Roma (Apic 24 tháng 7)- Ngày 25 tháng 7 năm 1968, Đức Phaolô VI đặt bút ký ban hành thông điệp Humanae Vitae về Sự Sống Con Người. Hai từ tiếng latinh bắt đầu thông điệp “Humanae Vitae”, “Sự Sống Con Người” được dùng làm tên gọi của thông điệp. Nếu đọc thêm cho trọn “cụm từ” đầu tiên, chúng ta sẽ thấy được nội dung quan trọng của thông điệp: “Humanae Vitae Tradendae Munus Gravissimum”, có nghĩa là “Bổn Phận hết sức nghiêm trọng phải thông truyền sự sống con người”. Diễn lại cho xuôi ý, chúng ta có thể nói: “Thông truyền sự sống con người là bổn phận hết sức nghiêm trọng”. Đây là một xác định giáo lý có tính cách tiên tri! Nói cách nôm ra: con người không nên đùa giỡn với việc “truyền sinh”. Không được xem đó như là một “trò chơi”!

ĐTC Phaolô VI
40 năm đã qua, kể từ khi ban hành thông điệp “Sự Sống con người”- 25 tháng 7 năm 1968 và 25 tháng 7 năm 2008. Nhật báo Quan Sát Viên Roma, cơ quan ngôn luận bán chính thức của Toà Thánh, số phát hành ngày thứ sáu 25 tháng 7, đã dành nhiều trang đặc biệt để kỷ niệm biến cố này. Trong số các bài, có bài “xã luận” của Ông Gian Maria Vian, giám đốc của tờ báo, nhắc lại tính cách thời sự của Thông Điệp. Ông Gian Maria Vian đã gọi thông điệp bằng cụm từ “Dấu chỉ đích thực gây mâu thuẫn”. Ông ghi nhận là thông điệp xem ra như không được nhiều người “muốn nghĩ đến” nữa, bởi vì giáo huấn của thông điệp “rất đòi hỏi” và “đi ngược dòng” tâm thức thường tình con người. Nhưng, theo Ông Gian Maria Vian, Thông Điệp “Sự Sống con người” rất ăn khớp với những giáo lý quan trọng của Công Đồng Vaticanô II về hôn nhân và về gia đình. Dù vậy, khi được công bố, Thông Điệp như bị “nhận chìm” trong những tranh luận và chống đối, cả từ trong hàng ngũ những người con “ưu tú” của Giáo Hội, từ một số những linh mục và những thần học gia công giáo. Đức Hồng Y Francis Stafford, Chưởng Ấn Toà Án Tối Cao trong Giáo Hội, đã không ngần ngại gọi năm 1968 là “năm của thử thách”.

Ông Gian Maria Vian
Theo nhận định của Ông Gian Maria Vian, thì những chống đối thông điệp “Humanae Vitae” là “vô tiền khoáng hậu”, và do hoàn cảnh văn hoá phức tạp của những thập niên 60 và 70, và do những lợi lộc riêng tư sẽ bị thiệt thòi, nếu giáo huấn của Thông Điệp được các con cái giáo hội tuân phục thi hành.

Giờ đây, sau 40 năm, nhìn lại giáo huấn của Thông Điệp, Ông Gian Maria Vian cho rằng Thông Điệp đã nói lên tiếng nói rõ ràng và có tính cách cảnh tỉnh trước những nguy hiểm lèo lái sự sống con người, trước những phát triển kỹ thuật đáng e ngại trong lãnh vực sinh lý và truyền sinh.

Hôm ngày 10 tháng 5 vừa qua (năm 2008), khi tiếp kiến những tham dự viên của Hội Nghị Quốc Tế do Đại Học Lateranô, Roma, tổ chức, nhắm kỷ niệm 40 năm Thông Điệp “Sự Sống con người”, Đức Bênêđitô XVI đã lên tiếng “tố cáo” một lối “sinh hoạt tính dục” biến thái thành như là một “thứ thuốc phiện”. Đức Thánh Cha lúc đó đã mạnh mẽ nhắc lại rằng “không có kỹ thuật nào có thể thay thế cho hành động truyền sinh của tình yêu và dựa trên tình yêu. Với cách nói này, Đức Thánh Cha nhắc lại giáo lý truyền thống của Giáo Hội Công Giáo, không chấp nhận bất cứ phương pháp ngừa thai nhân tạo nào, và do đó không chấp nhận việc “truyền sinh do kỹ thuật y khoa thực hiện”. Đức Thánh Cha nhắc lại sự cần thiết của một chương trình giáo dục tương xứng về phái tính, nhất là dành cho giới trẻ.

Được biết, để soạn Thông Điệp “Humanae Vitae”, Sự Sống Con Người, Đức Phaolô VI lúc đó đã phải thiết lập các Ủy ban chuyên môn, làm việc trong vòng 5 năm. Cân nhắc kỹ lưỡng những đề nghị khác nhau của các Ủy Ban, Đức Phaolô VI đã quyết định cách rõ ràng rằng ngài quyết chọn tuân giữ giáo lý truyền thống của giáo hội, đã được nói lên nhiều lần, do bởi các vị giáo hoàng tiền nhiệm ngài.

Như thế, Thông Điệp đã được công bố như một “quả bom” bất ngờ trong dư luận thế giới, bởi vì lúc đó nhiều người tưởng nghĩ là giáo hội sẽ thay đổi “lập trường truyền thống”, để thích ứng với tâm thức dễ dãi của đa số.

Lễ kỷ niệm 40 TĐ Humanae Vitae tại Manila, Philippines ngày 25/7/2008
Giáo Lý truyền thống của giáo hội về truyền sinh được bảo vệ trọn vẹn. Thông Điệp xác nhận “mối dây liên kết không thể tách rời” giữa hai ý nghĩa của hành động phối hợp vợ chồng là kết hiệp và truyền sinh. Mọi hành động hôn nhân phải mở rộng đón nhận việc truyền sinh. Mọi phương pháp nhân tạo để điều hoà sinh sản là không thể chấp nhận được, vì tự chúng, những phương pháp nhân tạo đó là xấu, là “không chân thành”, là “ru ngủ lương tâm”, dẫn đến “phá thai”, giết người vô tội mà không nói ra. (Mọi thuốc “ngừa thai” đều có tác dụng phá thai, giết chết thai nhi vô tội). Một cách tích cực, Thông Điệp “Humanae Vitae”, Sự sống con người, nhìn nhận tính cách đúng luân lý của việc tuân theo “chu kỳ tự nhiên” trong những hành động hôn nhân. Theo giáo lý của giáo hội, việc điều hoà sinh sản cần tuân theo chu kỳ tự nhiên, khi người nữ trong giai đoạn không thụ tinh mang thai.