Từ Phúc Lợi Xã Hội Tới Nghiên Cứu Tế Bào Gốc



Tuần qua, tại Parramatta, NSW, Australia, đã diễn ra Hội Nghị Lưỡng Niên Các Liên Hệ Nhân Dụng Ngành Phúc Lợi Xã Hội Công Giáo, quy tụ các vị tổng giám đốc, giám đốc và các nhà chuyên nghiệp ngành này. Đây là cơ hội để các vị gặp nhau và thảo luận các vấn đề quan trọng thuộc lãnh vực liên hệ nhân dụng và để họ liên kết với các đồng nghiệp khác trong ngành phúc lợi xã hội.



Chủ đề của hội nghị lần này là: Phúc Lợi Xã Hội Công Giáo: Các Liên Hệ Nhân Dụng Đang Thay Đổi Trong Các Cộng Đồng Đang Thay Đổi. Lên tiếng trong Hội Nghị lần này, Đức Cha Kevin Manning, giám mục Parramatta, cho hay: quan tâm hàng đầu của các dịch vụ phúc lợi xã hội Công Giáo là truyền bá sứ điệp hy vọng của Phúc Âm, là trở thành “khuôn mặt Chúa Kitô” cho những người thiếu thốn, qua tiếp xúc bản thân, gương sáng, ảnh hưởng, bênh vực, các dự án và hoạt động. “Mục tiêu trước nhất của nó là tiếp nối công việc của Chúa Kitô trong việc nhìn nhận phẩm giá của mọi nhân vị, mời gọi họ sống trọn cuộc sống họ, và nhất là vươn cánh tay ra ôm lấy người nghèo, người kém thế hay bị đẩy ra ngoài lề xã hội, cũng như những ai bị các thách đố của đời đè bẹp”.

Đức cha Manning cũng cho hay: “Trung tâm của các dịch vụ xã hội là ý thức công bằng, một niềm hoài mong rằng mọi người đều có quyền có phẩm giá, thoả mãn được các nhu cầu căn bản, được an toàn, có nhà ở, được chăm sóc thoả đáng, và được yêu thương”.

Đối với Đức cha, gia đình, cá nhân và các mối liên hệ giữa họ với nhau chính là rường cột của xã hội và của Giáo Hội. “Sự kiện ấy đã được nói rõ trong nhiều giáo huấn của Giáo Hội. Tuy nhiên, dù có những ràng buộc xúc cảm khá mạnh và nhiều thiện chí, việc sống chung và duy trì được các liên kết thích đáng, song song với việc sắp xếp các điểm chuyển tiếp trong đời, đôi khi thật khó khăn đối với một số người, khó khăn đến độ họ trở thành “kẹt cứng” và sau cùng hết hành động nổi… Nếu chúng ta muốn tiếp nối sứ mệnh của Chúa Kitô: ‘Con đến để họ được sống và được sống sung mãn’ (Ga 10:10), thì bắt buộc chúng ta phải cung cấp cho họ các dịch vụ chuyên nghiệp có phẩm chất giúp họ nhận ra và sống thực tiềm năng của họ ở trên đời trong một tinh thần hy vọng. Mọi người chúng ta đều muốn một cuộc sống trọn hảo. Nhưng không phải ai ai cũng có đồng đều cơ hội thực hiện điều ấy. Nhiều người vẫn từng và còn bị hoàn cảnh này hay hoàn cảnh khác cầm chân. Chính vai trò các dịch vụ xã hội Công Giáo trong tư cách những con người mang hy vọng sẽ giúp mọi người tiến tới khả thể kia”.

Khá nhiều các diễn giảng nổi tiếng đã được mời đóng góp trong Hội Nghị này. John Della Bosca, Bộ Trưởng Các Liên Hệ Kỹ Nghệ Bang New South Wales đã trình bày với Đại Hội nhiều cái nhìn thông sáng về lịch sử các khai triển từng được đưa ra nhằm dẫn đến một hệ thống liên hệ kỹ nghệ hài hoà toàn quốc. Stephen Rothman, Thẩm Phán Tối Cao Bang New South Wales, nói về nhiệm vụ các chủ nhân phải dùng các phương thức chăm sóc và thường luật. Giáo sư Joellen Riley của Đại Học New South Wales khảo sát tác dụng của cuộc bầu cử Liên Bang và hướng đi tương lai của các liên hệ kỹ nghệ. Robyn Alexander, nhà nghiên cứu và là tác giả tập tài liệu Understanding Australian Industrial Relations, trình bầy vấn đề thương thảo tập thể có tính bao hàm (inclusive collective bargaining). Trong khi Damien Power thuộc cơ quan Centacare tại Canberra nói tới kinh nghiệm của ông trong việc khai triển các thoả thuận liên hệ nhân dụng hiện đại. Michael McDonald, Tổng Giám Đốc Ủy Ban Công Giáo về Liên Hệ Nhân Dụng, Giáo Sư Marian Baird của Đại Học Sydney và Jim Booth của Centacare tại Vùng Tây Bắc New England lập thành ban thảo luận xem sét một loạt các vấn đề liên hệ nhân dụng khác.

Nghiên Cứu Tế Bào Gốc



Trong khi đó, tại Tổng Giáo Phận Sydney, Đức Hồng Y George Pell hoan nghênh công việc của nhóm nghiên cứu Adelaide là nhóm đã được Tổng Giáo Phẩm cấp ngân khoản 100,000 đô-la để hỗ trợ việc nghiên cứu tế bào gốc người lớn.

Nhóm này do Phó Giáo Sư Stan Gronthos thuộc Phòng Thí Nghiệm Xương và Ung Thư của Viện Hanson, và Bác Sĩ Simon Koblar, thuộc trường Y Khoa Adelaide, điều khiển.

Ngân khoản của Tổng Giáo Phận Sydney sẽ giúp nhóm này thăm dò khả năng của tế bào gốc lấy từ tế bào của tủy răng để dị biệt hóa thành tế bào thần kinh, và khảo sát xem chúng có tiềm năng điều trị những người bị đột qụy hay không.



Đức Hồng Y Pell cho hay: “dự án của Phó Giáo Sư Gronthos và Bác Sĩ Koblar đem lại nhiều tư tưởng và lối suy nghĩ mới liên quan đến việc dùng tế bào gốc người lớn để nghiên cứu và tìm ra phương thức điều trị mới cho người bị đột qụy. Cuộc nghiên cứu của họ sẽ khởi diễn và cổ vũ một sự hợp tác mới giữa các nhà nghiên cứu trong lãnh vực này, và tôi rất hài lòng khi thấy việc tổng giáo phận Sydney cấp ngân khoản sẽ đóng góp đáng kể để đảm bảo công cuộc nghiên cứu của họ tiếp tục diễn tiến. Đây thực sự là một cuộc nghiên cứu hợp đạo đức, nhiều đổi mới và nhằm mục đích cải thiện sự sống…”

Nhóm nghiên cứu của Phó Giáo Sư Gronthos và Bác Sĩ Koblar là một trong 10 mười nhóm nạp đơn xin cấp ngân khoản này. Một ban tuyển chọn độc lập đã được thành lập để cứu xét các đơn xin, dựa trên các phúc trình từ một đến hai trọng tài do chính đương đơn đề cử, và một trọng tài của ban tuyển chọn. Ban tuyển chọn này gồm Bác Sĩ Peter McCullagh, một nhà nghiên cứu y khoa nay đã về hưu và hiện là thành viên của Ủy Ban Cấp Giấy Phép Trong Hội Đồng Quốc Gia Nghiên Cứu Sức Khỏe Và Y Khoa, Giáo Sư Colin Thomson, Giáo Sư Thỉnh Giảng Phân Khoa Luật, Trường Đại Học Wollongong và là chủ tịch Ủy Ban Úc Châu về Đạo Đức Sức Khỏe, và Bác Sĩ Bernadette Tobin, giám đốc Trung Tâm Plunkett về Đạo Đức tại Bệnh Viện St Vincent, Sydney. Ủy ban đã đồng thanh chấp nhận dự án củ Phó Giáo Sư Gronthos và Bác Sĩ Koblar.

Bác Sỉ Tobin phát biểu rằng dù cả mười đơn xin đều hội đủ các tiêu chuẩn chọn lựa và phản ảnh “các tiêu chuẩn rất cao về tính ưu việt khoa học”, nhưng dự án Gronthos-Koblar nổi bật vì một số lý do sau đây. “Chúng tôi được khuyến cáo là các nhà nghiên cứu này đã đấm quá cả trọng lượng của chính họ. Một trong các trọng tài nhận định rằng cuộc nghiên cứu đầy tính canh tân của Giáo Sư Gronthos và Bác Sĩ Koblar có cơ may đảm lại nhiều kiến thức mới rất quan trọng. Và với những kiến thức mới ấy là các cách chữa trị và điều trị mới. Thêm vào đó, Phó Giáo Sư Gronthos và Bác Sĩ Koblar còn hướng dẫn một nhóm nghiên cứu được thiết lập với một thành tích đã công bố nhiều ấn phẩm giá trị trong lãnh vực nghiên cứu tế bào gốc người lớn”.

Hiện nay, tổng giáo phận Sydney đang tài trợ ba loại nghiên cứu khác nhau về tiềm năng điều trị của tế bào gốc người lớn. Trong năm 2003, tổng giáo phận đã cấp ngân khoản cho Giáo Sư Alan Mackay-Sim của Đại Học Griffith tiến hành dự án nghiên cứu xem liệu tế bào gốc người lớn lấy từ mũi ra có tiềm năng chữa được bệnh Parkinson hay không. Năm 2005, ngân khoản đã được cấp cho Bác Sĩ Pritinder Kaur của Viện Ung Thư Peter McCallum để tiến hành dự án thăm dò tiềm năng dùng tế bào gốc người lớn lấy từ da ra có thể tái tạo được da người sau khi bị phỏng nặng hay không.

Con số các đơn xin cấp ngân khoản mỗi năm một gia tăng: 4 đơn năm 2003, 8 đơn năm 2005 và 10 đơn năm 2007.

Vũ Văn An

Theo tin và hình ảnh của Damir Govorcin, The Catholic Weekly, 23-03-2008