Các vua nhà Nguyễn, giới Văn Thân và sự bại vong của Việt Nam

LTS : Bài nghiên cứu dưới đây của Giáo Sư Tôn Thất Thiện, được đăng trong nguyệt san Thông Luận số 191, ra ngày 17/04/2005, đề cập đến nhiều vấn đề như văn hóa Khổng Nho, Văn Thân, Công Giáo.

VietCatholic xin trích đăng lại bải khảo cứu giá trị này với mục đích cung cấp thêm tài liệu cho những ai muốn hiểu thêm về lý do tại sao triều đình và lớp sĩ phu Việt Nam đã không giữ được nền độc lập cho nước nhà. Tuy nhiên, nội dung của các bài nghiên cứu được trích đăng từ các mạng lưới điện toán khác không nhất thiết phản ảnh quan điểm và lập trường của VietCatholic.

Riêng với người Công Giáo, đây là tài liệu giải thích vì sao vua quan nhà Nguyễn, nhất là Văn Thân đã nhân danh văn hoá Khổng Nho để tàn sát người Công Giáo.


Các vua nhà Nguyễn, giới Văn Thân và sự bại vong của Việt Nam

PHẦN I

Trước 1945, những người ở lứa tuổi thiếu niên, và ngay cả thanh niên, ít biết rõ lịch sử Việt Nam về thế kỷ XIX. Lý do là: giai đoạn đó là giai đoạn Việt Nam "bị bảo hộ" - nếu nhìn từ góc độ của người Việt, và "được bảo hộ" - nếu nhìn từ góc độ của người Pháp.

Người Việt không muốn nói đến giai đoạn này vì sợ động đến chính phủ bảo hộ, hoặc triều đình Việt Nam: Pháp nắm quyền lực, và triều đình nhà Nguyễn vẫn còn, tuy rằng không có quyền lực gì đối với Pháp, nhưng vẫn còn khống chế được người Việt. Những tác phẩm không vừa ý chính phủ bảo hộ Pháp hoặc triều đình Việt Nam tất nhiên bị kiểm duyệt, và tác giả bị làm khó dễ. Phần khác, tâng bốc, tán dương bảo hộ và chế độ thuộc địa là một điều mà chẳng ai muốn làm. Hậu quả là hiểu biết về lịch sử của rất nhiều người về giai đoạn Việt Nam bị mất chủ quyền khá mù mờ.

Sau 1945, tất nhiên những kềm chế trên đây không còn nữa, đặc biệt là ở miền Bắc, lúc đó không còn bị chính quyền Pháp chế ngự. Rất nhiều tác phẩm về lịch sử giai đoạn Pháp thuộc đua nhau xuất hiện. Những tác phẩm này phản ảnh không khí "cách mạng", đua nhau tố Pháp, tố thực dân, tố "phong kiến", và tất nhiên luôn cả triều đình nhà Nguyễn, đặc biệt là các vua nhà Nguyễn, bị gán cho cái tội đã "rước voi về giày mồ".

Ở miền Nam, vì Pháp được trở lại và áp đặt quyền bính của họ một thời gian nữa, nên phong trào tố Pháp, tố triều đình Việt Nam phải đợi đến sau hội nghị Genève mới phát. Và nó phát mạnh vì phong trào di cư đưa vào Miền Nam rất nhiều trí thức và nhà văn miền Bắc, và những người này mang theo và được tự do phổ biến quan điểm của họ, nhất là sau 1957. Lúc đó, ông Ngô Đình Diệm đã thâu hồi độc lập thực sự, quyền lực Pháp hoàn toàn chấm dứt, và cựu hoàng Bảo Đại bị truất phế, triều Nguyễn không còn quyền lực, mà cũng không còn thế lực gì nữa để ngăn chận những phê phán không tốt về các vua nhà Nguyễn nữa. Những phê phán này thiếu vô tư, có khi rất nặng nề, không công bằng, không cân nhắc, không chính xác.

Tình trạng trên đây rất tự nhiên, vì những phán xét thường biểu hiện một lối tiếp cận chính trị, mà chính trị tất nhiên chủ quan, thiếu khoan dung và thiếu công bằng. Nhưng lối tiếp cận này không thể áp dụng khi ta muốn hiểu tường tận, chính xác, một vấn đề. Hiểu rõ một vấn đề, để đi đến những kết luận chính xác làm căn bản cho những quyết định đúng, mang lại kết quả tốt, đòi hỏi sự áp dụng một lối tiếp cận gồm hai vế :

1. Phân tách khách quan, vô tư, "không khoan nhượng", như một tác giả tiên phong về lãnh vực này nói, phải gạt bỏ ra ngoài những yêu, ghét riêng, để thấy được vấn đề một cách thông suốt;

2. Rút kiến thức từ nhiều ngành để thấy được tất cả các khía cạnh và hiểu vấn đề được một cách toàn vẹn. Lối tiếp cận này rất cần thiết khi ta tìm hiểu một giai đoạn lich sử sôi động.

Riêng về giai đoạn các vua nhà Nguyễn, trong số những tác phẩm đã rõ ràng tách khỏi trào lưu tiếp cận lối chính trị, và áp dụng những lối tiếp cận khoa học hữu hiệu hơn, có ba tác phẩm đáng chú ý đặc biệt.

Đó là những tác phẩm :

- Việt Nam Pháp thuộc sử (1884-1945), của giáo sư Phan Khoan, Sài Gòn, 1961, (nhà xuất bản Sống Mới, P. O. Box 2774, Fort Smith, Arizona, in lại, không rõ năm);

- L’Empire vietnamien face à la France et la Chine (1847-1885), của giáo sư Yoshiharu Tsuboi, Paris, L’Harmattan, 1987;

- Monarchie et Fait Colonial au Viet-Nam (1875-1925) của giáo sư Nguyễn Thế Anh, Paris, L’Harmattan, 1992.

Giáo sư Phan Khoan đã dành toàn vẹn quyển sách dài gần 500 trang của ông cho vấn đề. Nhưng điểm đáng ghi nhất là ông đã viết sách này trong tinh thần rất khách quan, cốt tìm hiểu nguyên do tại sao Việt Nam đã mất chủ quyền, những lý do của thất bại "của tổ tiên ta", chớ không nhằm lên án, kể tội riêng một cá nhân, hay một đoàn thể nào cả. Phần khác, giáo sư nhận xét rằng những biến cố liên quan đến sự can thiệp của Pháp vào Việt Nam chỉ ghi chép trong các sách sử, rời rạc, tùy theo các lặt vặt, và "chưa có một quyển sử nào chuyên chép [những biến cố ấy] riêng ra và cho đầy đủ". Nhận xét này rất đúng, và tác phẩm của giáo sư đã bổ sung cho sự thiếu sót này, cung cấp cho ta những chất liệu rất đầy đủ, đích xác, để nhận xét đúng đắn và cân bằng về giai đọan lịch sử này.

Về phần hai giáo sư Nguyễn Thế Anh và Yoshiharu Tsuboi, đóng góp của họ là đã áp dụng một lối tiếp cận mới, mở đường cho những khảo sát rộng rãi, đầy đủ hơn, và đương nhiên, chính xác hơn, về một giai đoạn sôi nổi của lịch sử Việt Nam, tránh những phán xét hẹp hòi, thiếu thăng bằng, chỉ căn cứ trên một số dữ kiện giới hạn, và trên nhu cầu chính trị phe phái. Họ đã đưa ánh sáng của xã hội học, nhân chủng học và tâm lý học chiếu vào vấn đề, làm sáng tỏ những yếu tố đã khiến những người đương thời quyết định như họ đã quyết định, về phía những nhân vật Pháp, cũng như về phía những nhân vật Việt Nam, trong sự áp đặt chế độ bảo hộ Pháp lên Việt Nam.

Giáo sư Anh đã cứu xét kỹ những "cơ cấu xã hội-văn hóa" (édifice socio-culturel), "bối cảnh xã hội-văn hóa" (paysage socio-culturel), để thấy rõ những động lực đã thúc đẩy những nhân vật liên quan đến những biến cố dẫn đến sự suy tàn của chế độ quân chủ Việt Nam, và sự Pháp tước đoạt hết quyền hành của vua Việt Nam, từ 1875 đến 1925. Về phía Pháp : chính phủ Pháp ở Paris, và những viên chức ngoại giao và quân sự hoạt động ở Việt Nam - nhất là thuộc hải quân; những giáo sĩ công giáo; những tên thương nhân phiêu lưu. Về phía Việt Nam : các vua, quan chức triều đình (lớn và nhỏ), các giới Văn Thân (Nho sĩ, thân hào), dân chúng làng xã. Trong cuộc cứu xét này, giáo sư Nguyễn Thế Anh đã phân tách rất tỷ mỷ lý lịch, tư tưởng, tác phong, hành vi, động lực sau những quyết định, của những nhân vật then chốt.

Lối tiếp cận của giáo sư Yoshiharu Tsuboi cũng tương tự, nhưng ông này giới hạn cuộc cứu xét vào triều Tự Đức (1847-1885), và đi rất sâu vào việc phân tích mối tương quan giữa vua Tự Đức với giới Văn Thân. Ông đã cứu xét "không gian xã hội" (l’espace social) Việt Nam để tìm hiểu tiến trình áp đặt chế độ thuộc địa lên Việt Nam, sự suy sụp của xã hội Việt Nam đã diễn hành ra sao, và giới Văn Thân đã đóng vai trò gì trong tiến trình này. Ông đã làm sáng tỏ tầm quan trọng của "di sản văn hóa" trên các tác nhân Việt, vạch rỏ ảnh hưởng những "bẩm chất văn hóa" (prédispositions culturelles) trên hành vi của các tác nhân này, tại sao những chương trình cải tổ xã hội Việt Nam đã bị "ngăn chặn" (bloqué). Quan trọng, và mới hơn cả, ông đã làm nỗi bật sự hiện hữu và ảnh hưởng của "nhóm xã hội" (groupe social) có uy thế và có ảnh hưởng quyết định trên công luận ở Việt Nam thời đó.

Như giáo sư George Condominas đã nhấn mạnh trong Lời giới thiệu, giáo sư Tsuboi đã áp dụng nhân chủng học vào cuộc cứu xét nói trên, và đây là một lối tiếp cận cho phép đi sâu vào sự hiểu thấu chiều văn hóa, và điều chỉnh một số quan niệm sai lầm đã được phổ biến trước đó, ví dụ quan điểm nói rằng các vua nhà Nguyễn không quan tâm gì đến những biến chuyển quốc tế, đã được một số giáo sĩ đưa ra, và được một số người Việt Nam lặp lại.

Một điểm cần lưu ý là cả hai giáo sư Anh và Tsuboi đều đặt nặng yếu tố văn hóa, và xã hội. Giáo sư Anh đã thâu tóm vấn đề trong một câu : "Vấn đề là làm sao lật được toàn thể xã hội Việt Nam vào hiện đại" (Le problème est comment faire basculer la société entière dans la modernité). Đặt vấn đề như vậy là đặt vấn đề sửa đổi văn hóa, nhưng việc này liên quan đến toàn thể xã hội. Thế hệ thời Tự Đức đã không thực hiện được điều trên này, và hậu quả là sự bại vong của đất nước đưa đến sự đô hộ của ngoại bang. Ai mang trách nhiệm về thảm trạng này? Ai đã "rước voi về giày mồ" ? Đó là câu hỏi mà các tác giả trên giúp ta trả lời được dứt khoát : toàn thể xã hội Việt Nam. Nhưng, thật ra, qua các công trình sưu khảo của hai giáo sư Anh và Tsuboi, ta thấy rằng tất cả chỉ là nạn nhân của một văn hóa thủ cựu cực đoan - văn hóa Khổng Nho mô hình Trung Quốc. Dưới đây là chi tiết về tiến trình băng hoại đó. Bài này chủ ý cứu xét vấn đề về phía Việt Nam, nên sẽ không đề cập nhiều đến phía Pháp.

Trước hết, cần nhắc lại những biến cố lớn dẫn đến sự áp đặt chế độ bảo hộ Pháp lên Việt Nam :

Năm 1847 : tháng 4, ở Đà Nẵng, hạm đội Pháp bắn chìm hết lực lượng thủy quân Việt Nam, trong đó có năm tàu bọc đồng.

Năm 1858 : tháng 9, cũng tại Đà Nẵng, quân Pháp bắn phá và đổ bộ lên Đà Nẵng.

Năm 1859 : tháng 2, quân Pháp chiếm Gia Định.

Năm 1859 : tháng 4, quân Pháp lại bắn phá Đà Nẵng.

Năm 1860 : quân Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ.

Năm 1862 : ngày 5 tháng 6, triều Nguyễn ký hòa ước nhường ba tỉnh miền Đông cho Pháp, chấp nhận cho Pháp vào Đà Nẵng tự do buôn bán, đặt sứ thần ở Huế, cho tự do giảng đạo Thiên Chúa, và nếu có cắt đất nhường cho một quốc gia khác phải báo trước cho Pháp biết, hai bên không chứa chấp "giặc" và giao "giặc" cho nhau ("giặc" ở đây hiểu theo Pháp, là những người chống Pháp). Các sử gia Việt Nam thường gọi hòa ước này là "Hòa ước năm Nhâm Tuất".

Năm 1874 : ngày 15 tháng 3 : triều Nguyễn ký hòa ước chấp nhận giao quyền quyết định về ngoại giao cho Pháp, nhận chủ quyền Pháp trên toàn thể sáu tỉnh Nam Kỳ và Cao Mên và Lào, cho Pháp tự do di chuyển và buôn bán ở Bắc Kỳ, bắt giao "tội phạm" trốn trên lãnh thổ Việt Nam cho Pháp ("tội phạm" ở đây là những kẻ chống Pháp), cho Pháp đặt trú sứ tại Huế ngang hàng với thượng thơ, hủy bỏ tất cả các chỉ dụ cấm đạo, cho các giám mục, linh mục, được tự do vào trong nước Việt Nam giảng đạo Gia-tô ở mọi nơi và khi đến, ở, đi, không cần phải khai báo với quan Việt Nam. Sử gia Việt Nam gọi hòa ước này là "Hòa ước năm Giáp Tuất". Cùng với hòa ước này, hai bên cũng ký một thương ước.

Năm 1883 : ngày 25 tháng 8, triều Nguyễn ký hòa ước chấp nhận trao hết quyền giao thiệp với nước ngoài, kể cả với Trung Quốc, cho Pháp, người Nam là "những kẻ bảo hộ" của Pháp, sáp nhập tỉnh Bình Thuận vào Nam Kỳ, Pháp có quyền đặt trú sứ ở Huế và diện kiến vua, Pháp có quyền đặt trú sứ ở Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh, quan của Nam Triều đặt dưới quyền kiểm soát của trú sứ Pháp, triều đình Việt Nam chấp nhận những bổ nhiệm của Pháp về quan chức ở Bắc Kỳ, giao thương chính cho Pháp, chịu cho Pháp đồn binh ở bất cứ nơi nào thấy cần, nhận tiền tệ của Nam Kỳ là tiền tệ của Việt Nam, Pháp cung cấp huấn luyện viên, kỹ sư, v.v. cho Việt Nam (điều 24). Sử gia Việt Nam gọi hòa ước này là "Hòa ước năm Quí Mùi". Người Pháp gọi nó là "Hòa ước Harmand" vì đại diện Pháp ký hòa ước này là Jules Harmand. Theo hòa ước này Việt Nam mất đất, mất quốc tịch, mất chủ quyền về ngoại giao, nội vụ, quân sự, tài chính, tiền tệ.

Năm 1884 : ngày 6 tháng 6, triều Nguyễn ký hòa ước mà điều chính là : Việt Nam "nhận và chịu nước Pháp bảo trợ, nước Pháp thay mặt nước Nam trong các việc giao thiệp với ngoại quốc và bảo trợ người nước Nam với các nước ngoài". Sử gia Việt Nam gọi hòa ước này là "Hòa ước năm Giáp Thân". Pháp gọi nó là "Hòa ước Patenôtre", theo tên đại diện của Pháp ký hòa ước đó, Jules Patenôtre. Hòa ước này làm rõ ràng cương vị bị bảo hộ của Việt Nam.

Về phía Pháp thì tầm quan trọng của hòa ước 6-6-1884 là ở chổ nó làm rõ ràng quy chế bảo hộ quốc của Việt Nam, và nhất là nó chính thức chấm dứt mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Hoa. Thật ra, điều này lại nằm ở nơi khác : ngay sau khi ký hiệp ước, Pháp buộc triều đình Việt Nam phải hủy cái ấn nhà Thanh phong vương cho vua Việt Nam, và, đặc biệt, là ở thỏa hiệp Pháp-Trung ngày 11-5-1884, được xác nhận trong điều 2 của hòa ước Thiên Tân ngày 4-6-1885, theo đó Trung Quốc "quyết không làm gì có thể ngăn trở cuộc bình định của nước Pháp và chịu trọng nể - từ nay và về sau - các hòa ước, hiệp định, sự điều đình giữa nước Nam và nước Pháp". Nghĩa là mối quan hệ Thượng quốc - Phiên quốc có từ nghìn năm giữa Trung Quốc và Việt Nam chấm dứt, Trung Quốc công nhận bá quyền của Pháp trên Việt Nam, và từ đây không can thiệp vào Việt Nam nữa.

Hòa ước 6-6-1884 là bản văn quy định quan hệ giữa Việt Nam và Pháp đến năm 1945. Nó chỉ là khởi đầu của sự suy giảm rất nhanh chóng của uy quyền các vua triều Nguyễn, và sự gia tốc của tiến trình thuộc địa hóa Việt Nam. Nhưng tiến trình xuống dốc này thật ra bắt nguồn từ thời Gia Long - Minh Mạng, và tiếp tục sang thời Tự Đức, cho đến thời Khải Định. Để có một ý niệm đầy đủ về tiến trình này, ta phải đề cập đến một số sự kiện xảy ra trước và sau thời Tự Đức.

Một quyết định, mà tầm quan trọng chỉ có thể ước lượng được đúng mức ngày nay, là quyết định của chúa Nguyễn Phước Ánh lấy Khổng giáo làm căn bản cho quốc gia được xây dựng sau khi ông thắng Tây Sơn năm 1802. Nhắc lại, năm 1788 ông lấy lại toàn đất Gia Định, và từ đó trở đi, ông tổ chức lại vùng đất này, biến nó thành căn cứ để tấn công ra Bắc. Năm 1794 ông tấn công Diên Khánh, và tin chắc rằng ông sẽ thanh toán được Tây Sơn và thu phục được giang sơn. Một vấn đề lớn được đặt ra là sau khi thắng Tây Sơn, thu phục được quyền hành trên toàn cỏi lãnh thổ của nhà Nguyễn, ông sẽ xây dựng một quốc gia trên căn bản nào ? Một số quyết định của ông, lúc đó đang còn là chúa Nguyễn Phước Ánh, cho thấy con đường mà ông lựa chọn.

Trước hết là về giáo dục của Đông Cung thái tử Cảnh. Ông này đã được giao cho giám mục Pigneau de Béhaine - mang tên Việt Nam là Bá Đa Lộc - từ năm 1784, lúc ông ta 4 tuổi. Giám mục đã mang ông ta đi Pháp cầu viện, và hầu như là người phụ trách giáo dục ông ta. Vì vậy, đình thần của chúa Nguyễn Phước Ánh rất lo sợ rằng ông ta sẽ theo đạo Gia-tô sau khi ông tuyên bố sẽ chỉ lấy một vợ, không chịu lạy tổ tiên, và buổi tối đọc kinh trước khi đi ngủ. Nhưng đó là năm 1788, lúc ông đi Pháp về, mới có 8 tuổi. Sau khi ông được chính thức chọn làm Đông Cung, năm 1793, đình thần kiến nghị xin chúa giao ông cho các quan giáo dục ông theo Nho giáo cổ truyền. Chúa Nguyễn Phước Ánh đã chấp thuận đề nghị này. Hậu quả là mấy năm sau hoàng tử Cảnh đã có ba vợ, và có một số hành vi khác chứng tỏ là ông ta đã theo đúng đạo Nho.

Những biến chuyển trên tất nhiên làm cho giám mục Bá Đa Lộc và các giáo sĩ khác thất vọng. Họ hằng mong rằng nắm được hoàng tử Cảnh, và thắng lợi của chúa Nguyễn sẽ đưa đến sự cải giáo cả Việt Nam. Nhưng nay hy vọng đó tiêu tan. Hơn nữa, chính chúa Nguyễn Phước Ánh, khi biết chắc mình sẽ thắng, không còn cần sự trợ giúp của giám mục và đồng giáo như xưa, nên tỏ ra ít dễ dãi với đạo hơn mấy năm trước. Chúa cho xây Khổng Miếu, tổ chức thi cử theo truyền thống Nho học. Sau này, khi thắng Tây Sơn rồi và lên ngôi đế, chúa Nguyễn Phước Ánh, trong cương vị hoàng đế, chính thức lấy Khổng giáo làm quốc giáo. Đây là một định hướng mang hậu quả hệ trọng cho tương lai nước Việt Nam, vì văn hóa Khổng giáo chỉ đào tạo ra những quan chức và Nho sĩ thủ cựu cực đoan, chỉ biết lo trau dồi kinh sử, văn thơ, trong khi nước Việt Nam phải đối đầu với nhiều vấn đề mới, do sự tiếp xúc với văn minh Tây phương và cần có một văn hóa mới, với những giá trị mới.

Về đối ngoại thì trong thời gian vua Gia Long trị vì, các chính phủ Pháp bận rộn với cách mạng 1789 và chiến tranh liên miên với các nước Âu châu, nên không có qua lại. Mãi đến năm 1817, mới có một thuyền Pháp ghé Đà Nẵng. Thuyền trưởng de Kergariou xin đến Huế dâng phẩm vật của vua Louis XVIII, và đề nghị ký thương ước với Việt Nam, nhưng vua Gia Long không cho, viện lẽ là không có quốc thư. Trước đó, năm 1803, có sứ Anh Robert sang xin phép lập phố buôn bán, nhưng vua không cho. Năm 1819, lúc bệnh nặng, sắp băng, vua cho gọi hoàng thái tử (vua Minh Mạng sau này) vào dặn "chỉ có một việc là ngày sau phải cẩn thận, chớ nên gây hấn ngoài biên".

Lời trối trên đây không khác gì lời trối trứ danh về tránh "entanglement" của tổng thống Hoa Kỳ George Washington ! Nhưng ý nguyện của vua Gia Long không được thực hiện, vì tình hình thế giới từ triều Minh Mạng trở đi có nhiều chuyển biến lớn. Đặc biệt là các cường quốc Âu châu chú ý nhiều hơn đến Á Đông, và ở trong nước xảy ra những biến động khiến vua Minh Mạng áp dụng biện pháp gắt gao đối với giáo sĩ Công giáo dẫn đến sự can thiệp quân sự của Pháp.

Từ thế kỷ XVI cho đến đầu thế kỷ XIX, các quốc gia Âu châu tiếp xúc với Á Đông với mục đích thám hiểm,và buôn bán. Từ giữa thế kỷ XIX, kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật giao thông hàng hải của họ tiến bộ nhiều, đồng thời khoa học kỹ nghệ phát triển làm cho kinh tế của họ tăng trưởng mạnh. Những biến chuyển trên đây dẫn đến cạnh tranh và xung đột để giành thị trường, đặc biệt là ở hải ngoại. Tình trạng này thúc đẩy các cường quốc Âu châu tìm căn cứ cho hải quân và thị trường cho kinh tế của họ. Á châu là một trong vùng rất được các nước Âu châu chiếu cố. Từ triều Louis Philippe, Việt Nam là nước được Pháp chú ý đến. Vua Minh Mạng là vua đầu tiên bị đặt trước vấn đề phải đối phó với ý định tìm kiếm căn cứ quân sự và thị trường của Tây phương, đặc biệt là của Pháp. Cụ thể, vấn đề là làm sao đương đầu với sự xâm lấn quân sự và xâm nhập văn hóa của Pháp.

Hai vấn đề trên đây liên quan mật thiết với nhau. Vua Minh Mạng phải đương đầu với sự xâm nhập của đạo Gia-tô, được coi như mối đe dọa đối với văn hóa cổ truyền Khổng Nho, vừa là một đe dọa về an ninh của triều đình. Vua Minh Mạng là một người rất sùng Nho và văn minh Trung Quốc. Vì lý do đó, ông chú ý đến vấn đề giáo hóa dân theo đạo Nho. Ông đã ban 10 điều dụ trong đó điều 1 "Đôn nhân luân", dạy dân "trọng tam cương, ngũ thường", giáo lý căn bản của Khổng giáo; điều 5 "Hậu phong tục", dạy dân "giữ phong tục cho thuần hậu", nghĩa là giữ vững những giá trị truyền thống; điều 7 "Sùng chính học" dạy dân "trọng đạo chính" : "chính" đây là Nho giáo, đối với "tà", là đạo Gia-tô. Mà đã "tà" thì không được truyền bá, không được theo. Đây là nguyên tắc căn bản dẫn đến cấm đạo.

Nhưng trong thời gian Lê Văn Duyệt còn sống, vua Minh Mạng chưa ra tay được vì ông Duyệt là một công thần, và ông ta là người che chở Công giáo và rất được dân miền Nam mến chuộng. Lê Văn Duyệt mất năm 1832. Sau khi mất ông bị lên án nặng. Việc này gây bất mãn ở miền Nam. Tiếp theo đó, Lê Văn Khôi, một người được ông ta che chở bị ngược đãi, nổi loạn chống triều đình, chiếm thành Gia Định, buộc triều đình mất ba năm mới dẹp yên. Trong số người bị bắt trong thành Gia Định có một số giáo dân Công giáo và một giáo sĩ Pháp, cố Marchand, cho nên vua kết luận rằng Công giáo đã tiếp tay Lê Văn Khôi chống lại triều đình. Vấn đề Công giáo trở thành một vấn đề chính trị.

Những người bị bắt đều bị xử tử; cố Marchand bị đưa về Huế và bị tra tấn đến chết. Đồng thời có một giáo sĩ khác, giáo sĩ Gagelin, cũng bị xử giảo ở Huế. Năm 1833 vua Minh Mạng xuống dụ cấm đạo.

Trước đó, năm 1825, nhân dịp có một giáo sĩ Pháp, giáo sĩ Rogerot, theo tàu Pháp vào Đà Nẵng đi giảng đạo khắp nới, vua đã có dụ cấm đạo. Nhưng lần này, lệnh cấm đạo gắt gao hơn trước nhiều : buộc giáo dân phải bỏ đạo, phá hủy nhà thờ, nhà giáo sĩ; giáo đồ bị bắt bớ, giết hại khắp nơi. Năm 1836 vua Minh Mạng lại ra dụ cấm đạo nữa. Lần này các biện pháp lại còn gay gắt hơn trước : các giáo sĩ bị bắt ở trên tàu hoặc trong nước đều bị giết. Trong những năm 1834-1838 có 7 giáo sĩ bị giết, riêng năm 1838 các giáo sĩ và giáo đồ bị giết nhiều hơn cả. Những sự kiện này khởi động một phong trào cấm đạo, giết đạo kéo dài cho đến khi Pháp áp đặt chế độ thuộc địa lên Việt Nam.

Sự cấm đạo, giết đạo gắt gao trên đây có một hậu quả cực kỳ quan trọng : các giáo sĩ Pháp bị ngược đãi gắt gao bèn khuấy động dư luận Âu châu, và kêu gọi chính phủ Pháp bảo vệ họ. Người hăng hái nhất trong sự vận dộng này là giám mục Pellerin. Triều đình vua Louis-Philippe, lúc đó chưa có ý đồ xâm chiếm Việt Nam, nhưng thấy phải biểu lộ sự xúc động bất mãn bằng cách từ chối tiếp sứ bộ của vua Minh Mạng lúc sứ bộ này đến Pháp năm 1839. Ta không biết vua Minh Mạng đã rút tỉa kinh nghiệm gì về sự kiện này - mình không tiếp sứ người ta thì người ta không tiếp sứ của mình. Nhưng vì vua Minh Mạng băng hà năm 1840 trước khi sứ bộ về, vấn đề quan hệ với Pháp để lại cho người kế vị là vua Thiệu Trị.

Thời vua Thiệu Trị không có việc cấm đạo gắt gao, nhưng do một sự hiểu lầm, lại xảy ra cuộc va chạm quân sự đầu tiên mở đầu cho những cuộc hành binh kế tiếp của Pháp uy hiếp triều đình Huế cho đến khi Việt Nam bị chế ngự hoàn toàn.

Nguyên do của sự xung đột là năm 1845 một giáo sĩ Pháp, giám mục Lefèbvre vào Việt Nam giảng đạo, bị án tử hình, vua tha cho tội chết, trục xuất sang Singapore. Năm sau ông lại lén vào Gia Định giảng đạo, lại bị án tử hình, nhưng vua lại ân xá, và cho đưa về Singapore. Năm 1847, viên thuyền trưởng chiến thuyền Victoria là trung tá Rigault de Genouilly đến Đà Nẵng, vì không hay biết tin trên, đã xin vua thả giám mục Lefèbvre ra. Trong lúc đang điều đình, Rigault de Genouilly thấy phía Việt Nam có động quân, ông nghi là để tấn công hạm đội ông nên liền ra tay trước. Chiến thuyền Victoria đã bắn chìm hết hạm đội của ta ở Trà Sơn, trong đó có năm tàu bọc đồng. Vua Thiệu Trị giận lắm và xuống dụ cấm giáo sĩ giảng đạo và làm tội những người trong nước theo đạo. Đây là lần đầu tiên quân Pháp tấn công quân sự Việt Nam, mở đầu cho một giai đoạn gây hấn leo thang, mà người phải đối phó, và đối phó không được, là vua Tự Đức.

Sự thất bại của Việt Nam dưới triều vua Tự Đức, thể hiện qua các hòa ước 1862, 1874, 1883 kể trên, mang lại hậu quả là Pháp lấn ép dần dần các triều vua kế tiếp. Dưới triều vua Hàm Nghi, sau khi vụ đột kích quân Pháp thất bại ở Huế của ông Tốn Thất Thuyết đêm 4-5 tháng 7 năm 1884, quân Pháp chiếm đóng kinh thành Huế. Từ đó Pháp làm mưa làm gió, tước dần quyền hành của vua và triều đình Việt Nam. Tình trạng này được cụ thể hóa qua sự truất phế và đày ải các vua Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân, ra khỏi Việt Nam (vua Hàm Nghi đi Algérie, các vua Thành Thái và Duy Tân đi Réunion); buộc vua Hàm Nghi và các vua kế tiếp phải nhận tấn phong của Pháp; các vua Việt Nam (từ Đồng Khánh trở đi) do Pháp lựa chọn và các cơ quan đầu não của Việt Nam (Cơ Mật Viện, Tôn Nhơn Phủ) do viên khâm sứ Pháp chủ tọa. Cuối cùng, năm 1925, dưới triều Khải Định, hiệp ước ngày 6 tháng 11 thâu góp hết quyền của vua vào tay khâm sứ Pháp, chỉ để lại cho vua quyền cúng tế tổ tiên và phong thần, phong tước mà thôi.

Những chuyển biến trên đây đã xảy ra từ 1847, nhưng thực sự là từ 1802, năm chúa Nguyễn Phước Ánh lên ngôi đế, lập ra triều Nguyễn, cho đến 1945, năm hoàng đế Bảo Đại tuyên bố bãi bỏ tất cả hiệp ước ký với Pháp, nhưng đồng thời lại thoái vị, chấm dứt triều Nguyễn. Trong thời gian này, những biến chuyển lớn, có tính cách quyết định, xảy ra dưới triều Tự Đức. Do đó, các sử gia thường chú tâm vào vị vua này, coi ông là người chịu trách nhiệm về sự bại vong của nước Việt Nam. Nhưng nay, dưới ánh sáng của xét lại, sự thực đã không phải vậy. Những công trình của ba học giả nêu trên làm sáng tỏ rằng trách nhiệm về bại vong của Việt Nam không phải chỉ ở vua Tự Đức, và triều đình ông, mà ở nhiều người khác, đặc biệt là ở giới Văn Thân. Cho nên, để có một ý niệm rõ ràng về vấn đề này, chúng ta cần cứu xét kỹ vai trò của giới Văn Thân.

(Còn tiếp)