1. Đức Hồng Y Cantalamessa cảnh báo về việc đánh mất tính thánh thiêng của phụng vụ

Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, Vị Giảng Thuyết của Phủ Giáo Hoàng, có bài giảng thứ tư trong Mùa Chay 2023 cho Đức Thánh Cha Phanxicô và Giáo triều Rôma.

Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, Dòng Anh Em Hèn Mọn, Giảng viên Phủ Giáo hoàng, cho biết: “Nếu ý thức về sự thiêng liêng bị mất hoàn toàn, thì đất đai hoặc khí hậu nơi mà hành động đức tin nở rộ sẽ không còn nữa đối với dân Chúa”. Ngài đã đưa ra lập trường trên trong bài giảng thứ tư cho Mùa Chay 2023.

Bài giảng của ngài, tập trung vào chủ đề “Mầu Nhiệm Đức Tin: Phụng vụ” đã được trình bày tại Vatican vào lúc 9g sáng thứ Sáu cho Giáo triều Rôma, với sự tham dự của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đức Hồng Y Cantalamessa bắt đầu bằng việc lưu ý rằng, sau khi suy tư về truyền giáo và thần học, ngài muốn đề xuất một số cân nhắc về phụng vụ và việc thờ phượng của Giáo Hội. Ngài làm như vậy với “ý định đóng góp, dù khiêm tốn và gián tiếp,” vào công việc của thượng hội đồng.

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng phụng vụ là điểm đến, là điều mà công cuộc truyền giáo hướng tới.

Đức Hồng Y đã nhắc lại những cảm xúc mãnh liệt đã xâm chiếm Thánh Augustinô khi thánh nhân gặp Chúa.

Hướng về Chúa, trong tác phẩm “Confessions” hay “Tự Thú”, vị Tiến sĩ Hội thánh đã nói: “Khi con gặp Chúa lần đầu tiên…, con đã run lên vì yêu và kinh hãi.” Và một lần nữa, “Tôi rùng mình và tôi cháy bỏng; Tôi rùng mình vì khoảng cách, tôi bùng cháy vì sự giống nhau.”

Đức Hồng Y nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sự thánh thiêng của phụng vụ.

“Nếu cảm giác về sự thiêng liêng hoàn toàn bị mất đi, thì đất đai, hoặc khí hậu, nơi mà hành động đức tin nảy nở sẽ không còn nữa.”

Ngài nói, đây là tác động tồi tệ nhất của quá trình thế tục hóa.

Đức Hồng Y nhắc nhớ rằng “Charles Péguy đã viết rằng 'sự khan hiếm và nghèo nàn đáng sợ của những điều thiêng liêng là dấu ấn sâu sắc của thế giới hiện đại.' Tuy nhiên, nếu ý thức về sự thiêng liêng đã biến mất, thì nỗi hoài niệm về nó vẫn còn, mà ai đó đã định nghĩa, theo thuật ngữ thế tục là 'sự khao khát về điều hoàn toàn khác'“.

Đức Hồng Y chỉ ra rằng những người trẻ tuổi thường cảm thấy cần thoát khỏi sự tầm thường của cuộc sống hàng ngày và đã nghĩ ra những cách riêng để thỏa mãn nhu cầu này.

Sau đó, ngài phân tích làm thế nào Giáo hội có thể trở thành, đối với con người ngày nay, là nơi đặc quyền để trải nghiệm thực sự về Thiên Chúa và về sự siêu việt, và thảo luận về nhiều cơ hội mà người ta có thể cảm nhận được một trải nghiệm mạnh mẽ về Thiên Chúa và sự khởi đầu của một mối quan hệ mới và cá vị với Chúa Kitô.

Đức Hồng Y Cantalamessa đã cảnh báo chống lại việc bóp méo vẻ đẹp của phụng vụ “bằng những ngẫu hứng tùy tiện và kỳ lạ,” và “kêu gọi “duy trì sự tỉnh táo và điềm tĩnh cần thiết ngay cả khi Thánh lễ được cử hành trong những tình huống và môi trường cụ thể.”

“Vì phụng vụ là thời điểm tuyệt vời nhất để các thụ tạo trở về với Thiên Chúa, nên mọi sự trong đó phải bắt đầu và lấy động lực từ Chúa Thánh Thần.”

2. Tiến sĩ George Weigel: Naaman, người thành Nadarét và người Đức

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “Naaman, The Nazarenes, And The Germans”, nghĩa là “Naaman, người thành Nadarét và người Đức”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Để phản bác Oscar Wilde, [là người cho rằng tôn giáo là đơn điệu, lặp đi, lặp lại, ta có thể thấy rằng], đời sống phụng vụ của Giáo hội thường bắt chước nghệ thuật bằng cách thích hợp một cách đáng lưu ý với một thời điểm cụ thể. Điều đó chắc chắn đúng vào Thứ Hai của Tuần Thứ Ba Mùa Chay, năm 2023 — một ngày mà Kinh thánh trong phụng vụ Thánh Thể mời gọi chúng ta suy ngẫm về tội trọng nhất trong các tội trọng, đó là lòng kiêu ngạo, qua câu chuyện của Naaman, vị tướng xứ Syria, và cuộc đối đầu của Chúa Giêsu với những người Nadarét đồng hương của Người. Năm nay, thứ Hai tuần III Mùa Chay diễn ra ngay sau cuộc họp kết thúc “Tiến trình Công Nghị” của Đức. Và trong khi có nhiều lý do tại sao đạo Công Giáo định chế của Đức đang rơi vào tình trạng bội giáo, và có thể rơi xuống vách đá dẫn đến ly giáo, thì lòng kiêu ngạo là một trong số những lý do đó.

Naaman tìm cách chữa khỏi bệnh phong cùi của mình từ “người của Thiên Chúa”, là tiên tro Êlisa, người kế vị tiên tri Êlia với tư cách là “nhà tiên tri trong dân Israel” (2 Cv 5:8). Vị tướng Syria này sẵn sàng thực hiện một hành trình dài và khó khăn để đạt được những gì ông ta tìm kiếm. Ông ta sẵn sàng đền bù cho nhà tiên tri về việc chữa bệnh bằng vàng và bạc. Nhưng khi Êlisa bảo ông tắm bảy lần ở sông Giócđan, Naaman từ chối. Tại sao dòng nước Israel tầm thường này lại có nhiều khả năng chữa bệnh hơn những dòng sông lớn hơn của Đamát? Khi ông ta sắp sửa quay về trong cơn giận dữ thì những người hầu của ông ta nài nỉ ông ta tắm ở sông Gióđan, lập luận rằng, vì ông ta sẵn lòng làm một việc khó khăn nếu nhà tiên tri yêu cầu, tại sao không làm một việc dễ dàng?

Naaman tắm theo chỉ dẫn của Êlisa, được chữa khỏi và sau đó tuyên bố rằng “Tôi biết không có Thiên Chúa nào trên khắp trái đất, ngoại trừ ở Israel” (2 Cv 5:15). Tính kiêu ngạo của Naaman đã là trở ngại cho việc chữa trị của ông, và cuối cùng suýt là cản trở đức tin của ông nơi Thiên Chúa duy nhất chân thật.

Bài Tin Mừng Thứ Hai tuần III Mùa Chay cung cấp cho Giáo Hội một song hành Tân Ước so với câu chuyện Naaman và Êlisa. Trong đoạn Tin Mừng Luca liền trước đó, Chúa Giêsu đã lấy sách cuộn của tiên tri Isaia tại một buổi lễ ngày Sabát ở hội đường quê hương của Người, đề cập đến Đấng sẽ “công bố năm hồng ân của Chúa,” rồi tuyên bố rằng “hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” — và được sự hoan nghênh của mọi người “nói tốt về Người” (Lc 4:20-22). Tuy nhiên, bầu không khí nhanh chóng thay đổi, và câu chuyện được đọc vào hôm Thứ Hai của tuần III Mùa Chay cho thấy một bộ mặt khác của người thành Nadarét.

Vì, trong niềm kiêu ngạo của họ, họ bắt đầu thắc mắc về người mới phất lên này. Há anh ta không phải là con trai của Giuse, một bác thợ mộc hay sao? Anh ta nghĩ anh ta là ai đây? Và đây là loại đấng Mêsia nào? Chúng ta đã có một điều gì đó khác biệt, một điều gì đó tốt hơn, trong tâm trí. Vì vậy, họ đuổi Chúa Giêsu ra khỏi Nadarét và định ném Người xuống một doi đất thì “Người đi ngang qua giữa họ và bỏ đi” (Lc 4:30). Một lần nữa, sự kiêu ngạo là một trở ngại cho đức tin. Chúng ta, những người Nadarét, biết loại đấng Mêsia nào mà Thiên Chúa nên phái đến — giống như Ađam và Evà, với lòng kiêu ngạo, đã nghĩ rằng họ biết rõ hơn Thiên Chúa về điều thiện và điều ác, biểu lộ ra sự kiêu ngạo là điều đã đuổi họ ra khỏi Địa đàng trong chương 3 sách Sáng thế.

Khi Tiến trình Công Nghị của Đức tuyên bố rằng họ biết rõ hơn cả Thiên Chúa về điều gì tạo nên cuộc sống công bình, hạnh phúc và hạnh phúc tối thượng - đó là điều mà Tiến trình Công Nghị đã làm khi bác bỏ nhân học Kinh thánh của chương 1 sách Sáng thế và chấp nhận ý thức hệ phái tính và chương trình nghị sự LGBTQ - thì Tiến trình Công Nghị Đức đã cư xử giống hệt như Ađam và Evà, như Naaman trước khi hoán cải và như người dân thành Nadarét. Khi Tiến trình Công Nghị của Đức tán thành một loại hệ thống quản trị Giáo hội theo kiểu nghị viện bất chấp trật tự mà chính Chúa Kitô đã thiết lập cho Giáo hội của Người, người Đức đang làm chính điều mà mọi kẻ tội lỗi kiêu ngạo từ Ađam và Evà cho đến Naaman phung cùi và những người Nadarét khinh miệt đã làm: đó là bác bỏ mặc khải Thiên Chúa. Do đó, có sự đối xứng đáng chú ý, đầy nghệ thuật của những bài đọc đó trong ngày Thứ Hai Tuần thứ Ba Mùa Chay tiếp ngay sau khi kết thúc Tiến trình Công Nghị của Đức, đã phá nát cấu trúc của đạo Công Giáo nhân danh nền văn hóa được cho là cao hơn ngày nay.

Vài tháng sau khi Đức Gioan Phaolô II ban hành thông điệp Veritatis Splendor hay “Ánh quang rạng ngời của Chân Lý” năm 1993 về cải cách thần học luân lý Công Giáo, một cuốn sách bình luận về thông điệp đó - tất cả đều tiêu cực - đã được xuất bản bởi các nhà thần học người Đức. Người biên tập cuốn sách đã viết trong lời nói đầu rằng cuốn sách được xuất bản vì nước Đức có trách nhiệm đặc biệt đối với nền thần học trong Giáo Hội Công Giáo..

Đó là kiểu kiêu ngạo đã khiến nhiều nhà thần học người Đức coi Đức Gioan Phaolô II lỗi lạc là một người Slav phản động, tiền hiện đại, không hoàn toàn theo tiêu chuẩn khai sáng của họ. Cũng chính lòng kiêu ngạo đó đã ngấm vào và làm hỏng triệt để Tiến trình Công Nghị của Đức.

Túy Vân xin được mở ngoặc giải thích thêm một chút, trong bài này Tiến sĩ George Weigel có nhắc đến Oscar Wilde. Ông này là ai?

Oscar Wilde sinh ngày 16 tháng 10 năm 1854 và qua đời ngày 30 tháng 11 năm 1900 là một nhà thơ và nhà viết kịch người Ái Nhĩ Lan. Sau khi viết dưới nhiều thể loại khác nhau trong suốt những năm 1880, ông trở thành một trong những nhà viết kịch nổi tiếng nhất ở Luân Đôn vào đầu những năm 1890. Ông được nhớ đến nhiều nhất nhờ các vở kịch, cuốn tiểu thuyết nhan đề “Bức tranh của Dorian Gray”, cũng như hoàn cảnh mà ông ấy bị kết án hình sự vì hành vi khiếm nhã đồng tính luyến ái nghiêm trọng trong “một trong những phiên tòa xét xử người nổi tiếng đầu tiên”. Ông bị bỏ tù và chết sớm vì bệnh viêm màng não ở tuổi 46.