George Weigel, trên Denver Catholic, ngày 22 tháng 3 năm 2023, nhân các bài đọc Kinh Thánh Thứ hai Tuần III Mùa Chay, đã cho rằng viên đại tướng Naaman của Syria, người thành Nadarét và Con đường Đồng nghị Đức gặp nhau ở cùng một điểm: kiêu ngạo. Ông viết:



Đời sống phụng vụ của Giáo hội thường bắt chước nghệ thuật bằng cách thích hợp một cách đáng lưu ý với một thời điểm cụ thể. Điều đó chắc chắn đúng vào Thứ Hai của Tuần Thứ Ba Mùa Chay, năm 2023 — một ngày mà Kinh thánh trong phụng vụ Thánh Thể mời gọi chúng ta suy ngẫm về tội trọng nhất trong các tội trọng, lòng kiêu ngạo, qua câu chuyện của Naaman, vị tướng xứ Syria, và cuộc đối đầu của Chúa Giêsu với những người Nadarét đồng hương của Người. Năm nay, thứ Hai tuần III Mùa Chay diễn ra ngay sau cuộc họp kết thúc “Con đường Đồng nghị” của Đức. Và trong khi có nhiều lý do tại sao đạo Công Giáo định chế của Đức đang rơi vào tình trạng bội giáo, và có thể rơi xuống vách đá dẫn đến ly giáo, thì lòng kiêu ngạo là một trong số đó.

Naaman tìm cách chữa khỏi bệnh phong cùi của mình từ “người của Đức Chúa Trời”, Êlisa, người kế vị Êlia với tư cách là “nhà tiên tri trong Israel” (2 Cv 5:8). Người Syria này sẵn sàng thực hiện một hành trình dài và khó khăn để đạt được những gì ông ta tìm kiếm. Ông ta sẵn sàng đền bù cho nhà tiên tri về việc chữa bệnh bằng vàng và bạc. Nhưng khi Êlisa bảo ông tắm bảy lần ở sông Giócđan, Naaman từ chối. Tại sao dòng nước Israel tầm thường này lại có nhiều khả năng chữa bệnh hơn những dòng sông lớn hơn của Đamát? Khi ông ta sắp sửa quay về trong cơn giận dữ thì những người hầu của ông ta nài nỉ ông ta tắm ở sông Gióđan, lập luận rằng, vì ông ta sẵn lòng làm một việc khó khăn nếu nhà tiên tri yêu cầu, tại sao không làm một việc dễ dàng?

Naaman tắm theo chỉ dẫn của Êlisa, được chữa khỏi và sau đó tuyên bố rằng “Tôi biết không có Thiên Chúa nào trên khắp trái đất, ngoại trừ ở Israel” (2 Cv 5:15). Tính kiêu ngạo của Naaman là trở ngại cho việc chữa trị của ông, và cuối cùng là cản trở đức tin của ông nơi Thiên Chúa duy nhất chân thật.

Bài Tin Mừng Thứ Hai tuần III Mùa Chay cung cấp cho Giáo Hội một song hành Tân Ước so với câu chuyện Naaman và Êlisa. Trong đoạn Tin Mừng Luca liền trước đó, Chúa Giêsu đã lấy sách cuộn của tiên tri Isaia tại một buổi lễ ngày Sabát ở hội đường quê hương của Người, đọc về người sẽ “công bố năm hồng ân của Chúa,” rồi tuyên bố rằng “hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” — và được sự hoan nghênh của mọi người “nói tốt về Người” (Lc 4:20-22). Tuy nhiên, bầu không khí nhanh chóng thay đổi, và câu chuyện được đọc vào Thứ Hai của tuần III Mùa Chay cho thấy một bộ mặt khác của người thành Nadarét.

Vì, trong niềm kiêu ngạo của họ, họ bắt đầu thắc mắc về người mới phất này. Há anh ta không phải là con trai của Giuse, một bác thợ mộc hay sao? Anh ta nghĩ anh ta là ai? Và đây là loại đấng Mêxia nào? Chúng ta đã có một điều gì đó khác biệt, một điều gì đó tốt hơn, trong tâm trí. Vì vậy, họ đuổi Chúa Giêsu ra khỏi Nadarét và định ném Người xuống một doi đất thì “Người đi ngang qua giữa họ và bỏ đi” (Lc 4:30). Một lần nữa, sự kiêu ngạo là một trở ngại cho đức tin. Chúng ta, những người Nadarét, biết loại đấng mêxia nào mà Thiên Chúa nên phái đến — giống như Ađam và Evà, với lòng kiêu ngạo, đã nghĩ rằng họ biết rõ hơn Thiên Chúa về điều thiện và điều ác, biểu lộ sự kiêu ngạo đã đuổi họ ra khỏi Địa đàng trong chương 3 sách Sáng thế.

Khi Con đường Đồng nghị của Đức tuyên bố rằng họ biết rõ hơn cả Thiên Chúa về điều gì tạo nên cuộc sống công bình, hạnh phúc và hạnh phúc tối thượng - đó là điều mà Con đường Đồng nghị đã làm khi bác bỏ nhân học Kinh thánh của chương 1 sách Sáng thế và chấp nhận ý thức hệ phái tính và chương trình nghị sự LGBTQ - thì Con đường Đồng nghị Đức đã cư xử giống hệt như Ađam và Evà, như Naaman trước khi hoán cải và người thành Nadarét. Khi Con đường Đồng nghị của Đức tán thành một loại hệ thống quản trị Giáo hội theo kiểu nghị viện bất chấp trật tự mà chính Chúa Kitô đã thiết lập cho Giáo hội của Người, người Đức đang làm chính điều mà mọi kẻ tội lỗi kiêu ngạo từ Ađam và Evà cho đến Naaman phung cùi và những người Nadarét khinh miệt đã làm : bác bỏ mặc khải Thiên Chúa. Do đó, sự đối xứng đáng chú ý, đầy nghệ thuật của những bài đọc đó của Thứ Hai Tuần thứ Ba tiếp ngay sau khi kết thúc Con đường Đồng nghị của Đức, đã phá nát cấu trúc của đạo Công Giáo nhân danh nền văn hóa được cho là cao hơn ngày nay.

Vài tháng sau khi Đức Gioan Phaolô II ban hành thông điệp năm 1993 về cải cách thần học luân lý Công Giáo, Veritatis Splendor, một cuốn sách bình luận về bản văn đó - tất cả đều tiêu cực - đã được xuất bản bởi các nhà thần học người Đức. Người biên tập cuốn sách đã viết trong lời nói đầu rằng cuốn sách được xuất bản vì nước Đức có trách nhiệm đặc biệt đối với nền thần học trong Giáo Hội Công Giáo...

Đó là kiểu kiêu ngạo đã khiến nhiều nhà thần học người Đức coi Đức Gioan Phaolô II lỗi lạc là một người Slav phản động, tiền hiện đại, không hoàn toàn theo tiêu chuẩn khai sáng của họ. Cũng chính lòng kiêu ngạo đó đã ngấm vào và làm hỏng triệt để Con đường Đồng nghị của Đức.