LINH MỤC GASPAR D’AMARAL VIẾT CHỮ QUỐC NGỮ MỚI



Đỗ Quang Chính, sj.

Chúng tôi đã trình bày về trình độ chữ quốc ngữ của linh mục Đắc Lộ từ năm 1625-1644; hơn nữa trong kết luận chúng tôi đã viết là linh mục Gaspar d’Amaral viết chữ quốc ngữ mới giỏi hơn linh mục Đắc Lộ. Để chứng minh điều này, bây giờ chúng tôi cũng xin đứng về phương diện lịch sử trình bày những chữ quốc ngữ mới trong tài liệu viết tay của Gaspar d’Amaral viết vào năm 1632 và 1637. Tuy nhiên, trước khi vào chính vấn đề, thiết tưởng cũng cần nhắc qua tiểu sử linh mục Gaspar d’Amaral

Gaspar d’Amaral1 sinh năm 1592 tại Bồ Đào Nha, gia nhập dòng Tên ngày 1-7-1608. Linh mục Gaspar d’Amaral đã làm giáo sư La văn, triết học, thần học tại các học viện Evora, Coimbra, Braga ở Bồ Đào Nha. Năm 1923, linh mục d’Amaral rời Bồ Đào Nha đi Áo Môn hoạt động truyền giáo.

Linh mục Gaspar d’Amaral tới Đàng Ngoài lần đầu tiên vào tháng 10-1629 cùng với thầy Phaolô Saito, nhưng đến tháng 5-1630, ông phải rời xứ này cùng một chuyến với hai linh mục Pedro Marques, Đắc Lộ và thầy Phaolô Saito để trở lại Áo Môn.

Ngày 18-2-1621, Gaspar d’Amaral cùng với ba linh mục dòng Tên Bồ Đào Nha khác là A.Palmeiro, A.F.Cardim và A.de Fontes từ Áo Môn đáp tàu buôn Bồ Đào Nha đi Đàng Ngoài, với mục đích thay thế hai linh mục Marquez và Đắc Lộ để tiếp tục cuộc truyền giáo của hai ông. Sau 2 tuần lễ, tàu của các ông tới một cửa biển Đàng Ngoài, rồi mãi đến ngày 15-3 năm đó, các ông mới tới thủ đô Thăng Long. Tại đây, các linh mục cũng như đoàn thương gia Bồ Đào Nha được chúa Trịnh Tráng tiếp đãi niềm nở. Chính chúa Trịnh Trạng ra lệnh cho người con rể của ông đưa các linh mục trú ngụ ở một ngôi nhà trong Phủ liêu. Vào cuối tháng 3-1631 có cuộc thi Hội, chúa Trịnh Tráng cũng mời các linh mục đi theo ông để chứng kiến cuộc thi. Ngày hôm đó, các linh mục được chúa Trịnh Tráng cho cỡi ngựa theo ông đến trường thi. Lúc đầu các linh mục từ chối đặc ân này, vì muốn đi bộ như một số quan quân khác; nhưng chúa muốn như thế, nên các ông phải tuân theo. Riêng chúa Trịnh Tráng ngự trên kiệu sơn son thiếp vàng do 15 người lực lưỡng khênh (phần nhiều là những tay đô vật nổi tiếng của làng Kiên Lao), theo sau còn có nhiều quan văn võ đi ngựa và 10.000 lính mang võ khí.

2. Khi hai linh mục A.Palmeiro và A. de Fontes theo tàu buôn Bồ Đào Nha về Áo Môn thì hai linh mục kia là Gaspar d’Amaral và A.F.Cardim vẫn ở lại hoạt động truyền giáo. G.d’Amaral không những tiếp tục công việc của Marques và Đắc Lộ mà ông còn phát triển mạnh hơn, nhất là trong việc thích nghi và việc hoàn thành “Dòng tu” thầy giảng.

Sau 7 năm ở Đàng Ngoài, tức vào năm 1638, Gaspar d’Amaral được gọi về Áo Môn giữ chức Viện trưởng Học viện Mẹ Đức Chúa Trời (Madre de Deus) của dòng Tên. Ba năm sau, d’Amaral được cử làm phó Giám tỉnh dòng Tên Nhật Bản (gồm các nước Nhật, Lào, Xiêm, Cam Bốt, Việt Nam, đất Áo Môn và hai tỉnh Quảng Đông Quảng Tây). Năm 1645, Gaspar d’Amaral lại đáp tàu từ Áo Môn đi Đàng Ngoài truyền giáo, nhưng tàu bị đắm ở gần đảo Hải Nam làm ông chết đuối này 23-12-1645.3

Trong thời gian 7 năm ở Đàng Ngoài, Gaspar d’Amaral đã để lại cho chúng ta hai tài liệu viết tay quý giá, vì nhờ đó chúng ta biết rõ hơn lịch sử chữ quốc ngữ mới.

I. TÀI LIỆU VIẾT NĂM 1632

Tài liệu này Gaspar d’Amaral viết bằng chữ Bồ Đào Nha tại Kẻ Chợ (Thăng Long) ngày 31-12-1632, nhan đề: Annua do reino de Annam do anno de 1632, pera o Pe André Palmeiro da Compa de Jesu, Visitador das Provincias de Japan, e China (bản tường trình hàng năm về nước Annam năm 1632, gởi cha André Palmeiro, dòng Tên, giám sát các tỉnh Nhật và Trung Hoa). Tài liệu này hiện lưu trữ tại Văn khố dòng Tên ở La Mã.4

Tài liệu dài 48 tờ rưỡi tức 97 trang giấy, viết trong khổ 13*21cm. Từ trang 125r đến 160v viết chữ lớn và thưa, nhưng từ trang 161r đến hết tức trang 174r, chữ viết nhỏ lại và dầy đặc hơn, mặc dầu cùng trong khổ 13*21cm. Nội dung bản tường trình chia ra: 12 trang đầu viết tổng quát về địa dư, chính trị Đàng Ngoài, còn 85 trang tiếp theo viết về tình hình giáo đoàn thủ đô và các tỉnh.

Bản tài liệu mà chúng tôi co trong tay không phải hoàn toàn do Gaspar d’Amaral viết, cũng không phải là chính bản gốc gởi cho linh mục Anrê Palmeiro. Nhưng đây là bản đã được Gaspar d’Amaral nhờ một người khác sao lại bản gốc, để ông gửi cho linh mục Antonio d’Amaral5 ở Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, bản văn này vẫn có nhiều giá trị và coi như chính Gaspar d’Amaral viết; bởi vì chính ông đã ký tên vào bản sao chép này; hơn nữa, chính ông đã dùng bút sửa lại bên lề trang giấy, những chữ mà người sao chép không làm đúng, kể cả những chữ quốc ngữ mới, ví dụ: thíc ca, sãy, soi, bên bồ đề, chuá bàng, bút, iền, chað, cữa đáy v.v….6 Hầu hết trang nào Gaspar d’Amaral cũng sửa lại mấy chữ. Như thế chứng tỏ tác giả đã đọc kỹ bản sao và muốn cho nó phải đúng ý của ông. Vậy, chúng ta phải coi bản này như chính Gaspar d’Amaral viết. Tiện đây cũng nên biết rằng, hiện nay thư viện Biblioteca da Ajuda ở thủ đô Lisbõa cũng có một bản sao chép tường trình này7. Bản này được chép xong tại Áo Môn ngày 8-12-1745 do trợ sĩ dòng Tên João Alvares. Chúng tôi đã có dịp so sánh bản chép này với bản chúng tôi trình bày đây, và biết được người sao chép là João Alvares đã sao chép đúng, kể cả những chữ quốc ngữ mới.

Bây giờ chúng tôi xin ghi lại những chữ quốc ngữ mới trong tài liệu trên đây. Chúng tôi cũng xin độc giả miễn cho khỏi chú thích số trang có chữ quốc ngữ mới, bởi vì nếu ghi lại thì sẽ quá dài. Sau đây là những chữ quốc ngữ mới theo thứ tự trước sau của bản tường trình:

đàng tlaõ : Đàng Trong

đàng ngoày : Đàng Ngoài

đàng tlên : Đàng Trên (vùng Cao Bằng)

Kẽ chợ : Kẻ Chợ (Thăng Long)

Quãng : Quảng (tên 1 thầy giảng)

Lằng bôũ bàu : làng Bông Bầu (?)

cô bệt : Cô Bệt (tên 1 cô gái)

kẽ hằu : Kẻ Hầu (làng)

ăn dương huyẹn : An Dương huyện

coũ thằn : Công Thành (tên người)

Chúa thanh đô : chúa Thanh đô

thíc ca : Thích Ca

phỗ lô xã : Phố (?) Lô xã

sãy vãy : sãi vãi

hộy ăn xã : Hội An xã

huyẹn vịnh lạy : huyện Vịnh Lại (?)

thầi văn chật : thầy Văn Chật

làng Kẽ Trang xuyen : làng Kẻ Tranh Xuyên

Kẽ đáð : Kẻ Đáy

Sấm phúc xã : Sấm Phúc xã

Kẽ quẽn : Kẻ Quèn (?)

nghyã ăn xã : Nghĩa An xã

sãy hoà : Sãi Hòa

soỉ : sỏi

thầð phù thũð : thầy phù thuỷ

thinh hóa : Thanh Hóa

bên bồ đề : bên Bồ Đề (gần Thăng Long)

oũ phù mã Kiêm : ông Phù mã Kiêm

bà : bà

Chúa bàng : Chúa Bằng

thàð đạu : thầy đạo

hoằng xá xã : Hoàng Xá xã

hàng bè : Hàng Bè (phố, đường)

hàng bút : Hàng Bút (phố, đường)

cữa nam : Cửa Nam

Nghệ ăn : Nghệ An

Kẻ ăn lẵng : Kẻ An Lãng

Kẽ suôy : Kẻ Suôi

quãng bố : Quảng Bố (?)

hàng mấm : Hàng Mắm (tên nơi)

đinh hàng : Đinh Hàng (tên người)

hàng thuốc : Hàng Thuốc (phố, đường)

càu iền : Cầu Yền

đức bà xạ : Đức Bà Xạ

oũ phu mã nhăm : ông Phù mã Nhâm

oũ chưỡng hương : ông Chưởng Hương

thinh hoá : Thanh Hóa

Bua : Vua

Oũ jà nhạc : ông già nhạc

giỗ : giỗ

chaĩ : chay (ăn chay)

chặp : chạp (tháng chạp)

mă : ma (làm ma chay)

oũ đô đốc hoà : ông Đô Đốc Hòa

Kẽ nõ : Kẻ Nộ (tên nơi)

lạĩ : lậy

kẽ vạc : Kẻ Vạc

cỗ : cỗ (ăn cỗ)

càu chầm : cầu Chằm (?)

oũ chưỡng lễ : ông Chưởng Lễ

Kẽ bíc : Kẻ Vích

cữa đaý : Cửa Đáy

tình : Tình (bà)

nhuộn : Nhuận (thầy giảng)

tháng : Thắng (thầy giảng)

chợ dàng : chợ dàng

cốt bóy : cốt bói (đồng cốt, bói)

oũ đô đốc đĩnh : ông Đô đốc đĩnh

đạy : Đại (tên một giáo hữu)

oũ nghề Văn nguyện : ông Nghè Văn Nguyện

oũ chưỡng quế : ông Chưởng Quế

nhoệ : Nhuệ (tên 1 quan)

oũ đô đốc đăng : ông Đô đốc Đăng

Kẽ lăm : Kẻ Lâm (xã)

Huyẹn tốũ sơn : huyện Tống Sơn

Nghệ an : Nghệ An

đình, chuà : đình, chùa

Bố chính : Bố chính

thuận hóe : Thuận Huế (Thuận Hóa)

Kẽ quãng : Kẻ Quảng (xứ Quảng)

phũ : phủ (phủ, huyện)

kẽ vĩnh : Kẻ Vĩnh

đức oũ tâĩ : Đức ông Tây (cai trị Thanh Hóa)



II. TÀI LIỆU VIẾT NĂM 1637

Tài liệu này cũng bằng chữ Bồ Đào Nha, viết tại Kẻ Chợ (Thăng Long) ngày 25-3-1637, với nhan đề: Relaçam dos catequistas da Christamdade de Tunkine seu modo proceder pera o Pe Manoel Dias, Vissitador de Jappão de China (Tường thuật về các thầy giảng của giáo đoàn Đàng Ngoài và về các cách thức tiến hành của họ, gởi cho cha Manoel Dias, Giám sát Nhật Bản và Trung Hoa). Tài liệu này hiện giữ tại Văn khố Hàn lâm viện Hoàng gia sử học tại Madrid.8

Bản tường thuật dài 6 tờ rưỡi, tức 13 trang giấy, viết trong khổ 13*21cm, chữ nhỏ và dầy đặc. Nội dung trình bày việc hai linh mục Marques và Đắc Lộ đã thiết lập “Dòng tu” thầy giảng ở Đàng Ngoài, sau đó trình bày việc huấn luyện, cấp bậc và hoạt động của các thầy giảng; cuối bản tài liệu còn ghi rõ tên, tuổi, năm, tòng giáo của các thầy giảng, kẻ giảng, các tập sinh (các Cậu) và các trợ giảng (ông Bõ) thuộc “Dòng tu” mới này.

Tài liệu không hoàn toàn do linh mục Gaspar d’Amaral viết nhưng ông đọc cho một người khác viết rồi chính ông soát lại kỹ lưỡng, dùng bút sửa bên lề trang giấy một số chữ, và cuối bản tường thuật, chính Gaspar d’Amaral viết thêm vào 13 dòng chữ, kể cả chữ ký của ông. Vậy bản tường thuật này là của chính tác giả Gaspar d’Amaral và chúng ta cũng phải coi như ông đã viết ra.

Sau đây chúng tôi xin trích những chữ quốc ngữ mới trong tập tài liệu quý hóa này:

Sãy : Sãi

đức : Đức (thầy giảng)

chúa thanh đô : chúa Thanh đô

- thầy : thầy9

định : Định (tên 1 trợ giảng)

nhin : Nhân (tên 1 trợ giảng)

Nghệ an : Nghệ An10

- lạy : lậy11

- tri : Tri (thầy giảng)

- bùi : Bùi (thầy giảng)

quang : Quang (tên 1 kẻ giảng)

sướng : Sướng (tên 1 kẻ giảng)

- đàng ngoài : Đàng Ngoài

- già : già (1 người già)

đôú thành : Đống (?) Thành

- Kẻ chợ : Kẻ Chợ (Thăng Long)12

Sau khi nhìn vào cách ghi chữ quốc ngữ mới của linh mục Gaspar d’Amaral năm 1632 và 1637, chúng ta thấy được năm 1637 ông đã ghi giỏi hơn năm 1632. Trong số 16 danh từ Việt Nam ở tài liệu 1637, thì tới một nửa đã viết khá hơn trước đó 5 năm.

Nếu chúng ta so sánh cách ghi chữ quốc ngữ mới của Gaspar d’Amaral và Đắc Lộ, ta thấy ngay từ năm 1632, d’Amaral đã ghi rành hơn Đắc Lộ năm 1636 (chúng tôi đã trình bày tài liệu viết tay của Đắc Lộ năm 1636).

Nếu so sánh thời gian có mặt ở Việt Nam tính đến năm 1632, thì Gaspar d’Amaral mới ở được 28 tháng rưỡi (ở Đàng Ngoài từ tháng 10-1629 đến tháng 5-1630 và từ trung tuần tháng 3-1631 đến hết tháng 12-1632), còn Đắc Lộ đã ở được 57 tháng (ở Đàng Trong từ tháng 12-1624 đến 7-1626, và ở Đàng Ngoài từ tháng 3-1627 đến 5-1630).

Quả thật, Gaspar d’Amaral tuy mới ở Đàng Ngoài 28 tháng rưỡi mà đã viết khá hơn Đắc Lộ nhiều. Hơn nữa, trong bản tường trình 1632, d’Amaral đã chen vào nhiều chữ quốc ngữ mới, mặc dầu vấn đề bị giới hạn, còn bản văn Đắc Lộ viết năm 1636 (Tunchinensis Historiae libri duo) viết dài hơn và chứa đựng nhiều vấn đề xã hội Đàng Ngoài hơn, thế mà lại ít chữ quốc ngữ mới hơn. Do điểm này, có lẽ chúng ta dám đưa ra nhận xét khác là, vào năm 1636, Đắc Lộ chưa ý thức đủ tầm quan trọng chữ quốc ngữ mới bằng Gaspar d’Amaral vào năm 1632. Chúng ta cũng còn dám chắc d’Amaral giỏi hơn Đắc Lộ, nhờ bằng chứng rõ rệt là, Gaspar d’Amaral đã soạn thảo cuốn tự điển Việt-Bồ-La: Diccionário anamita-português-latim13 trước khi Đắc Lộ soạn tự điển của ông. Trong Lời tựa cuốn tự điển của Đắc Lộ xuất bản năm 1651 tại La Mã, chính tác giả đã viết, rõ là ông dùng những công khó nhọc của linh mục dòng Tên khác, nhất là dùng hai cuốn tự điển của linh mục Gaspar d’Amaral và A.Barbosa để soạn sách đó14. Tự điển Bồ-Việt: Diccionário português- anamita của A.Barbosa và tự điển trên đây của d’Amaral có lẽ đã được viết vào khoảng 1635-1640. Cũng nên biết rằng linh mục Antonio Barbosa sinh năm 1594 tại Bồ Đào Nha, gia nhập dòng Tên ngày 13-3-1624. Cuối tháng 4-1636, ông đến truyền giáo ở Đàng Ngoài, nhưng vì thiếu sức khoẻ, nên phải trở về Áo Môn vào tháng 5-1642, rồi qua đời năm 1647 trên đường từ Áo Môn về Goa để dưỡng bệnh.15

Có lẽ hai cuốn tự điển của d’Amaral và Barbosa bị mất trong dịp Văn khố dòng Tên tỉnh Nhật được chuyển từ Áo Môn về Manila khoảng năm 1759-1760, vì từ ngày 15-5-1758 chính phủ Bồ Đào Nha đàn áp dòng Tên, nên các linh mục dòng Tên tưởng rằng chuyển Văn khố trên đi Manila sẽ chắc chắn hơn. Nhưng rồi, chính phủ Tây Ban Nha cũng đàn áp dòng Tên kể từ ngày 2-4-1767, nên Văn khố đó ở Manila đã bị chính quyền Tây Ban Nha tịch thu và đem về Madrid vào khoảng năm 177016. Như vậy có thể là hai cuốn tự điển quý giá này đã bị thất lạc do các cuộc di chuyển trên; cũng có thể là chúng còn năm ở một nơi nào mà người ta chưa thấy. Chúng tôi đã tìm ở Áo Môn, Madrid, Lisbõa, La Mã, Ba Lê nhưng chưa thấy.

Những tài liệu của Đắc Lộ và Gaspar d’Amaral từ năm 1625-1644 mà chúng tôi đã trình bày với bạn đọc, chỉ có những chữ quốc ngữ mới rời rạc, chứ chưa có một bản văn chữ quốc ngữ mới (không kể cuốn Phép giảng tám ngày của Đắc Lộ được xuất bản tại La Mã năm 1651). Trên đây là tài liệu của những người Tây phương. Riêng về tài liệu có chữ quốc ngữ mới do người Việt Nam viết, thì hiện nay chúng tôi có ba bản văn hoàn toàn bằng chữ quốc ngữ mới được viết tay vào năm 1659 do hai thầy giảng Bento Thiện và Igesico Văn Tín soạn thảo. Đó là hai bức thư các ông gửi cho linh mục dòng Tên G.F.de Marini người Ý, và một bản viết về Lịch sử nước Annam. Có lẽ đây là tập lịch sử Việt Nam đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ mới, hiện lưu trữ tại Văn khố dòng Tên ở La Mã.17

Chú thích

(1) Chính linh mục Gaspar d’Amaral khi ký tên, có lúc ông ký là Gaspar d’Amaral, có lúc lại ký là Gaspar do Amaral.

(2) A.F.Cardim et F.Barreto, Relation de ce qui c’est passé depuis quelques années, jusques à l’An 1644 au Japon, à la Cochinchine, au Malabar, en Isle de Ceilan…, Paris 1646, tr.91-92.

(3) Linh mục Sommervoguel lại ghi là G.d’Amaral chết đắm tàu ngày 24-2-1646 (C.Sommervoguel, Bibliothèque de la Compagnie de Jésus, Nouvelle édition, Louvain 1960 coi chữ Gaspar d’Amaral – Có thể đọc thêm tiểu sử G.d’Amaral trong Franco, Imagem da virtude em o noviciado de Coimbra, quyển II, tr.522-523.

(4) Archivum Romanum Societatis Jesu, Jap.Sin 85 f.125r-174r.

(5) Cõ lẽ Antonio d’Amaral có họ hàng với Gaspar d’Amaral.

(6) Archivum Romanum Societatis Jesu, Jap.Sin 85 f.136r, 139v, 137r, 140, 142v, 145r, 154, 159r.

(7) Biblioteca da Ajuda, Jesuitas na Asia, Códice 49.V.31, f.215-263v.

(8) Real Academia de la Historia de Madrid, Jesuitas, Legojo 21 bis, Fasc, 16, f.31-37r.

(9) Những chữ có dấu – đã được ghi đúng hơn tài liệu 1632

(10) Real Academia de la Historia de Madrid, Jesuitas, Legojo 21 bis, Fasc, 16, f.31rv.

(11) Ibid, f.35v

(12) Ibid, f.36-37r

(13) Coi: Augustin de Backer, Bibliothèque des Ecrivains de la Compagnie de Jésus, quyển I, Paris 1869, tr.121 – Carlos Sommervoguel, Bibliothèque de la Compagnie de Jésus, Nouvelle édition, Louvain 1960 cột số 261-262 – D.Barbosa Machado, Bibliotheca Lusitana, quyển II, Lisbõa, 1747, tr.331-332 – E.Teixeira, Macou e sua diocese VII, Padres da diocese de Macau, 1967 tr.548.

(14) “(…) aliorum etiam “jusdem” Societatis Patrum laboribus sum usus praecipuè P.Gasparia de Amaral et P.Antonii Barbosa qui ambo suum composuerant dictionarium ille à lingua Annamitica incipiens hic à lusitana, sed immatura vterque morte nobis ereptus est” (A.De Rhodes, Dictionarium annamiticum, lusitanum, et latinum, Rome 1651, lời tựa)

(15) D.Barbosa Machado, Bibliotheca Lusitana, quyển I, Lisbõa, 1741 tr.214-215.

(16) J.F.Schutte, El “Archivo del Japón”, Madrid 1964 tr.14-74.

(17) Bento Thiện, Lịch sử nước Annam, trong Archivum Romanum Societatis Jesu, Jap.Sin 81, f.254r-259v. Tập lịch sử này dài 12 trang viết nhỏ li ti trong khổ 19*28cm.

www.dunglac.net - Mạng Lưới Dũng Lạc, góp tư liệu xây nhà Văn Hóa Công Giáo.

Mời vào trang "Chữ Quốc Ngữ" với nhiều tác phẩm và bài viết liên hệ.