Chúa Nhật XXXII Thường Niên/A

Hãy sống khôn ngoan và tỉnh thức!


(Mt 25,1-13)

Trong khi công bố bài Tin Mừng của ngày Chúa Nhật vào cuối năm Phụng vụ và là Chúa Nhật thứ hai trong tháng Các Linh Hồn hôm nay, Giáo Hội đã đề cập đến tương lai của chúng ta, dĩ nhiên không phải đến những ngày những tháng sắp tới, nhưng là đến một tương lai tuyệt đối và vĩnh cửu, một tương lai vượt lên trên mọi phạm trù thời gian và không gian của thế giới này. Ðó là khoảnh khắc mà người ta còn gọi là «bên kia thế giới», là cuộc sống sau cái chết, là «cuộc sống dưới suối vàng», là thời «thế mạt»!

Thánh sử Mát-thêu ghi lại dụ ngôn Mười người trinh nữ này để muốn nhắc nhủ chúng ta phải lưu tâm đến giờ phút quyết định mang tính cách vĩnh viễn đó, khi Thiên Chúa hiện thực vương quyền tình yêu cũng sự công bằng của Người đối với nhân loại. Tiếp đến thánh nhân cũng muốn nhấn mạnh rằng cuộc sống hiện tại, cuộc sống trần thế của chúng ta chỉ là một sự sửa soạn cho giờ phút quyết định đó, chỉ là thời gian chờ đợi và chuẩn bị; bởi vì không một ai có thể biết chính xác khi nào giờ sau hết của mình đã điểm, khi nào sự chết sẽ như là một cửa ngõ dẫn vào trong sự sung mãn đó sẽ xảy ra, khi nào thì thế giới này được thay thế bằng một thế giới tuyệt đối mới mẻ và hoàn hảo!

Trong bài Tin Mừng hôm nay, một hình ảnh về một đám cưới đã được vẽ ra trước mắt chúng ta. Có mười người trinh nữ chờ đón chú rể đã đến chậm hơn thời gian đã dự định. Và qua cách thức hành xử và thái độ sống của họ, các cô gái được chia làm hai nhóm khác nhau: Một nhóm gồm năm cô khôn ngoan, nhóm thứ hai còn lại gồm năm cô khờ dại.

Sự phê phán này khiến chúng ta phải suy nghĩ. Nó liên quan chặt chẽ với chủ ý của bản văn, tức lời kêu mời hãy tỉnh thức. Theo câu chuyện, tất cả các cô trinh nữ đều không đáng trách vì đã thiếp ngủ đi, lý do chàng rể đến chậm. Nhưng điều chính yếu mà các cô không thể thiếu được, đó là sự chuẩn bị. Các cô phải luôn sẵn sàng cho giây phút quyết định sắp xảy tới, phải trang bị đầy đủ cho cuộc tiếp rước chàng rể, cho bữa tiệc cưới!

Ở đây, xét theo ý nghĩa của sự đòi hỏi đó, thì một trong hai nhóm các cô trinh nữ rất đáng trách, vì các cô đã không có sự chuẩn bị chu đáo và đầy đủ trước. Thật ra các cô có sửa soạn, nhưng chỉ sửa soạn cách qua loa cho giây phút trước mắt, tức các cô cũng có thiện ý cầm đèn theo. Còn sự sửa soạn đầy đủ cho một thời gian chờ đợi lâu dài, thì các cô đã không làm, tức các cô mang đèn mà lại không mang theo dầu. Vì thế khi giây phút quan trọng có tính cách định đoạt tới, thì mọi chuyện lại quá trễ! Khi chàng rể tới mà các cô còn chạy đi mua dầu, thì đã quá muộn! Không còn kịp nữa!

Cũng vậy, trong đời sống đời thường, những ai vì khinh suất và lơ đễnh mà bỏ bê, chứ không lo hoàn thành công việc bổn phận của mình và rồi một lúc nào đó muốn tìm cách chuộc lại sự lầm lỗi và thiếu sót đã sai phạm, thì thường là không còn cơ may nữa, thì thường là mọi sự đã quá muộn mằn! Cửa đã được khóa chặt lại rồi! Họ sẽ không còn theo kịp đoàn rước bước vào phòng tiệc cưới, không còn kịp theo chân chàng rể để vào tham dự tiệc cưới và phải đứng ở ngoài; vâng, còn hơn thế nữa: Họ bị coi như những kẻ xa lạ!

Nhưng bây giờ dựa theo câu chuyện dụ ngôn, nhiều câu hỏi khác cũng được đặt ra cho chúng ta. Trước hết, theo tinh thần đức bác ái Kitô giáo của chúng ta, thì xem ra cách cư xử của năm cô trinh nữ khôn ngoan là thiếu độ lượng: Tại sao các cô lại không muốn san sẻ dầu với các cô khờ dại kia? Nhưng nếu đứng vào địa vị các cô gái khôn ngoan, chúng ta có thực sự dám liều và chia sớt dầu với các cô khờ dại kia không? Trong những trường hợp tương tự trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta có dám làm khác hơn các cô không? Ðối với tác giả bài Tin Mừng, xem ra những câu hỏi đó không đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta quan sát và nhận thấy rằng câu chuyện chỉ muốn đưa ra một ví dụ, một dụ ngôn, để muốn nói lên một chủ đích là đối chiếu giữa sự dại khờ và sự khôn ngoan! Và điều đó mang đầy tính cách nghiêm trọng của nó! Ðúng vậy, những tiếng «cửa đóng lại» và «tôi không biết các cô là ai» đã muốn nhắn nhủ chúng ta: Ở đây vấn đề được đề cập tới là những quyết định có tính cách vĩnh viễn, là sự thể: Có được cùng với mọi khách mời vào tham dự tiệc cưới hay vĩnh viễn bị gạt ra ngoài!

Trong khi đó những cô trinh nữ khôn ngoan: Họ sửa soạn cho giây phút hiện tại, nhưng đồng thời còn lo lắng chuẩn bị đầy đủ cho mọi hoàn cảnh bất trắc có thể xảy ra, họ nghĩ tới cả tương lai lâu dài nữa: Họ mang đèn và mang cả dầu theo nữa! Họ ý thức được rằng tiệc cưới sau cùng sẽ được quyết định bởi giây phút hiện tại, và vì thế họ tổ chức cuộc sống của mình một cách tương xứng. Họ có thể được so sánh với người xây nhà trên nền đá vững chắc và với người đầy tớ tốt luôn tỉnh thức chờ đợi chủ mình trở về (x. Mt 24,45-51). «Dầu» mà họ mang theo cùng với đèn là muốn so sánh với thái độ sống nội tâm của họ, một thái độ sống luôn mang đầy hy vọng và tỉnh thức chờ đợi giờ phút chú rể tới.

Vậy, chúng ta hãy cố gắng chuẩn bị sẵn sàng và trở nên khôn ngoan. Tuy nhiên, bài tin Mừng hôm nay không hề đưa ra sự hướng dẫn tỉ mỉ phải chuẩn bị như thế nào – và thiết tưởng điều đó có lẽ cũng không cần thiết! Bởi vì mỗi người đã biết rõ khi nào và ở đâu trong cuộc sống, mình đã hành động một cách chủ quan và khờ dại; trong lúc nào và phải hành động thế nào mới đúng, mới khôn ngoan, nói cách khác: Khi nào và ở đâu cần phải hy vọng vào Thiên Chúa, cần phải chạy đến cùng Người? Ở đâu còn ngự trị sự ích kỷ - kể cả sự ích kỷ tập thể - chỉ tìm kiếm lợi ích riêng cho mình và chiếm đoạt quyền lợi chính đáng của kẻ khác một cách bất công?

Sự khác biệt giữa sự khờ dại và sự khôn ngoan còn được biểu lộ rõ ràng trong các lãnh vực khác của cuộc sống, trong toàn bộ các hành động cũng như trong các bê trễ của chúng ta. Giữa cuộc sống cho giây phút hiện tại và sự định hướng cho tương lai theo lời hứa của Ðức Giêsu, không còn có con đường nào khác ở giữa nữa! Vì thế, chúng ta phải chọn lựa và quyết định cũng như phải hành động cho cân xứng – trong những việc trọng đại cũng như trong những việc nhỏ bé tầm thường – và luôn canh tân đổi mới mãi cho tới khi chàng rể tới! Amen.