LTS: Cùng với việc liên tục gởi thư buộc cha Phêrô Nguyễn Văn Khải, phát ngôn viên của Dòng Chúa Cứu Thế phải ra làm việc với cơ quan an ninh điều tra Công An Hà Nội về “một số tài liệu liên quan đến ông (Nguyễn Văn Khải)”, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chỉ đạo cho báo chí mở một đợt tấn công mới nhắm trực diện vào các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế.

Dưới đây là hai bài liên tiếp đăng trên tờ Hà Nội Mới là cơ quan thông tin của thành ủy thành phố Hà Nội trong hai ngày Chúa Nhật 26/4 và Thứ Hai 27/4.

Bài thứ nhất tấn công cha Phêrô Nguyễn Văn Khải và tập thể các linh mục DCCT tại Thái Hà. Bài thứ hai tấn công linh mục Lê Quang Uy, DCCT Sàigòn.


Dưới chiêu bài dối trá “cầu nguyện cho công lý”



(HNM) - Những ngày này, nhân dân cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài đang có nhiều hoạt động thiết thực hướng về Tổ quốc, kỷ niệm Ngày chiến thắng 30-4. Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại chặng đường đã qua, vui mừng trước những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, trong đó có những thành tựu về dân chủ, tự do tôn giáo, tín ngưỡng được dư luận quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Thế nhưng, trên trang web Chuacuuthe, một số linh mục Dòng Chúa Cứu thế Việt Nam và Giáo xứ Thái Hà tán phát những bài viết với giọng điệu hằn học, phản động, chống đối chế độ, coi thường chính quyền, lợi dụng dân chủ, tự do tín ngưỡng, tôn giáo để kích động bà con giáo dân, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, cố tình can dự vào các vấn đề chính trị của đất nước với dụng ý xấu. Thậm chí, Nhà thờ Thái Hà còn ngang nhiên ra Thông cáo tổ chức một cuộc cầu nguyện vào tối 25-4-2009 để kêu gọi giáo dân hiệp thông.

Trong Thông cáo, với vai trò là phát ngôn viên của Giáo xứ Thái Hà, linh mục Nguyễn Văn Khải hỗn xược nêu lý do cần phải cầu nguyện là vì "hiện tượng bất công tràn lan trên khắp đất nước; trước sự kiện môi trường sống của đồng bào, đặc biệt của anh chị em dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, đang có nguy cơ bị hủy hoại do chủ trương khai thác bô-xít ở đây; trước sự kiện đất đai ở nhiều nơi trong đó có Giáo xứ Thái Hà đang bị ngang nhiên lấn chiếm...".

Với những ai theo dõi hành vi và lời nói của linh mục Nguyễn Văn Khải từ trước đến nay sẽ chẳng khó khăn gì mà không nhận ra ngay, cái mà linh mục Khải gọi là "bất công" thực chất là sự hằn học trước kết quả của phiên xét xử phúc thẩm 8 giáo dân phạm tội "Gây rối trật tự công cộng" và "Phá hoại tài sản" tại 178 Nguyễn Lương Bằng. Kết quả của phiên tòa đã tỏ rõ sự công minh của pháp luật, đồng thời thể hiện sự khoan hồng của Nhà nước đối với những giáo dân do kém hiểu biết, thiếu thông tin, bị kẻ xấu kích động mà vi phạm pháp luật. Một phiên tòa được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận xã hội, thế nhưng lại không như ý muốn của linh mục Nguyễn Văn Khải cũng như sự dày công chuẩn bị những màn kịch "gây áp lực với chính quyền" của Nhà thờ Thái Hà.

Để chuẩn bị cho cuộc "đấu tranh đòi công lý" cùng với 8 bị can, Nhà thờ Thái Hà đã cho chuẩn bị 5 nghìn cành vạn tuế, 5 nghìn bức ảnh Đức Mẹ Công lý (đã được phát hết trong buổi sáng) và 8 nghìn bánh mỳ (được phát hết trong buổi trưa) và ước tính có khoảng 10 nghìn người tham dự... như lời linh mục Khải đã hỉ hả tường trình bề trên về cuộc ra tòa của 8 giáo dân ngày 27-3-2009.

Cũng chẳng có gì lạ khi linh mục Khải tỏ ra rất phấn khích khi đã kích động, lôi kéo được hàng ngàn giáo dân kéo về trước cửa tòa án, nhằm gây thanh thế, gây sức ép với chính quyền, làm tắc nghẽn giao thông suốt buổi sáng tại một cửa ngõ quan trọng của thành phố, bởi tính chất phản động, coi thường chính quyền, tìm mọi cách để kích động lật đổ chế độ của linh mục Nguyễn Văn Khải đã được bộc lộ rất rõ trong các trả lời phỏng vấn của linh mục này với Đài RFA trước đó. Ngày 10-2-2009, khi trả lời phỏng vấn Đài RFA, linh mục Khải cho rằng "nhà cầm quyền phải chấp nhận đau thương, chấp nhận lột xác, dân tộc mới có tương lai tươi sáng hơn". Khi gặp mặt chính quyền quận và thành phố để đối thoại về vấn đề đất đai tại 178 Nguyễn Lương Bằng, linh mục Nguyễn Văn Khải luôn "nhã nhặn" nói rằng các linh mục và giáo dân luôn kiềm chế, việc làm của các giáo dân là tự phát, các linh mục không xúi giục. Thế nhưng, người ta lại thấy, trong đám đông giáo dân tụ tập cầu nguyện trái phép tại khu đất 178 Nguyễn Lương Bằng, ở giữa luôn có mặt linh mục Khải hô hào, kích động giáo dân.

Trong bản Thông cáo, một lý do nữa mà Nhà thờ Thái Hà thấy "bức xúc" cần phải tổ chức giáo dân cầu nguyện đó là: "Cho các nhà lãnh đạo quốc gia sáng suốt nhận ra tác hại về môi sinh về kinh tế cũng như về an ninh quốc phòng của dự án bô-xít ở Tây Nguyên... để từ đó ngừng dự án".

Chủ trương thăm dò, khai thác, chế biến bô-xít là chủ trương nhất quán từ Đại hội IX đến Đại hội X của Đảng. Bộ Chính trị đã nhiều lần bàn bạc và ra nghị quyết, kết luận để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng ngành công nghiệp bô-xít, nhôm phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Tiếp thu ý kiến đúng đắn của các đồng chí nguyên lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, các nhà khoa học, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng và phê duyệt Quy hoạch vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô-xít giai đoạn 2007 - 2015 trên cơ sở bảo đảm hiệu quả KT-XH, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh, quốc phòng phù hợp với yêu cầu phát triển của cả nước và khu vực Tây Nguyên... Có thể khẳng định, việc triển khai dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên là một quyết định đúng đắn, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước. Quá trình xây dựng quy hoạch đã được tiến hành đúng trình tự pháp luật, đã tổ chức các hội thảo lấy ý kiến công khai của nhân dân và các nhà khoa học.

Thế nhưng, các linh mục của Dòng Chúa Cứu thế đã xuyên tạc về ý nghĩa và hiệu quả của dự án, nhằm chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, gây mâu thuẫn giữa nhân dân khu vực có dự án với nhà đầu tư. Việc Nhà thờ Thái Hà, thông qua phát ngôn viên là Nguyễn Văn Khải, kêu gọi giáo dân cầu nguyện "Cho bất công sớm chấm dứt, sự thật được tôn trọng, công lý và hòa bình sớm được hiển trị trên quê hương Việt Nam" thực chất là hành vi chống lại các chủ trương, chính sách hợp tác quốc tế, kêu gọi đầu tư nước ngoài của Đảng và Nhà nước.

Thư chung Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 2001 với chủ đề "Để họ được sống và sống dồi dào" (Ga 10, 10) nhấn mạnh: "Để yêu thương và phục vụ, trước hết ta phải tiếp tục đường hướng đồng hành với dân tộc, đồng cảm, chia sẻ hy vọng và lo âu của dân tộc trong tiến trình phát triển xã hội và thăng tiến con người. Ta không nhìn những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục như những kẻ đứng ngoài cuộc, nhưng nhận đó là những vấn đề của ta và chủ động góp phần giải quyết... bởi vì ta là thành viên của cộng đồng dân tộc với tất cả quyền lợi và nghĩa vụ".

Dư luận xã hội nói chung và dư luận của hơn 6 triệu đồng bào công giáo chân chính sống "Kính Chúa, yêu nước" đang hết sức phẫn nộ trước việc một số linh mục Dòng Chúa Cứu thế đang lợi dụng dân chủ, tự do tôn giáo, tín ngưỡng kêu gọi chống phá Nhà nước, kích động khiếu kiện, coi thường kỷ cương pháp luật, không tôn trọng và bất hợp tác với chính quyền. Các linh mục Nhà thờ Thái Hà mà cụ thể ở đây là linh mục Nguyễn Văn Khải là ai, tự cho mình có quyền gì mà được phán xét các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, đánh giá những thành quả của công cuộc đổi mới? Trong những lần gặp chính quyền, linh mục Nguyễn Văn Khải luôn cao giọng nói rằng: "Chúng tôi là những người tu hành, giảng dạy đạo lý, nếu chúng tôi không tuân theo pháp luật thì không nói được ai. Chúng tôi dạy dân sâu hơn cả pháp luật nữa là tuân theo đạo đức, tuân theo lương tâm mình". Và ngay trong Thông cáo, linh mục Khải cũng dẫn lời Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam: "Chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình". Đạo đức, lương tâm ư? Đồng hành cùng dân tộc ư? Đấy chẳng qua chỉ là sự ngụy biện vô liêm sỉ.

Trong Luật Báo chí có quy định rõ: "Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí; quyền tự do ngôn luận", đồng thời nghiêm cấm lợi dụng tự do báo chí, ngôn luận để "kích động nhân dân chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc". Những trang web phản động nêu trên cần phải bị loại bỏ; những kẻ có mưu đồ chính trị đen tối, tự tách mình ra khỏi khối đại đoàn kết dân tộc, lợi dụng dân chủ, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do ngôn luận để chống phá cách mạng phải chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật.

Anh Quang

Lật mặt kẻ bịa đặt

27/04/2009 07:09

(HNM) - Những ngày gần đây, dư luận xã hội rất bất bình với những bài viết mang đầy tính kích động, chống chính quyền trên trang web của Dòng Chúa Cứu thế Việt Nam.

Với tiêu đề "Hãy cứu lấy Tây Nguyên khỏi thảm họa bô-xít đỏ", linh mục Lê Quang Uy, Dòng Chúa Cứu thế Việt Nam đã tung những lời lẽ xằng bậy, bóp méo sự thật khi trắng trợn cho rằng: "Mọi quyết định vận hành kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục của đất nước này dần dần trở nên hỗn loạn, vô đạo đức, mất lương tri". Và: "Ở Việt Nam, bao nhiêu năm nay người ta cứ lải nhải tuyên truyền, ấn vào mấy thế hệ liên tiếp thời hậu chiến cái luận điệu rằng thì là đất nước mình còn nghèo, còn đang phải ra sức và từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh...".

Là người Việt Nam, sao Lê Quang Uy có thể lãng quên đến ngớ ngẩn rằng, dân tộc Việt Nam đã trải qua những năm tháng ác liệt của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, để phán xét bừa bãi như vậy?

Hàng chục năm sau chiến tranh, trên mỗi mảnh đất, trong mỗi con người Việt Nam vẫn còn đó những hậu quả nặng nề. Linh mục Uy có biết hay cố tình không biết? "Nỗi đau da cam" vẫn hiển hiện đến tận hôm nay, làm nhức nhối mọi người dân Việt Nam và những người có lương tri, yêu chuộng hòa bình công lý trên khắp thế giới. Nhắc lại để cho linh mục Uy được rõ, từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã rải khoảng hơn 80 triệu lít chất diệt cỏ và phát quang xuống một diện tích khoảng 24,67% tổng diện tích lãnh thổ Nam Việt Nam, trong đó phần lớn là chất độc da cam. Với số lượng rất lớn chất độc hóa học được rải, lặp đi lặp lại nhiều lần trong thời gian dài với nồng độ cao, không những làm chết cây cối, động vật gây ô nhiễm môi trường mà còn làm biến đổi các hệ sinh thái tự nhiên. Và đặc biệt để lại những di chứng đau thương cho con người. Tòa án Bertrand Roussel cũng như Hội nghị Paris năm 1970 đã lần đầu tiên nêu lên trước dư luận thế giới về sự tàn khốc của cuộc chiến tranh hóa học của Mỹ tại Việt Nam, gọi đích danh đó là "cuộc chiến tranh hủy diệt môi trường, hủy diệt hệ sinh thái và con người" ở Việt Nam.

Ông Uy có cách nhìn lệch lạc nên thấy thực tiễn đất nước chỉ có màu đen. Cứ xem cách ông Uy nhận xét về việc mở rộng diện tích nuôi tôm xuất khẩu; chương trình đánh bắt xa bờ và xây dựng các đường giao thông thì rõ.

Theo linh mục Uy, "Người ta khuyến khích phá đê ngăn mặn để lấy nước vào hồ nuôi tôm tăng lãi suất để rồi tôm thì chết mà cả một vùng đồng bằng bao la ngày xưa phải khắc phục ngọt hóa..." và tất nhiên khi viết như vậy, linh mục này đã cố tình quên đi những thành tựu mà ngành thủy sản đạt được trong những năm qua. Năm 2008, chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bãi tài chính toàn cầu, nhưng theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến tháng 12, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước vẫn đạt 4 tỷ USD. Và với mức tăng trưởng hơn 13%/năm, Việt Nam từ vị trí thứ 11 đã vươn lên hàng thứ 6 trên thế giới về xuất khẩu thủy sản.

Trắng trợn hơn, linh mục Uy lớn tiếng phê phán một dự án xây dựng xa lộ hiện đại dọc theo đất nước. Những muốn ám chỉ Dự án đường Hồ Chí Minh là "không những tốn kém tỷ tỷ, còn phá hoại vành đai rừng phòng hộ đầu nguồn, khiến đất đai cằn cỗi, thêm lũ đá, hạn hán...". Những ai có dịp đi lại nhiều trên quốc lộ 1A đều biết, cứ đến mùa mưa bão, nhiều đoạn thường bị ngập lụt, chính vì vậy cần có một con đường khác song song để kịp thời giải tỏa ách tắc giao thông những khi mưa lũ. Con đường này cùng với quốc lộ 1A tạo nên hệ thống giao thông huyết mạch của đất nước, góp phần quan trọng vào chiến lược phát triển KT-XH, khai thác lợi thế tiềm năng kinh tế các vùng miền của Tổ quốc.

Những ngày này, khắp nơi đang có nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh, con đường huyền thoại trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Với những người lính Trường Sơn nói riêng và người dân Việt Nam nói chung, việc phê phán chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước khi xây dựng đường Hồ Chí Minh CNH - HĐH không chỉ đơn thuần là sự thiếu hiểu biết mà còn thể hiện lối tư duy của một kẻ vong ơn, bội nghĩa, đi ngược lại truyền thống, đạo lý tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.

Câu hỏi được đặt ra là sau hàng loạt sự bịa đặt trơ trẽn, bóp méo sự thật một cách trắng trợn như vậy, linh mục Lê Quang Uy muốn nói lên điều gì? Chẳng có gì khác là muốn kích động, kêu gọi chống đối chính quyền, Uy cho rằng: "Lúc này đây, tuy đã chậm trễ rồi... người Công giáo không thể cứ mãi bên lề cuộc sống trong sự e ngại, không thể cứ mãi chờ đợi lẫn nhau mà không ai dám quyết định một việc gì thiết thực và can đảm".

Ai là người đang đứng bên lề? Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đã thoát ra khỏi tình trạng trì trệ về kinh tế và đang vươn lên với một tốc độ mạnh mẽ, uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày một nâng cao, đặc biệt, dư luận quốc tế đánh giá cao những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong thực hiện dân chủ, tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Hòa trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, đồng bào Công giáo Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống sống "Tốt đời đẹp đạo", đoàn kết và đồng hành cùng dân tộc, kề vai sát cánh cùng toàn dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT- XH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Truyền thống sống "Tốt đời đẹp đạo", "Đồng hành cùng dân tộc" của người Công giáo còn được thể hiện sâu sắc qua các đường hướng hành đạo tiến bộ, tích cực: "Kính Chúa, yêu nước", "Sống Phúc âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào" của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Đồng bào Công giáo ở các địa phương luôn quan tâm, theo dõi và có những đóng góp thiết thực vào các hoạt động chính trị, KT-XH của đất nước, thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ công dân, đóng góp ý kiến xây dựng đất nước thông qua các tổ chức chính trị, các đoàn thể, chính quyền địa phương... Những giáo dân kính Chúa, yêu nước không hề "đứng ngoài lề" và càng không có chuyện lên mạng hô hào đòi "làm một việc gì đó thiết thực và can đảm". Và cũng không một ai "trăn trở, xót xa với vận mệnh quê hương và dân tộc" theo kiểu của Lê Quang Uy là vội vã bay từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội để cùng với các linh mục Nhà thờ Thái Hà kích động giáo dân lấn chiếm đất trái phép, hủy hoại tài sản, tụ tập cầu nguyện trái pháp luật, gây mất trật tự công cộng... Rồi với giọng điệu kích động, bịa đặt và thông tin sai lạc, Lê Quang Uy xăng xái công khai kêu gọi ghi danh "Hãy cứu lấy Tây Nguyên". Đó có phải là cách để Lê Quang Uy thể hiện rằng mình "không đứng bên lề"?

Mang quốc tịch Việt Nam, nhưng linh mục Lê Quang Uy đã không tự ý thức được hết quyền và nghĩa vụ công dân của mình. Lê Quang Uy đã bịa đặt, xuyên tạc sự thật, cố tình bóp méo những việc làm đang diễn ra bình thường trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với mưu toan chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, kêu gọi lật đổ chế độ... Với những kẻ cố tình bơi ngược dòng như thế, dư luận xã hội đòi hỏi pháp luật phải có biện pháp nghiêm khắc, không thể để tiếp diễn những hành vi vi phạm pháp luật làm tổn hại đến khối đại đoàn kết dân tộc, đến lợi ích của đất nước và công cuộc xây dựng một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

Anh Quang