Thánh lễ khai mạc Đại Hội La Vang lần thứ 29 và Đại lễ bế mạc Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam (04-06/01/2011)

Thánh lễ chiều nay được cử hành cách đặc biệt để tôn kính Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, như khuôn mẫu của Giáo Hội mà trong suốt Năm Thánh này mọi thành phần dân Chúa tại Việt Nam đã cùng nhau cầu nguyện, suy tư, thảo luận, để tìm cách canh tân và định hướng cho phù hợp với giai đoạn lịch sử mới. Để xứng đáng với sự tuyển chọn của Thiên Chúa và để trung thành với ơn gọi nên thánh, cũng như với sứ vụ thánh hóa trần gian, mỗi người chúng ta hôm nay hãy cùng hiệp ý với mọi thành phần dân Chúa tại Việt Nam hướng lòng về Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, để cầu xin Mẹ giúp sức và để noi gương Mẹ sống cuộc đời trong trắng, vượt thắng mọi cám dỗ của tội lỗi, để khuôn mặt của Giáo Hội ngày càng sáng ngời và có sức hấp dẫn đối với mọi người đương thời.

Sau đây là bài giảng của Đức Cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi, GM Phó Giáo Phận Quy Nhơn trong Thánh lễ Đại Hội Hành Hương Đức Mẹ La Vang lần thứ 29, chiều 04/01/2011

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Ngày 8 tháng 12 năm 1854, Đức Thánh Cha Piô IX, trong sắc chỉ Ineffabilis Deus đã tuyên bố việc Đức Trinh Nữ Maria được ơn vô nhiễm nguyên tội là một tín điều thuộc đức tin công giáo. Tuyên bố này đã được chính Đức Mẹ xác nhận 4 năm sau đó, khi hiện ra cho cô bé chăn cừu Bernadette tại Lộ Đức vào năm 1858. Tín điều này đã được vị Đại Diện Chúa Kitô chính thức công bố sau bao nhiêu năm dài dân Chúa đã tin như vậy, căn cứ vào mạc khải Thánh Kinh như chúng ta vừa nghe trong phần phụng vụ Lời Chúa hôm nay.

Trong bài đọc I trích sách Sáng thế, sau khi ông bà nguyên tổ sa ngã phạm tội vì sự lừa dối của ma quỉ đội lốt con rắn, Thiên Chúa đã tuyên phạt hai ông bà, nhưng Ngài không hoàn toàn bỏ rơi con người mà Ngài đã tạo dựng giống hình ảnh Ngài. Vì thế, sau khi tuyên án, Thiên Chúa đã ban cho họ một lời hứa cứu độ, thường được gọi là lời tiền Tin Mừng, khi Ngài nói với con rắn: “Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người phụ nữ, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15). Lời đó ám chỉ Đấng Cứu Thế sẽ được sinh ra từ người phụ nữ và sẽ đánh bại ma quỉ, phục hồi tình trạng ân sủng cho con người.

Chính vì thế người phụ nữ được tuyển chọn làm mẹ Đấng Cứu Thế đã được Thiên Chúa gìn giữ khỏi mắc tội tổ tông truyền ngay từ giây phút đầu tiên trong cuộc hiện hữu. Và điều đó có được là do Thiên Chúa nhìn thấy trước công nghiệp của Đức Giêsu Kitô. Trong đoạn Tin Mừng theo thánh Luca chúng ta vừa nghe, Đức Trinh Nữ Maria đã được sứ thần Gabriel gọi là Đấng đầy ân sủng, tức là hoàn toàn đẹp lòng Thiên Chúa, nhờ được gìn giữ khỏi mọi tì ố của tội tổ tông. Mẹ được gọi là Đấng đầy ân sủng trước khi Mẹ thưa lời xin vâng với Thiên Chúa, điều đó có nghĩa là ơn vô nhiễm nguyên tội là một hồng ân được ban cách nhưng không, đi trước mọi công nghiệp và là điều kiện cần thiết để Mẹ thực hiện công nghiệp qua lời xin vâng liên tục trong suốt cuộc đời trần thế của Mẹ. Đây là một ân huệ độc nhất vô nhị mà chỉ một mình Đức Mẹ mới có, vì vai trò có một không hai của Ngài, đó là làm Mẹ Chúa Cứu Thế.

Khi được cô bé chăn cừu Bernadette hỏi tên, Đức Maria đã trả lời nguyên văn bằng tiếng Pháp như sau: “Je suis l’immaculée conception”, có nghĩa là “Ta là sự đầu thai vô nhiễm”. Cách nói này chứa đựng một nội dung thật là sâu sắc hơn cách nói “Ta là Đấng đầu thai vô nhiễm”, bởi vì khi tự đồng hóa mình với “sự đầu thai vô nhiễm”, Đức Mẹ đã chiếm trọn nội hàm của cụm từ ấy, nghĩa là sự đầu thai vô nhiễm hoàn toàn thuộc về một mình Đức Mẹ, chứ không thể được chia sẻ cho một ai khác. Nói cách khác, Đức Mẹ là người duy nhất trong nhân loại được ơn vô nhiễm nguyên tội.

Ngay từ Cựu Ước, sách Diễm Ca đã viết: “Kìa Bà nào đang tiến lên như rạng đông, đẹp như mặt trăng, rực rỡ như mặt trời, uy hùng như đạo binh xếp hàng vào trận” (Dc 6,10). Thánh Gioan tông đồ trong sách Khải Huyền cũng đã mô tả một điềm lạ mà Giáo Hội quen áp dụng cho Đức Mẹ: “Một điềm lạ vĩ đại xuất hiện trên không trung: một người phụ nữ mình khoác mặt trời, chân đứng trên mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12,1). Mẹ rực rỡ như mặt trời, mặt trăng và muôn tinh tú, vì Mẹ không vướng một chút tì ố nào và được Chúa ban đầy tràn ân sủng. Mẹ uy hùng như đạo binh, vì với ơn vô nhiễm nguyên tội, Mẹ đã được Thiên Chúa ban cho được chiến thắng trên quyền lực của Xatan. Nguyên tổ Ađam và Eva cũng đã được Thiên Chúa tạo dựng trong tình trạng ân sủng, trong trắng vô tội, nhưng hai ông bà đã không giữ được tình trạng ân sủng ấy, vì đã phạm tội. Riêng Đức Maria đã cộng tác với ân sủng và giữ được sự trong trắng vô tội cho đến suốt đời, không hề phạm một tội riêng nào. Vẻ đẹp của Mẹ không như đóa hoa sớm nở chiều tàn, nhưng như một mùa xuân bất tận.

Năm 1798, Đức Mẹ đã hiện ra cho các giáo dân đang cầu nguyện tại La Vang này với dung mạo uy nghi rực rỡ, tươi đẹp vô ngần. Thánh nữ Bernađette khi thấy Đức Mẹ hiện ra tai hang đá Lộ Đức đã phải thốt lên với mọi người: “Mẹ đẹp lắm, đẹp đến nỗi nếu ai thấy Mẹ một lần, thì người đó sẵn sàng chết để được thấy Mẹ trên thiên đàng mãi mãi”. Chính vì thế, qua bao thời, Giáo Hội vẫn luôn dâng lên Mẹ lời kinh tuyệt đẹp như sau: “Lạy Mẹ Maria, Mẹ diễm lệ tuyệt vời, nơi Mẹ không hề dính bén chút bùn nhơ tội lỗi”. Và chúng ta có thể nói: chỉ có Đức Mẹ chứ không ai khác trên trần gian này có thể được ví von cách trọn vẹn bằng 4 câu ca dao Việt Nam:

Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng,
Nhụy vàng bông trắng lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.


Kính thưa cộng đoàn,

Con người đã được Thiên Chúa tạo dựng giống hình ảnh của Ngài, được ban đầy tràn ân sủng và rạng ngời vinh quang. Thế nhưng vì nghe lời phỉnh gạt của ma quỉ, ông bà nguyên tổ đã phạm tội chống lại Thiên Chúa và dẫn đưa toàn thể nhân loại đi vào cảnh bùn nhơ tội lỗi. Tội lỗi như một căn bệnh truyền nhiễm có sức lây lan khủng khiếp theo đà tiến của văn minh vật chất. Tội cá nhân, tội tập thể, tội cơ chế, cứ tiếp tục leo thang và tương tác. Con người ngày nay rất nhạy cảm và tỏ ra bức xúc trước sự ô nhiễm trong các lãnh vực vật chất như thực phẩm, nước uống, không khí, môi trường sinh thái, v.v., nhưng ít quan tâm và cũng ít có khả năng đề kháng trước các hình thức ô nhiễm tinh thần, khiến cho tội lỗi ngày càng tràn ngập và len lỏi vào từng tế bào của xã hội, làm mất đi sự trong trắng của tuổi thơ, làm phai mờ khát vọng của tuổi trẻ, làm sứt mẻ các quan hệ gia đình và xã hội, làm suy đồi phong hóa của dân tộc. Con người ngày càng thấy mình trở nên yếu hơn, mất dần sức đề kháng đối với tội lỗi; tình trạng ấy có thể được coi như một thứ bệnh liệt kháng tinh thần, muôn phần nguy hiểm hơn căn bệnh liệt kháng thể lý.

Chính trong cảnh tối tăm dày đặc ấy, hình ảnh Đức Maria vô nhiễm nguyên tội xuất hiện như một ánh sao hy vọng. Thiên Chúa đã tạo dựng Mẹ và gìn giữ Mẹ khỏi mọi tì ố của tội lỗi, và do đó Mẹ là niềm hy vọng của chúng ta, là hình ảnh một nhân loại mới được Thiên Chúa cứu độ và bao bọc bằng ân sủng. Qua Mẹ, Thiên Chúa muốn chứng tỏ tình yêu thương không hề lay chuyển của Ngài đối với nhân loại, một tình yêu bất chấp sự phản bội của con người, và qua Mẹ, Thiên Chúa cũng muốn chúng ta trở nên tinh tuyền thánh thiện và tràn đầy ân sủng.

Quả thế, trong bài đọc II trích thư gửi giáo đoàn Êphêxô, thánh Phaolô tông đồ mời gọi các tín hữu hãy cảm tạ Thiên Chúa vì muôn ơn phúc thiêng liêng Ngài đã tuôn đổ trên chúng ta, đã chọn chúng ta từ trước khi tạo thành vũ trụ, để chúng ta trở nên thánh thiện và không tì ố trước mặt Ngài và tiền định chúng ta làm nghĩa tử của Ngài nhờ công trình cứu độ của Đức Kitô. Mỗi người chúng ta dù không được ơn vô nhiễm nguyên tội ngay từ lúc thụ thai như Đức Mẹ, nhưng nhờ bí tích rửa tội, chúng ta cũng đã được tẩy sạch mọi tội lỗi để sống công chính thánh thiện trước mặt Thiên Chúa. Cũng vậy, Giáo Hội mặc dù gồm những con người yếu hèn tội lỗi, nhưng theo lời thánh Phaolô, Giáo Hội chính là hiền thê của Đức Kitô, một hiền thê phải “xinh đẹp, lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền” (Ep 5,27). Đó là chiều kích mầu nhiệm của Giáo Hội, một Giáo Hội hiện diện giữa trần gian nhưng quyết tâm không để mình lây nhiễm sự xấu xa của trần gian, để trở thành dấu chỉ thánh thiện về sự hiện diện của Thiên Chúa.

Đó cũng chính là hình ảnh mà Giáo Hội Việt Nam trong suốt năm qua đã suy tư để tìm cách thực hiện, hầu có thể đáp ứng với những đòi hỏi ngày càng cao của công cuộc rao giảng Tin Mừng trên quê hương Việt Nam hiện nay. Như thế đại lễ bế mạc Năm Thánh không thể được coi như màn trình diễn cuối cùng để kết thúc một năm lễ hội, nhưng là một biến cố khai mào cho một giai đoạn mới với nhiều quyết tâm và sáng kiến mới, hướng đến ngày kỷ niệm 500 năm Tin Mừng lần đầu tiên được rao giảng trên quê hương Việt Nam (1533-2033).

Chúng ta hãy cầu nguyện cách riêng cho Giáo Hội Việt Nam luôn rạng ngời sự thánh thiện trước mặt mọi người để sinh hạ cho Chúa những kitô hữu tốt lành. Chúng ta cũng cầu nguyện cho mỗi người chúng ta biết ý thức ơn gọi và địa vị cao cả của mình trong chương trình muôn thuở của Thiên Chúa, để chúng ta biết luôn giữ mình trong sạch khỏi mọi ô nhơ của tội lỗi, để giới trẻ biết can đảm thắng vượt những quyến rũ bất chính của đam mê nhục dục. Chớ gì nét đẹp của Đức Maria mà chúng ta vừa chiêm ngưỡng giãi sáng trên những bóng tối của cuộc đời chúng ta và của thế giới chúng ta đang sống.