Trong Thánh Lễ với hơn 500,000 người tham dự, Đức Thánh Cha đã công bố nâng lên bậc hiển thánh vị thánh đầu tiên của Nam Mỹ và tuyên bố rằng công việc của ngài dành cho người nghèo và người đau yếu biến ngài thành "một mẫu gương sáng chói" của lòng bác ái Kitô Giáo.

Một làn sóng vỗ tay vang dội lan trong đám đông đứng chen chúc trong sân đua ngựa của thành phố Guatemala hôm 30/07/2002 khi Đức Thánh Cha công bố nâng lên bậc hiển thánh Chân Phước Pedro de San Jose Betancur, một nhà truyền giáo ở thế kỷ thứ 17, người đã xây dựng các nhà thương, trường học và nơi tạm trú cho dân nghèo tại thủ đô cũ của Guatemala, nay gọi là Antigua.

Đức Thánh Cha nói vị thánh mới tiêu biểu cho "một lời mời gọi cấp bách hãy thực hành bác ái trong xã hội tân tiến, đặc biệt khi có quá nhiều người đang mong đợi để được giúp một tay". Đức Thánh Cha đã nói từ bàn thờ chất đầy hàng ngàn đóa hoa.

Chuyến dừng chân trong 24 tiếng đồng hồ của Đức Thánh Cha là chuyến viếng thăm ngắn ngủi nhất tại nước Nam Mỹ này nhưng rất có ý nghĩa đối với người Guatemala, đổ rất đông về dự lễ Đức Thánh Cha phong Thánh đầu tiên cho một người đồng hương của họ.

Javier Pira, một thanh niên 19 tuổi trên đường đến nơi tham dự thánh lễ đã cho phóng viên CNS biết cảm nghĩ của anh: "Đức Thánh Cha đã già nhưng người vẫn tiếp tục đi khắp các nước, ngay cả chỉ vì một Thánh Lễ".

Vị thánh mới - được gọi cách âu yếm là Hermano Pedro - sinh ở đảo Canary và đến đất nước Trung Mỹ này khi còn thanh niên với xác tín rằng ngài có ơn gọi để rao giảng Tin Mừng.

Pedro de San Jose Betancur là một thanh niên siêng năng cầu nguyện. Ngài đến Guatemala vào năm 1651 và bắt đầu hoạt động với những người kém may mắn trong thủ đô - những người nghèo, những tội nhân, nô lệ và người bệnh. Pedro de San Jose Betancur gia nhập dòng Ba Phanxicô. Ngài qua đời năm mới 41 tuổi vì bệnh phổi. Lúc đó danh tiếng ngài đã nổi như cồn với biệt hiệu là Thánh Phanxicô của Mỹ Châu và nhà cầm quyền đã phải phái cảnh sát đến bảo vệ xác ngài trước sự cuồng nhiệt của đám đông ai cũng muốn chạm tay đến xác ngài.

Các nhà viết tiểu sử ghi nhận rằng ngài thường đi bộ đến các khu vực giầu có của Antigua để rung chuông ngửa tay xin tiền cho người nghèo. Cái chuông đi ăn mày của ngài vẫn còn được lưu giữ và một linh mục đã rung chuông này trong khi cử hành thánh lễ phong Thánh.

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ tại một lễ đài lớn đằng sau có hình của vị thánh mới. Đức Thánh Cha nhận xét là trong Đức Kitô, Hermano Pedro đã tìm thấy sức mạnh để "thực thi bác ái cách anh hùng cho những người bé mọn nhất và bị tước doạt nhiều nhất".

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng nhân đức của vị thánh mới là "một di sản không thể bị đánh mất" và kêu gọi người dân Guatemala thực hành hơn nữa đức bái ái trong một thế giới còn đầy những người đau khổ.

"Chúng ta hãy nghĩ đến trẻ em và những người trẻ, những ai cô gia cư hay bị tước đoạt một nền giáo dục; đến những phụ nữ bị bỏ rơi với quá nhiều nhu cầu cấp thiết; đến đám đông bọ gạt ra ngoài lề xã hội đang sống lang thang giữa các thành thị, đến những nạn nhân của tội phạm có tổ chức, đến những gái mãi dâm và người nghiện ma tuý, đến những người đau yếu không ai đoái hoài đến và những người già đang sống trong cô đơn".

Đức Thánh Cha nói với một giọng rất rõ ràng và mạnh mẽ trong suốt buổi lễ, nhưng hơi thở nặng nề của ngài có thể nghe rõ trong khi giảng. Có lúc ngài phải nghiêng người xuống trên ghế cho đỡ mệt và một linh mục phụ tá phải đỡ ngài dậy.

Buổi lễ diễn ra trong 3 giờ đồng hồ dưới trời trong xanh. Cộng đoàn mang đầy những bích chương và ảnh của vị thánh mới.

Cô Carolina Saadeh, 23 tuổi ngụ tại Guatemala City cho biết: "Ngài giúp đỡ người nghèo và đau yếu. Điều này quan trọng đối với chúng tôi vì thường khi người ta không cho nếu không nhận được gì đáp lại".

Đức Thánh Cha cũng nhân dịp này để bày tỏ sự gần gũi của ngài với người thổ dân tại Guatemala, những người đã chịu nhiều đau khổ trong cuộc nội chiến kéo dài 36 năm và ngày nay vẫn còn chịu bị bỏ rơi.

"Giáo Hoàng này không quên anh chị em, ngưỡng mộ văn hóa của anh chị em, khích lệ anh chị em trong hy vọng hãy vượt thắng những tình trạng khó khăn mà anh chị em đang phải gánh chịu". Đức Thánh Cha nói họ có quyền được hưởng công lý, phát triển cá nhân và hòa bình.

Đức Hồng Y Oscar Rodriguez Maradiaga của giáo phận Tegucigalpa, Honduras nhận định rằng việc phong Thánh cho Chân Phước Pedro de San Jose Betancur có một giá trị rất lớn cho vùng Mỹ Châu La Tinh. Ngài nhớ lại kho còn học tại Đại Học Guatemala, hình ảnh và các nhân đức của Hermano Pedro luôn là một mẫu gương của rất nhiều thanh niên.
Đức Hồng Y nhận xét rằng sự nhiệt thành dâng lên rất cao. Chính ngài đã trải qua một buổi chiều với các thanh niên tụ tập trong một sân túc cầu để cầu nguyện trước khi đi bộ gần 10 cây số để tham dự Thánh Lễ.

Trong số những người tham dự thánh lễ có các sơ dòng Bethlemite, là dòng do thánh Hermano Pedro sáng lập và 10 nam tu sinh đại diện cho dòng Nam mới được tái sinh.

Dòng Nam Bethlemite đã từng có đến 500 tu sĩ và điều hành 32 nhà thương tại các nước Nam Mỹ. Dòng Nam đã bị giải tán theo một phán quyết của tòa án Tây Ban Nha vì cho rằng dòng này ủng hộ nền độc lập của Guatemala. Năm 1984, Đức Thánh Cha phong Chân Phước cho Hermano Pedro và bốn năm sau đó, với cố gắng của nhiều người, năm 1988, dòng Nam đã hoạt động trở lại.

Dòng Nữ Bethlemite đang chăm sóc người nghèo và người đau yếu tại 13 quốc gia vùng Nam Mỹ.

Trong phần đầu buổi lễ, Đức Tổng Giám Mục Rodolfo Quezada Toruno đã nhắc đến cái chết của Đức Cha Juan Gerardi Conedera, một khuôn mặt đấu tranh cho nhân quyền. Đây là vấn đề đến nay vẫn chưa giải quyết xong và Đức Thánh Cha đã nhắc chính phủ nước này nhiều lần về chuyện này.

Sau buổi lễ, Đức Hồng Y Angelo Sodano, quốc vụ khanh Tòa Thánh cũng loan báo tin vui là Tòa Thánh trong buổi họp hôm 29/7 đã giúp được hai nước Guatemala và Belize đạt đến thỏa thuận về một cuộc họp chung nhằm giải quyết về biên giới trong hòa bình.

Đức Hồng Y bày tỏ niềm mong mỏi của Đức Thánh Cha là hai bên tương nhượng nhau để sớm đạt đến một giải pháp hợp lý và hòa bình cho cả hai nước. Đại diện của cả hai nước đã nói lên sự biết ơn trước sự quan tâm của Tòa Thánh.