Hơn cả mẹ hiền

Người ta thường nói “Công sinh không bằng công dưỡng”. Nếu như điều đó đúng với hết mọi trường hợp, thì những người nuôi nấng những đứa trẻ tàn tật, bất toại, bại não và không có liên hệ họ hàng máu mủ gì với mình, với tất cả yêu thương, càng đáng được gọi bằng mẹ gấp bội lần, hay có thể nói một cách khác là “hơn cả mẹ hiền”.

Trên con đường từ quốc lộ 1A vào xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, cách trung tâm xã độ 1 km, nằm phía tay trái, có một ngôi nhà quay hướng đông mới được tu sửa và một ngôi nhà đã cũ quay hướng nam, trước cổng để một cái bảng: Trung Tâm Nuôi Dạy Trẻ Tàn Tật (TTNDTTT) 19/3. Nơi đây, tôi thấy có những con người hơn cả mẹ hiền.

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH CƠ SỞ

TTNDTTT 19/3 là cơ sở nuôi dạy những trẻ khuyết tật, mà phần đông là con nhà nghèo khó và mồ côi, của các chị Thừa Sai Bác Ái (TSBA) giáo phận Vinh, do cha Giuse Nguyễn Đăng Điền sáng lập. (Về sự hình thành, linh đạo và mục đích của Dòng, xin coi bài viết cùng tác giả đã được đăng cách đây hơn 2 tuần, trong chuyên mục Giáo phận Vinh).

Sự trăn trở của cha Giuse là, thấy trong giáo phận Vinh nói riêng và một số giáo phận khác ở Việt Nam nói chung có nhiều tâm hồn nhiệt huyết tông đồ, yêu mến đời dâng hiến, nhưng do hoàn cảnh không học hành được những bằng cấp cao như một số Hội Dòng đòi hỏi, hay do không may mắn có một cơ thể lành lặn nên đành nhấn chìm ước nguyện; cũng như do thấy nhu cầu bao la của những người đau khổ, bất hạnh trong một điạ hạt có nhiều khó khăn do hoàn cảnh chung của đất nước và do thường gánh chịu thiên tai, nên cha đã lập ra Tu Hội TSBA với hy vọng đáp ứng phần nào những nhu cầu đó.

Cộng đoàn TSBA Xã Đoài được phôi thai cách đây 7 năm. Lúc đầu chỉ có hai người là chị Hà Thị Hồng Châu và chị Nguyễn Thị Kim Hóa. Hai chị này trước đó: một người giúp việc và một người ở trong nhóm khuyết tật của anh Nguyễn Công Hùng, tại xã Nghi Diên, Nghị Lộc, Nghệ An.

Một lần đi dự lễ ở Nhân Hòa, chị Hồng Châu trò chuyện với cha Giuse Nguyễn Đăng Điền, người đã lập một số cộng đoàn Thừa Sai Bác Ái trong giáo phận Vinh. Thấy được ước nguyện của chị, cha liền mua mảnh đất trong điạ bàn xóm 7, xã Nghi Diên. Sau đó, cha mượn Đức cố giám mục giáo phận Vinh, Phêrô Trần Xuân Hạp, một số tiền, cùng với ít tiền của cha, xây nên hai căn nhà cấp 4.

Khi nhà cửa tạm hoàn tất thì tiền nong của hai chị em vừa cạn kiệt. Cùng lúc đó, có 5 cháu bại liệt ở Nghi Yên, Nghi Lộc, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên cha mẹ của các cháu đến cậy cha Giuse tìm nơi gửi nuôi. Thực ra, những cháu này từ vài năm trước đó cha đã để ý tới, nhưng do chưa tìm được người có sở thích nuôi dạy trẻ khuyết tật và cơ sở nên cha chưa nói gì với họ. Nay cơ sở tạm ổn định và đúng lúc các gia đình này rơi vào cảnh cùng cực, nên cha bảo chị Hồng Châu đi đón các cháu về ngay.

Sự hăng say lý tưởng và vâng lời cha Bề trên làm hai chị em quên đi những thiếu thốn trong nhà. Đưa các cháu về mà giường chõng, chăn chiếu, xoong nồi, bát đĩa… chưa có. Lúc bấy giờ, chị Hóa ngồi trông coi các cháu, còn chị Châu mới đi nhờ mấy người hàng xóm mượn cho mấy cái giường, và sau đó mới vay tiền về sắm sanh đồ dùng cho các cháu.

Nếu như chỉ có hai chị em với nhau, khi thiếu gạo hết tiền còn đi làm thuê được. Mỗi người tự làm nuôi lấy mình, hay cùng lắm một người làm nuôi hai miệng ăn cũng không đến nỗi. Nay có thêm 5 cháu, vừa thêm khẩu phần ăn, vừa phải trông coi các cháu không thể đi làm thuê được, nên các chị thấy mình như chưa bao giờ túng cực đến thế. Có những lúc mệt mỏi, lo lắng quá, hai chị cũng thoáng nghĩ tới việc bàn với cha để trả các em về cho gia đình. Nhưng nghĩ khi các cháu trở về gia đình, có những nhà đông con, cha mẹ đi làm suốt ngày hay đi làm xa lâu ngày, phải ở nhà với các anh chị hay các em. Các anh chị em của chúng còn nhỏ chưa thể lo nổi cho mình thì làm sao lo cho chúng. Thấy vậy hai chị lại muốn giữ các cháu lại. Bên cạnh đó, hai chị cũng được sự khích lệ và nhắc nhở của cha Giuse: “Chúa không thử thách ai quá sức. Công việc bác ái trước hết là của Chúa. Do đó, cứ tin tưởng và phó thác vào Chúa!”.

Rồi mỗi tối, hai chị em cùng cầu nguyện với Chúa bên các cháu. Những lời “Khi các con làm điều gì cho một trong những người bé mọn nhất là các con làm cho Ta” cứ vang vọng trong tâm hồn, khiến hai chị cảm thấy có được sự an ủi. Hai chị em mới nói với nhau rằng: “Chẳng lẽ mình đưa Chúa ra khỏi nhà này?!”. Từ đó, hai chị kiên định ý tưởng phục vụ các cháu.

Thấy các chị tận tình với các cháu mà phải sống trong túng thiếu, một số người hàng xóm: lúc bó rau, lúc dăm con cá, lúc vài cân gạo, lúc mươi lăm ngàn bạc… mang đến giúp đỡ các chị. Họ cũng giới thiệu người này người kia, nhờ đó mà các chị và các cháu sống được qua ngày.

Thời gian dần trôi, công việc của các chị đã cuốn hút được những trái tim bé nhỏ nhưng muốn chứa đựng cả khối tình bao la của Thiên Chúa và cưu mang niềm khát vọng vô biên về hạnh phúc của những mảnh đời thiếu may mắn. Số thành viên của cộng đoàn được tăng lên.

Tiếng lành đồn xa. Công việc của các chị tuy âm thầm nhưng đã đến tai nhiều người, nên người ta đã đưa con cháu đến gửi nhờ. Một số em do cha mẹ đưa đến, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, con cái đông và còn bé nhỏ. Nếu để đứa con tàn tật ở nhà, thì họ phải lo chăm sóc, không có nhiều thời gian để lo cái ăn cái mặc, việc học hành cho những đứa con khác. Nhưng bỏ nó nằm lây lất một mình để đi làm tối ngày thì họ không đành lòng. Có những trẻ do cha mẹ qua đời, nên họ hàng mang đến gửi gắm. Cũng có em do người mẹ lầm lỡ, sợ xấu hổ hay không có khả năng để nuôi nấng đứa con tàn tật, cũng như còn phải lo tương lai, nên chính người mẹ đã phải ngậm ngùi đưa con đến nương nhờ sự chở che của các chị. Xót xa hơn, có những em bị bỏ rơi ngoài đường, được người ta nhặt về nuôi, và sau khi biết tin về cơ sở của các chị đã mang đến xin các chị đón nhận nuôi dùm.

Các thành viên của cộng đoàn và các cháu nhiều hơn, khiến ngôi nhà thêm đầm ấm, vui nhộn. Nhưng đó cũng là lúc thêm nhiều khó khăn, nhất là về chỗ ở. Hơn ba chục người tất cả, vậy mà tổng diện tích của hai căn nhà chỉ hơn 100 m2. Dầu các chị không bao giờ kêu than chật chội, nhưng một số người, nhất là những người ở nước ngoài về nhìn thấy vậy liền động lòng thương. Ước nguyện một đời dâng hiến và phục vụ những con người đau khổ tận cùng nhất; các cháu này là những con người vô tội nhưng phải chịu khổ đau, thua thiệt hơn ai hết, lẽ ra phải được hưởng những sự ưu ái. Nhưng thực tế dường như ngược lại. Vì vậy, họ đã rộng tay giúp đỡ và kêu gọi một số ân nhân khác, cũng như nhờ sự nỗ lực của cha Bề trên, các chị đỡ dần sự lo lắng về lương thực và mua lại được miến đất của ông Lịch, cùng nâng cấp được một căn nhà (tuy chưa đủ không gian tối thiểu cho mỗi người sống trong đây), và ngày 22.10.2007 đã được Đức cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, giám mục giáo phận Vinh đến cắt băng khánh thành và làm phép cũng như khích lệ tinh thần phục vụ của các chị.

Hiện tại, cộng đoàn Thừa Sai Bác Ái Xã Đoài có 15 chị em và 24 cháu khuyết tật, do chị Têrêxa Hà Thị Hồng Châu làm trưởng.

TÌNH YÊU DẠY CÁCH LÀM MẸ

Thánh Augustinô nói rằng: “Cứ yêu đi rồi làm gì bạn sẽ biết”. Nói là cộng đoàn dòng tu TSBA, nhưng trong đó 15 chị em chỉ là những cô gái vừa thành niên hay trên độ tuổi đôi mươi dăm ba năm, và mới có hai chị khấn lần đầu. Với độ tuổi này, phần đông trong xã hội vẫn còn “ăn chưa no, lo chưa tới”, vẫn còn thích bay nhảy, thậm chí còn phải dựa vào sự chăm lo, chở che của cha mẹ, người trên. Thế mà 15 nữ nhi trong cộng đoàn này, những trái tim còn trinh trong và chỉ biết đến tình yêu Thiên Chúa, lại thể hiện khả năng làm mẹ thật hoàn hảo. Khả năng đó do lòng mến yêu Thiên Chúa và cảm thương những mảnh đời bất hạnh chỉ dạy cho các chị.

Bất cứ ai một lần đến đây đều phải dành cho các chị một sự ngưỡng phục. Trong số 24 cháu khuyết tật của trung tâm, có đến ¾ các cháu bất toại hoàn toàn, gần như chỉ sống bằng đời sống thực vật. Số còn lại, có cháu nói được thì lại không đứng không đi được, có cháu vịn tay đứng, lết đi được thì lại không thể nói, không có dấu hiệu phát triển của trí não. Vì thế, có thể nói, các trẻ nơi đây muốn đặt để, chăm sóc thế nào cũng được. Có để chúng mình trần giữa mùa đông giá lạnh chúng cũng chẳng biết, có để chúng nằm vầy và trên tiểu tiện chúng cũng chẳng hay, thậm chí có cháu còn thích thú với việc cầm nắm và bốc ăn chất phóng thải của mình. Thế nhưng các chị đã cho các cháu một cuộc sống xứng đáng với phẩm giá con người.

Hằng ngày, từ sáng sớm, sau khi nguyện kinh phụng vụ và tham dự Thánh Lễ về, các chị liền xắn tay vào công việc. Việc làm đầu tiên của các chị đó là đến từng cháu kiểm tra xem việc tiểu tiện thế nào. Như chúng ta biết, khi chỉ sống bằng đời sống thực vật, các cháu không biết gì về vấn để đi vệ sinh, và vì thế, chính các chị phải bồng bế, nghiêng lật để kiểm tra, rồi lau lọt, tắm rửa và thay đồ cho chúng. Thêm nữa, có cháu thì các chị phải bồng trên tay và xi như những bà mẹ thường làm cho con cái mỗi buổi sáng. Với cơ sở như thế, nếu vấn đề vệ sinh không được quan tâm tốt, dám quả quyết rằng, chỉ một ngày thôi sẽ làm cho người ngoài đến thăm khó bước vào nhà nổi, và cái mùi tanh hôi của các cháu sẽ làm cho người ta khiếp sợ lâu năm trong đời. Vậy mà nhà cửa, quần áo và đồ đạc của các cháu lúc nào cũng sạch sẽ, ngăn nắp.

Các cháu chỉ sống đời sống thực vật, nên có ăn uống hay không chúng cũng chẳng biết. Thế nhưng trông các cháu ở đây da thịt khá đầy đặn và hồng hào, thậm chí có cháu rất mập mạp. Để cho những cháu này có được sức khỏe như thế, ngoài việc phải để ý đến hàm lượng dinh dưỡng, các chị còn phải chăm lo cho các cháu ăn uống. Trong các công việc hằng ngày của các chị, việc cho các cháu ăn uống chiếm nhiều thời gian và vất vả nhất. Quả thật, nếu có chứng kiến một lần, mới thấy rằng, một người thiếu kiên nhẫn sẽ khó có thể ngồi xem các chị cho các cháu ăn uống xong một bữa!

Con người, dẫu chỉ sống như cỏ cây, nhưng nếu thiếu sự yêu thương, thì chúng sẽ không phát triển, không có sức sống của một con người. Vì vậy, để các cháu khỏe mạnh như thế (nói theo tình trạng của các cháu), các chị đã dành một tình yêu đặc biệt cho chúng. Cứ mỗi đêm, bốn chị thay nhau để túc trực bên các cháu. Phải thường xuyên kiểm tra xem nhiệt độ nóng lạnh của chúng thế nào để đắp thêm hay rút bớt chăn nệm ra. Vào mùa hè, hôm nào mất điện, các chị dùng quạt tay ngồi bên các cháu để làm dịu bớt cái nóng nực của miền trung. Thỉnh thoảng phải vỗ về vuốt ve chúng mới chịu ngủ. Có những cháu được các chị đón nhận lúc mới vài tháng tuổi trong tình trạng sức khỏe suy kiệt. Vì vậy, không ít đêm các chị trong nhóm trực phải thay nhau bồng ẵm suốt trên tay, chứ bỏ ra là bé khóc.

Các cháu không phải chỉ có nằm đó như một cục thịt là xong, nhiều cháu còn lở loét, sài ghẻ. Có cháu bị chứng bệnh mà có lẽ bác sĩ cũng chỉ chẩn đoán vì phải chẩn đoán mà thôi, chứ không biết rõ bệnh gì. Cứ mỗi tháng, từ ngày mồng 1 đến ngày 15 âm lịch, toàn bộ da đầu của cháu lở loét, nứt nẻ, nước chảy ra hôi tanh. Thuốc tây kể như đã bó tay. Các chị cứ theo sự mách bảo của nhân gian, lúc lá cây này, lúc mỡ mật kia bôi đắp cho cháu. Nửa tháng còn lại thì da đầu cháu bong sủi lên từng miếng da trông thật ghê sợ. Tôi có người bạn thỉnh thoảng vào thăm các cháu, anh nói rằng anh không dám nhìn vào cháu đó. Thú thật, là một người đã từng chăm sóc, tắm rửa, đụng chạm nhiều thi thể của bệnh nhân Sida, nhưng tôi vẫn bị dội, bị rùng mình mỗi lần nhìn thấy em đó. Ấy vậy, suốt mấy năm nay, ngày nào các chị cũng lau lọt, tắm rửa và ngồi bên để cho cháu ăn uống cả vài ba tiếng đồng hồ mỗi ngày!

“Tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi” (1Ga 4, 18). Thông thường, những cô gái trong độ tuổi xuân xanh này, khi đối diện với xác chết thì hết sức kinh sợ. Điều này cũng có lúc xuất hiện trong các chị. Những đêm có cháu nào sắp qua đời, vừa để giúp đỡ nhau, vừa do sự yếu vía của thiếu nữ, cả nhà thức túc trực bên cháu đó. Nhưng khi em qua đời rồi, thì những bàn tay mềm mại và những “trái tim thỏ” không ngại tắm rửa, tẩm lượm cho cháu, sau đó mới đi nhờ cha xứ và ban hành giáo giáo xứ Xã Đoài giúp đỡ việc chôn cất. Từ ngày hình thành trung tâm đến nay các chị đã tắm rửa thi thể cho bảy em.

Để cộng đoàn có thể phát triển hơn, nhất là để có thể chăm sóc cho các em tốt hơn, cha Bề trên và chị phụ trách đã gửi 4 chị đi học y tế và sư phạm, một chị đang ở tập viện, và vì vậy công việc trong nhà càng đè nặng hơn trên 10 chị em. Không chỉ có việc chăm sóc các cháu mà thôi, giữa các buổi sáng và chiều, các chị còn tranh thủ làm vườn, may thêu, photo và đánh văn bản thuê để kiếm thêm thu nhập, vì tất cả các cháu gửi ở đây hoàn toàn miễn phí. Thế nhưng, mọi việc trong nhà đều tươm tất và ai ai cũng hòa nhã, vui tươi.

TẠM KẾT

Sống là chọn lựa, sống là đi tìm. Có người chọn lựa cho mình một cuộc sống an nhàn, sạch sẽ, có người tìm kiếm một nghề nghiệp sao cho nó mang lại lợi ích vật chất cho mình và cho gia đình. Nhưng cũng có người chọn lựa một lối sống hoàn toàn cho đi, hoàn toàn quên mình vì hạnh phúc của những người bất hạnh. Những người chọn lựa theo cách sống hiến dâng có thể bị không ít người đời chê là khờ dại, thậm chí còn bị coi thường do chưa đủ những kiến thức và chuyên môn cơ bản, vì họ nói theo Các Mác (sic): “nhiệt tình + ngu dốt = phá hoại”. Nhưng như thánh Phaolô nói: khờ dại trước mặt thế gian đôi khi lại là khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa; Thiên Chúa có thể chọn sự yếu kém để cho người đời hiểu thế nào là mạnh mẽ của họ! (x. 1 Cr 1, 27).

Dĩ nhiên, khi nói như thế, không có nghĩa là các chị được phép thỏa mãn với giới hạn của mình. Khi có điều kiện, ai không nỗ lực vươn lên, hay không tạo cơ hội cho người khác phát huy khả năng của họ, thì có thể nói, người đó đang làm cản trở quy luật phát triển của loài người, của xã hội. Hành động đó, thiết nghĩ không phải là một lỗi nhỏ!

Các chị TSBA Xã Đoài đã chọn cho mình một lối sống như thế, chỉ vì họ cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa và được Thánh Thần thúc đẩy. Đối với một số người, các chị có thể là những con người non kém về nhiều mặt, ngay cả chuyên môn căn bản chăm sóc một đứa trẻ có thể nhiều chị vẫn chưa đủ.

Nhưng với các cháu khuyết tật nơi đây, các chị là những người tuyệt vời nhất, hơn cả mẹ hiền, vì đã cho các cháu tình yêu và sự sống!

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”, và “Chân lý thuộc về mọi người không chịu sống đời nhỏ nhoi!” Nếu nhạc sĩ Trần Long Ẩn có lần nào đến trung tâm này, tôi dám chắc ông sẽ tặng riêng những lời này trong ca khúc Một Đời Người, Một Rừng Cây của ông cho các chị. Xin cúi mình cảm phục và xin cầu chúc cho các chị sống trọn linh đạo của Hội Dòng: Tất cả cho vinh danh Thiên Chúa và hạnh phúc của con người, nhất là người bất hạnh. Cũng như mong sao các chị có thêm điều kiện để mở rộng cơ sở, ngõ hầu, để hơn 50 em khuyết tật khác đang muốn được vào đây, sớm được hưởng nhờ tình yêu và sự chăm sóc của các chị!