ĐÊM KHÔNG NGỦ Ở TÒA KHÂM SỨ - CHẾT BÊN MẸ, CON SỢ CHI



Tòa Khâm sứ, buổi chiều thử thách tinh thần người tín hữu.

Mời xem video: Tòa Khâm Sứ “Đây Bài Ca Ngàn Trùng...”


Thông tin về công văn của Thành phố Hà Nội hẹn đúng 17 giờ chiều ngày Chúa nhật Tòa Tổng Giám mục Hà Nội “phải giải tán hoàn tòa khỏi 42 Nhà Chung nếu không sẽ dùng biện pháp mạnh”. Cùng với những động thái của nhà cầm quyền Hà Nội làm những tín hữu Công giáo trong và ngoài nước cũng như dân chúng quan tâm nóng lòng chú ý đón đợi những sự kiện gì xảy ra.

Người ta cứ tưởng sẽ có một sự hoảng loạn của giáo dân Hà Nội, khi mà mưa bão đòn thù hẹn giờ trút xuống trên đầu họ. Người ta cứ nghĩ sẽ có sự chống đỡ, chuẩn bị của những người Công giáo trước sự đe dọa trấn áp này một cách rầm rộ với logic suy nghĩ: Có ai khoanh tay chịu đánh bao giờ.

Chiều nay, tôi đến Tòa Khâm sứ.

Khoảng 3 giờ chiều, trên khu đất trước mặt ngôi nhà của Tòa Khâm sứ, vẫn cây Thánh giá gầy gò mang nặng hình Chúa Giêsu treo treo trong gió lạnh phía dưới đầy hoa và nến cháy. Trong giá rét chiều cuối đông, tượng Mẹ bế xác Chúa Giê su vẫn nằm dưới gốc đa nhưng xung quanh phủ đầy hoa và nến như nói lên lòng yêu mến Mẹ của Giáo dân Hà Nội ngập tràn.

Cuộc cầu nguyện của khoảng 300 – 400 con người bên tượng Mẹ sầu bi, dưới Thánh giá vẫn bình tĩnh lạ thường, dù công an dày đặc, dù giờ G cứ nhích dần từng khắc một cách chậm chạp nặng nề. Những người lương dân hiếu kỳ đi qua cũng dừng lại hoặc ít nhất nghiêng đầu nhìn sang một buổi chiều lạ thường nơi đây.

Trong không khí tĩnh lặng nặng nề khi chưa biết những gì sẽ xảy ra với những người giáo dân không một tấc sắt trong tay, chỉ có lòng tin và sự kiên trinh của mình làm vũ khí sẵn sàng đối mặt với bạo quyền. Những lời kinh cất lên hòa những bài Thánh ca đã làm cho lòng tôi dâng lên một cảm xúc kỳ lạ. “Từ nay lòng con nhớ lời Mẹ tha thiết, sá gì dầu nguy biến thề chết có Mẹ vui có Mẹ. Dù rằng bao sóng gió con lo gì con lo gì. Chết bên Mẹ con sợ chi, con sợ chi Mẹ ơi”.

Tôi ớn lạnh tưởng đến những gì khi sắt thép súng đạn lên tiếng. Một giọt nước mắt lăn dài trên má, khi nghĩ về Giáo hội đau thương. Tôi tự hỏi: Nếu những người cầm quyền kia, đến đây để nghe được những lời hát đầy ý nghĩa đó, họ sẽ nghĩ gì?

Trong Tòa Tổng Giám mục, Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt vẫn đi lại, tiếp khách nhưng trên mặt người không thể giấu nổi những nét ưu tư. Nhìn nét mặt Ngài, tôi hiểu Ngài sẽ sẵn sàng sát cánh cùng đoàn chiên đối diện với bạo lực một cách ôn hòa, bình tĩnh.

Trời về chiều, các linh mục đã đi làm mục vụ ở các xứ, giáo dân kéo về ngày một đông, không khí chộn rộn hẳn lên. Người người gặp nhau hỏi thăm tình hình, đến tận nơi đọc kinh sốt sắng và hát Thánh ca một cách say sưa. Một số cụ già người không phải là tín hữu đứng ngoài bờ rào nhìn vào và bàn luận: Chỉ có người Công giáo mới bình tĩnh đến như thế được, nhìn họ vui vẻ mà tôi thấy nao lòng.

Nơi cổng chính vào Tòa Khâm sứ, công an tên Sơn đang tranh luận với một giáo dân, đi ngang qua, tình cờ nghe được thấy vui nên tôi đứng lại:

Giáo dân: Chỗ này, ngày trước có câu lạc bộ nhảy nhót, phía sau có bể bơi anh nghĩ thế nào?

Công an Sơn: Việc làm sàn nhảy và bể bơi là làm láo. Anh cứ xem nhà mình mà có hàng xóm làm nhà thay quần áo không kín đáo anh cũng khó chịu. Huống chi là nơi của Tòa Giám mục. Chúng nó làm láo.

Giáo dân: Theo anh, cách nào để giải quyết tốt đẹp chuyện này?

Công an Sơn: Thành phố đã có văn bản trả lời rồi đấy thôi, nếu Hội đồng Giám mục làm đơn xin, thì sẽ xem xét cấp đất. Tôi chỉ là thừa hành, còn việc giải quyết, đã có cơ quan khác.

Giáo dân: Vẫn biết các anh chỉ là công cụ hành pháp, nhưng tôi muốn biết nhận định của anh về việc mảnh đất này? Theo Tòa Giám mục, họ chưa cho, chưa nhượng hay bất cứ sự trao đổi nào nên họ đòi lại.

Công an Sơn: Đó là vấn đề lịch sử, các cơ quan đã sử dụng gần năm mươi năm nay, theo luật đất đai, thì không có chuyện đòi lại vì vấn đề đã thuộc lịch sử.

Giáo dân: Lịch sử làm sao được, vì hai bên chủ thể tranh chấp vẫn tồn tại, Giáo hội Công giáo vẫn là chủ đất trước khi bị chiếm đoạt, và nhà nước Việt Nam này vẫn còn đó thì đó là vấn đề hiện tại chứ vấn đề tranh chấp đã xong đâu mà áp dụng luật đất đai hay gọi là lịch sử?

Công an Sơn: Đừng nói chuyện chiếm đoạt, mà linh mục Cương đã giao cho nhà nước. Ông xem, nếu như trước đây bố mẹ anh bán cho người khác, nay anh có đòi được không. Với lại, ông Sang, Giám mục Thái Bình đã nói là đất đây trước là của chùa, vậy nên phật giáo hải ngoại đang bảo là họ mới có quyền đòi.

Giáo dân: Nhưng linh mục Cương không thể giao cho nhà nước đất của Giáo hội, vì linh mục Cương chỉ là quản lý, không có quyền sở hữu. Còn chuyện Phật giáo, thì đó mới là vấn đề lịch sử. Vì hai chủ thể quan hệ là Thực dân Pháp và Phật giáo sở hữu chùa lúc đó đều không tồn tại đến nay. Anh làm bên hành pháp anh phải hiểu vấn đề này chứ?

Công an Sơn: Nhưng năm mươi năm rồi, anh xem hồi anh còn nhỏ khác, bây giờ khác chứ?

Giáo dân: Nhưng nếu hồi tôi hai mươi tuổi giết người, trộm cắp, bây giờ tôi mới về quê công an có điều kiện bắt được, các anh có bắt không? Nếu ngày hôm nay, tôi giết người, trôm cướp, mai tôi vẫn có thể bảo đó là chuyện lịch sử vì hôm nay khác hôm qua?

Đến đây, anh công an tên Sơn bỏ đi, tôi nghĩ cũng thật vui, đã đến lúc truyền thông làm cho con người bước qua sự sợ hãi vì thiếu hiểu biết. Câu chuyện nghe lỏm được cũng đã làm tôi hiểu phần nào vì sao Giáo dân họ bình tĩnh đến thế: Họ đã hiểu được quyền và công lý thuộc về họ, dù họ không có vũ khí.

Đêm không ngủ.

Trời tối dần, từng đoàn người đến cầu nguyện xong đã đi vào nhà thờ tham dự Thánh lễ, nhưng bên ngoài khu đất, vẫn liên tục các buổi cầu nguyện nối tiếp nhau cho đến khi Thánh lễ xong. Loa phóng thanh nhắc nhở bà con giáo dân: Noi gương Chúa Giêsu, trước giờ bị bắt hành hình, vẫn cầu nguyện và sẵn sàng dân mạng sống mình cho Chân lý được tỏ hiện. Vì vậy yêu cầu giáo dân tuyệt đối giữ kỷ luật, không gây xáo động và không làm mất trật tự, đề phòng những kẻ phá rối.

Giáo dân bảo nhau: “Cẩn thận kẻo mắc vào cái bẫy vừa ăn cướp vừa la làng đấy, xem cái buổi truyền hình Hà Nội tối qua thì biết thật giả ở đâu, nó lật ngược sự việc trắng thành đen ngay đấy. Không thể tin được báo đài nhà nước đâu. Tòa Tổng Giám mục đã vừa gửi đơn khiếu nại đấy thôi”. Có người nói lại “Thế mới là báo đài nhà nước độc tài. Nếu nói đúng tất cả, thì việc gì phải giữ cái độc tài báo chí làm gì”?

Sau Thánh lễ, cùng với ba linh mục vừa đồng tế, khoảng 3000 người ngập tràn khu đất với nến sáng trong tay đầy khu Tòa Khâm sứ để cầu nguyện. Những bài Thánh ca cầu nguyện lại cất lên tha thiết dưới trời đông lạnh lẽo và mưa mỗi lúc một nặng hạt. Một số các bà, các cụ vừa choàng áo mưa, vừa đốt lửa sưởi ấm để cầu nguyện.

Cầu kinh trong sương lạnh...
Đúng là những hình ảnh hiếm có ở ngay trên thế giới này thời hiện đại. Nhìn những con người đang co ro trong áo mưa và bên bếp lửa trong đêm để cất lên tiếng nguyện cầu, tôi chợt liên tưởng đến thời kỳ sơ khai của Giáo hội Công giáo dưới những hang “toại đạo”.

Ôi, những cụ già, những cô gái chàng trai này, có thể họ không biết rằng: Những hình ảnh đó, sẽ là những hình ảnh đi vào lịch sử Giáo hội để ghi nhận một thời khắc khắc nghiệt của Giáo hội trong quá trình trưởng thành. Chỉ tiếc rằng, nó đang diễn ra ở Thế kỷ XXI, ở một đất nước đang hội nhập, một xã hội lấy tiêu chí là Độc lập – Tự do – Hạnh phúc gắn liền với quốc hiệu, nơi được quảng cáo là Thiên đường Xã hội chủ nghĩa. Một xã hội Công bằng – Dân chủ - Văn minh!

Trời tối, từng đoàn giáo dân các giáo xứ lần lượt kéo nhau về khu đất Tòa Khâm sứ, họ bảo nhau: Chúng ta về Thánh địa và cùng nhau ăn những bữa cơm vội vàng lạnh ngắt bên tường rào, thềm nhà một cách vui vẻ. Nhìn gương mặt họ rạng rỡ, tôi thấy được sức mạnh tiềm tàng của Giáo hội to lớn biết nhường nào. Nhất là khi có một chủ chăn sáng suốt, biết khơi thông dòng chảy cho những điều tốt đẹp.

Trời càng về khuya càng buốt, Giáo dân bảo nhau: “Cần chú ý, biết đâu chúng nó sẽ đánh vào ban đêm với trò cắn trộm, khi người ta ở đây không còn nhiều”. Nhưng có người lại bảo “Chẳng lẽ nào có nhà nước hèn hạ đến thế được, lại đánh trộm đàn bà, trẻ con”.

Ăn trong bóng đêm
Đã hơn mười giờ đêm, mà trên sân vẫn đông đúc những cụ già, những thanh niên nam nữ, các sơ cũng như giáo dân các nơi tiếp tục đến. Một nhóm đang căng bạt có chỗ ngồi qua đêm mà cầu nguyện, các Linh mục đi thăm hỏi giáo dân, ân cần như cha con ruột thịt.

Tôi về ngồi trong nhà viết những dòng này, mà đôi chân vẫn buốt lạnh. Ngoài kia, các cụ già, các em nhỏ vẫn cầu nguyện bên ánh nến giữa đêm khuya, tiếng Thánh ca vẫn vang lên “Chết bên Mẹ, con sợ chi Mẹ ơi”. Giờ này, ngoài đó chắc lạnh lắm.

Cầu cùng Thiên Chúa giúp cho họ thêm sức khỏe và sưởi ấm tâm hồn họ bằng một niềm tin lớn lao, mạnh mẽ vào công lý và sự thật.

Xin Thiên Chúa mau đoái nhìn, để sớm chấm dứt những cảnh này, đừng thử thách con người vượt quá sức chịu đựng của họ.

Hà Nội, 12 giờ đêm 27 tháng 1 năm 2008.