Anh chị em thân mến,

Với cuộc hành hương vĩ đại của chúng ta đến Đền Thờ Mariazell, chúng ta đang cử mừng lễ Sinh Nhật Đức Mẹ, ngày lễ bổn mạng của Đền Thờ này. Trong 850 năm qua, các tín hữu đã lũ lượt viếng đền thờ này từ các dân nước khác nhau; họ đến để cầu theo ý chỉ con tim và đất nước mình, đặt để nơi đây những ước vọng sâu xa và những lo lắng trăn trở nhất. Qua đó, Mariazell đã trở thành một địa điểm của hòa bình, hòa giải và hiệp nhất, không chỉ cho nước Áo, nhưng còn vượt xa khỏi biên giới nước này. Nơi đây, chúng ta cảm nghiệm được lòng từ ái ủi an của Đức Mẹ. Ở đây, chúng ta gặp Chúa Giêsu Kitô, nơi Ngài Thiên Chúa ở cùng chúng ta, như bài Phúc Âm hôm nay đã nhắc nhở chúng ta - Chúa Giêsu, Đấng chúng ta đã nghe từ tiên tri Mica: “Chính Ngài là hòa bình(5:4). Hôm nay, chúng ta nối gót những người hành hương qua bao thế kỷ. Chúng ta tựa bên Mẹ và cầu khẩn với Mẹ: Xin chỉ cho chúng con thấy Chúa Giêsu. Xin chỉ cho chúng con, những người hành hương, thấy Đấng vừa là đường vừa là đích điểm: là sự thật và là sự sống.

Đoạn Phúc Âm chúng ta vừa nghe mở rộng tầm nhìn chúng ta. Nó trình bày lịch sử Israel từ thời tổ phụ Abraham trở về sau như một cuộc hành hương, với những lối thẳng và đường vòng, dẫn chúng ta hướng dần về Chúa Kitô. Gia phả này với những khuôn mặt sáng láng và tối tăm, những thành công và thất bại, chỉ cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa có thể viết ngay ngắn ngay cả giữa những dòng quanh co của lịch sử chúng ta. Thiên Chúa ban cho chúng ta tự do, và ngay trong những thất bại của chúng ta, Ngài vẫn có thể tìm thấy những đường lối mới cho tình yêu của Ngài. Thiên Chúa không thất bại. Vì thế, gia phả này là một bảo chứng cho lòng trung tín của Thiên Chúa; một bảo chứng rằng Thiên Chúa không để mặc chúng ta thất bại; và là một lời mời gọi hướng đời ta về Ngài hơn bao giờ, để tiến bước về Chúa Giêsu Kitô hơn bao giờ.

Làm một cuộc hành hương nghĩa là cất bước theo một hướng đi nhất định, tiến bước về một đích điểm nhất định. Điều này tạo ra vẻ đẹp cho cuộc hành hương bất chấp gian nan và khó nhọc của cuộc hành trình. Giữa những người hành hương trong phả hệ của Chúa Giêsu, đã có nhiều người quên mất đi cùng đích và muốn làm cho chính họ trở thành cùng đích. Dù thế, hết lần này sang lần khác, Thiên Chúa kêu gọi những ai trông đợi cùng đích này, những ai hướng trọn đời mình về đích điểm đó hãy tiến bước. Sự thành hình của niềm tin Kitô, sự chào đời của Giáo Hội Chúa Kitô đã thực hiện được vì có những người trong dân Israel với những con tim không ngừng tìm kiếm, đó là những con người không hài lòng với tập tục, nhưng hướng xa hơn để tìm những gì cao cả hơn: những Zechariah, Elizabeth, Simeon, Anna, Maria, Giuse, nhóm Mười Hai và những người khác. Vì lòng họ mở ra, họ đã có thể nhìn thấy nơi Chúa Giêsu Đấng Thiên Chúa đã sai đến, và vì vậy họ đã có thể trở thành những người tiên khởi trong gia đình hoàn vũ của Ngài. Giáo Hội của Dân Ngoại đã hình thành được vì cả trong hai vùng Địa Trung Hải và những phần Á Châu nơi những sứ giả của Chúa Giêsu cất bước đến đã có những con người với tâm hồn rộng mở, những người không chỉ hài lòng với những điều mọi người chung quanh họ suy nghĩ và hành động, nhưng đang tìm kiếm một vì sao có thể dẫn họ tiến bước trên con đường hướng đến chính Sự Thật, hướng đến Thiên Chúa hằng sống.

Cả chúng ta cũng cần một tâm hồn mở rộng và con tim không yên nghỉ như họ. Đây là tất cả ý nghĩa của cuộc hành hương. Ngày nay cũng như trong quá khứ, sống như những người khác, nghĩ ngợi như những người khác chưa thể coi là đủ. Cuộc đời chúng ta có một mục đích sâu xa hơn. Chúng ta cần Thiên Chúa, vị Thiên Chúa đã tỏ lộ thiên nhan và mở rộng con tim Ngài cho chúng ta: Đó là Chúa Giêsu Kitô. Thánh Gioan thật chí lý khi nói về Ngài rằng chỉ có Ngài là Chúa và kề cận bên tâm hồn Chúa Cha (x Ga 1:18); vì thế chỉ có Ngài, từ thẳm sâu bên trong chính Thiên Chúa, có thể mạc khải Thiên Chúa cho chúng ta – mạc khải cho chúng ta biết chúng ta là ai, chúng ta từ đâu tới và chúng ta đang đi về đâu. Chắc chắn là đã có nhiều nhân vật cao trọng trong lịch sử đã có những cảm nghiệm đẹp đẽ và cảm động về Thiên Chúa. Nhưng đó cũng chỉ là những cảm nghiệm của người trần và do đó là giới hạn. Chỉ có NGÀI là Chúa và do đó chỉ có NGÀI là cầu nối đích thực thật sự nối được nhịp cầu giữa Thiên Chúa và con người. Vì thế nếu chúng ta, những người Kitô hữu, gọi Ngài là Đấng Trung Gian phổ quát của ơn cứu độ, có giá trị cho mọi người và tối hậu là mọi người đều cần đến, thì điều đó không có nghĩa là chúng ta không đếm xỉa đến các tôn giáo khác, hay là chúng ta ngạo mạn tuyệt đối hóa những ý nghĩ của chính mình; nhưng trái lại điều đó có nghĩa là chúng ta đã bị nắm bắt bởi Ngài, Đấng đã làm rung động lòng ta và tuôn đổ hồng ân lên chúng ta, đến mức đến lượt chúng ta có thể trao ban những món quà này cho người khác. Thật ra, đức tin chúng ta quyết liệt chống lại cái thái độ an phận coi con người là không có khả năng nhận biết sự thật – như thể sự thật là một điều gì đó con người không thể tiếp cận nổi. Tôi tin rằng chính cái thái độ an phận này đối với sự thật là trung tâm của cuộc khủng hoảng của Phương Tây, của Châu Âu. Nếu sự thật không tồn tại đối với con người, thì cuối cùng con người cũng không thể phân biệt được giữa thiện và ác. Và khi đó những khám phá vĩ đại và tuyệt vời của khoa học trở thành con dao hai lưỡi: chúng có thể mở ra những triển vọng đáng kể cho điều thiện và cho lợi ích của nhân loại, nhưng chúng ta cũng thấy thực rõ ràng rằng chúng cũng đang đặt ra một hiểm họa to lớn, liên quan đến sự hủy diệt con người và thế giới. Chúng ta cần sự thật. Nhưng cũng phải thú nhận rằng, dưới ánh sáng của lịch sử, chúng ta lo sợ rằng niềm tin nơi sự thật có thể dẫn đến sự bất khoan dung. Nếu chúng ta khiếp đảm bởi mối lo rất có căn cứ lịch sử này thì đó là lúc chúng ta phải hướng nhìn về Chúa Giêsu như chúng ta đang thấy Ngài trong đền thờ Mariazell này. Chúng ta thấy Ngài nơi đây dưới hai hình ảnh: như một hài nhi trong vòng tay Mẹ Ngài, và trên bàn thờ cao của Đền Thánh như Đấng Chịu Đóng Đinh. Hai hình ảnh trong Đền Thờ nói với chúng ta điều này: sự thật ngự trị không phải qua thế lực bên ngoài, nhưng sự thật thì khiêm nhường và con người chấp nhận sự thật bởi nội lực của nó là tính chân thật. Sự thật chứng minh chính mình trong tình yêu. Sự thật không bao giờ là tài sản của chúng ta, chẳng bao giờ là thành quả của chúng ta, cũng hệt như tình yêu không bao giờ có thể được sản xuất, nhưng chỉ có thể được đón nhận và trao lại như một quà tặng. Chúng ta cần đến nội lực này của sự thật. Như những Kitô hữu, chúng ta vững tin nơi sức mạnh này của sự thật. Chúng ta là những chứng nhân cho sự thật. Chúng ta phải truyền bá sự thật như một hồng ân trong cùng cách thế chúng ta đã đón nhận nó, như sự thật đã trao ban chính mình cho chúng ta.

“Hướng nhìn lên Chúa Kitô” là khẩu hiệu của ngày này. Với ai đang tìm kiếm, lời hiệu triệu này liên tục biến thành một lời cầu đồng thanh, một lời cầu hướng cách riêng về Đức Mẹ, Đấng đã trao cho chúng ta Chúa Kitô như Con Mẹ: “Xin chỉ cho chúng con thấy Chúa Giêsu!”. Xin cho chúng con dâng lên lời cầu này hôm nay với trọn tấm lòng; xin cho chúng con đưa lời cầu này vượt lên và vượt xa giây phút hiện tại, trong khi chúng con tìm kiếm trong nội tâm Thiên Nhan của Đấng Cứu Thế. “Xin chỉ cho chúng con thấy Chúa Giêsu!”. Đức Maria đáp lại khi cho chúng ta thấy Ngài thoạt đầu như một hài nhi. Thiên Chúa đã tự làm cho mình thành nhỏ bé vì chúng ta. Thiên Chúa đã đến không phải bằng sức mạnh bên ngoài, nhưng ngài đến trong tình trạng không chút uy quyền của tình yêu, đó chính là nơi tạo nên sức mạnh của Ngài. Ngài đặt chính Ngài trong tay chúng ta. Ngài kêu xin tình yêu chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta cũng trở thành nhỏ bé, để bước xuống khỏi ngai vàng của chúng ta và học biết trở nên bé thơ trước mặt Thiên Chúa. Ngài nói với chúng ta không kiểu cách. Ngài mời gọi chúng ta tín thác nơi Ngài và qua đó học cách sống trong sự thật và yêu thương. Hài nhi Giêsu tự nhiên cũng nhắc nhở chúng ta đến tất cả những trẻ em trên thế giới này, những trẻ em Ngài mong muốn trao cho chúng ta. Những trẻ em sống trong nghèo khó; những trẻ em đang bị khai thác như những binh lính; những trẻ em chưa từng được cảm nhận thế nào là tình mẹ tình cha; những trẻ em đau yếu và đau khổ, cũng như những trẻ em lành mạnh và đang vui sống. Châu Âu đang trở thành hiếm muộn: chúng ta muốn mọi thứ cho chính chúng ta, và đặt rất ít niềm tin nơi tương lai. Nhưng thế giới này sẽ chỉ bị tước mất đi tương lai khi những thế lực của con tim nhân loại và lý trí được soi sáng bởi con tim tàn lụi – khi nhan thánh Chúa không còn chiếu sáng trên trái đất nữa. Nơi nào có Chúa, nơi đó có tương lai.

“Hướng nhìn lên Chúa Kitô”: giờ đây chúng ta hãy thoáng nhìn lên Đấng Chịu Đóng Đinh trên bàn thánh. Thiên Chúa cứu thế giới này không bằng gươm giáo, nhưng bằng Thánh Giá. Lúc hấp hối Chúa Giêsu dang rộng cánh tay. Trước hết, đó là tư thế Thương Khó, nơi Ngài tự để mình chịu đóng đinh trên Thánh Giá vì chúng ta, ngỏ hầu trao ban sự sống của Ngài cho chúng ta. Dang rộng cánh tay ra cũng là tư thế của người đang cầu nguyện, tư thế của vị tư tế khi ngài dang tay cầu nguyện: Chúa Giêsu chuyển hóa cuộc Thương Khó, đau khổ và cái chết của Ngài thành lời cầu nguyện, và qua đó Ngài chuyển hóa nó thành hành vi yêu thương giữa Thiên Chúa và nhân loại. Cuối cùng, cũng là lý do tại sao hai cánh tay dang rộng của Đấng Chịu Đóng Đinh cũng là một cử chỉ ôm ấp, qua đó Ngài kéo chúng ta lại với Ngài, mong muốn ôm chúng ta trong đôi tay yêu thương của Ngài. Trong cách này Ngài là hình ảnh của một Thiên Chúa hằng sống, Ngài chính là Thiên Chúa, và chúng ta có thể tín thác nơi Ngài.

“Hướng nhìn lên Chúa Kitô” Nếu chúng ta làm thế, chúng ta nhận thức rằng Kitô Giáo hơn là và khác biệt hẳn với một bộ luật luân lý, một chuỗi những đòi buộc và lề luật. Đó là quà tặng của mình tình bạn trường tồn vượt qua sự sống và cái chết: “Thầy sẽ không gọi anh em là tôi tớ, nhưng là bằng hữu”. (Ga 15:15), Chúa đã phán với các môn đệ Ngài. Chúng ta đặt niềm tin nơi tình bạn này. Chính vì Kitô Giáo hơn là một hệ thống luân lý vì đó là một quà tặng của tình bạn, nên Kitô Giáo chứa đựng bên trong mình một sức mạnh luân lý cao cả, là điều rất cấp thiết ngày nay trước những thách đố của thời đại chúng ta. Nếu chúng ta thường xuyên đọc đi đọc lại Mười Điều Răn trên Núi Sinai, nghiền ngẫm sâu xa những điều này cùng với Chúa Giêsu Kitô và cùng với Giáo Hội Ngài thì khi đó một giáo huấn cao cả giá trị và vĩnh cửu mở ra trước mắt chúng ta. Mười Điều Răn trước hết và trên hết là tiếng “xin vâng” với Thiên Chúa, với một Thiên Chúa yêu thương chúng ta và dẫn dắt chúng ta, Đấng mang vác chúng ta nhưng để chúng ta tự do: thật vậy, chính Ngài làm cho tự do chúng ta trở nên thật sự (ba điều răn đầu). Đó là tiếng “xin vâng” với gia đình (điều răn thứ tư), lời “xin vâng” với sự sống (điều răn thứ năm), tiếng “xin vâng” với tình yêu có trách nhiệm (điều răn thứ sáu), lời “xin vâng” với tình liên đới, với trách nhiệm xã hội và công lý (điều răn thứ bẩy), tiếng “xin vâng” với sự thật (điều răn thứ tám), và lời “xin vâng” với sự tôn trọng tha nhân và những gì là của họ (điều răn thứ chín và điều răn thứ mười). Nhờ sức mạnh của tình bằng hữu của chúng ta với Thiên Chúa hằng sống chúng ta sống lời “xin vâng” đa dạng này và đồng thời chúng ta thực hiện nó như một dấu chỉ trong thế giới chúng ta hôm nay.

“Xin chỉ cho chúng con thấy Chúa Giêsu!”. Với lời cầu này dâng lên Mẹ Thiên Chúa, chúng ta bắt đầu cuộc hành trình của chúng ta nơi đây. Cũng lời thỉnh cầu này sẽ đồng hành cùng chúng ta khi chúng ta trở về cuộc sống thường ngày. Và chúng ta biết rằng Đức Maria nghe lời cầu của chúng ta: thật vậy, khi nào chúng ta hướng nhìn lên Mẹ Maria, Mẹ sẽ chỉ cho chúng ta thấy Chúa Giêsu. Vì thế, chúng ta có thể tìm thấy chính lộ, chúng ta có thể bước theo từng bước lòng đầy niềm tự tin hân hoan rằng con đường này dẫn chúng ta vào ánh sáng – vào niềm vui của Tình Yêu bất tận. Amen.

+ Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI