GIỚI TRẺ MIỀN BẮC HỌC HỎI VỀ CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II

(Tiếp theo, số 2)

7. Công Đồng có thẩm quyền gì?

Công Đồng có thẩm quyền tối thượng trong Giáo Hội.

8. Xin cho biết trong lịch sử Giáo Hội có bao nhiêu Công Đồng?

Chính thức có 21 Công Đồng, ngoài ra còn có 7 Công Đồng đầu tiên nữa.

9. Xin cho biết tên từng Công Đồng, năm nào, do ai triệu tập, nhằm mục đích gì?

* 7 Công Đồng đầu tiên:

- Công Đồng Giêrusalem, là hội nghị của các Tông Đồ vào khoảng năm 48-50.

- Công Đồng Elvira Tây Ban Nha, đời vua Constantinô đầu thế kỷ thứ IV: công bố luật độc thân giáo sĩ.

- Công Đồng Arles Pháp được nhóm họp để chống lại lạc giáo Đonatô.

- Công Đồng Carthagô năm 256 do thánh Cyprianô khởi xướng.

- Công Đồng Toleđô.

- Còn lại 2 Công Đồng nữa đều do hoàng đế Constantinô hay nữ hoàng triệu tập.

9.1. Công Đồng Nicea I (Nikaia) năm 325: lên án lạc giáo Ariô và định tín Ngôi Lời đồng bản tính với Đức Chúa Cha.

9.2. Công Đồng Constantinopla I năm 381, do hoàng đế Theodosiô triệu tập: lên án lạc giáo Macedoniô và tuyên bố thiên tính của Chúa Thánh Thần.

9.3. Công Đồng Êphêsô năm 431, do hoàng đế Theodosiô II triệu tập. Công Đồng lên án 2 thủ lãnh lạc giáo: Nestoriô và Pelagiô; tuyên bố Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa; xác định sự Ngôi hiệp nơi Chúa Kitô.

9.4. Công Đồng Calcedonia (Khalkedon) năm 451, do Hoàng đế Marcianô triệu tập: lên án thủ lãnh lạc giáo Eutiches và tuyên bố Chúa Kitô có một ngôi vị và hai bản tính.

9.5. Công Đồng Constantinopla II năm 553, do hoàng đế Giustianô I triệu tập: lên án “Ba giảng thuyết” tức các tác giả Origenes, Theodoretô và Ibas.

9.6. Công Đồng Constantinopla III năm 680: lên án lạc giáo “nhị - tính - nhất - ý” và dạy rằng Chúa Kitô có 2 ý chí.

9.7. Công Đồng Nicea II (Nikaia) năm 787: lên án phái chủ trương bác bỏ việc tôn kính ảnh tượng.

9.8. Công Đồng Constantinopla IV năm 870 do Hoàng đế Basiliô triệu tập: lên án Đức Thượng Phụ Photios. Sau này Công Đồng này bị hủy bỏ bởi Công Đồng năm 880.

9.9. Công Đồng Lateranô I năm 1123 do Đức Giáo Hoàng Callistô II triệu tập: bàn luận về vấn đề “ban chức”.

9.10. Công Đồng Lateranô II năm 1139 do Đức Giáo Hoàng Innocentiô II triệu tập: lên án các giáo phái ly khai và đề cập tới vấn đề quy luật.

9.11. Công Đồng Lateranô III năm 1179 do Đức Giáo Hoàng Alexandrô III triệu tập: bàn về việc bầu Giáo Hoàng và lên án lạc giáo Albigenses (Cathari).

9.12. Công Đồng Lateranô IV năm 1215 do Đức Giáo Hoàng Innocentiô III triệu tập: lên án lạc giáo Albigeois và các lạc giáo do P. de Vaux và do Joachim khởi xướng.

9.13. Công Đồng Lyon I năm 1245 do Đức Giáo Hoàng Innocentiô IV triệu tập: nhằm cách chức Hoàng đế Frederic II.

9.14. Công Đồng Lyon II năm 1274 do Đức Giáo Hoàng Gregoriô X triệu tập (có thánh Tôma và thánh Bônaventura dự): bàn luận về vấn đề hiệp nhất giữa Giáo Hội Đông Phương và Giáo Hội Tây Phương.

9.15. Công Đồng Vienne năm 1321 do Đức Giáo Hoàng Clêmentê V triệu tập: nhằm hủy bỏ Dòng tu Đền Thờ và lên án lạc giáo do Lambert de Bègue chủ xướng.

9.16. Công Đồng Constance năm 1414 đến năm 1418 do Hoàng đế Segismunđô triệu tập: nhằm bãi nhiệm 3 Đức Giáo Hoàng đang tranh chấp nhau, chấm dứt tình trạng ly khai ở Tây Phương, lên án Wiclef và Huss. Công Đồng bầu chọn Giáo Hoàng Martinô V.

9.17. Công Đồng Firenze năm 1438 đến 1445 do Đức Giáo Hoàng Eugeniô IV triệu tập (3 nơi: Basel, Ferrara và Firenze): Đưa ra một bản công thức hiệp nhất.

9.18. Công Đồng Lateranô V năm 1512 đến 1517 do Đức giáo Hoàng Giuliô II triệu tập: bàn về vấn đề canh tân Giáo Hội và lên án những người chủ xướng tân thuyết Aristoteles (Neo-aristotelismô).

9.19. Công Đồng Triden năm 1545 đến 1563 do Đức Giáo Hoàng Phaolô III triệu tập: lên án giáo phái Tin Lành và tuyên bố nhiều định tín khác; ra lệnh canh tân Giáo Hội.

9.20. Công Đồng Vaticanô I năm 1870 do Đức Giáo Hoàng Piô IX triệu tập: lên án thuyết duy lý và thuyết chủ trương Giáo Hội Pháp độc lập; tuyên bố tính cách “bất khả ngộ” của Đức Giáo Hoàng.

9.21 Công Đồng Vaticanô II: ngày 11.10.1962 khai mạc và ngày 8.12.1965 kết thúc. Công Đồng do Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII triệu tập (ngài từ trần ngày 3.6.1963) và Đức Giáo Hoàng Phaolô VI bế mạc.

(Còn tiếp)