THUẬN NGHĨA - Hưởng ứng lời mời gọi của Tòa Giám Mục Xã Đoài và của Hội đồng Linh mục giáo phận Vinh, từ tờ mờ sáng ngày 26/07/2009, từng đoàn người Kitô hữu từ khắp 18 giáo xứ trong toàn giáo hạt Thuận Nghĩa đã đổ dồn về quảng trường xứ mẹ để hiệp dâng thánh lễ cầu nguyện cho giáo xứ Tam Tòa anh em, nhất là cho những nạn nhân của cuộc bạo hành tôn giáo vừa qua; cầu nguyện cho giới chính quyền, công an tỉnh Quảng Bình và một số lương dân mê lầm quá khích quanh khu vực Tam Tòa biết phân định trắng đen, phải trái, đúng sai và khôn ngoan giải quyết vấn đề “nóng” này một cách thấu tình đạt lý, thuận với Ý Trời và hợp với lòng người; và hơn hết, cầu nguyện cho chính những người hiện diện trong thánh lễ này biết đoàn kết yêu thương, tương trợ lẫn nhau, để cùng đắp xây nền Hòa Bình, Tự Do và Hạnh Phúc đính thực trên quê hương đất Việt thân yêu.

Xem hình ảnh

Thuận Nghĩa là giáo hạt lớn mạnh nhất trong 19 giáo hạt của giáo phận Vinh, gồm 18 giáo xứ (Thuận Nghĩa, Cẩm Trường, Song Ngọc, Mành Sơn, Đồng Tâm, Phú Yên [Tân Yên], Thuận Giang, Lộc Thủy, Thanh Dạ, Xuân An, Yên Hòa, Sơn Trang, Vĩnh Yên, Phú Xuân, Cồn Cả, Vĩnh Giang, Đồng Lèn và Nghĩa Thành), tọa lạc trên khắp 6 huyện phía bắc của tỉnh Nghệ An (Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Quế Phong), với tổng số giáo dân xấp xỉ 57.000 người, dưới sự coi sóc của 12 vị Mục tử nhiệt thành (Cha Phêrô Phêrô Trần Phúc Chính [Cha quản hạt, kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Linh mục giáo phận Vinh], Cha Antôn Nguyễn Văn Thanh, Cha Phêrô Bùi Minh Tuệ, Cha Phêrô Hồ Văn An, Cha G.B. Nguyễn Duy An, Cha Phêrô Nguyễn Văn Hà, Cha Antôn Nguyễn Văn Đính, Cha G.B. Nguyễn Xuân Huyền, Cha Giuse Phan Văn Thắng, Cha Phêrô Hoàng Biên Cương, Cha Phêrô Nguyễn Tất Đạt [dòng Ngôi Lời] và Cha hưu Giuse Nguyễn Hồng Thanh).

Điều đáng vui mừng và hãnh diện là giáo hạt Thuận Nghĩa không chỉ “đông quân mạnh tướng” mà còn mạnh về tinh thần sống đạo, về tình liên đới hiệp thông, về lòng bác ái yêu thương, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Việc cả giáo hạt đồng loạt lên đường trở về quảng trường giáo xứ mẹ Thuận Nghĩa để hiệp thông cầu nguyện và chia sẻ nỗi đau với giáo xứ Tam Tòa anh em sau vụ bách hại đạo của giới chính quyền Quảng Bình hôm 20/07/2009 vừa qua, nhất là những gì họ đang thể hiện trong đại lễ sáng nay, là một bằng chứng xác thực cho những điều vừa đề cập.

Thật vậy, từ tờ mờ sáng, tiếng chuông của tất các ngôi thánh đường trong toàn giáo hạt đã đổ dồn liên hồi, vang ngập cả một vùng trời phía bắc xứ Nghệ, như thể hối thúc mọi thành phần dân Chúa nhanh chân lên đường vì giáo xứ Tam Tòa anh em. Từng đoàn người anh dũng tiến về giáo xứ mẹ Thuận Nghĩa, với đủ mọi phương tiện: ô tô, xe máy, xe đạp, v.v., trên tay cầm lá cờ Vàng-Trắng và câu biểu ngữ: “CẦU NGUYỆN CHO GIÁO DÂN TAM TÒA BỊ CÔNG AN QUẢNG BÌNH ĐÁNH ĐẬP VÀ BỊ GIAM GIỮ!”. Không ai bảo ai, khoảng 6 giờ 30, cả giáo xứ mẹ Thuận Nghĩa đã ngập tràn trong biển người, với đủ mọi sắc màu, mọi âm thanh và với một tâm tình: TẤT CẢ VÌ ANH EM TAM TÒA! Cũng vậy, sau khi “mọi sự đã hoàn tất”, từng lớp lớp sóng người lại dồn dập xô ra trục đường quốc lộ 1 A làm cho hai đầu ngã tư Cầu Giát bị nghẽn tắc giao thông hàng chục phút đồng hồ; từng đoàn xe bắc nam hôn đít nhau nằm la liệt hai bên đường khoảng chừng dăm cây số.

Đứng 6 giờ 45, đoàn rước nhập lễ hoành tráng với bình hương, thánh giá, nến cao; đội trống trắc; đoàn thiếu nhi thánh thể; đội nhạc hơi; các hội đoàn: Phan sinh Tại thế, Thánh tâm, v.v.; 600 nghĩa binh thánh thể; quý tu sĩ nam nữ, quý thầy đại chủng viện; và quý Cha đồng tế, từ tiền sảnh nhà xứ từ từ tiến ra quảng trường giáo xứ, đã bị chìm lấp giữa biển người đang chờ đợi hiệp dâng thánh lễ. Đến với thánh lễ hôm nay, có Cha quản hạt và quý Cha trong toàn giáo hạt, quý thầy đại chủng viện, quý tu sĩ nam nữ, trên 35.000 giáo dân và một số đông những người thiện chí, yêu chuộng công lý và hòa bình. Đặc biệt trong đại lễ này, còn có sự tham dự của các phái đoàn đến từ Hà Nội và một phái đoàn đến từ đất nước Na Uy xa xôi do bà Maria Têrêxa Hoàng Thị Duyên (gốc ở giáo xứ Lộc Thủy, rời quê hương từ năm 1982), với câu khẩu hiệu bằng Anh ngữ: “WE ARE FROM NORWAY. WE WANT JUSTICE AND PEACE. NA UY-VIỆT NAM, XIN TRẢ TỰ DO!” (CHÚNG TÔI ĐẾN TỪ NA UY. CHÚNG TÔI MUỐN CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH. NA UY-VIỆT NAM, XIN TRẢ TỰ DO).

Vâng, “Tự Do, Công Lý và Hòa Bình” là nỗi khát mong khắc khoải của biết bao con người, mọi nơi mọi thời, qua bao thế hệ từ cổ chí kim. Đó là cả một kho tàng ân sủng mà chính Thiên Chúa Tình Yêu đã tặng ban cho mỗi một con người. Thế nhưng, trong lịch sử xưa nay, có những giai tầng xã hội, có những đảng phái, thể chế chính trị và có những cá nhân đã mê mờ, tự cho mình là “kẻ trên” để rồi tước đoạt đi cái quyền làm người, quyền sống, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do hành đạo của những người khác. Những “công việc” mà các “ĐẦY TỚ” của nhân dân xứ Quảng đã “phục vụ” cho giáo dân Tam Tòa hôm 20/07/09 vừa qua đã minh chứng điều đó. Qua hành động lỗ mãng, thô bạo và tàn nhẫn này, chính quyền và Công An tỉnh Quảng Bình đã đi ngược lại lời răn dạy tâm huyết của cụ Hồ chúng ta: Cán bộ là đầy tớ của nhân dân; cán bộ phải coi dân như cha mẹ! Thật là bất kính, bất hiếu hết chỗ nói! Đời nhà ai, đầy tớ lại hành hung chủ nhà; con cái lại đánh đập cha mẹ dã man và tàn nhẫn như thế!?

Giáo xứ Tam Tòa anh em rất thân mến, tự do là một ân ban nhưng không của Thiên Chúa cho mỗi người chúng ta. Vì thế, chúng ta có quyền đòi lại tự do đã bị lấy mất, dù phải trải qua bao gian lao thử thách, bao mồ hôi nước mắt, thậm chí cả máu nữa, như một ca khúc bi thương đã từng vang lên trên sân khấu hải ngoại:

Tự do ơi tự do! Tôi trả bằng nước mắt!
Tự do hỡi tự do! Anh trao bằng máu xương!
Tự do ơi tự do! Em đổi bằng thân xác!
Vì hai chữ tự do, ta mang đời lưu vong!...


Cũng vì hai chữ “tự do” này, biết bao thế hệ cha anh chúng ta đã ngã xuống cho đất nước Việt Nam được độc lập, cho quê hương Việt Nam được hòa bình thịnh vượng, no ấm hạnh phúc. Cũng vì muốn được tự do tin thờ Thiên Chúa, máu của các vị anh hùng tử đạo Việt Nam đã đổ ra để bảo vệ và làm thăng hoa niềm tin của các thế hệ con cháu chúng ta vào Ba Ngôi Thiên Chúa, vào Đức Giêsu Kitô, vị Thiên Chúa-Người, v.v. Chúng ta hãy đồng tâm hiệp ý, cùng nhau nói CÓ với TỰ DO, CÔNG LÝ và HÒA BÌNH, và can đảm nói KHÔNG với TỘI ÁC, BẠO LỰC và LỪA BỊP!

Đại lễ hiệp thông cầu nguyện cho giáo xứ Tam Tòa anh em chính thức bắt đầu lúc 7 giờ 15 và kết thúc lúc 8 giờ 45. Trong tâm nguyện: “Lạy Chúa, xin cho mọi người lòng thiện chí và ơn bình an”, cha chủ tế Phêrô Trần Phúc Chính đã khai lễ với lời chào mừng các phái đoàn trong cũng như ngoài nước và đông đảo bà con lương dân có thiện chí, đã đến đây hiệp ý với mọi thành phần dân Chúa trong giáo hạt, cử hành thánh lễ cầu nguyện cho giáo dân Tam Tòa, nhất là những người bị đánh đập và bị bắt giữ, cho chính quyền Quảng Bình và cho những người đang hiện diện, cách riêng giáo dân hạt Thuận Nghĩa, biết noi gương Cha thánh Phêrô Vũ Đăng Khoa sống chứng tá Tin Mừng giữa thời đại hôm nay.

Giáo hạt Thuận Nghĩa vui mừng, hãnh diện và tự hào vì có Cha thánh Phêrô Vũ Đăng Khoa (sinh: 1790, chịu chức linh mục:1830, tử vì đạo: 24/11/1838, phong thánh: 27/05/1990), một người con ưu tuyển, một chứng nhân anh dũng cho niềm tin Kitô giáo của giáo hạt nhà:

Trời Thuận Nghĩa sáng ngời gương anh dũng;
Đất đâm chồi tử đạo-Vũ Đăng Khoa.
Tiếng thánh ca vang dội những kinh cầu…
Reo trong gió ngút ngàn cành thiên tuế
.

Ngài đã đổ máu đào của mình ra vì chính nghĩa, vì đạo Chúa. Xưa kia, Ngài cũng đã từng bị hành hạ, bị đánh đập tàn nhẫn trên mảnh đất Quảng Bình, mà hôm nay anh chị em giáo dân Tam Tòa cũng đã và đang phải chịu cùng một cách thế như vậy. Ngài đã sẵn sàng làm chứng cho tình yêu Đức Kitô trên đất Quảng thân yêu và chính tình yêu ấy đã làm trổ sinh những thế hệ giáo dân can trường vì đạo Chúa như giáo dân giáo xứ Tam Tòa anh em hôm nay.

Trong bài giảng của mình, qua trích đoạn Tin mừng Ga 6, 1-15, cha chủ tế tiếp tục khai triển những ý hướng ban đầu. Ngài mời gọi mọi người hãy luôn luôn khao khát đạo thánh Chúa như dân chúng thời Chúa Giêsu và hãy bám lấy Đức Giêsu Kitô vì Người là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (x. Ga 16, 4). Dù Chúa Giêsu có lên núi nghỉ ngơi hay vào sa mạc để cầu nguyện, thì dân chúng vẫn luôn luôn bám sát chân Người. Điều đặc biệt nơi Đức Giêsu là Người không bao giờ ngoảnh mặt làm ngơ, chối từ một nhu cầu nào của dân chúng. Ước chi những người làm vương làm tướng, làm quan nọ quan kia trong xã hội Việt Nam, cách riêng ở tỉnh Quảng Bình cũng biết thương dân như vậy!? Chúng ta hãy cầu nguyện cho “quan quyền” xứ Quảng sớm thoát khỏi sự vô minh mê lầm, để rồi biết quan tâm đến nhu cầu của “con dân” hơn. Có như thế, chế độ này mới hy vọng tạm tồn được, bởi vì “quan nhất thời, dân vạn đại”.

Mỗi người chúng ta về đây theo lời mời gọi của Vị Cha Chung và sống tinh thần của thánh Phaolô: “Anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (x. Ep 4, 1-6). Chúng ta cùng hiệp thông chia sẻ và liên lỉ cầu nguyện cho anh chị em Tam Tòa, nhất là những người đang bị giam giữ và bị tra tấn biết giữ vững niềm tin của mình vào Chúa Kitô và khẳng quyết như thánh Phaolô: “Tôi là người đang bị tù vì Chúa…” (x. Ep 4, 1). Chúng ta cũng hãy hiệp thông cầu nguyện cho chính những người đang bắt bớ anh chị em chúng ta và thân thưa với Chúa Cha như Chúa Giêsu rằng “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng lầm chẳng biết”!

Chúng ta phải bảo vệ điều quý trọng nhất của con người là sự tự do. Sự tự do theo kiểu “mạnh ai nấy được” là sự tự do của dã thú, chứ không phải của con người có lý trí. Sự tự do đích thực phải là sự tự do chia sớt cho anh em: “…ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý” (x. Ga 6, 11). Chúng ta hãy học cách Chúa Giêsu chia sẻ chính thân mình Người cho chúng ta qua bí tích Thánh Thể. Chính Người đã bẻ thân mình ra cho chúng ta. Vậy, mỗi người chúng ta cũng hãy “bẻ mình” ra để chia sớt với anh chị em Tam Tòa, nhất là các gia đình bị hại. Thật đáng buồn là có một số trong chúng ta không có tâm tình chia sớt của Chúa Giêsu nên đã hiểu sai, hiểu lầm và hiểu chệch về những việc làm chính nghĩa, phải đạo của anh chị em Tam Tòa. Chính họ đang làm cho “Triều đại này đua nở hoa công lý; và thái bình thịnh trị đến muôn đời”!

Hơn lúc nào hết, mọi thành phần trong giáo hạt Thuận Nghĩa chúng ta hãy noi gương Chúa Giêsu mà sẵn sàng chia sớt tinh thần cũng như vật chất cho anh em Tam Tòa, nhất là lời cầu nguyện hằng ngày. Mỗi người chúng ta hãy nắm chặt tay nhau mà nói rằng “Giáo xứ Tam Tòa cần, giáo hạt Thuận Nghĩa có; giáo xứ Tam Tòa khó, có giáo hạt Thuận Nghĩa”. Chúng ta hãy sẵn sàng lên đường vì giáo xứ Tam Tòa anh em, lên đường vì công lý và hòa bình, lên đường vì sự tự do đích thật và lên đường vì niềm tin sắt đá vào Chúa Kitô. Trước đây, Đức Cha Phaolô khả kính đã từng nói với giáo xứ Thái Hà rằng Chuyện của giáo xứ Thái Hà cũng là chuyện của giáo phận Vinh, thì nay chúng ta cũng hãy đồng thanh hô to: Việc của giáo xứ Tam Tòa anh em cũng là việc của giáo hạt Thuận Nghĩa. Chính tình yêu Đức Kitô thúc bách mỗi người chúng ta làm như vậy!