giáo họ mới là là giáo họ Lộc Mỹ. Làng Lộc Mỹ trước đây có một Vườn Thành, và một giếng nước to, nước ngọt và sạch sẽ. Bên cạnh cái giếng có một cây trộp cao, che bóng mát cho bà con đi lấy nước.

Thời cha Đề làm cha xứ, ngài cổ võ bà con làm một con đường từ nhà thờ, đi vòng quanh núi ra đến giáo họ Đức Vọng. Sau đó là thời cha Phê-rô Phan Định quản xứ, ngài có hai năm phụ trách giáo xứ Tân Lộc (từ 1954 đến 1956) vì đây là thời gian cha xứ Tân Lộc Phê-rô Hồ Đức Hân bị chính quyền giam giữ. Khi cha Định bị bắt, cha Phê-rô Nguyễn Nguyên Hanh phụ trách giáo xứ Lộc Mỹ. Trong thời gian này, giáo xứ tổ chức cuộc rước long trọng đón Đức Cha Gio-an Baotixita Trần Hữu Đức từ xứ Tân Lộc về thăm mục vụ giáo xứ Lộc Mỹ. Trước năm 1954, có việc đạo đức kính Đức Mẹ Giao Liên. Tức là rước tượng Đức Mẹ từ nhà này sang nhà khác để làm việc thờ phượng, tôn kính Đức Mẹ. Từ khi có cộng sản vào, thì những việc đạo đức này bị cấm.

Ông Quang kể lại: dân thời đó nghèo lắm, làm nghề biển là chủ yếu, nên lệ thuộc hẳn vào thời tiết. Các cụ thường nói: Tháng chín phải “xỏ sào bụi tre” vì thời tiết xấu, biển động không đi biển được. Người ta phải đi Dừa làm ngô, lên phía trên làm ăn, kiếm thức ăn cho qua mùa biển động.

Giáo xứ Lộc Mỹ trong một thời gian dài không có cha quản xứ, chỉ có cha phụ trách. Mãi đến thời cha Giáo sư Phao-lô Trần Đình Lợi, ngài đã đến tuổi về hưu, dù tuổi cao sức yếu vẫn yêu thương giáo xứ. Ngài làm cha xứ trong những năm 1998 – 1999. Ngài đã củng cố lại đời sống đức tin, phong trào học giáo lý cho giáo xứ, ngài đã có công rất lớn đối với giáo xứ bởi đã khởi công xây dựng ngôi thánh đường mới. Nhà thờ xây được một nửa thì cha ra đi đột ngột, để lại niềm thương tiếc vô hạn trong lòng giáo dân. Sau đó cha Phê-rô Nguyễn Xuân Hoan làm cha xứ (1999 – 2008), ngài tiếp tục công trình xây dựng và khánh thành nhà thờ xứ.

3. Danh Sách Một Số Linh Mục Quản Xứ và Phụ Trách Giáo Xứ

Sau đây, chúng tôi xin liệt kê một số linh mục quản xứ và phụ trách mà chúng tôi biết được, có lẽ nhiều chi tiết chưa thật sự chính xác, nhiều thông tin còn thiếu. Tuy nhiên, có còn hơn không, hy vọng sau này bản danh sách được hoàn chỉnh hơn.

Danh sách các linh mục quản xứ và phụ trách giáo xứ Lộc Mỹ.

1. Năm 1853 thành lập giáo xứ Lộc Mỹ.
2. Cha Giu-se Hạp quản xứ (trong nhà thờ xứ cũ trước đây có mộ của Ngài, 1910)
3. Cha Phê-rô Loan quản xứ, (1936)
4. Cha Phê-rô Phan Định quản xứ, ngài còn phụ trách giáo xứ Tân Lộc từ năm 1954-1956.
5. Cha Phê-rô Nguyễn Nguyên Hanh, quản xứ (1956 – 1974).
6. Cha Phê-rô Bùi Đoài, quản xứ (1974 – 1979).
7. Cha Giu-se Vương Đình Ái, phụ trách (1979 - 1984).
8. Cha Gio-an Baotixita Lê Văn Hưởng, phụ trách (1984 - 1988).
9. Cha Giu-se Nguyễn Tràng, phụ trách (1988 - 1998).
10. Cha Giáo sư Phao-lô Trần Đình Lợi, quản xứ (1998 – 1999).
11. Cha Phê-rô Nguyễn Xuân Hoan, quản xứ (1999 – 2008).
12. Cha Gio-an Trần Thanh Lan, quản xứ (2008 – 5-12-2010)
13. Cha Raphaen Trần Xuân Nhàn, phụ trách từ tháng 12-2010
4. Đôi Điều về Tượng Thánh Giá Trên Đồi Can-vê (Núi Lộc Mỹ)

Các thừa sai khi vào vùng đất Con Rồng Cháu Tiên rao giảng Tin Mừng, các ngài thường dựng những cây Thánh Giá trên các đỉnh núi như một biểu tượng tôn kính Thiên Chúa, tôn vinh tình yêu của Ngài. Thánh giá là sức mạnh dẹp tan mọi thế lực ma quỷ và là biểu tượng của niềm hy vọng. Khi đặt chân vào Cửa Bạng ngày 19-3-1627, cha Đắc-lộ đã “dựng cây thánh giá trên đỉnh ngọn núi bên cạnh đó, từ ngoài khơi đều trông thấy, không những để tôn sung và ghi nới sự thương khó Chúa Cứu thế và làm gương cho giáo dân tân tòng biết kính trọng và tôn thờ dụng cụ thánh của ơn cứu rỗi.” Ngài kể lại: “Chúng tôi hạ một cây cao nhất trong rừng gần đó và làm thành cây thánh giá, rồi tất cả giáo dân cũ cũng như mới, vào ngày thứ sáu tuần thánh, chúng tôi vác lên vai đưa lên đỉnh cao nhất của quả núi này, sau những lời làm phép thông thường, chúng tôi dựng lên như chiến tích vinh quang thắng mọi thế lực hỏa ngục và chúng tôi khiêm nhường và cung kính thờ lạy.”

Cũng theo phương thế tốt đẹp đó, các nhà truyền giáo qua lạch Cửa Lò, vào Sông Cấm truyền giáo cho vùng sống nước, vùng đất Làng Chài. Theo như lời trong cuốn Kỷ Yếu Giáo Phận Vinh, “các nhà truyền giáo thường giảng đạo và rửa tội cho nhiều người trên thuyền.” Điều này cho chúng ta biết rằng cha ông Làng Chài là một trong những hạt giống Tin Mừng thời sơ ngộ của phần đất Nghệ-Tĩnh-Bình. Khi đến vùng đất này, các ngài cùng với giáo dân đã dựng một cây Thánh Giá bằng gỗ trên núi Con Lợn. Theo lời kể của ông Trần Đức Quang, cây Thánh Giá trên đồi Can-vê núi Lộc Mỹ ban đầu được dựng lên ở giữa đỉnh núi, nơi cao nhất. Ở dưới mặt đất ai nhìn lên cũng đều thấy cây Thánh Giá. Thời gian đó, cả núi Lộc Mỹ chỉ có thưa thớt một số cây thông, cha ông ta thời đó đã trồng thêm và số lượng thông đẻ ra ngày càng nhiều. Đến thời cha Tần, Ngài đưa thánh giá ra phía trước núi ở vị trí của cây thánh giá ngày nay. Thánh giá hướng nhìn ra cửa biển để chúc phúc cho con cái làm ăn trên sông trên biển được bình an, thuận hòa. Ngày ngày những giáo dân ngư nghiệp đi câu, đánh lưới, bắt cá… đều hướng về thập giá để tạ ơn, cầu mong sự chở che và chúc phúc cho công cuộc làm ăn hằng ngày của mình. Từ đó, thánh giá trên đồi Can-vê là dấu chỉ niềm hy vọng, nguồn cậy trông, là nguồn sức mạnh cho giáo dân, những người “lữ hành” trên biển cả khi trời yên biển lặng cũng như khi giông tố bão bùng. Tượng đài Thánh Giá Can-vê được cha Phêrô Lê Đình Phúc xây cất, hoàn chỉnh hơn. Thời chiến tranh, Tượng Thánh Giá bị máy bay Mỹ thả bom, tượng Chúa Giê-su bị mất một nửa. Sau này, khoảng năm 1997, gia đình bà con trong giáo họ tu xửa lại tượng đài thánh giá, làm mới tượng Chúa Giê-su cũng nhưng tượng Mẹ Maria và thánh tông đồ Gio-an. Thời cha Phê-rô Nguyễn Xuân Hoan làm quản xứ, con đường bậc thang được làm mới lại, từ chân núi lên tượng thánh giá. Các ngày thứ sáu tuần thánh hàng năm, đều tổ chức đi đàng Thánh Giá long trọng, xuất phát từ chân núi ở nhà thờ Xứ, tiến dần lên Thánh Giá đồi Can-vê.

Thánh Giá đồi Can-vê mãi luôn là biểu tượng của tình yêu thương, niềm cậy trông hy vọng nơi con cái Lộc Mỹ hướng về Cha Toàn Năng.

5. Cảm Ơn

Công lao hy sinh khó nhọc của bao con người, từ những nhà thừa sai đến các linh mục quản xứ, phụ trách, cùng với các ông trong nhiều ban nghành của giáo xứ, giáo họ và sự kiên trì sống động cử hành đời sống đức tin sâu đậm của cha ông ta đã và đang hun đúc đời sống lữ hành của đoàn con cháu hôm nay và mai sau. Xin tri ân Thiên Chúa, xin cảm ơn muôn người. Những biến đổi thăng trầm qua dòng thời gian, qua những hoàn cảnh xã hội khác nhau làm cho đời sống người Ki-tô hữu thêm phong phú, đức tin thêm kiên cường sống động. Qua đó, chúng ta cảm nghiệm sâu xa bàn tay quan phòng dẫn dắt kỳ diệu của Thiên Chúa. Nhờ kinh nghiệm này, đời sống của mỗi người dân Lộc Mỹ hôm nay vẫn luôn tin yêu, hy vọng và phó thác vào Thiên Chúa là Cha Toàn Năng Giàu Lòng Thương Xót.

Trên đây chỉ là một vài nét sơ lược như điểm gợi để sau này mong nhiều người cùng tìm hiểu để vén mở rõ hơn bức màn quá khứ trong đời sống của cha ông ta.