Trên tạp chí mạng National Catholic Register, ngày 9 tháng 3, 2023, Jonathan Liedl, đặt các câu hỏi: Liệu các giám mục Đức có vượt qua ranh giới của Vatican không? Và tại sao các giám mục 'tốt' vẫn tham gia? Dưới đây là các cốt truyện để theo dõi trong cuộc họp đang diễn ra ở Frankfurt.



Cuộc họp thứ năm và cũng là cuộc họp cuối cùng của Con đường Đồng nghị gây tranh cãi ở Đức đã bắt đầu vào thứ Năm tại Frankfurt. Cuộc họp ngày 9-11 tháng 3 sẽ hoàn thành giai đoạn bắt đầu lần đầu tiên vào tháng 12 năm 2019. Nhưng kết luận này có phải chỉ là chương mở đầu của một phong cách “đồng nghị” có vấn đề trong Giáo Hội Công Giáo ở Đức không?

Đáng kể nhất là tại hội nghị Frankfurt, các đại biểu đồng nghị dự kiến sẽ bỏ phiếu về việc thực hiện các bước để thành lập một Hội đồng Đồng nghị thường trực, do giáo dân lãnh đạo một phần để điều hành Giáo Hội Công Giáo Đức, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Vatican. Vào ngày cuối cùng của hội nghị, các đại biểu dự kiến sẽ bầu 20 thành viên để cùng với 27 giáo dân và 27 giám mục đã được chọn vào Ủy ban Thượng Hội đồng, ủy ban sẽ chịu trách nhiệm xác định và thành lập Hội đồng Đồng nghị trong ba năm tới.

Nhưng Hội đồng Đồng nghị không phải là chủ đề gây tranh cãi duy nhất trong chương trình nghị sự của phiên họp kéo dài ba ngày, được tổ chức tại trung tâm hội nghị Kap Europa ở trung tâm thành phố đông dân thứ năm của Đức. Các đại biểu sẽ bỏ phiếu về một tài liệu có tên là “Sự hiện hữu của linh mục ngày nay”, một bản văn “nền tảng” hoặc thần học, trong số những thứ khác, thách thức tính hợp pháp của chức linh mục chỉ dành cho nam giới và kỷ luật độc thân, cùng các yếu tố khác. Mười “bản văn thực thi” — bao gồm các đề nghị chúc lành cho các mối quan hệ tình dục đồng tính và thành lập các hội đồng giáo phận có thể bác bỏ quyết định của một giám mục với đa số hai phần ba — cũng sẽ được bỏ phiếu tại Con đường Đồng nghị.

Mặc dù Tòa thánh đã xác nhận rằng Con đường Đồng nghị không phải là một công đồng hợp lệ về mặt giáo luật và không thể đưa ra các quyết định ràng buộc liên quan đến tín lý và thực hành ở Đức, nhưng sự kết hợp giữa thỏa thuận về ý thức hệ và áp lực đáng kể mà hàng giám mục Đức phải đối đầu sẽ có thể dẫn đến việc thực hiện trên thực tế các biện pháp được thông qua bởi Con đường Đồng nghị ở hầu hết các giáo phận của Đức. Các nhóm giáo dân quan tâm đã cảnh báo rằng, nếu không có sự can thiệp đầy đủ từ Tòa thánh, tình hình ở Đức có thể xấu đi thành một “cuộc ly giáo không sạch”, trong đó những người Công Giáo Đức trung thành bị loại khỏi đời sống Công Giáo định chế ở phần lớn nước Đức.

Dưới đây là bốn cốt truyện chính để theo dõi khi các diễn trình gây tranh cãi ở Frankfurt diễn ra.

Con đường Đồng nghị có sẽ vượt qua ranh giới của Vatican không - và nếu như thế, thì điều gì sẽ xảy ra?

Trong tất cả các yếu tố gây tranh cãi do Con đường Đồng nghị đề xuất, Tòa thánh đặc biệt nhấn mạnh đến một yếu tố: Đừng cố gắng thành lập một hội đồng đồng nghị.

Ba nhà lãnh đạo chính của Giáo triều – các Hồng Y Pietro Parolin, Luis Fadaria và Marc Ouellet – đã nói rõ điều này trong một lá thư ngày 16 tháng 1 gửi cho các giám mục Đức, viết rằng “cả Con đường Đồng nghị lẫn bất cứ cơ quan nào do nó chỉ định cũng như hội đồng giám mục đều không có thẩm quyền thành lập 'hội đồng đồng nghị' ở cấp quốc gia, giáo phận hoặc giáo xứ”. Các Hồng Y cũng chỉ ra rằng Đức Thánh Cha Phanxicô “đã chấp thuận bức thư theo hình thức đặc biệt và ra lệnh chuyển giao nó.”

Gần đây hơn, Đức Tổng Giám Mục Nikola Eterović, sứ thần của Đức Giáo Hoàng tại Đức, đã nói với các giám mục Đức vào đầu cuộc họp của họ từ ngày 27 tháng Hai đến ngày 3 tháng 1 tại Dresden rằng ngài đã “được ủy nhiệm chính thức” để xác định rằng, “theo cách giải thích chính xác” của bức thư ngày 16 tháng 1, “ngay cả một giám mục giáo phận cũng không thể thành lập một hội đồng đồng nghị ở cấp giáo phận hoặc giáo xứ”.

Nhưng đồng thời, Vatican đã vạch sẵn ranh giới của mình, Giám mục Georg Bätzing, chủ tịch hội đồng giám mục Đức, đã nói rõ ràng rằng Con đường Đồng nghị sẵn sàng vượt qua nó. Trong phản ứng của mình đối với bức thư ngày 16 tháng 1 của Tòa Thánh, giám mục Limburg đã bác bỏ những lo ngại của Vatican và viết rằng hội đồng giám mục “đã tái khẳng định ý chí thực hiện” ủy ban trù bị của Hội đồng Đồng nghị. Cuối tháng đó, ngài chỉ trích Đức Giáo Hoàng Phanxicô là đang nắm giữ một phong cách đồng nghị không “khả thi trong thế kỷ 21”.

Trong một lá thư gửi cho các Hồng Y Giáo triều được công bố vào ngày 1 tháng 3, vị giám mục người Đức nói rằng ngài sẽ sẵn sàng đối thoại về Hội đồng Đồng nghị - nhưng chỉ “sau cuộc họp cuối cùng của Con đường Đồng nghị Đức tại Frankfurt.” Ngài cũng mô tả bài phát biểu của sứ thần Tòa Thánh trước các giám mục Đức là “gần như không thể nghe được” và nhấn mạnh tại cuộc họp báo ngày 2 tháng 3 rằng “đại đa số các giám mục ủng hộ các đề xuất cải cách của Con đường Đồng nghị Đức và muốn thấy sự thay đổi.”

Nếu Giám mục Bätzing đúng, thì các cuộc bỏ phiếu quan trọng cần theo dõi sẽ là cuộc bỏ phiếu vào thứ Sáu về bản văn thực thi, “Tham vấn và ra quyết định chung,” và cuộc bầu cử vào thứ Bảy của các thành viên Ủy ban Đồng nghị.

Sự ủng hộ mạnh mẽ cho việc tham gia trước đây và rộng rãi vào điều vừa nói trên nơi các giám mục Đức sẽ cho thấy rằng thông điệp của Vatican đã không thấu tai các giám mục, đẩy trò chơi chọi gà giáo hội này lên mức nguy hiểm cao hơn và đá trái banh thẳng trở lại sân nhà của Tòa thánh.

Cho đến thời điểm này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cho thấy không sẵn sàng thực hiện bất cứ hành động nào chống lại các giám mục Đức ngoài lời nói, mặc dù những lời hoa mỹ phát xuất từ Tòa thánh đã gia tăng trong những tháng gần đây. Nhưng nếu các giám mục Đức xúc tiến kế hoạch thành lập một Hội đồng Đồng nghị thường trực, thì đó sẽ là một dấu hiệu rõ ràng rằng ngay cả những tuyên bố mạnh mẽ nhất từ Đức Giáo Hoàng cũng không đủ để ngăn cản họ. Do đó, nếu ranh giới đỏ này bị vượt qua trong ba ngày tới ở Frankfurt, cách Vatican phản ứng có thể cho thấy liệu Đức Giáo Hoàng có sẵn sàng can thiệp hay không, không chỉ bằng lời nói, mà bằng hành động quyết đoán.

Còn lại bao nhiêu tính hợp pháp?

Trong thời gian dẫn tới phiên họp đồng nghị lần thứ năm, tiến trình Con đường đồng nghị đã bị thiệt hại bởi một số vụ đào ngũ đáng kể.

Cha Wolfgang Picken, người đã từng đại diện cho linh mục đoàn của Tổng giáo phận Cologne, một trong những trung tâm Công Giáo có ảnh hưởng nhất ở Đức, đã từ chức đại biểu đồng nghị vào cuối tháng 2, chỉ trích Con đường đồng nghị đã có một chương trình nghị sự được xác định trước và không xem xét đầy đủ hướng dẫn khắc phục do Rome ban hành.

Cha Picken viết trong một lá thư giải thích về việc từ chức của mình, “Những cải cách và thay đổi là cần thiết trong Giáo Hội Công Giáo. Tuy nhiên, tôi không thể ủng hộ sự thiếu cởi mở mà nhiều cuộc tranh luận được tiến hành trong ‘Con đường đồng nghị’ và nhiều đề xuất cải cách quá dễ dàng từ bỏ sự hiệp nhất với Giáo hội hoàn vũ.”

Quyết định của Cha Picken được đưa ra ngay sau sự từ chức ngày 22 tháng 2 của bốn đại biểu nổi tiếng — hai trong số họ là những người đã nhận Giải thưởng Ratzinger danh giá về thần học, và tất cả đều là phụ nữ — những người đã tuyên bố rằng họ sẽ quyết định ra khỏi Con đường đồng nghị vì những lo ngại rằng nó “gây nghi ngờ về các tín lý và niềm tin trung tâm của Công Giáo.”

Các nhà thần học Katharina Westerhorstmann và Marianne Schlosser, nhà triết học Hanna Barbara Gerl-Falkovitz, và nhà báo Dorothea Schmidt đã viết: “Các nghị quyết trong ba năm qua không chỉ đặt nghi vấn đố với các nền tảng thiết yếu của thần học Công Giáo, nhân chủng học cũng như thực hành của Giáo hội, mà còn lên công thức lại và trong một số nền tảng đã tái định nghĩa chúng hoàn toàn. Chúng tôi không thể và sẽ không chia sẻ trách nhiệm về điều đó.”

Trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào ngày 8 tháng 3, Schmidt tiếp tục chỉ trích tiến trình đồng nghị, nói rằng Giáo Hội Công Giáo ở Đức “không phải là con đường đồng nghị cũng như Ủy ban Trung ương của người Công Giáo Đức (Zdk), những thực thể “có thể nghĩ rằng nó đại diện cho tất cả người Công Giáo. Nhưng nó không đại diện cho họ." Và Maria 1.0, một phong trào giáo dân mà Schmidt là thành viên, cùng ngày đã đưa ra lời kêu gọi “tất cả các thành viên đồng nghị từ chức”.

Năm đại biểu đã từ chức trong số hơn 200 người tạo nên cơ quan của Con đường Đồng nghị có lẽ không đáng kể về mặt số lượng. Nhưng đối với một quá trình được cho là nhằm mục đích đưa ra tiếng nói cho toàn thể Giáo hội Đức, việc bỏ đi của bất cứ số lượng người tham gia nào - và đặc biệt là bốn phụ nữ - nêu ra thêm câu hỏi về tính hợp pháp đang diễn ra của Con đường Đồng nghị, hiện đang phải đối đầu với sự nghi ngờ từ khắp nơi trong Giáo hội Đức.

Tại sao các Giám mục 'Tốt' không rút lui?

Bất chấp các vụ đào ngũ đồng nghị và lời kêu gọi những người khác làm theo, có lẽ năm nhà phê bình quan trọng nhất đối với Con đường Đồng nghị vẫn đang tham gia phiên họp cuối cùng: Hồng Y Rainer Maria Woelki (Cologne), Giám mục Rudolf Voderholzer (Regensburg), Giám mục Stefan Oster (Passau), Giám mục Bertram Meir (Augsburg) và Giám mục Gregor Maria Hanke (Eichstätt).

Năm giám mục đã viết một lá thư vào ngày 21 tháng 12 cho Tòa thánh hỏi liệu họ có được yêu cầu tham gia vào ủy ban đồng nghị đang được triệu tập hay tuân theo thẩm quyền của hội đồng đồng nghị được đề xuất, một điều đã thúc đẩy lá thư ngày 16 tháng 1 của các Hồng Y Parolin, Ladaria và Ouellet gửi hàng giám mục Đức.

Xét vì mối quan tâm rõ ràng của họ đối với quỹ đạo dường như không thể tránh khỏi của Con đường Đồng nghị, và xét vì những người khác chia sẻ mối quan tâm của họ đã chọn không tham gia vào quá trình này, quả là một câu hỏi công khai tại sao năm giám mục này vẫn tham gia vào phiên họp cuối cùng. Liệu sự hiện diện của họ có nguy cơ mang lại tính đáng tin cậy cho các kết luận của nó và động thái thành lập một hội đồng đồng nghị thường trực hay không? Và họ hy vọng đạt được điều gì khi tiếp tục tham gia vào một quá trình mà Rome đã cố gắng ngăn chặn và những người chỉ trích khác đã bỏ cuộc?

Những người Công Giáo quan tâm ở Đức có thể sẽ muốn nghe câu trả lời cho những câu hỏi này từ những nhà lãnh đạo nổi tiếng đó, những người cho đến nay đã thể hiện sự sẵn sàng thách thức Con đường Đồng nghị. Chắc chắn họ sẽ được chú ý trong suốt quá trình diễn ra hội nghị Frankfurt.

Vatican đã làm đủ để hỗ trợ những tiếng nói bất đồng chưa?

Năm giám mục nói trên không phải là những người duy nhất cho thấy sự bất đồng của họ đối với một số đề xuất chính được đưa ra thông qua Con đường Đồng nghị. Như CNA Deutsch đã cung cấp tài liệu, hồ sơ công khai về các cuộc bỏ phiếu của các giám mục tại cuộc họp tháng 9 cho thấy 15-17 giám mục đã liên tục bỏ phiếu chống lại các đề xuất đi chệch khỏi giáo huấn và thực hành truyền thống của Giáo hội.

Chẳng hạn, về tài liệu gây tranh cãi đề xuất việc “đánh giá lại đồng tính luyến ái”, tám giám mục đã bác bỏ bản văn này, trong khi tám giám mục khác bỏ phiếu trắng về nó.

Tuy nhiên, tổng số giám mục không ủng hộ văn kiện này ít hơn tám giám mục so với số giám mục trước đó đã bác bỏ hoặc bỏ phiếu trắng đối với văn bản “cơ sở” về tính dục, vốn đã không đạt được 2/3 sự ủng hộ cần thiết của các giám mục Đức để được chấp nhận bởi phiên họp đồng nghị. Việc không thông qua biện pháp đã khiến ban lãnh đạo Con đường Đồng nghị thay đổi thủ tục bỏ phiếu để loại bỏ các lá phiếu kín.

Nói cách khác, sau khi những thay đổi được thực hiện để bảo đảm rằng các cuộc bỏ phiếu được công khai, tám giám mục vốn không tán thành những suy tư thần học của Con đường Đồng nghị về tính dục đã bỏ phiếu chấp nhận lời kêu gọi hành động dựa trên chính bản văn đó.

Đây có thể là một dấu chỉ cho thấy điều mà phong trào giáo dân phê bình đồng nghị Neuer Anfang (Khởi đầu mới) đã nhận xét: Một thiểu số đáng kể các giám mục Đức có thể chống lại chương trình nghị sự của Con đường Đồng nghị nhưng không có khả năng đứng vững trước áp lực đáng kể từ bên trong các định chế giáo hội— bao gồm cả các phương tiện truyền thông Công Giáo — phải chấp nhận đề xuất trừ khi Tòa thánh can thiệp đầy đủ.

Vatican chắc chắn đã gia tăng những lời chỉ trích khoa trương về Con đường Đồng nghị kể từ cuộc họp tháng Chín. Tại chuyến viếng thăm ad limina vào tháng 11 của các giám mục Đức tới Rôma, các Hồng Y Ladaria và Ouellet đã đưa ra những lời chỉ trích mạnh mẽ về tiến trình này và kêu gọi một lệnh cấm (mà các giám mục Đức đã bác bỏ). Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 1 với AP, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đưa ra lời chỉ trích mạnh mẽ nhất của ngài đối với Con đường Đồng nghị cho đến nay, mô tả quá trình này là “không hữu ích cũng không nghiêm túc,” và mô tả nó là do những người theo chủ nghĩa duy ưu tú điều hành. Và trong buổi tiếp kiến chung vào ngày 8 tháng 3, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng việc truyền giáo phải luôn là một công việc của Giáo hội trong sự hiệp nhất với toàn thể Giáo hội và không nên rơi vào “những con đường giả Giáo hội dễ dàng hơn” hoặc “áp dụng luận lý thế gian về những con số và cuộc thăm dò ý kiến, ” một lời phê bình khả hữu đối với tuyên bố liên tục của Con đường Công nghị rằng nó đang theo đuổi những thay đổi căn bản để làm cho Giáo hội trở nên khả thi hơn trong thời đại ngày nay.

Tuy nhiên, không rõ liệu tất cả những lời nói này có đủ để thay đổi động lực tại phiên họp của Con đường Đồng nghị và cung cấp cho các giám mục còn do dự về tiến trình này sự che chở mà họ có thể cần để lên tiếng trước áp lực to lớn hay không.

Đây là trường hợp đặc biệt khi xét đến việc những người ủng hộ chương trình nghị sự Con đường Đồng nghị đã thực hiện các bước tiếp theo để hạn chế những tiếng nói bất đồng. Cuộc họp của các giám mục ở Dresden được cho là một nỗ lực của Giám mục Bätzing nhằm bảo đảm một “đường lối chung” giữa các giám mục về việc chhúc lành cho các mối quan hệ tình dục đồng tính và tránh một cuộc bỏ phiếu thất bại khác, mặc dù sau đó ngài đã cố gắng làm giảm bớt kỳ vọng cho rằng tất cả các đề xuất sẽ được thông qua. Và mới hôm qua, người ta đã xác nhận rằng Đoàn Chủ tịch của Con đường Đồng nghị, bao gồm các Giám mục Bätzing và Franz-Josef Bode, cũng như các viên chức như Irme Stetter-Karp và Thomas Södling, đã bác bỏ một cách đầy tranh cãi yêu cầu của các Giám mục Đức phải khôi phục lá phiếu kín.

Kết quả của các cuộc bỏ phiếu ở Frankfurt sẽ có ý nghĩa quan trọng — không phải chỉ để xem xem liệu các bản văn gây tranh cãi liên quan đến Hội đồng đồng nghị, việc phong chức cho phụ nữ và chúc lành đồng tính có được thông qua hay không, mà còn để lưu ý xem có thể phát hiện ra bất cứ sự khác biệt nào trong mô hình bỏ phiếu giữa các giám mục hay không. Liệu các giám mục bổ sung có tham gia vào nhóm 15-17 người đã liên tục bỏ phiếu chống hoặc bỏ phiếu trắng trong việc ủng hộ các đề xuất không chính thống vào tháng 9 không? Hay số lượng của họ sẽ giảm?

Câu trả lời cho câu hỏi đó, hơn bất cứ điều gì khác, có thể chỉ ra tình trạng của hàng giám mục Đức và vị trí của các giám mục trong mối quan hệ với Tòa thánh. Nó có thể gợi ý gì về các bước cần thiết tiếp theo của Vatican để duy trì sự thống nhất trong đức tin và luân lý trong Giáo hội hoàn vũ?