Lúc 9 giờ sáng thứ Sáu 16 tháng 12, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa đã trình bày bài thuyết giảng tĩnh tâm thứ ba và cũng là bài cuối cùng cho Mùa Vọng 2022 trước Đức Thánh Cha Phanxicô và Giáo triều Rôma.

Sáu các bài thuyết giảng về “Cửa Đức Tin” và “Cửa Đức Cậy”, bài cuối cùng này có chủ đề: “Cửa Đức Mến”,

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên,

cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính,

để Đức Vua vinh hiển ngự vào (Tv 24:7)

Trong ý định của chúng ta là mở các cánh cửa cho Chúa Kitô, Đấng đang ngự đến, chúng ta đã đến được cánh cửa trong cùng của “lâu đài bên trong”, là cánh cửa của nhân đức bác ái thần học, hay gọi tắt là đức mến.

Nhưng mở cánh cửa đức mến cho Chúa Kitô có nghĩa là gì? Phải chăng điều đó có nghĩa là chúng ta chủ động yêu mến Thiên Chúa? Đó là cách các triết gia ngoại giáo trả lời, dựa trên ý tưởng họ có về tình yêu của Chúa. “Aristotle nói Thượng đế tác động đến thế giới chừng nào Ngài được yêu thương”. Thiên Chúa được yêu là điều quan trọng hơn Ngài yêu chúng ta! Quan điểm triết học này đã hoàn toàn bị đảo ngược trong Tân Ước:

Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng là chính Người đã yêu thương chúng ta và sai Con của Người đến đền tội cho chúng ta… Chúng ta yêu mến vì Người đã yêu thương chúng ta trước (1Ga 4:12.19).

Henri de Lubac đã viết: “Thế giới phải biết rằng sự mặc khải về Tình yêu Thiên Chúa làm đảo lộn mọi thứ mà người ta đã quan niệm về thần thánh”. Cho đến ngày nay, chúng ta vẫn chưa hoàn thành, và sẽ không bao giờ hoàn thành, việc rút ra tất cả những hậu quả từ cuộc cách mạng truyền giáo về Thiên Chúa là tình yêu. Thánh Irênê dạy chúng ta rằng Chúa Thánh Thần liên tục làm tươi mới kho tàng mạc khải, cùng với chiếc bình chứa đựng kho tàng đó, là truyền thống của Giáo hội. Với sự giúp đỡ của Ngài, chúng ta hãy cố gắng hiểu đâu là hệ quả cần được khám phá và nhất là phải sống nhân đức bác ái thần học.

Có nhiều luận thuyết về bổn phận và mức độ tình yêu dành cho Thiên Chúa, nói cách khác, về “Thiên Chúa để chúng ta yêu” (De diligendo Deo); Tôi không biết luận thuyết nào đề cập đến “Thiên Chúa yêu thương chúng ta”! Bản thân Kinh thánh là một chuyên luận về Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta; nhưng, bất chấp điều này, hầu như luôn luôn, khi chúng ta nói về “tình yêu Thiên Chúa”, Chúa là đối tượng chứ không phải là chủ ngữ của câu.

Đúng là Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi, là “điều răn đầu tiên và lớn nhất”. Đây chắc chắn là điều đầu tiên trong thứ tự của các điều răn; nhưng thứ tự của các điều răn không phải là thứ tự đầu tiên, thứ tự trên hết mọi thứ! Trước trật tự của các điều răn, có trật tự của ân sủng, nghĩa là tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Bản thân các điều răn được thành lập trên ân sủng; bổn phận yêu mến Thiên Chúa dựa trên việc được Thiên Chúa yêu thương: “Chúng ta yêu vì Người đã yêu chúng ta trước”, thánh sử Gioan vừa nhắc nhở chúng ta. Đây là nét mới lạ của đức tin Kitô giáo đối với bất kỳ nền đạo đức nào dựa trên “bổn phận” hoặc “mệnh lệnh tuyệt đối”. Chúng ta đừng bao giờ đánh mất điều này.

Chúng ta đã tin vào tình yêu của Thiên Chúa

Do đó, mở cánh cửa tình yêu cho Chúa Kitô có một ý nghĩa rất cụ thể: đó là đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, và tin tưởng vào tình yêu đó. “Chúng ta đã biết và tin vào tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta”, Thánh Gioan viết trong cùng một bối cảnh (1 Ga 4:16). Giáng Sinh là biểu hiện - theo nghĩa đen của sự hiển linh – của lòng tốt và tình yêu Thiên Chúa dành cho thế giới. Thánh Phaolô viết “Ân sủng của Thiên Chúa đã xuất hiện (epephane), cứu rỗi tất cả mọi người”; và trong thư gởi Timôthêô, ngài nhắc lại một lần nữa: “lòng nhân hậu và tình yêu quảng đại của Thiên Chúa, vị cứu tinh của chúng ta đã xuất hiện” (Tit 2, 11; 3, 4).

Điều quan trọng nhất cần làm trong Lễ Giáng Sinh là đón nhận, đầy ngạc nhiên, hồng ân vô biên của tình yêu Thiên Chúa. Khi bạn nhận được một món quà, thật không tế nhị chút nào khi ngay lập tức đáp lại bằng một tay khác món quà hồi đáp của bạn, có lẽ đã được chuẩn bị trước. Người ta chắc chắn sẽ có ấn tượng bạn muốn trả cho xong, cho hết nợ ngay lập tức. Đầu tiên, cần phải tôn vinh món quà nhận được và người tặng nó, với sự ngạc nhiên và lòng biết ơn. Sau đó - gần như xấu hổ và khiêm tốn - người ta có thể mở món quà của mình, như thể nó chẳng là gì so với những gì mình đã nhận được. Món quà của chúng ta dành cho Chúa, trên thực tế, chẳng khác gì là hư không! “Hành động yêu thương” truyền thống, ít nhất là trong lời nguyện riêng tư và cá nhân, không nên bắt đầu bằng những từ như: “Chúa ơi, con hết lòng yêu mến Chúa”, nhưng phải là “Chúa ơi, con hết lòng tin rằng Chúa quá yêu con”.

Điều chúng ta phải làm trước hết trong lễ Giáng Sinh là tin vào tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chuyện này xem ra là một điều dễ dàng. Nhưng trái lại, đó là một trong những điều khó khăn nhất trên trần đời. Con người có xu hướng chủ động hơn là thụ động, làm hơn là để ai đó làm thay. Trong vô thức, chúng ta không muốn trở thành con nợ, mà là chủ nợ. Vâng, chúng ta muốn tình yêu của Thiên Chúa, nhưng như một phần thưởng, hơn là một món quà. Tuy nhiên, theo cách này, một sự thay đổi và đảo ngược được thực hiện một cách vô lý: trước hết, trên hết mọi thứ, thay cho món quà là bổn phận, thay cho ân sủng là lề luật, thay cho đức tin là việc làm.

“Chúng ta đã tin vào tình yêu!”: Đây là tiếng kêu mà chúng ta phải dồn hết sức lực để gào lên. Tôi gọi đó là “niềm tin hoài nghi”: đó là niềm tin không thể hiểu tại sao điều này lại có thể là sự thật, mặc dù chúng ta tin vào điều đó. Thiên Chúa – Đấng Vĩnh Cửu, Đấng Hiện Hữu, Đấng Tất Cả – yêu thương tôi và quan tâm đến tôi, trong khi tôi chỉ là một chút hư không lạc loài trong sự bao la của vũ trụ và của lịch sử! Tất cả những gì chúng ta có thể làm là nói cùng với nhà thơ: “Và thật ngọt ngào khi đắm tàu trong một vùng biển như vậy”.

Bạn phải trở thành một đứa trẻ để tin vào tình yêu. Trẻ em tin vào tình yêu, nhưng không dựa trên lý trí, nhưng theo bản năng, theo bản tính tự nhiên. Chúng được sinh ra tràn đầy niềm tin vào tình yêu thương của cha mẹ. Chúng xin cha mẹ những thứ chúng cần, thậm chí có thể bằng cách giậm chân khóc lóc, nhưng giả định không nói ra ở đây là chúng không phải là người đã làm ra hay có được những thứ ấy; nhưng đúng hơn chúng là những đứa trẻ và một ngày nào đó chúng sẽ là người thừa kế mọi thứ. Trên hết, chính vì lý do này mà Chúa Giêsu thường khuyên chúng ta nên trở nên như trẻ nhỏ để vào Nước Trời.

Thật không dễ dàng để trở thành một đứa trẻ một lần nữa. Sự từng trải, những cay đắng, những thất vọng của cuộc đời khiến chúng ta thận trọng, cảnh giác, đôi khi yếm thế. Tất cả chúng ta đều hơi giống Nicôđêmô. Chúng ta nghĩ “Làm thế nào một người có thể được tái sinh khi đã già?” (Ga 3: 4). Làm sao chúng ta có thể tái sinh, có thể phấn khởi, bỡ ngỡ trong ngày lễ Giáng Sinh như trẻ thơ? Nhưng Chúa Giêsu đã trả lời như thế nào cho Nicôđêmô? Thưa: Ngài phán “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3:5).

Được tái sinh không phải là kết quả của nỗ lực và tham vọng, hay sự phấn chấn của tâm hồn con người; đó là công việc của Chúa Thánh Thần. Ở đây Chúa Giêsu không chỉ nói về phép rửa; ít nhất không chỉ là phép rửa bằng nước. Đó là vấn đề tái sinh và phép rửa “trong Thần Khí”, hay “từ trên cao” (Ga 3:3), có thể được lặp lại nhiều lần trong suốt cuộc đời của một người. Đây là điều mà các tông đồ và môn đệ đã trải nghiệm trong Lễ Hiện Xuống và chúng ta cũng nên ước ao để biết được ở một mức độ nào đó về “Lễ Hiện Xuống mới” mà Thánh Giáo Hoàng Gioan 23 đã xin Chúa cho toàn thể Giáo Hội khi công bố Công Đồng.

Điều cốt yếu của Lễ Hiện Xuống được hàm chứa trong những lời này ở câu 4 của chương thứ hai sách Tông Đồ Công Vụ “Mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần”. Câu ngắn gọn mà chúng ta đã nghe hàng ngàn lần này có nghĩa là gì? “Tất cả đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần”: được thôi: nhưng Chúa Thánh Thần là gì? Thần học nói đó là tình yêu mà Chúa Cha yêu Chúa Con và Chúa Con yêu Chúa Cha. Chúng ta nói một cách thoải mái hơn: đó là sự sống, sự ngọt ngào, lửa, niềm hạnh phúc tuôn chảy trong Ba Ngôi, bởi vì tình yêu là tất cả những điều này cùng nhau và ở một mức độ vô hạn.

Vì vậy, nói rằng “mọi người đều tràn đầy Chúa Thánh Thần”, cũng giống như nói rằng tất cả mọi người đều tràn đầy tình yêu của Thiên Chúa. Họ đã có một kinh nghiệm tuyệt vời về việc được Thiên Chúa yêu thương. Qua cái chết, Đức Kitô đã phá đổ bức tường ngăn cách tội lỗi và giờ đây tình yêu của Thiên Chúa cuối cùng có thể tuôn đổ trên các tông đồ và các môn đệ, nhận chìm họ trong đại dương bình an và hạnh phúc. Khi nói rằng “tình yêu của Thiên Chúa đã tuôn đổ vào lòng chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng đã được ban cho chúng ta” (Rm 5:5), Thánh Phaolô chỉ mô tả – dưới hình thức tổng hợp hơn là tường thuật – biến cố Lễ Ngũ Tuần, được hiện thực hóa, cho mỗi người, trong lễ rửa tội.

Tình yêu của Thiên Chúa có một khía cạnh khách quan mà chúng ta gọi là ân sủng thánh hóa, hay đức ái được thấm nhuần, nhưng nó cũng bao hàm một yếu tố chủ quan, một tác động hiện sinh, bởi vì nó ở chính bản chất của tình yêu. Chúng ta có khuynh hướng nghĩ tình yêu Chúa Thiên Chúa là một cái gì đó thuần túy khách quan, hay bản thể học, mà người có liên quan không nhận thức được. Không phải như thế. Món quà “trái tim mới” không xảy ra dưới sự gây mê hoàn toàn, giống như những ca cấy ghép tim bình thường! Chúng ta thấy điều đó từ sự thay đổi đột ngột xảy ra nơi các Tông đồ. Không còn sợ hãi, ganh đua, e dè; những người đàn ông mới, sẵn sàng vươn tới và hiến mạng sống của các ngài cho Chúa Kitô.

“Đức mến gây dựng”

Cuộc thảo luận về nhân đức đối thần là đức mến chắc chắn không kết thúc ở điểm này. Đó sẽ là một bài phát biểu dở dang, giống như một protosis, tức là một mệnh đề điều kiện, không được tiếp nối bởi một apodosis, hay một mệnh đề hệ quả. Mệnh đề điều kiện là: “Nếu Chúa yêu chúng ta nhiều lắm…”; thì apodosis, hay mệnh đề hệ quả, phải là: “chúng ta cũng phải yêu mến Ngài và yêu thương nhau”. Nhưng chúng ta có quá nhiều cơ hội để nói về việc thi hành bác ái đến nỗi chúng ta có thể bỏ qua một bên “nghĩa vụ” để chỉ đề cập đến vấn đề “quà tặng”. Do đó, tôi sẽ chỉ giới hạn bản thân mình trong một vài nhận xét ngắn gọn về những tác động xã hội và giáo hội của nhân đức bác ái thần học.

Người ta nói đức ái gây dựng: “Kiến thức thì kiêu căng, nhưng đức mến thì gây dựng” (1 Cr 8:1). Trước hết, nó xây dựng tòa nhà của Thiên Chúa là Giáo hội. “Sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô vì Người là Đầu. Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái.” (Eph 4:15-16).

Bác ái là điều tạo nên thực tại vô hình của Giáo hội, societas sanctorum, hay sự hiệp thông của các thánh, như cách gọi của Thánh Augustinô. Đó là thực tại của bí tích (res Sacramenti), là ý nghĩa của dấu chỉ Giáo hội hữu hình. Thánh Phaolô nói: “Đức ái vẫn còn” (1Cr 13,13). Nó là cái duy nhất còn sót lại. Một khi Kinh thánh, đức tin, hy vọng, các đoàn sủng, các thừa tác vụ và mọi thứ khác chấm dứt, thì đức ái vẫn còn. Mọi thứ sẽ biến mất, như khi giàn giáo được sử dụng để xây dựng được tháo dỡ và tòa nhà xuất hiện trong tất cả vẻ huy hoàng của nó.

Trong một thời gian nhất định, vào thời cổ đại, toàn bộ thực tại của Giáo hội được chỉ định bằng thuật ngữ bác ái đơn giản, agape. Điều này lập tức gợi nhớ đến câu nói nổi tiếng của Thánh Inhaxiô thành Antiôkia: “Giáo hội Rôma là giáo hội chủ tọa đức bác ái (agape)”. Câu này thường được sử dụng khi đề cập đến chức năng ưu việt của Rôma và Đức Giáo Hoàng. Nhưng nó khẳng định không chỉ thực tế về tính ưu việt trong chữ “chủ tọa”, mà còn cả bản chất của nó, hoặc cách thức thực hiện nó “trong tình bác ái”. Đây là điều Giáo hội Rôma đã làm trong những thời điểm tốt đẹp nhất của mình và chắc chắn có ý định làm ngày nay, khi chọn – như trong hiến chế mới Praedicate Evangelium – đối thoại huynh đệ, tính đồng nghị và phục vụ như một phương pháp cai quản.

Tuy nhiên, bác ái không chỉ xây dựng xã hội thiêng liêng là Giáo hội, mà còn cả xã hội dân sự. Trong tác phẩm Thành phố của Chúa, Thánh Augustinô giải thích rằng có hai thành phố cùng tồn tại trong lịch sử: đó là thành phố của Satan, tượng trưng bởi Babylon, và thành phố của Chúa, tượng trưng bởi Giêrusalem. Điều phân biệt hai thực tại là tình yêu khác nhau mà chúng bị lay động. Động cơ thứ nhất là tình yêu vị kỷ dành cho bản thân bị đẩy đến mức khinh thường Thiên Chúa (amor sui usque ad contemptum Dei), động cơ thứ hai là tình yêu Thiên Chúa bị đẩy đến mức khinh miệt chính mình (amor Dei usque ad contemptum sui).

Sự đối lập, trong trường hợp này, là giữa tình yêu Thiên Chúa và tình yêu chính mình. Tuy nhiên, trong một tác phẩm khác, Thánh Augustinô đã sửa chữa một phần sự tương phản này, hoặc ít nhất là cân bằng nó. Sự tương phản thực sự đặc trưng cho hai thành phố không phải là giữa tình yêu Chúa và tình yêu chính mình. Hai tình yêu này, nếu được hiểu một cách chính xác, có thể – và thực sự, phải – tồn tại cùng nhau. Sự tương phản thực sự là giữa nội tại của lòng yêu mến bản thân và tình yêu thiện ích chung hay tình yêu xã hội, mà ngài gọi là amor socialis. Thánh nhân phân biệt lòng yêu mến bản thân với tình yêu duy ngã chỉ nghĩ đến riêng mình, mà ngài gọi là amor privatus. Chính tình yêu riêng mình – tức là tính ích kỷ – đã tạo nên thành phố của Satan, là Babylon, và chính tình yêu xã hội đã tạo nên thành phố của Thiên Chúa, nơi sự hài hòa và hòa bình ngự trị.

Bác ái xã hội được sinh ra trên mảnh đất được Tin Mừng vun tưới, và thật kỳ lạ là trong thời hiện đại, cuộc chinh phục này đã được sử dụng như một lý lẽ để ném vào mặt Kitô giáo. Trong những thế kỷ đầu và trong suốt thời Trung cổ, bố thí là phương tiện tuyệt vời nhất để hành động trong lĩnh vực xã hội và giúp đỡ người nghèo. Đó là một giá trị Kinh thánh và luôn giữ được sự liên quan của nó. Tuy nhiên, nó không còn có thể được đề xuất như một cách thông thường để thực hành tình yêu xã hội, hay tình yêu thiện ích chung, bởi vì nó không bảo vệ phẩm giá của người nghèo và giữ họ trong tình trạng lệ thuộc.

Các chính trị gia và các nhà kinh tế phải khởi xướng các quá trình cấu trúc nhằm giảm bớt khoảng cách tai tiếng giữa một thiểu số người rất giàu và vô số người bị tước quyền thừa kế trên trái đất. Phương tiện thông thường đối với Kitô hữu là tạo ra những điều kiện trong lòng con người để điều này xảy ra. Đối với những người tham gia vào lĩnh vực xã hội, vấn đề là thúc đẩy điều được gọi là “học thuyết xã hội của Giáo hội”. Chẳng hạn, đối với các doanh nhân Kitô giáo, điều đó có nghĩa là tạo ra công ăn việc làm, như Đức Thánh Cha đã nhắc lại trong cuộc gặp gỡ ở Assisi vào tháng 9 năm ngoái, dành cho các nhà kinh tế trẻ, những người được truyền cảm hứng từ giáo huấn xã hội của ngài.

Chỉ có tình yêu mới có thể cứu chúng ta

Trước khi kết thúc, tôi muốn đề cập đến một tác dụng ích lợi khác của nhân đức bác ái đối với xã hội mà chúng ta đang sống. Một tiên đề thần học nổi tiếng nói rằng ân sủng giả định trước bản tính con người, ân sủng không phá hủy bản tính con người, nhưng hoàn thiện nó. Áp dụng cho nhân đức đối thần thứ ba, điều này có nghĩa là bác ái giả thiết khả năng và khuynh hướng tự nhiên của con người là yêu và được yêu. Khả năng này có thể cứu chúng ta ngày nay khỏi một xu hướng đang diễn ra, nếu không được sửa chữa, sẽ dẫn đến một “sự phi nhân hóa” thực sự.

Tôi đã tham gia một cuộc tranh luận công khai ở London cách đây vài năm. Người điều hành đặt ra một loạt câu hỏi cho một số nhà thần học, trong đó có một giáo sư thần học từ Đại học Yale của Mỹ, một giám mục và nhà thần học Anh giáo và tôi. Câu hỏi quan trọng là như sau. Sau khi thay thế khả năng hoạt động của con người bằng robot, kỹ thuật này hiện đang trên đà thay thế khả năng trí tuệ của con người bằng trí tuệ nhân tạo. Như thế, con người còn lại cái gì là của riêng mình và cái gì chỉ dành riêng cho mình? Liệu có còn lý do để xem xét người máy một cách riêng biệt trong vũ trụ? Phải chăng người máy vẫn không thể thiếu, hay không hoàn toàn có hại cho tự nhiên?

Khi đến lượt tôi trả lời, với vốn tiếng Anh kém và hỏng của mình, tôi đã thêm một phản xạ đơn giản. Tôi nói, chúng ta đang làm việc trên một chiếc máy tính biết suy nghĩ: nhưng liệu chúng ta có thể tưởng tượng một chiếc máy tính biết yêu thương, xúc động trước nỗi đau của chúng ta và hân hoan trước niềm vui của chúng ta không? Chúng ta có thể quan niệm về một trí tuệ nhân tạo: nhưng liệu chúng ta có thể quan niệm về một tình yêu nhân tạo không? Có lẽ chính ở đây chúng ta phải đặt để cái cụ thể của con người và thuộc tính bất khả tương nhượng của con người. Đối với một người tin vào Kinh Thánh, có một lý do giải thích sự kiện này: đó là chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, và “Thiên Chúa là tình yêu”! (1 Ga 4, 8).

Bất chấp tất cả những sai lầm và hành vi sai trái của chúng ta, con người chúng ta không – và sẽ không bao giờ – là một điều phiền toái đối với trái đất! Khi kết thúc những suy tư triết học của mình về sự nguy hiểm của công nghệ đối với con người hiện đại, Martin Heidegger, gần như đầu hàng, đã thốt lên: “Chỉ có Chúa mới cứu được chúng ta!” Chúng ta có thể diễn giải rằng: chỉ có tình yêu mới cứu được chúng ta! Tuy nhiên, đó chắc chắn là tình yêu của Chúa chứ không phải tình yêu của chúng ta.

“Một Hài Nhi được sinh ra cho chúng ta”

Bây giờ chúng ta hãy hướng suy nghĩ của mình đến Lễ Giáng Sinh sắp đến với chúng ta. Với sự xuất hiện của Chúa Kitô, dòng sông vĩ đại của lịch sử đã đến chỗ tận cùng và bắt đầu lại ở cấp độ cao hơn. “Cái cũ qua đi, cái mới sinh ra” (2Cr 5,17). “Khoảng trống” lớn ngăn cách Thiên Chúa với con người, Đấng Tạo Hóa với tạo vật đã được lấp đầy. Không phải vô ích mà từ đó trở đi, lịch sử nhân loại được chia thành “trước Chúa Kitô” và “sau Chúa Kitô”.

Có những hình ảnh Giáng Sinh ngây ngô nhưng lại mang ý nghĩa sâu sắc. Trong đó, chúng ta thấy Chúa Giêsu Hài Đồng, đi chân trần, tuyết phủ quanh chân và cầm chiếc đèn lồng trên tay, vào ban đêm, sau khi gõ cửa, Ngài đang đợi trước một cánh cửa. Những người ngoại đạo tưởng tượng tình yêu như một đứa trẻ mà họ đặt tên là Eros. Đó là một đại diện mang tính biểu tượng, một thần tượng. Chúng ta biết rằng tình yêu đã thực sự trở thành một đứa trẻ; rằng bây giờ tình yêu là một thực tế, một sự kiện, thực sự là một con người. “Tình yêu của Chúa Cha đã hóa thành nhục thể”, vì thế một tác giả ở thế kỷ thứ hai đã diễn giải câu của Phúc Âm Thánh Gioan 1:14. Tình yêu thực sự trở thành một hài nhi: hài nhi Giêsu.

“Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3:21). Chúng ta hãy mở cửa trái tim cho Hài Nhi đang gõ cửa. Tôi nghĩ rằng, điều đẹp đẽ nhất mà chúng ta có thể làm vào Lễ Giáng Sinh không phải là dâng một cái gì đó cho Thiên Chúa, nhưng là đón nhận với sự kinh ngạc ân sủng là Con Ngài mà Thiên Chúa Cha ban cho thế giới.

Truyền thuyết kể rằng trong số những mục đồng đến gặp Chúa Hài Đồng vào đêm Giáng Sinh, có một cậu bé chăn cừu nghèo đến nỗi không có gì để dâng Đức Mẹ, cậu xấu hổ đứng sang một bên. Mọi người tranh nhau tặng Đức Maria món quà của họ. Đức Mẹ không thể đón nhận tất cả, vì phải bồng Chúa Hài Đồng trên tay. Nhìn thấy cậu bé chăn cừu bên cạnh với hai bàn tay trắng, cô liền ẵm Hài Nhi và đặt Hài nhi vào vòng tay cậu bé chăn cừu nghèo. Không có gì trong tay lại đem đến may mắn cho anh ấy. Hãy biến may mắn này thành của chúng ta nữa nhé!

Chúng ta hãy cùng hòa vào sự ngạc nhiên và hân hoan của phụng vụ được lặp lại vào Lễ Giáng Sinh – như một sự kiện đã hoàn thành và những lời của ngôn sứ Isaia (9:5) không còn là một lời tiên tri đơn thuần:

Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta,

một người con đã được ban tặng cho ta.

Người gánh vác quyền bính trên vai,

danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh,

người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình

Chúc mừng Giáng Sinh đến Đức Thánh Cha và tất cả anh chị em!

1. Aristotle, Siêu hình học, XII, 7, 1072b

2. Henri de Lubac, Histoire et Esprit, Aubier, Paris 1950, tr. v.v.

3. Giacomo Leopardi, The Infinite (Bản dịch của Henry Reed).

4. Ignace of Antioch, Thư gửi tín hữu Rôma.

5. Augustinô, De civitate Dei, 14,28.

6. Augustinô, De Genesi ad litamam, 11, 15, 20 (PL 32, 582).

7.Cf. Tommaso d'Aquino, S.Th. Chỉ số thông minh. 2. một. 2 ad 1 (gratia [praesupponit] naturam”); Chỉ số thông minh. 1, một. 8, ad 2 (gratia non tollit naturam, sed perficit).

8.Martin Heidegger, Antwort. Martin Heidegger im Gespräch, Gesamtausgabe, tập. 16, Frankfurt 1975.

9. Evangelium Veritatis, 23.
Source:Cantalamessa