Trong dịp mừng Năm Thánh của Giáo Hội Việt Nam, với mong muốn được sống chia sẻ - sứ vụ - Hiệp Thông của toàn thể dân Chúa. Đặc biệt trong tháng mười này, Giáo Hội nhìn Đức Maria như mẫu gương của sự lên đường “Mẹ đã vội vã lên đường đi thăm bà chị họ Isave..”( Lc 1,39)

Xem hình ảnh

Theo gương Mẹ, hội đoàn Caritas Xuân Lộc đã “ lên đường”, hiệp thông với tất cả anh em Miền Trung đang bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Không chỉ có thế, hơn 80 triệu người dân Việt Nam trong cũng như ngoài nước từng giây từng phút luôn hướng về Miền Trung thân thương với lòng thương cảm “ máu chảy ruột mềm” và tinh thần cảm thông chia sẻ như ông Cha ta đã dạy “ lá lành đùm lá rách – một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Quả thật, những gì mắt thấy tai nghe của những người trong cuộc có lẽ không thể nào thờ ơ, làm ngơ hay lãnh đạm với nỗi đau quá lớn của họ.

Những cái “ không” mà người dân vùng lũ đang vật lộn để chiến đấu giữa ranh giới sống còn “ không nước uống, không thức ăn, không quần áo, không nhà cửa”, và thậm chí nền nhà cũng không còn…

Vì thế, trong tình tương thân tương ái, tình Chúa, tình người, hội đoàn Caritas Xuân Lộc gồm ban giám đốc (3 linh mục), ban phục vụ (3 vị), một số tu sĩ đại diện dòng tu (3 linh mục, 5 tu sĩ) cùng một số ân nhân (8 vị), dưới sứ hướng dẫn của Cha Giuse Nguyễn Văn Uy – Giám đốc Caritas Xuân Lộc đã “ lên đường” tiến vào “rốn lũ”, để chia sẻ và hiệp thông với anh em vùng lũ theo lời Thánh Phaolo “vui với người vui, khóc với người khóc”

Hành trình được bắt đầu từ văn phòng Caritas giáo phận Xuân Lộc (đặt tại giáo xứ Tiên Chu – Hạt Hòa Thanh) bằng vài phút cả đoàn cùng nhau quỳ bên Thánh Thể để dâng chuyến đi cho Chúa và Mẹ vào lúc 8h00 ngày 26/10/2010.

Sau 26 giờ ăn ngủ trên xe, lúc 10h00 ngày 27/10/2010 đoàn đã đến được nhà thờ Văn Hạnh, giáo hạt Văn Hạnh, giáo phận Vinh, được Cha Phêrô Nguyễn Văn Vinh – Giám đốc Caritas Giáo Phận Vinh đón tiếp thật chân tình, đoàn dùng cơm trưa tại đây, sau cơm trưa cả đoàn chụp hình lưu niệm và được Cha dẫn đường tiếp tục đi đến Hương Khê, nơi bị thiệt hại rất nặng do những trận lũ vừa qua.

13h40: Chiếc xe dừng lại trước ngôi nhà thờ chưa hoàn thành. Đây là nhà thờ Thổ Hoàng, Phương Mỹ, Hương Khê, Hà Tĩnh. Cha xứ Gioan Bt. Nguyễn Huy Tuấn ra đón tiếp và quy tụ giáo dân đến nhận quà.

14h00: Cả đoàn xắn quần lội vào làng thăm những ngôi nhà đã bị lũ cuốn trôi. Nhà anh Khuyên, chị Hiến, chị Lộc … đã bị sập hoàn toàn, còn nhà anh Nguyễn Đình Cường không sập nhưng đã siêu vẹo, hai con của anh chị ở nhà không đến trường được.

14h35:Trở lại nhà thờ chia sẻ với giáo dân nào là chiếu, mền mùng, quần áo, tập vở và cá khô …

Trước khi chia tay giáo xứ Thổ Hoàng Cha xứ nói lời cảm ơn trong sự cảm động trước tấm lòng của nhiều người từ giáo phận xuân lộc đến đây chia sẻ cùng giáo dân Thổ Hoàng.

Cha trưởng đoàn đáp từ: chúng con rất khâm phục tinh thần quả cảm của các Cha ở đây không quản ngại mưa gió tối tăm để đến với con chiên trong lúc hoạn nạn. Các ngài đúng là một vị chủ chăn như Chúa Giêsu nói trong tin mừng, các ngài đã gìn giữ đoàn chiên không để mất một con nào. Xin tạ ơn Chúa.

Đây là điểm đầu tiên Caritas Xuân Lộc được Cha giám đốc Caritas Vinh hướng dẫn đi thăm một số giáo xứ bị thiệt hại nặng, đây là dịp quý báu để đoàn chúng tôi thấy được tinh thần đoàn kết yêu thương của quý Cha và giáo dân tại vùng lũ này.

15h30: Gặp đức Cha Phaolô giữa ngã ba đường (đường Trường Sơn và đường vào huyện Hương Khê) Cha con gặp nhau tay bắt mặt mừng dưới cơn mưa tầm tã. Đứng giữa ngã ba đường trao cho nhau “món quà tình người”. Đức Cha rất cảm động trước tấm lòng quảng đại của người con Chúa trong Gp Xuân Lộc. Đức Cha nói: “ có hoạn nạn mới thấy rõ tấm lòng của chủ chiên và đòan chiên Xuân Lộc đậm đà, sâu sắc, dạt dào tình yêu thương. Xin cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn”. Cha con chào tạm biệt nhau rồi mỗi người một hướng tiếp tục đi.

16h20: Đoàn đến xứ Tân Hội, xã Hương Trạch, Hương Khê, Hà Tĩnh do Cha Giuse Trần Trung Phụng dòng Phanxicô phụ trách. Cha cho biết tại đây có 3600 giáo dân gồm 650 hộ gia đình, có 7 giáo họ ( Tân Hội, Tân Dừa, Lộc Giang, Tân Phú, Vân Sơn, Hà Vàng, Phú Lễ)

16h50: Cha xứ dẫn đoàn đến thăm họ Lộc Giang, vào nhà anh Phêrô Nguyễn Văn Giáo, 31 tuổi, anh bị tại nạn lao động, bị gẫy cột sống lưng, nằm một chỗ, trong cơn lũ người ta khiêng anh đi lánh nạn khi quay trở về, nhà anh đã bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, hiện anh ở nhờ nhà người em ruột. Chị Nguyễn thị Châu, 22 tuổi vợ anh, bé Nguyễn Thị Uyên Trang 3 tuổi con của anh. Hiện vợ chồng anh không còn gì cả.

17h05: Lên xe đến họ Phú Lễ, đi thăm những gia đình nhà tan cửa nát vì cơn lũ, tại đây một ngôi nhà đã bị lũ cuốn sạch chỉ còn lại những ống cống chồng lên nhau của một cái giếng ngày nào.

18h00: Về lại xứ Tân Hội, trò chuyện, trao đổi với Cha Vinh và Cha xứ Tân Hội

Cuộc trò chuyện xoay quanh những vấn đề: tình hình giáo dân trong xứ đạo, tình hình trước lũ, trong cơn lũ (chiến lược hành động kịp thời, ứng phó khẩn cấp như thế nào? khắc phục hậu quả sau lũ ra sao?)

I. TÌNH HÌNH XỨ ĐẠO

- Cha có thể cho chúng con biết về dân số tại giáo xứ?

+ Cha Tuấn chia sẻ:

Tại đây có tất cả 3600 dân trong số đó có 1840 là công giáo, bao gồm 6 họ đạo. họ Kẻ Vang là họ có 1000 giáo dân/1500 dân. Tại đây có 95% nhà tranh vách đất vì vậy cơn lũ đã cuốn trôi tất cả cùng với tài sản trong nhà.

Thành phần giới trẻ đi làm xa, nên khi lũ tới chỉ toàn người già và trẻ em ở nhà chống chọi với lũ. Cha với cương vị là chủ chăn: 1 giờ khuya ngày 16 tháng 10 khi lũ tới, Cha và một người trong Ban hành giáo chèo xuồng đến với con chiên để cứu họ, khi không thể đi được nữa thì Cha luôn động viên con chiên hãy vững tin và lo cho mạng sống trước, của cải sẽ tính sau, Cha cũng khuyên họ hãy đoàn kết yêu thương trong lúc hoạn nạn. Khi trời sáng, Cha lại chèo xuồng đến từng nhà để đưa lương thực ( cơm nắm, muối vừng) cho giáo dân đang ngồi chờ cứu vớt trên nóc nhà.

II. TÌNH HÌNH VỀ CƠN LŨ

1. Cha có theo dõi thông tin về tình hình dự báo thời tiết? và kế hoạch phòng chống lũ thế nào?

+ Ở đây hầu như năm nào cũng có mưa gió, nước dâng lên cao. Nhân dân ở đây cũng đã quen với mùa lũ vì thế những của cải thường được đưa lên chạn (gác lửng) là nơi an toàn. Thế nhưng năm nay nước lên quá cao (3-4m) lút trên nóc nhà, vì vậy nhà cửa và của cải bị lũ cuốn trôi 100% chỉ còn lại 5% những nhà xây kiên cố.

2. Khi lũ tới quý Cha đã có những chiến lược hành động như thế nào?

+ Các Cha trong vùng liên lạc với nhau, để tìm sự tương trợ lẫn nhau. Điều quan trọng trước tiên là cứu lấy mạng sống cho người dân. Các Cha xứ và ban hành giáo chèo xuồng đến từng nhà bị ngập, bị sập để đưa người ra khỏi vùng lũ, không phân biệt lương giáo. Khi cơn lũ dâng cao, đã cắt đứt sự liên lạc, cô lập nhiều hộ gia đình, sóng to gió lớn, chiếc ghe nhỏ không thể di chuyển cứu người được nữa. Cha xứ trở về, suốt đêm trằn trọc không chợp mắt được! Khi trời sáng, Cha huy động ngay lực lượng quý ông cùng với Cha đem cơm nắm, mì tôm, bánh, nước đến từng nhà dân đang chìm trong nước, để chia sẻ cho họ cơn đói, cơn rét dày vò suốt đêm! Bên cạnh của ăn vật chất Cha cũng động viên tinh thần bà con hãy vững tin vượt qua khó khăn không được nản lòng. Với lòng quả cảm yêu thương đàn chiên như vậy quý Cha đã giữ được trọn vẹn đàn chiên của mình, không ai bị tử vong.

3. Cha có dự tính gì về việc khắc phụ hậu quả sau lũ? Như: ổn định nhà ở? Nghề nghiệp? việc học cho trẻ em? Bệnh dịch?...

+ Về nhà ở: nếu được sự quan tâm của nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ có kinh phí thì chúng con sẽ xây những ngôi nhà theo kiểu có thể chống chọi với nước lũ dâng cao, nghĩa là xây móng, cột bê tông và làm sàn gác cao hơn, để không bị sập khi lũ tới (ước chừng 28 triệu/ 1 nhà).

+ Về nghề nghiệp: có một số gia đình làm nghề đánh cá bị mất cả xuồng, ghe. Một số làm nông: trồng lúa, mì, bắp,… bậy giờ đã trắng tay, trâu bò để cày cấy cũng không còn. Chăn nuôi nhỏ: gà, vịt, heo trong nhà cũng mất sạch. Một số dụng cụ lao động cho các nghề ấy cũng bị lũ cuốn đi,… bây giờ từng bước sẽ hỗ trợ cho mỗi gia đình gầy dựng lại cuộc sống từ từ. Xin quý Cha, quý sơ và quý ân nhân xa gần thương giúp cho chúng con.

+ Về việc học cho trẻ em: đây là việc chúng con không thể tự lo được vì trường học thuộc nhà nước quản lý, các trường tư thì không có như trong Nam, vì thế khi nào nhà trường hô hào đi học thì các em đến trường còn không thì cứ ở nhà chơi vậy.

+ Về bệnh dịch: chúng con cũng xin quý Cha, quý sơ và quý ân nhân giúp đỡ. Chúng con cũng cảnh báo cho giáo dân, hãy thận trọng trong việc ăn uống, vệ sinh cá nhân để tránh và phòng chống được những bệnh như tiêu chảy, nổi mụn ngứa,… hiện Đức Cha cũng cho thuốc để lọc nước uống.

4. Hiện tại thì Cha cảm thấy mình cần giúp về mặt nào nhất?

+ Thật sự mà nói lãnh vực nào cũng cần cả, nhưng qua cơn lũ vừa rồi chúng con cũng mơ ước rằng làm sao mình có được một chiếc Canô hoặc chiếc xuồng lớn. Mình sẽ có phương tiện tốt cứu giúp giáo dân khi gặp nạn, như thế có khi mình không chỉ cứu được người mà cả những của cải nữa.

III. KẾT THÚC

Cha Giám đốc Caritas Xuân Lộc có đôi lời: chúng con xin chân thành cảm ơn quý Cha đã dành thời giờ tiếp đón và nhất là cho chúng con những thông tin quý báu về tấm lòng hy sinh, quả cảm của quý Cha, quý vị Ban hành giáo. Những hành động cấp cứu rất kịp thời, có hiệu quả cao là bảo tòan được sinh mạng của người dân. Tinh thần đoàn kết giữa các xứ đạo trong vùng, tạo nên một thế mạnh của tình liên đới, chia sẻ và giúp đỡ nhau trong cơn hoạn nạn. Đó là bài học kinh nghiệm quý báu cho chúng con, những vùng chưa hề phải chống chọi với bão lũ bao giờ !

19h15: Chia tay vùng lũ

19h20: kinh tối trên xe, tạ ơn Chúa sau một ngày “ gặp gỡ những con người trong cơn lũ”.

19h50: dùng cơm tối trên xe.

24h15: vào thánh địa La Vang, âm thầm dâng lời khấn nguyện lên Mẹ. giữa cơn mưa tầm tã.

24h55: xe lăn bánh tạm biệt Mẹ chúng con về.

Ngày 28 tháng 10

5h30: Thức dậy đọc kinh sáng dâng ngày cho Chúa.

7h00: Vào quán Bàu Giang ở Quảng Ngãi dùng cơm sáng vì trên xe đã hết lương thực.

8h25: Lên xe trở về

11h30: Mua bánh mì lên xe dùng bữa trưa với tất cả những gì còn lại.

12h15: Kinh trưa

16h56: Ăn tối tại Nha Trang

17h30: Lên xe trở về (mọi cái đều tốc hành)

17h40: Kinh tối

18h10: Cha Giám Đốc có lời cảm ơn: từ cuối xe giọng Cha thật trầm ấm vang lên giữa sự im lặng lắng nghe của mọi người. Trước tiên, xin cảm ơn hai bác tài đã nhiệt tình vui vẻ trong suốt hành trình và đã đưa đoàn đi đến nơi về đến chốn bình an. Cảm ơn toàn thể các thành viên trong gia đình Caritas Xuân Lộc, các dòng tu, đã tham gia bằng cả con người, tinh thần và vật chất trong chuyến đi này. Đặc biệt, hai dòng Đaminh Rosa Lima miền Mân Côi Xuân Lộc và dòng Nữ Tỳ CGS Linh Mục lần đầu tiên thi hành chức năng phụ trách Ban cứu trợ của gia đình Caritas Xuân Lộc, rất thành công và chuyên nghiệp. Khi gặp Đức Cha Phaolô – Giám mục giáo phận Vinh giữa ngã ba đường, trao cho Đức Cha số tiền hơn 700 triệu đồng, con số vượt chỉ tiêu so với dự tính ban đầu. Đức Cha rất cảm động trước tấm lòng của toàn giáo phận Xuân Lộc, Đức Cha nói tới ba lần cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn tất cả…Đấy cũng là tâm tình chân thành của trưởng đoàn cám ơn mọi thành viên trong đoàn đã đóng góp vào sự thành công của Hành trình Hiệp Thông này.