1. Nhà trừ tà cảnh báo hết sức nguy hiểm về bàn cầu cơ nói chuyện với Chúa Giêsu bán trên Amazon

Đó là một trò chơi nguy hiểm và lừa đảo. Một nhà trừ tà đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm trọng về trò chơi được gọi là “board game” được bán trên Amazon. Bất kể vẻ bề ngoài trông thanh nhã, nó cực kỳ nguy hiểm.

Cha Ernesto María Caro đã chia sẻ một video trên kênh YouTube “Truyền giáo kỹ thuật số”, trong đó cha cảnh báo về “Holy Spirit Board” hay bàn cầu cơ Chúa Thánh Thần.

Đó là một trò chơi tự xưng là giao tiếp với Chúa, nhưng “nó là một trò cầu cơ trá hình”.

“Đây là bói toán, và nó bị cấm bởi Kinh thánh. Chiếc bàn này được coi là một trò chơi mà người ta có thể giao tiếp trực tiếp với Chúa Giêsu Kitô,” vị linh mục giải thích.

Người ta quảng cáo rằng, những người sử dụng thực hành này có thể xưng tội trực tiếp với Chúa thay vì phải xếp hàng ở các tòa giải tội. Họ cũng có thể tìm kiếm câu trả lời từ Chúa. Cha Caro khẳng định rằng Chúa không trả lời theo cách này.

Cha Caro nói: “Thiên Chúa là một mầu nhiệm và trả lời một cách bí nhiệm”.

“Không phải là Chúa không nghe thấy chúng ta. Ngài không thể nào mà lại không nghe chúng ta, bởi vì Thánh Tông đồ Phaolô nói rằng trong Ngài chúng ta hiện hữu, chúng ta hiện hữu và trong Ngài chúng ta di chuyển. Đó là lý do tại sao người ta nói rằng Thiên Chúa hiện diện hơn chính chúng ta. Vì vậy, Ngài luôn lắng nghe chúng ta, nhưng điều chúng ta cầu xin không phải lúc nào cũng phù hợp với thánh ý Chúa.”

“Không phải lúc nào chúng ta cũng nhận được câu trả lời mình thích,” vị linh mục nói. “Chúng ta muốn biết liệu cha mẹ của chúng tôi có ở trên thiên đường hay không, tôi sẽ làm gì ở hội chợ, v.v. Và đó là những gì mọi người làm khi họ đến gặp thầy phù thủy, khi họ sử dụng ouija hay bàn cầu cơ, nó không gì khác hơn như thế – nó là một ouija trá hình “.

Sau đó, vị linh mục cảnh báo: “Chúa không trả lời như thế này. Nếu cái bàn tự di chuyển, kẻ di chuyển nó là ma quỷ. Làm ơn hãy hiểu điều đó.”

“Thiên Chúa muốn chúng ta sống trong mầu nhiệm của Ngài: đó là chúng ta sống bằng đức tin vào Ngài. Hãy tìm kiếm Thiên Chúa, tìm kiếm Ngài trong lời cầu nguyện của anh chị em, tìm kiếm Ngài trong các bí tích, tìm kiếm Ngài trong Lạy Chúa; đừng tìm kiếm Chúa bằng bảng cầu cơ. Đừng nghĩ rằng một sản phẩm thương mại… sẽ giúp anh chị em và giải quyết khó khăn trong cuộc sống của anh chị em”.

“Điều tệ hại nhất là nếu chiếc bàn tự di chuyển, bởi vì kẻ di chuyển nó là ma quỷ. Tôi nói với anh chị em, với tư cách là nhà trừ quỷ của Giáo phận Monterrey, chính ma quỷ làm ra điều đó”.

“Ma quỷ không ngủ – ma quỷ luôn tìm kiếm những chiến thuật mới – những cách thức mới để đưa chúng ta vào mạng lưới của chúng, và cái bảng này là một trong số đó.”

2. Thư chung của Hội đồng Giám mục Ba Lan về những vụ tấn công thánh Gioan Phaolô II

Trong khóa họp toàn thể Lần thứ 394 vừa qua, Hội đồng Giám mục Ba Lan đã thông qua một Thư chung, để đọc trong tất cả các thánh đường toàn quốc, chống lại những cuộc tấn công của báo chí và dư luận trong thời gian gần đây đối với thánh Gioan Phaolô II Giáo hoàng.

Hồi thượng tuần tháng Ba này, một phim tài liệu mới của ông Gutowski mang tựa đề: “Franciszkanska 3” (địa chỉ Tòa Tổng Giám mục ở Karkow) đã được trình chiếu trên một đài truyền hình thương mại ở Ba Lan, trong đó ông cáo buộc Đức Hồng Y Wojtyla là đã thuyên chuyển các linh mục lạm dụng từ Karkow sang các giáo phận khác, và sang cả nước Áo, trong thời kỳ ngài cai quản giáo phận từ năm 1964 đến khi được bầu làm Giáo hoàng, năm 1978. Những tài liệu tác giả cuốn phim sử dụng để cáo buộc Đức Hồng Y Wojtyla là những hồ sơ của cơ quan mật vụ cộng sản Ba Lan.

Ngoài cuốn phim trên đây, có một cuốn sách cũng nhắm cáo buộc Đức Hồng Y Wojtyla theo chiều hướng tương tự. Sách mang tựa đề: “Lỗi tại tôi mọi đàng. Gioan Phaolô II đã biết”, do ký giả Ekke Overbeek người Hòa Lan biên soạn. Trong sách, ông cáo buộc Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, khi còn làm Hồng Y đã ém nhẹm và không giải quyết đúng những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Tác giả những cuộc tấn công này cũng bày tỏ nghi ngờ về việc phong thánh cho Đức Giáo hoàng Ba Lan.

Các chuyên gia Ba Lan đã bác bỏ lập luận tấn công trên đây. Cả Tổng thống, Thủ tướng và Quốc hội Ba Lan và Hội đồng Giám mục nước này đã lên tiếng bênh vực thánh Giáo hoàng. Nay Hội đồng Giám mục công bố Thư chung, trong đó các giám mục đặt câu hỏi: “Phải chăng chúng ta đang cho phép mình bị tước mất kho tàng quý báu [là thánh Gioan Phaolô II], dựa trên căn bản một cuộc thảo luận về những tài liệu, hồ sơ, do cơ quan mật vụ cộng sản tạo ra?”

Trong thư, các giám mục Ba Lan cũng nhắc lại lời tuyên bố của Thị trưởng Roma, nhân dịp lễ phong chân phước cho vị Giáo hoàng Ba Lan. Ông nói: “Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã để lại một dấu tích không thể xóa nhòa trong lịch sử Kitô giáo và trong lịch sử các dân tộc Âu châu và toàn thế giới. Đức Thánh Cha Wojtyla đã trở thành biểu tượng, một vị hướng dẫn cho các tín hữu cũng như những người không tin. Ngài là vị Giáo hoàng đã góp phần quyết định vào việc lật đổ chế độ cộng sản và mọi thứ lý thuyết nhắm làm tiêu hao phẩm giá và tự do của con người”.

Sau khi liệt kê những đức tính chính yếu của Đức Gioan Phaolô II, Hội đồng Giám mục Ba Lan viết: “Đứng trước những toan tính rộng lớn làm mất uy tín của thánh Gioan Phaolô II và sự nghiệp của ngài, một lần nữa, chúng ta kêu gọi mọi người hãy tôn trọng ký ức về một trong những người đồng hương trổi vượt nhất của chúng ta. Tiến trình phong thánh được tiến hành với sự phân tích sâu rộng về lịch sử và khoa học, không để chỗ cho sự nghi ngờ về sự thánh thiện của Đức Gioan Phaolô II. Cả những tài liệu của cơ quan mật vụ SB cộng sản Ba Lan cũng cho thấy mức độ rộng lớn của các biện pháp canh chừng Đức Hồng Y Karol Wojtyla”.

Các giám mục Ba Lan cũng khẳng định rằng phán đoán của Giáo hội về sự thánh thiện của một người không dựa trên những quyết định cá nhân hoặc thiếu những quyết định ấy. Toàn thể cuộc sống và hoạt động của một người được cứu xét và những thành quả từ đó mà ra. Trong tư cách là Giáo hoàng, thánh Gioan Phaolô II đã liệt kê sự thiệt hại gây ra cho một trẻ em trong lãnh vực tính dục vào số những tội ác nặng nhất. Ngài buộc mọi Hội đồng Giám mục trên thế giới thiết lập những quy luật chuyên biệt để giải quyết những vụ lạm dụng ấy. Trung thành với huấn thị của ngài, ngày nay chúng ta quan tâm đối với sự an toàn của người trẻ trong các tổ chức của Giáo hội. Chúng ta cảm thấy phải lắng nghe và trợ giúp cụ thể cho những người bị thương tổn vì những người của Giáo hội. Chúng ta cám ơn tất cả những người đã can đảm và cương quyết bảo vệ thanh danh của thánh Gioan Phaolô II.

Sau cùng, Hội đồng Giám mục Ba Lan kêu gọi đừng lạm dụng con người của Đức Giáo hoàng Ba Lan vào những mục tiêu chính trị hiện nay, đồng thời các vị khuyến khích các tín hữu cầu xin thánh Gioan Phaolô II chuyển cầu cho Giáo hội và cộng đồng quốc gia Ba Lan.

3. Đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc tố giác bách hại Kitô hữu

Đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ, Đức Tổng giám mục Fortunatus Nwachukwu tố giác rằng “trong những năm gần đây có sự gia tăng bạo lực và các biện pháp đàn áp. Các tín hữu thường không được quyền biểu lộ và thực hành tín ngưỡng của họ, khi điều này không đe dọa an ninh công cộng hoặc vi phạm các quyền của người khác”.

Đức Tổng giám mục Nwachukwu người Nigeria bày tỏ lập trường trên đây, hôm 21 tháng Ba vừa qua, tại Khóa họp thứ 52 của Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneva. Ngài mới được Đức Thánh Cha chỉ định làm Tổng thư ký Bộ Loan báo Tin mừng và sẽ về Vatican nhận nhiệm sở trong thời gian tới đây.

Trong bài tham luận, Đức Tổng giám mục cũng nói rằng: “Ngày nay, cứ bảy người dân thì có một tín hữu Kitô bị bách hại”. Ngài trưng dẫn lời Đức Thánh Cha Phanxicô: “Hòa bình cũng đòi phải nhìn nhận phổ quát quyền tự do tôn giáo. Thật là điều đáng lo âu vì có những người bị bách hại chỉ vì họ công khai tuyên xưng niềm tin của họ, và tại nhiều nước tự do tôn giáo bị giới hạn. Khoảng một phần ba dân số thế giới sống trong những hoàn cảnh như thế”.

Đức Tổng giám mục Nwachukwu tố giác sự gia tăng các biện pháp đàn áp các nhóm tôn giáo thiểu số từ phía một số chính quyền quốc gia. Ngoài ra, có những vụ xúc phạm và phá hoại các nơi thờ phượng, các địa điểm tôn giáo, cũng như các cuộc tấn công các vị lãnh đạo tôn giáo. Những vụ đó ngày càng trở nên thường xuyên”.

Theo vị đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva, một điều gây lo âu không kém, đó là “tại một nước, dưới chiêu bài bao dung và bao gồm mọi người, sự kỳ thị được thực hiện một cách tinh vi và xảo quyệt hơn. Ngày càng có những quốc gia áp đặt những hình thức kiểm duyệt khác nhau, thu hẹp khả thể biểu lộ xác tín của tín hữu, hoặc công khai hoặc về mặt chính trị, viện cớ là để ngăn chặn việc làm tổn thương sự nhạy cảm của người khác”. Làm như thế là “đánh mất những cơ hội đối thoại lành mạnh và cả những lời phát biểu công khai. Khi không gian ấy bị thu hẹp, thì cũng giảm bớt quyền căn bản về tự do tôn giáo của chúng ta, kể cả tự do tư tưởng và tự do lương tâm, vốn là một tiền đề không thể thiếu được để đạt tới hòa bình và xây dựng một xã hội công bằng”.