Từng Hộc Hồng Ân Kết Trái
TỪNG HỘC HỒNG ÂN KẾT TRÁI

Ảnh Cao Tường: trái ngọt Long Khánh.

Nghệ sĩ là người giầu có theo đúng nghĩa.

Nhà ảnh khám phá ra và chụp bắt được kho tàng giàu có trong thửa vườn vũ trụ,

lãnh nhận được từng hộc hồng ân kết trái mỗi ngày trong suốt năm mới.

CHỤP BẮT ĐƯỢC KHO TÀNG GIẦU CÓ

Hồi còn sống, triết gia Kim Định có lần kể chuyện về thời còn làm quản lý tại học viện Lê Bảo Tịnh ở Gia Định xưa kia. Học viện này có khoảng gần hai trăm đại chủng sinh triết học và thần học. Một hôm có một người Phật Giáo nhà giầu ở ngay trước chủng viện cho người khệ nệ bưng đến một con heo quay và nói rõ lý do:

"Một nhà có tới hai trăm thanh niên mà tui hổng thấy oánh lộn chửi thề gì bao giờ, chỉ biết học hành và chơi thể thao. Tui thấy ham quá nên đưa cho một con heo quay ăn chơi."

Ông này đâu phân biệt được đám thanh niên với các thầy đang sửa soạn làm linh mục. Chỉ thấy được những nét lạ chả bao giờ thấy thì lấy làm thích thú mà diễn tả lòng thành của mình thôi. Đúng là ông ta nhìn thấy dấu chỉ, một điều gì ông chưa kịp đặt tên.

THỜI ĐIỂM HỌC CHỤP HÌNH

Bài học căn bản nhất về nghệ thuật chụp hình là tập nhìn. Phải thấy cái gì đã rồi mới chụp được. Cảnh vật đang muốn nói một điều gì, diễn ra bằng những đường nét và ngôn ngữ riêng biệt. Đây là nét an bình của một cảnh đồng quê. Kia là nét đơn sơ hồn nhiên trong ánh mắt và vẻ kinh ngạc nơi nụ cười của một đứa bé v.v.

Một tấm hình ăn khách thì có hồn, có thần. Mà người chụp cũng phải có thần, chụp bắt được thần. Đối với nhà nghệ sĩ đích danh thì thấy được cảnh nào cũng đẹp, cũng có hồn cả. Vincent van Gogh đã từng vẽ những bức tranh xem ra rất tầm thường mà người ta đã mua với giá mấy chục triệu tiền Mỹ, vì ông đã diễn được cái thần, cái hồn của sự vật.

Bức tranh Hoa Hướng Dương của họa sĩ Vincent van Gogh giá 41 triệu Mỹ kim.
Năm 1987 xảy một hiện tượng lạ lùng trong ngành hội họa. Những bức tranh của họa sĩ van Gogh vẽ vào cuối thế kỷ 19 được mua với một giá khủng khiếp: bức Hoa Hướng Dương được bán với giá 41 triệu đô la vào tháng ba; đến tháng sáu thì bức Cầu ở Trinquetaille giá 20 triệu. Và tháng 11 thì một bức Hoa Cầu Vồng (Irises) được bán với giá 49 triệu.

Bộ những người dám bỏ một số tiền dễ sợ như vậy để mua những bức tranh này điên cả sao? Hay họ muốn làm ra vẻ phách lối ta đây quá dư tiền phải đi học làm sang? Nhìn những bức tranh trên thì nhiều người cũng thấy thường thôi. Có gì đặc sắc đâu. Ai chả vẽ được. Nhưng một số người đã khám phá ra đường hướng của van Gogh, gọi là đường hướng biểu hiện. Cái nhìn và cái thấy của van Gogh nằm ở điểm là cuộc đời giầu có lắm, sức sống sung mãn đã nằm sẵn trong vạn vật, chứ đâu phải những hăm hở kiếm tìm mệt nhọc của loài người như hiện nay. Chỉ cần dừng chân ngắm nhìn: một cọng cỏ, một bông hoa, một cái cầu, một cái ghế, ngôi nhà đang ở, xem ra tầm thường và nhàm chán, bỗng khám phá ra những lạ lùng. Vì một cành lá cũng đang biểu hiện sức sống của cả vũ trụ. Mà vũ trụ thì giàu có, tại sao lại cứ phải sống nghèo nàn ăn mày ăn xin những đồ viện trợ phế thải cuộc đời.

Khám phá ra được như vậy thì cuộc sống trở nên sung túc biết bao. Ngay ở vườn đàng sau và ngay trong nhà mình đã có nhiều triệu rồi, cả một kho tàng quí giá đang chờ được khám phá. Người mua bức tranh Hoa Hướng Dương hay Hoa Cầu Vồng của van Gogh chỉ muốn nói lên sứ điệp đó cho con người mệt mỏi hôm nay: bạn đang quá giàu có rồi. Chỉ cần bừng mở con mắt: nguồn phú túc đang hiển hiện trước mặt mà Chúa Trời Đất đã bày biện ra.

KHÁM PHÁ RA KHO TÀNG GIẦU CÓ

Cũng chính trong tâm tình đó mà thi hào Tagore đã cảm nhận thành dòng thơ tuyệt tác đã được phổ nhạc:

Chính Chúa là bầu trời và cũng là tổ ấm.

Chúa ấp ủ đời con bằng màu sắc âm thanh

Bằng hương hoa ngào ngạt, bằng tình yêu của Người.

Đúng rồi. Bầu trời, mầu sắc, âm thanh, hương hoa, tất cả đều là dấu chỉ cho thấy Chúa hiện diện. Chụp hình hay hội họa là thu ghi được nét thần này. Cuối hè 1888, họa sĩ Vincent van Gogh thuê một căn gác của ngôi nhà màu vàng ở một góc đường thành phố Arles, miền Nam nước Pháp. Rồi ông đã vẽ ngôi nhà đó thành một tác phẩm nổi tiếng mang tên là “Ngôi Nhà của Vincent ở Arles”. Có lẽ hơn bất cứ ai, “ông đã sống với nghệ thuật, vì ông đã dành hầu hết thời gian sau này để vẽ những hình ảnh về chính đời sống của ông, những gì ưa thích, bạn bè, phong cảnh nơi sinh sống, căn phòng, ngôi nhà, cái ghế đặc biệt. Đối với van Gogh, sống và nghệ thuật quả thực là một.”

Và chính Vincent van Gogh đã tâm sự với người em trai tên là Theo:

“Anh giàu như Croesus, không phải bằng tiền, mà vì anh dồn cả tâm hồn và tìm thấy trong công việc những hứng khởi và nghĩa sống. Anh tin mãnh liệt vào nghệ thuật. Niềm tin này như dòng nước mạnh đẩy con người vào bến, dù mình cũng phải cố gắng một chút. Thật có phúc mà tìm được công việc như vậy. Mặc dù những khó khăn khá lớn và những ngày đen xám trong đời anh, anh vẫn không cho là xui xẻo.”

Nghệ sĩ là người giầu có theo đúng nghĩa. Nhà ảnh khám phá ra và chụp bắt được kho tàng giàu có trong thửa vườn vũ trụ, lãnh nhận được từng hộc hồng ân kết trái. Nhà văn Mỹ là Ralph Waldo Emerson nhìn cây cỏ vạn vật thiên nhiên với một con mắt hồn nhiên trong sáng, và đã khám phá ra vẻ đẹp kỳ lạ.

Đừng bao giờ bỏ mất dịp

Nhìn ngắm mọi vẻ đẹp trong cuộc sống.

Vì vẻ đẹp là chữ viết do chính tay Chúa Trời,

Vì vẻ đẹp chính là Chúa hiện ra.

Hãy đón nhận vẻ đẹp qua từng nét mặt tươi,

qua từng khung trời rộng

qua từng bông hoa thắm.

Và hãy cảm ơn Người,

Vì mỗi vẻ đẹp là một chén hồng ân.

Mẹ Têrêsa thấy được vẻ đẹp quí trọng ngay cả nơi một nụ cười:

"Chúng ta sẽ chẳng bao giờ thấy hết được một nụ cười quí giá chừng nào. Chiêm niệm là nhìn thấy được mặt Chúa trong mọi sự, mọi người, mọi nơi, mọi lúc, và nhìn thấy được tay Chúa trong mọi chuyện xảy ra."

TIN VUI KHAI MỞ TUỆ NHÃN

Thấy được Thần Chúa trong mọi sự là mục đích của linh thao. Mọi chuyện, mọi cảnh vật, mọi người, đều là những "ngôi sao" dẫn đường, đều là những dấu chỉ cho thấy Chúa vẫn đang hiển linh hiện diện, như Tin Vui tuần này:

"Khi Đức Giêsu giáng sinh tại Bê-lem thuộc xứ Giu-đê, vào thời đại vua Hêrốt trị vì, có mấy vị hiền sĩ từ Đông phương tới Giêrusalem nói rằng: "Ấu chúa Do-thái ở đâu, chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện và chúng tôi tìm đến chầu Người."

Đức Maria đúng là sư mẫu của những nhà chụp hình: nhìn kỹ những chuyện xẩy ra để kinh ngạc thấy được và chụp bắt được Thần Chúa. Trong câu chuyện Giáng Sinh, giữa bao trái ngược không thể hiểu được, Thánh Luca viết lại:

"Riêng Maria, nhất thiết chuyện gì xảy ra đều ghi lại và suy tưởng trong lòng." (Lc 2:19). Và đoạn khác, giữa những khủng hoảng trong chuyện lạc mất con, "Mẹ Người ghi mọi chuyện vào lòng." (Lc 2:51).

PHÚT TỊNH TÂM

Như vậy, mỗi người đều có thể là một nhà ảnh, chụp bắt lại được nhịp điệu an bình của Thần Khí, tìm lại được nét thắm tươi hứng khởi của cuộc sống, nét giầu có nơi bàn tiệc vũ trụ. Mọi sự đang là những ngôi sao dẫn đường chỉ lối. Nhà ảnh thấy được dáng nét Chúa hiện hình qua mọi người, mọi sự, mọi biến cố lớn nhỏ trong cuộc sống. Con mắt bừng mở thấy Chúa hiển hiện ngay trước mặt. Chỉ cần lấy máy ảnh ra mà chụp.

Người đây mừng quá chụp đi

Mỗi hình mỗi nét trọn ghi dáng Thần.

Lm. Trần Cao Tường  

(từ tác phẩm Nhịp Múa Sông Thanh, Thời Điểm xuất bản)

Xin mời thăm gia trang giới thiệu Tư Liệu Xây Nhà Niềm Tin và Văn Hoá Việt: www.dunglac.net