Tại Trung Hoa, với Cách Mạng Văn Hóa, người ta tưởng Cộng Sản và Nho Giáo không bao giờ đội trời chung. Nhưng rồi với những cuốn sách hồng và Vệ Binh Đỏ trải ra khắp xứ sở mênh mông mà vẫn không những không diệt được hình ảnh Đức Khổng Tử trong lòng dân chúng Trung Hoa, mà chính những cuốn sách hồng và Vệ Binh Đỏ kia cũng đã lui vào lịch sử. Thậm chí chính họ Mao và sự nghiệp tư duy vĩ đại của ông ta cũng đang được nhân dân Trung Hoa “rất hứng khởi” cho vào sọt rác lịch sử. Người kế vị ông không những đi hốt đôla lẻ của “phe tư bản” để làm giầu cho khối dân gần một tỉ rưỡi người mà còn đang toan tính phục hồi lại tư tưởng Đức Khổng làm một bàn đạp nâng mảnh đất ông từng có công “giải phóng” lên hàng lãnh tụ thế giới không những về kinh tế mà cả về tư tưởng nữa.

Có người còn đi xa hơn và cho rằng Cộng Sản Trung Hoa chưa bao giờ thực sự quên Đức Thánh Khổng. Vị Thánh này vốn chủ trương rằng nhà nước biết điều gì tốt nhất cho dân và điều tốt nhất ấy chính là nhân nghĩa lễ trí tín. Trong năm điều ấy, lễ giữ một vai trò quan yếu trong đời sống xã hội và chính trị. Mà lễ trong xã hội là để duy trì tôn ti trật tự. Không có tôn ti trật tự xã hội sẽ loạn. Người Trung Hoa vì thế luôn nhấn mạnh đến việc tạo ra và duy trì tôn ti trật tự trong xã hội. Trong gia đình thì nhất phụ nhì huynh. Ngoài xã hội thì nhất vua nhì thầy. Về nghề nghiệp thì nhất sĩ nhì nông tam công tứ (thương) mãi… Trong Luận Ngữ, Đức Khổng dạy: đặt người vào đúng chỗ của họ… họ sẽ có tôn ti trật tự và sống hoà hợp. Trong cuộc sống hàng ngày, người ta phải giữ lễ dành cho địa vị của họ, từ việc phải ăn mặc ra sao, mầu sắc gì đến kích thước và hình thức xây nhà, chôn cất ra sao. Mầu vàng dành cho vua. Nhiều triều đại cho chém đầu bất cứ người dân nào dám mặc mầu này. Rồng cũng thế, là biểu hiệu của nhà vua, không ai được phép dùng biểu hiệu này. Ngoại trừ Khổng Tử. Đền của ngài tại Qufu, Shandong cao hơn một lầu so với đền vua ở Tử Cấm Thành. Chín cột đá của Đền được khắc hình rồng. Sở dĩ được làm như thế, vì Trời và Không Tử là hai “Đấng” mà hoàng đế, vốn là Con Trời, phải tôn kính.

Cái óc tôn ti trật tự ấy vốn ngự trị trong đầu óc các nhà lãnh đạo Cộng Sản Trung Hoa ở Trung Nam Hải: kích thước nhà ở dành cho các viên chức được ấn định tùy theo cấp bậc. Viên chức cấp bộ và cấp tỉnh được 200 thước vuông; viên chức cấp quận: 140 thước vuông. Viên chức cấp bộ được cấp công xa hiệu Audi 2.0 hay tương đương. Và chỉ họ mới được vé máy bay hạng nhất. Ngoài ra, còn có cả qui định ai được ăn bao nhiêu món trong các bữa tiệc khoản đãi chung! Thành thử, dù có thừa nhận hay không, xã hội Trung Hoa chủ yếu vẫn là một xã hội có phẩm trật. Quan niệm lễ của Khổng Tử, trong yếu tính chứ không hẳn trong hình thức của nó, vẫn được người Cộng Sản Trung Hoa sử dụng để duy trì trật tự Xã Hội.

Ngày nay, với việc mở cửa, đã có nhiều thay đổi. Chính quyền tỉnh Shanxi mô phỏng Thiên An Môn của Bắc Kinh cho tòa hành chính của mình. Nhiều viên chức địa phương có những căn hộ lớn hơn cấp bậc của mình nhiều và công xa của họ le lói hơn cả công xa của bộ trưởng tại Bắc Kinh. Tuy nhiên, thẩm sâu trong ý thức, triết lý tôn ti trật tự của chữ lễ Khổng Tử vẫn chưa mất hẳn. Mới đây xẩy ra một tin thời sự làm xôn xao dư luận cả nước: Số là ông Wang Chunqiu, chủ tịch Đại Học Khoa Học và Kỹ Thuật của tỉnh Shandong đi thanh tra lớp huấn luyện quân sự cho các sinh viên năm đầu của Trường này. Ông vận bộ “complet” theo kiểu Tây Phương, tay mang găng trắng và được sĩ quan quân đội mặc đồng phục tháp tùng, đứng trên xe jeep mầu xanh của quân đội mang bảng số Yuebin (duyệt binh) – 001, vẫy tay phải chào mừng các sinh viên đang xếp hàng trên vận động trường. Cung cách và trang phục của ông giống hệt cựu chủ tịch Trung Hoa Jiang Zemin khi ông này thanh tra Quân Đội Nhân Dân Giải Phóng tại Thiên An Môn năm 1984, trong tư cách chủ tịch Quân Ủy Trung Ương. Hình ảnh này, khi đăng tải trên liên mạng, đã gây phẫn nộ cả nước, dù việc này được Wang giải thích là để “nâng cao tinh thần cho các sinh viên”.

Người ta cũng còn nhớ vụ Li Xingmin, thành ủy Bozhu, để mừng ngày ông nhậm chức, đã tổ chức một cuộc diễn binh tốn tới 2 triệu nhân dân tệ, “vượt quá thẩm quyền” mình và do đó bị kết án và bỏ tù. Ông Wang thì chưa bị hình phạt nào.

Chấn chỉnh

Sau ba, bốn thập niên cải tổ và mở cửa, các nhà lãnh đạo Cộng Sản Trung Hoa đã biến chủ nghĩa xã hội kiểu Staline do Mao xây dựng thành một chủ nghĩa tư bản “với đặc điểm Trung Quốc”. Các ý niệm chính thống của Cộng Sản, vì thế, đang bị rẫy bỏ, gây ra cả một khoảng trống ý thức hệ được các nhà xã hội học Trung Hoa coi như nguồn gốc chính tạo nên tình thế mơ hồ về luân lý tại lục địa Trung Hoa hiện nay. Đang có nhiều dấu hiệu cho thấy các nhà chức trách Trung Hoa đang cố gắng phục hồi tư tưởng cổ truyền để lấp đầy khoảng trống kia. Bước đầu, chính là chính sách “Tám Điều Danh Dự và Tám Điều Xấu Hổ” được chủ tịch Hu Jintao trình bày tại Đại Hội Đảng lần thứ 17.

Daniel A. Bell, giáo sư môn triết lý chính trị tại Đại Học Tsinghua ở Bắc Kinh trong bài “Từ Chủ Nghĩa Cộng Sản tới Chủ Nghĩa Khổng Tử: Phương Thức Trung Hoa Cho Một Nền Dân Chủ Tự Do” nói rõ hơn, cho rằng Trung Hoa đã thay đổi hẳn thái độ đối với Khổng Tử. Trái với Mao trước đây từng tuyên bố sẽ triệt phá đền của Đức Khổng ở Qufu, chính phủ Trung Hoa mới đây cho phép dàn dựng một cuốn phim về Đức Khổng với Chow Yun-Fat thủ vai chính. Trong phim này, Đức Khổng được mô tả là một tư lệnh quân sự mưu lược và là một bậc thầy về các giá trị nhân ái và tiến bộ.

Mọi người hẳn cũng nhớ: tại Thế Vận Hội Bắc Kinh năm 2008, nhiều thể tài của Đức Khổng đã được nhấn mạnh, nhiều trích dẫn từ Luận Ngữ đã được sử dụng trong lễ khai mạc, và người ta tránh nhắc tới chủ nghĩa Cộng Sản. Các cán bộ tại một trường huấn luyện của Đảng ở Thượng Hải rất hãnh diện khoe với du khách rằng tòa nhà chính mô phỏng theo chiếc bàn của nhà học giả Nho Giáo. Tại ngoại quốc, chính phủ đã tượng trưng đề cao Khổng Giáo qua các chi nhánh của Viện Khổng Tử, các trung tâm văn hóa Trung Hoa tương tự như Alliance Française.

Mặt khác, càng ngày, người ta càng ngày càng nhấn mạnh hơn tới một nền cai trị dựa vào công trạng (meritocratic) và đề cao vai trò của các nhà chuyên môn, một triết lý căn bản vốn được nền chính trị Khổng Tử truyền dạy.

Vả lại, việc phục hồi Khổng Giáo không hẳn là sáng kiến của chính phủ. Đúng hơn, chính phủ chỉ họa theo phong trào từ bên ngoài. Trong các giới học thuật và trong xã hội dân sự nói chung, đang có sự quan tâm tới Khổng Giáo. Hàng ngàn cuộc thử nghiệm giáo dục khắp nước đang cổ vũ việc giảng dạy các sách cổ điển của Khổng Tử cho trẻ em. Các nhà tư tưởng Khổng Giáo còn mạnh dạn đưa ra đề nghị thay đổi hiến pháp nhằm nhân bản hóa hệ thống chính trị của Trung Hoa.

Trong mấy thập niên qua, các nhà trí thức Khổng Giáo đang đưa ra nhiều đề nghị chính trị nhằm phối hợp các ý niệm dân chủ của Tây Phương với các ý niệm cai trị dựa trên công trạng của Khổng Tử. Thay vì đặt các giá trị cũng như các định chế của Khổng Giáo dưới nền dân chủ (theo nghĩa bầu cử), họ chú trọng đến việc phân chia lao động, nhấn mạnh tới dân chủ ở một số phạm vi và ở một số phạm vi khác, họ thích nền cai trị dựa vào công trạng nhiều hơn. Nếu là tranh chấp đất đai tại vùng quê, nông dân sẽ có nhiều tiếng nói hơn. Nhưng nếu là tranh chấp về lương bổng và an toàn, công nhân sẽ có nhiều tiếng nói hơn. Trên thực tế, điều ấy có nghĩa sẽ có nhiều tự do ngôn luận và hiệp hội hơn và sẽ có nhiều đại biểu nông dân và công nhân hơn tại các viện dân chủ.

Còn các vấn đề như chính sách ngoại giao và bảo vệ môi trường, thì các vấn đề này ảnh hưởng đến quyền lợi của cả những người không đầu phiếu, và họ cũng cần có đại biểu. Chính trong các phạm vi này, các nhà tư tưởng Khổng Giáo đã đưa ra hình thức đại biểu dựa vào công trạng, nhằm dùng các cuộc khảo hạch tự do và có tính đua tranh để đề cử đại biểu chứ không dựa vào các cuộc bầu cử dân chủ. Đã đành những cuộc khảo hạch này khó mà chọn lựa được các đại biểu có đức hạnh Khổng Giáo nhưng rõ ràng các đại biểu chọn theo lối này có tầm nhìn xa rộng hơn các đại biểu được bầu cử.

Người ta có lý do để tin như vậy. Dựa vào nhiều cuộc nghiên cứu sâu rộng có tính thực nghiệm, Bryan Caplan đã viết ra cuốn “The Myth of the Rational Voter: Why Democracies Choose Bad Policies” (Huyền Thoại Cử Tri Thuận Lý: Tại Sao Các Nền Dân Chủ Chọn Các Chính Sách Tồi Tệ) để minh chứng rằng cử tri đôi khi rất phi lý và đề nghị nên có những cuộc khảo sát về năng lực của cử tri để sửa sai. Các cuộc khảo hạch nói ở đây sẽ sét tới chính sách kinh tế nền tảng nhưng không được quên các kiến thức đối với các sách cổ điển của Khổng Giáo.

Ý thức hệ Cộng Sản và Khổng Giáo

Trở lại buổi đầu của chủ nghĩa Cộng Sản trên đất Trung Hoa. Nó mới chỉ có trên đất nước này chưa được một trăm năm, trong khi tư tưởng Khổng Tử đã ngự trị ở đó hơn 2,500 năm nay. Dù có những dị biệt giữa hai hệ thống tư tưởng này, có người cho rằng sở dĩ chủ nghĩa Cộng Sản thành công một cách dễ dàng tại Trung Hoa vì giữa nó và Khổng Giáo vốn có nhiều điểm tương tự và do đó, dễ được người dân chấp nhận.

Trước nhất, Khổng Tử dạy rằng mọi người đều bình đẳng, nhưng sự bình đẳng này không đồng nghĩa với sự bình đẳng theo quan niệm Tây Phương, là quan niệm coi mọi người sinh ra đều có những quyền lợi như nhau trong tư cách con người, và do đó, đều có quyền hưởng các đặc quyền và cơ hội như nhau. Đối với Khổng Tử, bình đẳng được “phát biểu qua tính bổ túc và hoà hợp”. Khổng Tử tin rằng có một con đường luân lý khách quan (một cái Đạo) nội tại ngay trong bản chất sự vật. Điều ấy phải được coi là tiêu chuẩn cho tác phong con người. Sự dị biệt giữa con người với nhau là điều cần thiết để duy trì trật tự xã hội (tôn ti trật tự)… Xem ra Khổng Tử muốn nói tới một thứ Đạo tiềm ẩn trong chính con người, nhưng thực ra ngài không lưu ý tới tôn giáo, tới thần phật, ngài chỉ quan tâm tới tác phong đạo đức của người ta và dạy họ chung sống hòa hợp. Một trong các nguyên tắc nền tảng của Khổng Giáo là: bản tính con người vốn tốt từ căn bản và được hoàn thiện hóa nhờ đạo đức. Nguyên tắc khác cho rằng tu thân là việc tùy thuộc bản thân và cá nhân. Trái lại, người Cộng Sản thì cho rằng cải thiện là một cố gắng tập thể, phải được cả cộng đồng tham gia.

Và vì thế một điểm dị biệt quan trọng giữa Khổng Giáo và chủ nghĩa Cộng Sản là ý niệm phải cai trị dân chúng ra sao. Đối với Khổng Tử, pháp trị không phải là cách thích hợp để cai trị dân. Ngài thích lễ nghĩa khiến dân tôn kính. Ngài bảo: Nếu anh lãnh đạo dân bằng luật lệ và dùng hình phạt mà ra lệnh cho họ, họ sẽ trốn tránh các biện pháp ấy mà không hề xấu hổ. Nhưng nếu bạn lãnh đạo bằng đức hạnh và dùng lễ mà ra lệnh cho họ, họ sẽ xấu hổ và tự sửa mình. Còn với người Cộng Sản, ai cũng rõ họ thích dùng những luật lệ khắt khe để khống chế dân.

Ấy thế nhưng, đến đầu thập niên 1940, người Cộng Sản Trung Quốc bỗng nhận ra chính sách loại trừ các đảng viên cao cấp bị nghi có hành vi xấu xa không hữu hiệu. Vì như thế sẽ dần dần mất hết đảng viên. Họ nghĩ tới chính sách “sửa sai” bằng cách bắt các đảng viên này “học tập” các văn kiện của Đảng và hồi tâm sét lại quá khứ của mình, một hình thức tu thân vốn được Đức Khổng nhấn mạnh. Nhưng rồi Bước Nhẩy Vọt và Cách Mạng Văn Hóa xẩy tới như vũ bão với chính sách diệt trừ 4 điều cổ hủ: phong tục cổ hủ, thói quen cổ hủ, tư tưởng cổ hủ và văn hóa cổ hủ. Thực tế là nhằm loại bỏ Khổng Giáo. Kết cục ra sao, thì trên đây đã có nhắc tới. Khổng Giáo ngày nay hiển hiện trong lối sống của người dân Trung Hoa khắp nơi. Đơn vị gia đình mạnh hơn bao giờ hết. Các giá trị của Khổng Giáo có tính co giãn hơn người ta tưởng và do đó đã vượt được mọi thử thách của lịch sử khắt khe để sống mãi với người Dân Trung Hoa. Không gì rõ rệt bằng biến cố Thiên An Môn năm 1993.

Trailokya Raj Aryal trong bài “Khổng Giáo Và Chủ Nghĩa Cộng Sản tại Trung Hoa” quả quyết: Đảng Cộng Sản Trung Hoa ngày nay không theo chủ nghĩa Mác, cũng như chủ nghĩa Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông nữa mà là học lý của Khổng Tử, một học lý vốn ảnh hưởng tới xã hội Trung Hoa hơn hai thiên niên kỷ nay.

Ông cũng nhấn mạnh tới khía cạnh: biến cố Thiên An Môn không đòi chính phủ dân chủ hóa theo Tây Phương. Trái lại, sự can thiệp của Tây Phương vào biến cố này đã bị chỉ trích rất nặng nề. Và phản ứng này đã phát sinh ra chủ nghĩa quốc gia Trung Hoa. Những cuốn sách như Một Trung Hoa Có Thể Nói Không và sau đó Một Trung Hoa Vẫn Có Thể Nói Không kêu gọi toàn dân chống lại sự can thiệp của ngoại quốc, rất được tán thưởng. Nhiều ấn phẩm khác kêu gọi nhân dân Trung Hoa, hậu duệ của “Hoàng Đế”, một vị hoàng đế theo dã sử, hãy đoàn kết lại chống chính sách bắt nạt Trung Hoa của ngoại quốc. Chủ nghĩa quốc gia thực sự đã thay thế chủ nghĩa Cộng Sản. Khổng Giáo vì thế càng được chú trọng. Xét cho cùng, với việc nhấn mạnh tới tôn ti trật tự, tới bổn phận và trách nhiệm của một “tôn giáo” bản địa, người Cộng Sản Trung Hoa thấy nơi Khổng Giáo phương thức tốt nhất để vừa chứng tỏ thế mạnh cho người bên ngoài vừa cho người dân thấy mình tôn trọng truyền thống cha ông.

Một trong những cái lợi của giáo huấn Khổng Giáo là ai làm việc nấy, vua hãy làm vua, quan hãy làm quan, cha hãy làm cha, con hãy làm con. Điều này khiến người dân Trung Hoa bình thường chỉ biết chăm lo việc của mình, không bận tâm tới việc chính phủ bao lâu chính phủ không pha vào việc của mình. Nhờ thế, mà chính phủ khỏi bận tâm huy động cả một bộ máy công an khổng lồ nhằm theo dõi mọi thành phần công dân của mình như trước. Không giống thời Mao, ngày nay người dân được tự do nói tới các vấn nạn xẩy ra trong xã hội. Tuy nhiên họ vẫn chưa “được phép” đưa ra giải pháp vì đây là “việc của nhà nước”.

Theo Aryal, tương lai không biết ra sao, nhưng chắc một điều Trung Hoa sẽ tiến tới một văn minh chính trị khác với Tây Phương, một nền văn minh phối hợp truyền thống Khổng Giáo với ý thức hệ thị trường tự do và pháp trị, mà có người gọi là một nền dân chủ theo Khổng Giáo, mặc dù Khổng Giáo mang một mầm nguy hại cho chủ nghĩa Cộng Sản qua triết lý thiên mệnh, dành quyền lật đổ “bạo chúa” trong tay người khác không phải là Cộng Sản.